Hôm nay,  

Ba Mươi Năm, Nhìn Tới

28/04/200500:00:00(Xem: 5586)
Kể từ khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) chiếm được Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm 1975 cho đến nay, vừa tròn 30 năm. Nhiều người đã viết bài nhìn lui, nhìn lại. Nay chúng ta thử đặt vấn đề nhìn tới, sau 30 năm chấm dứt chiến tranh.
1.- BIẾN CHUYỂN TRONG TRANH CHẤP QUỐC CỘNG
Trong khi tranh đấu chống thực dân Pháp, từ đầu thế kỷ 20, giữa nội bộ của người Việt Nam, đã tách ra hai khuynh hướng chính trị rõ nét: đó là khuynh hướng Quốc gia truyền thống và khuynh hướng Quốc tế cộng sản. Việc tách ra thành hai khuynh hướng chính trị nầy bắt đầu từ khi ông Hồ Chí Minh (dưới tên Lý Thụy) vâng lệnh Đệ tam Quốc tế, từ Liên Xô đến Trung Hoa hoạt động lần đầu vào cuối năm 1924, với tư cách là thông ngôn thuộc phái bộ Borodin của Liên Xô, giúp Trung Hoa trong giai đoạn quốc cộng liên hiệp lần thứ nhất.
Vừa có mặt ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh liền hợp tác với Lâm Đức Thụ bán tin cho Pháp, để Pháp bắt Phan Bội Châu năm 1925 tại Thượng Hải. (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung quốc, Nxb. Văn Nghệ, California, tt. 84-85.) Hồ Chí Minh bán Phan Bội Châu vừa để có tiền hoạt động, vừa giành lấy vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của cụ Phan, và giành luôn các tổ chức cũng như những người Việt Nam yêu nước chống Pháp đang hoạt động ở Trung Hoa. Năm 1930, theo lệnh Đệ tam Quốc tế, Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), rồi đổi thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) do Trần Phú làm tổng bí thư đầu tiên.
Từ đó, đảng CSĐD luôn luôn tìm cách tiêu diệt các đảng phái và các lãnh tụ Quốc gia một cách tàn bạo. Ví dụ khi Nguyễn Thái Học quyết định khởi nghĩa năm 1930, đảng CSĐD đã rải truyền đơn tố cáo cho Pháp biết dự tính bí mật của Việt Nam Quốc Dân Đảng, để cho Pháp chận bắt các lãnh tụ VNQDĐ. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Sài Gòn 1970, tr. 108.) Đến năm 1945, ngay khi vừa cầm quyền, CSĐD liền bắt giết và thủ tiêu tất cả những nhà chính trị không đồng chính kiến và những nhà lãnh đạo các đảng phái khác ở tất cả các cấp, từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, và xuống cả cấp huyện xã.
Hiện nay, ở trong nước, CSVN tiếp tục quấy nhiễu, ngược đãi, bắt bớ, giam cầm, đày ải, tất cả những ai không đồng chính kiến với CSVN, từ những nhà hoạt động dân chủ, đến những tu sĩ đòi tự do tôn giáo, những nhà văn, những nhà thơ độc lập, vì họ dám công khai tranh đấu bất bạo động theo phương thức dân chủ Tây phương.
Tất cả những điều nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng CSVN không bao giờ chấp nhận cùng tồn tại với các đảng phái chính trị khác, mà CSVN luôn luôn muốn tiêu diệt các đảng khác, tiêu diệt các nhà chính trị không cộng sản, để độc tôn quyền lực, trừ trường hợp đảng CS yếu thế, hoặc cần lợi dụng người khác để phục vụ quyền lợi của đảng CS. Vì vậy, các đảng khác phải luôn luôn ở tư thế đề phòng và tranh đấu chống cộng để tồn tại.
Trong cuộc tương tranh Quốc Cộng, đảng CSVN theo ý thức hệ Mác-xít, và được sự yểm trợ của khối Cộng sản Quốc tế, từ Liên Xô, Trung Cộng đến các nước Đông Âu. Trong thế bắt buộc tự bảo vệ, các khuynh hướng Quốc gia phải liên kết với Pháp, rồi với Hoa Kỳ để chống CS. Do đó, cuộc tranh chấp Quốc-Cộng được đẩy lên tầm vóc quốc tế, nhất là khi các nước Âu Mỹ đưa ra khẩu hiệu Việt Nam là tiền đồng chống cộng. Người Quốc gia phải chiến đấu để sinh tồn, để khỏi bị cộng sản tiêu diệt, chứ người Quốc gia không nhận sự uỷ nhiệm của bất cứ cường quốc nào, nên không thể gọi các cuộc chiến vừa qua là "cuộc chiến uỷ nhiệm".
Đến năm 1975, sau khi chiến cuộc chấm dứt, CSVN áp đặt chế độ độc tài đảng trị trên toàn quốc. Điều 4 chương 1 Hiến pháp năm 1992 của chế độ hiện nay trong nước khẳng định như sau: "Đảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật." Điều 4 nầy đã đặt đảng CSVN đứng trên hiến pháp, và mọi quyền hành trong nước đều nằm trong tay đảng CSVN vì "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ".
Không riêng gì đảng CSVN, mà với tất cả các nước khác trên thế giới, độc tài độc đảng, không sinh hoạt dân chủ, luôn luôn đưa đến chuyên chế, áp bức, vi phạm dân quyền và nhân quyền. Do đó, muốn cho dân tộc hưởng được tự do dân chủ, thì người Việt Quốc gia phải tiếp tục tranh đấu ở trong nước cũng như ở hải ngoại, để chống lại nền độc đảng, đòi hỏi đa đảng đa nguyên, nên cuộc tranh chấp Quốc-Cộng vẫn còn tiếp diễn, không còn ở dạng súng ống chiến tranh, nhưng chuyển đổi qua tranh đấu chính trị.
Một kinh nghiệm lịch sử cần ghi nhận ở đây là từ năm 1945 cho đến năm 1975, đảng CSVN, với nhiều tên gọi khác nhau trong nhiều giai đoạn khác nhau, đã ký kết nhiều hiệp ước, nhưng đảng CSVN không bao giờ tôn trọng những hiệp ước họ ký kết. Đối với đảng CSVN, những hiệp ước nầy chẳng qua để giúp họ tạm thời nghỉ ngơi, dưỡng sức, loại bớt những chướng ngại về phía đối phương, rồi khi đủ điều kiện, lại tiếp tục con đường của đảng, bất kể những điều họ cam kết.
2.- VINH QUANG VÀ CAY ĐẮNG
Khi thẩm định giá trị của một biến cố lịch sử, nhất là một cuộc đảo chánh, hay cách mạng, người ta thường dựa vào tình trạng xảy ra tiếp theo sau biến cố đó, hay cuộc cách mạng đó. Ví dụ trong lịch sử Việt Nam, nhiều cuộc đảo chánh cung đình xảy ra. Có những cuộc đảo chánh được khen ngợi, nhưng có những cuộc đảo chánh bị chê bai. Cuộc đảo chánh của nhà Trần (lật đổ nhà Lý năm 1225) được khen ngợi, dầu Trần Thủ Độ đã hành động rất tàn bạo đối với nhà Lý, vì sau đó nhà Trần đã giữ vững giang sơn chống ngoại xâm, và làm cho dân giàu nước mạnh một thời gian. Ngược lại, cuộc đảo chánh của nhà Mạc (lật đổ nhà Lê trung hưng năm 1527) bị chê trách, vì bị mang tiếng cắt đất cho nhà Minh…
Biến cố ngày 30-4-1975 đánh dấu sự thành công của VNDCCH đối với VNCH. Tuy nhiên, sau khi một mình cai trị trên toàn quốc, với chính sách kinh tế chỉ huy lỗi thời, đảng CSVN đã đưa đất nước đến chỗ nghèo đói, chậm tiến. Gần đây, bài thuyết trình của tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong cuộc họp ngày 2-11-2004 của Bộ chính trị Trung ương đảng CSVN cho thấy rõ điều nầy. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, một chuyên gia kinh tế cấp cao của nhà nước Việt Nam hiện nay, đã từng làm cố vấn cho các lãnh tụ CSVN như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… Bài thuyết trình của ông Lê Đăng Doanh đã được đưa lên mạng lưới thông tin quốc tế trong những ngày gần đây, được rất nhiều người đọc, nên xin miễn nhắc lại ở đây. Có thể nói bài nầy là lời tự thú của một nhà lãnh đạo kinh tế Việt Nam về thực trạng của một nước hòa bình từ 30 năm qua, tự cho là ổn định chính trị, mà mức thâu nhập bình quân đầu người năm 2004 chỉ khoảng bằng 2/3 của mức nghèo đói do Liên Hiệp Quốc quy định là 735 Mỹ kim.
Những bài nghiên cứu về chế độ CSVN hiện nay khá nhiều, nhưng đa số đều do người nước ngoài, hoặc do người Việt Nam ngoài nước viết, nên có thể bị mang tiếng là tuyên truyền xuyên tạc. Trong khi đó, ông Lê Đăng Doanh là một nhân vật có thẩm quyền ở trong nước, nói chuyện bộc trực trước Bộ chính trị đảng CSVN là những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CSVN, nên có một giá trị riêng của bài viết. Ông Lê Đăng Doanh tản mạn trong nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng ông dựa trên những con số thống kê chính thức của nhà CSVN lâu nay được giấu kín, đã phơi bày rõ ràng thực trạng của chế độ CSVN hiện nay, tham nhũng, thối nát, cửa quyền, dân chúng nghèo đói… Bài nầy đã được đưa lên mạng lưới thông tin quốc tế cả tháng nay, mà ông Lê Đăng Doanh không đính chánh có nghĩa là đúng bài của ông, chứ không phải bài ngụy tạo.
Ông Lê Đăng Doanh có nhắc đến áp lực Trung Quốc, nhưng ông Doanh không nói đến việc đảng CSVN nhượng cho Trung Quốc thác Bản Giốc, vùng đèo ải Nam Quan và khoảng 10% diện tích vịnh Bắc phần. Hành động nầy của đảng CSVN tệ hại hơn cả hành động Mạc Đăng Dung năm 1540. Lịch sử đã lên án Mạc Đăng Dung, thì chắc chắn sau nầy, lịch sử sẽ lên án đảng CSVN.
Một kinh nghiệm lịch sử khác còn cho thấy khi người Mông Cổ hay người Mãn Châu vào chiếm Trung Hoa, thì chính người Mông Cổ và người Mãn Châu bị Trung Hoa đồng hóa và dần dần bị triệt tiêu. Trường hợp Việt Nam năm 1975 cũng vậy. Bắc Việt vào xâm lăng Nam Việt, nhưng cuối cùng Bắc Việt bị đồng hóa theo Nam Việt. Bằng chứng là sau khi vào miền Nam năm 1975, người CS bỏ dép râu, bỏ nón cối, bỏ đại cán, để theo y phục miền Nam; bỏ những bài hát eo éo lanh lãnh theo làn điệu Bắc Kinh, để nghe nhạc miền Nam; bỏ những bài "thơ" Tố Hữu để đọc thơ Bùi Giáng; và có người bỏ cả đảng CSVN để đòi hỏi tự do dân chủ như miền Nam. Cuộc đồng hóa nầy càng ngày càng mở rộng và hiện đang còn tiếp diễn…
Qua những kết quả trong công cuộc cai trị của đảng CSVN sau năm 1975, nếu đảng CSVN tự cho rằng cuộc chiến thắng năm 1975 là vinh quang, thì vinh quang nầy của đảng CSVN đã đem nhiều cay đắng ê chề cho dân tộc Việt, và mãi đến ngày hôm nay người Việt Nam vẫn còn dư vị đắng cay do tình trạng xã hội bi đát hiện nay ở trong nước. Không biết khi kỷ niệm chiến thắng miền Nam, CSVN có kỷ niệm luôn thành tích đã đưa Việt Nam, một nước giàu có ở Đông Nam Á, với một dân tộc thông minh, cần cù, chỉ đạt được mức sống bằng 2/3 người nghèo trên thế giới hay không"
Ngoài ra, Quân đội Nhân dân Việt Nam, tức bộ đội cộng sản Bắc Việt, những người thường tự hào đã đem lại vinh quang cho tổ quốc trong chiến tranh, cảm thấy cay đắng và tủi hổ hơn ai hết và hơn bao giờ cả, vì sự sai lầm của đảng CSVN đã đưa bộ đội tiến đánh miền Nam, "chống Mỹ cứu nước", khiến khoảng hơn một triệu đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm xuống, nay cũng chính đảng CSVN lại "rước Mỹ cứu nước".
3.- CAY ĐẮNG VÀ VINH QUANG
Biến cố ngày 30-4-1975 gây thất vọng và đau thương cho người Việt Quốc gia. Ngay sau biến cố nầy và vài tháng kế tiếp, khoảng 150,000 người bỏ nước ra đi, trong đó 130,000 qua Hoa Kỳ, 20,000 đến các nước Âu Châu và các nước khác. Từ đó nhiều đợt vượt biên tiếp diễn. Theo tài liệu được đưa ra năm 2000 của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees), số người ra đi bằng đường biển và đường bộ từ năm 1975 đến năm 1995, đến tạm cư các nước thứ ba và được đi định cư lên đến 989,100 người. ("Giao Chỉ, "Lịch sử 30 năm định cư tỵ nạn 1975-2005", nhật báo Người Việt Online, ngày 1-4-2005.) Đó là chưa kể những người đến được các nước thứ ba mà bị trả, về và chưa kể những người tử nạn trên bước đường vượt biên, không thể thống kê chính xác được. Người ta phỏng chừng có khoảng từ 400,000 đến 500,000 thuyền nhân bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc bắt giết. Chính sự ra đi ồ ạt bất chấp mạng sống để tìm tự do và những thảm cảnh trên đường vượt biên đã đánh động lương tâm thế giới, khiến nhiều nước mở rộng cánh cửa đón nhận người Việt tỵ nạn đến định cư. Ngoài ra còn có những người ra khỏi nước chính thức bằng đường hàng không theo nhiều chương trình khác nhau, như "Chương trình ra đi có trật tự" (Orderly Departure Program viết tắt O. D. P.) , "Chương trình HO" (The Special Released Reeducation Center Detainee Resettlement Program tức Chương trình tái định cư cựu tù cải tạo được phóng thích). Cuối cùng, trong số những người đi theo chương trình xuất khẩu lao động qua Đông Âu của nhà nước CSVN, có một số người đã từ bỏ chủ nghĩa CS, từ bỏ đảng CSVN, vượt thoát qua Tây Âu sau khi các nước CS Đông Âu và Liên Xô sụp đổ.
Đại đa số những người Việt ra nước ngoài sau năm 1975 đã họp thành Cộng đồng người Việt Quốc gia hải ngoại (CĐNVQGHN), theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhiều đảng phái chính trị khác nhau, vì đó là đặc tính sinh hoạt dân chủ, nhưng tất cả đều dựa trên nền tảng tinh thần dân tộc, dân chủ và tôn trọng sự khác biệt của nhau. Ngoài ra, cũng có một thiểu số vì những liên hệ riêng tư, hoặc vì những hợp tác làm ăn, đi về kinh doanh trong nước, nên không tỏ rõ lập trường chính trị vì sợ bị CSVN trù dập.
Năm 1975, CSVN có thể đuổi người Việt ra khỏi nước Việt Nam, nhưng CSVN không thể đuổi nước Việt Nam ra khỏi trái tim và khối óc của người Việt. Vì vậy, sau khi tạm ổn định cuộc sống, CĐNVQGHN lại quay nhìn về cố hương, và tiếp tục cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài đang thao túng đất nước. Trong cuộc tranh đấu nầy, đôi khi cũng có những hiện tượng chia rẽ, quá khích, làm hại cho sự đoàn kết trong cộng đồng, nhưng một đặc điểm nổi bật rất dễ thấy là khi xuất hiện những biểu hiện của CSVN, thì lập tức CĐNVQGHN rất đoàn kết để cùng nhau chống cộng. Ví dụ rõ nét gần đây là sự thành công ngoạn mục của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu trong cuộc tranh đấu đòi hỏi chấm dứt chương trình truyền hình "Thời sự" của đài truyền hình VTV4 của CSVN trên đài SBS-TV của Úc Châu cuối năm 2003.
Với bản lãnh sẵn có của người Việt, lại được thử thách khắc nghiệt trên bước đường vượt biên, và những cố gắng không ngừng khi xây dựng đời sống mới tại xứ người, CĐNVQGHN đã hội nhập thành công vào xã hội mới ở những nước định cư, và đã đóng góp tích cực để trả ân cho những nước đã cho mình dung thân. Nhiều cá nhân xuất sắc Việt Nam xuất hiện trong mọi lãnh vực, mọi ngành nghề khắp nơi trên thế giới, từ thương mại, kỹ nghệ, khoa học, văn hóa, và đến cả những hoạt động chính trị chính dòng tại địa phương.

Sự thành công nầy được ghi nhận cụ thể trong chiến dịch Cờ vàng hiện đang tiếp diễn tại Hoa Kỳ. Nhiều thành phố, quận hạt, tiểu bang đã ra nghị quyết công nhận Cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt Quốc gia là biểu tượng chính nghĩa của Cộng đồng người Việt hải ngoại. Bắt đầu từ thành phố Westminster ở California với nghị quyết số 3750 ngày 19-2-2003, cho đến nay (tháng 5-2005), biểu tượng chính nghĩa của người Việt Quốc gia đã được thừa nhận tại 8 tiểu bang (Louisiana, Hawaii, New Jersey, Virginia, Colorado, Florida, Texas và Oklahoma), 3 quận hạt (Santa Clara ở California, Fairfax ở Virginia, Pierce ở Washington State), khoảng 70 thành phố ở 25 tiểu bang Hoa Kỳ.
Sau đây là nghị quyết điển hình trong chiến dịch Cờ vàng do Hội đồng thành phố San Jose (California) mới công bố chiều 19-4-2005:
Xét Rằng: Ba mươi năm trước, sau khi chiến cuộc Việt Nam kết thúc, những người tỵ nạn và di dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ định cư thành những người Mỹ gốc Việt tự do được vinh danh và ghi nhớ bởi những hy sinh của họ cho tự do, nhân quyền và những đóng góp tiếp tục cho xã hội dân chủ của chúng ta; và
Xét Rằng: Từ năm 1975, San José đã là nơi cư ngụ của một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ và cộng đồng này đã trở thành một yếu tố đáng kể trong nền văn hóa đa dạng, phong phú mà tất cả cư dân của toàn thể cộng đồng chúng ta; và

Xét Rằng: Lá cờ của Việt Nam trước đây, gồm ba sọc đỏ trên nền vàng, biểu tượng cho lịch sử và văn hóa dài lâu của Việt Nam, và rất nhiều người Mỹ gốc Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhớ và vinh danh lá cờ này như là biểu tượng của người Việt tự do và cuộc chiến đấu của họ; và
Xét Rằng: Chúng ta tưởng nhớ ba thập kỷ những thành đạt của người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ và ở San José, và đón mừng những đóng góp đã làm tăng sức mạnh của cộng đồng chúng ta và ca ngợi sự quyết tâm của họ vào những nguyên tắc dân chủ, công lý, và khoan dung, những nguyên tắc nền tảng mà đất nước chúng ta đã được xây dựng;
NAY, DO ĐÓ, tôi, Ron Gonzales, Thị Trưởng của San José, cùng với Phó Thị Trưởng Cindy Chavez, các Nghị Viên Nancy Pyle và Chuck Reed cùng với các bạn đồng viện trong Hội Đồng Thành Phố, trong ngày 19 tháng Tư 2005, đồng quyết nghị tuyên dương cộng đồng người Mỹ gốc Việt với thành quả 30 Năm Thành Đạt Ở Hoa Kỳ và ở San José, và hơn nữa Thành Phố San José công nhận lá cờ trước đây của Việt Nam là biểu tượng của Việt Nam tự do của rất nhiều cư dân của chúng ta. [Đồng ký tên] (Trích Vietnam News Network, ngày 20-4-2005).
4. THẾ LỰC ĐỐI KHÁNG VỚI CHẾ ĐỘ TRONG NƯỚC
Hiện nay, CĐNVQGHN lên đến trên 2 triệu người. Lúc đầu, ngay sau năm 1975, CSVN đã mạt sát những người vượt biên là "chạy theo Mỹ ngụy, ma cô, đĩ điếm". Ngày nay CSVN đổi âm điệu là "khúc ruột ngàn dặm". Điều nầy chứng tỏ CSVN mặc nhiên xác nhận sức mạnh thực tế của người Việt Quốc gia hải ngoại. Cũng vì lo ngại sức mạnh của CĐNVQGHN, Bộ chính trị đảng CSVN đã ra Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 để đánh lừa người Việt ở nước ngoài về hợp tác. Vì không tổ chức thành một khối thống nhất như một đảng phái chính trị, sức mạnh CĐNVQGHN khó nhận biết cụ thể được phát xuất từ đâu, có thể nói gần như là vô hình vô tướng, nhưng sức mạnh nầy có thật, không thể phủ nhận, và sức mạnh nầy được thể hiện rõ qua những thành quả kinh tế, văn hóa, giáo dục, và chính trị của CĐNVQGHN.
Về kinh tế, ngay từ khi mới đến định cư xứ người, người Việt hải ngoại đã hết sức giúp đỡ đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng từ đầu thế kỷ 21 đến nay, mỗi năm người Việt hải ngoại gởi về khoảng trên 2 tỷ Mỹ kim để yểm trợ gia đình (con số của nhà nước Hà Nội). Gia đình là đơn vị căn bản trong xã hội Việt Nam, nên giúp đỡ gia đình đồng nghĩa với giúp đỡ xã hội.

Thứ hai, người Việt Quốc gia hải ngoại rất thành công trong hoạt động văn hóa giáo dục. Nhờ môi trường thích hợp, số lượng khoa học gia, bác sĩ, chuyên viên kỹ thuật Việt Nam tại các nước định cư càng ngày càng nhiều, từ đó làm tăng uy thế CĐNVQGHN trong xã hội những nước định cư và trên thế giới. Hoạt động bảo lưu văn hóa dân tộc ở hải ngoại của người Việt rất đa dạng và phong phú, nhờ tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng được triệt để tôn trọng tại các nước định cư. Văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật là chìa khóa để tiến bộ. Nước nào cũng quý trọng chất xám, trừ CSVN, chỉ cần những người biết vâng lời hơn là biết suy nghĩ.
Thứ ba, về chính trị, khi mới ra nước ngoài, nhiều tổ chức phục quốc muốn trở về quang phục quê hương bằng võ lực, nhưng rất tiếc không thành công. Sau đó, CĐNVQGHN chuyển hướng hoạt động, không còn nghĩ đến chuyện võ trang chống CSVN, và tập trung vận động chính trị, tiếp tục theo dõi tỷ mỹ tin tức chính trị trong nước, gần như giám sát hoạt động của chế độ CSVN.
Áp lực quốc tế đối với CSVN thường bắt nguồn từ sự lên tiếng của CĐNVQGHN. Sự lên tiếng ở ngoài nước còn giúp thông báo ngược lại tin tức cho dân chúng ở trong nước. Trong nước. hiện nay báo chí bị bóp nghẹt, không được đăng tải những tin tức chính trị bất lợi cho chế độ cộng sản. Nhờ sự thông tin từ hải ngoại, dân chúng trong nước có thể nghe qua các đài BBC, VOA. RFA, RFI, hoặc theo dõi mạng lưới thông tin quốc tế (Internet). Ví dụ việc CSVN nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc vào cuối thế kỷ qua là một tội lỗi lịch sử "trời không dung, đất không tha" (từ ngữ của CSVN), mà trong nước ít ai biết. Đến khi những thông tin từ trong nước lọt ra ngoài, CĐVNQGHN lên tiếng phản ứng mạnh mẽ khắp thế giới, truyền thanh truyền hình, báo chí điện tử rộng rãi, thì đại đa số dân chúng trong nước mới biết được.
Đến dây, chúng ta thử so sánh với một nước có hoàn cảnh hơi giống nước ta là Triều Tiên. Triều Tiên bị chia hai năm 1953. Phía bắc do đảng Cộng Sản cai trị, phía nam theo thể chế dân chủ tự do. Người Triều Tiên hải ngoại đều theo khuynh hướng tự do dân chủ, nên chỉ hướng về Nam Triều Tiên. Bắc Triều Tiên cộng sản hầu như không có cộng đồng ở hải ngoại.
Vì không có cộng đồng ở hải ngoại, nên không có ai tiếp tế cho dân chúng Bắc Triều Tiên, và Bắc Triều Tiên đã lâm vào nạn đói trầm trọng vào đầu thế kỷ 21 nầy. Trong trường hợp Việt Nam, nếu không có CĐNVQGHN tiếp tế từ năm 1975 cho đến nay, thì chắc chắn dân chúng Việt Nam sẽ không thoát khỏi nạn đói như Bắc Triều Tiên, vì khi hết chiến tranh, các nước cộng sản trên thế giới chẳng những ngưng viện trợ cho CSVN, mà còn đòi CSVN phải trả nợ đã vay trong thời kỳ chiến tranh. Chính vì phải đem gạo trả nợ chiến tranh cho Trung Cộng sau năm 1975 mà Việt Nam, một trong những nước sản xuất gạo nhiều nhất thế giới, xảy ra nạn thiếu gạo trầm trọng, khiến dân chúng phải ăn bo bo, một thời gian khoảng 10 năm (1975-1985), còn bột mì do các tổ chức nhân đạo quốc tế cứu trợ thì CSVN đem ra bán cho dân chúng.
Từ thập niên 80, Liên Xô đưa ra chính sách đổi mới. Bắc Triều Tiên nằm sát Liên Xô, nhưng ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung, 1912-1994) vẫn khóa chặt thông tin, đóng cửa kín mít, nên mới duy trì được chế độ độc tài toàn trị cha truyền con nối trong thời đại dân chủ nầy. Tại Việt Nam, đảng CSVN cũng muốn bưng bít, đóng cửa để độc tài như cha con ông Kim Nhật Thành, nhưng CSVN không làm được, vì cánh cửa thông tin của CĐNVQGHN.
So sánh như thế để thấy rõ tuy không trực tiếp hoạt động trong nước, không tổ chức lực lượng võ trang để chống CSVN, và không tổ chức thành một đảng phái chính trị duy nhất như CSVN, nhưng CĐNVQGHN ảnh hưởng mạnh đến những sinh hoạt trong nước, từ văn hóa, chính trị, kinh tế, đến đời sống, và trở thành một thế lực chính trị đối kháng với CSVN. Ngày nay, lá cờ chính nghĩa của CĐNVQGHN tung bay ngạo nghễ khắp năm châu, trong khi lá cờ đỏ của CSVN khép nép nằm im trong các tòa đại sứ hay lãnh sự của chế độ nầy mà thôi.
Cộng đồng người Việt Quốc gia hải ngoại còn là hậu cứ khuyến khích, hỗ trợ những nhà hoạt động dân chủ trong nước đòi hỏi CSVN phải thay đổi chính trị. Thật sự mà nói, nếu không có sự lên tiếng, hỗ trợ, vận động của CĐNVQGHN, thì những nhà vận động dân chủ trong nước rất dễ bị CSVN bóp nghẹt, vì trong nước không có tự do báo chí, nên hầu như không ai biết đến những hoạt động của họ.
5.- THẬN TRỌNG TRƯỚC NHỮNG THAY ĐỔI CỦA CSVN
Hoàn cảnh ngày nay có nhiều điểm khác với các giai đoạn trước đây. Thứ nhất, phương tiện truyền thông ngày nay rất tiến bộ, nên CSVN khó bưng bít hành động của họ. Vì khó bưng bít nên CSVN khó tuyên truyền xuyên tạc hơn, khó độc tài hơn. Bất cứ một biến động chính trị nào xảy ra ở trong nước thì ngay lập tức, cả thế giới biết ngay. Nói như thế không có nghĩa là đảng CSVN từ bỏ bàn tay sắt của họ. Kỹ thuật hành xử độc tài của CSVN thay đổi tinh vi hơn trước. Ví dụ ngày nay họ không thủ tiêu kiểu năm 1945, nhưng họ dàn xếp những tai nạn gây tử vong cho những người mà họ cần tiêu diệt, như vụ tai nạn ni sư Thích Trí Hải trong năm vừa qua.
Thứ hai, sau những thất bại của chính sách kinh tế chỉ huy, CSVN mở cửa về kinh tế để tự cứu nguy, dầu vẫn giữ "định hướng xã hội chủ nghĩa" và vẫn giữ chế độ độc tài độc đảng. Từ thập niên 90, nước Việt Nam thay đổi hẳn bộ mặt bên ngoài. Thành phố phát triển, xe cộ đông đúc, đường sá sửa sang, một lớp tư sản mới, nhất là "tư bản đỏ" xuất hiện. Lớp "tư bản đỏ" và tư sản mới được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, thao túng toàn bộ các sinh hoạt kinh tế.
Do đó, hình thức bề ngoài ở Việt Nam hiện nay xem ra khá phồn vinh, nhưng đây chỉ là "phồn vinh giả tạo" (từ ngữ của CSVN). Nhiều người lầm tưởng CSVN đã nới rộng tự do, nhưng thực chất CSVN vẫn giữ độc tài đảng trị để CSVN nắm độc quyền bóc lột, tham nhũng, hối lộ, độc quyền chia chác tài sản nhà nước như dầu hỏa, đất đai. Hiện nay, các cấp lãnh đạo cao cấp CSVN chia nhau phần lớn lợi tức dầu hỏa, và lấy đất đai, nhất là đất ở các thành phố lớn, trả công cho đảng viên và bộ đội nòng cốt. (Nếu những cán bộ nầy không có tiền xây dựng nhà cửa, thì bán lại hoặc chia cổ phần với các công ty nước ngoài để xây dựng...) Ngoài ra, tham nhũng và hối lộ là quốc sách của CSVN để nuôi dưỡng và mua chuộc cán bộ.
Trong khi đó, đại đa số dân chúng, nhất là dân chúng nông thôn, vẫn nghèo khó, lợi tức thấp, mức sống thấp. Cách biệt giàu nghèo giữa những người dân trong thành phố, giữa dân thành phố và dân nông thôn lên rất cao. Năm 2004, lợi tức trung bình hàng năm của CHXHCNVN khoảng 450 Mỹ kim đầu người, so với mức thu nhập thấp (tức nghèo đói) do Liên Hiệp Quốc quy định là 735 Mỹ kim. Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết năm 2003, lợi tức bình quân của người Việt chỉ bằng 1/2 người Trung Quốc, 1/10 người Chí Lợi (Chile) và 1/100 người Na Uy (Norway). (Philip Taylor [Úc], "Nhận định về bất bình đẳng ở Việt Nam", BBC-Vietnamese, 4-4-2005.)
Gần đây, một số người Việt ở hải ngoại trở về nước, nhất là một số thanh niên chưa biết kinh nghiệm cộng sản, chỉ thăm viếng các thành phố lớn, du lịch những danh lam thắng cảnh, theo kiểu "cởi ngựa xem hoa", nhìn thấy những thay đổi biểu kiến bề ngoài của các thành phố Việt Nam, cho rằng đất nước đã "tiến bộ", và ngày nay Cộng Sản không còn là Cộng Sản nữa.
Có lẽ những người nầy không về nông thôn để nhận thấy sự nghèo cực xơ xác của dân chúng nông thôn. Tại thành phố, họ cũng không chú ý rằng nạn thất nghiệp tràn đầy; nền giáo dục, căn bản xây dựng tương lai đất nước, đang xuống cấp thê thảm. Hiện nay trên mấy trăm tờ báo ở trong nước đều là báo "quốc doanh" dưới sự "chỉ đạo" của các cơ quan nhà nước, nghĩa là chưa có tự do ngôn luận; các cuộc bầu cử xem ra đúng theo thủ tục dân chủ, nhưng hoàn toàn do Mặt trận Tổ quốc (một tổ chức vệ tinh của đảng CSVN) đạo diễn, nghĩa là chưa có tự do chính trị; không có một hội đoàn hay đảng phái tư nhân được thành lập, nghĩa là không có tự do sinh hoạt, lập hội; các tôn giáo bị đàn áp, các tu sĩ bị bắt bớ, quản chế, giam lỏng, nghĩa là chưa có tự do tôn giáo... Đó là lý do mà một số người ca tụng Việt Nam ngày nay "tiến bộ", nhưng không ai dám về sống hẳn ở Việt Nam cả.
Nói tóm lại, hiện nay, đảng CSVN đang tạo cho xã hội Việt Nam có bộ mặt tự do bề ngoài, nhưng thật ra là chỉ là những tự do xa xỉ không cần thiết như tự do hối lộ, tự do tham nhũng, tự do đĩ điếm, tự do thất nghiệp, tự do ăn nhậu... trong khi dân chúng đang cần những tự do thiết yếu như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do chính trị, tự do tư tưởng, tự do văn hóa... thì không có, như một nữ sinh viên ở San Diego (California) đã rất lễ phép thưa với bà Tôn Nữ Thị Ninh, khi bà xuất hiện du thuyết tại viện đại học thành phố nầy vào năm 2004.
6.- CƯƠNG QUYẾT TIẾP TỤC TRANH ĐẤU CHO TỰ DO DÂN CHỦ
Ngày 21-3-2005, đại sứ Marine, đại diện chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh cáo người Mỹ gốc Việt không nên về nước hoạt động chống chế độ Hà Nội, vì nếu bị bắt thì chính phủ Hoa Kỳ không can thiệp. Lời nói nầy chẳng qua để chận đứng những hoạt động cá nhân người Mỹ gốc Việt có thể cản trở, phá rối công việc bang giao cùng có lợi giữa hai bên, và nhất là trấn an nhà cầm quyền Hà Nội, rằng chính phủ Liên bang Hoa Kỳ không yểm trợ những phong trào đối kháng ở ngoài nước, sau chiến dịch Cờ vàng càng ngày càng tung bay khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.
Không phải vì lời nói của ông đại sứ Michael W. Marine đưa ra tại San Francisco ngày 21-3-2005, mà người Việt hải ngoại lo sợ và không chống cộng. Trước đây, biết bao nhiêu anh hùng chống cộng đâu có mong được nước ngoài can thiệp. Hiện nay ở ngoài nước cũng như trong nước, biết bao nhiêu người đòi hỏi tự do dân chủ cũng không phải vì ỷ lại vào sự giúp đỡ của người nước ngoài.
Người Việt Quốc gia chống độc tài cộng sản không phải vì hận thù, mà vì lương tâm thôi thúc, không thể chấp nhận một chế độ độc tài chỉ đem lại chiến tranh, bạo hành, tù đày, nghèo đói, lạc hậu cho đất nước. Tuy nhiên, ngày nay, hầu như ai cũng đồng ý hai điểm: Thứ nhất những hoạt động võ trang không còn hợp thời. Thứ hai, tương lai của nước Việt do những người Việt trong nước quyết định.
Lịch sử cho thấy một cuộc cách mạng bằng võ lực bùng nổ, sẽ làm cho thay đổi nhanh chóng cuộc diện chính trị. Trái lại những vận động chính trị ôn hòa bất bạo động, sẽ rất chậm chạp vì phải sửa soạn dư luận để chuyển đổi xã hội từ từ. Ví dụ cuộc tranh đấu bất bạo động của Phan Châu Trinh ở Việt Nam. hay của Gandhi ở Ấn Độ.
Hiện nay, trong hoàn cảnh mới, các hoạt động võ trang không hợp thời, nhưng người Việt Quốc gia vẫn phải nuôi dưỡng tiềm lực, và kiên nhẫn nương theo tình hình mới, tiếp tục vận động tự do dân chủ cho tổ quốc Việt Nam, tiếp tục tận dụng tối đa phương tiện truyền thông tân tiến, tiếp tục hỗ trợ những nhà vận động dân chủ trong nước, và tiếp tục duy trì áp lực chính trị bằng đường lối dân chủ và ôn hòa. Tranh đấu ôn hòa bằng phương thức dân chủ, không bạo động, không phải là không hiệu nghiệm. Bằng chứng từ năm 1975 cho đến nay, CSVN đã phải thay đổi theo đòi hỏi của quần chúng trong nước và áp lực của CDNVQGHN. Để làm chậm sự đòi hỏi tự do dân chủ của người Việt, hầu mong chạy tội với quốc dân, hiện CSVN đang xây dựng bức tường lửa để ngăn chận mạng lưới thông tin quốc tế (Internet) và tuyệt đối cấm nhập cảng vào nước các sách báo của người Việt ở hải ngoại. Cố gắng nầy của CSVN chỉ làm giảm bớt làn sóng truyền thông chứ không làm tắt được tiếng nói từ hải ngoại truyền vào nước.
Có một yếu tố tích cực là hiện nay cần chú ý. Dầu muốn dầu không, trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đang dần dần hội nhập vào sinh hoạt thế giới. Trong bất cứ sinh hoạt thế giới nào, dầu không phải là sinh hoạt chính trị, mà chỉ là sinh hoạt kinh tế, hay sinh hoạt thể thao, văn hóa, nguyên tắc dân chủ, bình đẳng giữa người với người, giữa tổ chức với tổ chức, giữa nước nầy với nước khác, luôn luôn được đề cao. Hiện nay, Việt Nam đang muốn gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), thì cũng phải cải tổ cơ chế theo đường lối dân chủ. Xin hãy cùng theo dõi lời phát biểu của ông Mike Moore, cựu tổng giám đốc WTO, và là cựu thủ tướng nước New Zealand trong cuộc phỏng vấn của phái viên đài BBC về việc Việt Nam xin gia nhập WTO, được phát đi ngày 12-4-2005: "Thế cho nên khía cạnh chính trị không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên tất cả mọi điều đều liên quan tới nhau. Kết quả đàm phán song phương sẽ phải được Quốc hội các nước tham gia thông qua và lúc đó vấn đề chính trị có thể sẽ được đặt ra để cân nhắc tùy từng quốc gia. Tôi muốn nói thêm rằng là kinh nghiệm của tôi cho thấy thành công trong lĩnh vực kinh tế có thể dẫn tới thay đổi trong xã hội một cách lớn hơn người ta tưởng. Thí dụ thực tế đã xảy ra tại Nhật Bản, tại Nam Hàn, tại Đài Loan. Tại những nước đó, điều kỳ diệu về kinh tế đã khiến cho các lĩnh vực nhân quyền, lao động... được cải thiện."
KẾT LUẬN
Tóm lại, do tham vọng độc tôn quyền lực, đảng CSVN luôn luôn kiếm cách tiêu diệt tất cả những ai không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, nên người Việt Quốc gia phải thường xuyên tranh đấu để tồn tại. Trong cuộc tương tranh Quốc Cộng, biến cố năm 1975 tưởng chừng đã nhận chìm con thuyền Quốc gia. Người Việt Quốc gia lưu vong ra nước ngoài bắt đầu từ con số không (0), ngoại trừ hình ảnh gia đình yêu quý và tổ quốc Việt Nam thiêng liêng trong trái tim mình, đã phải ngậm đắng nuốt cay để cố gắng vươn lên ở hải ngoại, và đãõ từng bước thành công ở những quốc gia định cư.
Hiện nay, CĐNVQGHN càng ngày càng đông đúc và phát triển mạnh mẽ, nhưng không kết hợp thành một tổ chức thống nhất chặt chẻ, mà lại theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, vì đó là đặc tính của sinh hoạt tự do dân chủ. Trong khi ở trong nước, với "tiền rừng bạc biển" trên toàn quốc, đảng CSVN một mình nắm quyền lãnh đạo đất nước, đã đưa dân chúng Việt Nam đến chỗ dưới mức nghèo đói do LHQ quy định.
Dầu Hoa Kỳ và các nước trên thế giới, theo chính sách riêng của họ, vì quyền lợi riêng của họ, đã đến Việt Nam đầu tư, và ngay cả liên kết đồng minh với CSVN, người Việt Quốc gia vẫn tự mình tiếp tục tiến bước trên con đường của mình. Đây là con đường bình thường, bình thường đến độ tầm thường, không bạo động, không triết lý cao xa, chỉ đòi hỏi tự do, dân chủ, bình đẳng, đa đảng, đa nguyên, là những quyền căn bản quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền LHQ (10-12-1948), và là con đường hợp với tự nhiên, hợp với lòng người, vì ai sinh ra trên cõi đời nầy cũng thích tự do, bình đẳng, độc lập.
Cho đến nay, ba mươi năm sau chiến tranh, có một số người muốn tha thứ những tội lỗi CSVN đã pham phải, thì đó là quyền riêng của người đó. Chỉ xin đừng bao giờ quên những cuộc tàn sát đẵm máu trong suốt lịch sử của đảng nầy, nhất là vào các năm 1945, 1954, 1968, 1975, nhắm đừng để cho lịch sử tái diễn. Cũng đừng quên rằng CSVN không bao giờ chấp nhận sống chung với người khác chính kiến, khác đảng phái, mà CSVN chỉ chực chờ cơ hội để nuốt sống, để tiêu diệt những người không chấp nhận cộng sản. Và cũng xin đừng quên điều nầy nữa, hiện nay trong nước CSVN vẫn còn đàn áp, giam cầm bắt bớ những tù nhân lương tâm, những nhà chính trị dân chủ, những tu sĩ các tôn giáo, những nhà văn, nhà báo trong tinh thần bất bạo động, chỉ đưa ra những ý kiến yêu cầu thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng, chứ không phải cho riêng họ.
Do những kinh nghiệm đó, người Việt Quốc gia dù không nuôi dưỡng hận thù, nhưng dứt khoát không hòa giải hòa hợp với người cộng sản, với đảng CSVN. Con đường duy nhất người Việt Quốc gia tiến tới là tiếp tục tranh đấu để giải thể chế độ cộng sản trong nước. Một cổ máy cai trị lỗi thời cần phải gạt bỏ vì quyền lợi chung của dân tộc. Chủ nghĩa Mác-Lê đã trở thành đồ phế liệu ngay tại Liên bang Nga, nên câu khẩu hiệu chiến lược của CSVN là "Chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng" nay không còn giá trị, do đó CSVN mới bày ra cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh", để làm nền tảng cho hệ tư tưởng của chế độ, nhưng chắc chắn số phận "tư tưởng Hồ Chí Minh", chất thải của phế liệu Mác-Lê, sẽ đi theo với số phận của chủ nghĩa Mác-Lê ở Liên Xô, như ước vọng trong di chúc của ông Hồ trước khi qua đời, muốn đi "gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin, và các vị c. m. đàn anh khác…" (nguyên văn của ông Hồ).
Ba mươi năm trước, khi CSVN đặt nền thống trị độc tài trên toàn quốc, và những người Việt lưu vong ngơ ngác đặt chân đến xứ người, thì không ai ngờ có được ngày hôm nay, ở trong cũng như ngoài nước. Những thay đổi ở trong nước do di sản văn hóa dân tộc nơi người Quốc gia miền Nam tác động, cùng với sự tiếp tay của CĐNVQGHN. Những thành công ở ngoài nước do chính trái tim và khối óc của CĐNVQGHN đã tự mình dày công gây dựng nên.
Do đó, ba mươi năm sau biến cố 1975, ngày nay nhìn tới tương lai, người Việt có quyền tin tưởng rằng rồi đây đất nước chúng ta sẽ trở lại tự do, dân chủ, đa văn hóa, đa đảng đa nguyên mà người Việt luôn luôn mơ ước. Hy vọng ngày đó sẽ không còn bao xa!
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 26-4-2005)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.