Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Jayant Patel, Bác Sĩ Tử Thần!

25/04/200500:00:00(Xem: 5235)
Thiên phóng sự điều tra về “bác sĩ tử thần” Jayant Patel trong tuần qua của nhật báo The Courier Mail ở Queensland chẳng những liên tục gây chấn động tiểu bang này mà dư âm của nó còn vang vọng qua báo chí, truyền hình, truyền thanh đến các tiểu bang khác trên toàn nước Úc, tạo nhiều nỗi e ngại trong dân chúng về hệ thống y tế công cộng hiện nay.
Bác sĩ Jayant Patel tốt nghiệp ở Ấn độ, đã bị rút giấy phép hành nghề ở hai tiểu bang của Hoa Kỳ là Nữu Ước (New York State) và Oregon. Tháng 9/2000 ông bị Hội đồng Kiểm tra Y sĩ Tiểu bang Oregon (Oregon State Board of Medical Examiners) thi hành biện pháp kỷ luật vì “sự cẩu thả khi giải phẫu bệnh nhân”. Ông bị nghiêm cấm không được giải phẫu bất kỳ một trường hợp nào có liên quan đến “lá lách, cắt gan và kiến tạo túi thay thế ruột già (constructions of ileoanal pouch)”. Ông cũng được lệnh “phải tham khảo thêm ý kiến thứ nhì trong những trường hợp giải phẫu phức tạp vì đã từng cẩu thả quá độ (gross negligence) quá nhiều lần”.
Sau đó, ông lại tìm cách hành nghề ở tiểu bang Nữu Ước (New York State) mặc dầu tiểu bang này nghiêm cấm không cho phép những người bị kỷ luật ở nơi khác hành nghề. Vì thế, ông đã bị truy tố và đưa ra trước Hội đồng Giám định Hạnh kiểm Chức năng Y sĩ (Board for Professional Medical Conduct) của tiểu bang này vào tháng 4/2001, và bị rút giấy phép hành nghề.
Trớ trêu thay, chưa đầy hai năm sau, vào khoảng đầu năm 2003, ông được bổ nhiệm làm khoa trưởng khoa giải phẫu (director of surgery) của bệnh viện Bundaberg - một tỉnh lÿ ven biển miền Đông Queensland, khoảng 370 cây số về phía Bắc của Brisbane - với mức lương là AUS$200,000 một năm.
Chỉ trong vòng vài tháng sau khi ông Patel nhận nhiệm sở là nhân viên của bệnh viện đã lên tiếng than phiền về phong cách cùng tài năng mổ xẻ của ông cũng như về những mối nguy hại mà ông gây nên cho bệnh nhân. Trong suốt gần hai năm ông là khoa trưởng giải phẫu, nhiều bác sĩ cùng y tá quy lỗi rằng sự bất tài của ông là nguyên nhân dẫn đến tử vong và thương tật của hàng chục bệnh nhân. Thế nhưng không một giới chức thẩm quyền nào chịu lắng nghe những lời than phiền của những người như bác sĩ chuyên khoa Jon Joiner và bà Toni Hoffman, nữ y tá trưởng khu cấp cứu. Tình trạng tệ hại đến nỗi, theo lời một nhân viên bệnh viện thuật lại cho ký giả Hedley Thomas, “có nhiều y tá đã phải mang bệnh nhân đi giấu hoặc đứng sát bên họ để ngăn cản không cho ông ta đến gần họ”, vì ông có thói hay tìm bệnh nhân, dù không phải là bệnh nhân của ông, để đưa vào phòng mổ.
Theo sự xác nhận của bác sĩ Gerry Fitzgerald, viện trưởng bệnh viện Bundaberg (chief health officer) thì có ít nhất 14 bệnh nhân của bác sĩ Patel gặp biến chứng trầm trọng sau ca mổ. Theo một số người từng lên tiếng than phiền về ông Patel thì những vụ biến chứng hoặc trường hợp nhiễm trùng trầm trọng này đều có thể phòng ngừa được.
Nội vụ chỉ bắt đầu được đưa ra ánh sáng khi dân biểu Rob Messenger thuộc đảng Quốc Gia lên tiếng đặt vấn đề trong nghị viện tiểu bang Queensland vào tháng Hai. Đến lễ Phục Sinh vừa qua thì bác sĩ Patel rời Úc để về Hoa Kỳ hoặc Ấn Độ.
Chỉ sau khi thiên phóng sự của tờ Courier Mail bùng nổ thì giới thẩm quyền, như thủ hiến Peter Beattie, bộ trưởng y tế Gordon Nuttall mới lớn tiếng bày tỏ mối quan ngại cũng như lòng phẫn nộ về vụ việc này và lớn tiếng hứa hẹn sẽ tìm đủ mọi cách để đòi giải giao BS Patel về Queensland một khi có chứng cớ cho thấy ông có hành vi phạm pháp trong vụ việc này - chẳng hạn như man khai giấy chứng tử, ngụy tạo hồ sơ bệnh lý để che giấu sơ sót lỗi lầm của ông. Nhưng đúng ra, chính các chính phủ liên bang và tiểu bang mới là chánh phạm đã tạo cơ hội cho những người như Patel gây thương tật chết chóc cho dân chúng Úc.
Theo đúng luật lệ thì tất cả các bác sĩ tốt nghiệp ở ngoại quốc muốn được hành nghề ở Úc phải trải qua một cuộc duyệt xét của Hội Đồng Y Khoa Úc (Australian Medical Council) nhằm thẩm định khả năng chuyên môn trước khi cho họ đăng bộ.

Nhưng trong nhiều năm gần đây, vì sự thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa, nhất là tại những vùng nông thôn hoặc tỉnh lÿ, nên chính phủ đã cho phép các hội đồng y tế tiểu bang (state medical boards) quyền cấp thẻ đăng bộ giới hạn (limited registration) cho bác sĩ tốt nghiệp ngoại quốc hầu có thể điền khuyết những chức vụ còn trống vì không thể mướn bác sĩ Úc được.
Bộ Y Tế Queensland từ năm 2002 đã sử dụng luật miễn trừ nhằm điền khuyết vào những lãnh vực có nhu cầu cao (fill vacancies in designated areas of need) để thuê mướn bác sĩ tốt nghiệp ngoại quốc vào làm việc tại các bệnh viện ở nông thôn và tỉnh lÿ. Có khoảng 1,000 bác sĩ ngoại quốc được quyền hành nghề chuyên khoa như giải phẫu, chỉnh hình (orthopaedic), sản khoa (obstetrics) và gây mê (anaesthetics) tại các bệnh viện công cộng ở Queensland mà không hề phải trải qua một cuộc thẩm định của những tổ chức y tế chuyên khoa liên hệ (specialist colleges). Những người này được cấp chiếu khán cho phép làm việc tạm thời (temporary work visa) lên đến 4 năm.
Nữ bác sĩ Mary Cohn, chủ tịch Hội đồng Y khoa Queensland (Medical Board of Queensland), xác nhận rằng sự khan hiếm bác sĩ chuyên khoa ở nông thôn và tỉnh lẻ đã khiến cho những điều kiện được nới lỏng. Bà nói: “Lúc nào thì yếu tố nguy hiểm cũng hiện diện, tuy nhiên chúng tôi cần phải có nhân viên cho nhà thương”.
Đại đa số các bác sĩ ngoại quốc làm việc với tư cách chuyên khoa ở bệnh viện được thuê mướn với tư cách là “chuyên viên y tế” (medical officers) và lẽ ra phải được đặt dưới sự giám thị của bác sĩ chuyên khoa có đăng bộ hẳn hoi. Thế nhưng, những người này cũng có thể “được xem” (deemed) như là bác sĩ chuyên khoa, và có thể nắm giữ chức vụ khoa trưởng (director) hoặc đóng vai trò giám thị (supervisory role).
Từ sau vụ xì căng đan “bác sĩ tử thần” thì giới thẩm quyền y tế tại Queensland, ACT và South Australia cho biết họ sẽ tái duyệt lại bằng cấp của tất cả các bác sĩ ngoại quốc đang làm việc tại các nhà thương để bảo đảm rằng không có ai man khai về bằng cấp cùng khả năng hành nghề của họ như ông lang Jayant Patel. Tuy nhiên, tổng giám đốc Hội Đồng Y Khoa Úc, ông Ian Frank nói rằng phẩm lượng của dịch vụ y tế chỉ có thể được duy trì nếu tất cả bác sĩ trong hệ thống y tế công cộng đều phải trải qua một cuộc thẩm định chuyên môn như nhau.
Thực tình mà nói thì lẽ ra mọi người dân Úc phải có quyền được hưởng cùng một tiêu chuẩn trị liệu khi phải vào nhà thương công cộng, chứ không nên có tình trạng tiêu chuẩn ở thành thị cao hơn ở nông thôn, ở thành phố lớn khác xa với tỉnh lẻ như hiện nay.
Một trong những phương pháp để đối phó với nạn thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa mà chính phủ NSW đã áp dụng từ đầu năm nay, và chính phủ tiểu bang Victoria cũng vừa đưa ra kế hoạch để thi hành trong nay mai, là việc thuyên chuyển định kỳ (rotation) các bác sĩ đang thực tập học hỏi để trở thành bác sĩ chuyên khoa (physician trainees) đến các bệnh viện ở nông thôn và tỉnh lẻ. Điều này có nghĩa rằng dịch vụ y tế ở những nơi này phải lệ thuộc nhiều hơn nữa vào các bác sĩ thực tập, hơn là các bác sĩ chuyên khoa thực thụ.
Đây là một điều thật trớ trêu, bởi vì, theo như những con số thống kê vừa được phổ biến trên trang web của bộ y tế tiểu bang Victoria cho thấy thì dân chúng ở tiểu bang này ngày càng hướng về các bệnh viện tỉnh lẻ và nông thôn để ghi danh chờ giải phẫu trong những trường hợp không khẩn cấp (elective surgery) bởi vì thời gian chờ đợi ở những bệnh viện này ngắn hơn thời gian chờ đợi ở các bệnh viện thành phố rất nhiều. Thí dụ điển hình là việc mổ bàn chân: bệnh nhân ở bệnh viện Monash hoặc Frankston phải chờ 55 tuần mới được mổ, trong khi ở các nhà thương Shepparton, Ballarat thì thời gian chờ đợi chỉ có 20 tuần.
Phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết nạn khan hiếm bác sĩ chuyên môn, để duy trì tiêu chuẩn của các dịch vụ y tế công cộng là cung cấp thêm ngân quỹ đào tạo nhân lực, tạo thêm nhiều cơ hội cho thanh niên sinh viên Úc vào đại học theo học các ngành nghề y khoa. Thế nhưng, chính phủ các cấp chỉ dùng y tế như một thứ vũ khí chính trị để trục lợi, tung hứng, đổ lỗi lẫn cho nhau.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.