Hôm nay,  

Hồ Sơ 30 Năm: Cuộc Chiến Vn Giữa Cộng Hòa Và Dân Chủ

25/04/200500:00:00(Xem: 6163)
Ba mươi năm sau, người Việt tại Mỹ còn tranh luận với nhau là đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa - Richard Nixon - mới "bỏ rơi Việt Nam"" Sự thật nó lại phức tạp hơn thế.
Người ta có nhiều cách định nghĩa thời điểm khởi đầu "Chiến tranh Việt Nam" cho Hoa Kỳ - cho Việt Nam thì thời điểm ấy có lẽ khởi sự từ 1945…
Hoa Kỳ có gián tiếp can thiệp vào Việt Nam từ sau Thế chiến II nhưng thực sự giành tay lái và chỉ đạo cuộc chiến từ 40 năm trước, khi Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tháng Ba năm 1965 trong khi chiến dịch Rolling Thunder oanh tạc Bắc Việt. Vào thời điểm ấy, dư luận Mỹ nức lòng ủng hộ chính quyền Dân chủ của Tổng thống Lyndon B. Johnson trong việc trực tiếp tham chiến.
Điều mà dư luận Hoa Kỳ - và đương nhiên lãnh đạo Việt Nam - không để ý hoặc không biết là đằng sau thái độ cương quyết ấy, chính quyền Johnson đã có một chủ trương khá bất nhất. Ngày 25 tháng Ba 1965, Johnson tuyên bố: "Hoa Kỳ không chịu thua một ai trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam là chấm dứt việc Cộng sản xâm lược miền Nam… Tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi nào vào bất cứ lúc nào và gặp bất cứ ai khi có triển vọng tiến tới một nền hòa bình trong danh dự". Hòa bình trong danh dự không là một phát minh của Nixon hay Kissinger.
Như đã trình bày trên cột báo này (Thứ Bảy 23 tháng Tư: Nguyên nhân Thất trận của Mỹ) Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam với một mục tiêu thụ động là ngăn Cộng sản Hà Nội tấn công và lật đổ chính quyền miền Nam. Trong tinh thần ấy, Johnson tuyên bố 10 năm trước khi miền Nam thất thủ, ngày 07 tháng Tư năm 1965, là ông sẵn sàng nói chuyện vô điều kiện với Hà Nội, và còn yêu cầu Quốc hội viện trợ một tỷ Mỹ kim (thời giá 1965) để phát triển kinh tế Đông Nam Á, trong đó có cả kinh tế miền Bắc Việt Nam.
Hà Nội không muốn vậy và đó là trách nhiệm của những người lãnh đạo đảng Cộng sản, khi Phạm Văn Đồng đưa ra đề nghị bốn điểm chủ yếu dựa trên bản Hiệp định Genève 1954. Chiến tranh từ ấy tiếp tục và leo thang.
Tại Việt Nam, nhiều người không để ý là chưa đầy một năm sau, tháng Giêng 1966, Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng John McNaughton đã trình lên thượng cấp trong một bản bị vong lục (memorandum) rằng mục tiêu của Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ là tránh bị mang nhục (avoid humiliation)… vì chỉ để chứng minh uy tín đáng tin cậy của mình khi bảo vệ miền Nam khỏi bị Hà Nội lật đổ. Mục tiêu ấy có nghĩa là "không loại bỏ giải pháp chính phủ liên hiệp bao gồm cả người Cộng sản… một chính quyền trung lập (thậm chí chống Mỹ), tại miền Nam."
Đi sớm hơn thượng cấp là Tổng trưởng Quốc phòng Robert McNamara, McNaughton nói thẳng ra cái thế lưỡng nan của Mỹ: "Muốn chủ chiến, chúng ta phải có cái lực thỏa hiệp, nhưng muốn thỏa hiệp, chúng ta chỉ có cái lực chiến bại".
Một năm sau, tháng 10 năm 1966, con diều hâu chủ chiến, nhà kiến trúc về binh pháp Mỹ tại Việt Nam, Robert McNamara đã nói đến điều mà Richard Nixon và Henry Kissinger tiến hành về sau, trong điều kiện bất lợi hơn nhiều: Tách rời Mặt trận Giải phóng miền Nam - mà người Mỹ ngây ngô từ chính quyền đến truyền thông báo chí gọi là Việt cộng - khỏi Hà Nội và tiến hành một kế hoạch thực tiễn là cho Việt cộng một vai trò trong các cuộc thương thuyết, trong sinh hoạt hậu chiến và trong chính quyền".
McNamara nói đến điều ấy từ cuối năm 1966 và khai triển tiếp tư tưởng này trong các năm sau, mà người Việt Nam có thể không biết, hoặc không hiểu. Vì vậy không hiểu vì sao Mỹ sẽ nói chuyện thẳng với Hà Nội nhưng đồng ý cho Mặt trận Giải phóng nhập cuộc hòa đàm… ngang hàng Việt Nam Cộng Hoà. Sau 1975, khi thấy Hà Nội giải quyết số phận của Mặt trận Giải phóng miền Nam, ta phải giật mình vì sự mù mờ và hồ đồ của chính quyền Hoa Kỳ, một chính quyền Dân chủ. Người Mỹ nói chung thì chưa và ba mươi năm qua chúng ta vẫn chưa làm cho họ hiểu ra điều hồ đồ ấy.
Nói tóm lại, từ 1965 đến 1967, McNamara đã hoàn toàn đảo ngược lập trường chủ quan và hiếu thắng của mình khi khẳng định ngày 19 tháng Năm: Sự cam kết của chúng ta không phải là 1) đẩy cán bộ (tập kết) ở trong Nam ra miền Bắc - họ vốn là người Nam, 2) không phải là bảo đảm cho một cá nhân hay phe nào đó nắm chính quyền hay có khả năng cầm quyền trên mọi vùng lãnh thổ (của miền Nam), 3) không phải là bảo đảm là chính quyền do người Việt thiết lập không phải là một chính quyền cộng sản và 4) không phải là đòi hỏi rằng một miền Nam độc lập phải tách rời khỏi miền Bắc.
Chưa đầy một năm sau, Hà Nội mở cuộc tổng tấn công Mậu Thân, hy sinh hết cán bộ của Mặt trận Giải phóng miền Nam mà chính quyền Johnson chưa đạt nổi mục tiêu đề ra trước đấy là "tách rời Mặt trận khỏi Hà Nội". Ngược lại, ý chí quyết thắng của Johnson và cả đảng Dân chủ đã bị bẻ gãy, Johnson chỉ còn giải pháp đã nói từ đầu (trong mục tiêu tuyên truyền) là sẵn sàng nói chuyện với bất cứ ai, ở nơi đâu… trong một mục tiêu nhục nhã hơn.
Những ý kiến của McNamara tất nhiên đã được Henry Kissinger thấu hiểu vì vào thời ấy, ông ta còn chạy hiệu cho đảng Dân chủ. Sau này, khi tiến hành đàm phán với Hà Nội, Kissinger thực tế đã áp dụng lộ trình của McNamara nhưng khéo ngụy trang tinh thần bạc nhược của Johnson bằng thành tích chống cộng của Nixon.

Cả Johnson và Nixon đều mệt mỏi và muốn rút khỏi Việt Nam, ngay từ 1967, từ trước 1968. Trong hai cuộc tranh cử tổng thống, phe Dân chủ thất bại năm 1968 vì thành tích quá tệ tại Việt Nam và năm 1972 vì chủ trương phản chiến nhuốm mùi tháo chạy của McGovern. Đảng Cộng hoà thắng cử năm 1968 vì Nixon khéo đòn phép chính trị (với sự tiếp sức của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) để chứng tỏ là chính quyền Johnson không có giải pháp cho Việt Nam, rồi đại thắng năm 1973 vì hoàn thành mục tiêu triệt thoái khỏi Việt Nam như đa số dư luận Mỹ mong muốn. Cả hai đảng đều đồng thuận trên một điểm sinh tử cho miền Nam là Hoa Kỳ phải rút lui.
Lãnh đạo miền Nam đã lầm mà còn làm dư luận người Việt lầm lẫn cho đến ngày nay, rằng chính quyền Cộng hòa của Richard Nixon mới bán đứng đồng minh.
Và bên lề cuộc tranh cử 2004 tại Hoa Kỳ, người Việt tại Mỹ còn tranh cãi với nhau về cái công - hay cái tội - của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đối với cuộc chiến Việt Nam và sự thảm bại của Hoa Kỳ. Ba mươi năm qua, chúng ta chưa hiểu gì cả"
Đáng lẽ, miền Nam đã bị đảng Dân chủ bị bỏ rơi từ 1968 - năm năm sau khi Kennedy xăn tay áo nhập cuộc, ba năm sau khi Johnson đổ quân vào Đà Nẵng trước sự ngỡ ngàng của lãnh đạo miền Nam thời chính phủ Phan Huy Quát và nhất là sự mừng rỡ dại dột của các tướng lãnh.
Và đáng lẽ miền Nam đã bị đảng Cộng hòa hy sinh từ 1972 khi Hà Nội hồi phục sau thất bại Mậu Thân và ngang nhiên đẩy chiến xa vào Nam. Phép lạ ở đây là khả năng chiến đấu bền bỉ và dũng cảm của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, điều mà chính các chính quyền Hà Nội và Hoa Kỳ cũng không ngờ. Và cho đến nay dư luận Mỹ cũng không biết, kể cả Tổng thống George W. Bush.
*
Chúng ta nói về chuyện cũ chính là để nhìn ra tương lai.
Từ nhiều thập niên, Hoa Kỳ thiếu hiểu biết về cộng sản, nhất là cộng sản Á châu. Dư luận và lãnh đạo của họ - kể cả tầng lớp trí thức ưu tú - quá tập trung vào quá khứ Âu châu của nước Mỹ. Mãi cho đến gần đây, từ hai chục năm nay, nước Mỹ mới ý thức được cái nghiệp Á châu của mình khi buôn bán và giao kết với Á châu nhiều hơn Âu châu nên nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn về châu Á. Nhưng cùng lúc ấy, Việt Nam hết là ưu tiên và họ thiếu dần chuyên gia về Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Mỹ - thế hệ di dân thứ nhì - có thể bù đắp gì cho sự thiếu sót ấy - ngoài một việc chính đáng nhưng không duy nhất là nhắc nhở đến những nhược điểm của lãnh đạo Việt Nam ngày nay"
Hoa Kỳ là một quốc gia đích thực đa nguyên với rất nhiều trung tâm quyền lực phân tán trong xã hội và chính trị và chỉ có chánh sách đồng thuận nhất thời, qua rất nhiều bán chác trao đổi với nhau. Sự đồng thuận ấy tất nhiên không bền và thay đổi theo quyền lợi kinh tế chính trị lẫn nhận thức về an ninh của Mỹ. Căn cứ trên sự đồng thuận nhất thời và có điều kiện ấy, một quốc gia - như Việt Nam - mà trù hoạch vấn đề sinh tử của mình tất nhiên sẽ thất vọng. Có đả kích sự lật lọng của chính quyền Mỹ thì cũng bằng thừa. Khác với ngày xưa - 1956 hay 1966 - ngày nay ta đã có một cộng đồng người Việt tại Mỹ. Cộng đồng ấy có thể trở thành một trong các trung tâm quyền lực để tham gia vào chuyện bán chác trao đổi trong chính trường Mỹ hay không" Hy vọng ấy có thể còn xa vời, nhưng trước mắt, cộng đồng này có tác động nổi vào nhận thức của dư luận và lãnh đạo Mỹ không"
Làm sao tác động khi ta vẫn bị hiểu lầm là một cộng đồng hoài cổ, luyến tiếc miền Nam và chưa nguôi mối hận với chính quyền cộng sản"
Trong nhiều trường hợp, "chống cộng" thực ra là đồng nghĩa với việc chống lại những chọn lựa của chính quyền Hoa Kỳ đối với Hà Nội có hậu quả tai hại cho người Việt Nam ở trong nước. Chúng ta có hiểu được hậu quả của những chọn lựa ấy không và có thuyết phục nổi điều ấy chăng"
Trong nhiều thập niên, đây là lần đầu và hiếm hoi mà chính quyền Hoa Kỳ có một chủ trương dứt khoát là quyền lợi và an ninh của Mỹ có liên hệ đến cơ chế dân chủ của các nước khác. Khác với các tiền nhiệm, chính quyền Bush dám can thiệp theo lối chủ động dứt khoát chứ không "đánh toàn cầu hòa" và còn phát huy dân chủ vì quyền lợi của chính mình. Đây là cơ hội hiếm hoi mà an ninh của Mỹ và quyền tự do của người dân xứ khác lại là mục tiêu đồng quy. Cơ hội này sẽ không bền.
Nếu ta khéo khai thác thì vì mục tiêu ổn định và an ninh của mình tại Đông Á, Hoa Kỳ có thể yểm trợ cho việc dân chủ hóa tại Việt Nam với những giải pháp chuyển hóa có lợi cho người Việt, là điều Hà Nội không muốn mà nhiều người Việt vẫn ước mơ mà chưa biết thi hành thế nào. Nếu không, trong một tương lai không xa, khi hữu sự với Trung Quốc, Việt Nam có thể lại bị hy sinh, dân chủ chưa có mà chủ quyền cũng không.
Chúng ta có thể tổng kết lại kinh nghiệm 30 năm ấy với một vấn đề nóng bỏng: chủ trương mơ hồ "một Trung Quốc" của nhiều chính quyền Mỹ đang bị thách đố và số phận của Đài Loan - một cường quốc kinh tế và một quốc gia dân chủ đích thực - có thể được quyết định. Ta không thấy người Hoa thuộc phe Đài Loan rầm rộ biểu tình phản đối việc Mỹ bỏ rơi Đài Loan ba mươi năm về trước sau chuyến Hoa du của Nixon mà chỉ thấy Quốc hội Mỹ tác động vào chính quyền để bảo vệ Đài Loan.
Cộng đồng người Hoa theo Đài Loan ủng hộ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và không hề nặng lời đả kích những đại diện dân cử đã bỏ phiếu bất lợi cho họ. Đấy là một cộng đồng trưởng thành và hiểu Mỹ không thua kém gì cộng đồng Do Thái.
Bao giờ đến lượt chúng ta"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.