Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Bầu Cử Cabramatta

29/09/200800:00:00(Xem: 2216)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

Gần 14 năm sau khi đắc cử trong cuộc bầu cử bổ sung cho đơn vị Cabramatta năm 1994, cựu dân biểu Reba Meagher giã từ chính trường vào giữa tháng 9/2008, sau khi bị gạt ra khỏi nội các của chính phủ tiểu bang NSW. Sự ra đi của bà khiến cho chính phủ Lao Động của tân thủ hiến Nathan Rees phải đối phó tổng cộng là bốn cuộc bầu cử bổ sung cùng một lúc vào ngày 18/10/2008 tới đây. Ba đơn vị khác cũng phải tái tuyển người đại diện cho mình là Lakemba (ghế của cựu thủ hiến Morris Iemma), Ryde (ghế của cựu phó thủ hiến John Watkins) và  Port Macquarie (ghế của ông Rob Oakeshott, một dân biểu độc lập vốn từng là đảng viên đảng Quốc Gia. Ông từ chức dân biểu tiểu bang để tranh cử, và đắc cử vẻ vang, trong cuộc bầu cử bổ sung đơn vị Lyne của liên bang).

Theo các nhà phân tích chính trị, đặc biệt là chuyên gia Anthony Green của đài ABC, thì cuộc bầu cử bổ sung ở Port Macquarie chỉ là sự so tài giữa đảng Quốc Gia và các ứng viên độc lập, bởi vì đảng Lao động không đưa người ra tranh cử trong một đơn vị vốn là thành trì của đảng Quốc Gia cho đến khi ông Oakeshott bỏ đảng này ra đi.

Ba đơn vị còn lại có thể được xem là cuộc thử lửa đầu tiên của cả thủ hiến Nathan Rees lẫn lãnh tụ đối lập tiểu bang Barry O’Farrell vì đây là lần đầu tiên cả hai đứng mũi chịu sào trong cương vị lãnh tụ đảng trong một cuộc bầu cử, dù là bầu cử bổ sung.  Đặc biệt đối với tân thủ hiến Nathan Rees thì ông đang ở vào một vị thế tương tự như cựu thủ hiến Iemma và cựu thủ hiến Barrie Unsworth trước đây: phải đối phó với một loạt bầu cử bổ sung liên tiếp khi vừa nhận được tay chèo để lèo lái một chính phủ tiểu bang vốn đã bị cử tri chán nản, không còn ưa thích, nếu không nói là ghét bỏ, bất tín nhiệm sau một thời gian dài cầm quyền.

Trong năm 2005, khi vừa thừa kế chức thủ hiến của ông Carr thì ông Iemma đã phải đối phó với 3 cuộc bầu cử bổ sung ở 3 đơn vị an toàn của đảng Lao Động là Maroubra (ghế của cựu thủ hiến Carr), Marrickville (ghế của cựu phó thủ hiến Andrew Refshauge) và Macquarie Fields (ghế của cựu bộ trưởng kế hoạch Craig Knowles). Tuy nhiên, đảng Tự Do chỉ đưa ứng viên ra tranh cử tại đơn vị Macquarie Fields mà thôi. Và trong kỳ bầu cử ấy, sự cách biệt giữa hai đảng đã bị cắt giảm đi 13%. Tuy vậy, ông Iemma sau đó đã thắng được cuộc tổng tuyển cử năm 2007, phần lớn nhờ vào sự chán ghét e ngại mà cử tri dành cho chính phủ Howard liên bang cùng với đạo luật WorkChoices.

Ngược lại, khi ông Barrie Unsworth kế vị ông Neville Wran trong chức vụ thủ hiến năm 1986, thì ông phải đối phó với hai cuộc bầu cử bổ sung ở hai đơn vị thành đồng lũy sắt của đảng Lao động là Bass Hill (ghế của ông Wran) và  Rockdale (một ghế vô cùng an toàn mà ông Unsworth là ứng viên tranh cử bổ sung để chuyển từ thượng viện sang hạ viện hầu có thể nắm quyền). Ghế Bass Hill bị mất vào tay đảng Tự Do trong khi ông Unsworth chỉ thắng cử với vỏn vẹn 54 phiếu mà thôi. Sau đó, ông đại bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1988.

Tuy nhiên, cũng theo các bình luận gia thì hiện nay chỉ có cuộc so tài ở đơn vị Ryde mới thật sự là quan trọng, để biết đá biết vàng, vì với sự khác biệt có 10.1% giữa hai đảng trong tình hình hiện nay, ứng viên đảng Lao động thực sự là kẻ kém vế trong cuộc so tài này. Còn về Lakemba (đơn vị an toàn nhất của đảng Lao Động) và Cabramatta (đơn vị an toàn thứ 3 của đảng Lao động) thì kết quả kể như đã được định sẵn. Đảng Tự Do không thể nào có hy vọng giật được hai ghế này. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, đảng Tự Do có nhiều hy vọng giảm thiểu sự cách biệt giữa hai đảng tại hai đơn vị này.

Có lẽ vì biết rõ tình hình và cục diện như thế, cho nên, đảng Tự do đã dồn hầu hết mọi nỗ lực vận động tranh cử vào đơn vị Ryde, sau đó là Cabramatta và Lakemba. Chỉ cần lên trang web www.startthechange.com.au mà họ đã dựng lên là đủ thấy đảng Tự do đã chú ý tới 3 ứng viên của họ tại 3 đơn vị này, với đầy đủ hình ảnh, tin tức, chi tiết liên lạc của ứng viên cũng như những hoạt động của ứng viên.     

Là công dân Úc gốc Việt tỵ nạn cộng sản, dĩ nhiên là chúng ta phải quan tâm đến đơn vị Cabramatta, cùng những người muốn được làm đại diện dân cử cho cư dân của một nơi vốn được xem là thủ phủ của người Việt nam tại NSW, nếu không nói là của cả nước Úc.

Tưởng cũng nên nhắc lại, đơn vị Cabramatta được thiết lập năm 1980 khi chính phủ Lao động của thủ hiến Wran giữ trọn lời hứa tu chính luật bầu cử để mỗi đơn vị bầu cử đều có dân số sấp sỉ như nhau và khiến cho mỗi lá phiếu đều có giá trị đồng đều như nhau (one vote, one value), chứ không còn cảnh có đơn vị có hơn 100,000 cử tri trong khi có đơn vị chỉ có chưa đến 50,000 cử tri. Từ đó cho đến nay, bắt đầu từ cuộc tổng tuyển cử năm 1981, thì đơn vị Cabramatta luôn luôn là một thành trì kiên cố của đảng Lao Động.  Sự tín nhiệm mà cử tri Cabramatta dành cho đảng này trong suốt hơn 27 năm qua cao đến nỗi có một dạo người ta thường nói với nhau rằng “Đưa một con lừa có đóng dấu đảng Lao Động ra tranh cử ở Cabramatta thì nó cũng vẫn đắc cử như thường”.

Và có lẽ vì biết rõ tình hình khó khăn như thế, một sự khó khăn mà chính lãnh tụ đối lập Barry O’Farrell đã miêu tả như “một sự thử thách tầm cỡ Hy Mã Lạp Sơn”  (a challenge of Himalayan proportions), cho nên trong kỳ bầu cử bổ sung này, không một đảng viên địa phương có tiếng tăm nào của đảng Tự Do bỏ công sức ra tranh cử. Vậy mà cô Đài Lê, một nữ ký giả kiêm nhà làm phim thời sự kiêm giám chế truyền thanh (radio producer) của đài phát thanh Radio National, hiện đang sinh sống ở Dulwich Hill, tình nguyện nhập đảng Tự Do và được đảng chấp nhận đưa ra tranh cử tại vùng Cabramatta.

Theo bài báo ngày 28/9 của nữ ký giả Lisa Carty trên một tờ báo Chủ Nhật, thì trong tuần lễ trước đó cô Đài đã “ngạc nhiên vô cùng khi các người buôn bán ở Cabramatta nói rằng cựu dân biểu Reba Meagher về hưu non đã làm cho cả khu vực thất vọng” (astonished when Cabramatta shopkeepers said recently retired MP Reba Meagher had let the area down).   Vì thế, cô bắt đầu dọ dẫm ý kiến của đảng Tự Do, rồi họp mặt với ông Bary O’Farrell vào ngày Thứ Tư 24/9, gia nhập đảng Tự Do ngày thứ Năm 25/9, ngày cuối cùng để ứng viên ghi danh tranh cử, và được làm ứng cử viên đảng Tự Do cho vùng Cabramatta.

Ngay sau đó, Nghị Viên Thượng Viện NSW, Charlie Lynn MLC, giám đốc chiến dịch vận động bầu cử (campaign director) cho cô Đài, đã tung ra một bản tin và xiển dương rằng: “Đài là một biểu tượng của Tự Do và là ước mơ của dân Úc” (Dai is a symbol of our Liberal philosophy and the Australian dream).

Bản tin kể sơ về lý lịch của cô Đài, một người tỵ nạn sau 4 năm ở trại tỵ nạn Phi Luật Tân, lại theo mẹ lên ghe ra đi một lần nữa để trôi dạt đến trại tỵ nạn Hương Cảng rồi ở đó 1 năm trước khi định cư tại Wollongong lúc cô lên 11 tuổi. Sau nhiều nỗ lực vô biên để học tiếng Anh và hội nhập vào xã hội, cô đã hoàn tất Tú Tài và học luật một thời gian trước khi chuyển sang học nghề ký giả.

Điều đáng nói ở đây là phần lớn của bản tin này lại được dành để trích đăng một đoạn văn của ký giả Gerard Henderson đả kích chính phủ Lao Động Whitlam thuở xưa đã không giúp người tỵ nạn Việt Nam. Sau đó, bản tin xiển dương công trạng của chính phủ Tự Do Fraser đã cho 56,000 người tỵ nạn Việt Nam từ đệ tam quốc gia được định cư tại Úc để rồi đi đến một kết luận: “Chính sách nhân đạo của đảng Tự Do dưới sự lãnh đạo của ông Malcolm Fraser đã cho cô Đài Lê cơ hội đạt được tiềm năng của cô. Đảng Tự Do bây giờ rất hãnh diện cho cô Đài Lê cơ hội đại diện cho đồng bào cô như người gốc Việt Nam đầu tiên trở thành dân biểu của tiểu bang NSW”.

Lãnh tụ đối lập NSW Barry O’Farrell trong cuộc viếng thăm Cabramatta với cô Đài ngày 29/9/08 vừa qua đã tuyên bố rằng “Đảng Tự Do cương quyết cống hiến cho dân chúng Cabramatta một sự lựa chọn thật sự so với chính phủ Lao động tiểu bang vốn quá kiêu căng, mỏi mệt và không còn biết được ý dân. Reba Meagher và đảng Lao động đã xem thường cử tri quá lâu, và đây là dịp để cư dân Cabramatta gởi một thông điệp đến với đảng Lao động tiểu bang” (The Liberal Party is determined to offer the people of Cabramatta a real alternative to the arrogant, tired and out-of-touch State Labor Government. Reba Meagher and Labor have taken the electorate for granted for too long and this is the chance for the people of Cabramatta to send a message to State Labor) .

Dĩ nhiên, cũng có người đặt câu hỏi, có phải đảng Tự Do xem thường cử tri Cabramatta khi chấp nhận cho cô Đài Lê, một người đã hơn 16 năm qua không hề sinh sống ở Cabramatta, dường như rất ít tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, xã hội, giáo dục, thanh thiếu niên hay một cuộc vận động nào với cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở NSW hay với cộng đồng đa văn hóa địa phương của Cabramatta trong một thập niên qua"

Một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao ở hai đơn vị Ryde và Lakemba thì đảng Tự Do lại có thể tìm được trong hàng ngũ đảng viên địa phương những người đã từng có kinh nghiệm lâu dài trong việc phục vụ cho cộng đồng địa phương, và qua đó hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của cử tri mà ở Cabramatta thì không" Ở Ryde, luật sư Victor Dominello từng phục vụ 8 năm trong tư cách nghị viên HĐTP Ryde, gia đình đã 3 đời sinh sống, làm ăn tại địa phương này. Ở Lakemba thì nghị viên Michael Hawatt là một người dân địa phương, phục vụ hơn 10 năm trong HĐTP Canterbury, từng đại diện đảng Tự Do tranh cử tại đơn vị này trong hai kỳ tổng tuyển cử 1995 và 1999.

Như vậy thì đảng Tự Do muốn nhắn gởi một thông điệp gì đến với cử tri Cabramata" Đặc biệt là cử tri gốc Việt" Phải chăng họ muốn “cho” cộng đồng người Việt một “cơ hội” để bầu cho một ứng viên “đồng bào” với họ" Như thế thì đảng Tự Do định lượng thế nào về sự hiểu biết chính trị của cử tri gốc Việt ở Cabramatta" Qua việc tuyển chọn ứng viên nhanh gọn như mở gói mì ăn liền thì có lẽ tầm mức quan trọng của Cabramatta đối với phe đối lập đã không được coi trọng, phải không"

Còn đảng Lao động thì sao" Ứng viên của đảng trong kỳ bầu cử bổ sung này là thị trưởng Nick Lalich, một người không xa lạ với cử tri vì đã phục vụ trong HĐTP Fairfield hơn 20 năm qua, và đã từng nắm giữ chức vụ thị trưởng lần đầu tiên năm 1993/1994, khi chức vụ này còn do các nghị viên bầu ra hàng năm. Từ năm 2004 đến nay, khi chức vụ thị trưởng được chuyển sang nhiệm kỳ 4 năm và do dân chúng trực tiếp bầu lên thì ông đã vẻ vang liên tiếp thắng cử 2 lần, kể cả kỳ bầu cử HĐTP trong tháng 9/08 vừa qua. Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ bầu cử bổ sung Cabramatta năm 1994, ông Lalich được xem như khuôn mặt Lao Động địa phương sáng giá nhiều uy tín để được chọn ra tranh cử. Ông tuyên bố sẵn sàng phục vụ cử tri Cabramatta. Thế nhưng, trung ương đảng Lao động NSW lại quyết định dùng quyền phủ quyết, gạt bỏ quyền chọn lựa ứng viên của chi bộ địa phương để đưa cô Reba Meagher, lúc ấy là chủ tịch Thanh Niên Lao Động (Young Labour) ra tranh cử. Và bây giờ, 14 năm sau, thì ông Lalich mới có dịp thực hiện hoài bão phục vụ cử tri trong tư cách dân biểu địa phương.

Thế nhưng, ở tuổi 63, không xa tuổi về hưu (65 tuổi) là bao nhiêu, thì liệu ông sẽ phục vụ cử tri Cabramatta được bao lâu nữa" Hơn thế nữa, thị trưởng Lalich cũng tuyên bố rằng nếu đắc cử thì ông sẽ kiêm nhiệm luôn chức vụ thị trưởng HĐTP Fairfield hiện nay của ông. Điều này khiến nhiều người đặt vấn đề rằng liệu ông có thể nào dành dủ thời giờ và tâm trí cho đơn vị Cabramatta hay không" Liệu ông có thể cân bằng được giữa những nhu cầu, có thể nhiều khi đối chọi, giữa quyền lợi của Cabramatta và HĐTP Fairfield hay không"

Ông Lalich khẳng định rằng ông có thể dễ dàng làm việc này. Hơn thế nữa, ông còn cho biết ông cũng hy vọng sẽ được đưa vào nội các của chính phủ Rees. Ông tuyên bố với một tờ báo địa phương rằng: “Tôi chắc chắn hy vọng được cứu xét cho một chức vụ bộ trưởng, nhưng chuyện đó cũng còn tuỳ theo thủ hiến và toàn thể bạn đồng liêu quyết định xem tôi có được một chỗ trong nội các hay không”. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông có rất thích hai lãnh vực là xây dựng hạ tầng cơ sở (infrastructure) và môi sinh (environment).

Ông Lalich cũng nói, trong vai trò thị rưởng Fairfield, ông đã từng làm việc với chính phủ tiểu bang trong rất nhiều vấn đề, cho nên, nếu đắc cử  ngày 18/10/08 tới đây, ông sẽ tiếp tục năng nổ làm việc để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách và quan trọng cho đơn vị Cabramatta, như việc phát triển Bonnyrigg, vấn đề đậu xe ở Cabramatta, vấn đề giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng xấu từ việc đường rầy xe lửa chở hàng sẽ chạy xuyên Cabramatta và tranh đấu cho quyền lợi của cư dân Cabramatta. Ông mạnh mẽ nói: “Tôi sẽ gõ cửa từng bộ trưởng trong chính phủ để bảo đảm nhiều thắng lợi cho vùng Cabramatta” (I’ll be knocking on the door of every minister in government to secure wins for Cabramatta).

Người ta không khỏi tự hỏi tại sao phải chờ đến khi đắc cử thì ông Lalich mới gõ cửa từng bộ trưởng để tranh đấu cho quyền lợi của cư dân Cabrmatta" Như vậy thì trong suốt thời gian làm thị trưởng Fairfield, ông đã giành được thắng lợi gì cho cử tri cho cư dân Cabramatta nói chung, và cho cử tri gốc Việt nói riêng" Nếu HĐTP Fairfield đã bội ước trong việc treo lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng cho ý chí yêu chuộng tự do của tập thể người Úc gốc Việt, tại đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Úc ở công viên Cabra-Vale, thì chắc chắn ông Nick Lalich cũng phải chịu trách nhiệm không nhỏ. Điều này chứng tỏ, trước áp lực cuả đảng Lao Động, ông Nick Lalich đã hy sinh nguyện vọng chính đáng của cử tri mà ông đại diện. Chuyện nhỏ đã vậy, thử hỏi chuyện lớn làm sao ông làm nổi.

Còn ứng viên của đảng Xanh, bà Lindsay Langlands, là một người sinh sống và làm việc tại địa phương trong hơn 30 năm qua, và vì thế, bà biết rất rõ những vấn đề quan trọng của đơn vị, cùng với nhu cầu, hoài bão và ước vọng của người dân. Bà được nhiều người biết đến qua những hoạt động phúc lợi xã hội địa phương, đặc biệt là công việc của bà với tổ chức 2166 Drug Service Coalition, một liên minh của nhiều tổ chức phúc lợi xã hội cộng đồng nhằm giảm thiểu tệ nạn xì ke ma tuý ở Cabramata qua nhiều dịch vụ  khác nhau. Bà tuyên bố rằng bà muốn thấy các vấn đề của Cabramatta đươc điều hành bởi những người từng có kinh nghiệm bản thân về các vấn đề ấy. Bà nhấn mạnh: “Tôi không nhảy dù từ nơi khác vào vùng nay. Tôi cũng không làm việc này vì muốn tiến xa trên sự nghiệp chính trị và tôi thực sự quan tâm đến những chuyện xảy ra cho cộng đồng này, khác với một vài ứng viên khác”.

Bà cho biết thất nghiệp là một vấn đề chủ yếu của chiến dich vận động tranh cử của bà. Song song với vấn đề này là những vấn đề về y tế, bài bạc và việc sử dụng nha phiến. Bà cũng hứa hẹn sẽ tranh đấu giải quyết vấn nạn thiếu chỗ đậu xe ở Cabramatta, một vấn nạn đã khiến cho khu vực này trở thành một trong những nơi có tỷ lệ nộp phạt đậu xe cao nhất tiểu bang.

Ngoài 3 ứng viên từ 3 chính đảng lớn này thì trong kỳ bầu cử bổ sung này tại Cabramatta còn có thêm 3 ứng viên khác nữa. Trước nhất là Doug Morrison, đại diện cho đảng Christian Democrat, một đảng cực hữu. Ông này không phải là người địa phương, từng đại diên đảng Christian Democrat tại Auburn năm 1995 và Parramatta năm 2007. Kế đến là Alasdair MacDonald, ra tranh cử trong tư cách độc lập. Tuy nhiên, ông là thành viên của Liên Minh Cộng Sản (communist league). Ông cũng không phải là người địa phương và cũng từng tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung ở Marrickville năm 2005 và trong kỳ tổng tuyển cử liên bang 2007 ở Parramatta.

Sau hết là Joseph Adams, một tiểu thương địa phương ra tranh cử với tư cách độc lập tuy là chủ tịch của đảng mệnh danh là Australian Business Party vì  đã từng thảm bại chua cay trong kỳ bầu cử HĐTP tháng 9/08 vừa qua.

Ngoại trừ ông Lalich là ứng viên của đảng Lao Động, hầu hết các ứng viên khác đều lên tiếng kêu gọi cử tri dồn phiếu cho họ để “gởi một thông điệp thật mạnh mẽ đến với chính phủ Lao Động”. Thông điệp ấy có được mạnh hay không, mạnh dến cỡ nào thì cũng còn tuỳ thuộc vào một số vấn đề, bao gồm luôn cả việc trao đổi phiếu giữa các ứng viên. Đảng Christian Democrat thường trao đổi với đảng Tự Do. Lần này, có thể ứng viên Joseph Adams cũng sẽ hợp tác trao phiếu cho Tự Do. Ứng viên cộng sản MacDonald chắc sẽ không được trao đổi phiếu với ai cả. Đảng Xanh sẽ không trao đổi phiếu với đảng Lao Động. Cục diện có thể sẽ trở nên gay go, lý thú nếu cử tri Cabramatta biến đơn vị này thành mọt đơn vị bấp bênh và qua đó, bảo đảm rằng mọi nhu cầu của khu vực này sẽ được cả hai đảng lớn tận tâm tận lực cung ứng, cho dù chính phủ có thuộc vào đảng nào đi nữa. Vì lẽ đó, khi đi bầu, cử tri thông minh sáng suốt sẽ hiểu, nên bỏ phiếu sao cho người chắc thắng, sẽ thắng ít hơn; thì quyền lợi của cộng đồng trong đó có quyền lợi của mình, sẽ được chăm sóc tận tình hơn, kỹ lưỡng hơn, và tiếng nói của mình sẽ được các vị dân cử thận trọng lắng nghe hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.