Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Học Nghề Tắt Để Được Thường Trú

05/08/200800:00:00(Xem: 2467)
Trong thời gian vài năm trở lại đây, có sự tăng vọt về số sinh viên du học xin thường trú tại Úc qua chương trình thu nhận di dân có tay nghề, đặc biệt là trong những ngành nghề vốn đang có nhu cầu cao, như uốn tóc, đầu bếp, thẩm mỹ.v.v. Thế nhưng, dường như một số cố vấn di trú đã lợi dụng chương trình này như một phương tiện kiếm tiền nhanh chóng dễ dàng và không ít sinh viên ngoại quốc cũng dùng chương trình này như một ngõ tắt để lấy được tư cách thường trú nhân. Để biết thêm về vấn đề này, xin mời qúy độc giả theo dõi bà viết của nữ ký giả Elisabeth Wynhausen, tựa đề We’ll Say You Did The Hours – Chúng Tôi Sẽ Nói Bạn Đã Làm Đủ Giờ được đăng tải trên trang Inquirer của nhật báo The Australian ngày 26/7/08 vừa qua.

*

Tháng 5/08 vừa qua nhân viên bộ Di Trú đã bố ráp văn phòng của Deepak Bajaj, một chuyên viên cố vấn di trú (registered migration agent), tại đường Swanston ở Melbourne. Ông Bajaj đang bị điều tra sau khi nộp vài trăm đơn của sinh viên ngoại quốc xin nhìn nhận bằng cấp của họ sau khi theo học tại Úc.

Những hồ sơ đang bị tra xét bao gồm những tờ giấy giới thiệu chứng nhận rằng các sinh viên này đã hoàn tất 900 giờ làm việc thực tập lấy kinh nghiệm trong nhà bếp của các tiệm ăn, trong các nhà in hoặc trong các viện uốn tóc.

Một cố vấn di trú khác đã cho ký giả của Inquirer biết rằng một số khách hàng của ông Bajaj cuối cùng đã phải tìm đến văn phòng của ông để nhờ cố vấn về đơn của họ. Sự thực thì những người này không biết được ngay cả cái tên của những cơ sở mà họ đã khai là đã đến làm việc 900 giờ để lấy kinh nghiệm. Viên cố vấn này khuyên họ nên nghĩ đến việc rút lại đơn xin đổi chiếu khán, trở lại học đúng ngành nghề của họ và nộp lại đơn khác sau khi đã thực sự làm việc lấy kinh nghiệm một cách hợp pháp, nhất là khi văn phòng của ông Bajaj đã bị bố ráp.

Rất nhiều cố vấn di trú khác cũng cho biết rằng việc mua giấy tờ giả để chứng nhận đã hoàn tất số giờ làm việc thực tập lấy kinh nghiệm là trào lưu hiện đang thịnh hành trong ngành giáo dục huấn nghệ tại Úc hiện nay.

Năm ngoái, trong một bản tường trình tựa đề “Cooks Galore & Hairdressers Aplenty” – Đầu Bếp Nhan Nhản và Thợ Uốn Tóc Dẫy Đầy – thì các chuyên gia về di trú là Bob Kinnaird và Bob Birrell cho biết rằng trong vài năm gần đây, con số sinh viên ngoại quốc ghi danh theo học các khóa đầu bếp (cookery) và uốn tóc gia tăng gấp ba.

Các tư thục huấn nghệ ngày càng sử dụng Danh Sách Những Ngành Nghề Đang Có Nhu Cầu Cao (Migration Occupations in Demand List) của chính phủ liên bang để quảng bá các ngành uốn tóc và nấu ăn – theo sự miêu tả của một cựu giáo viên – như là “cách dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất để sinh viên xin được tư cách thường trú nhân”.

Trước khi học viên của những khóa huấn nghệ (trade courses) có thể nộp đơn xin thường trú thì họ cần chứng chỉ nghề nghiệp cấp III (trade certificate III) và những tờ giấy giới thiệu (references) chứng nhận họ đã hoàn tất 900 giờ thực tập làm việc lấy kinh nghiệm. Những tờ chứng nhận này sẽ được cơ quan Thừa Nhận Chứng Chỉ Nghề Nghiệp Tại Úc (Trades Recognition Australia –TRA), thẩm định bằng cấp và công việc thực tập. Khi được thẩm định tốt thì họ có thể nộp đơn lên bộ Di Trú.

Bộ Giáo Dục, Nhân Dụng và Quan Hệ Nơi Làm Việc liên bang (Department of Education, Employment and Workplace Relations – DEEWR) cho biết họ không thể nào lên tiếng trả lời “những sự khẳng định không bằng chứng”, nhưng việc cung cấp giấy tờ giả mạo để hổ trợ cho đơn xin chứng thực tay nghề của TRA được xem là một sự vi phạm luật pháp trầm trọng.

Một phát ngôn nhân của DEEWR nói: “DEEWR dồn rất nhiều tài nguyên vào việc xác định, điều tra và truy tố những vụ gian manh (fraud). Một thí dụ điển hình là việc một cố vấn di trú ở Sydey đã bị tòa kết tội gian lận với hai tội danh liên quan đến việc cung cấp giấy tờ giả mạo cho TRA. Một số cuộc điều tra tương tự đang được tiến hành tại một số tiểu bang”.

Dĩ nhiên, tìm được nơi làm việc thực tập quả thật khó hơn người ta tưởng. Tình hình hiện nay, theo ông Jonathan Granger, một cố vấn di trú ở Sydney, “đã mở rộng cửa cho một số tư thục huấn nghệ, một số cố vấn di trú và một số nhà hàng lấy $5,000 Úc Kim từ học viên để cấp cho họ một tờ giấy giới thiệu chứng nhận rằng họ đã hoàn tất 900 giờ thực tập”. Cũng theo ông Granger thì nhiều sinh viên đã trả đến $7,000 Úc Kim cho những giấy tờ giả mạo này.

Một giấy chứng nhận giả mạo mà phóng viên của phụ trang Inquirer đã tìm được ghi nhận như sau: “Chứng nhận rằng ông.... đã làm việc cho nhà hàng (bôi tên) Bistro and Pizza, trong cương vị đầu bếp” và đã làm việc không ăn lương “hơn 900 giờ”. Tờ giấy giới thiệu, được ký tên của chính chủ nhân của một nhà hàng ở phía bắc Melbourne, liệt kê tất cả những công việc mà người làm việc không lương này đã làm, từ chuyện sử dụng tất cả máy móc, dụng cụ trong bếp và kiểm soát tình trạng vệ sinh của thực phẩm cùng đồ đạc tồn kho cho đến việc làm cá, nướng bánh và sửa soạn cùng trình bày “những món ăn với cách trưng bày mỹ miều”.

Người chủ nhân nhà hàng đã không thể xác nhận hoặc phủ nhận rằng ông ta có cấp cái giấy chứng nhận ấy hay không.

Viên giám đốc của một tư thục huấn nghệ nhỏ cho biết: “Các cố vấn di trú trả tiền cho nhà hàng để họ cấp những giấy chứng nhận cho những người làm việc không ăn lương”. Theo ông này thì nhiều học viên của những khóa nấu ăn được cho là đã lấy kinh nghiệm làm việc trong nhà bếp của các tiệm ăn thường được thấy làm người hầu bàn ở những tiệm ăn này. Ông nói: “Khi họ nộp đơn với TRA thì họ mặc đồng phục rồi ngồi chơi trong bếp suốt 15 ngày, thế thôi”.

Ông cũng cho biết thêm rằng một vài người chủ tư thục vô lương tâm đã buộc học viên phải trả $5,000 cho những tờ giấy chứng nhận giả mạo này rồi sau đó dùng tiền bạc thu thập được từ các học viên này để mở một tiệm ăn nho nhỏ!

Bà Ruth Browne, giám đốc của Pivot Point International Academy ở Melbourne, một trong 2,000 trường huấn nghệ Pivot Point ở 72 quốc gia cho biết rằng giấy chứng nhận giả mạo cũng bắt đầu xuất hiện rong ngành uốn tóc. Bà nói: “Tôi có nghe đến những vụ làm ăn mánh khóe với học viên phải trả tiền để nhận được những chứng chỉ xác nhận đã hoàn tất 900 giờ làm việc thực tập. Chuyện này dường như rất phổ thông. Trong kỹ nghệ giáo dục huấn nghệ cho sinh viên ngoại quốc, ai ai cũng biết có một vài cố vấn di trú cung cấp luôn giấy chứng nhận đã làm đủ số giờ thực tập cần thiết và học viên không cần đến gần một tiệm uốn tóc nào cả. Có nhiều chủ tiệm uốn tóc cho tôi biết rằng nhiều lúc họ được vài người trẻ tuổi tìm đến rồi gạ gẫm: Tôi sẵn sàng làm việc không ăn lương gì hết hoặc cố vấn di trú của tôi có thể "dàn xếp" để đánh đổi một tờ giấy chứng nhận”.

Bà Browne, trong tư cách thành viên của ban chấp hành Hiệp Hội Uốn Tóc và Thẩm Mỹ (Hair and Beauty Industry Association) cho biết rằng những vụ gian manh lươn lẹo này đang hủy hoại dần dần hệ thống huấn nghệ (apprenticeship) của nước Úc.

Cho đến bây giờ thì TRA vẫn cho phép 900 giờ thực tập là giờ làm việc tự nguyện không lương, và vì thế, khiến cho việc vạch mặt những thủ đoạn mánh mung khó khăn hơn. Ông Granger cho biết: “TRA không đòi hỏi biên nhận tiền lương (payslips)”.

Đây là một việc hơi khác thường chiếu theo luật lao động, và sẽ được thay đổi kể từ 1/09/08 tới đây. TRA cho biết họ đang siết chặt điều kiện và 900 giờ thực tập phải là giờ làm việc ăn lương hơn là làm việc không lương để lấy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, ông Granger nói: “Chuyện này cũng không chấm dứt được những sự mánh mung dối trá”. Ông cho biết rằng giới cố vấn di trú cũng thường xuyên nhắc đến một cách làm ăn phi pháp khác nữa. Học viên trả trước cho những người môi giới không có giấy hành nghề (unregistered agents) hoặc các tay chủ nhân gian manh một số tiền mặt là $10,000. Tay môi giới bỏ túi vài ngàn, có lẽ chia chác với người chủ tiệm, rồi sau đó, người chủ tiệm sẽ ký chi phiếu và cấp giấy khai thuế (group certificate) có tên của học viên.

Chiếu theo bản tin tháng rồi từ ngân hàng quốc gia (Reserve Bank Bulletin) thì giá trị của dịch vụ giáo dục nhắm vào sinh viên ngoại quốc theo học tại Úc đã phát triển với mức độ là 14% mỗi năm, kể từ năm 1982 đến nay. Được ngân hàng quốc gia liệt kê như một mặt hàng xuất cảng mặc dù 97% dịch vụ này được cung cấp ngay trên đất nước Úc. Trong năm 2007, các dịch vụ giáo dục này trị giá $12.6 tỷ Úc Kim, và bây giờ trở thành “mặt hàng xuất cảng lớn thứ ba của Úc, sau than và sắt”.

Vì một số người ghi danh theo học nhiều khoa khác nhau cho nên những con số chính thức về giấy chiếu khán du học sinh cho các sinh viên ngoại quốc trả đủ học phí (full-fee international students) thường tính về con số ghi danh học hơn là con số học viên. Trong tháng 5/08 có 376,867 chỗ học ghi danh, chiếu theo tin liệu của trang web chính phủ Australian Education International. Tổng cộng có 149,191 ghi danh theo học đại học (higher education), 69,555 theo học những khóa Anh Văn chuyên môn và 115,791 theo học nghề tại các trường huấn nghệ tư. Kỹ nghệ huấn nghệ tư này phát triển nhanh chóng đến độ con số học viên ghi danh học gia tăng 43.7% trong thời gian từ tháng 5/2007 đến tháng 5/2008.

Chỉ riêng tại Victoria đã có 100 tư thục mới đang chuẩn bị hoạt động. Thế nhưng, rõ ràng là Cơ Quan Đăng Bộ và Bằng Cấp Victoria (Victorian Registration and Qualifications Authority) cùng với Ủy Ban Cấp Chứng Nhận Giáo Dục Huấn Nghệ (NSW Vocational Education and Training Accreditation Board) những cơ quan công quyền có trách nhiệm kiểm soát thanh tra các trường tư thục, đã không kham xuể với sự bộc phát này.

Một cựu giáo viên, vốn từng dạy khóa nấu ăn tại một trường tư thục huấn nghệ lớn ở NSW ngao ngán nói: “Nhiều học viên vừa bị đánh hỏng một môn vào thứ Năm, thì thứ Sáu họ đã được tái thẩm định và được cho là hội đủ điều kiện để đậu. Dĩ nhiên là có đầy đủ giấy tờ, để làm cho những viên thanh tra của bộ Giáo Dục thỏa mãn, nhưng những giấy tờ này hoàn toàn vô nghĩa”.

Cách đây 3 năm, tất cả học viên phải trải qua một cuộc thi tay nghề, và theo bà Browne thì đây là một hệ thống tốt hơn bây giờ. Bà nói: “Đấy là một cách công bằng để học viên uốn tóc, hoặc nấu ăn, được thẩm định tài nghệ của họ. Thế nhưng, kể từ khi chính phủ Howard bãi bỏ những cuộc thi này thì bỗng dưng có một sự bùng nổ về con số những trường huấn nghệ dành riêng cho học viên ngoại quốc”.

Và quả thật đã có một số tư thục quảng cáo công khai, hợp pháp, rằng họ có thể bảo đảm cung cấp chỗ làm thực tập khi học viên chi thêm từ $4,500 đến $9,000. Và có nhiều cố vấn di trú cũng nhảy vào ăn có về những sự bảo đảm của các trường này.

 “Chúng tôi có thể giúp các bạn đổi sang ngành nấu ăn công nghệ, uốn tóc, xã hội... và những khóa học TAFE vốn giúp xin thường trú với... BẢO ĐẢM 900 giờ làm việc thực tập”. Đấy là lời quảng cáo trên trang web của Kangaroo Immigration and Education Consultancy, công ty của cố vấn di trú Syed Mohammed Nazmul Kabir. Ông Kabir cho phóng viên Inquirer biết rằng ông được nhân viên bộ Di Trú yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề. Ông cho biết, trong vai trò một cố vấn di trú ông chỉ giúp học viên đổi sang những trường có bảo đảm về giờ thực tập lấy kinh nghiệm.

Dĩ nhiên điều này có nghĩa là một số sẽ học uốn tóc, hoặc nấu ăn mặc dù họ sẽ không bao giờ bỏ ra một ngày trong đời họ để hành nghề uốn tóc hoặc đầu bếp.

Luật sư di trú Michael Clothier ở Melbourne nói: “Tôi có rất nhiều thân chủ bỏ dở những khóa học toán, khoa học để theo học uốn tóc hoặc nấu ăn cấp thương mại (commercial cookery) vì họ sẽ dễ dàng xin thường trú hơn. Một trong những chuyện khả dĩ thu hút người ta đến “vùng cuối thế giới” này để ghi danh học là việc họ có thể xin được tư cách thường trú nhân sau đó hay không”.

Ông cho biết thêm là một số học viên tìm đến ông để xin cố vấn về di trú bị ngỡ ngàng khi phải thực sự vào lớp học. Ông nói: ”họ cứ tưởng rằng mọi chuyện đã được dàn xếp rồi”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.