Hôm nay,  

Thuyết Trình Của Đại Tá Hà Mai Việt : Diễn Tiến Trận Mậu Thân 68

17/04/200800:00:00(Xem: 26673)

Tường Trình Hội Thảo về “Sự Thật tết Mậu Thân” tại Viêt Báo Gallery, 29 tháng Ba năm 2008

Được ban tổ chức yêu cầu trình bày ngắn gọn trong thời hạn 10-15 phút toàn bộ diễn tiến của trận Mậu Thân, Đại tá Hà Mai Việt đã thâu gọn bài thuyết trình trong ba phần chính, với một phần kết luận.

1. Sơ lược toàn cảnh

Vào giữa năm 1967, Hoa Kỳ có tiên đoán rằng Bắc Việt sẽ mở các cuộc tấn công lớn, nhưng lại nghĩ rằng hỏa lực hùng hậu của các đơn vị Hoa Kỳ có thể tiêu diệt dễ dàng mọi cuộc tấn công. Vả lại, khi đó, chính quyền Việt Nam cũng đã tương đối vững mạnh hơn mấy năm trước. Việt Nam Cộng Hoà đã có bầu cử tự do và đạt nhiều thành tích về hành chánh và cả quân sự.

Khi mở cuộc tấn công mà Cộng sản gọi là "Tổng tấn công - Tổng khởi nghĩa", họ cũng tìm nhiều cách đánh lạc hướng phòng bị của chúng ta, từ ngoại giao đến chính trị và quân sự. Về quân sự, họ mở ra nhiều trận đánh dọc vùng giới tuyến hay dọc theo biên giới từ cuối tháng Bảy năm 1967, nhất là tại Khe Sanh.

Vào dịp Tết Mậu Thân, tình hình chung trên toàn quốc có vẻ hoàn toàn yên tĩnh, và các binh sĩ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vẫn được nghỉ phép để ăn Tết như thường lệ. Thế rồi cuộc tổng tấn công đã bùng nổ, nhưng kết quả lại trái ngược với kế hoạch của Cộng sản. Giai đoạn hai là Tổng khởi nghĩa hay Tổng nổi dậy đã không thành vì Tổng tấn công bị bẻ gãy dù Cộng sản đã đánh đồng loạt 44 tỉnh, và tấn công rất nhiều mục tiêu mà họ tưởng rằng sẽ chiếm được dễ dàng.

Cũng trên toàn cảnh, Cộng sản đã tiến hành chiến dịch này mà không có phối hợp như dự tính, mỗi nơi lại nổ súng vào một thời điểm khác, cách nhau từ vài giờ đến vài ngày. Điều bất ngờ cho họ là sức chiến đấu của các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà.

Diễn tiến của cuộc tổng tấn công đã được Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà ghi nhận và có phổ biến trong bộ Quân sử.

2. Diễn tiến của cuộc tổng công kích

Ngày 31 tháng Giêng năm 1968, quân Cộng sản bất ngờ xuất hiện tại khắp mọi nơi ở miền Nam, tấn công vào Sàigon và 36 trong số 44 tỉnh lỵ, năm trong sáu đô thị, 64 trong số hơm 240 quận lỵ, 50 ấp và một số căn cứ quân sự mà đa số là căn cứ có phi trường. Ngày một tháng Hai, lực lượng Bộ binh Hoa Kỳ đồng ý yểm trợ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà để tảo thanh quân Cộng sản đang xâm nhập và cố thủ trong thủ đô Sàigon và các thành phố Huế, Quảng Trị, Kontum, Phú Lộc, Mỹ Tho và Bến Tre. Ngay hôm sau, ngày hai tháng Hai, theo tin tức ghi nhận được của phía Hoa Kỳ thì áp lực của địch quân tại mọi nơi hầu hết đã được giải tỏa, ngoại trừ tại Huế và Sàigon.

Tại vùng 1 Chiến thuật, Cộng sản tấn công Huế vào lúc hai giờ sáng ngày mùng hai Tết Nguyên Đán. Sau đó khoảng hai tiếng, Cộng sản đồng loạt tấn công vào ba tỉnh là Quảng Trị, Quảng Tín (Tam Kỳ) và Quảng Ngãi. Các đơn vị đồng minh Hoa Kỳ, thuộc Sư đoàn 101 Khinh kỵ và Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã phối hợp cùng Sư đoàn 1 Bộ binh và các đơn vị Biệt động quân và Thủy quân Lục chiến của Việt Nam Cộng Hoà để ứng phó. Phần chiến cuộc tại Huế sẽ do diễn giả thứ nhì là Trung tá Trần Ngọc Huế trình bày sau.

Tại vùng 2 Chiến thuật, quân Cộng sản tấn công vào Tuy Hoà và Phan Thiết cùng các đơn vị Hoa Kỳ tại căn cứ Bồng Sơn và An Khê. Năm thị xã Nha Trang, Darlac, Kontum, Quy Nhơn và Pleiku bị tấn công theo thứ tự đó, từ nửa đêm cho tới mờ sáng ngày mùng một Tết. Riêng Bình Thuận bị tấn công sau ba giờ sáng mùng hai và Tuyên Đức vào hai giờ sáng mùng ba Tết.

Tại vùng 3 Chiến thuật, Cộng sản cũng tấn công nhiều nơi một lúc, nhưng các đơn vị của ta đều chống cự và đẩy lui được, chỉ có một số nơi mới cần tăng phái các đơn vị vào giải vây. Cộng sản tấn công Sàigòn-Chợ Lớn và Gia Định vào hai giờ sáng mùng một Tết, tấn công Biên Hoà vào ba giờ sáng mùng ba, vào Bình Dương sau bốn giờ sáng. Riêng Long Khánh đến một giờ sáng mùng năm mới bị Cộng quân tấn công.

Tình hình gay go nhất là tại Chợ Lớn, nơi được Bộ Tư lệnh MACV của Hoa Kỳ coi là vùng oanh kích tự do, phải sử dụng đại pháo vả hoả tiễn, và chúng ta phải huy động đến hơn 10 ngàn quân để giải phóng sau sáu ngày oanh tạc liên tục. Nơi đây, diễn giả là Thiếu tá Thiết giáp và có trực tiếo tham dự trận đánh. Điểm đặc biệt nhất là Toà Đại sứ Hoa Kỳ ở Sàigon, bị đặc công đột kích vào một rưỡi sáng ngày 31 tháng Giêng. Chưa đầy tám tiếng sau, địch quân đã bị thanh toán hết.

Tại vùng 4 Chiến thuật, Cộng sản tấn công Phong Dinh rồi Vĩnh Long vào rạng sáng mùng hai Tết, qua ngày mùng ba thì tấn công Kiên Giang, Kiến Hoà, Định Tường và Vĩnh Bình. Hai hôm sau, Cộng quân mới đánh vào Kiến Tường và mùng tám Tết mới đánh vào Gò Công, rạng ngày 13 Tết mới tấn công Bạc Liêu.

Trong thời gian trên, tám tỉnh gồm Ninh Thuận, Phú Bổn, Bình Long, Phước Tuy, Chương Thiện, An Giang, Quảng Đức và Bình Tuy, cùng hai thành phố Phú Yên và Lâm Đồng vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Chín tỉnh còn lại chỉ bị pháo kích lẻ tẻ mà tổn thất không đáng kể.

Tổng kết lại thì trong hai ngày đầu, có 12 tỉnh tại Vùng 1 và Vùng 2 Chiến thuật và 10 tỉnh thuộc Vùng 3 và vùng 4 Chiến thuật là bị tấn công đồng loạt. Bốn tỉnh khác bị địch tấn công không liên tục kể từ mùng ba đến ngày 13 Tết. Ngay sau khi bị tấn công bất ngờ tại nhiều nơi, các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà đã phản công tức thời và gây tổn thất đáng kể cho đối phương, buộc họ phải rút lui để bổ xung đơn vị và chỉnh đốn hàng ngũ. Ngoại trừ tại Huế, cuộc tổng tấn công trong đợt đầu đã bị bẻ gãy trong vòng hai tuần.

Sau đó, Cộng sản còn mở đợt tấn công thứ nhì trong tháng Hai và đợt thứ ba trong tháng Ba, nhưng đây là theo cách trình bày của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, chứ các tài liệu của Cộng sản không phân biệt cuộc tổng tấn công thành từng đợt như vậy. 3. Kết quả: địch tổn thất nặng

Theo tài liệu của Bộ Tổng tham mưu thì đây là số thiệt hại của các bên tham chiến:

Về phía Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, ta có 4.954 binh sĩ bị tử thương, 15.097 bị thương và 926 bị mất tích. Tổng cộng là 20.977 người.

Về phía Đồng minh (Hoa Kỳ và các nước bạn), có 4.124 bị tử thương, 19.285 bị thươn và 604 mất tích, tổng cộng là 24.013 người.

Về phía địch quân, Cộng sản mất 58.373 người bị tử thương và 9.461 người bị bắt, tổng cộng 67.834 người. Trong tổng số quân được tung vào vụ tổng tấn công, địch quân coi như đã mất năm sư đoàn. Chỉ nội chi tiết ấy cũng cho thấy sự thảm bại quân sự của Bắc Việt.

Nhưng, về phía người dân miền Nam thì có 14.300 thường dân bị chết, 24 ngàn bị thương và 627 ngàn người tỵ nạn, 72 ngàn căn nhà bị hư hại. Đấy là một bài toán kinh tế và xã hội mà Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà phải khắc phục, và đã khắc phục được.

Đôi lời kết luận

Việt Nam Cộng Hoà có một lực lượng chống cộng rất mạnh, một đội quân tinh nhuệ có tinh thần chiến đấu rất cao, kinh nghiệm tác chiến thuần thục và phản ứng rất mau lẹ. Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có hàng trăm ngàn anh hùng, từ hàng binh sĩ trở lên, với nhiều sĩ quan cấp Tá tuổi trẻ mà tài cao không sao kể xiết được.

Khi đất nước lâm nguy trong tình thế khắc nghiệt như vậy, mặc dầu gần phân nửa quân số và cả Tổng thống, một vài Tư lệnh Quân đoàn hay chỉ huy trưởng các đại đơn vị thuộc mọi quân binh chủng, đang về quê ăn Tết với gia đình hoặc không có mặt tại nhiệm sở, Quân lực ấy đã anh dũng chiến đấu trên mọi chiến trường, từ Bến Hải đến Cà Mau. Những tay súng can trường của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã tự nguyện kết hợp với lực lượng địa phương, hay đã tự kiếm phương tiện trở về đơn vị gốc hoặc tìm tới đơn vị bạn dù không cùng binh chủng để chiến đấu.

Nhờ vậy mà từ Bến Hải đến Cà Mau, tình hình đã được ổn định, dân chúng đã trở về sinh sống bình thường và Quân lực miền Nam đã kiểm soát được tất cả vị trí cũ, như trước khi xảy ra vụ Tổng tấn công Mậu Thân. Dù có đạt yếu tố bất ngờ khi gian trá tấn công vào dịp hưu chiến, quân Cộng sản đã bị thảm bại, và lần đầu tiên bị thảm bại nặng nề chua cay như vậy trong suốt lịch sử chiến tranh Quốc-Cộng.

Chỉ tiếc rằng trong suốt thời gian chiến tranh, trong các cấp lãnh đạo có trách nhiệm về sự sống còn của đất nước, ít ai để ý đến quốc gia dân tộc. Đã thế, nhiều người vẫn còn giữ thói quen độc tôn, độc tài, độc đoán, độc quyền của thời nô lệ.

Nhưng, ở bên dưới, chúng ta vẫn thấy vằng vặc những tấm gương sáng của nhiều chiến sĩ anh hùng, nơi đây xin kể ra hai trường hợp trong rất nhiều trường hợp tiêu biểu của những anh hùng trong trận Mậu Thân.

Trước hết là Thiếu tá Thiết giáp Nguyễn Hoá, xuất thân là binh sĩ từ năm 1947.

Khi Quân đội Quốc gia Việt Nam thành hình, ông là Trung sĩ nhất, rồi lên dần tới Chuẩn úy nhờ chiến tích, và tốt nghiệp khoá Sĩ quan Căn bản Thiết giáp năm 1962. Trong biến cố Tết Mậu Thân, ông là Thiếu tá Chi đoàn trưởng Chi đoàn 2/7 Thiết vận xa đóng tại đồi La Vang.

Khi Cộng quân tấn công tỉnh Quảng Trị vào đêm mồng một rạng mồng hai Tết, Thiếu tá Hoá đã điều động Chi đoàn 2/7 tiêu diệt toàn bộ Cộng quân trong thành phố vào năm giờ sáng, bắt được 20 tù binh và tịch thu 50 vũ khí đủ loại. Hơn một tiếng sau, ông lại được điều động trở về đồi La Vang để giải tỏa áp lực của địch. Chi đoàn của ông đã tiêu diệt toàn bộ đơn vị Cộng quân đang phục kích để chặn đường tiếp viện, giết 32 tên, bắt được 25 tên và tịch thu 50 vũ khí đủ loại.

Chiều mùng hai Tết đó, Thiếu tá Nguyễn Hoá được Tướng Ngô Quang Trưởng điện thoại từ Mang Cá yêu cầu trở về Huế để tiếp viện, ông xin được phép di chuyển vào sáng mùng ba vì đoạn đường từ Mỹ Chánh đến Phố Trạch rất nguy hiểm, có thể bị phục kích.

Mờ sáng mùng ba, Chi đoàn 2/7 Thiết vận xa rời Quảng Trị, nhưng không qua cầu mà vượt sông từ Hà Lỗ qua Phường Tích, băng qua đồi bên trái Quốc lộ 1 và nhánh sông Ô Lâu để tránh đoạn đường núi có thể bị phục kích. Ông đi theo những ngả bất ngờ để sáng mùng bốn Tết tiếp nhận một nửa quân số của Đại đội Hắc Báo của Sư đoàn 1 cùng đánh tùng thiết sang khu Tây Linh làm bàn đạp chiếm sân bay Mang Cá trong Thành Nội, giải vây một số quân nhân về ăn Tết và bị địch bắt, dùng họ lập thành Trung đội tùng thiết cho Chi đoàn.

Ông tiếp tục tiến chiếm khu Tây Lộc, chuẩn bị chiến cửa Bắc và cửa Tây, và quần thảo trong 18 ngày với địch quân cho tới khi Sư đoàn 1 rút về và Thủy quân Lục chiến đến tăng cường. Trong trận Mậu Thân, từ Quảng Trị xuống tới Huế, Chi đoàn 2/7 Thiết vận xa có bốn tử thương, 16 bị thương, tức là gần 20% quân số, mà đã gây tổn thất cực kỳ nặng nề cho địch.

Trường hợp thứ hai là Trung tá Nguyễn Văn Phán, xuất thân trường Sĩ quan Thủ đức.

Tết Mậu thân, ông là Đại úy Đại đội trưởng Thủy quân Lục chiến. Khi Sàigon Chợ Lớn bị cộng quân đột nhập, Đại uý Phán từ Cai Lậy về Thủ đô để giải tỏa trại Cổ Loa của Thiết giáp. Đánh xong, hai giờ sáng hôm sau, Đại đội của ông được lệnh vào phi trường Tân Sơn Nhất để bay ra Huế. Mười giờ sáng, ông đã tới Phú Bài lên đường vào Huế theo lộ trình băng qua Đại học Văn Khoa vào Mang Cá Nhỏ, tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để sẵn sàng xông vào mục tiêu ấn định, đó là Kỳ đài Huế.

"Đại đội ra đi với hơn 170 người. Sau 24 ngày chiến đấu và bao lần bổ xung quân số, chỉ còn có ba mục tiêu là: Con đường, Cửa Sập và Kỳ đài, mà bây giờ tôi chỉ con 67 người". Đó là lời tường thuật của Trung tá Phán, một anh hùng Thủy quân Lục chiến mà nhiều người còn nhớ....

Những tấm gương đó, chúng ta không thể nào quên được. Và cần ghi lại trong Sự thật Mậu Thân để các thế hệ về sau cùng biết và cùng nhớ....

(Trong những kỳ tới là phần trình bày của Trung tá Trần Ngọc Huế, rồi Đại sứ Bùi Diễm và phần hội luận với sự điều hợp của Nguyễn Xuân Nghĩa.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.