Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 83)

04/12/200700:00:00(Xem: 2762)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Giữa lúc tôi đang hoảng hốt, tuyệt vọng, hay tay ôm đầu, hai chân co lại để che bụng, ngực, và cả người cong như con tôm, gồng mình chuẩn bị chịu đòn, thì bỗng từ trên xe, có người la thật to:
- Ê, dừng tay! Đừng đánh nó nữa!  Nó không phải chệt đâu!
Tiếng người khác hỏi lại:
- Sao mày biết nó không phải chệt"
Rồi có tiếng người khác hét lên:
- Tao bảo đảm nó là chệt đó mà. Cứ đập chết nó rồi quẳng xuống hồ cho cá ăn là xong.
Một giọng khác, nói có vẻ chỉ huy:
- Khoan. Tụi bây làm gì mà vội vậy. Nó có chạy mất đâu mà lo.
Có tiếng chân người nhảy từ trên xe xuống. Lúc này tôi mới hé mắt nhìn. Trong ánh đèn bấm loang loáng và ánh đèn điện vàng vọt từ cổng trại, tôi thấy mấy tên đang đứng vây quanh tôi, dáng điệu hung dữ, nhưng tất cả đều quay đầu về phía người từ trên xe nhảy xuống. Lúc đó, cả người tôi đau tê tái, nhưng qua ánh đèn, tôi vẫn nhìn thấy tên đó cầm trên tay cuốn sách Ngục Trung Nhật Ký và tấm hình Hồ Chí Minh. Tên đó cầm cuốn sách trao cho tên cao to đeo xà cột đứng giữa và nói:
- Báo cáo thủ trưởng, em thấy anh này mang theo cuốn  Ngục Trung Nhật Ký của Bác thì anh ta không thể nào là người Hoa được.
Tên "thủ trưởng" cầm cuốn sách coi phía trước, lật phía sau, hỏi giọng hoài nghi:
- Mày có chắc cuốn sách này của y không"
- Thì xe của em xưa nay chỉ chở gỗ, có bao giờ chở sách đâu, thưa thủ trưởng.
Tên "thủ trưởng" chỉ tay vào bức hình cuộn tròn trong tay tên tài xế rồi hất cằm hỏi:
- Còn cái đó là cái gì" Mở ra coi...
Tên tài xế vâng lời, tháo dây, mở tấm hình... Nhìn tấm hình, thấy đó là hình Hồ Chí Minh, tên thủ trưởng vội quay ra quát:
- Đ.M. chúng bây, đánh đấm gì mà chẳng hỏi người ta một tiếng. Cứ nhắm mắt mà đánh thôi...
Dứt lời, tên "thủ trưởng" bước tới chỗ tôi nằm, thân mật cúi xuống nâng tôi đứng dậy và nói:
- Đồng chí tha lỗi cho tụi nó, vì chúng nó cứ tưởng đồng chí là điệp vụ Trung cộng trá hình.
Rồi một tay vỗ vỗ vai tôi, một tay nắm lấy tay tôi lắc lắc, tên "thủ trưởng" hỏi giọng ngạc nhiên:
- Mà sao đồng chí không nói ngay từ đầu, để cho hai bên khỏi hiểu lầm"
Tôi méo miệng, đau đớn:
- Thì các đồng chí đâu có hỏi nếp tẻ gì. Tự dưng tôi đang ngủ là xúm vô đánh tôi liên tục, có hở lúc nào đâu mà tôi nói...
Tên "thủ trưởng" cười xuề xoà:
- Thôi thôi, đồng chí thông cảm bỏ qua đi nghe. Bây giờ là lúc chúng ta cần phải đoàn kết trên dưới một lòng để đối phó với tụi Trung cộng bá quyền...
Tôi mỉm cười chua chát:
- Dù sao trước khi ra tay hành động, các đồng chí cũng phải hỏi han cho ra đầu ra đuôi...
Tên "thủ trưởng" thấp giọng:
- Nói thiệt với đồng chí, tháng trước chúng tôi bị tụi Trung cộng chơi một vố đau điếng. Hai chiếc xe bị đốt, một đồng chí tài xế bị chết thiêu, để lại vợ goá, con côi ba đứa. Vì vậy, tối nay khi xe về đến doanh trại, thấy đồng chí nằm ngủ trên xe là anh em cứ ngỡ là gián điệp Trung cộng đột nhập... liền vội vàng ra tay xử lý tại chỗ... Thôi thôi, những chuyện đáng tiếc đã qua thì mình cho qua luôn đi. Bây giờ mời đồng chí vô trong doanh trại tụi tôi làm tô cháo gà rồi anh em mình nói chuyện...
Tôi cố nén tiếng thở phào nhẹ nhõm. Vậy là tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Cuộc đời quả thật có nhiều chuyện may rủi không thể nào lường trước được. Thôi thì tôi chỉ biết một lòng một dạ thành tâm cầu nguyện với Thượng đế, với Thầy và chị Phúc; và tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình mà thôi. Thầy tôi mất lúc đó đã được hơn 4 năm. Tôi tin tưởng, Thầy tôi luôn luôn phù hộ cho tôi. Còn chị Phúc mất khi chị mới có 4 tuổi, tôi mới được 2 tuổi. Nhiều người thân của tôi vẫn nói chị Phúc của tôi mất khi còn bé như vậy nên rất thiêng. Những khi giỗ chạp, đốt hương trên mộ của chị, bao giờ cây nhang cũng cháy đỏ lừ dù trời thật lặng gió. Đã vậy, lần nào đốt nhang cũng có bướm trắng rất to xuất hiện, bay chập chờn trước mộ. Suốt thời gian mười mấy năm trời, kể từ khi biết nghĩ cho đến khi tôi phải lên đường đi bộ đội, năm nào Tết đến, dù lạnh lẽo, mưa phùn gió bấc đến thế nào đi nữa, tôi cũng lẽo đẽo theo Thầy về quê thăm mộ. Trong khi mộ Tổ bên nội cũng như bên ngoại và mộ Bà nội đều quây quần ở một chỗ cao ráo, được xây cất bề thế, đàng hoàng, thì không hiểu sao mộ chị Phúc của tôi lại cô đơn, lạnh lẽo ở mãi gần đền Xăng Ti, cách xa mộ Tổ tới 300 thước. Vì thế, lần nào đến thăm mộ chị Phúc, Thầy cũng bảo tôi đi kiếm gạch, đá, đất để đắp lại mộ cho chị. Và lần nào cũng vậy, khi đọc kinh cầu nguyện trước mộ chị Phúc xong, Thầy tôi cũng kể lại câu chuyện, mỗi khi chị Phúc uống thuốc khóc thảm thiết là tôi cũng khóc gào theo, nhất định không chịu để người lớn cho chị uống thuốc... Sau này, trải qua nhiều hiểm nguy trong cuộc đời, hay mỗi khi nghe người khác nói tôi được quý nhân phù hộ, chẳng hiểu sao bao giờ tôi cũng nghĩ tới chị Phúc của tôi!... Vì tôi chẳng hề biết mặt chị Phúc, nên mỗi khi nghĩ tới chị, trong óc tôi luôn luôn hiện lên hình ảnh một người con gái, mờ mờ ảo ảo, trong tà áo trắng tinh khiết và mái tóc đen dài buông xoã... Chỉ có vậy thôi!...
Trời lúc đó tuy tối, nhưng nhờ ánh đèn điện vàng vọt chung quanh trại tôi cũng thấy được hai chữ "Quyết Thắng" ở ngay trên cổng. Doanh trại là ba dẫy lán tập thể song song, dài khoảng hai chục thước, dẫy nọ cách dẫy kia khoảng mười thước. Tất cả đều giống nhau, làm bằng gỗ, vách nứa, mái lợp tranh, nền bằng đất nện lồi lõm. Hai đầu của doanh trại đều có bãi đậu xe, với khoảng vài chục chiếc đủ loại.
Bước vào dẫy lán ở giữa, tôi thấy có chiếc bàn gỗ sơ sài nhưng chắc chắn chạy dài cùng với hai hàng ghế làm bằng thân tre ghép chạy dọc hai bên. Trên bàn là nồi cháo thiệt to, bốc khói nghi ngút. Tên "thủ trưởng" cầm cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh đã cuộn lại, trịnh trọng đặt trước mặt tôi, rồi đích thân múc cháo ra chiếc bát sắt sơn xanh màu lá cây, trao cho tôi.


Trong lúc ăn, tên "thủ trưởng" cũng hỏi tên tuổi của tôi, làm gì, đi đâu, tại sao lại liều mạng nhảy xe quá giang... Với tất cả những tin tức tôi đã thâu lượm về các đơn vị thanh niên xung phong hiện đang đóng tại quận Cao Lộc, Lạng Sơn, tôi trả lời trôi chảy những câu hỏi của y. Qua thái độ thân thiện của tên "thủ trưởng", tôi hiểu y hỏi cho qua chuyện, chứ y không hề mảy may nghi ngờ gì tôi. Tôi không ngờ cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh trong tay tôi lại có thể có giá trị to lớn xua tan mọi nghi ngờ của y đến như vậy. Cũng nhờ kinh nghiệm quý báu này mà sau đó, trên đường từ Hải Phòng đi Móng Cái, tôi tiếp tục dùng cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh để vượt qua nhiều trạm gác nguy hiểm của cộng sản. Thậm chí ngay cả khi thị trấn Móng Cái đã nằm trong tình trạng quân quản, trên mọi đường phố, các cửa tiệm của thị trấn đều kín đặc bộ đội các binh chủng, tôi vẫn lọt vô thị trấn một cách dễ dàng, đàng hoàng ngồi ăn ngay tại tiệm ăn của thị trấn, mà không một ai tra vấn giấy tờ. Lý do là trên bàn ăn, tôi đã để sẵn cuốn Ngục Trung Nhật Ký và tấm hình Hồ Chí Minh!
Ngay tối hôm đó, sau khi ăn cháo gà xong, mặc dù bả vai bên phải của tôi còn bị nhức buốt, tôi vẫn xin quá giang xe của đơn vị vận tải Quyết Thắng đi Bắc Giang. Khi chia tay, tên "thủ trưởng" còn dúi vào tay tôi gói thuốc lá và mấy viên kẹo dừa. Cả hai đều mang nhãn hiệu Trung quốc!
Người tài xế lái xe đi Bắc Giang là một thanh niên tuổi mới ngoài 20, tên là Hải. Tuổi tôi lúc đó cũng chỉ 26, nhưng không hiểu sao Hải cứ gọi tôi là chú, xưng con ngọt xớt. Tôi cũng không mất thì giờ cải chính. Hải người Hải Phòng, nhưng nói năng lễ phép, cử chỉ rụt rè, khác hẳn phần đông những tài xế gốc Hải Phòng thường ngang tàng, coi trời bằng vung, mở miệng là chửi thề.
Trên chặng đường từ Đông Sơn đến Bắc Giang, Hải kể cho tôi nghe những câu chuyện kinh tâm động phách của công ty lái xe Quyết Thắng. Thì ra ngay cạnh doanh trại của công ty có một cái hồ rất lớn. Ở đó, trong mấy tháng gần đây, các tài xế của công ty Quyết Thắng đã đánh chết rồi vứt xác xuống hồ rất nhiều người Hoa đi buôn lậu, khi họ đi quá giang xe của công ty. Tôi không biết chuyện của Hải đúng sai đến mức độ nào, nhưng quả thật tôi đã rùng mình khi nhớ lại lúc tôi bị đánh, đã có người hô to, đập tôi chết rồi vứt xác xuống hồ cho cá ăn! Nếu tôi không khôn ngoan mua cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh, có lẽ giờ này, tôi đã chìm sâu dưới hồ làm mồi cho cá...
Gia đình Hải cũng là cả một bi kịch, nạn nhân của chế độ cộng sản. Bố Hải trước 1954, đi lính cho Pháp. Đến khi Pháp và Việt Minh ký hiệp đình Geneva, cả gia đình đã định di cư vào Nam, nhưng vì bố Hải lo đi bán ngôi nhà ở Hà Nội, nên cả nhà bị kẹt lại. Sau đó, bố Hải bị đi cải tạo ở vùng rừng thiêng nước độc rồi bị chết vì sốt rét. Mẹ Hải là giáo viên dậy toán nên được chế độ cộng sản dùng một thời gian với đồng lương "thu dung", sau đó bị sa thải. Em trai của Hải là Phòng mới 16 tuổi, đã bị chết vì đắp ụ pháo cao xạ chống máy bay Mỹ năm 1967. Hải là người con trai duy nhất còn lại nên được miễn "nghĩa vụ quân sự" không phải đi xâm lăng Miền Nam. Đến gần đây, trước nguy cơ bị Trung cộng bá quyền xâm lăng, công ty của Hải bị nhà nước trưng dụng thành lực lượng giao thông vận tải bán quân sự, nên phải chuyển từ Hải Phòng đến Lạng Sơn.
Xe chạy suốt đêm cho đến sáng hôm sau, tôi đến được thị xã Bắc Giang. Sau khi chia tay Hải, tôi hỏi thăm đường đến ga xe lửa, và chờ đến trưa hôm đó, tôi đáp chuyến tàu chợ về Hà Nội.
Xuống ga Hàng Cỏ, tôi định về nhà Mẹ, nhưng không hiểu sao, tôi thấy trong người nôn nóng bồn chồn lạ lùng. Tôi linh cảm có chuyện gì đó chẳng hay sắp xảy ra cho tôi. Cảm giác kỳ lạ này đã xảy ra với tôi vài lần, và lần nào cũng đúng, nên suy nghĩ một hồi, chẳng hiểu sao tôi quyết định đi bộ đến nhà "lão Z" để hỏi xin địa chỉ người quen của lão ở Hải Phòng. Để có thể quan sát từ xa nơi định đến có an toàn không, bao giờ tôi cũng có thói quen đi ở bên dẫy phố đối diện. Nhờ vậy hôm đó thật may mắn, khi cách nhà "lão Z" khoảng hơn 100 thước, tôi đã thấy một đám đông công an áo vàng và bộ đội tụ tập trước nhà lão...
Cặp cuốn sách Ngục Trung Nhật Ký trong nách, tay cầm bức hình Hồ Chí Minh, tôi cố giữ vẻ mặt thản nhiên đi qua nhà "lão Z" ở phía bên này đường. Qua được khoảng 200 thước, tôi tìm cách băng qua đường, để có thể đứng lại nhìn về phía nhà "lão Z" theo dõi động tĩnh. Sau vài phút, tôi thấy từ trong nhà lão một toán công an đi ra, cùng với hai bố con "lão Z" và một thiếu phụ. Cả ba đều bị còng tay và bị bịt mắt. Tất cả đều bị giải lên xe bít bùng. Không đầy 5 phút sau, xe tù chuyển bánh. Đám công an lên xe máy hai bánh hoặc ba bánh. Riêng đám bộ đội thì nhảy lên một xe tải quân sự có hai hàng ghế ở hai bên. Còn lại hai tên công an khác lặng lẽ đi vào trong nhà "lão Z" đóng kín cửa lại. Tôi đoán ngay, hai tên công an đó ở lại với mục đích âm thầm theo dõi và thộp cổ tất cả những ai đến thăm "lão Z" sau đó. Thấy vậy tôi sợ rợn cả người. Nếu tôi không tình cờ trở lại nhà "lão Z" đúng giờ phút đó, làm sao tôi nhìn thấy tận mắt cuộc bắt giữ hai bố con "lão Z"" Và nếu tôi trở lại gõ cửa nhà "lão Z" dù bất cứ lúc nào sau khi "lão Z" bị bắt, chắc chắn tôi cũng sẽ bị công an tóm cổ. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy cải rủi ro bị đám tài xế của công ty Quyết Thắng hành hung, rồi được tha, được đi quá giang xe đến Bắc Giang,... là cả một loạt những diễn tiến trong cái rủi có cái may, để cuối cùng, cái may mắn lớn nhất của tôi là thoát khỏi còng sắt của công an đang chờ sẵn ở nhà "lão Z".
Lững thững bước trở lại ga Hàng Cỏ, tôi quyết định, ghé thăm Mẹ vài tiếng đồng hồ rồi lên đường đi Hải Phòng ngay đêm hôm đó. Lúc ấy, tôi cảm thấy chung quanh tôi những nguy hiểm đang bủa vây, móng vuốt của kẻ thù đang rình rập, và nếu tôi lần khân ở lại Hà Nội thêm một hai ngày, chắc chắn tôi sẽ bị bắt.
Rất tiếc, tối hôm đó Mẹ tôi không có ở nhà. Căn nhà trong ngõ hẻm vẫn âm u. Ánh đèn điện vàng vọt từ ngọn đèn đường không đủ xua tan bóng đêm và những mảng tối đen thẫm của những toà nhà cao to chung quanh. Đẩy chiếc cổng gỗ, tôi bước vào trong sân, rồi tần ngần đứng trước cửa. Thò tay lên chiếc hộc quen thuộc, tôi vẫn thấy chiếc chìa khoá cửa Mẹ tôi giấu trên đó. Cầm chiếc chìa khoá trên tay lúc ấy, tôi rất muốn mở cửa, bước vô nhà nằm ngủ một giấc trên chiếc giường của Mẹ, để rồi giật mình xúc động khi được Mẹ tôi về nhà đánh thức dậy... Nhưng tôi hiểu, đằng sau mọi sự bịn rịn vì hạnh phúc luôn tiềm ẩn những nguy cơ. Nhất là trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, dù có được hạnh phúc gặp lại Mẹ trong chốc lát thì rồi khi chia tay, tôi cũng chỉ mang lại cho Mẹ những khổ đau của biệt ly mà thôi...
Nghĩ ngợi một hồi, cuối cùng tôi thở dài đau đớn, bỏ lại chiếc chìa khoá vô hộc, rồi bước ra vườn. Tôi muốn tìm một bông hoa, nhưng không thấy nên tôi ngắt một cành lá chỗ gần ngọn không biết là của cây gì, đem nhét vào dưới khe cửa. Tôi hy vọng, khi trở về nhìn thấy cành lá, Mẹ tôi sẽ đoán biết, tôi đã trở lại thăm Mẹ!... Xong xuôi, tôi áp má vào cánh cửa, nói mấy lời thì thầm, tạm biệt Mẹ, mà nghe lòng rưng rưng, đớn đau, và nước mắt lã chã rơi, mặn đắng trong miệng của tôi... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.