Hôm nay,  

Điểm Báo Viễn Tượng Việt Nam

26/04/200400:00:00(Xem: 5317)
VIỄN TƯỢNG VIỆT NAM SỐ 2
Tập san chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, xuất bản tại Paris, phát hành vào thượng tuần tháng 5-2004. Có bán tại các tiệm sách lớn ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc v.v…

Những mạch suy nghĩ rất mới về đất Nước và Thời Đại.

Nói đến Việt Nam không thể bỏ qua Trung Quốc và đông Nam Á vì lý do địa lý (Vương Văn đông), vì vai trò chính trị của nước láng giềng trong quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ (Phùng Nguyên), nhưng nhất là vì sự so sánh giữa hai nuớc giống nhau về thể chế chính trị mà rất khác nhau đường lối đổi mới giúp ta nhận thức về thực tại của đất Nuớc (Bùi Tín), về những thử thách mà lớp người trí thức đã phải chịu qua kinh nghiệm của Ba Kim ( Vũ Thư Hiên), và đang phải chịu qua trong cuộc sống của Hà Sĩ Phu (Nguyễn Thanh Giang).Thân phận của những nhân tài bị đầy đoạ thời nay nhắc lại những ngày lưu đày của Kỳ đồng dưới thời Pháp thuộc (Nguyễn Ngọc Bích).
Tình trạng kinh tế theo những tiêu chuẩn khách quan rất đáng lo ngại (Nguyễn Ngọc Hiệp), mức độ văn hóa cần thiết cho con đường thăng tiến của người Việt Nam rất thua kém so với các nước phát triển ở Á đông (đỗ Thông Minh).
Nhưng thời vận đương thúc đẩy dân tộc vào con đường phục hưng như thời Vạn Hạnh (Nguyễn Xuân Phước). Sớm muộn rồi chế độ dân chủ cũng sẽ được thiết lập ở Việt Nam, nhưng cần đi đôi với phát triển (Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Quốc Khải, Lâm Lễ Trinh). Ý thức dân tộc phải được hiện đại hoá (Trần Thanh Hiệp), xã hội dân sự bắt đẩu hình thành (Hoàng Xuân Đài) , nhu cầu hoà giải giữa người Việt Nam nên được đặt ra (Lê Xuân Khoa). Thuộc vào sự vận hành của tư tuởng, ta có thể kể kinh nghiệm về đời sống pháp lý qua hình thức Bôì Thẩm đoàn ở Hoa Kỳ (Phan Quang Tuệ), kinh nghiệm hiến pháp của Pháp (Lê Mông Nguyên), trách nhiệm của nhà bác học theo Bourdieu (Thụy Khuê), chỗ đứng xứng đáng của Marx trong lịch sử , ngoài mọi ngộ nhận (Nguyễn Hoài Vân), những yếu tố căn bản giúp ta thực hiện dân chủ (Tôn Thất Long), cơ hội tuyệt vời của tin học và truyên thông (Vũ Thiện Hân), giá trị di sản tinh thần của người Việt (Trương Như Thường).
Lý do giúp ta giữ lòng tin không thiếu. Về hành động, trong lãnh vực tham khảo, Viễn Tượng Việt Nam số 2 là một cố gắng đa dạng, nhờ vào các đề tài phong phú, và sự thành tâm của những tác giả. Hãy mở tờ báo ra đọc, và đọc từ từ...{[1]

1. Thân phận trí thức trong xã hội công sản.
Vũ Thư Hiên

đọc « Tùy Tưởng Lục » của Ba Kim, chọn lựa và phiên dịch từ Hoa ngữ.
Người viết bài khảo cứu đã từng qua những thử thách mà Ba Kim nhắc tới. Trình bày với sự cảm động và chia sẻ, giúp bạn đọc hiểu tâm sự của lớp trí thức dưới hai chế độ, gần gũi về bản chất, khác nhau vì số lượng to hay nhỏ.
Ba Kim viết về cuộc « đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản » từ 1966 đến 1975. Sau 30 năm, có nên ghi vào sách vở những tội ác đã xảy ra, hay nên quên đi " Ba Kim trả lời : 10 năm đại họa đã dính dáng đến tất cả loài người. Sao có thể cách ly với đời sống bằng cắt chôn vùi quá khứ " Và lại cái di họa, như ta thấy ở Cambodia,vẫn âm ỉ, không biết ngày nào con nguời mới thoát được.Ngay ở bên Pháp, thần tượng Mao vẫn được tôn sùng trong trong nhóm « mao- ít »
Tuy nhiên Ba Kim đã không nói hết những điều ông biết- cứ cho là ông còn phải dẹ dặt- nhưng còn những nạn nhân, ông đâu có quyền không nhắc tới" Đó là những người ngoài đảng cộng sản, họ cũng bị thiệt mạng, thiệt thòi như ai. Mọi cuộc vận động đều đổ máu, mà người cầm bút đã tham gia, rồi bây giờ sao lại có thể “phớt lờ” đi.
Ba Kim đã du học tại Pháp. Năm 1949, gia nhập đảng cộng sản. Tác giả của nhiều cuốn có giá trị, ông có địa vị ngang với Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược, những ngôi sao của thới binh biến. Khi đại Cách Mạng nổ ra, ông bị bắt vào tháng 8 năm 1966, sau buổi đi tiễn các nhà văn Ấ - Phi. Bỗng nhiên ông trở thành một « đối tượng », danh tứ kỳ lạ, nghe rợn người. Ông bị đấu tố khắp nơi, bị trấn áp rùng rợn. Dân chúng như đàn cừu, bảo sao làm vậy. Treo biểu ngữ trên đường tố cáo ông là quân bán nước. Và đây là chỗ đau lòng nhất : ông cúi đầu nhận tội. Nhận hết. Người trí thức tự tiêu diệt trước khi cách mạng tiêu diệt họ. « Hãy cứu lấy mạng sống đã », trừ phi tự treo cổ như Kim Trọng Hoa, hay đành chịu hành hạ để cho người chồng khỏi bị đánh đập thay như bà Chu đã chọn lựa.
Viết đến đây bài khảo cứu nhắc lại hoàn cảnh của xã hội Việt Nam trong những năm đẫm máu đó. Bị bưng bít, người Việt khi gặp người Hoa cũng không được họ kể lể. Bây giờ đọc Ba Kim, mới vỡ lẽ.
Người Việt cũng chung một số phận, cũng vào tù, bị hành hạ, như chính người trong bài khảo cứu đã chịu đựng, với những tội tưởng tượng. Mọi sự cũng chỉ vì chế độ thù địch với trí tuệ. Chế độ muốn người trí thức suy nghĩ với bộ óc của đảng. Muốn đoạn tuyệt với Khổng giáo và tung hô chủ nghĩa Mác Lê Nin. để đưa xã hội vào tình trạng trái tự nhiên, đồng hóa tự do với bổn phận của đảng viên. Cộng sản cũng có hiến pháp đó, nhưng khi cần tớí, như Ba Kim viết, thì chẳng thấy nó ở đâu. Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nuớc, có thể nằm dài trong tù mà chế độ không nao núng. được đảng tín nhiệm là mang họa vào thân. Ai bảo đảm được tương lai an bình sau cái xã hội tư bản rừng rú hiện nay. Nói nói như Ba Kim : Xã hội mới càng ngày càng thấy nó đáng sợ. Bao người đã bị quăng xuống vực, trước tôi. Và sau tôi nữa (Lời Ba Kim).


2. Vấn đề tòan cầu hóa dưới mắt nhà xã hội học Pierre Bourdieu
Thuỵ Khuê

Pierre Bourdieu, một trong những nhà tư tưởng độc đáo của Pháp đã đặc biệt quan tâm đến những số phận yếu kém. Ông sinh năm 1930 tại miền nam nước Pháp, giáo sư ở Collège de France từ năm 1985, mất năm 2002.
Trên bình diện lý thuyết, Bourdieu phê bình những cách tiếp cận cấu trúc và đưa ra một cái nhìn mới về thế giới xã hội (le monde social), nhằm khám phá những điều kiện đã sản sinh ra khoa học nhân văn. Ông rất ý thức được trách nhiệm của nhà bác học, không ngừng tìm tòi những khái niệm mới.
Trên bình diện nghiên cứu, ông bắt đầu dùng nhân chủng học để mô tả người dân quê tại Bearn và ở Algérie, nơi ông đã dạy học.
Các tác phẩm đầu tay đã bắt đầu động tới những khái niệm mới như đồng nội (champ), dung mạo (habitus) và nhấn mạnh đến hiện tượng khống chế (domination).Văn hóa chính thức là văn hoá của những tầng lớp có thẩm quyền về kinh tế và xã hội. Chính cái thẩm mỹ, cái gu (gỏt) về nghệ thuật cũng chứa đựng những mối tương quan giữa các nhóm đối nghịch. Cái gu chính thức là của tầng lớp có ưu thế. Gia đình và học đường cấu tạo nên cái gu của đứa trẻ, liên hệ một phần nào với quần áo, đồ đạc, cách ăn nói, tiêu thụ, nghĩa là những hình thức xác định khuynh hướng sống của mỗi cá nhân.
Tác phẩm Kẻ Thừa Hưởng (Les Héritiers), 1000 trang, viết chung với Jean-Claude Passeron, thành quả của ba năm nghiên cứu, mô tả những khác biệt trong điều kiện sinh sống của sinh viên, và tính chất khả nghi của đại học, thuật lại tâm sự của những người thấp cổ bé miệng ở những vùng ngoại ô .Hiển nhiên là giới cầm quyền bị vây bọc bởi các chuyên gia học phiệt, hoàn toàn không biết gì đời sống của người dân, trong khi phải khám phá ra những nỗi đau khổ tinh thần ẩn dấu trong cấu trúc kinh tế và xã hội.
Từ ngữ của lớp chuyên gia học phiệt được đề cập tới trong một bài báo viết cho Le Monde Diplomatique : La nouvelle vulgate planétaire. Nhận định :trong các nước tiên tiến, giới chính trị, trí thức danh tiếng, giới kinh tế, đều dùng một novlangue (ngôn ngữ mới). Mặt nổi :toàn cầu hoá, chủ nghiã cộng đồng, chủ nghĩa đa văn hóa. Mặt chìm : gạt bỏ những thắng lợi xã hội và kinh tế của hơn một trăm năm tranh đấu. Hậu qủa : một thứ quốc tế văn hoá, được nhìn nhận là giá trị phổ quát. Bourdieu chống lại cái hiện tượng một nước duy nhất đứng ở điạ vị bắt thế giới phải thần phục mình, và chống lại cái thứ ngôn ngữ phổ thông nghe rất kêu, mà thực chất là để cho xí nghiệp chiếm địa vị độc tôn. Toàn cầu hoá không tránh được, nhưng phải không quên tranh đấu cho công bình, cho nhân bản.

3. Hà Sĩ Phu và Nghiệp văn chương
Nguyễn Thanh Giang

“đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”
Là một nhà khoa học, có đủ điều kiện vươn tới đỉnh cao, nhưng khốn nỗi cái nghiệp văn chương bám sát ông, đưa lại cho ông bao khổ ải.
Bài “Chia tay Ý Thức hệ“đẩy ông vào tù một năm. Câu thơ, câu đối, và cả thư từ (viết cho Trần độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà) tất cả thảy đều sinh chuyện.
Câu chuyện văn thơ này thực ra bắt nguồn từ cụ thân sinh, nhưng bị chuyển sang sang một huớng khác từ cuộc gặp gỡ với Bùi Minh Quốc, với sự thành lập Hội Văn Nghệ Lâm Đồng. Một trong những sáng lập viên: Nguyễn Xuân Tụ, bút danh Tú Xuân, Hà Sĩ Phu. Tập thơ đầu tiên (bản thảo) : Nuớc mắt cuời. Bạn hữu có dịp đọc được một số bài qua thư từ, báo chí. Họ thưởng thức hình ảnh cây thông bị kẽm gai xuyên ngập vào tới tủy.
Hà Sĩ Phu thích làm câu đối. Một ngày “mất nuớc“: Ngoài trời mưa tầm tã, trong nhà vòi nuớc ráo khô. Bốn mùa của Xuân Sách với tập sách bị tịch thu. Tuổi thơ ngây chưa biết nhân chia cộng trừ của Bùi Minh Quốc. Thanh Giang được Mỹ phong, cho nhà Nuớc có dịp cho ông vào còng. điều đình với người ta không được thì thương lượng với chuột: “ Sát nước cao trên bác đã chiếm rồi, Còn chỗ dưới sàn xin với bác...” Nhưng nói vậy thôi, có phải lúc nào thơ cũng nghiệt ngã đâu. Hình ảnh Cô gái đà Lạt nghiêng mình soi nuớc. Hình ảnh tình ái mong manh như hoa sắp tàn. Và những tiếc xót day dứt khi gợi mùa thu xưa đã vắng bóng. Cái tài của Hà Sĩ Phu trước hết là ở câu đối, tân thời, hiện đại. Câu nào cũng là trò chơi chữ. Tết con Lợn với mặt thớt, dao bầu, với chân giò em, đầu lưõi bác. “Tiễn bác Trâu có sừng có sỏ, đón anh Hổ loài dùng vuốt dùng nanh. Dùng câu đối năm Giáp Tý để nói tới Võ Nguyên Giáp. Dùng chữ phong trần, tế độ, để nhắc tới Trần độ, chữ nhất quán, trùng phùng để nói tới Phùng Quán. Còn đối với bản thân, thì “ Số hoa đào toàn gặp chất đen.” Những bài tản văn của ông đã được đăng tải rất nhiều ở hải ngoại. Ta hãy có cái nhìn toàn diện về sáng tác của Hà Sĩ Phu. Nghe ông cười, ông khóc với cuộc đời.

4. Thế đứng Dân tộc trong cuộc vận động dân chủ hiện nay
Đoàn Viết Hoạt

Ý tưởng dân chủ không mới lạ. Kể từ năm 1920, với đường lối Tam Dân của VN Quốc Dân đảng. Cái mới lạ là chế độ CS đã bóp chết dân chủ và tự do ngay từ đầu. Vậy vận động dân chủ ngày nay là tiếp nối những vận động đã khởi đầu từ nửa thế kỷ.
Và việc đầu tiên phải nhấn mạnh là toàn dân vận động, đặt bản vị dân tộc lên hàng đầu, vừa là động cơ vừa là cứu cánh, trong chính trào lưu toàn cầu hóa hiện đại.
Hai mục tiêu : dân chủ hoá chế độ, phục hưng dân tộc. Dân chủ là điều kiện và môi trường cho chương trình dài hạn. Có thể so sánh đời sống dân chủ như một sân chơi, tiếp đón đội chơi, trong trò chơi đa dạng văn hoá, kinh tế, chính trị, trong niềm tin vào tiềm năng của người Việt. Cụ thể : gây một cao trào tư tưởng, khai thác một công luận, thảo luận công khai, nhất là trong giới trẻ, tôn trọng các khác biệt trong tinh thần bình đẳng.
Phải dựa vào toàn dân khi soạn hiến pháp, chọn quốc huy, quốc kỳ, quốc ca. Làm sao cho mọi khuynh hướng chính trị được tôn trọng mà vẫn tránh được chia rẽ, vẫn giữ vững được lập trường bất bạo động, và sau cùng, thực hiện tinh thần tự do trong mọi hoạt động.
Hiện nay tình hình thế giới đương chuyển hóa Việt Nam vào môi trường dân chủ, qua kinh tế thị trường. Ta phải chuẩn bị cho thời cơ đang chín muồi, đến giai đoạn trực diện với ban lãnh đạo, trong chiến lược phân định minh bạch giữa dân chủ với độc tài.
Trước sau dân chủ sẽ tới với người Việt Nam. Nhưng nếu không tập hợp được mọi thành phần, những chương trình riêng biệt sẽ bị vô hiệu hóa. Cần đưa cái vốn học hỏi được ở các nước dân chủ, đặc biệt trong giới trẻ, để cùng tồn tại, cùng tiến tới, nhờ vào tâm thức mới trong chính hành động dấn thân. Nghĩa là tin tưởng vào những phưong thức uyển chuyển để thiết lập lại được nền thống nhất dân tộc trong hòa ái.

5. Tiến đến một đồng thuận dân tộc : đổi mới ở Việt Nam và Trung Quốc.
Bùi Tín

Trung Quốc và Việt Nam, hai nuớc nông nghiệp lạc hậu, chịu ảnh hưởng Nho giáo, mới giành được độc lập. Cả hai đang « đổi mới ». Kinh doanh tấp nập, nông sản dồi dào. đảng cộng sản ở vào vị trí tương đối ổn định, nhưng đối lập với công luận thế giới, bất lực trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bất lực trước nạn tham nhũng. Với thời gian, những nhược điểm căn bản có thể làm chững lại tỷ lệ phát triển, đào sâu chênh lệch xã hội, gây căng thẳng với nhiều thành phần, và có thể đưa đến những bùng nổ quyết liệt.
Trung Quốc đã đổi mới từ cuối năm 1978, dựa vào tư tưởng của đặng Tiểu Bình, là người đã từng bị truất phế, dễ thông cảm với tầng lớp nghèo khổ. Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm đào, Ôn Gia Bảo kế tiếp nhau hướng dẫn tư tưởng hiện đại, nhìn nhận quyền tư hữu, chuẩn bị nền dân chủ đa đảng. Trung Quốc có cái nhìn xa, sớm đột phá vào các khâu gay go, như công nhận tầng lớp kinh doanh là thành phần cách mạng, và vì thế đã thu lượm được những thành quà kinh tế khá cao và liên tục. Nhưng coi chừng quả bom nổ chậm : nạn thất nghiệp, chênh lệch thành thị-thôn quê, cơ sở quốc danh thua lỗ, nạn tham nhũng, sức phản kháng của các tôn giáo, sức thôi thúc của Internet, truyền thống dân chủ Hồng Kông, của người đài Loan. Chỉ khi nào trở thành một nước thật sự dân chủ, Trung quốc mới hoà nhập với các dân tộc trên hoàn cầu. Tương lai tùy thuộc ở sự thức tỉnh của nhân dân, nhất là của giới trẻ.
đổi mới ở Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng nặng nề giữa thập niên 80. Nhưng thiếu tư tưởng, thiếu lãnh đạo. Chính sách quá yếu ớt trước tham nhũng, lãng phí, trong hệ thống kiểm soát, thanh tra. Giới lãnh đạo vô ý thức về nguy cơ chung quanh mình, nên họ không muốn đổi mới nghiêm chỉnh. Kẻ chống buôn lậu thì tha hồ buôn lậu. Người đi khiếu kiện bị xua đuổi.
Bài viết đưa ra đề nghị : Thu luợm mọi ý kiến trong tinh thần tự phê bình, tinh thần tự hào dân tôc, tự tin. Hướng về những vấn đề căn bản : quyền sở hữu tư nhân, nhân quyền, vai trò kinh doanh, thực hiện nghiêm chỉnh Hiến Pháp, chấp nhận đa nguyên đa đảng, tôn trọng tự do báo chí, lựa chọn một đường lối đối ngoại mới mẻ, gắn bó chặt chẽ với các nước đông Nam Á, dân chủ mà vẫn giữ tình bạn láng giềng, khuyến khích đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
Sự gắn bó giữa người Việt trong nước và ngoài nuớc là đòi hỏi tự nhiên. Cuộc vận động đổi mới là công việc của mọi người, nhất là giới trẻ, để đi đến một đồng thuận sâu rộng, bằng đầu óc tỉnh táo, đó chính là niềm hạnh phúc của ta

6. Để tiến tới quan hệ bình thường giữa người Việt ở hải ngoại và ở Việt Nam
Lê Xuân Khoa

Người Việt Nam ở Mỹ là một thực thể đông đảo nhất, có khả năng đóng góp cho quê hưong về tài chính và trí tuệ. Hiện nay Hoa Kỳ đứng đầu trong các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, và trong tương lai quan hệ quân sự cũng sẽ được xem xét. Cộng đồng người Việt, trái lại nước Mỹ, chưa trao đổi công khai và hợp thức với quốc nội, trí thức không đáp ứng lời kêu gọi của nhà cầm quyền Hà Nội. Tuy vậy, kiều bào vẫn gởi tiền về điều đặn, vẫn về thăm thân nhân. Và cũng vẫn tiếp tục các hoạt động chống đối, trong lãnh vực nhân quyền và dân chủ, với sự hậu thuẫn của đại đa số.
Nói đúng ra, quan hệ Việt Mỹ vẫn chưa ổn định. Chính quyền Việt Nam lo ngại «âm mưu diễn biến hoà bình », một cụm từ nghịch lý, mà lý do chỉ vì sợ mất độc quyền cai trị, mặc dầu họ cũng phải nói tới dân chủ. Vấn đề là làm sao thoát được tình trạng lúng túng. Mà cách hay hơn cả là nhận thức được khuynh hướng cởi mở chính trị theo đà phát triển kinh tế, như đã thấy tại Thái Lan, cả ở Trung Quốc, qua việc tham gia của giới kinh doanh.
Việt Nam cũng không thể không thay đổi vì phải chịu áp lực qua các việc giao tiếp thông tin, tiếp xúc với ngoại quốc, gia nhập các tổ chức quốc tế, và qua những lời cảnh cáo của các nước dân chủ. Dĩ nhiên hoàn cảnh đòi hỏi những cải cách thích hợp, và phải quyết tâm, với sự tham gia của lớp trí thức, chuyên gia. Nói thế là để đặt cho đúng vấn đề hoà giải dân tộc.
Người Việt ở Mỹ chưa quên được nỗi thù hận và hoàn toàn không tin vào sự thành thật của giới lãnh đạo cộng sản. Người Nhật ở Mỹ tìm các cải thiện mối bang giao giữa hai nuớc, Mỹ và quê hương của họ, người Việt biểu tình chống đối các phái đoàn Hà Nội đi công tác. đã đến lúc phải đặt lại vấn đề trong tư duy và hành động của cả hai bên, chính quyền Hà Nội và người Việt ở ngoài nước. Dựa vào tiền đề chắc chắn : tiến trình dân chủ không thể đảo ngược, và tiến nhanh để rút ngắn thời gian tụt hậu so với những con rồng đông Nam Á.
Hoà giải là nhìn nhận tính cách huynh đệ tương tàn của hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và tính cách sai lầm trong đối xử của phe thắng đối với phe thua trận. Một phần nào chính quyền đã biểu lộ thái độ mong muốn hoà dịu, nhưng vẫn bị coi như chỉ có dụng ý khai thác nguồn tài chính và chất xám của người Việt ở ngoại quốc. Kêu gọi chưa đủ, phải có những đối xử cụ thể, cho cả người trong nước nữa. Vế phiá người Việt ở ngoài nước, cũng là lúc nên nhìn nhận các sai lầm trong quá khứ. Thai độ tự hào, cũng như thù hận không còn có lý do để được tiếp tục nuôi dưỡng. Thay vào đó là những mối quan tâm vì Việt Nam. Nhà cầm quyền do dự vì lòng tự ái, vì sợ bị lật đổ, thay vì thành tâm hoá giải hận thù. Nhưng họ không thể không sớm ý thức rõ được ý nghĩa của hướng tranh đấu của công đồng hải ngoại, nhất là vai trò quan trọng của cộng đồng này trong công cuộc phục hưng dân tộc.
Trong cụ thể đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn, nhưng thật ra chỉ để cải thiện một số thủ tục hành chính mà thôi. Nhà cầm quyền vẫn cho người tị nạn là kẻ bại trận, nay cần được chiêu hồi vậy thôi, và chỉ chấp nhận những đề nghị của họ theo theo nhu cầu nhất định, trong gìới hạn của các đoàn đại diện. điển hình cho tình trạng này là vụ Diễn đàn Trí thức Việt Nam góp Ý kiến Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc », được quyết định mùa hè 2003, bị hoãn không thời hạn đầu tháng mười một. Thật là một cơ hội bị bỏ lỡ, ví áp lực của phái bảo thủ, những người không cho việc tham khảo ý kiến của người Việt hải ngoại là cần thiết, không hiểu được phải làm sao có được những nhà trí thức, nhà kinh doanh tham gia vào mà không đặt điều kiện chính trị. Sự có mặt của những thành phần xã hội này có tác dụng tích cực cho đời sống của người dân, tạo công ăn việc làm, du nhập những kỹ thuật quản lý theo kinh tế thị trường.
Ý thúc đổi mới đã có rất sớm với Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, cần được nuôi dưỡng, dù từ mười năm nay những nói tiếng tự do đều bị bóp nghẹt. Từng trăm ngàn trí thức và chuyên gia, nhất là ở Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ có đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển : thời cơ đó đòi hỏi nhà cầm quyền trong nước cũng như người Việt ở hải ngoại thay đổi tư duy và hành động.


7. Khu vực Thái Bình Dương và các thế lực chính trị.
Vương Văn Đông

Khu vực Thái Bình Dương chia thành hai phần : Bắc Á, chủ yếu là Trung Quốc và Nhật; đông Nam Á, gồm bán đảo đông Dương, các quốc gia trong Hiệp Hội các Quốc gia đNA, Úc Châu, Tân Tây Lan.
Nga : Diện tích vùng đông Sibérie rất quan trọng. Nước Nga giáp giới với Trung Quốc, với Mỹ. Nga xây căn cứ quân sự rải rác khắp nơi, tham dự vào các việc sắp xếp chính trị và an ninh trong khu vực, dự tính phát triển ở vùng Tây Bá Lợi Á.
Trung Quốc : Tiếp cận với Nga và hơn 10 nước khác. Vấn đề biên giới là cơ hội đụng độ trong thế kỷ 20, và đặc biệt với Việt Nam, nhiều chuyện chưa được giải quyết.
Mỹ : Nằm sát cửa biển Thái Bình Dương, vị trí quân sự quan trọng với Pearl Harbour, Midway, Okinawa, không kể các căn cứ ở Nam Hàn và Nhật Bản. Mỹ cần có những căn cứ nằm trên điạ phận một số đồng minh mới có thể khai triển ưu thế của không quân và hải quân.
Nhật : Phải từ bỏ Cao Ly, đài Loan, Pescadores và nhiều đảo khác kể từ 1952. Vẫn tranh chấp với Nga về một số đảo nhỏ phiá bắc Hokaido, chỉ cách lãnh thổ Nhật 4 cây số.
Vị trí các nước là điều kiện thiên nhiên mà các quốc gia không thể thoát ly lâu dài. Các nước trong khu vực Thái Bình Dương không thuần nhất về thể chế, văn hoá, kinh tế. Tình trạng căng thẳng của các cường quốc đã giảm nhiều. Nga với Trung Quốc, Nga với Nam Hàn, quan hệ được bình thường hoá. Nam Hàn, đài Loan, Hồng Kông và Tân Gai Ba cũng theo đà tiến này của Nhật Bản. Các chế độ độc tài cũng đề cao vấn đề phát triển.
Trung Quốc đã thay đổi rất nhanh chóng, kỹ nghệ sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, có sức thu hút đầu tư. đã trở thành cường quốc quân sự và kinh tế trong vùng. Liên hệ kinh tế với các nước trong vùng tăng thêm.Xúc tiến đối thoại với Hiệp Hội các nước ĐNA, gia nhập khối Asean+3 ( Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn). Nhưng nền kinh tế thiếu quân bình. Nạn thất nghiệp đe doạ những vùng ngoại ô, nếp sống rất chênh lệch giữa thành thị và thôn quê. đối với Mỹ, có sự cạnh tranh rõ rệt tuy người Mỹ còn do dự. Hiện nay giữa hai cường quốc này, vừa có thi đua vừa là hai bên đối tác.
Nhật có một nền kinh tế lớn mạnh, nhưng không còn đóng vai trò lãnh đạo về mậu dịch hay tài chính như trước nữa. Nhật ý thức đến mối liên hệ Asean-Nhật, muốn giữ vững nền an ninh trong vùng, dành ưu tiên phát triển cho khu vực. Việt Nam sẽ phải cải thiện môi trường đầu tư để thu hút người Nhật. Khối lượng sản phẩm của Trung Quốc vào Nhật vượt hẳn nuớc Mỹ.
Nhìn về tương lai, có thể dụ trừ là tình thế sẽ ổn định. Mọi quốc gia đều dựa vào trật tự kinh tế. Nhưng các cuộc cạnh tranh vẫn còn đó. Thế kỷ 21 sẽ không còn là thế kỷ của Mỹ nữa.
Việt Nam và Trung Quốc phải chung sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Việt Nam có lý do kết chặt mối liên hệ kinh tế với Asean-Ấn độ, từ chối liên minh quân sự, xây dựng lực lượng phòng thủ thích hợp nhằm đủ sức bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và nguồn tiếp liệu kinh tế.


8. Quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ
Phùng Nguyên

Sau khi Liên Xô cúp viện trợ và rút chuyên viên về nước, tiếp đến giao tranh võ lực trong hai năm 1969-71, Trung Quốc thay đổi hoàn toàn chính sách ngoại giao với Hoa Kỳ. Nối lại quan hệ, tuy không thể trọn vẹn.
Trong hơn 30 năm quan hệ giữa hai nuớc có thể chia làm ba thời kỳ :quan hệ bước đầu (1972-1989), quan hệ đông lạnh ( 1989-1996), quan hệ trở lại bình thường ( 1997-2003)
để giải quyết hoà bình ở đông Dương và đối phó với Liên Xô. Hai chính phủ đi lại thường xuyên. Nhưng sự kiện Thiên An Môn thay đổi bầu khí trong 7 năm, không phải chỉ với Mỷ, mà còn với các nước Tây phương. Trái lại, mối liên hệ với Liên Xô lại gần hơn. Nhưng kể từ 1997, hai chính phủ nối lại các cuộc thăm viếng. Bắc Kinh cần lợi dụng kỹ thuật hiện đại và đầu tư của Phương Tây.
Bài khảo cứu chỉ nhằm cung cấp cho người đọc một niên biểu về quan hệ Trung -Mỹ, từ tháng 10 năm 1949 đến hết năm 2003.
Những diễn biến đáng ghi nhớ : Tháng 2 năm 1992 Richard Nixon và Henry Kissinger viếng thăm Trung Quốc, ký thông cáo cho biết ý định thiết lập quan hệ ngoại giao trong tương lai. Năm 1974, lực lượng Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa, Mỹ tuyên bố không can thiệp. đầu 1979, đặng Tiểu Bình viếng thăm Hoa Kỳ, ký hiệp ước hợp tác khoa học, kỹ thuật và văn hoá. Khi trở về nước, ông cho Việt Nam một bài học. Tháng 7 năm 1980, Trung Quốc được hưởng quy chế tối huệ quốc. Tháng 3 năm 1992, Trung Quốc ký hiệp định cấm chỉ tăng nhanh quá mức vũ khí hạt nhân. Tháng 4 năm 1998 :thiết lập dây điện đỏ giữa hai thủ đô. Năm 2001, George W. Bush thay đổi cách nhìn Trung Quốc, « đối tác chiến lược » nay trở thành « cạnh tranh chiến lược ». Tháng 11 năm 2001, Trung Quốc là thành viên của WTO.

9. . Kinh tế Việt Nam: kỳ diệu, kỳ lạ và kỳ quặc
Nguyễn Ngọc Hiệp

Những thông tin và số liệu chính thức vể kinh tế Việt Nam chỉ diễn tả được một phần sự thực. Tốc độ tăng trưởng của GDP tuy nhanh chóng, mực độ vật giá tuy tương đối ổn định, nhưng khả năng cạnh tranh yếu ớt, cách biệt giữa nông thôn và thành thị ngày càng tăng . So sánh với các nước trong khu vực, môi trường đầu tư thua kém, điều kiện sinh họat bất lợi, năng xuất lao động thiếu sức cạnh tranh. Và ngoại tệ không được vận dụng thuận lợi. Sức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bấp bênh, chỉ hướng vào lãnh vực dầu thô, khách sạn, gần đây mới tới ngành biến chế nhưng vẫn xử dụng nguyên liệu và tư liệu nhập khẩu, chỉ thu dụng được 400 000 nhân công. Công nghiệp như xi măng, đường, thép xây dựng, phân bón đi vào bế tắc: giá xuất xưởng cao hơn giá nhập khẩu. Nông sản và hải sản xuất khẩu có gia tăng nhưng thị trường vô cùng bấp bênh. Hai ngành quần áo và giầy dép phát triển mạnh nhưng phải qua trung gian doanh nghiệp nước ngoài để đi vào thị trường chính.
Luật Doanh Nghiệp ban hành năm đầu năm 2000 đã giúp 80 000 doanh nghiệp tư nhân ra đời. Vị trí và trọng lượng của nó còn thấp kém, lại giới hạn trong hoạt động thương mại và dịch vụ. Khu vực kinh tế không chính thức, độ 50% GDP, đang bành trướng, gồm nông nghiệp, buôn bán hàng lậu, tham nhũng, gây nhiều lãng phí nguồn lực.Trong lãnh vực thương mại, xuất khẩu gia tăng nhưng cán cân thương mại thiếu hụt, kim ngạch thu về lại sút giảm, không đi đôi với số lượng xuất khẩu. Còn nông nghiệp : 70% lực lượng lao động, 23% GDP, 90% dân ở thôn quê sống dưới ngưỡng đói nghèo. Hiện nay có 5200 doanh nghiệp Nhà nước, trong số đó 60% không hữu hiệu hoặc lỗ lã, sống nhờ tín dụng của 4 ngân hàng Nhà nước. Vấn đề là có dám thực hiện cuộc cách mạng toàn diện và đồng bộ, thiết lập luật chơi bình đẳng, công khai hay không. Chuyển đổi gì chăng nữa cũng phải làm mau lẹ và triệt để. Vì phải lợi dụng cơ hội phát triển, vừa tập trung vừa phân tán, để phù hợp với với môi trường hiện đại. Khu vực đông Châu Á, nơi đông dân, hàng hoá và dịch vụ phong phú, là một cơ may hiếm có.
Nhung để hảo dụng được cơ hội, cần phải từ bỏ quan niệm lỗi thời về vai trò chủ đạo của Nhà nước, thái độ chậm chạp trong hình thức liên doanh với đầu tư nước ngoài. Và cần khai thác kịp thời môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, có sự đóng góp của Việt kiều và các cơ quan quốc tế.

12. Bồi Thẩm đoàn : Một nét đặc thù trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ
Phan Quang Tuệ

Nói đến truyền thống pháp lý của Hoa Kỳ là nói đến niềm hãnh diện của người công dân Mỹ về cơ chế và thủ tục pháp lý mà họ được hưởng. Ở xã hội nào cũng có tranh chấp giữa các pháp nhân và có tố tụng trước pháp luật, vấn đề là giải quyết thế nào. Thương lượng hay ra toà " Ở Mỹ đa số các tranh chấp dân sự và truy tố hình sự bắt đầu bằng thương lượng giữa các luật sư đôi bên hoặc giữa công tố viện và luật sư biện hộ . 90% nội vụ được giải quyết bằng thương lượng, bị can nhận tội, công tố viện buộc tội nhẹ hơn, hay rút lại một phần cáo trạng. Kết quả cụ thể : tòa án tránh được nạn ứ đọng hồ sơ. Tối Cao Pháp Viện cổ võ những kỹ thuật điều hành guồng máy công lý. Khi hai bên không đạt được đồng thuận, nội vụ sẽ được đăng đường để đưa ra tòa xét xử bởi một bồi thẩm đoàn (Jury trial),hay bởi một thẩm phán. Bồi thẩm đoàn là một đặc điểm của thông luật ( common law), biểu tượng cho sự toàn thắng của tiến trình dân chủ. Thành phần của Bồi thẩm đoàn lấy từ danh sách cử tri. Người công dân được mời ra trình diện và được tuyển lựa bắng sát hạch để loại những cá nhân có thành kiến. Hai đức tính cần có : khách quan và vô tư.
Như vậy bồi thẩm đoàn là hình thức thực hiện công lý, được quy định trong Hiến Pháp, liên bang hay tiểu bang, tiêu biểu cho lương tâm của xã hội trong pháp đình. Công lý đã tới người dân. Lý do lịch sử cắt nghĩa thủ tục đó. Năm 1620, người Pilgrims lập thành phố Plymouth,và cho ra đời một bản khế ước, Mayflower Compact. Luật pháp rất khắt khe, nhưng các cuộc tranh luận lại công khai, với những luật sư hùng biện. Truyền thống được xét xử bắt đầu từ đấy. Và đó là một quyền hết sức quan trọng của người dân, khác xa với thời vua chúa.
Qua nhiều Tu Chính Án, quyền được xét xử trở thành quyền hiến định. Nhờ đạo Luật Công Dân Quyền 1791, (Bill of Rights).
đến đây, tác giả bài khảo cứu nhắc lại kinh nghiệm bản thân khi còn là một thẩm phán của Bộ Lao động ở tiều bang Iowa trong những năm 1984-87. Những vụ án nối tiếp nhau, những dãy phố giống nhau. Qua nhiêu tháng ngày, mới ý thức được cách xếp đặt của tiểu bang: 99 quận hạt (counties) đồng đều trên bản đồ là có ý giúp người dân di chuyển dề dàng để tới toà án. Họ chỉ cần dành một ngày là có thể đến Tòa và trở về quê mình, với những phương tiện giao thông cổ truyền. Như vậy là phục phụ người dân một cách thiết thực, thay vì kéo nhau về thành phố giơ cao các biểu ngữ...

13. Những ngộ nhận về học thuyết Marx
Nguyễn Hoài Vân

Xã hội tư sản thời Marx cũng đã ở trong tình trạng tâm lý như ngày nay : người ta nghĩ là lịch sử sẽ dừng lại. Học thuyết Marx là một cố gắng xoay chuyển bánh xe lịch nhưng nó đã bị hiểu lầm. Nhiều người cho Marx tin ở « định mệnh chủ nghĩa », trong khi đối với ông con người làm nên lịch sử. Ông nói đến mối tương quan giữa yếu tố tự do và quy định, trong tiến trình sáng tạo, phủ nhận tính cách tất yếu của lịch sử. Quan điểm « kinh tế quy định tất cả » chỉ là cách nhấn mạnh. Marx khẳng định tính cách độc lập tương đối của nghệ thuật và giá trị trường cửu của nó. Marx luôn xác định phạm vi áp dụng của lý thuyết. Theo ông lao động là yếu tố duy nhất tạo ra giá trị hàng hoá, nhưng trong giới hạn nhất định. Ngoài giới hạn đó, quy luật giá trị sẽ trở thành sai. Năm giai đoạn lịch sử Marx đưa ra không phải là sơ đồ có tính cách phổ quát như người ta vẫn hiểu. Nhà nước không đại diện cho một lý tưởng. đảng Lao động là môi trường của ý thức, không phải là nơi tập trung quyền lãnh đạo, hay là dụng cụ áp đặt tư tuởng. Hoang tưởng không nhất thiết đối nghịch lại với học thuyết Marx, vì lý tưởng có thể là khởi điểm cho hành động. Trong lãnh vực triết học, Marx chống lại giáo điều. Thực tại mà ta nhận biết chỉ có giá trị tương đối. Không đặt vấn đề giới hạn hay khởi điểm của vật chất tự thân. Tôn giáo trong học thuyết Marx thường bị hiểu sai. Marx cho tôn giáo là một hiện tượng vong thân, nhưng nhìn nhận rằng nó có thể thành mầm mống cách mạng. Engels ca ngợi các cộng đồng Ky Tô Giáo nguyên thủy, vai trò khai phóng của Ky Tô Giáo trong xã hội cổ La Mã, tư tưởng cách mạng của Munzer, của Joachim de Flore.
Một cách tổng quát, Marx có thể được coi là người tiên tri của Toàn Cầu Hóa.


14. Dân Trí và Dân Chủ
Hoàng Xuân Đài

Xã hội công dân, bên cạnh khái niệm Dân tộc, Nhà Nước, Chính phủ, thuộc một tổng thể riêng biệt, khác với xã hội dân sự bao gồm những tổ chức đòi hỏi dân chủ địa phương, tổ chức nghề nghiệp, văn hóa và tổ chức không chính phủ.
Ở Việt Nam, dựa vào một tài liệu nghiên cứu, ta có một vài ý tưởng về sự tham gia của lớp thanh niên qua các tổ chức thể thao, công tác xã hội, sự khác biệt trong đời sống dân sự giữa hai miền Bắc và Nam, và sau cùng tâm lý của các thành phần tùy theo mức độ tham gia vào các hội đoàn. Một nhận xét, xã hội dân sự đương thành hình, trong điều kiện xã hội, kinh tế thuận lợi.
điều kiện đó không có nghiã là hiện nay người Việt được huởng quyền dân chủ như ông Nguyễn Huệ Chi đã cả quyết.
đứng trên bình diện lý thuyết, Hegel nhấn mạnh đến trí năng, năng lực tự khám phá, đến đạo lý mà bản chất là tự do. Lịch sự là tiến trình thực hiện tự do, một khát vọng. Đó cũng là quan điểm của Platon khi nhà hiền triết này cho rằng ham muốn, lý luận, tinh lý, những thành tố làm nên con người, trước sau đều diễn tả cùng một khát vọng: khát vọng những giá trị hoặc nhâm phẩm của mình được thừa nhận.
Cách mạng là biểu lộ khát vọng tự do hoặc được thừa nhận bằng những cơn thịnh nộ. được khơi lên trong những hoàn cảnh độc đáo, như ở nuớc Tiệp thời Havel, ở nước Lỗ dưới chế độ Ceausescu, ở nước Ba Lan với Solidarnosc. Rồi đến Nga, đến đông đức. Và sau cùng, đến Trung Quốc, với các cuộc biểu tình của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989.
Phân tách thiên hướng phát triển văn hoá trong xã hội cũng có thể dựa vào nhân chủng học: từ các quan hệ gia đình (bình đẳng hay không bình đẳng), tương quan cha con, vợ chồng.
Bài viết dựa vào tài liệu của Emmanuel Todd để nhận diện xã hội Việt Nam và Trung Quốc thuộc dòng cha và đặc biệt Việt Nam có thêm sắc thái dòng mẹ. Vì có sắc thái dòng mẹ, Việt Nam, theo nhận định của nhân chủng học, sẽ có thiên hướng lý thuyết phát triển văn hoá mạnh hơn Trung Quốc.
Sang lãnh vực cụ thể hơn: liên hệ giữ dân trí với chế độ, dựa vào Lawrence Stone. Tùy tỷ số người nam biết đọc (dưới 5%, duới 50%, trên 50%) để nhận biết được chế độ nào (thần quyền, quan liêu, dân chủ) thích hợp. Cái may là quá nửa con trai ở Việt Nam biết đọc!


15. Hiến Pháp và Dân chủ tự do
Lê Mộng Nguyên

Nước ta cần phải có một Hiếp Pháp dựa trên hai nguyên tắc: chủ quyền nhân dân và phân lập quyền bính, hai điều kiện để xây dựng một nền dân chủ đa nguyên.
Chủ quyền nhân dân : Rousseau trong cuốn Khái Luận về Hợp đồng Lập Xã, và Sieyès trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền năm 1789 đã nhấn mạnh đến ý nghĩa chủ quyền quốc dân, điều mà Hiến Pháp CHXHCN không tôn trọng, vì người dân không được tự do bầu cử và ứng cử, và vì đã để cho một đảng duy nhất giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Chủ quyền nhân dân là một tư tưởng cách mạng, chủ trương là những quyền tự nhiên của con ngưòi, như quyền sở hữu, quyền an ninh, quyền nổi dậy không thể phủ nhận. Bản Tuyên Ngôn 1789 viết “Mục đích của liên kết chính trị là để bảo tồn quyền lợi thiên nhiên và bất diệt của con người”. Ngược lại cách lý luận của Hobbes theo đó cá nhân, khi chấp nhận khế ước xã hội, đã khước từ vĩnh viễn tất cả quyền lợi của mình, và phải chịu đựng bạo quyền. Trong tương lai, Hiến Pháp của nước ta phải cụ thể hoá trong cơ cấu tổ chức quốc gia chủ quyền của quốc dân, đặc biệt qua Quốc hội, mà mỗi đại biểu mang một uỷ quyền đại nghị, nghĩa là đại diện chung cho toàn dân, với sứ mệnh bảo vệ quyền lợi chung. Một nước có ba quyền : Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư pháp. Nếu quyền làm luật và áp dụng luật ở trong tay một người hay một nhóm người, tất nhiên tự do sẽ mất. Nhà nưóc sẽ hoàn toàn độc tài nếu Tư Pháp và Lập Pháp hỗn hợp. Tóm lại, quyền lực phải được phân chia để Phân Quyền : Montesquieu, trong cuốn Khái Luận về Tinh Thần Luật Pháp, nhận xét là trong ngăn trở độc tài, và cũng phải chống lại chính thể quốc ước để tránh quyền lực tập trung vào quốc hội, như thời Robespierre xưa, như ở Việt Nam hiện nay.
Chính thể nghị viện có đặc tính phân công mềm dẻo giữa Lập Pháp và Hành Pháp. Hay hơn cả là một Hành Pháp gồm hai thành phần: Tổng Thống và Chính Phủ, một Lập Pháp qua Quốc Hội, và một Tư Pháp độc lập. Người dân có nhiều cơ hội hợp tác với chính quyền bằng lá phiếu.Và sứ mệnh bảo vệ Hiến Pháp và Nhân Quyền nên trao cho Tòa Án Tối Cao. Nguyên tắc căn bản là chủ quyền thuộc về dân, và trong chế độ đa nguyên, đảng phái phải được tự do. Sau cùng ,tôn trọng những giới hạn của Nhà Nước, tránh can thiệp vào phạm vi hoạt động chính đáng của người dân.


16. Các yếu tố căn bản của các chế độ dân chủ
Tôn Thất Long

Dân chủ : đề tài quen thuộc, nguồn gốc cho các cuộc tranh luận căng thẳng. Lý do chính yếu là nó chưa có một nội dung hoàn chỉnh, lại thay đổi không ngừng. Áp dụng khái niệm dân chủ vào thực tế thì tùy thuộc lịch sử của mỗi dân tộc và hoàn cảnh của mỗi quốc gia, và trong thực tế được thể hiện qua những tổ chức khác nhau. Danh từ “Dân chủ “ đã bị lạm dụng để phục vụ các tham vọng cá nhân, được giải thích một cách ngụy biện, như “dân chủ tập trung“ ở Việt Nam.
Danh từ dân chủ thật ra chứa đựng một nội dung cố định, bất biến và nhất là phổ quát. Yếu tố căn bản của nó là chống lại mọi hình thức độc tài. Mà độc tài là sự chiếm đoạt mọi quyền lực để phục vụ cho thiểu số, và thường gắn liền với chế độ phong kiến qua hình thức cá nhân hay gia đình. Vào thời cận kim đã nảy ra loại độc tài của những tổ chức đông nguời, có sức đàn áp rất khoa học, bất chấp nhân quyền.
Chế độ dân chủ trái lại nhìn nhận những quyền tự nhiên của con người trong đời sống tư và trong môi trường xã hội, giới hạn quyền lực của Nhà nước, và thực hiện quyền làm chủ của người dân. Ngày nay các nước độc tài đảng trị như Việt Nam cũng phải chấp nhận những nguyên tắc đó để hội nhập vào cộng đồng thế giới. Tranh đấu cho dân chủ là nhân danh nhân quyền, bao gồm một số quyền được thế giới nhìn nhận. Dân chủ dựa trên pháp luật mà chính người hành xử phải tôn trọng, và qua những định chế nhằm phục vụ người dân.
Hiến pháp là đạo Luật cơ bản để tổ chức bộ máy chính quyền, để làm nền tảng cho những đạo luật cần thiết cho việc điều hành xã hội. Nó phản ảnh quyền làm chủ của toàn dân, và có giá trị tuyệt đối, độc lập với với mọi khuynh hướng chính trị.
Chế độ pháp trị như thế áp dụng những hình thức cụ thể để người dân tham dự vào việc xây dựng và điều hành guồng mày chính quyền: quyền tự do bầu cử, ứng cử, quyền ủy nhiệm của dân cử. Và gây điều kiện cho các đẳng phái và dư luận chơi vai trò của mình. đối lập là một yếu tố căn bản, cần ở vào thế quân bình lực lượng đối với tập đoàn đang cầm quyền. Các tổ chức dân sự rất cần thiết cho đời sống dân chủ.
Chế độ pháp trị đòi hỏi quyền lực được phân phối nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền và sự thâu tóm mọi quyền hành vào tay một người hay một tập đoàn. Quyền lực Nhà Nước được chia ra thành ba quyền Lập pháp, Hành pháp,Tư pháp, độc lập với nhau. Tản quyền nhằm giảm bớt gánh nặng cho bộ máy của chính quyền trung ương, giảm bớt các tranh chấp giữa các cộng đoàn.
Phải dựa vào các nguyên tắc trên để nhận diện chế độ hiện tại ở Việt Nam.
điều 4 trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 đều khẳng định đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nghĩa là tự nhận mình là một chế độ độc tài đảng trị.

17. Dân tộc và văn hóa.
Trần Thanh Hiệp.

Dân tộc là gì"
Quan điểm phương đông :
Ở Việt Nam, ý niệm dân tộc được diễn tả bằng nhiều chữ. Trong thập niên 30, danh từ “dân tộc” bắt đầu xuất hiện trong từ điển. Đó là một từ Việt gốc Hán. Người Nhật đã đóng góp vào sự ra đời của từ dân tộc trong những năm 1866-1870. Tôn Văn là người Hoa đầu tiên dùng từ đó. Năm 1924, ông phân tách nội dung của từ dân tộc thông qua chữ Nation. Các ý kiến của Tôn Văn đã ảnh huởng tới Việt Nam. Thêm vào ý kiến của Tôn Văn còn có những ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây về dân tộc.
Quan điểm phương Tây :
Những định nghĩa về dân tộc du nhập từ phương Tây đều chứa đựng những lý thuyết cần được nhận diện. Cách Mạng Pháp năm 1789 có những nhu cầu nhất định trong cách sử dụng từ ngữ. Vào thế kỷ XX, xu hướng khoa học, duy lý đảo lộn cách đặt vấn đề. Dân tộc là những ý kiến tập thể kết thành một thực thể khách quan, sống động, một thực thể lịch sử. Theo Ernest Gellner, dân tộc là sản phẩm nhân tạo, nhờ vào xác tín, lòng trung thành, tính liên đới của con người. Ông cho rằng với dân chủ sự phân công trong xã hội của mỗi dân tộc mời có được tính di động. Theo Benedict Anderson, dân tộc là một cộng đồng chính trị tưởng tượng, được thể hiện qua các ấn tượng. Theo Dominique Schnapper, dân tộc đi liền với dân chủ.
Qua các kinh nghiệm trên, người Việt ngày nay có nhiều dữ liệu, nhiều phưong pháp mới để đổi mới dân tộc quan của mình. điểm chính là nhận chân được vai trò trung gian của dân tộc trong diễn trình hội nhập của người Việt vào tập thể nhân loại. Thành tố quyết định số phận dân tộc trong thời đại hiện nay là văn hoá mà văn hoá gắn liền với dân tộc.
Phần thứ hai của bài khảo cứu nói đến khái niệm và vai trò văn hoá. Nó rất phức tạp, và ở Việt Nam lại là nơi đã hội nhập nhiều nguồn văn hoá. Theo đạo học, văn hoá là sự nghiệp cải tạo từ xấu đổi thành đẹp, từ dã man sang văn minh. Theo tư tưởng phương Tây (E.B. Taylor) văn hóa bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luật học, phong tục, tập quán. Theo Guy Rocher, một giáo sư đại học ở Montreal, văn hoá là những cung cách suy nghĩ, rung cảm, hành động đuợc hình thức hóa rõ rệt, thể hiện tính cách đặc thù của một tập thể. Còn đối với Bronislaw Malinoswki, kiến thức về văn hoá cần được khoa học hóa để được vận dụng tốt đẹp. Thực ra khoa học hoá văn hoá để hội nhập vào thời đại cũng chỉ là trở về với dòng văn hoá chính thống dân tộc vốn có truyền thống văn hiến riêng. Con người tự tái tạo và tái tạo thiên nhiên, sáng chế môi trường cho phép nó thực hiện ý muốn của mính.
Trong cụ thể, phân tách ngôn ngữ chưa đủ, phải tạo điều kiện cho tính lịch sử của văn hoá phát hiện đầy đủ. Nói như ông Vũ Tái Lực: “Phải biết dân tộc bằng đời sống lịch sử”.
Văn hóa tồn tại không do di truyền, mà là do giáo dục. Làm sao cho người Việt thoát dược tình trạng lạc hậu về văn hoá, nghèo túng về kinh tế, bị tước đoạt hết nhân quyền. Văn hóa đang là khu vực chiến lược của người Việt trong nước và ngoài nước để đổi mới thật sự đất nước.


18. Vai trò văn hóa trong phát triển quốc gia
Đỗ Thông Minh

Kể từ thế kỷ 15, khi con người bắt đầu làm chủ được thiên nhiên, thì yéu tố văn hoá trở thành quyết định. Nghĩa là nói đến tinh thần duới những hình thức cụ thể : tinh thần học hỏi, khoa học, kỹ thuật, mạo hiểm. Cụ thể hơn nữa : so sánh những quốc gia cùng có một tài nguyên và nhân số, mà cách vận dụng hoàn toàn khác nhau. Nói thí dụ : Với 20 000 dôla, người Việt sẽ nghĩ ngay đến việc đi học, người Hoa dùng làm vốn.
Ngày nay muốn biết một nền kinh tế tiến hay thoái, trước hết ta xét đến bộ máy sản xuất, và môi trường trong mỗi hoàn cảnh. được hưởng lợi tức ưu đãi, được viện trợ, không phải là bảo đảm cho diễn trình phát triển. Vay nợ mà thiếu kế hoạch, trong tình trạng tham nhũng, thì đưa đến khủng hoảng chắc chắn. Cũng như dồn sức vào công việc xây khách sạn sang trọng để chiêu dụ khách du lịch là một chọn lựa nông cạn.
Bài khảo cứu nói qua về trình độ phát triển ở các nước Châu Á. So sánh Bắc và Nam Triều Tiên làm nổỉ bật sự thắng thế của chính thể dân chủ. So sánh tinh thần học hỏi của người Nhật và người Việt Nam, thấy khác xa nhau quá. Các con số đưa ra để nhận định về mức độ phát triển Việt Nam giúp người đọc có cái nhìn trung thực. Dân số quốc nội : 80 triệu, tồng sản lượng chỉ ngang hàng với 2 triệu người Việt ở hải ngoại, hay chưa được một nửa công ty Honda của 120.000 nhân công. Năng suất 1 người Nhật ngang với 4700 người Việt....
Còn nói đến chiến tranh, hãy xem nước đức và nuớc Nhật bị tàn phá thế nào, và cuộc phục hưng hai dân tộc làm sao : bằng chứng cho thấy vai trò tinh thần của mỗi dân tộc.
Người Việt Nam phải dựa vào tinh thần mạo hiểm, tinh thần kỷ luật, nghiêm chỉnh, và trên hết, coi trọng chữ tín, cổ võ tranh đua, thay vì tranh chấp. đã có những cố gắng tư duy, từ Nguyễn Truờng Tộ, Phong trào đông Kinh Nghĩa Thục, đến Phan Bội Châu. Hãy không ngừng học hỏi, nhận trách nhiệm của mình, thay vì đổ tội cho ngoại quốc.

19. Kỳ Đồng trong huyền thoại và ngoài đời thật
Nguyễn Ngọc Bích

Kỳ Đồng, tên gọi một phố quen thuộc của Saigon, là tên một cậu bé thông minh xuất chúng, mang danh hiệu của Tự đức ban cho, tên thực là Nguyễn Văn Cẩm ( 1875-1929). Cuộc đời của một con người kỳ lạ. Lịch sử và huyền thoại lẫn lộn. Bắt đầu bằng 5 bức tranh tuyệt tác với những nét hiện thực, với minh văn viết bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm. Huyền thoại Kỳ Đồng được hiểu như chuyện một người anh hùng kháng chiến ở đất Nam định, bị chôn sống, rồi tự ra khỏi mộ. Từ đó bài khảo cứu đi vào lịch sử, dựa vào tài liệu và sự đóng góp của nhiều học giả. Người Pháp cho Kỳ Đồng đi học ở Algérie đến tú tài. Nhưng sau khi về nước, người thanh niên 21 tuổi có tiếng là thông minh này lại vào chiến khu của Hoàng Hoa Thám năm 1896, và được đồng bào tin cậy, như tin vào sức mạnh phi thường. Rất tiếc đã bị người Pháp bắt và cho đi đày năm 1898, tại Tahiti, sau đó lại bị đưa tới quần đảo Marquises. Đến đây, bài khảo cứu cho người đọc thấy một khám phá mới lạ : cuộc gặp gỡ giữa nhà trí thức Kỳ Đồng của Việt Nam, mà nghể nghiệp chính thức là y tá, với nhà họa sĩ danh tiếng, Gauguin, tính tình hết sức bất thường, đi đâu là gây sự chú ý của thiên hạ. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1901, kéo dài cho đến ba năm sau, khi Gauguin mất. Kỳ Đồng, một tù nhân chính trị, đã là người bạn chân tình của nhà hoạ sĩ này trong lúc ông buồn tủi, chỉ dùng đàn phong cầm (harmonium) để than vãn. Những lúc hoảng hốt của Gauguin đã được phản ảnh trong bức họa vẽ chung, qua thơ của Kỳ Đồng, và sau cùng, những ngày ông chờ chết. Hai con người bị xã hội ruồng bỏ, cùng chung một tâm sự. Kỳ Đồng tức Nguyễn Văn Cẩm tiếp tục những năm lưu đày, và có lẽ chỉ có dịp diễn tả tâm sự của mình trong bản kịch trào phúng về Gauguin, với những câu thơ alexandrins : « Hỡi nhân-loại, Ta ghét đến ngày tận thế xã hội các người ! » Kỳ Đồng mất năm 1929, 54 tuổi. Vở kịch lạ lùng này được trao cho con trai của ông. Bài khảo cứu trích một số tài liệu của người Pháp và giải đáp những bí ẩn về cuộc đời kỳ lạ của nhân vật lịch sử Kỳ Đồng.

20. Phục hưng Dân tộc
Nguyễn Xuân Phước

So sánh hai thời đại : Thời hậu Hán đến thời Lý Trần là 70 năm. Thời hậu Pháp thuộc đến nay là gần 60 năm. Có lẽ sự thăng trầm của dân tộc hiện nay đã lặp lại một giai đoạn lịch sử có những điểm rất giống nhau, và cho ta ý thức được trách nhiệm của thế hệ chúng ta.
Nhắc lại lịch sử : Ngô Quyền, con rể của Kiều Công Tiến, thắng Nam Hán năm 939. Con trai của Ngô Quyền, Ngô Xương Văn, trái lại chỉ xin làm Tiết độ sứ.
Ý thức dân tộc chưa vững, giống như thời Trần Trọng Kim năm 1945 và chế độ cộng sản ngày nay trong tư thế nhượng bộ đối với Trung quốc.
Hai thời đại loạn lạc, với Thập Nhị Sứ Quân, vụ thủ tiêu đinh Bộ Lĩnh, nhân vật Lê Long đĩnh. Ám sát, bạo lực, tranh chấp là những thủ tục của một thời xa xưa được tái diễn lại ở thời cận đại với các đảng phái, chiến tranh quốc cộng, với những vi phạm nhân quyển quen thuộc. Tâm thức phong kiến trước sau chưa được gột rửa. đảng phái bị đàn áp. Chế độ cộng hoà chưa có thời gian để mọc rễ. Cạnh tranh giữa các tôn giáo ngày xưa, xung đột ý thức hệ thời nay dưới những dạng mới : Duy Vật, Hiện sinh, văn hoá mới, toàn cầu hoá, tôn giáo mới. Cộng sản thờ lãnh tụ ngoại bang. An Nam Cộng Sản đảng, cái tên không có nội dung ý thức dân tộc như đại Việt Quốc Dân đảng, đại Việt Duy Dân. Ngôn ngữ trừu tượng (đấu tranh giai cấp), nội dung cụ thể (cướp của).
Hai thời đại của ý thức nô lệ, nhưng đã một lần được kết thúc tốt đẹp với sự nghiệp của Vạn Hạnh, người đã vận đông cho Lý Công Uẩn lên ngôi vua. đã dự phần vào sự nghiệp phục hồi nhân cách của giới lãnh đạo. Và đã mở đầu cho 500 năm xây dựng. Ngày nay, tập hợp dân chủ, phục hưng văn hoá thì cũng như xưa xây dựng lại chùa chiền. Vớí những học giả và văn sĩ, với cái gương dòng họ nhà Lý từ thời Trần Thủ độ sang tị nạn ở Triều Tiên, vừa đây kéo nhau về quê cha bái tổ. Ngày phục hồi của dân tộc đang tới gần.


21. Việt học là gì"
Trương Như Thường

Việt học là môn học của người Việt, về người Việt, cho người Việt, xử dụng khoa học hiện đại Tây phương và đạo học truyền thống của đông phương.
Khảo cổ học, điạ lý học, nhân chủng học, ngôn ngữ học,và những ngành khác tuy nội dung khác nhau nhưng có liên hệ hữu cơ, phụ bổ cho nhau. Tất cả các môn đã đảo lộn ý thức con người về chính mình.
Theo Solheim các dân tộc đông Nam Á đã khai sinh ra nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế gìới. Theo William Meacham, văn hoá người Việt cổ miền duyên hải đã đóng góp một phần lớn vào sự thành hình của nền văn minh của Á đông. đối với Joseph Campbell, tinh thần nhân loại được gởi gấm qua truyện huyền thoại. Ta có thể trở về nguồn một cách xác tín hơn xưa, tìm hiểu một nên văn minh tinh thần vượt qua giới hạn thời gian và không gian, và đã đề cao giá trị con người. Lương Kim định tha thiết đến huyền sử vì huyền sử bao gồm dĩ vãng lẫn tương lai. Một di sản thiêng liêng quý giá, lúc ẩn lúc hiện. Những truyện thơ mộng, được chắt lọc để kết tinh vào một nền minh triết siêu tuyệt. Việt học khai thác đạo học là môn học về con đường nhân đạo. Là một minh triết, đạo học tổng hợp giữa triết học và tôn giáo, có năng lực xây dựng một niềm tin xác quyết như tín ngưỡng, niềm tâm linh siêu diệu. Văn hoá đông Phương bao gồm nhiều truyền thống phong phú. Hoa cổ nhấn mạnh đến kết cấu, đến tổ chức xã hội. Ấn cổ là thế gìói của tư duy bản thể luận. Việt cổ là nền văn minh của lưu vực các sông Dương Tử, Hồng Hà, Mê Kông, là nơi con người đã tìm được nhân sinh quan về thái hoà, nhân chủ và tâm linh.
Tinh hoa cổ học đông Phương đã dóng góp vào gia tài nhân loại những ý nghĩa trong lành và xây dựng. Phải đặt nó trong khung quy chiếu thời gian- không gian, trong hai công tác nghiên cứu và quán chiếu. Thời gian thì có nhân có quả, không gian có những vị trí nhất định.
Các chủ đề rất phức tạp, cần xử dụng nhiều phương pháp. Vần đề là tìm ra cái chu kỳ biến dịch, ý nghĩa thăng trầm của một nền văn hoá, sự thịnh suy của một nền văn minh. Những phạm trù nhân quả, tương sánh, tỉ giáo, lợi hại là những dụng cụ phân tách.
Lấy một yếu tố đơn lẻ như là nguyên nhân, hay nhiều yếu tố, tất cả những mô hình có thể thấu hiểu được bản chất của sự biến hoá.

22. Thành quả hiện đại và thách đố tương lai của « cuộc cách mạng số »
Vũ Thiện Hân

Tin học, truyền thông và vi điện tử đã thay đổi lối sống của con người. Hiện tượng này được gọi « cách mạng số » hay « thời đại chữ số » vì tín hiệu, dữ liệu, máy móc đều được điều hành dưới dạng số nhị nguyên (tức 0 và 1).
Ba động lực chính là Internet, điện thoại di động và linh kiện vi tính. Internet là không gian mở, không có tính chất thương mại, không có tập trung. Mỗi thành viên có một địa chỉ để thu thập. Điện thư ngày nay là phương tiện liên lạc chủ yếu của xã hội dân sự. Còn Web cho phép người xử dụng bình thường vào được không gian tin tức, kiến thức. Các hãng rất nhỏ có thể tiếp cận với khách hàng trên thế giới mà không tốn kém. Thành viên trong các hội đoàn có thể trao đổi với nhau. Truyền hình và âm nhạc, hợp lại với điện thoại di động, lan truyền nhanh hơn tốc độ của Internet. Máy chụp ảnh, máy quay phim, máy ghi âm thanh, bằng kỹ thuật số, rất tiện lợi. Máy tính cá nhân, máy cầm tay của điện thoại di động, đã trở thành những dụng cụ đa chức năng. Linh kiện vi tính chứa từ 100 000 transsitors đến vài triệu transistors. Thế giới đương sửa soạn bước sang công nghệ vi điện tử, dùng mano mét để đo lường kích thước các transistors.
Tuy nhiên có những vấn đề pháp lý đã được đặt ra. Người xử dụng Internet có thể bị theo dõi. Các dữ liệu có thể bị truyền đi ngoài ý muốn của người thu nhập. Nhiều quốc gia đã ra đạo luật bảo vệ tự do. Ở Việt Nam hoàn cảnh hơi khác : nhiều nhà trí thức, dân chúng bị sách nhiễu vì Internet. Việc bảo vệ tác quyền rất khó giải quyết, vì văn bản và bản sao giống hệt nhau.
Trong lãnh vực kỹ thuật, vấn đề chuyên môn hoá chức năng lưu trữ, sao chép dữ liệu với tốc độ cao, là khuynh hướng tương lai. Kỹ thuật truyền hình trên đường dây điện thoại sẽ được giải quyết trong thời gian sắp tới. Việc nối máy điện thoại di động vào internet hiện còn là một vấn đề. Nói về Việt Nam : Số người thuê điện thoại chiếm 8% dân số, thuê Internet là 600 000 người nhưng số người xử dụng tới 3% dân số, nhờ vào cafe Internet. Tổng công ty VNPT sỡ hữu hầu hết mạng luới và nắm toàn bộ thị trường, cách hành xử lại thiếu bình đẳng. Cuộc cách mạng chữ số tạo ra thời cơ mới cho mọi nước. Việt Nam cũng phải đầu tư nhân lực vào các công nghệ mới. Phát triển và xử dụng Web và Internet trong giáo dục và đào tạo. Chính quyền thường nói đến công nghệ mới, nhưng tính cách đôc quyền và tâm lý bảo mật làm cho mọi chuyện chậm trễ. Việt Nam phải có chương trình dài hạn, đồng thời xây dựng một môi trường hài hoà với con người, với thiên nhiên.

[1] Vì trở ngại kỹ thuật phút chót nên thiếu phần tóm lược hai bài viết của Nguyễn Quốc Khải « Tiến tới một chính sách phát triển bền vững… » và của Lâm Lễ Trinh « Dân chủ và phát triển tại Việt Nam ».

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.