Hôm nay,  

Quỷ Kế Quân Phiệt

11/10/200700:00:00(Xem: 4721)

Bà Aung San Suu Kyi đã đòi tập đoàn quân phiệt Miến Điện phải hủy bỏ mọi điều kiện tiên quyết khi mở cuộc thương thuyết với bà. Vị lãnh tụ đối lập Miến lừng danh trên thế giới đã nhìn thấy rõ âm mưu của bọn độc tài quân phiệt đang cố vùng vẫy ra khỏi một thế kẹt cứng, sau khi chúng ra tay tàn độc đàn áp dân chúng và các vị tăng ni biểu tình đòi hỏi tự do dân chủ trong mấy tuần qua gây chấn động trên khắp thế giới. Những điều kiện tiên quyết đó là gì vậy"

Tuần trước Tướng Than Shwe, đầu sỏ quân phiệt, nói với đặc phái viên LHQ rằng ông ta đồng ý gặp bà Suu Kyi, nếu bà chịu bỏ mọi sự kêu gọi đối đầu, phá hoại, trừng phạt kinh tế và mọi trừng phạt khác. Thật ra bà Suu Kyi không hề kêu gọi phá hoại, chính quân phiệt mới là bọn phá hoại đất nước. Nhưng quân phiệt sợ nhất là những đòn trừng phạt kinh tế của thế giới. Than Shwe là kẻ ghét nhất bà Suu Kyi. Từ năm 1991 bà được giải Hòa Bình Nobel, Shwe thù hận bà đến độ ra lệnh cấm không ai được nói đến tên bà. Nhưng bây giờ Shwe lại dùng chữ "Daw" (theo ngôn ngữ Miến là tiếng trọng vọng đối với các danh nhân) để nói đến tên bà. Kẻ độc tài này đã trở cờ mà không thấy ngượng vì hắn đã thấy sợ trước những áp lực quốc tế phản ứng mạnh mẽ về những đàn áp tàn bạo của bọn quân phiệt. Một nhà ngoại giao Miến ở Anh đã từ chức để phản đối những vụ đàn áp đó. Ngoài ra một số lính nhà nước ở Miến còn lén nói với các thân nhân của họ rằng nếu cứ đánh đập các tăng ni, quân đội cũng có thể nổi loạn.

Dự liệu trước những hiểm họa như trên, bọn quân phiệt đã phải "cầu hòa" để câu giờ. Và quỷ kế của quân phiệt đưa ra những điều kiện tiên quyết là để thoát cơn bão tố ngay trước mắt, sau đó sẽ kéo dài thời gian chờ tình thế lắng dịu dần để rồi vẫn như cũ, chẳng có thay đổi gì hết. Bà Suu Kyi, người đã tranh đấu trong suốt 18 năm qua cho nền dân chủ Miến Điện, đã biết quá rõ những mưu kế hiểm độc của bọn quân phiệt, nên bà đã thẳng tay bác bỏ các điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên bà Suu Kyi cũng như toàn bộ cấp lãnh đạo đảng Liên Minh Dân chủ Quốc gia nói rõ sau khi bỏ các điều kiện tiên quyết, họ chấp nhận nói chuyện. Sự thật nếu còn đèo theo các điều kiện đó, còn có gì để thương thuyết nữa" Chống đối từ bên trong và trừng phạt từ bên ngoài là những đòn bẩy không thể thiếu để ép buộc bọn quân phiệt phải từ bỏ ách độc tài đang đè lên đầu dân Miến Điện.

Nhưng về chuyện áp lực từ bên ngoài, chúng tôi cũng thấy cần cần phải nêu vài điểm cho rõ. LHQ là một tổ chức quốc tế quy mô có hầu hết các nước tham dự, nhưng từ gần nửa thế kỷ qua, người dân Miến đã nhiều lần thất vọng về tổ chức này khi họ mong mỏi có sự thay đổi chế độ cai trị ở nước họ. Gần đây nhất trong suốt 3 ngày liền dân và tăng ni Miến Điện biểu tình đòi dân chủ bị quân đội và an ninh của chế độ quân phiệt đàn áp đẫm máu, nhiều người ở bên ngoài đến LHQ hỏi tại sao không nước nào gửi lực lượng gìn hòa bình đến. Cố nhiên việc lập một lực lượng hòa bình LHQ để can thiệp vào tình hình nội bộ của một nước nào không phải chuyện dễ, vì LHQ với tổ chức cồng kềnh của nó bắt buộc phải qua nhiều giai đoạn tranh cãi phức tạp và mất nhiều thời giờ có khi kéo dài cả năm mà không có kết quả. Có người ở bên Anh vốn chống chiến tranh Iraq lại hỏi: "Tại sao Anh và Mỹ đem quân đánh Iraq mà không đem quân đánh Miến Điện""

Chính quyền quân phiệt hiện nay ở Miến Điện là tàn dư chế độ cực tả thành lập năm 1962 sau khi tướng Ne Win thân Cộng, đảo chính cướp chính quyền. Bởi vậy chế độ quân phiệt Miến vẫn được Nga và Trung Quốc ngầm ủng hộ. Khi nghe dư luận thế giới nói đến việc LHQ có thể đem quân đến Miến, các giới ngoại giao của Nga nói vụ quân phiệt ở Miến chỉ là hiểm họa nội bộ, không phải hiểm họa có thể tràn ra bên ngoài nước đó - ý muốn nói hiểm họa khủng bố. Còn Trung Quốc chỉ có "lời khuyên" chính quyền quân phiệt không nên nặng tay khi dẹp biểu tình, để duy trì trật tự. Lời nói này cốt để lấy lòng dư luận thế giới khi Bắc Kinh đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội năm 2008. Rút cuộc cái gọi là áp lực của LHQ vẫn chỉ là những đòn trừng phạt kinh tế. Các đòn trừng phạt đó đã có sẵn của Mỹ và Liên Âu, nay dù có gia tăng cũng chỉ làm nền kinh tế Miến khốn khổ thêm chớ không hề hấn gì đến tập đoàn quân phiệt. Phe tướng lãnh Miến vốn đã có những khế ước và mánh mung làm ăn riêng với Nga và Trung Quốc.

Một phụ nữ Miến nói ngay ở Rangoon: "Chúng tôi vẫn muốn có dân chủ, nhưng điều quan trọng nhất cho chúng tôi là hòa bình yên ổn và chén cơm cho chúng tôi ăn". Miến là một nước có nhiều dân nghèo đến tuyệt vọng. Theo một ước lượng mới nhất của quốc tế, 32% dân chúng sống dưới mức nghèo khổ, số còn lại trừ một thiểu số giầu sang, còn đại đa số cũng chỉ hơn mức nghèo khổ một chút. Du khách đã thấy cảnh nghèo đói khắp nơi tại Rangoon - con nít bụng lép xẹp, hàng lũ người đi thu lượm ve chai. Giá điện quá mắc và hay bị cúp bất cứ lúc nào, nhiều người dân phải mua than nấu bếp chung trên vỉa hè ngoài đường. Ở vùng quê ngoài thành phố, tình hình còn thê thảm hơn.

Chính trong bối cảnh đó, bọn quân phiệt đã chơi trò hát xiệc lừa gạt cả LHQ. Sau 3 ngày đàn áp đẫm máu ở Miến, LHQ cử đặc phái viên Ibrahim Gambari đến Rangoon vào ngày thứ bẩy 29-9, khi các vụ giết người và đánh đập tàn bạo ngoài đường phố đã chấm dứt và các vụ biểu tình đã dịu xuống vì thiết quân luật. Gambari có nhiệm vụ đến điều tra tình hình, nên cần phải gặp Than Shwe. Nhưng ông ta bị cho ngồi chờ đến ngày thứ hai 1 tháng 10 khi tình thế đã yên tĩnh, mới được gặp. Sau đó Gambari về Mỹ và tường trình với Tổng thư ký LHQ. Ở Miến Điện, phe quân phiệt loan báo sẵn sàng hội đàm có điều kiện với bà Suu Kyi. Các lớp lang do bọn quân phiệt bày đặt ra là cốt để Gambari chỉ có thể tường trình tình thế đã yên, quân phiệt và bà Suu Kyi sắp nói chuyện với nhau nên không thể đưa vấn đề trừng phạt ra trước Hội đồng Bảo An lúc này. Thế nhưng bọn quân phiệt đã quên một điểm căn bản: Nước cờ sắp tới vẫn nằm trong tay bà Suu Kyi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.