Hôm nay,  

Tội Ác: Mẹ Biến Con Trai Thành Kẻ Sát Nhân!

04/04/200500:00:00(Xem: 5478)
Cảnh sát Dallas chẳng lạ gì những vụ giết người hết sức dã man, do đó Thám tử Gerald Robinsaon đã không ngạc nhiên khi ông được gọi đến để xem xét xác chết của một phụ nữ vào lúc 6 giờ sáng thứ Tư ngày 12, tháng Mười Một, 1980. Thi thể này được tìm thấy 45 phút trước đó ở Bryan Street, một khu nội thành với nhiều nhà trọ, quán rượu và tiệm ăn bình dân. ở nơi đó thỉnh thoảng vẫn bùng lên những cơn thịnh nộ và thường kết thúc bằng cái chết.
Ông Robinson quan sát nạn nhân trần truồng từ bụng trở xuống, chiếc áo bị xé toạc. Các vết thâm tím ở cổ cho thấy hành động xiết cổ là nguyên nhân gây ra cái chết. Chiếc quần dài bị xé rách được tìm thấy cách xa hơn 10 mét, giấu một cách vội vã trong một lùm cây. Các dấu vết lôi kéo và trầy trụa trên da thịt của người phụ nữ cho thấy bà ta đã bị kéo lê trên con đường đất và sỏi sau khi bị giết chết và lột quần áo. Một bằng lái xe trong túi quần cho biết nạn nhân 32 tuổi và tên là Wanda Faya Roberts, cư ngụ cách nơi bị giết chết chỉ có năm dẫy nhà. Cuộc giảo nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân không bị hãm hiếp, nhưng nó chứng minh Roberts uống rất nhiều rượu trước khi chết.
Cảnh sát đã xục xạo khắp các quán rượu ở Bryan Street và tìm được nơi Roberts là khách hàng thường xuyên. Nhân viên phục vụ ở đó nhớ lại lần đến quán cuối cùng của bà ta, ngay buổi tối bị giết chết. Roberts rời khỏi quán khoảng 2 giờ sáng, với một người khách cũng rất quen, người này chỉ được biết là “Eddie”. Thám tử Robinson đã không thể tìm ra bất cứ manh mối nào với chi tiết này. Ông ta cần có một kẻ tình nghi, và có hàng ngàn “Eddie” ở Dallas. Do đó Thám tử Robinson chẳng thể làm gì cả ngoài việc chờ đợi.
Và rồi đến đêm ngày 30 tháng Mười Một, 1980, hai cậu con trai của bà Sally Thompson, 43 tuổi, đưa một người bạn gái về thăm mẹ tại căn flat ở Dallas. Họ nhìn thấy các ngọn đèn thắp sáng trong phòng khách và nghe tiếng máy truyền hình, nhưng cánh cửa khóa chặt. Gõ cửa và vặn quả nắm, họ chờ vài phút thì thấy một người lạ mặt mở cửa. Người đàn ông này cao và gầy, với mái tóc mầu nâu sẫm và râu mép rất thưa. Người ông ta sặc mùi rượu và dường như bị mất ý thức về phương hướng, nhưng không kháng cự khi bị các thiếu niên này đẩy sang một bên.
Họ tìm thấy người mẹ nằm úp mặt trên sàn nhà, bên cạnh chiếc ghế đi văng, với chiếc quần jeans và quần lót bị kéo xuống tới mắt cá. Quá sợ hãi, hai thiếu niên chạy sang nhà người hàng xóm và gọi cảnh sát. Khi đến hiện trường, các thám tử nhìn thấy người đàn ông lạ mặt này đứng bên cạnh xác chết bà Thompson, và không hề chống cự khi bị bắt. Ông ta cho biết tên là Carroll Edward Cole, cư ngụ tại một nơi cách xa nhà bà Thompson có hai dẫy nhà.
Trong cuộc thẩm vấn, người đàn ông này cho biết đã gặp bà Thompson tại một quán rượu và nhận lời mời của bà ta về nhà làm tình. Và trong lúc cởi quần áo người phụ nữ này, bà ta bất thình lình ngã quÿ xuống. Các nhân viên cứu thương có mặt tại hiện trường đã không tìm thấy dấu hiệu của hành động hung bạo nào trên thân thể nạn nhân, và họ gợi ý nguyên nhân gây ra cái chết rất có thể là do uống rượu hoặc chơi ma túy quá liều. Carroll bị tạm giữ cho tới khi các viên chức y tế hoàn tất cuộc giảo nghiệm, và ghi nguyên nhân gây ra cái chết của Thompson là “không rõ ràng”, và rồi Carroll được thả.
Buổi sáng hôm sau, Thám tử Robinson xem xét lại hồ sơ của Carroll, lưu ý tên đệm “Edward” của hắn có thể được gọi tắt là “Eddie” bởi các người bạn. Ông cũng lưu ý địa chỉ Lemmon Avenue của Carroll là một nơi cư trú dành cho những kẻ phạm trọng tội được phóng thích có điều kiện, cách nơi Wanda Roberts bị giết chết không đầy 3 cây số. Khi đến thăm tòa nhà này, ông Robinson được cho biết Carroll đã đến Dallas ngày 8 tháng Mười, 1980, chỉ hai ngày sau khi y được thả từ một nhà tù liên bang về tội trộm thơ. Sau khi vi phạm các giới hạn về giờ giấc một số lần, y ra khỏi tòa nhà này ngày 3 tháng Mười Một, nhưng đã gọi điện thoại trở lại để thương lượng một cơ hội thứ hai trong buổi tối Wanda Roberts bị giết chết. Một cuộc kiểm tra lý lịch cho thấy Carroll có một hồ sơ phạm tội rất dài, gồm một lần bị kết tội hành hung nghiêm trọng một thiếu nữ ở Missouri năm 1967.
Buổi trưa hôm đó, thám tử Robinson chỉ huy một nhóm cảnh sát mặc thường phục đến bắt Carroll tại nơi hắn làm việc, một kho chứa hàng của Toys R Us. Trong nhà giam, Carroll lập lại câu chuyện của hắn về Sally Thompson và thú nhận có quen biết Wanda Roberts. Carroll khai hai người đã cãi nhau buổi tối Roberts bị giết chết, nhưng nói không biết ai đã giết cô ta.
Trong giữa cuộc thẩm vấn, thám tử Robinson bất ngờ được yêu cầu đi đến một hiện trường nổ súng liên hệ đế một cảnh sát viên. Như thể bất mãn bởi sự gián đoạn này, Carroll bắt đầu thú tội giết người, kể rõ cái chết của một phụ nữ mà hắn gặp trong một quán rượu ở Dallas. Chỉ vài phút ông Robinson nhận thấy các chi tiết này không phù hợp với hai cái chết của Sally Thompson và Wanda Roberts. Vụ giết người này rõ ràng xảy ra ngày 9 tháng Mười Một. Cảnh sát nhận diện được nạn nhân là Dorothy King, 52 tuổi, được tìm thấy nằm chết trong căn flat ngày 11 tháng Mười Một, 1980. Lần nữa, viên chức điều tra cái chết khả nghi kết luận nguyên nhân gây ra cái chết này là uống quá nhiều rượu.
Lời khai dài dòng buồn bã của Carroll về các cái chết đã làm mất trọn buổi trưa và tối ngày 1 tháng Mười Hai, 1980. Thám tử Robinson ghi chép trong khi tên sát nhân này thú nhận xiết cổ Dorothy King, Wanda Roberts và Sally Thompson. Trong mỗi trường hợp các tình tiết rất giống nhau: gặp nhau trong quán rượu, các lời hứa làm tình, và rồi xiết cổ đến chết. Và không phải chỉ có các vụ giết người ở Dallas. Thật sự thì có sáu vụ khác trước đó trong chín năm qua. Theo lời khai của Carroll, tất cả đều là các gái điếm say rượu. Tất cả đều bị xiết cổ chết. Và một số bị hãm hiếp sau khi đã chết.
Riêng ở San Diego, hắn nhớ có ba nạn nhân. Người đầu tiên là Essie Buck, một chủ quán rượu bị xiết cổ, lột quần áo và bị vứt xác ngoài đường trong tháng Năm 1971. Người thứ hai là Bonnie Sue O’Neil, một gái điếm mà Carroll đã xiết cổ và vứt xác trong một ngõ hẻm, đằng sau một cửa tiệm bán đồ điện gia dụng mà hắn làm việc trong tháng Tám, 1979. Một tháng sau, người vợ nghiện rượu tên Diana cũng đã bị hắn giết chết, xác chết của cô ta được cuốn trong những tấm chăn và giấu trong tủ quần áo trong nhà.

Las Vegas là thành phố mà Carroll đã sống trong một thời gian đáng kể, và hắn đã sát hại hai nạn nhân ở đó. Gái điếm part-time Kathlyn Blum đã bị bóp cổ và vứt xác trong một khu dân cư trong tháng Năm 1977. Hơn hai năm sau, trong tháng Mười Một 1979, nạn nhân Marie Cushman đã bị giết chết ngay trên giường mà cô ta vừa ngủ với Carroll tại Casbah Hotel. Người cuối cùng trong danh sách các nạn nhân bị giết chết bởi tên sát nhân hàng loạt này là Myrlene Hamer, một cô gái thổ dân Da đỏ. Bị xiết cổ và vứt xác trong một cánh đồng ở Casper, Wyoming, xác chết của Myrlene được tìm thấy bởi nhà chức trách trong tháng Tám 1975.
Cuối cùng Carroll Edward Cole đã bị giam trong nhà tù Dallas City Jail vì ba tội giết người cấp một. Tuy nhiên, dù với sự thú tội của hắn, Carroll vẫn là một vấn đề cho các công tố viên. Các chuyên gia giảo nghiệm đã không thể tìm ra nguyên nhân gây ra cái chết của 2 trong ba nạn nhân, và nhà chức trách San Diego tuyên bố với giới truyền thông rằng Carroll đã chẳng giết ai cả trong thành phố của họ. Viên chức nghiệm tra các cái chết bất thường Jay Johnson đã nói với các phóng viên rằng: “Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì liên kết Carroll với các vụ giết người này.”
Và Trung úy John Gregory, người chỉ huy biệt đội điều tra các vụ giết người ở San Diego, cũng có quan điểm tương tự. Ông Gregory phát biểu rằng: “Viên chức nghiệm tra cái chết bất thường đã thực hiện các cuộc khám nghiệm tử thi, và người đàn ông này không có kỹ năng đặc biệt nào đó để xiết cổ các phụ nữ này mà không để lại bất cứ dấu vết trầy trụa nào.”
Trong khi đó, các chuyên gia tâm thần ở Dallas thẩm vấn Carroll để xem hắn có có thích hợp để bị xét xử hay không. Các lời kể rất chán chường về hành động giết người và làm tình với xác chết của hắn đã làm nản lòng họ, nhưng các chuyên gia này đều đồng ý rằng hắn bị điên về mặt pháp lý. Phiên xử của Carroll bắt đầu ngày 6 tháng Tư, 1981, trước quan tòa John Mead. Sau khi tuyên thệ, Carroll bắt đầu kể một câu chuyện về thời niên thiếu bị ngược đãi bởi người mẹ ngoại tình liên tục, ưa thích bạo dâm và có cách ứng xử với con cái rất tàn ác. Điều này tạo cho hắn một sự ám ảnh bệnh hoạn về các phụ nữ, xem tất cả họ là những người phản bội chồng hoặc người yêu của họ.
Carroll nói với bồi thẩm đoàn rằng: “Tôi nghĩ, tôi đang giết chết bà ấy qua những phụ nữ này. Ngoài những vụ giết người ở Dallas, hắn đã làm ngạc nhiên tòa án bởi khai thêm ba nạn nhân nữa vào danh sách chính thức của hắn. Các tội ác mới này gồm hai phụ nữ bị giết chết ở San Diego và một nạn nhân ở Oklahoma City trong ngày lễ tạ ơn 1977. Về nạn nhân ở Oklahoma, hắn thậm chí không biết tên của phụ nữ này, nhưng còn nhớ rất chi tiết xác chết này bị chặt thành nhiều khúc và vứt bừa bãi trong phòng bếp và phòng tắm của căn flat rất nhỏ của hắn. Carroll khai rằng: “Rõ ràng là tôi đã nấu một số món ăn hôm đó. Có một số thịt trong cái chảo được đặt trên lò và tôi đã ăn hết gần một nửa.”
Các thành viên bồi thẩm đoàn đã nghe quá đủ. Công tố viên Mary Ludwick cho rằng lời thú tội “ăn thịt người” của Carroll là cường điệu quá mức, nhằm tạo cảm tưởng hắn bị điên. Bồi thẩm đoàn đã thảo luận chỉ trong vỏn vẹn 25 phút trước khi kết tội Carroll ba tội giết người. Chánh án Mead đã tha mạng hắn bằng một bản án tù chung thân ngày 9 tháng Tư, 1981.

NGƯỜI MẸ ĐỘC ÁC BIẾN CON THÀNH Kẻ GIẾT NGƯỜI

Carroll Edward Cole chào đời ở Sioux City, Iowa ngày 9 tháng Năm, 1938, là con trai thứ hai của cặp vợ chồng La Verne và Vesta Cole. Một đứa em gái ra đời trong năm 1939, trước khi gia đình di chuyển đến Richmond, California, ông La Verne làm việc trong các xưởng đóng tầu địa phương. Bị động viên trong Thế chiến II, ông La Verne vắng mặt khi cuộc đời của đứa con trai bất chợt trở nên rất tệ hại.
Một ngày trong năm 1943, theo lời kể của Carroll, người mẹ dắt thằng con đến thăm một căn flat hoàn toàn không quen biết. ở đó bà ta gặp các quân nhân, uống rượu và rồi làm tình trong khi Eddie ngồi chờ trong căn phòng khách chật chội và bẩn thỉu với những người xa lạ. Sau đó, khi về đến nhà bà Vesta đã đánh Eddie và vặn hai cánh tay nó, đe dọa sẽ đánh nhừ đòn nếu nó tiết lộ hành động đồi bại của bà ta. Các chuyến đi “hành lạc” như vậy tiếp tục nhiều lần, và mỗi lần thằng bé Eddie đều bị mẹ trừng phạt dằn mặt, cho tới khi người cha trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Theo hồ sơ trường học, bà Vesta đã giữ đứa con trai ở nhà cho tới khi nó được bẩy tuổi, trong khi luật pháp đòi hỏi đứa trẻ phải ghi danh đi học năm đầu tiên khi tròn sáu tuổi.
Chiến tranh kết thúc và sự trở về của người cha đã giảm bớt tình trạng khổ sở cho thằng con trai, nhưng cũng chỉ một phần nào thôi. Bà Vesta vẫn quấy rầy và trừng phạt Eddie về những lầm lỗi nhỏ nhặt, và nó cũng bắt đầu gặp nhiều khó khăn ở trường học. Và bạn học chọc ghẹo một cách không thương tiếc về “cái tên con gái” của nó, thường khiến nó ngồi khóc một mình. Sau này Carroll kể rằng: “Bị các học sinh trong trường chọc ghẹo liên tục, tôi bắt đầu cảm thấy thù hận và ngày càng thu mình lại.”
Vào một buổi trưa, trốn đằng sau nhà, Carroll bị “thoáng ngất” và khi tỉnh lại thì nhận thấy hắn đã xiết cổ con chó kiểng trong nhà tới chết. Cảm thấy khuây khỏa bởi hành động giết chết, hắn bắt đầu mơ tưởng về việc giết chết người mẹ ruột - hoặc bất cứ phụ nữ nào tình cờ gặp hắn. Dù với sự mơ tưởng chết người đó, nạn nhân bị giết chết đầu tiên của Carroll lại là một đàn ông. Nam sinh này có tên là Duanne, và là một trong những học sinh trêu chọc Carroll nhiều nhất về cái tên con gái của hắn.
Vào một buổi trưa mùa hè 1946, Carroll cùng với đứa em trai và một nhóm các đứa con trai khác đến bờ sông Richmond để bơi lội. Trong khi cả đám đi tới bờ sông, Duane đã cất tiếng hỏi đểu: “Ê tụi bay, không biết thằng Carroll nghĩ gì về cái tên con gái của nó"” Và rồi cả đám cười rộ lên. Trong khi những đứa khác đùa giỡn với nhau, Carroll ở dưới nước và thằng Duane đứng trên một thân cây bị đổ, chuẩn bị phóng xuống nước. Nó bịt mũi và nhẩy, ngay lập tức Carroll lặn theo để chặn không cho thằng Duanne trồi lên mặt nước. Hắn dùng hai chân quặp quanh cổ thằng Duane và hai tay bám chặt vào thân cây gần nhất để lấy sức mạnh đòn bẩy.
Sau này Carroll viết rằng: “Tôi ghìm chặt nó dưới nước cho tới khi biết chắc nó đã chết. Và khi tôi buông tay ra, nó chìm xuống đáy sông.” Nhà chức trách đã xem vụ chết chìm này là một tai nạn. Sau này Carroll nói rằng hắn rất sợ bị bắt - nhưng không có sự hối hận nào về vụ giết chết Duane. Đó là lần đầu tiên Carroll giết người, nhưng không phải là lần cuối cùng. (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.