Hôm nay,  

Các Báo Vn Bắt Đầu Báo Nguy: Hiểm Họa Tq Vào Thuê Rừng

03/03/201000:00:00(Xem: 7672)

Các Báo VN Bắt Đầu Báo Nguy: Hiểm Họa TQ Vào Thuê Rừng

Nhiều báo quốc nội bắt đầu tường trình về hiểm họa cho Trung Quốc thuê rừng 50 năm ở các tỉnh xung yếu.
Những lời hứa của các công ty Trung Quốc với người dân khi thuê rừng nhiều phần vẫn chưa thực hiện.
Báo Người Lao Động kể trong bài “Cho thuê đất trồng rừng ở vùng đắc địa” về trường hợp Tập đoàn Innov Green (Hồng Kông, Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại VN vào tháng 7-2005 và sau đó được cấp phép thuê đất 50 năm trồng rừng nguyên liệu tại Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Lạng Sơn, Kon Tum, tính ra là:
“...Đến hết năm 2009 (sau 2 năm đầu tư), Công ty Innov Green đã đưa vào quản lý và sử dụng 513 ha đất rừng tại huyện Hải Hà và trên 1.113 ha ở TP Móng Cái. Trong đó, có 446 ha rừng tại xã Quảng Sơn và Quảng Thành đã trồng rừng bạch đàn, 51 ha rừng tự nhiên ở Quảng Sơn cần được bảo vệ...
Không thể phủ nhận việc Công ty Innov Green đầu tư trồng rừng đã tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động địa phương nhưng rõ ràng so với trước đây, từ vị trí là chủ rừng, giờ họ trở thành người làm thuê.
Anh Tằng Chăn Thống (thôn Cấu Phòng, xã Quảng Sơn) kể: “Cánh rừng này, bao đời nay, gia đình tôi và người dân địa phương đã từng trồng rừng, cấy hái. Nhưng bây giờ, Công ty Innov Green lấy đất rồi, chúng tôi phải đi làm thuê cho công ty thôi”.
Lương ngày công cho một lao động thời vụ tại đây là 70.000 đồng/ngày, tất nhiên công việc không phải lúc nào cũng ổn định. Công ty Innov Green cũng từng hứa sẽ xây dựng đường sá để phục vụ người dân địa phương nhưng hiện tại, ở Quảng Sơn vẫn chưa có công trình làm đường nào được khởi công.
Ông Lê Nhữ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp - UBND huyện Hải Hà, cho hay bạch đàn là loại cây có thể lấy gỗ, làm nguyên liệu sản xuất giấy nhưng từ trước đến nay, bạch đàn vẫn bị xem là cây làm bạc màu đất nên bà con ta rất ít trồng. Theo ông Cường, chu kỳ thu hoạch của loại cây này từ 5-7 năm nên cũng cần có thời gian để kiểm chứng hiệu quả trên nhiều mặt trong đó có vấn đề môi trường và chống xói mòn đất.
Công ty TNHH một thành viên Quảng Ninh – Innov Green được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép đầu tư từ năm 2006, với dự án trồng 100.000 ha rừng trên địa bàn 37 xã thuộc 7 huyện, TP là khu vực miền núi, ven biển và biên giới của tỉnh Quảng Ninh trên địa bàn các huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái.
Tại Nghệ An, Tập đoàn Innov Green triển khai dự án trồng 70.000 ha rừng nguyên liệu ở các huyện miền núi, biên giới Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông và Kỳ Sơn. Dự định trồng 63.000 ha rừng trên địa bàn 49 xã thuộc 7 huyện miền núi và biên giới của Lạng Sơn: Văn Quan, Tràng Định, Lộc Bình, Chi Lăng, Cao Lộc, Bắc Sơn và Đình Lập.”
Thông tấn VietnamNet trong bài 2 nhan đề “Chưa có giấy phép, công ty nước ngoài hối hả trồng rừng” lại nêu ra một hiện thực bi thảm:
“Thông tin từ UBND xã Đông Quan (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cho VietNamNet biết, hiện Công ty Innov Green (Hồng Kông – Trung Quốc) có chi nhánh tại Lạng Sơn đã tiến hành trồng thử nghiệm 60 ha tại đây nhưng đã được cấp phép hay không thì họ không biết. UBND xã chỉ nhận được chỉ đạo từ tỉnh và huyện là đồng ý cho doanh nghiệp này tiến hành trồng rừng. Ngoài ra, tại huyện Lộc Bình, công ty này cũng đã trồng rừng tại 3 xã khác...
Thông tin thực tế về những rừng cây bạch đàn đã được Công ty Innov Green thuê người dân ở thôn Song Sài trồng nhưng chưa thanh toán hết tiền công cho người dân, ông Vi Sỹ Phóng, Chủ tịch UBND xã Đông Quan thừa nhận đúng là có chuyện trên.
...Tuy vậy, một lúc sau vị Chủ tịch xã này lại nói tiếp rằng dự án trồng rừng này vẫn chưa được tỉnh cấp phép. Tỉnh Lạng Sơn có giao cho huyện hướng dẫn cho xã đi khảo sát đất rừng rồi trình lên để cấp. “Nhưng giờ đã trình đã cấp gì đâu mà họ đã trồng rồi, cả ở huyện Tràng Định cũng tiến hành trồng rồi. Vừa rồi Sở Tài nguyên Môi trường cũng nói là chưa cấp gì đâu nhưng cứ cho họ (Cty Innov Green - Nv) làm đi”, ông Phỏng cho biết.


Ông Phỏng cũng cho biết, công ty nước ngoài này đã vào địa bàn xã Đông Quan khảo sát để thuê đất từ năm 2007.  “Dự án sẽ thuê đất trồng gỗ nguyên liệu cao cấp trong vòng 50 năm. Tự họ (Cty Innov Green - NV) làm, tự vào thuê đất nhà nước, thuê dân mình làm công nhân, họ  trả cho người dân theo hợp đồng hàng năm, bảo vệ rừng cho họ. Sau này họ bán sản phẩm thì sẽ cho phần trăm. Họ bảo thế”.
“Dự án họ bảo vào trồng rừng thì sẽ mở con đường, kéo điện vào khu vực khó khăn cho 2 thôn.  Dân rất thích đường được mở, công ty này còn hứa sẽ xây dựng công trình công cộng, nhà văn hoá, trường học cho dân mình và tạo việc làm cho người dân”, ông Phỏng kể về những lời hứa của dự án khi thành công.
Còn chị Vi Thị Khoản, cán bộ địa chính xã Đông Quan thì thông tin rằng: “Hôm đi họp dự án này vào ngày 28/5/2009, lãnh đạo Sở NN&PTNT phát biểu rằng hoàn toàn nhất trí với việc trồng rừng của Cty Inov Green và cho trồng. Tôi hỏi chưa có quyết định thì làm thế nào thì người đó nói tiếp trồng đến đâu giao đến đấy”.
Không chỉ nợ tiền trồng bạch đàn của người dân làm thuê, hiện con đường nối liền từ thôn Nà Xã vào đến khu vực trồng rừng dài 7km do dự án này thực hiện mới chỉ làm được mấy trăm mét vì vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, chưa đền bù đất đai cho người dân bị lấy đất.
Chị Vi Thị Lơ, một người dân thôn Nà Xá là người mất đất nhiều nhất trong việc làm đường với diện tích hơn 2000 m2 đất có rừng thông. “Năm ngoái, chúng tôi đồng ý cho mở đường và họ hứa với chúng tôi là sẽ trả tiền đền bù trước 15/10/2009 nhưng đến hẹn không thấy tiền nên người dân chúng tôi không cho làm nữa”, chị Lơ cho biết...”
Trong khi đó Tiến Sĩ Lê đăng Doanh với bài viết nhan đề “Lợi ích quốc gia” đăng trên báo Tiền Phong, cũng báo nguy hiểm họa cho thuê rừng, trích:
“...Cần khẳng định việc bảo vệ rừng và đất rừng là lợi ích quốc gia, liên quan đến những tỉnh hạ nguồn và việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đến gần 300 ngàn ha rừng đến 50 năm là việc quốc gia đại sự, chứ không thể là việc riêng của tỉnh này hay tỉnh khác nữa.
Trước hết, việc chặt phá rừng cũ, trồng rừng mới hiệu quả đến đâu đang là một vấn đề còn tranh cãi trên thế giới.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam nếu trồng mới không hiệu quả, kịp thời, đúng yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, kịp thời vụ (để tránh bị rửa trôi, xói mòn vào mùa mưa khi chặt cây rồi nhưng chưa kịp thời trồng được cây mới) thì chẳng khác gì “tự chặt đôi chân lành lặn, nguyên vẹn của mình để lắp vào đấy đôi chân giả”. Tức là lợi bất cập hại và hại gấp nhiều lần.
Có rất nhiều lý do để lo ngại: nếu trồng không đúng cây, theo đúng phương án kinh tế - kỹ thuật, đúng thời hạn, nếu công ty thiếu trách nhiệm hay không đủ năng lực, nếu giám sát thiếu chặt chẽ, phương án cho thuê có sơ hở, chỉ cần chặt hết gỗ đã có lãi thì việc trồng lại rừng có thể là một việc trên giấy hoặc kéo rất dài, gây ra những hệ quả khó lường.
Để có căn cứ quyết định, cần làm thí điểm trên quy mô nhỏ, có sự giám định độc lập chặt chẽ, đi đến kết luận chắc chắn trước khi làm đại trà.
Kinh nghiệm các nước cho thấy việc cho các công ty Trung Quốc thuê đất, thực hiện thầu là rất phức tạp, khác hẳn với kinh nghiệm đối với các công ty khác.
Các công ty này thường mang theo đông đảo công nhân Trung Quốc đến làm việc, kéo theo các dịch vụ mua sắm, ăn uống đặc thù của văn hóa Trung Quốc, thậm chí lập ra khu phố riêng, tiêu tiền Trung Quốc với nhau.
Tạp chí Tấm Gương (CHLB Đức) đã có bài phóng sự về thị trấn Bò Tèn của Lào, gần biên giới với Trung Quốc, tràn ngập công nhân Trung Quốc, đường sá có biển chỉ tiếng Hoa, đồng Nhân Dân Tệ tiêu thoải mái, người Lào ở đó chỉ còn là công dân Lào về mặt hành chính còn thực chất là “công dân kinh tế Trung Quốc”.
Một số nước châu Phi cũng đã có kinh nghiệm tương tự với các công ty khai thác rừng, khoáng sản của Trung Quốc.
Thử hỏi, với thời gian cho thuê 50 năm, số diện tích cho thuê lớn, số người lao động cần huy động sẽ lên đến bao nhiêu và ở trên những địa bàn ấy bao lâu.
Đó là những kịch bản không thể hoàn toàn loại bỏ, cần tỉnh táo xét đến trước khi trở thành “sự việc đã rồi”...”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.