Hôm nay,  

Nghệ Thuật Tinh Vi Của ‘nghề An Cướp’ Thời Nay

14/10/200500:00:00(Xem: 5979)
- Chuyện "nổi bật" nhất ở VN trong vài tuần vừa qua vẫn là thứ chuyện "muôn thuở nhà đất", nó dài hơn cả những pho truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Và sự ly kỳ cũng không kém phần quái đản. Cụ Kim Dung nhà ta thì lâu nay coi như đã "nghỉ hưu" không còn sáng tác ra những "chiêu thức" võ công kinh hồn nữa. Nhưng cái thứ chuyện nhà đất ở VN thì hơi sức còn dài nên ngày càng có nhiều "chiêu" độc kinh người như không bao giờ hết.
Kể từ khi 13 đoàn thanh tra về nhà đất của nhà nước rút về, chẳng biết mang theo bao nhiêu tạ hồ sơ, cũng chẳng biết cơ quan nào sẽ "nghiên cứu" và rồi sẽ do cơ quan nào giải quyết, người dân cứ việc chờ và chờ. Rồi mọi việc "đâu sẽ có đó" sẽ được giải quyết "đâu vào đấy". Niềm an ủi cuối cùng của những người dân chỉ có vậy. Nó lơ lửng như chính cuộc sống của họ. Và rồi những tiếng kêu lại tiếp tục rên rỉ. Đặc biệt trong hai tuần giữa tháng 9 vừa qua, những tiếng kêu ấy nổi lên từ mọi phía, từ thành phố đến miền rừng núi hoang vu, từ thành phố, thị trấn đến rừng U Minh... dường như không nơi nào mà không có những tiếng kêu rên thảm thiết ấy. Trong những sự kiện đó, điểm đặc biệt hầu hết vẫn là những nỗi khổ của người dân bị các quan chức ngay tại địa phương mình toa rập cùng nhau, với những mưu ma chước qủy cướp mất nhà cửa, đất đai của mình, đẩy họ đến cảnh khốn cùng. Mưu lược của cánh nhà quan thật êm đềm, đến nỗi người dân cứ ngoan ngoãn nghe theo như cô gái tỉnh lẻ ngây thơ vô tội đi theo một thằng Sở Khanh. Đến lúc bị đá ra đường mới biết mình bị lừa.
Trước khi tường trình những mưu lược thần sầu của những tay có quyền có thế, xin bạn đọc hãy nghe một câu chuyện có thật mà thoạt nghe cứ tưởng là chuyện tiếu lâm từ đời xửa đời xưa ở tuốt mãi tận bên Tàu.
* "Chăm phần chăm" với tao, tao cấp cho hai lô đất
Ông Nguyễn Ngọc Chiến làm chủ tịch thị trấn Vĩnh An, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai từ năm 1994 đến 2004. Một buổi tối đẹp trời, ngài đi nhậu với đám đàn em. Khi cao hứng, quan chủ tịch nâng ly, bắt đàn em "chăm phần chăm". Tất nhiên các nhân viên quèn đều răm rắp "dzô, dzô" ào ào rôm rả. Nhưng có một cậu thanh niên không uống được nhiều, ông chủ tịch bèn phán:
- Mày dám chơi hết ly này, tao cấp cho hai lô đất.
Cậu thanh niên thấy đàn anh có ý yêu thương, bèn cố nuốt cho trôi ly rượu. Mọi người, và ngay cả cậu thanh niên cứ tưởng quan chủ tịch chỉ nói giỡn chơi thế thôi. Không ngờ, ngày mai chủ tịch Nguyễn Ngọc Chiến kêu cậu thanh niên vào bảo làm đơn xin cấp đất vì gia cảnh khó khăn (hay vì cái đếch gì cũng được), miễn là có lá đơn. Bởi đàn anh một lời đã nói ra... nặng như núi Thái Sơn. Thế là cậu thanh niên được cấp hai lô đất thật. Trong khi bao nhiêu người khác có nhu cầu thật sự và ngay cả đàn em của quan chủ tịch cũng khối anh gặp khó khăn, xin mãi chẳng được. Vì thế câu chuyện được bung ra tùm lum.
Bạn đọc có thể tin được không" Nếu chưa tin hẳn thì xin chứng minh thêm một tí nữa. Khi xác minh, ba ông to nhất huyện là Nguyễn Thành Thuật- bí thư thị trấn; Nguyễn Ánh Hồng - đương kim chủ tịch thị trấn và ông Nguyễn Sinh - chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc đều xác nhận đây là chuyện có thật.
Ngoài ra, chỉ tính riêng mảnh đất màu mỡ ở ngay mặt tiền thị trấn Vĩnh An, ông chủ tịch Nguyễn Ngọc Chiến đã cấp bằng miệng cho ít nhất 7 người nữa.
Nghe chuyện này nhiều người tiếc hùi hụi vì không biết nhậu hoặc không có "cơ duyên" được nhậu với quan chủ tịch. Chắc vì vậy mà sau đó các quán nhậu ở địa phương cứ đông vui nườm nượp, nhất là những quán được các quan chức hay ghé tới.
* Những điều "kỳ diệu" khác
Từ việc được cấp đất bằng miệng này lại phát sinh một kiểu lấn chiếm đất công rất "vô tư" đồng thời bán luôn đất được cấp để thu lời. Cụ thể như ông Đinh Tất Nhượng được cấp 800m2 đất, bán đi có nửa lô được hàng trăm triệu đồng. Ông Đào Văn Lưu được cấp 750m2, ông "tranh thủ thời cơ" chiếm luôn 500m2 nữa, ở không hết, ông đem bán và điều kỳ thú hơn là ông được thị trấn xác nhận hẳn hoi, tức là cả đất chiếm cũng được bán... đúng luật. Nói rõ hơn, tất cả những trường hợp lấn chiếm và được cấp miệng này đều được cấp giấy chứng nhận đàng hoàng.
Theo tính toán của người dân, hàng ngàn mét vuông đất của công biến mất, nay biến thành nhà đất của các cán bộ huyện và thị trấn. Như thế đủ chứng tỏ rằng từ "thành đến tỉnh" có một tổ chức chặt chẽ để cướp đất của công làm của riêng. Muốn cấp cho ai cứ "thoải mái" theo chế độ "bốn không": không cần xác minh nhu cầu, không biên bản bàn giao, không cần ra quyết định, người được cấp có đơn hay không có đơn cũng được cấp đất. Sau đó ông chủ tịch huyện ký "đồng ý" và ông chủ tịch thị trấn ra lệnh cho cấp dưới quyền cứ việc giao đất.
Một điều "kỳ diệu" khác nữa là việc làm này đã ngang nhiên xảy ra cả chục năm trời rồi mà không bị phát hiện mới là "số dzách". Nếu để phát hiện thì coi như "số dì", quá kém, không đủ năng lực làm việc"!
Hai thí dụ điển hình trong tuần
Cướp đất của công, tuy vậy mà còn "tử tế" hơn cướp đất của dân mới là tệ hại. Nếu tôi không dùng chữ "vô nhân đạo" thì không còn từ ngữ nào có thể thích hợp hơn. Trong một xã hội mà ông Hải quan tiếp tay cho buôn lậu, nhân viên tuyên truyền chống HIV đi bán ma túy thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
8 nhân viên hải quan tại cảng Khánh Hội đã tiếp tay cho Lầu Lý Sáng và Benny Cheng nhập lậu đến 25 tỉ đồng. Trong lần xét xử đầu tiên, 8 vị quan chức này được tòa tuyên bố vô tội, sau khi án bị hủy, 8 vị "anh hùng Lương Sơn Bạc" này lại bị truy tố về tội danh buôn lậu. Chưa biết vụ án này sẽ đi đến đâu.
Ngày 17-9 vừa qua, một số nhân viên của Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng chi nhánh quận 2 (LIFE - GRAP) đã bị bắt quả tang vì bán ma túy cho đồng nghiệp và cho cả những người dân quanh khu vực. Những buổi "sinh hoạt định kỳ" vào chiều thứ sáu hàng tuần các nhân viên "Chăm sóc sức khỏe cộng đồng" này họp với người dân để... tuyên truyền chống HIV (được phát lương hàng tuần 60USD). Ngay sau đó, Trương Hoàng Mạnh cùng vợ là Phạm Thị Mai Phương đem ma túy bán cho các nhân viên ngay tại trụ sở và người nào có nhu cầu sử dụng ma túy cũng được vợ chồng Mạnh bán ngay trong khu vực gần trụ sở của Trung Tâm.
Số ma túy đó Mạnh mua tận gốc, bán tận ngọn, đặt hàng tận Nghệ An, mang vào giao tại khu vực gần cầu Đồng Nai.
Đó là hai thí dụ điển hình về tình trạng lợi dụng chức quyền để làm bất cứ thứ gì có thể làm được dù đó là một việc làm táng tận lương tâm.
Tường trình như thế để bạn đọc có thể thấy những chuyện trái tai gai mắt đó ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng và xã hội hiện nay. Xin quay trở lại với chuyện cướp đất của dân. Đây không phải là lần thứ nhất tôi bàn "lẩm cẩm" về vấn đề này. Những tưởng chuyện đó xảy ra từ những năm trước ở một số địa phương, tai tiếng bay rùm trời và đã được trừng trị, nó sẽ bớt đi. Nhưng không những nó không bớt mà lại có chiều hướng gia tăng. Tôi không biết do việc trừng trị chưa đúng mức, cứ "quân ta xử quân mình" nên những anh đã mang danh "cán bộ có chức có quyền" không sợ hay vì lòng tham không đáy của các quan, thấy vồ được dễ dàng mà tội thì chẳng bao nhiêu nên cứ tiếp tục vồ và "nghệ thuật vồ" ngày càng tinh vi, dịu dàng... đằm thắm hơn!
* Đất của dân tái định cư được phát cho cán bộ.
Đây chỉ là "chuyện nhỏ" xảy ra tại Hải Phòng (chuyện lớn sẽ nói sau). Xin tóm lược là năm 1999, chính phủ VN có quyết định mở rộng Trường Đại học Y khoa tại Hải Phòng. Sau các thủ tục cần thiết, ông Đặng Quang Sử (lúc đó là phó chủ tịch UBND thành phố, nay là chủ tịch) chỉ thị ngay cho các "ban bệ" dưới quyền ưu tiên cho công tác dãn dân, nói cho rõ là tìm chỗ đưa dân ra khỏi vùng đất đó để lấy chỗ mở rộng trường Đại học. Tất nhiên muốn đưa dân ra nơi khác thì phải có đất cho dân đến ở, gọi chung là "giải phóng mặt bằng" và "tái định cư". Và đó được coi như một nhu cầu rất cấp bách. Vì thế nên UBND quận Ngô Quyền lấy hơn 13 ngàn mét vuông đất tại Đồng Rào để thực hiện dự án lớn này.
Dĩ nhiên những người dân bị "di dời" nhà cửa con cái phải được đến chỗ ở mới. Việc này có quyết định hẳn hoi vào tháng 4 năm 2003.
Thế nhưng chuyện tréo ngoe lai xảy ra, người dân cần đất để tái định cư thì không được ở mà số đất "tái định cư" đó được chia chác cho các quan chức thuộc quận Ngô Quyền Hải Phòng. Có tới 65/99 trường hợp được giao đất không phải là dân tái định cư (tức là có tới 64% giao cho người "lèo"). Bà Phạm Thị Mão là một công chức về hưu than thở: "Suốt 38 năm phục vụ chẳng được hưởng quyền lợi gì, nay mất đất, mất nhà, không biết nương tựa vào đâu". Bà Hồ Thị Hồng đại diện cho 21 gia đình dân cho biết, trong mấy năm qua, họ đã gửi hàng chục lá đơn khiếu nại đi khắp các "cửa" mà vẫn hoàn toàn bế tắc, không một cơ quan nào giải quyết. Trong khi đó chính quyền luôn thúc ép chúng tôi nhận tiền đền bù với giá rất thấp, đồng thời ép chúng tôi phải nhận đất tái định cư với giá rất cao tại xã Anh Dũng và An Đồng thay cho phần đất ở Đồng Rào mà lẽ ra chúng tôi được hưởng". UBND xã cũng không giải thích được tại sao có đến 23 gia đình khác không phải là dân bị đuổi nhà đuổi đất, tức không phải là dân tái định cư mà lại được tái định cư ngay trên phấn đất tái định cư, dù họ không cư trú tại đó.
* Hô "biến"
Tất nhiên muốn biến đất tái định cư thành đất dành cho cán bộ có khó khăn về nhà ở thì chỉ cần một cái quyết định hay cái lệnh lạc nào đó của Ủy Ban Nhân Dân là xong. Sau đó thành lập một ban bình xét xem cán bộ nào cần nhà. Trong văn bản này Ủy Ban đã "bình bầu" cho 59 gia đình cán bộ có nhu cầu "thật sự" về nhà ở như ông Phạm Văn Hoàn nguyên bí thư quận ủy, Nguyễn Quan Hoài nguyên phó chủ tịch UBND quận do "điều kiện rất khó khăn về nhà ở, như nhiều cặp vợ chồng của các cán bộ khác cùng phải sống chung trong một nhà, phải ở nhờ, chưa được giao đất lần nào". Nghe "thê thảm" quá!
Nhưng thực tế thì sao" Trong số những người được cấp đất đó có những ông chẳng khó khăn tí nào. Hãy nêu vài thí dụ cụ thể: Ông Người Hữu Chưởng - giám đốc Ban Quản lý dự án này đã có nhà 60m2; bà Vũ Thị Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao quận đã có 50m2; ông Vũ Hồng Vượng - Giám đốc kho bạc quận đã có 52m2; bà Cao Thị Tuyên đã có 52m2, ông Vũ Văn Thành - Chỉ huy trưởng quân sự quận đã có 160m2....
Vì không có nhu cầu về nhà ở, nên có nhiều người đã bán ngay lô đất vừa được cấp với giá hàng trăm triệu đồng.
Những nghịch lý này, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Người bị mất nhà mất đất vẫn cứ trơ mắt ra nhìn các quan ung dung chiếm đất tái định cư lẽ ra là của mình. Tức "hộc máu mồm" mà đành chịu trận.

* Lướt qua vài huyện ở miền Nam
Chuyện đó không phải chỉ xảy ra tại Hải Phòng mà "xuôi Nam" cũng còn rất nhiều chuyện chia chác đất công và giành đất của dân như thế. Huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, tình hình cũng xảy ra tương tự. 63 hecta đất công cũng bị các quan "xẻ thịt" ngon lành. Bà Lê Thị Thôi là vợ ông Thái Văn Nghĩa - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường được cấp một lô đất hiện nay đang rao bán với giá trên 100 triệu đồng.
Trong 93 lô đất được giao cho các quan tại khu dân cư Quế Bằng có đến 75 trường hợp giao đất sai, trong đó có rất nhiều cán bộ và con cháu các quan. Nếu làm một phép tính giản dị, một lô đất được cấp mua đi bán lại, hưởng chênh lệch 100 triệu đồng thì với 73 lô, ngân sách nhà nước chui vào túi các quan bao nhiêu" Trong khi đó chính tại huyện Vĩnh Cửu còn đến hơn 200 hồ sơ của người dân nghèo xác xơ cò bợ, không có đất làm đơn xin hoài mà chưa giải quyết được, hay không bao giờ giải quyết được" Lại chưa biết chuyện đó sẽ "đi về mô""
Còn ở Trà Vinh khu đất nghĩa địa ở P.7, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh được quy hoạch xây khu thương mại nhưng lại được phân lô bán với giá "siêu rẻ" cho 9 quan chức cấp tỉnh và thị xã.
Cũng "kịch bản" nói là "các cán bộ gặp khó khăn về nhà ở" như ở Đồng Nai, nhưng thực tế 9 cán bộ này đều có đất và nhà công vụ, họ được mua lô đất 135m2 với giá 800.000 đồng/m2, rồi ngay khi làm thủ tục xong đã vội vàng kêu bán lại với giá 400 triệu đồng một lô. Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Thị ủy thị xã Trà Vinh chỉ nhận.... thiếu sót và kiểm điểm rút kinh nghiệm! Nhưng ông đã xác nhận việc này bằng cách hứa hẹn "tiến hành vận động các cán bộ mua khu đất trên trả lại đất". Vậy là nuốt không trôi nên chỉ việc nhả ra là êm ru bà rù.
Xin kê khai rành mạch hơn, gọi là nói có sách, mách có chứng: 9 vị quan chức "điển hình" này gồm: Ông Trần Văn Đảnh - Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh; ông Lâm Thanh Bình - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT), nguyên Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang; ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó giám đốc Sở TNMT, nguyên Chủ tịch huyện Cầu Kè; ông Nguyễn Văn Ngó - Chánh Thanh tra tỉnh; ông Trần Minh Chí - Phó chánh Thanh tra tỉnh; ông Phương Minh Thành - nguyên Chủ tịch UBND P.7, nguyên quyền Bí thư P.7; ông Dương Tâm, Phó chủ tịch UBND TX Trà Vinh; ông Trần Thi- Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh; ông Kim Ruol, Chủ tịch HĐND P.7.
Tại tỉnh Tiền Giang, cũng vừa có thêm 4 cán bộ địa chính chiếm 38.480m2 đất công. Trong nhiều năm chính quyền xã Thạnh Tân đã tự xét cấp đất trái thẩm quyền cho 23 người (trong đó có 22 cán bộ xã) tổng cộng 231.000m2 đất công.
Riêng ông Nguyễn Văn Lo, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện và 3 cán bộ thuộc quyền là Huỳnh Hồng Khải, Huỳnh Văn Hoàng, Võ Văn Tươi đã bao chiếm tổng cộng 38.480m2 đất công tại xã Thạnh Tân rồi đem sang bán cho người khác.
* Tiếng khóc trong rừng U Minh
Rừng U Minh là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang - Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau, vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi buồn: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất...
Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương - những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Chỉ cần nghe vài người dân "tả tình tả cảnh" bạn đọc có thể hình dung ra những cảnh dở khóc dở cười, sống dở chết dở ấy như thế nào:
- Chị chủ quán tên Tươi thuộc xã Đông Hưng B, An Minh (Kiên Giang) còn bên kia sông là ấp 4, xã Khánh Hòa, U Minh (Cà Mau). Chị kể: "Đây là vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nên còn gọi là "khu tự trị", thiếu thốn mọi thứ, dân tình khổ sở lắm nhưng không biết kêu ai vì năm thì mười họa có khi cả năm trời không thấy mặt mũi ông chính quyền nào vô thăm dân.
Tất cả những người dân đều là nông dân nghèo đến từ nhiều vùng quê khác nhau, từ Khánh Hòa, huyện U Minh, Bạc Liêu lên, từ Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang qua nhận khoán trồng rừng và trồng lúa hàng chục năm nay. Họ đang làm ăn ngon lành thì bị lâm trường cho người xuống thông báo thu hồi diện tích đất nhận khoán, cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà đi nơi khác.
- Chị Đặng Thị Điệp, quê Vĩnh Thuận (Kiên Giang), cho biết: "Từ năm 1998 gia đình tui được Lâm trường U Minh 2 giao khoán 8,5 ha đất (1,5ha đất sản xuất nông nghiệp, 7ha đất trồng rừng). Năm nào tui cũng làm tròn nghĩa vụ thuế cho lâm trường, vụ nào chưa kịp đóng thì người của lâm trường chặn lại thu bằng được mới cho ra khỏi rừng. Bây giờ con cháu tui sinh ra tại ruột rừng này cả thảy gần 20 đứa, gia đình con cái lo mần ăn kiếm sống không vi phạm chi cả. Thế mà năm 2001 chẳng hiểu thế nào lại bị lâm trường thu hồi đất giao cho người khác mần. Ngay cả cái nhà chắt chiu hàng chục năm nay cất bên bờ kênh cũng bị mấy ông "cán bộ" cho lực lượng xuống cưỡng chế dỡ bỏ, phải dựng tạm lại ở. Hai hôm nay mưa lớn cả nhà ai nấy ướt mem".
- Hoàn cảnh của gia đình dì Nguyễn Thị Hai, dì Lê Thị Kháng cũng bi đát không kém. Họ được lâm trường giao khoán trồng rừng và sản xuất nông nghiệp từ năm 1998, nhưng vừa rồi cũng bị cắt ngang hợp đồng. Hai dì nói như khóc: "Đất đai thì bị lâm trường lấy cấp cho người khác. Về xứ cũng chẳng còn gì để sống, đành bấm bụng bám trụ, sống chết ở khu rừng này, không đi đâu nữa".
Con cái đứa thì đi nhổ mạ, cấy thuê, đứa vác lúa mướn, xin gốc cây tràm về hầm than bán, tuổi già các dì thì chọn nghề nhặt rau thuê. Các dì bảo: "Tụi tui khuyên con cháu nhà mình dù dốt, thất nghiệp, đói khổ nhưng tuyệt đối không vì thế mà quậy quạng, làm bậy, phá rừng... Biết đâu chừng một ngày gần đây lãnh đạo cấp trên thương tình cứu xét cấp đất cho con cháu tụi tui bớt khổ".
- Ông chủ nhà Nguyễn Trung Liệt - một lão nông có uy tín trong vùng - vào chuyện: "Trên 60 tuổi rồi, hơn chục năm, ba thế hệ với hơn 30 người sinh ra và lớn lên tại khu rừng này, nhưng ngặt một nỗi nhà tui không ai có được tấm hộ khẩu, cũng chẳng hề có giấy chứng minh nhân dân. Người lớn còn đỡ chứ tội nghiệp sắp nhỏ, năm đứa cháu nội ngoại ra đời trong ruột rừng này hiện tại đều thất học như ông cha nó cũng vì không hộ khẩu (nên không ai nhận vào học), dù tựu trường 2-9 hôm rồi đứa nào cũng nằng nặc đòi đi học. Trông cho có cán bộ huyện, xã vô thăm bà con làm cho cái hộ khẩu mà gần chục năm nay không thấy, lẽ nào cán bộ xa dân thế sao!".
- Chú Ba Vinh thì kêu: "Cả trăm gia đình bà con ở đây khổ lắm, không thua gì thời kỳ Pháp thuộc phát canh thu tô! Ruộng nương thì bị lâm trường thu hồi cấp cho người khác mà không làm thủ tục thanh lý theo hợp đồng, trắng tay nhưng đành bám trụ làm thuê kiếm sống chờ thời. Mấy năm qua vào mùa khô kênh trơ đáy không đi lại được, xin mấy ông cán bộ lâm trường mở đập đưa nước vô cho bà con đi lại, trồng ít bụi rau, bụi hành bên bờ kênh nhưng lâm trường không cho. Nếu ai xui xẻo lâm bệnh hiểm nghèo cấp tính thì đành chịu chết vì kênh cạn trơ đáy không di chuyển bằng vỏ lãi được. Còn chuyện nước uống, sinh hoạt thì cơ khổ, vừa rồi mấy gia đình tụi tui gom góp được ít tiền thuê nhóm thợ vào khoan cây nước xài liền bị cán bộ lâm trường xuống lập biên bản không cho, đành chịu cảnh lội bộ hàng cây số gánh nước về xài".
Những người khác đau đớn nói tiếp: "Dân trồng bụi chuối, luống rau nếu cán bộ lâm trường phát hiện cũng bị lập biên bản xử phạt trồng cây trái phép trên bờ kênh, còn cán bộ và gia đình cán bộ lâm trường thì đất đai cò bay thẳng cánh, muốn gì được nấy. Tủi thân kiếp nghèo làm thuê nên tụi tui bảo ban nhau tự kiềm chế vì hễ không may có chuyện xảy ra cũng chẳng biết kêu ai giúp đỡ. Chính quyền xã Khánh Hòa thì ở cách xa 20km, ban lãnh đạo ấp thì không có trụ sở. Gần đây bà con lại thêm lo bởi có tin một số đối tượng tội phạm nguy hiểm có lệnh truy nã về đây lẩn trốn".
Những người dân chân đất "cả đời gắn bó với rừng nay đất đai bị thu hồi tay trắng mất rồi!"
* Cán bộ giành đất với dân nghèo
Trong khi hàng trăm gia đình dân đã có hàng chục năm gắn bó với rừng, tham gia nhận khoán trồng và bảo vệ rừng mà giờ không có đất sản xuất, thì trớ trêu thay rất nhiều vị cán bộ cấp tỉnh, huyện, lâm trường có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố Cà Mau vẫn được ưu ái cấp đất trồng rừng, trồng lúa. Người dân nào cũng có thể cung cấp danh sách và sẵn sàng chỉ điểm những lô đất của các quan chức. Bà con nói rằng sau khi được cấp đất, phần lớn số "quan" này lập tức sang bán hưởng lợi hết rồi.
Theo bản danh sách này, xin kể sơ qua vài vị có tên: Năm Phong - nguyên phó Ban tôn giáo Tỉnh ủy Cà Mau, được cấp đất tại tiểu khu 017- 018, sau đó ông này đã bán cho ông Mộng ở Cà Mau; Đỗ Minh Lắm - phó trưởng Phòng Địa chính huyện U Minh; Nguyễn Bá Hoành - phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa (đã bán cho ông Hai Thiệt); ông Năm Lê; Hai Luôn, nguyên phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa...
Không chỉ có quan chức ngoài ngành mà rất nhiều quan chức của Lâm trường U Minh 2 cũng có tên trong danh sách cấp đất ở các tiểu khu 017 và 018, ấp 4 khiến người dân bất bình. Cụ thể lâm trường thu hồi diện tích trước đây giao khoán cho gia đình ông Phan Văn Thái để cấp cho ông Trần Hoàng Đệ - đội phó đội tuần tra bảo vệ Lâm trường U Minh 2; thu hồi đất của ông Trần Văn Bá để cấp cho ông Ba Trúc, nguyên giám đốc Lâm trường U Minh 2; thu hồi đất của gia đình ông Diệp Minh Dương để cấp cho ông Lâm, viên chức của Lâm trường U Minh 2...
Một nhân vật mà người dân U Minh ai cũng biết, đó là ông Huỳnh Tuấn Linh, tiểu khu trưởng tiểu khu 017 và 018, Lâm trường U Minh 2 (ông Linh là em rể giám đốc Lâm trường U Minh 2 Trần Thanh Sử). Ông này hiện có đến cả trăm công đất do lâm trường cấp nằm cặp bờ kênh 27 (đoạn kênh 10-11) hiện đã cấy lúa lên xanh rì.
Thật ra nói đến những chuyện tương tự như thế này phải đến cả ngàn trang mới hết. Nhưng tạm thời có thể kết luận rằng những hành động đó không khác gì hành động của những anh đồ tể chuyên đi xẻ thịt đất công, cướp cả miếng cơm manh áo của dân, đẩy họ vào cảnh khốn quẫn vốn đã nghèo xơ xác từ lâu rồi. Có điều hơi khác là nghệ thuật năm nay tinh vi hơn... mọi năm, cái "vòng tròn khép kín" như cái bẫy thú khiến người dân không thể cựa quậy vào đâu được.
Trang báo có hạn nên kỳ sau tôi xin trở lại vấn đề này trong những vụ cướp đất của dân ngay một tỉnh sát nách TP. Sài Gòn, hiện đang làm dư luận căm phẫn mà chưa biết cách giải quyết như thế nào cho xứng đáng với những tội lỗi kinh hoàng kia.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.