Hôm nay,  

Tội Ác: Vụ Nổ Súng Thảm Sát Tại Binghamton, Ny

10/01/201000:00:00(Xem: 2972)

Tội ác: Vụ Nổ Súng thảm sát tại Binghamton, NY

Vũ Hải

Bước vào năm 2009 vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã nhanh chóng “lộ diện” mức độ ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống nhân loại với nạn thất nghiệp, phá sản gia tăng ở mức độ kỷ lục, làm xáo trộn xã hội và nhất là hình thành môi trường nảy sinh tội ác, dẫn đến kết cuộc của nhiều thảm kịch bi thương. Qua đó, thảm kịch xuất phát từ vụ nổ súng bừa bãi tại vùng Binghamton, thành phố New York vào tháng 4/2009 còn cho thấy yếu tố quan trọng thúc đẩy hung thủ phạm tội chính là sự ức chế tâm lý trong bối cảnh kinh tế suy trầm. Đây cũng là đặc tính thường thấy của nhiều vụ sát nhân tập thể xảy ra tại Hoa Kỳ trong năm qua.
Vụ nổ súng tại Binghamton, New York được giới truyền thông Hoa Kỳ gọi là “Binghamton Shooting”, xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 3/4/2009 tại Trung Tâm Văn Phòng Di Trú Tỵ Nạn thuộc cơ quan thiện nguyện “American Civic Association”. Hung thủ là một người đàn ông Á Châu đã dùng xe hơi riêng đến đây, đậu ở cửa sau để chặn lối thoát của mọi người rồi đột nhập vào Trung Tâm và nả súng liên tục khiến 13 nạn nhân thiệt mạng và 4 người khác bị trọng thương. Chỉ trong vòng một tháng tính đến ngày 3/4/2009, trên toàn quốc Hoa Kỳ đã xảy ra hàng loạt vụ án mang nổ súng giết người, cướp đi mạng sống của 44 người. Hơn nữa, vụ nổ súng tại Binghamton còn được coi là một thảm kịch khốc liệt nhất kể từ sau tháng 4/2007 qua vụ bắn giết kinh hoàng tại trường “Virginia Tech” làm cho 32 người tử vong và hung thủ sử dụng súng cũng thiệt mạng. Do đó, vụ thảm sát tại Binghamton càng khiến dư luận hoang mang lo sợ trước bi kịch tang tóc của các vụ giết người tập thể tại những nơi công cộng với khuynh hướng ngày càng gia tăng.
Binghamton là một thành phố nhỏ nằm trong quận Broome, cách thành phố New York khoảng 140 miles về hướng Tây Bắc, với dân số ước chừng 47.400 người. Theo các tài liệu lịch sử, địa danh Binghamton được đặt theo tên của nhà đầu tư đất đai xuất thân tại Philadelphia là William Bingham, đã bỏ tiền ra mua nhiều vùng đất tại nơi này từ năm 1792. Sau đó, có nhiều cư dân đến lập nghiệp nên Binghamton trở thành một nơi khá sầm uất và chính thức được xếp vào đơn vị thành phố vào năm 1867.
Nơi phát sinh “vụ nổ súng Binghamton” sát hại 13 nạn nhân vô tội vốn là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng nổi tiếng trong vùng được thành lập nhằm mục đích giúp đỡ những cư dân di trú hoặc tỵ nạn có điều kiện nhanh chóng hội nhập vào cuộc sống ở Hoa Kỳ với dịch vụ chủ yếu là giảng dạy Anh ngữ, mở ra các lớp luyện thi vào quốc tịch và trợ giúp thủ tục bảo lãnh gia đình. Vì vậy, trong những ngày làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, có nhiều người thuộc mọi thành phần sắc tộc đến Trung Tâm Văn Phòng Di Trú Tỵ Nạn Binghamton để học Anh ngữ hoặc nhờ hướng dẫn các thủ tục hành chánh.
Trong khung cảnh an lành của buổi sáng đẹp trời ngày 3/4/2009 khi có hơn 70 người kể cả nhân viên Trung Tâm Văn Phòng Di Trú Tỵ Nạn Binghamton đang chú tâm làm việc và học hành thì đột nhiên âm thanh khô khan, lạnh lùng của những tràng súng vang lên chói tai cùng những tiếng kêu la ầm ỹ đã phá tan bầu không khí yên tĩnh tại đây khiến mọi người đều kinh hoảng, sợ hãi tột cùng. Đó là tiếng nổ của một loạt 98 viên đạn tuôn ra chỉ trong vòng 2 phút từ hai khẩu súng bán tự động loại 9mm và 45mm của một người đàn ông người Việt gốc Hoa tên Jiverly Wong (hình trang 50), 41 tuổi, giết chết 13 mạng người và làm cho 4 người khác bị trọng thương. Đồng thời, 22 người khác cũng bị thương vì xô xát đụng chạm hoặc té ngã trong lúc bỏ chạy hoảng loạn.
Trước khi đến Trung Tâm, Jiverly Wong đã mặc áo giáp chống đạn, cho thấy anh ta có ý định chống cự với cảnh sát sau khi ra tay bắn giết. Wong lái xe hơi đến hiện trường nhưng lại đậu ở cổng phía sau, chắn ngay cửa ra vào nên theo suy luận của cảnh sát thì hành động này cũng đủ chứng tỏ anh ta đã có chủ ý dứt khoát ngăn chận lối thoát của các nạn nhân. Sau đó, Wong tiến vào Trung Tâm bằng cửa trước với vẻ mặt lạnh lùng và hai khẩu súng cầm sẵn trên tay. Khi vừa chạm mặt hai nhân viên ngồi bàn tiếp khách, Wong giương súng nã đạn vào họ khiến cho một người tắt thở tại chỗ và một người khác là bà Shirley De Lucia, 61 tuổi ngã quỵ nhưng may mắn sống sót. Tuy đang bị thương nhưng bà Lucia đã lanh trí giả vờ nhắm mắt bất động trong lúc Wong tiến vào phòng học ngay cạnh đó và tiếp tục bắn giết bừa bãi chẳng khác gì một tên sát thủ máu lạnh trong phim ảnh. Kế đến, Lucia bò xuống gầm bàn lấy máy điện thoại di động gọi số 911, thông báo cho cảnh sát. Từ lúc đó, bà Lucia luôn giữ đường dây liên lạc với cảnh sát để diễn tả từng chi tiết mà bà có thể quan sát tại hiện trường.
Qua lời diễn tả của những nhân chứng thì quang cảnh tại phòng học nơi Wong bắn giết điên cuồng đã nhuộm màu tang thương chết chóc. Trong bầu không khí hỗn loạn với những tiếng kêu la cầu cứu, những loạt đạn tuôn ra từ nòng súng tóe lửa của Wong vẫn vô tình nhắm vào đám đông đang bỏ chạy tứ tán. Kẻ trúng đạn ngã gục, người ôm đầu quỳ xuống giữa vũng máu văng tung tóe, đồ vật bể nát, trông rất kinh hoàng.
Qua thông tin nhận được từ điện thoại di động của bà Lucia ở hiện trường, lực lượng cảnh sát đã nhanh chóng đến nơi khoảng hai phút sau đó và chia ra bao vây chung quanh Trung Tâm Văn Phòng Di Trú Tỵ Nạn Binghamton, nhưng phải đợi khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau để xác nhận mức độ an toàn sau khi tiếng súng đã hoàn toàn im bặt, họ mới đột nhập vào tòa nhà để khám xét. Theo lời tường trình của viên cảnh sát trưởng thành phố Binghamton là Joseph Zikuski thì thi thể của hung thủ được tìm thấy trong một căn phòng ở tầng trệt Trung Tâm với nhiều vết đạn còn rỉ máu tươi trên người nên cảnh sát kết luận rằng Wong đã tự sát. Khám xét thi thể của Wong, cảnh sát còn phát hiện hung thủ đeo theo một chiếc cặp da trong đó có đựng rất nhiều đạn. Cạnh đó, Wong để lại hai khẩu súng và một con dao găm sắc bén.
Giải thích về lý do cảnh sát phải tốn mất 90 phút sau mới đột nhập vào tòa nhà Trung Tâm, ông Joseph Zikuski cho biết: “Dù bị coi là chậm trễ nhưng theo tôi, cảnh sát đã làm đúng theo những quy định cần phải tuân thủ trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho dân chúng. Bởi vì không có một quy ước nào có thể quy định khoảng thời gian tiêu chuẩn để đột nhập vào hiện trường trong khi hung thủ còn mang súng trong người, nhất là ở những nơi có đông người như Trung Tâm Văn Phòng Di Trú Tỵ Nạn Binghamton”. Ngoài ra, trong lúc đột nhập vào tòa nhà Trung Tâm, do chưa biết được thủ phạm là người nào nên các nhân viên cảnh sát buộc phải còng tay từng người có mặt ở hiện trường rồi dẫn ra bên ngoài để xác nhận nên dư luận càng hồi hộp theo dõi từng diễn tiến của tình hình căng thẳng qua màn ảnh đài truyền hình.


Kế đến, cũng theo lời ông Joseph Zikuski thì ngoài 4 người bị thương, tất cả 13 nạn nhân trúng đạn của Wong đều qua đời tại chỗ. Mặt khác, trong lúc náo loạn có 37 người nhanh chân chạy thoát ra bên ngoài, còn lại những người khác đều chạy xuống hầm (basement) hoặc ẩn trốn trong các tủ đựng đồ ở tầng trệt. Tổng cộng 13 nạn nhân thiệt mạng gồm có một nhân viên, một giáo viên hướng dẫn của Trung Tâm và 11 người di dân học lớp luyện thi vào quốc tịch.
Trong số 13 nạn nhân tử vong còn có một người Việt Nam duy nhất là chị Hồ Thị Mỹ Lan, 41 tuổi. Còn người chồng là Huỳnh Thanh Long, 43 tuổi, tuy không bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng thọ thương khá trầm trọng vì bị bắn trúng cằm, khuỷu tay và ngón tay. Gia đình anh Huỳnh Thanh Long được chấp nhận định cư tại Hoa Kỳ theo diện McCain, vì cha anh là một cựu tù nhân chính trị bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giam cầm nhiều năm trong các trại tù cưỡng chế lao động khổ sai. Chị Mỹ Lan qua đời để lại hai người con, một bé gái 11 tuổi và một bé trai 9 tuổi. Sau khi đến Hoa Kỳ, gia đình anh Huỳnh Thanh Long sống nhờ vào trợ cấp xã hội, nên phải theo các lớp học Anh ngữ để chuẩn bị tìm việc làm. Nhưng không ngờ khi vợ chồng anh Huỳnh Thanh Long đến học tại Trung Tâm Văn Phòng Di Trú Tỵ Nạn Binghamton thì hung thủ Jiverly Wong đột nhập, nổ súng, gây ra thảm cảnh đau thương.
Sau khi xác nhận lý lịch hung thủ, cảnh sát cũng đến nhà của Wong lục xét và tịch thu được một giá đựng súng trường, hai túi đựng đạn màu nâu, hai cặp táp dùng đựng súng ngắn. Hai ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát, ông thị trưởng Binghamton là Mattew Ryan đã phát biểu trên đài truyền hình ABC: “Thủ phạm vụ thảm sát Binghamton là một người di dân, trình độ Anh ngữ yếu kém, bị thất nghiệp nên tinh thần khủng hoảng và gây ra án mạng một cách điên cuồng”.
Jiverly Wong gốc người Tàu sinh tại Việt Nam với tên Vương Phát Linh, đến Hoa Kỳ từ năm 1990 và sinh sống tại Binghamton trước khi chuyển cư về California vào năm 1999. Wong đã cưới vợ nhưng sau đó ly dị và trở lại Binghamton từ tháng 7/2009. Trong thời gian sinh sống ở California, Wong từng làm nghề tài xế lái xe vận tải nhưng do công việc không được suông sẻ nên anh quay về chốn cũ là Binghamton tìm được một chân làm việc tại cửa hàng Shop-Vac chuyên bán máy hút bụi. Thế nhưng, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế Wong bị mất việc từ tháng 11/2008. Hơn nữa, tuy đã trải qua cuộc sống hơn 28 năm ở Hoa Kỳ nhưng Wong vẫn chưa đạt đến trình độ thông thạo Anh ngữ. Điều này khiến Wong cảm thấy bị mặc cảm thua thiệt và nảy sinh ra tâm lý thù ghét những người khinh thường hoặc chế diễu khả năng Anh ngữ yếu kém của anh ta. Từ đó, Wong càng bị ức chế trong chứng trầm cảm luôn tránh né hiện thực và trầm mình trong nỗi cô độc, nhìn đời bằng cặp mắt bi quan chán nản. Theo lời kể của một phụ nữ đồng hương với Wong là Huỳnh Huệ, có chồng từng làm việc chung với Wong thì: “Sau khi bị mất việc, Wong thường tỏ ra chán nản buồn bã, than thân trách phận là vận số không may và không thể nào sống nổi với số tiền trợ cấp thất nghiệp chỉ có 200 mỹ kim mỗi tuần”. Điều đáng kể là Wong đã từng theo học một số chương trình huấn luyện tại Trung Tâm Văn Phòng Di Trú Tỵ Nạn Binghamton nhưng oái oăm thay đây cũng là nơi mà anh chọn lựa để trút hết những nỗi căm hận cuộc đời bằng hành động bắn giết dã man.
Cũng từ hậu quả của sự ức chế và chứng trầm cảm, Wong còn mắc phải chứng hoang tưởng khi cho rằng anh bị cảnh sát đe dọa và trù dập nên không tìm được việc làm để có một đời sống ổn định. Điều này đã lý giải được nguyên nhân tại sao trước khi ra tay gây án giết người bừa bãi, Wong đã gửi một bức thư “tuyệt mạng” đến đài truyền hình “News 10 Now” ở Syracuse với một bản văn đầy lỗi chính tả và ngữ pháp Anh văn, nhưng cảnh sát cũng hiểu được những điều anh muốn trình bày. Lá thư này ghi ngày Wong viết là 18/3/2009, nhưng đóng dấu bưu điện ngày 3/4/2009, tức đúng ngày Wong thực hiện”vụ nổ súng tại Binghamton”. Sau đó, thư đã đến nơi gửi vào ngày 5/4/2009.
Về nội dung, Wong mở đầu lá thư bằng lời giới thiệu: “Tôi là Jiverly Wong, kẻ bắn mọi người” và tiếp theo là những lời “tả oán” cảnh sát kéo dài hai trang giấy. Wong cho rằng cảnh sát đã cố tình hăm dọa và tung nhiều tin đồn bất lợi cho anh khiến anh bị đuổi việc. Wong kể lại từng chi tiết bị những cảnh sát mà anh không nhớ tên, mắng chửi, hành hạ và chê bai anh đủ điều. Wong nói từng bị cảnh sát chìm theo dõi và chận giữ xe 32 lần để cố tình gây tai nạn cho anh. Ngoài ra, anh còn bị cảnh sát xâm phạm đời tư bằng cách đi vào phòng của anh lục soát. Đồng thời, Wong cũng chỉ trích Sở Lao Động New York đã lừa dối anh khi không chi trả tiền thất nghiệp cho anh trong tháng 12/2008.
Cuối thư, Wong đi đến kết luận: “Tôi không thể nào tiếp tục cuộc sống chấp nhận những cảnh khốn khổ và sẽ kết thúc cuộc đời này. Nhưng ít nhất cũng có hai người sẽ cùng đi theo tôi để biến thành tro bụi”. Wong cũng ghi rõ ở phần cuối thư lời xin lỗi vì anh không biết rành Anh ngữ. Đặc biệt, Wong còn gửi kèm theo lá thư này một số tấm ảnh chụp hình anh đang đứng tươi cười tay cầm hai khẩu súng, một giấy phép sử dụng súng và bằng lái xe.
Từ những ý tưởng không bình thường ghi trong lá thư, cảnh sát đã nhờ các chuyên gia tâm lý phân tích và đa số đều đi đến kết luận là Wong bị chứng bệnh hoang tưởng ở mức độ trầm trọng. Tuy nhiên, cho đến nay dư luận vẫn không thể hiểu được vì sao Wong lại chọn Trung Tâm Văn Hóa Di Trú Tỵ Nạn Binghamton là nơi để thực hiện vụ nổ súng đẫm máu này. Một giáo viên hướng dẫn Anh ngữ của cơ quan thiện nguyện “American Civic Association” là bà Elizabeth Hayes cho biết Wong từng theo học lớp của bà vào cuối tháng Giêng năm 2009, nhưng không có mặt thường xuyên và đến đầu tháng Ba thì nghỉ hẳn. Bà Hayes mô tả Wong là một người “mong manh” và “sống nội tâm”. Đặc biệt, căn phòng mà Wong từng ngồi học chính là nơi xảy ra vụ thảm sát.
Wong cũng từng luyện tập môn bắn súng tại các sân bắn ở Binghamton và thường khoe với những người quen là anh đã bắn đến 10.000 phát đạn nên có thể nói anh là tay xạ thủ chuyên nghiệp. Trong khi đó, hai khẩu súng mà Wong sử dụng để giết người cũng được đăng lục từ năm 1996 sau khi Wong nhập quốc tịch Hoa Kỳ và được giấy phép sử dụng súng vào năm 1995.
Tin tức về vụ nổ súng tại Binghamton khiến Tổng Thống Obama tuy đang bận họp với các nhà lãnh đạo khối NATO tại Pháp, cũng phải bày tỏ mối quan tâm đặc biệt và lên tiếng chia buồn cùng gia đình các nạn nhân.
Ngoài tính cách là một bi kịch thảm sát gây chấn động dư luận trong năm qua, vụ án “nổ súng tại Binghamton” còn là một trường hợp điển hình của hiện tượng bị ức chế do khủng hoảng tinh thần trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn dẫn đến chứng trầm cảm và tìm đến cái chết, thường phát sinh nơi những người mang mặc cảm, tự kỷ ám thị vì không thích ứng được với cuộc sống và các biến chuyển của xã hội.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.