Hôm nay,  

Tôn Giáo Và Đất Nước

11/10/200500:00:00(Xem: 5132)
- Bài khảo luận này tôi không viết cho những người chủ trương kỳ thị tôn giáo. Tôi cũng không viết cho những người cho tôn giáo là trên hết.
Tôi viết bài khảo luận này cho những người có niềm tin tôn giáo và cũng tin vào sự quan trọng của quốc gia dân tộc như một cộng đồng được tổ chức chặt chẽ và sống với nhau không phân biệt tín ngưỡng của nhau.
Cái cần thiết nhất của nước Việt Nam trong tương lai là một chính sách tôn giáo đúng đắn làm căn bản tạo đoàn kết và ổn định để người dân có thể sống hài hòa với nhau và cùng nhau xây dựng đất nước.
Chính sách đó là chính sách nào" Vấn đề đặt ra là một vấn đề rộng lớn đòi hỏi một sự nghiên cứu dài ngày và nghiêm chỉnh. Bài viết này không có tham vọng đó. Nó chỉ là những ý kiến tản mạn gợi ý để cùng nhau chúng ta có cơ hội nghĩ đến vấn đề quan trọng này mà thôi.
*
Trước thế kỷ thứ 18 tôn giáo được xem là thống soái, là sức mạnh chỉ đạo đời sống của con người. Nhưng từ thời đại Enlightenment (gọi là Thời đại của Lý trí – Age of Reason) xuất hiện tại Pháp trong thế kỷ thứ 18 dưới ảnh hưởng của một số nhà tư tưởng như Charles de Montesquieu (1689-1755) và Arouet de Voltaire (1694-1778) sau đó lan ra toàn cõi Âu châu và Mỹ châu thì lý trí được đặt lên hàng đầu và vấn đề trách nhiệm của vua chúa đối với dân được đặt ra, đồng thời tinh thần bao dung tôn giáo được triển khai thì tôn giáo lùi bước dần trong sinh hoạt quốc gia. Từ đó quan niệm thần quyền (Tôn giáo) và quyền thế tục (Nhà nước) được tách nhau ra trở thành một nguyên tắc tổ chức chính quyền, nhất là tại Hoa Kỳ.
Quan niệm này được mặc nhiên chấp nhận trong gần suốt thế kỷ thứ 20 do sự bận rộn của thế giới với hai trận Thế giới đại chiến và sự xuất hiện của chính quyền Liên bang Xô viết dựa trên thuyết Mác xít chủ trương kỳ thị mọi thứ tôn giáo và sau đó là trận chiến tranh lạnh kéo dài từ năm 1945 đến năm 1990.
Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, căng thẳng giữa tôn giáo với nhà nước (như ở Hoa Kỳ), và giữa các tôn giáo với nhau bắt đầu xuất hiện. Quan trọng nhất là giữa Hồi giáo với Thiên chúa giáo (tại nhiều nơi trên thế giới như Trung đông, Nam Tư, Phi luật Tân …), nhỏ hơn là giữa Hồi giáo và Ấn Độ giáo (tại Ấn độ), giữa Công giáo La mã và Tin Lành (tại Bắc Ái Nhĩ Lan), giữa Hồi giáo và Phật giáo (tại nam Thái Lan). Và sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 do tổ chức al Quada của người Hồi giáo đánh Hoa Kỳ thế giới mở màn cuộc chiến tranh chống khủng bố mà bản chất là một cuộc thánh chiến (mặc dù không ai nhìn nhận như vậy), và vấn đề tôn giáo và nhà nước lại trở thành một vấn đề thời thượng.
Theo tiến sĩ Harvey Cox, giáo sư đại học Harvard Divinity School trả lời một phỏng vấn mới đây của tạp chí Foreign Policy (1) thì tôn giáo đang mất dần ảnh hưởng đối với đời sống xã hội. Điều này nếu đúng tại Âu châu, Liên bang Nga, Trung quốc, sẽ không đúng tại Hoa Kỳ, Trung đông và Việt Nam.
Nước Việt Nam trong tương lai, sau khi chế độ cộng sản tàn tạ nhường chỗ cho một chính quyền thật sự của dân, người lãnh đạo sẽ phải đối đầu với vấn đề Tôn giáo và Nhà nước hay Tôn giáo và Dân Tộc, và một chính sách tôn giáo đúng đắn sẽ là con đường sống còn hay thất bại của Việt Nam trong tương lai.
Hãy xem kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ cái ý niệm “tách biệt Tôn giáo và Nhà nước” là một ý niệm quy định bởi tu chính số 1 của Hiến pháp. Nhưng có nhiều người không đồng ý như vậy. Họ lập luận rằng tu chính Hiến pháp số 1 không ghi trên giấy trắng mực đen “Tôn giáo và Nhà nước phải được tách biệt”. Tu chính số 1 viết: “Quốc hội không được thông qua luật công nhận một tôn giáo nào, cũng như không được cấm một tôn giáo nào sinh hoạt, và không được hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp và quyền yêu cầu Nhà nước giải quyết các sự than phiền của dân.” (Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the feee exercie thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.)
Và những người chủ trương tôn giáo có quyền bàn chuyện nhà nước giải thích rằng tu chính số 1 nhắm hai mục đích: thứ nhất tránh sự thiết lập một quốc giáo, thứ hai bảo vệ tự do tín ngưỡng và không nói gì đến sự cần thiết phải có một bức tường ngăn cách giữa tôn giáo và nhà nước. Viện dẫn lịch sử, những người chủ trương tôn giáo trên hết nói rằng hành động đầu tiên của quốc hội Hoa Kỳ là cho phép in 20,000 bản Thánh Kinh để phân phát cho người da đỏ, và tổng thống George Washington đã công bố một ngày cám ơn Chúa (Thanksgiving). Và để chứng minh nguồn gốc của Hoa Kỳ lấy tư tưởng Thiên Chúa giáo làm tư tưởng chủ đạo bằng cách nêu ra rằng vào năm 1789 khi 11 bang trong 13 tiểu bang đầu tiên phê chuẩn bảng Hiến pháp liên bang thì trong Hiến pháp của đa số các tiểu bang còn đòi hỏi viên chức chính quyền phải là người theo đạo Thiên chúa (Công giáo La Mã hay Tin Lành).
Lập luận của những người chủ trương Thiên chúa giáo là thống soái không phải không có căn bản, và không ai có thể chối bỏ ảnh hưởng của tôn giáo đến sinh hoạt của con người và cơ cấu xã hội trong đó có những định chế chính trị. Trên thực tế, cuộc tranh chấp giữa tôn giáo và chính trị là một cuộc tranh chấp chưa lúc nào chấm dứt. Theo trào lưu tư tưởng và nhu cầu an ninh của thế giới khi ý niệm này thắng, khi ý niệm kia thắng nhưng cuộc tranh giành vẫn âm ỷ như một hỏa diệm sơn. Và sự ổn định của thế giới tương lai tùy vào sự hiểu biết của con người đối với tôn giáo, và vấn đề nghiên cứu và tìm hiểu “tôn giáo là gì” trở thành một nhu cầu trí tuệ cần thiết.
Nhu cầu lịch sử này không giới hạn ở việc nghiên cứu tôn giáo này, tôn giáo khác phát sinh và truyền bá ra sao, ai là giáo chủ và giáo chủ đã dạy những gì mà chính yếu là tìm hiểu lịch sử của sự phát triển các tôn giáo, và đời sống con người đã được biến cải như thế nào bởi tôn giáo. Sự nghiên cứu này đòi hỏi sư tham gia của các ngành học như khảo cổ, triết học, phê bình văn học, tâm lý học, xã hội học, nhân loại học … để phát hiện ra những định luật (nếu có) của tôn giáo trong đời sống con người (cũng như nhà xã hội học tìm cách phát hiện các định luật xã hội về con người như một sinh vật.)
Thế kỷ thứ 19 bắt đầu đi vào công cuộc nghiên cứu này, nhưng các nhà nghiên cứu khó đồng ý với nhau về đường hướng nghiên cứu cũng như về kết luận của công cuộc tìm tòi vì đụng chạm với các nguyên tắc tín ngưỡng của tôn giáo.
Bước vào thế kỷ 20, do sự tiến bộ của khoa học, con người hiểu biết về trời đất và vũ trụ quanh mình hơn, những tin tưởng siêu hình của tôn giáo trở thành những ý niệm thuần túy tôn giáo và xem như thứ yếu trong cuộc sống vật chất của con người. Do đó quyền lực của các giáo hội trở thành thứ yếu. Lấy thí dụ sự phát hiện về sự tiến hoá của sự sống của Charles Darwin (1809-1882) một nhà sinh vật học người Anh trong thế kỷ thứ 19 có một sức hấp dẫn đến nổi người ta xem thuyết tạo sinh trời đất bởi một đấng vô hình chỉ còn là một chuyện hoang đường, và các khám phá khoa học khác của thế kỷ thứ 19 cho thấy vũ trụ tự nó tác động và điều hành theo những nguyên tắc có thể giải thích được chứ không do một quyền lực siêu nhiên nào sắp đặt.
Nếu các nhà chính trị Hoa Kỳ đã diễn giảng tu chính Hiến pháp số 1 như là một nguyên tắc tách biệt giữa Tôn giáo và Nhà nước một cách dứt khoát có lẽ do ảnh hưởng của sự hiểu biết của con người, và do những hậu quả trầm trọng của nhiều thế kỷ trước để lại, trong đó những cuộc Thánh chiến là một. Tám trận Thánh Chiến tại Âu châu và Á châu kéo dài gần 200 năm (từ năm 1096 đến năm1291) giữa tín đồ đạo Công giáo thuộc hai hệ phái La Mã và Constantinople với tín dồ Hồi giáo để giành quyền làm chủ thành phố Jerusalem đã mang lại quá nhiều tang tóc cho Âu châu và Trung đông.
Nhưng sự tranh chấp giữa giáo quyền và nhà nước không ngừng ở đó. Trong 45 năm chiến tranh lạnh giáo quyền tại Liên bang Xô Viết bị đàn áp, giáo quyền trong khối tự do không có tư thế tranh chấp với nhà nước thì sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, các sự rối loạn trên thế giới mà nguyên nhân là chủng tộc và tôn giáo bắt đầu xuất hiện: Hồi giáo tại Trung đông và Á châu (Indonesia, Thái Lan, Phi Luật Tân), Ấn độ giáo tại Ấn độ và Thiên chúa giáo (công giáo La Mã và Tin Lành) tại Hoa Kỳ. Hồi giáo muốn nắm quyền chính trị để tập trung lực lượng tranh chấp với Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo muốn có tiếng nói mạnh hơn tại Hoa Kỳ để ngăn chận làn sóng quá khích của Hồi giáo, và một phần khác tái lập những quan niệm đạo lý mà họ cho là đang bị xâm phạm.
Tiếng nói của tôn giáo trở nên mạnh mẽ và có trọng lượng tại Hoa Kỳ sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sự đắc cử nhiệm kỳ 2 của tổng thống Bush năm 2004 và sự thắng lợi của đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội là một bằng chứng. Từ đó những biểu hiện có tính cách tôn giáo bắt đầu xuất hiện trong đời sống nhân dân.
Quốc hội và tổng thống đã nhúng tay vào chuyện tiểu bang trong vụ Terri Schiavo tại Florida, tin tưởng rằng họ được giao phó một nhiệm vụ thiêng liêng (2).Tổng thống Bush cũng dùng sứ mệnh của cử tri giao phó tái bổ nhiệm các chánh án liên bang cực kỳ bảo thủ trước kia đã được Thượng viện tạm gát việc phê chuẩn. Tổng thống Bush cũng đang dùng quyền tổng thống bổ nhiệm các chánh án Tối Cao Pháp Viện cực hữu thay thế hai ghế trống của bà Sandra Day O’Connor từ chức và ông chủ tịch William Rehnquist vừa mới qua đời. Việc chánh án John Roberts thay thế ông Rehnquist không thành một vấn đề vì chủ trương và quan niệm của hai quan tòa này như nhau, nhưng nếu bà O’Connor, vốn là một chánh án trung dung, được thay thế bằng một quan tòa bảo thủ thì không ai có thể đoán được trong nhiều thập niên tới đời sống xã hội tại Hoa Kỳ sẽ được thay đổi như thế nào. Trước hết là án lệnh Roe vs. Wade (tháng Giêng năm 1973) có thể bị Tòa Án Tối Cao hủy bỏ và người phụ nữ Hoa Kỳ sẽ bị cấm phá thai trong mọi trường hợp. Việc này sẽ là một vấn đề tạo bất ổn trong xã hội. Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định ba quyền Hành Pháp, Lập Pháp Tư Pháp kiểm soát lẫn nhau, nhưng sự kiểm soát tòa án chấm dứt sau khi Thượng viện phê chuẩn sự bổ nhiệm của tổng thống. Quan tòa có nhiệm kỳ không hạn định và họ có một quyền hành khá rộng rãi trong việc chọn lựa phán quyết. Nếu Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu, Tổng Thống đến rồi đi và mỗi hành động đều được cử tri xem lại sau hai năm (với dân biểu), bốn năm (với tổng thống và thống đốc), hay sáu năm (với Thượng nghị sĩ) khi ra tranh cử lại, các quan tòa cứ ngồi đó để in dấu ấn của tư tưởng mình và chỉ có trách nhiệm với chính mình lên đời sống của nhân dân.
Hiện nay tại Hoa Kỳ tôn giáo không dừng ở ngưỡng cửa Tối cao Pháp viện, tôn giáo đang lần bước sang lĩnh vực khoa học. Thuyết tiến hóa (evolution) của Darwin từ trước đến nay được xem có giá trị khoa học và làm căn bản giải thích sự tiến hóa của sinh vật và được chấp nhận như một kiến thức khoa học dùng tại các trường trung tiểu học ở Hoa Kỳ đang bị các Ủy ban lo việc giáo dục (Education Boards) ít nhất tại 20 trên 50 tiểu bang đang đặt thành vấn đề. Họ muốn học sinh được học cả hai thuyết, thuyết tiến hóa của Darwin cũng như thuyết vạn vật do Thượng đế, một đấng toàn năng tuyệt đối tạo ra. Một số tiểu bang tại Hoa Kỳ đã (hay sẽ) đưa ra một số quyết định căn bản về vấn đề này. Bang Kansas sẽ quyết định đưa (hay không đưa) thuyết thượng đế tạo sinh vào chương trình học. Tại bang Georgia các sách giáo khoa dạy thuyết tiến hóa Darwin được ghi chú thêm: “thuyết tiến hóa của Charles Darwin là một thuyết (theory) hơn là một sự thật hiển nhiên của khoa học”, và khu giáo dục Dover, bang Pennsylvania đã quyết định ghi vào chương trình giáo dục rằng: “Học sinh cần được cho biết rằng thuyết tiến hóa của Darwin không phải là một thuyết hoàn hảo và ngoài thuyết Darwin còn có những thuyết tiến hóa và tạo sinh khác, trong đó có thuyết thượng đế tạo sinh”, và vấn đề này đang được một tòa án liên bang thụ lý xem sự ghi chú như vậy có vi phạm tu chính hiến pháp số 1 cấm nhà nước xiển dương những quan niệm của tôn giáo không.

Tuy nhiên điều cần để ý là chức quyền các giáo hội không trực diện tấn công khoa học mà chỉ đặt thành vấn đề nghi vấn, và cũng chỉ giới hạn ở cấp giáo dục trung tiểu học mà không đụng chạm đến nền giáo dục đại học mà họ biết là căn bản của sự tiến bộ xã hội. Và do đó họ tìm cách thích ứng thuyết tiến hóa với thuyết tạo sinh hay ít nhất đặt thuyết tạo sinh ngang hàng với thuyết tiến hóa.
Trong lịch sử tiến bộ khoa học các nhà khoa học tìm tòi và phát minh cốt để thỏa tính tò mò và để chế ngự môi trường sống chứ không có mục đích chống tôn giáo. Chúng ta có thể kể vài nhà khoa học như nhà thiên văn Đan Mạch Nicolas Copernic (1473-1543) đưa ra lý thuyết rằng mặt trời chứ không phải quả đất là trung tâm của một hệ thống các thiên thể gọi là hành tinh họp thành Thái dương hệ, mà quả đất chỉ là một hành tinh; ông Gallilée người Ý (1564-1642) nhờ sự phát minh kính thiên văn của nhà khoa học Hans Lippershey (1570-1619) người Hòa Lan chứng minh được lý thuyết của ông Copernic là đúng, và Charles Darwin với thuyết tiến hoá.
Cuộc đấu tranh giữa tôn giáo và nhà nước với giới hạn như vậy có thể sẽ không ảnh hưởng đến sự tiến bộ của khoa học nhưng sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của dân chúng Hoa Kỳ, và điều quan trọng là ảnh hưởng đến tình hình chung trên thế giới.
Trận chiến tranh lạnh kéo dài 55 năm trong đó tôn giáo không có tiếng nói mạnh mẽ bên kia cũng như bên này bức màn sắt. Nhưng mâu thuẫn của thế giới chúng ta sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt là sức mạnh của tôn giáo xuất hiện và dưới hình thức của Hồi giáo quá khích chống lại văn minh Thiên chúa giáo đang là mầm mống của một hình thức thánh chiến của thời đại mới. Thế giới Tây phương đã quy trách vai trò của Hồi giáo trong sự bất ổn của thế giới hôm nay, nhưng đồng thời hiện tượng tôn giáo trở thành thống soái cũng đang được nẩy nở trong thế giới Tây phương (ít nhất là tại Hoa Kỳ đang trở thành trung tâm của Tây phương) và làm cho cuộc tranh chấp Hồi giáo-Tây phương trở thành đậm nét và đe dọa nền hòa bình thế giới.
Vấn đề tôn giáo và đất nước đối với Việt nam sẽ như thế nào" Tôn giáo sẽ đóng vai trò gì đối với đất nước Việt Nam, và một người Việt Nam cần nhìn đất nước và tôn giáo như thế nào"
Đây sẽ là một vấn đề tối quan trọng cho bất cứ đảng phái chính trị nào nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Dưới thời Pháp thuộc, người dân Việt Nam không có tiếng nói và người Pháp đã qua luật pháp đặt Thiên chúa giáo ở một vị thế ưu tiên. Tuy nhiên người Việt Nam từ bắc chí nam đã sống chung đụng nhau trong tinh thần bao dung tôn giáo. Nếu tôn giáo của một cá nhân có ảnh hưởng nào đó đối với chính phủ Pháp trong việc xử dụng và ưu đãi, người dân bình thường thuộc tôn giáo nào cũng không được sự ưu đãi (hay bị bạc đãi) rõ rệt. Nhưng khi người Pháp thất bại phải bỏ Việt Nam, đất nước chia đôi, hằng triệu tín đồ Công giáo tránh nạn cộng sản vào lập nghiệp ở miền Nam thì do một thực tế chính trị là một miền Nam càng có nhiều tín đồ Công giáo vị thế chính trị của ông Ngô Đình Diệm (vốn là một người Công giáo dòng) càng được vững hơn và công cuộc chống xâm lăng của cộng sản miền Bắc sẽ có điều kiện thành công hơn nên ông đã thi hành một chính sách ưu đãi và khuyến khích sự bành trướng của Công giáo làm mất lòng nhân dân miền Nam trong đó 90% theo những tôn giáo khác. Lịch sử sẽ phán đoán chính xác hơn về chính sách của ông Ngô Đình Diệm (nghĩa là phán đoán về sự thành thật của ông cho quyền lợi lâu dài của quốc gia hay chỉ mù quáng trước tôn giáo của mình), nhưng một điều hiển nhiên là cộng sản miền Bắc đã khai thác chính sách của ông (cộng với sự sai lầm của Hoa Kỳ trong việc lãnh đạo chiến tranh) làm cho lực lượng dân chủ của miền Nam càng ngày càng yếu kém, cuối cùng sau khi Hoa Kỳ cuốn gói ra đi miền Nam Việt Nam sụp đổ.
Chế độ mới trên nguyên tắc chủ trương không chấp nhận tôn giáo nhưng không giải quyết được những vấn đề tôn giáo dù bằng chính sách độc tài. Mâu thuẩn với Công giáo, mâu thuẩn với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và gần đây mâu thuẫn với tín đồ Tin Lành trên cao nguyên Trung việt mà tín đồ đa số là người thiểu số đã là những vấn đề có tầm vóc quốc gia làm xáo trộn đời sống kinh tế và chính trị của Việt Nam.
Không ai nuôi hy vọng vấn đề tôn giáo sẽ được giải quyết bởi chế độ này vì chính sách của họ là chính sách cố hữu của mọi đảng cộng sản. Họ không chấp nhận một đoàn thể nào có quần chúng và có tính tổ chức tối hậu dẫn đến sự tranh chấp quyền hành chính trị với đảng cộng sản. Tuy nhiên dưới áp lực của đổi mới và mở cửa thị trường chính quyền mới đã có một chính sách dễ dãi hơn đối với tôn giáo. Các tôn giáo được tự do truyền đạo ở một mức độ nào đó. Với không khí hiện nay nếu các vị lãnh đạo tôn giáo thành công duy trì được những tin tưởng căn bản của tôn giáo như bác ái của Thiên chúa giáo và từ bi cũng như tinh thần dân chủ của Phật giáo thì quần chúng sẽ không mất cái căn bản xây dựng quốc gia khi cơ hội tới. Nếu hướng cái năng lực hiện nay vào việc gieo giống cho ngày mai thì đó cũng là một cách để dành vốn liếng cho dân tộc. Giữ tín ngưỡng để duy trì niềm tin vào tương lai có thể là một chương trình giáo dục lớn nhất của các giáo hội tôn giáo hiện nay tại Việt Nam.
Còn tương lai" Nếu Ông Minxin Pei, thành viên của Carnegie Endowment for International Peace và giám đốc Chương trình Trung quốc tiên đoán đúng (1) thì đảng cộng sản Trung quốc – và đảng cộng sản Việt Nam như một hệ luận - sẽ không còn tồn tại trong vài chục năm nữa. Và trong khung cảnh dân chủ và đa nguyên Việt Nam sẽ cần một chính sách tôn giáo như thế nào"
Sự thành công và tương lai của Việt Nam lệ thuộc một cách chặt chẽ vào chính sách này. Trước hết là một chính sách tôn giáo minh bạch đặt căn bản trên một nền giáo dục phóng khoáng. Giáo dục sẽ giải quyết nhiều vấn đề một lúc. Ngoài việc giúp phát triển kinh tế, một nền giáo dục phóng khoáng giúp nâng cao dân trí để giải quyết những vấn đề tinh thần, trong đó vấn đề khoan dung tôn giáo là vấn đề quan trọng bậc nhất. Như một định luật, sự kỳ thị tôn giáo chỉ được bộc phát trong một môi trường dân trí còn thấp kém. Dân trí cao, giáo dục tốt, chuyện kỳ thị tôn giáo là chuyện khó xẩy ra. Lẽ dĩ nhiên giáo dục chỉ là cái nền, chính sách tôn giáo cần được phản ánh trong Hiến pháp. Nguyên tắc chỉ đạo là tự do tín ngưỡng, và một ý niệm dứt khoát về sự tách bạch giữa tôn giáo và chính quyền chưa đủ. Hiến Pháp cần minh định tôn giáo là cần thiết cho đời sống tinh thần và hòa hợp của nhân dân. Nói chung trên thế giới quốc gia nào cũng cần một chính sách tôn giáo, nhưng Việt Nam là quốc gia cần một chính sách tôn giáo hơn nơi nào cả vì Việt Nam có một số vấn đề đặc thù.
Nửa thế kỷ qua các nước Á châu chuyển mình một cách nhanh chóng. Nước Nhật thua trận Thế giới chiến tranh II đã trở thành một lực lượng kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau kinh tế Hoa Kỳ. Các nước Á châu khác như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Thái Lan đều trở thành những con rồng nhỏ.
Trong khi đó nước Việt Nam chúng ta còn rất nghèo, kinh tế được xếp hạng thấp trong mức thang kinh tế thế giới. Đã đành sự chậm tiến là do chế độ chính trị hiện tại ở Việt Nam thiếu cởi mở đã kềm hãm sức phát triển của đất nước. Nhưng điều này chỉ đúng một phần. Tình trạng chậm tiến của đất nước còn do nhiều nguyên nhân khác nữa.
Lịch sử chứng tỏ Việt Nam có nhiều ưu điểm. Trong thế kỷ 13 Việt Nam ba lần đánh thắng quân Mông cổ, một đoàn quân bách chiến bách thắng đã chinh phục Trung quốc lập ra nhà Nguyên. Gần đây hơn, trong 50 năm qua Việt Nam đã thắng quân Pháp dành lại được độc lập, và là quốc gia duy nhất trong lịch sử cận đại làm cho Hoa Kỳ không thực hiện được một phần chính sách toàn cầu của họ tại châu Á. Không có những con người Việt Nam bền bỉ, chịu đựng và can trưòng thì đã không có những chiến thắng đó dù được lãnh đạo bởi ai.
Sau tháng 4/1975 một số người Việt phải bỏ nước ra đi để tránh nạn kỳ thị, và chưa qua một thế hệ đã ổn định nhanh chóng ở môi trường mới và thành công nhanh chóng trong mọi lĩnh vực, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật và y khoa. Điều này chứng tỏ người Việt có một khả năng trí tuệ không kém các dân tộc được ưu đãi khác.
Đó là con người. Về tài nguyên, nước Việt Nam không thiếu. Ngoài hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long phì nhiêu, chúng ta còn có dầu hỏa trong vùng Trường Sa đang được khai thác.
Thế mà trên một đất nước như vậy, với những con người như vậy, hôm nay, trong thời đại tin học này, 80 triệu dân Việt vẫn còn sống trong chậm tiến, và càng ngày càng tụt hậu trước sự tiến bộ nhanh chóng của các nước khác trên thế giới.
Vậy: Người Việt Nam có vấn đề. (3)
Và chìa khóa giải quyết vấn đề có thể nằm trong chính sách giáo dục và tôn giáo.
Trong chính sách tôn giáo câu hỏi thường đặt ra là: tôn giáo trước hay dân tộc trước. Nếu chữ tôn giáo trong câu hỏi có nghĩa là một tổ chức có giáo quyền, có người lãnh đạo, có hệ thống có giai cấp thống thuộc thì cần có một câu trả lời dứt khoát. Nhưng nếu tôn giáo được hiểu là một cái gì thuộc tâm linh thì câu hỏi không cần đặt ra. Đời sống xã hội rất cần tôn giáo với những đức tin khác nhau và sống hài hòa với nhau. Quốc gia cần một chính sách trân trọng tôn giáo, quý trọng tâm linh được phản ánh trong hiến pháp, trong luật lệ và trong tinh thần của những người lãnh đạo quốc gia. Trong một nước Việt Nam tương lai không có tôn giáo nào là quốc giáo.
Hiện nay trên thế giới vẫn còn tinh thần thánh chiến (crusade) nghĩa là tôn giáo này dùng sức mạnh để lấn áp tôn giáo khác. Ngoài tranh chấp rộng lớn giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo còn có những cuộc tranh chấp giữa người theo Công giáo và Tin Lành tại Bắc Ái nhĩ Lan, giữa người Hồi giáo Shiite với người Hồi giáo Sunni ở Iraq, giữa người Hồi giáo và Phật giáo tại Nam Thái Lan, giữa Hồi giáo và Ấn độ giáo tại Ấn độ, giữa Hồi giáo Wahhabism (4) với cả thế giới … Và trong một nước từng có chính sách không công bình về tôn giáo như Việt Nam, một sự sai lầm nhỏ về chính sách tôn giáo có thể khơi lại vết thương cũ. Vì vậy người lãnh đạo chính trị tương lai cần hết sức thận trọng, có một chính sách hoàn chỉnh về tôn giáo và dân tộc để tôn giáo không ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế, đối ngoại và đối nội của quốc gia. Điều này đòi hỏi áp lực của người dân chẳng những đối với những nhà lãnh đạo chính trị mà còn đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo. Và điều này chỉ có thể làm được với một dân trí cao được chuẩn bị bởi một nền giáo dục phóng khoáng, khoa học và đượm nhân tính.
Nội dung của giáo dục cần quan tâm đặc biệt đến giới trẻ. Người làm chính sách cần làm cho giới trẻ hiểu rằng trách nhiệm đối với đất nước không phải chỉ ở trong tay của những người lớn tuổi, và cái phong tục trọng người cao niên không có nghĩa chỉ có người cao niên mới có đủ tài đức nắm vận mệnh quốc gia. Điều này đặc biệt cần nhấn mạnh đối với Việt Nam vì Việt Nam có một thói quen gần như thành truyền thống xem người trẻ chỉ nên “dựa cột mà nghe” do ảnh hưởng của Khổng giáo và của văn hóa Pháp (5) và nhất là bởi chế độ cộng sản mà như một thông lệ người cầm quyền bám quyền cho đến chết.
Tóm lại tương lai của Việt Nam ở trong tay một chế độ dân chủ, một dân trí cao do một nền giáo dục khai phóng, một ý thức trọng hiền tài với tinh thần hậu sinh khả úy, một văn hóa khoan dung, và trên hết là một chính sách tôn giáo đặt trên nền tảng: “tín ngưỡng của mỗi chúng ta – đất nước chung của chúng ta”.
Năng lực tiềm tàng của Việt Nam sẽ được giải phóng và Việt Nam sẽ là một đất nước dân chủ phú cường sống hài hòa trong cộng đồng thế giới.
Trần Bình Nam
Oct. 10, 2005
BinhNam@sbcglobal.net
(1) Foreign Policy số tháng 9 & 10/2005, hay www.tranbinhnam.com, mục Bình Luận, tài liệu 176
(2) xem www.tranbinhnam.com , mục Bình Luận, tài liệu số 147
(3) xem www.tranbinhnam.com , mục Bình Luận, tài liệu số 42
(4) một giáo phái của học giả Muhammand din Abd al-Wahhab sống ở thế kỷ thứ 18 chủ trương chấn hưng tinh thần của Hồi giáo đang xuống dốc vào thời đó.
(5) văn hóa Pháp tiền bán thế kỷ thứ 20 vào thời đại ảnh hưởng đến Việt Nam nhất cũng là một văn hóa xem rằng chỉ có người lớn tuổi mới biết cầm quyền.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.