Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

13/12/200900:00:00(Xem: 3141)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo kỳ trước...)

Nhiều dòng người túa ra hỗn độn tranh nhau để xuống thuyền. Bất ngờ, một người ôm chầm lấy cổ tôi, có tiếng hổn hển sát tai tôi: "Cháu sợ qúa! Chú Bình ơi!" Tôi đã biết là cháu Thủy, có cả thằng Thắng nữa. Tôi hiểu lúc này phải tranh thủ lên thuyền, con Thủy cứ nằng nặc ôm cổ, bắt tôi cõng qua một chỗ lội. Tay dẫn thằng Thắng, con Thủy ở trên lưng, trong những giây phút hối hả. Trên thuyền lại có tiếng vật lộn cãi vã, tôi cũng mệt qúa rồi, tôi đặt cháu Thủy xuống và cao giọng:
- Các cháu leo lên thuyền, tìm chỗ ngồi đã.
Tôi đẩy hai đứa lên thuyền. Con thuyền rất là "khằm" lại chòng chành vì xô xát, có nhiều tiếng hô, tiếng quát, như đánh nhau:
- Không xuống nữa, thuyền đắm chết hết bây giờ!
- Lái thuyền ra đi!
Ồn ào, lộn xộn, thằng Lợi cầm vào tay tôi, nói khẽ:
- Mày đi, tao dẫn con tao lên bờ! Mày là đại diện thay tao!
Không còn kịp nói gì với nhau, thuyền quay mũi, rời bến, tiếng máy rú to dần, tôi nằm một góc. Ở dưới hầm thuyền la liệt, hỗn độn đầy người. Thuyền chạy chừng được một giờ thì có hai tiếng súng CKC, có tiếng ai nói hốt hoảng:
- Công an gọi vào!
Tôi nhoi lên nhìn ra ngoài, một ánh đèn xa xa trong chỗ tối đen, tôi dự đoán đây là cửa sông, ra biển. Tôi không hề biết ai với ai trên thuyền, nhưng vì mạng sống của chính mình, tôi nói to như ra lệnh:
- Cứ tăng ga, phóng ra khơi!
Con thuyền lồng lên rồi rẽ sóng, lại hai phát CKC nữa, Mặc! Thuyền vẫn phăng phăng, hướng về phía Nam. Sóng biển đã làm cho con thuyền chồm lên lắc lư, cái nhược điểm say sóng cố hữu của tôi đã bắt đầu. Người tôi đã thấy nôn nao, khó chịu, tôi đã tìm được một chỗ nằm yên, cháu Thủy từ một khoang bên mò sang bên này gọi:
- Chú Bình nằm ở đâu"
Tôi giơ một tay, dưới ánh sáng đèn dầu mé vách, cháu đã nhìn thấy, cháu bước qua một số người để đến bên tôi. Người tôi đã nôn nao qúa rồi, mà phải đỡ cho cháu Thủy nằm bên cạnh. Tôi xin cảm ơn cháu Thủy, đã tin tưởng và qúy mến tôi. Cũng đã có nhiều người nôn ọe góc này, chỗ kia, mùi của nôn mửa đã nồng nặc cả con thuyền.
Tôi muốn đẩy cháu Thủy đi chỗ khác, tôi không muốn mùi nôn ọe của tôi để cháu Thủy kinh tởm, tay tôi đẩy cháu Thủy đi, miệng chỉ mới nói: "Cháu đi chỗ...." thì tôi đã ồng ộc nôn cơm cháo ra rồi. Cháu Thủy và ai ở chung quanh cũng sợ dãn cả ra, cháu Thủy đã sang khoang khác, mà tôi vẫn còn tiếp tục nôn, mật xanh, mật vàng. Chuyến này tôi cũng xin cho ra hết, giống như ngày tôi đi con thuyền xâm nhập miền Bắc đầu 1962.
Có tiếng ai nói ngắt quãng:
- Đã ra Hải phận Quốc Tế... rồi!
Con thuyền càng chồm lên, nhào xuống, tiếng nôn ọe đây đó càng dồn dập, tôi thì rũ rượi như con gà "rù". Do tôi nôn mửa nhiều, mùi chua khăn khẳn nồng nặc, dù chật chội, nhưng lớn bé ai cũng sợ tôi, họ đều cố nhích xa tôi, nên chỗ của tôi tương đối thoải mái nằm.
Thuyền đã chạy được gần hai giờ, chẳng ai nói ra, tuy sóng càng to, gió càng lớn nhưng trong lòng của mỗi người nỗi lắng lo bị CA bắt đã nhỏ dần. Đây đó đã nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng gọi tên nhau í - ới. Một số người đi từ khoang này sang khoang thuyền kia, ngơ ngác xục xạo tìm người thân.
Con thuyền vẫn tròng trành lắc lư, nhấp nhô, tôi lại phải bò dậy để nôn nữa, ruột gan của tôi như xoắn quắt lại để nôn. Tôi có cảm tưởng tôi phải nôn cho ra hết cả bộ ruột, dạ dầy, phèo phổi của tôi. Cái bệnh say sóng này cũng thật lạ kỳ, không phụ thuộc vào trẻ hay già, phụ nữ, đàn ông, khỏe hay yếu, có thể do tính chất máu của mỗi người. Có nhiều người quay lại, ngó ngấp nhìn tôi... Mặc, tôi lại nằm đổ vật ra! Có tiếng nói từ sàn thuyền vẳng xuống: "Đã đi ngang qua Côn Sơn rồi!" "Trời.... đã sáng... rồi!"
Như có một nguồn sinh lực bừng lên trong người, tôi ngồi dậy và xem đồng hồ tay, 4 giờ 30 phút sáng ngày 15/1/81. Có lẽ tôi đã nôn thốc, nôn tháo nhiều lần, để rồi không còn gì để nôn ra nữa, nên người tôi tỉnh dần. Nhưng yếu tố chính là: Nỗi lắng lo bị bắt đè nặng trong lòng, đã nhẹ đi và niềm hy vọng của ngày mai, nơi phương trời mới càng lớn dần lên. Giọng nói khi nãy từ sàn thuyền lại vọng xuống: "Thuyền đã đi qua Côn Đảo rồi!"
Qua những khe hở của vách thuyền, ánh sáng đã vàng ửng lên, chắc mặt trời đã chui lên khỏi mặt biển. Đầu óc của tôi đang lần giở lại, hình ảnh đêm vừa rồi, thằng Lợi và các con của nó, đã lên bờ trở về. Tôi chợt nhớ tới cháu Thủy và Thắng, con của vợ chồng Đạt nằm ở đâu" Như thế, chỉ còn hai cháu đi theo tôi. Chỗ này, chỗ kia bà con đã lấy thức ăn, thức uống ra để giải quyết cái dạ dầy của mỗi người, hẳn nó đã nhắc nhở. Trong túi của tôi có một cái giò lụa và hai cái bánh giò, do mẹ của tôi chuẩn bị, nhưng tôi chả cần ăn và cũng không dám ăn. Tôi đã có chút kinh nghiệm say sóng, trong những lần đi thuyền ra Bắc, không ăn lại khỏe người hơn là ăn.
Phần vì, tin tưởng con thuyền đã ra khỏi tầm kiểm soát của bộ đội, công an Việt Cộng. Phần vì, cả một đêm trắng chạy, chui rúc, bờ bụi, sợ hãi, lo âu. Phần khác nữa, say sóng nôn mửa suốt đêm, tôi nằm vật ra, lịm đi lúc nào không hay. Khi tôi mở mắt ra, lại thấy tối lờ mờ, tôi giơ tay cố hướng về chiếc đèn dầu, treo mé vách thuyền: 4giờ 30, tiếng máy thuyền vẫn rổn rang lẫn với tiếng dạt dào của sóng biển.
Tiếng ọc ạch, nhóp nhép của sóng nước đập vào mạn thuyền làm tôi tỉnh ra thêm. Tôi nằm lắc lư theo con thuyền, óc phân định thời gian và sự việc, tại sao lại 4giờ 30" Phải chăng đã qua một ngày mà tôi không biết" Thiếp đi là đêm, tỉnh ra lại là đêm mà đồng hồ chỉ kém giờ hơn. Như thế, ít nhất phải qua một ngày rồi. Trời sáng lại dần, và lại đã có ánh nắng.
Tiếng máy thuyền tự nhiên như mắc nghẹn, rồi hồng hộc lên, con thuyền run lên bần bật, tiếng máy như hết hơi, thở hắt ra rồi im bặt. Nhốn nháo, mọi người đều trợn mắt nhìn nhau, ngơ ngác. Tôi cảm thấy một sự bất thường, ngồi nhổm dậy, chung quanh tôi người chật như nêm cối, đàn ông, đàn bà, trẻ con, người lớn nằm ngổn ngang. Tôi lảo đảo đứng dậy, tìm chỗ mò lên sàn thuyền. Không khí trong lành của biển khơi như nhào vào trong phổi, tôi tỉnh hẳn. Trên sàn thuyền, cũng lố nhố đầy người đang đổ dồn mắt về khoang máy, của chiếc thuyền. Ba người, đầy dầu mỡ từ trong khoang máy bước ra, mặt tái nhợt, một người thốt cao giọng:


- Máy bị lột "giên" rồi!
Tiếng la hét, trong đám đông lố nhố:
- Có sửa chữa được không"
- Chạy tối đa.... qúa sức mà!
Tôi chả hiểu lột "giên" là thế nào, nhưng những người xử dụng máy đã không có kinh nghiệm, bất cứ một loại máy móc gì để tối đa "gas" mà chạy mãi, thì phải hư là đương nhiên. Ngay con người cũng thế, chạy tối đa một lúc thì phải nghỉ hay chậm lại, nếu không thì chỉ có lăn đùng ra mà "sỉu". Bốn, năm người túm lại khoang máy kìm, búa, mỏ lết, hì hục hàng giờ cũng đành bó tay. Một người nói to như "phì" nỗi tuyệt vọng ra cho mọi người:
- Máy đã lột "giên", chỉ có về xưởng máy "đại tu" mới sửa được!
Mặt trời đã quắc mắt như giận dữ nhìn theo mọi người trên sàn thuyền, con thuyền trở thành "vô định" giữa đại dương. Chung quanh, trên dưới chỉ có nước với trời, như trên hành tinh này có mỗi con thuyền "vô định" này mà thôi. Mặc cho gió, mặc cho sóng đẩy thuyền đi rồi lại đẩy về, như vậy con thuyền đã chạy được hai đêm và hơn một ngày. Không một ai biết con thuyền đang ở vị trí nào" Một khi không biết rõ vị trí, thì đều trở thành suy đoán mò linh tinh.
Người thì bảo có thể đây là bên ngoài Căm Bốt, người thì nói đã ở trong vịnh Thái Lan, có người còn bảo, có khi đã gần Mã Lai rồi. Khoảng 12 giờ trưa, phần vì niềm tuyệt vọng đã tràn ắp lòng tôi, rồi lại không có một cái gì trong bụng kể cả nước. Tôi chui xuống hầm thuyền, tìm về chỗ cũ nằm vật ra, tôi chợt nhớ đến cháu Thủy và Thắng từ hôm qua, tôi chưa biết các cháu ở chỗ nào"
Con thuyền dài chừng15- 16 mét, rộng khoảng bốn mét rưỡi đến năm mét, có khoảng bốn, năm chục người cả trẻ con. Nghĩ đến cái giò lụa và hai chiếc bánh giò trong cái tay nải, tôi không dám ăn. Từ hôm trước tôi nhìn hai đứa nhỏ cứ quấn quít lấy mẹ nó, một bà chừng 35 tuổi, nửa tỉnh, nửa quê của miền Nam. Tôi lôi cái giò và cái bánh hãy còn thơm mùi lá, cầm ở tay ngập ngừng, người mẹ và hai cháu nhỏ đều nhìn tôi. Tôi cười, rồi hỏi dè dặt:
- Tôi không ăn, chị có thể vui lòng cho hai cháu ăn dùm"
Mặt hai cháu nhỏ tươi hẳn ra, nhưng chị ấy lại ngần ngừ, tôi cố nhoài người sang đưa hết cho hai cháu nhỏ. Chị cầm giò và bánh, không nói gì nhưng ánh mắt của chị, như thay cho một lời cảm ơn! Người chồng ngồi dậy, nói với giọng trìu mến:
- Anh hai cố ăn "dô"đi, anh có ăn gì đâu!
Mặt người nào cũng hốc hác, quần áo tả tơi, đầu tóc rối bù, mới có hai ngày, hai đêm, mắt ai cũng lỗ đáo vào, trắng nhợt ra. Tôi cố đứng dậy định lần sang khoang phía cuối thuyền, để tìm cháu Thủy, Thắng. Đây đó những bãi nôn mửa, vỏ chuối, lá bánh thậm chí cả những "băng màn"của phụ nữ, đầy máu. Tôi lại quay về nằm vật ra, nghĩ đến tất cả những người này, trong đó phải có tôi xin về lòng đại dương, và xin hiến tặng những thân xác này cho những ông cá, bà cá, chúng tôi xin về nơi vĩnh hằng.
Buổi sáng ngày thứ Ba (17-1), con thuyền vẫn tròng trành theo sóng biển, tôi mệt qúa cũng chẳng muốn bò dậy làm gì. Có lẽ vì không ăn uống, nên tôi cũng không cần đại, tiểu tiện ba bốn ngày. Đồng hồ đã 6 giờ, khi tôi trở mình, ngay ở lòng (bụng) tôi có một hộp sữa ông Thọ. Tôi tưởng trong mộng mị tưởng tượng, tôi ngồi hẳn dậy ngơ ngác nhìn mọi người chung quanh, tay tôi vẫn cầm hộp sữa. Khi hai vợ chồng anh chị người Miên quay lại, tôi giơ hộp sữa lên, hỏi:
- Có phải của anh chị không"
Nhưng cả hai anh chị đều thiểu não lắc đầu, thấy hai người và nhiều người khác cũng rũ rượi và mệt mỏi, tôi chả hỏi nữa: Tôi cầm hộp sữa tới khi trời sáng hẳn, và tôi cũng tỉnh hẳn người. Không biết của một ân nhân nào" Tôi nhìn ai, khi họ quay lại, tôi cũng nghĩ là của người đó, nhưng rồi khi tôi hỏi, họ đều mệt mỏi lắc đầu. Thôi cứ cho là một ông tiên hay một bà tiên cho, bây giờ tôi đang cần cứ dùng đã. Vị ân nhân nào cũng sâu sắc thật, vì không ra mặt nên bắt người nhận, cho tới chết mới quên được. Tôi đã dùng một mũi dao díp dùi lỗ và mút một chút... Dòng sữa như một thần dược, bây giờ tôi nhìn cái gì cũng rõ ràng. Hôm qua, hôm kia, nhìn ai cũng lờ mờ như có mưa phùn. Tôi ngồi lắc lư nghiêng ngả, hồn như lạc vào chốn "Thiên Thai". Trên sàn thuyền rộ lên tiếng reo hò của đàn ông, phụ nữ:
- Có tầu ngoại quốc!
- Đứng lên chỗ cao mà vời!
Tôi nhào lên như có lò so, chẳng biết là Đông, Tây, Nam, Bắc (thuyền quay lung tung mà không có điểm tựa). Mắt thường nhìn sát phía chân trời, có một chấm trắng dài di chuyển. Gần hai chục người đứng trên sạp thuyền, đều giơ tay vẫy vời, cả tôi cũng vung vẩy như muốn nhẩy lên vì mừng, có tiếng nói như gào:
- Đem trẻ con lên đây, cho tàu nhìn thấy, nó mới tới cứu!
Người cởi áo trắng, áo đen, khăn đỏ ra vẫy, vung tứ tung. Thậm chí, có người còn quấn một cái khăn bông trắng, vào đầu chiếc đòn gánh giơ cao lên ngoáy, vẫy. Chấm trắng càng lúc càng mờ, rồi mất hẳn. Mặt trời lặn dần xuống biển, mọi khi thì tôi say sưa ngắm, nhưng lúc này thì hoàng hôn, hay bình minh cũng mặc. Nhìn bốn, năm cậu thanh niên, cường tráng thật khỏe mạnh, một áng liên tưởng về mình, trước những ngày xông vào vùng bão lửa, tôi mỉm cười với các cậu. Sau khi chuyện trò, vì là cùng hội, cùng thuyền tôi biết một cậu tên là Bạch ở bên khu Bình Xuyên, hai cậu nữa là Triết và Thâu dân chài lưới của Nghệ Tĩnh. Trông cậu nào cũng khỏe mạnh và đầy sức sống, dăm ba câu chuyện đổi trao, tôi thấy mến các cậu, và các cậu cũng thích nghe tôi nói chuyện.
Từ khi tôi biết có chuyến đi, tôi đã nhuần nhuyễn một "vỏ bọc": Tôi theo bố mẹ di cư vào Nam, bố mẹ đã chết hết, nhà nghèo, tôi đi làm thuê, làm mướn, nay học được nghề mộc. Thường người ta đóng thuyền, đóng bè, ai mướn tôi cũng làm để sống, biết làm tính cộng, tính trừ, học hết tiểu học. Mánh, thấy cái tầu này vượt biên thì tôi "căn me" (Không có tiền, thấy thuyền nào đi, thì lẻn trốn lên), may ra đi được nước ngoài, thì đỡ khổ.
Đại cương, tôi lựa trong tư thế đó để nói chuyện với mọi người trong thuyền. Buổi chiều hôm ấy, tôi thoáng thấy một vấn đề sinh tử trầm trọng, cho mọi người trong thuyền. Qua năm sáu cậu tôi quen, tầu có 43 người, gồm cả gia đình chủ tầu. Đàn ông con trai 16 người, năm sáu ông già, bà già còn lại hầu hết là đàn bà, con gái và trẻ em. Từ mấy ngày qua, đây đó, tôi đã thấy những bà mẹ dội nước, từ những chiếc thau con tắm rửa kỳ cọ, cho những cháu nhỏ. Có những bà, những cô gái, cắm cúi rửa mặt ở những chiếc thau nhôm con.
Sáng tối, đêm ngày, tôi để ý ở trong góc, khoang giàn máy, có một bồn nước nhỏ tròn, nằm dài chừng 2 mét, cao khoảng 1 mét. Mọi người đều đến múc nước, rửa ráy hay uống ở đấy. Tôi được biết bồn nước ấy là toàn bộ nước ngọt, để giải quyết ăn uống cho cả thuyền. Không hề có một ai trông coi, quản lý, mạnh ai đến lấy nước giải quyết cho cá nhân.
Con thuyền đã trở thành vô định, cả về thời gian (chưa biết đến bao giờ), về không gian (chưa biết sẽ trôi dạt về đâu), chỉ một trận cuồng lộ, giận khùng của biển khơi. Thuyền chạy, thì khả dĩ phần nào chống đỡ được với mưa bão, cuồng phong; thuyền chết máy, như chiếc lá trôi dạt giữa đại dương, ai cũng đã thấy chắc chắn nó sẽ xuống đáy đại dương, mà nằm.
Sự sống và chết cho cả con thuyền, thế mà không một ai để ý đến. Tôi đến bồn nước mở nắp, quan sát, lấy que thăm đò, mới có hai ngày ba đêm mà nước chỉ còn một phần ba của bồn. Dung tích của cả bồn chỉ vào khoảng gần hai mét khối nước, bây giờ chỉ còn một phần ba thì còn lại bao nhiêu nước" Cứ cái đà như mấy ngày nay, có thể ngay chiều nay, hay ngày mai là hết nước. Về ăn, do thực phẩm của mỗi người, của mỗi gia đình mang theo còn có thể e dè tự túc. Nước uống mà hết, thì sẽ thấy tình huống ra sao" Tình trạng hiện nay của con thuyền, chỉ có trời mới biết.
Mấy cậu thanh niên, cũng theo tôi đang đứng chung quanh bồn nước. Những bà con ở trong khoang thuyền ấy, sau khi hiểu ra vấn đề, đều thấy rất nghiêm trọng về chuyện nước nôi. Một cụ già chừng sáu mươi lăm tuổi, đầu đã bạc trắng, hai má đã hóp lõm vào, nhưng đôi mắt vẫn còn sáng long lanh, tiến lại chỗ bồn nước. Giọng nói của cụ, tuy khàn khàn nhưng rất dõng dạc:
- Đây là sự sống và chết của cả con thuyền, các ông phải có biện pháp thế nào. Tôi thấy nhiều người đến đánh răng, rửa mặt, dùng nước rất là phung phí, nhất là ban đêm.
Tôi thấy sự việc này phải giải quyết hôm nay, và ngay từ bây giờ, tôi và nhiều người thấy cần mời chủ thuyền đến để bàn biện pháp. Cậu Triết đã nhanh nhẩu, lên chỗ phòng hoa tiêu một lúc, rồi đi xuống cùng với một ông chừng hơn bốn chục tuổi. Tôi được biết chủ thuyền tên là Cường, sau khi ông Cường nghe mọi người nói, ông đã hiểu. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.