Hôm nay,  

Iraq Và Tranh Cử Tại Mỹ

24/04/200400:00:00(Xem: 4432)
Hoa Kỳ nên vào, ra, lên hay xuống tại Iraq" Người ta khó tìm ra câu trả lời chính đáng trong lớp mây mù cuồn cuộn của cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ.
Trên cột báo này, từ tháng Bảy, người viết đã dự đoán là nếu Tổng thống Bush thất cử thì sẽ thất cử vì vấn đề đối ngoại, hơn là vì vấn đề kinh tế như nhiều người vẫn lý luận.
“.... Nhưng, ngược với cái nghiệp của thân phụ, nhược điểm chính của ông Bush trong năm tới lại có thể là đối ngoại. Nếu tình hình suy đồi tại Iraq và A Phú Hãn vì chiến tranh du kích kéo dài, nếu hy vọng hòa giải Do Thái tan biến vì sự cực đoan của cả hai phe, và nội bộ ban tham mưu đối ngoại lại tranh cãi gay gắt mà ông không dung hòa và chỉ đạo nổi, ông Bush có thể sẽ bị điêu đứng to....
Đảng Dân chủ có thể chờ ông ở khúc quanh đó, nếu biết kịp thời đứng dậy.”
(“Ánh hồng đã hiện: kinh tế phục hồi”, ngày 07 tháng Bảy, 2003).

Căn cứ trên những gì đang xảy ra, kịch bản này có hy vọng hiện thực. Nhưng, đến nay, đảng Dân chủ chưa kịp đứng dậy. Ngược lại, những chủ trương của ứng viên có hy vọng nhất là Nghị sĩ John Kerry còn báo hiệu nhiều vấn đề khác, nếu như ông thắng cử.

Tổng thống George W. Bush có nhiều lý do để mở chiến dịch Iraq.
Chính quyền ông lấy lý do dễ giải thích mà khó bào chữa nhất là ra tay trước để phòng ngừa Saddam Hussein sử dụng võ khí tàn sát (WMD), và hiện lúng túng vì chưa tìm ra võ khí này tại Iraq. Rủi ro WMD được nhiều người nêu ra, từ thời Bill Clinton, từ đảng Dân chủ (kể cả John Kerry) và từ nhiều quốc gia khác. Nhưng, vào mùa tranh cử, người ta dễ quên lập trường không ăn khách và ông Bush bị kết tội là gian dối, đánh lừa dư luận, lấy chuyện WMD làm lý cớ. Thực ra, ông đáng trách ở một địa hạt khác: không cải thiện nổi hệ thống tình báo sau vụ khủng bố 9-11. Chỉ nội việc này, ông cũng đáng bị thất cử. Nhưng, việc điều tra về nguyên do và hậu quả của vụ khủng bố lại bị cả hai đảng chính trị hóa vì nhu cầu tranh cử, cho nên vấn đề sinh tử nhất là khủng bố đã thành đề tài tranh cãi nghị trường và trước ống kính truyền thông và người đứng đầu sóng lại được cảm tình của dư luận.

Ông Bush còn lý do khác để tấn công Iraq: nhân đạo, vì sự tàn bạo của chế độ Saddam. Ông Clinton đã viện lý do này để đưa quân vào Kosovo năm 1998. Sáu năm sau binh lính Mỹ hiện còn làm nhiệm vụ bảo an tại đó, một vùng địa dư nhỏ bên cạnh một xứ Serbia đã dân chủ hóa. Sau khi nêu lý do phòng ngừa WMD, nay ông Bush nhấn mạnh đến lý do xây dựng dân chủ tại Iraq, là điều chính đáng về đạo lý nhưng khó duy trì lâu dài về chính trị, khi Iraq chưa có tập quán dân chủ và xung đột sắc tộc và tôn giáo đang bùng nổ sau ba chục năm bị kềm hãm dưới ách độc tài.

Lý do thứ ba của vụ Iraq thực ra là chính đáng nhất lại không được Bush giải thích tường tận: lấy xứ này làm gương cho khối Hồi giáo hầu gián chỉ mầm khủng bố trong tương lai. Việc các nước Trung Đông đều đổi lập trường sau vụ Iraq là chứng cớ biện hộ cho vụ Iraq. Lybia đã đổi mới và hết bị trừng phạt kinh tế. Saudi Arabia nay đứng trên tuyến đầu chống al-Qaeda, Syria bị phong tỏa và cô lập, Iran mở cửa nói chuyện về võ khí nguyên tử và đang mặc cả ngầm với Hoa Kỳ về tương lai Iraq, v.v....
Vì không thuyết phục được dư luận về lý do chính và chính đáng để tấn công Iraq, ông bị tội khai chiến do những lý cớ như quyền lợi của tài phiệt dầu hỏa, áp lực Do Thái, mối thù của gia đình Bush với Saddam, máu chủ chiến của Dick Cheney và phe quốc phòng, v.v....

Thực ra, nếu Hoa Kỳ giữ được nhịp độ và cường độ áp lực tại Iraq, al-Qaeda phải chuyển hướng như đã bắt đầu từ cuối năm ngoái, và trận chiến chống khủng bố có thể sẽ bước qua một giai đọankhác, với vai trò chủ động hơn của Hoa Kỳ. Nhưng, gây được sức ép tại Iraq là điều khó cho Bush vì sự chống đối ở nhà. Và nếu ông thất cử vì vụ Iraq thì sức ép đó còn gây sức bật bất ngờ: quân khủng bố sẽ thắng ở mọi nơi vì chứng minh rằng Hoa Kỳ chỉ là cọp giấy. Vấn đề vì vậy thuộc chủ trương của phía Dân chủ và ông Kerry.

Nhược điểm của chính quyền Bush không phải là lý do mà là phương thức tham chiến.


Ông Bush có bộ tham mưu được coi là xuất sắc về an ninh và đối ngoại, rốt cuộc lại liên tục gây vấn đề cho ông khi chuẩn bị tham chiến - bị lầm lạc về tình báo, bị đánh lừa về ngoại giao khi vận động Liên hiệp quốc – và còn tạo ra nhiều khó khăn hơn sau khi tấn công Iraq. Vì chủ quan, thiếu linh động, vì mâu thuẫn nội bộ hoặc vì nhiều lý do khác nữa mà dư luận chưa được biết, chiến dịch Iraq mở màn như vũ bão nhưng thiếu thành quả dứt điểm dù tượng trưng, biểu kiến. Hậu quả là hàng loạt thay đổi nhân sự chỉ huy về quân sự lẫn chính trị, là những lúng túng trong lãnh vực bảo an (mới nhất là việc thu nạp lại nhân sự đảng Baath của chế độ Saddam), là bất ngờ về nhu cầu quân số khi đến kỳ đổi quân. “Chưa đánh người mặt đỏ như vang, đánh người rồi mặt vàng như nghệ”, đó là trách nhiệm của bộ tham mưu an ninh của Bush, tức là trách nhiệm của tổng thống.

Về thực tế thì chính quyền ông đang thắng tại Iraq, điều đó sẽ sáng tỏ hơn sau hạn kỳ chuyển giao quyền lực từ tháng Bảy trở đi. Nhưng, ấn tượng chung của dư luận là chính quyền Bush đang bị khủng hoảng vì bị đột biến bất ngờ tại Iraq. Trong mùa tranh cử, ấn tượng có khi còn quan trọng hơn thực tế.
Đảng Dân chủ và Nghị sĩ Kerry có cơ hội khai thác nhược điểm này để lấy trớn cho Đại hội đảng vào tháng Bảy. Nhưng, dường như Kerry không hoặc chưa làm nổi việc đó.

John Kerry khó đả kích Bush về lý do tham chiến vì ông ủng hộ quyết định của Quốc hội cho phép Hành pháp khai chiến (dù sau này ông đảo lập trường và chống lại việc biểu quyết ngân khoản cho chiến tranh chống khủng bố). Ông lại không đả kích lề lối tiến hành cuộc chiến và sau khi có hy vọng được tuyển chọn lại còn đảo lập trường lần nữa với chủ trương là không rút quân khỏi Iraq (ngược với Ralph Nader và cánh phản chiến trong đảng Dân chủ). Giải pháp ông đề nghị là “đích thân vào Liên hiệp quốc và thủ đô của các đồng minh để cải thiện mối quan hệ của Hoa Kỳ với cộng đồng thế giới”.
Ông ta lầm nặng. Đó là đề nghị hòa giải ngoại giao với thế giới, không là giải pháp cho vụ Iraq. Về địa hạt ngoại giao ấy, thời điểm hòa giải Kerry đề nghị cũng khó tệ hơn. Vụ mờ ám về tiền bạc lên đến cả chục tỷ Mỹ kim trong chương trình “đổi dầu lấy gạo cho dân Iraq” đang bị phanh phui (dù hơi chậm): Liên hiệp quốc, Tổng thư ký Kofi Anan và con trai ông, các “đồng minh” như Pháp hay Nga đều há miệng mắc quai vì được Saddam hối lộ nhờ chương trình đó.

Đồng thời, John Kerry còn bị phe tả đả kích vì từ phản chiến đổI qua chủ chiến.
Sau khi điều chỉnh tác xạ quá nhiều lần, Kerry vẫn còn hy vọng nếu chứng minh được sự luộm thuộm vụng về của chính quyền Bush trong vụ Iraq và nhất là nếu đề nghị giải pháp cụ thể để chiến thắng tại đấy, chứ không để tháo chạy dưới màn khói quốc tế. Chiến cuộc càng gay gắt tại Iraq, dư luận càng thấy lập trường cứng rắn của Bush là đúng, cho nên dù chính quyền có lúng túng, họ cũng không muốn Bush thất bại. Đấy là lý do vì sao dư luận vẫn ủng hộ Bush sau sáu tuần dài bị khủng hoảng. Kerry cần đưa ra giải pháp không phải là “khỏi thua” mà là “tất thắng”. Quá khứ chiến binh tại Việt Nam và thành tích chính trị trong quãng đời Phó Thống đốc và Nghị sĩ của ông có thể trấn an cánh tả và xu hướng phản chiến nhưng không đủ bảo đảm tính tất thắng trong chiến tranh, trên trận tuyến an ninh chống khủng bố.
Ông Kerry cần một người có thẩm quyền đứng chung liên danh, như cựu Nghị sĩ Sam Nunn của Georgia, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, một người miền Nam, phe bảo thủ trong đảng Dân chủ và có uy tín lẫn thẩm quyền về an ninh đối ngoại. Ngoài ra, Nghị sĩ Joe Lieberman cũng là tài sản đáng kể cho cuộc tranh cử của ông. Cả hai có thể nâng cao sức thuyết phục cho ông, nếu như Kerry thực sự muốn làm tổng thống và thoát khỏi sự bắt bí của phe cực tả và phản chiến trong đảng Dân chủ.
Nhưng, dù có Tả phù Hữu bật như vậy, Kerry vẫn phải đưa ra được giảp pháp khả tín cho vụ Iraq ngay trong vài tuần tới. Chúng ta mong là Kerry và ban tham mưu tranh cử của ông lẫn đảng Dân chủ tìm ra cây đũa thần. Nhưng, kể từ tháng Năm, cơ hội thủ thắng của ông sẽ loãng dần và nếu Hoa Kỳ lại bị khủng bố tấn công sau lúc đó, Bush sẽ thắng lớn, dù đã vấp ngã thê thảm tại Iraq.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.