Hôm nay,  

Huế Bỏ Không Chiến Đấu?

26/03/200500:00:00(Xem: 5797)
LGT của VB: Đây là bài hồi ký của anh Thượng Châu, nguyên là phóng viên của Đài Truyền Hình Việt nam băng tần 9 SAIGON. Những năm trước 1975, anh cũng cộng tác với nhật báo Hòa Bình với bút hiệu trên. Bài này ghi theo trí nhớ, kể lại một vài sự kiện mắt thấy tai nghe trong cuộc di tản kinh hoàng ngày 26 tháng 3 năm 1975, ngày rút quân khỏi Huế, ngày mà Thượng Châu gọi là "Huế 26-3- 75 bỏ chạy không chiến đấu".
Vượt đèo Hãi Vân bằng trực thăng
9 giờ sáng 25-3, tôi bay ra Huế trên chuyến trực thăng HU1B do Đại Úy T. lái. Anh là một trong những sĩ quan cùng khóa 6/68, học quân sự Quang Trung xong được tuyển sang binh chủng Không Quân, cùng với hơn 200 SVSQ khác. Số còn lại, một ngàn ra quân trường Đồng Đế Nha Trang, một ngàn khác trong đó có tôi may mắn ba lô lên vai được GMC đưa về trường võ khoa Thủ Đức huấn nhục và huấn luyện trước khi ra đơn vị.
Gặp lại nhau giữa vùng địa đầu giới tuyến, nhận ra nhau thiệt mừng hơn "trúng suốt". đã 7 năm súng đạn giỡn mặt tử thần, hòa mình trong chiến tranh, hai đứa tôi siết chặt tay nhau mặt nhìn mặt, không biết phải nói lời gì...cho xứng đáng !
-Ê, mày làm báo oai dữ "..
-Còn bạn, bay ở vùng hỏa tuyến chắc nhiều ngoạn mục!
-Hôm nay, bay đưa bạn ra Huế.Tưởng ông nhà báo nào, Đ.M., không ngờ là bạn cùng khóa 6/68. Lâu ghê mới gặp lại nhau, trông bạn cũng không có gì khác xưa:vẻ phong trần, chững chạc hơn hồi ở quân trường.
-Chà, còn bạn mới đó đã đeo lon Đại úy rồi, oai ghê hề!
Người bạn đồng hành với tôi:thu hình viên Truyền hình VN băng tần 9 Saigon, anh Nguyễn văn Đông đang vác máy quay phim trố mắt ngạc nhiên nhìn. Sau đó Đông chụp tôi cùng T. một tấm hình kỷ niệm lúc còn ở phi trường Đà Nẵng.
Với phong cách nhà binh một trăm phần trăm, Đại úy T. nhanh chóng vào đề:
-Theo chỉ thị hành quân của thượng cấp, tôi bay với quí vị ra Huế. Sau đó, xuống Thuận An "bốc" toán chuyên viên sửa chữa Chinook về lại Đà nẵng tối nay.
-Bạn có thể cho tụi này về chung "
-Không có gì trở ngại, với điều kiện bạn phải có mặt ở Thuận An trước 3 giờ chiều. Chút nữa bay vào Huế, ngang qua Thuận An, tôi sẽ chỉ chỗ cho các bạn.
-Đồng ý, sẽ cố gắng tới đúng, mọi chuyện tính sau. Bây giờ bạn có thể nào bay ngang qua HẢI VÂN theo đường bộ, để tụi này quay phim "
Đại Úy T lắc đầu: "sái luật phi hành. Không ai bay theo đường bộ qua đèo Hải Vân.Thường thường từ Đà nẵng ngang qua Non Nước, ra biển rồi đâm vô Thuận An, bay lên HUẾ"
-"Tôi có chỉ thị cần thực hiện phóng sự di tản của dân chúng từ vùng địa đầu hỏa tuyến Quảng Trị và Huế chạy vô Đà nẵng", tôi tiếp tục thuyết phục người bạn cũ.
Đại Úy T ngước mắt nhìn trời, nắng tràn ngập phi trường Đà nẵng. Lát sau nhìn tôi cười thiện cảm:
-Thôi thì chỗ bạn bè cùng khóa, tôi phá lệ nhà binh, chìu ông nhà báo thu hình. Vả lại trời cũng chiều lòng người, ôm nay nắng ráo trong xanh , không có mây phủ Hải Vân, nhìn xa rất tốt. Tôi cố giúp ông, bay theo đường bộ từ Nam Ô lên đèo...
Cả tuần lễ nay, Air VN không còn chuyến Saigon-Huế nữa. Pleiku di tản xong, phóng viên chiến trường như tôi muốn di chuyển phải nhờ vào phương tiện quân sự mà thời đó chúng tôi nôm na nói đùa là đi bằng "air Kaki".
Lên trực thăng, thu hình viên Đông cột người chắc chắn vào chân ghế, rồi ngồi bệt dưới sàn, vai vác máy thu hình cho dễ bề làm việc. Tôi ngồi chính giữa tàu, sau lưng hai hoa tiêu, tay cầm micro tường thuật theo từng thước phim quay. Hai xạ thủ đại liên chĩa súng ra hai bên hông trực thăng.
Đà Nẵng nhộn nhịp phía dưới. Người và xe chật đường, hối hả, vội vàng. Tới đoạn bắt đầu phần đường lên đèo, bỗng đường sá trống trơn. Từ đó, con đường ngoằn nghèo nhìn xuống trông như một con rắn lớn uốn mình nằm nghỉ ngơi.
Nơi lưng chừng đèo, lác đác vài chiếc xe đò lật ngang ngửa giữa lộ, tuyệt nhiên không thấy bóng người, trong khi dấu đạn pháp in lỗ chỗ trên mặt đường nhựa.
Đỉnh đèo có một khoảng đất trống khá rộng thường là chỗ xe đò nghỉ ngơi tạm với hàng quà vặt đông đúc, bây giờcũng vắng hoe. Đây là trục lộ huyết mạch độc nhứt nối liền Quảng Trị, huế với Đà Nẵng, lưu thông luôn nhộn nhịp. Nhưng hôm ấy đèo trống trơn, và nhờ trời tốt không có mây mù bao phủ, tôi có dịp quan sát rõ ràng.
Cho đến khi trực thăng bay qua hết đèo xuống tới Lăng Cô, thì một cảnh tượng diễn ra hoàn toàn trái ngược. Tiếng máy quay phim của Đông rè rè hoạt động. Tôi nói với khán giả qua micro: "Đây là ghi nhận của phóng viên truyền hình Việt Nam. bên dưới qua hình ảnh, quí vị thấy hàng ngàn xe đũ loại, dânsự, quân sự chen chúc nhau thành hàng năm hàng sáu để hướng về Đà Nẵng. Nhưng không hiểu sao đoàn xe bị kẹt cứng không thấy di chuyển..."
Tôi yêu cầu Đại úy T bay thấp để Đông dễ thu hình, sau nữa cố tìm chiếc Toyota "pickup' của đài Truyền Hình HUẾ, may ra liên lạc được với trưởng đài Từ tôn Sa. Thiên hạ phía dưới thấy trực thăng đua nhau vẫy tay, trong khi thu hình viên Đông xin trực thăng bay lui một vòng nữa để quay thêm, hứa hẹn có một phóng sự sống động linh hoạt "hết chê".
Tôi đảo mắt nhìn phía dưới, tìm không ra xe của đài truyền hình Huế, ít lâu sau đành phải bay thẳng tới Huế. Tôi đổi ý định tới Thuận An, xin trực thăng đáp trước tư dinh Đại tá Tỉnh Thị Trưởng Thừa Thiên Huế. Đại Úy T vui vẻ "đổ" tụi tôi xuống và không quên bắt tay từ biệt hẹn ngày gặp lại.
Lý do tôi đến Huế
Cách đayâ 24 giờ đồng hồ, tôi rời quận đường Phước An BAN MÊ THUỘT nơi đóng BCH hành quân của Chuẩn tướng Lê trung Tường, Tư lịnh SĐ 23 BB, vào 8 giờ tối.
Một tình cờ may mắn, tôi gặp Đại úy Hoàng, cũng là một sĩ quan cùng khóa, biệt phái bay cho Tướng Tường. Anh ta cho biết "phải đem tàu" về Nha Trang tối nay theo lịnh thượng cấp.
Tôi hỏi vặn lại:-bạn Hoàng này, tại sao không về Cù Hanh Pleiku "
Lúc đó, tôi nghĩ về Pleiku, xuống "holiway", Bộ chỉ huy Liên đoàn 2 BĐQ của Chuẩn tướng Tất, để lấy mấy túi đồ đạc tôi đã gửi ở ban tư liên đoàn, chứ không có ý gì khác. Đại Úy Hoàng cười trả lời:
-cái đó tôi không biết à ! Tôi cũng muốn vế Pleiku nhưng lịnh Không đoàn phải về Nha Trang, đi hay không đi tùy bạn.
Thế là tôi phải giã từ vội vã, ra khỏi vủng tử địa không nên chần chừ. Tôi chào Tướng Tường và cả bộ tham mưu SĐ 23 BB. Tôi còn nhớ Tướng Tường bưng ly bia cồ "con cọp" mới uống một nửa:
-Các anh làm gì gấp gáp dữ vậy. Tui còn ở đây mà. Giọng tướng Tường đặc sệt miền Trung, nhưng tôi cũng hiểu.
-Dạ không phải. Phim ảnh tin tức cần thời-gian-tính, phải đem về Saigon phát hình tin tức...
Thế là sau những cú bắt tay vội vàng, tụi tôi "chuồn" theo trực thăng Đại úy Hoàng lái, về tới Nha Trang lúc 9 giờ tối 23 tháng 3 năm 75. Tôi không ngờ đó là những cái bắt tay cuối cùng với những người chiến sĩ trong SĐ 23 BB tại quận đường Phướcù An, ban Mê Thuột...
Đêm hôm đo, tôi vào đài Truyền Hình VN Nha Trang gặp trưởng đài Phan huy Hạp., mượn điện thoại liên lạc gấp với Saigon. Thượng cấp tôi là trung tá Lê vĩnh Hòa, thay vì lo vé Air Vn cho tôi về Saigon, bảo tôi đợi ông liên lạc với Ông Phụ tá Tổng Thống Hoàng đức Nhã kiêm Tổng ủy trưởng Phủ Dân Vận đã. Kết quả là "ngày mai sẽ có thu hình viên khác ra thay thu hình viên Lê chí Đức đi cùng tôi mấy ngày qua, còn tôi là phóng viên chiến trường của Đài, tiếp tục nhiệm vụ ra Đà Nẵng Huế. Lúc 7:30 có chuyến quân sự C-130, tôi phải theo chuyến đó lên đường ngay!"
Tôi xa Saigon cả tuần, đồ đạc thất lạc trên Pleiku, đành phân trần: "Dạ đi tiếp thì được, nhưng áo quần đồ đạc mất hết ở Pleiku rồi, làm sao ra Đà Nẳng Huế được". Trung tá Hòa trấn an: -đừng lo, cần thì mai có người mang đồ 4 túi và đồ đạc ra cho anh!
Trong đầu tôi lúc đó liên tường ngay đến người bạn gái ở Huế có cái tên rất lạ: Quý Hương. Hai chữ Quý Hương đã thôi thúc tôi nên tôi chấp nhận chỉ thị ngay. Trước khi cúp điện đàm, tôi nói với trung tá Hòa tin BTL QĐ 2 đã di tản chiến thuật về Nha Trang, nhưng ông Hòa nạt tôi trong máy: "ê mậy, nghe tin đồn thất thiệt, coi chừng bị lột lon và trả về quân đội đó ".
................
Ngày cuối cùng ở Huế
Kỳ đài Huế sừng sững với lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phấp phới trong nắng sáng. Mới hơn mười giờ rưỡi, Trên sông Hương không một bóng đò. Phía bên kia sông, xe cộ vẫn chạy ngược xuôi. Người đi xe đạp rất đông, ai nấy có vẻ vội vàng.
Ngay chỗ tôi đứng, con đường Lê Lợi không có bóng xe chạy: lưu thông bị cấm cản bởi những hàng rào kẽm gai kéo chặn ngang đường. Hai trường trung hoc Đồng Khánh và Quốc Học không một bóng học trò. Hình như họ đã lo di tản, hoặc chạy trốn tránh ở một nơi an toàn nào đó, không ai biết. Tòa Hành Chánh Thừa-Thiên cũng không hoạt động, im vắng.
Tôi có cảm giác không khí chiến tranh tới gần và hơi ghê rợn khi nghĩ lại cảnh chết chóc, heo ăn thịt người nên không ai dám ăn bún bò hồi Tết Mậu Thân tại Cố đô Huế. Tôi thấy ớn lạnh sau gáy khi biết rằng mình đang đứng trên kinh đô Huế trong một thời điểm vô cùng nguy hiểm và tai họa chiến tranh sẽ đổ ập xuống lúc nào không hay. Tôi phải xoay sang ý nghĩ khác để đánh bạt đi những hình ảnh tóc tang cũ như có cơ muốn kéo trở về trong đầu tôi. Tôi nghĩ tới hình ảnh tươi mát của cô gái Huế, gia đình Hoàng tộc tên thật dài Nguyễn phước huyền tôn nữ Quý Hương. Điều này giúp tôi phấn chấn tinh thần hơn lên. Bằng mọi cách, tôi phải liên lạc được với nàng, xem an nguy ra sao, liệu bề giúp đỡ.
Tình yêu là lý do duy nhứt thúc đẩy tôi ra Huế trong chuyến này, lành ít dữ nhiều, khó lòng tiên đoán được.
Vị đầu tỉnh cuối cùng của Huế, Đại tá Nguyễn hữu Duệ, với tôi là chổ từng quen biết trước ở Saigon, khi ông là sĩ quan cao cấp phụ tá Tổng Cục CTCT QL/VNCH. Mặt khác, em ông là phóng viên Nguyễn sĩ Hòa cùng làm chung tòa báo Hòa Bình với tôi, gặp tôi hàng ngày lúc đi săn tin tức !
Bởi thế, khi nghe tôi trình bày mục đích của chuyến công tác thực hiện phóng sự hình ảnh miền Trung, ông đã không ngần ngại cho tùy viên lái chiếc công xa FB-1620 cho tụi tôi đi quay phim phóng sự hình ảnh Cố đô. Xe qua cầu Trường Tiền thấy người đi xe đạp thì nhiều, trong khi chợ Đông Ba vẫn họp mà người thưa thớt. Con phố duy nhứt Trần hưng Đạo mở cửa sinh hoạt bình thường. Nhiều người thấy chug tôi quay phim thu hình đã bu lại hỏi thăm tin tức. Nhiều đứa trẻ chạy theo chỉ chỏ ,quan sát và reo hò vui vẻ. Người Huế địa phương nói giọng khá nặng, tôi nghe tiếng được tiếng không. Nhiều phu nữ gồng gánh đồ đạc chạy về phía biển. Tôi chận lại hỏi, họ nói "phía bên kia về trên núi đông lắm !", rồi vội vã gồng gánh bước đi như bị đuổi chạy.
Xe vô trong Thành Nội qua cửa Đông Ba Đen, vòng ra cửa Thượng Tứ, thấy sinh hoạt thưa thơt, xe đạp nhiều hơn xe hơi. bến xe đò chẳng còn xe vô Đà Nẵng hay ra Quảng Trị nữa. Chỉ còn những chuyến xe buýt địa phương về Kim Long, An Cựu, Bến Ngự hay Đập đá. Tôi vào khu nhà sĩ quan ở Huế, khu Tình Thương để tìm nhà Quý Hương. Thấy cửa sắt khóa chặt mấy vòng xích, tôi nghĩ gia đình nàng chắc đã chạy vào Đà Nẵng rồi. Qua Bộ tư lịnh Sư Đoàn I BB ở Mang Cá thấy có lính gác cẩn thận, kẽm gai rào cản dàn ra nhiều lớp tỏ vẻ đề phòng cẩn mật, nhưng không khí tuyệt nhiên im vắng...
HUẾ vẫn mỹ miều trong nắng sáng. Cho đến khi tôi qua Ty Ngân Khố, mới thấy sự khác biệt. Vài chục thương phế binh ngồi lê lết trước mặt tiền Ty Ngân Khố chờ lãnh tiền hưu bổng quân đội vào nhng ngày cuối tháng. Thấy chúng tôi mấy người bu lại hỏi và nhờ khiếu nại. Tôi đi vào trong Ty, thấy một tấm biển treo có chữ "TẠM NGHỈ". Tôi gõ cửa, không tiếng tả lời. Chúng tôi liền qua Ty Bưu điện để gọi điện thoại về tòa báo Hòa Bình, nơi tôi từng làm việc nhiều năm.
Cảnh sát sắc phục Huế vẫn còn canh gác lưu thông bên phố Trần hưng Đạo. Đài Phát Thanh còn người vô ra, Bưu điện còn xử dụng rất tốt. Điểm đặc biệt nhứt là những vạn đò trên sông Hương, cuối chợ Đông Ba từng đậu dày đặc trước đây, nay đã biến dạng: mặt sông trống vắng, khác lạ vô cùng!
Chúng tôi đảo một vòng khắp Huế xong, dừng chân lại đài truyền hình Huế số 15 Lý thòng Kiệt. Tại đây, vị sĩ quan CSDC bảo vệ đài cho biết Trưởng đài đã vào Đà nẵng hai hôm rày không thấy trở lại. Tôi dùng điện thoại của đài gọi về Saigon báo cáo với Trung tá Hòa. Ông bảo tôi ngủ lại đài THVN Huế. ôi từ chối và nói ngủ ở tư dinh Đại tá Tỉnh Trưởng an toàn hơn.
Bữa cơm tối cuối cùng ở Huế.
Thực hiện phóng sự hình ảnh sinh hoạt Huế xong, chúng tôi về tư dinh Đại tá tỉnh thị trưởng lúc chạng vạng, khoảng 6 giờ chiều.
Một nhóm người thiểu số sắc tộc chạy từ phá Nông, Truồi chạy dọc theo sông Hương về phía Thuận An. Đường Lê Lợi trước mặt Tòa hành chánh được Địa phương quân canh gác với nhiều rào cản kẽm gai. Tôi chận một số người đứng sát bờ sông Hương phía ngoài vòng kẽm gai hỏi họ từ đâu tới. Mấy người này nói giọng rất khó nghe, tôi phải nhờ anh tài xế Phước "thông ngôn" lại: -ở trên miệt Truồi, lội cả ngày mới về tới đây. Răng còn bao xa tới biển "
Anh Phước cho biết Nông Truồi thuộc vùng núi, an ninh không được bảo đảm.
Trong khi xe vào trong khuôn viên, đậu ngang hông tư dinh, tôi thấy một chiếc trực thăng HU1B đậu ở phía sau. Tên mặt đất còn sót lại nhiều mạc gỗ mới nguyên, một gốc cây khoảng hai người ôm còn hiển hiện. Tôi quay qua hỏi anh Phước:
-Trực thăng không đậu trước bãi cỏ công viên ngoài tư dinh từ bao lâu rồi "
-Hôm qua, đại tá Tỉnh trưởng dùng cả tiểu đội gấp rút hạ cây cổ thụ, đem trực thăng vào sau tư dinh, phòng thủ an toàn hơn, có gì nguy hiểm, trực thăng bốc thẳng tiện hơn chạy ra ngoài bãi đáp trước mặt dinh cả trăm thước.
Tôi đến gặp phi hành đoàn chiếc trực thăng biệt phái cho tiểu khu, rồi sau đó nói với thu hình viên Đông:
-Bạn kiếm chiếc ghế bố chắn ngang cửa sổ để ngủ.Nửa đêm nửa hôm có gì xảy ra phóng tới trực thăng không đầy một phút. Mà nhớ tỉnh táo đừng mê ngủ nghe bạn. Còn tôi bám sát phi hành đoàn,bạn canh tàu. Đường sống duy nhứt của tụi mình đêm nay đó.
Đại tá Duệ cho tôi ăn cơm tối và báo còn một vài người nữa. Tôi hòi gồm những ai, Đại tá Duệ chỉ cười giữ bí mật và vỗ vai tôi: "Em sẽ biết sau."
Lát sau, tôi được Đông gọi ra ăn cơm. Vừa bước vào phòng ăn, Đại tá Duệ vồn vã giới thiệu hai ông Tướng đã ngồi sẵn trong bàn tiệc:
-Giới thiệu Trung tướng và Thiếu tướng, đây ký giả Thượng Châu của nhật báo Hòa Bình.
Người mang 3 sao là trung tướng Lâm quang Thi, tư lịnh tiền phương phụ trách hành quân từ vĩ tuyến 17, Quảng Trị và Thừa Thiên. Còn vị tướng 1 sao là Chuẩn tướng Nguyễn văn Điềm, tư lịnh SĐ 1 BB.
...
Vừa ngồi xuống ghế , bỗng có chuông điện thoại reng vang cạnh đó. Viên sĩ quan tùy viên trao ống nghe cho Đại tá Duệ. Tôi nghe tiếng trả lời:
-Dạ thưa trung tướng, đại tá Duệ tôi nghe!
Cả hai vị Tướng cùng nhìn phía ông Duệ.Tôi thắc mắc trong đầu Trung tướng nào đây, hay là Trung tướng Ngô quang Trưởng, tư lịnh quân đoàn I.
Bỗng dưng Đại tá Duệ quay mặt hướng về Trung tướng Thi, lấy tay ra dấu vị tướng đầu giây bên kia muốn nói chuyện với tướng Thi.
Tôi thấy Trung tướng Thi đứng bật dậy, đưa hai tay lên khỏi đầu, quơ qua quơ lại tỏ ý ông ta không có đây. Liền đó, chuẩn tướng Điềm cũng làm y hệt Tướng Thi, đưa hai tay lên cao quơ qua quơ lại biểu lộ không muốn nghe và nói điện thoại.
Tiếng Đại tá Duệ nói như sắp khóc:
-Trình Trung tướng, cho phép tôi tháo kho gạo an toàn của Thừa Thiên phân phát cho binh lính tiểu khu...tử thủ.
Tự dưng ông Duệ lấy tay bịt ống nói trong khi tai vẫn nghe, và nói với tôi:
-Châu, em đi lên lầu đi, lúc này em có mặt không tiện.
Tôi chứng tỏ hiểu biết, đứng dậy gật đầu "tổng chào" xong đi thẳng vào trong, lên cầu thang thật chậm để nghe lén. Tai tôi vẫn còn nghe giọng ông Duệ khẩn khoản nói như phân bua:
-Trình trung tướng, tôi thấy tình hình chưa đến nỗi nào. 24 giờ qua không có đụng độ đáng kể. Tôi có biết TQLC họ rút. Dân Quảng Trị chạy vô nhập với Thừa thiên Huế tạo ra ứ đọng nghẽn lưu thông trên đường lên đèo Hải Vân, gần Lăng Cô. Tâm lý mọi người giao động lắm, dân trong thị xã mua thực phẩm khô và gạo dự trữ tạo khan hiếm nhất thời...thưa Trung tướng...

Tôi lên lầu, cùng Đông và phi hành đoàn ăn cơm tối. Có ai ngờ đâu đây là bữa cơm cuối cùng tại Huế của đời tôi làm phóng viên chiến trường.
Sau bữa cơm, tôi và Đông ra trước bao lơn tư dinh đứng dựa thành uống bia 33 con cọp nhà nghe ngóng, đảo mắt nhìn ra phía trước sông Hương. Mặt nước sông lấp loáng phản chiếu ánh đèn đường bên Phú văn Lâu và phố Trần hưng đạo dọi xuống.
Huế tối nay im lặng hoàn toàn thật ngột ngạt. Những gì tôi nghe Đại tá Duệ nói và hình ảnh từ chối nhận lịnh bằng điện thoại của 2 tướng Thi và Điềm vẫn vướng mắc trong đầu tôi. Tôi cũng chưa biết vị Trung tướng kia là ai.
Đông nói với tôi:
-Tối nay không nghe ai rao bán hột vịt lộn hay chè cháo gì ráo, chắc họ chạy hết trơn rồi chăng "
-Cũng như ông, tôi thấy là lạ. Tới Huế mà không có mục ngủ đò, âu cũng là một thiếu sót...Nói chơi, chớ tình hình có vẻ nghiêm trọng lắm. Đêm hôm có gì xảy ra nguy hiểm lắm Đông ơi ! Mà sao không nghe một tiếng súng nổ nào, kể cũng lạ...Hay là VC đang rình rập bên ngoài, chờ mình ngủ quên mới ra tay dứt điểm " Bạn nhớ tỉnh táo ngủ trên ghế bố ngay cửa sổ, tôi ngủ với phi hành đoàn...
Ra khỏi Huế bằng trực thăng
Trời vừa rạng sáng hôm sau, tôi và thu hình viên Đông đã dậy vác máy móc đồ đạc đi rảo một vòng tư dinh. Chiếc trực thăng vẫn nằm bất động phía sau tư dinh.Những cánh hoa hường nở rộ ở sân trước trông rất đẹp mắt.
Chúng ta ra trước cổng trên lối đi trải sỏi, bước chân tạo ra tiếng động rào rạo. Đến bên chòi gác, tôi gặp hai người lính Địa phương Quân trong tư thế phòng bị và bắt chuyện:
-Mấy anh khỏe không, đêm rồi yên tịnh hoàn toàn không nghe tiếng súng vọng về.
Một trong hai người nói:
-Dạ răng mà yên tịnh quá. Thấy báo động một trăm phần trăm nhưng sao chưa thấy chi hết. Hồi khuya có nhóm người sắc tộc thiểu số lội bộ về phía dưới tê, xe tuần tiểu báo cáo không có gì lạ.
Bỗng dưng tôi nghe tiếng xe chạy trên sỏi từ trong Dinh ra cổng. Tôi quay lại, đúng lúc xe Đại tá Duệ cùng "bầu đoàn thê tử" đi trên 2 xe jeep ngừng bánh bên cạnh. Đại tá Duệ nói như gắt:
-Anh phải vào phòng hành quân Tiểu Khu, em lo kiếm cách nào để về Saigon đi!
Tôi nhanh nhẩu xin theo: "Anh cho tụi này đi theo với anh", nhưng ông Duệ nói như nạt vào mặt tôi:
-Không được. Em tự lo liệu lấy. Ai bắt em ra đây, kêu họ lo cho em về, anh phải đi ngay cho kịp.
Hai chiếc xe jeep vọt nhanh về hướng cầu Trường Tiền.
Đông lo âu quay sang hỏi tôi:
-Nguy rồi ông ơi ! Làm sao về saigon đây, Cả Air VN lẫn kaki đều ngưng bay mười ngày nay rồi. hay là mình kiếm phương tiện về Thuận an coi có trực thăng như bạn ông cho biết hôm qua !
-Để tôi nghĩ xem sao, đừng hốt hoảng.
Chợt nhiên có tiếng đông cơ trực thăng từ xa vọng lại, càng lúc càng rõ. Tôi nhìn về hóng cầu Trường Tiền, từ phía biển ngược sông Hương lên, một chiếc trực thăng dân sự. Tôi dụi mắt, nghĩ mình nhìn lầm nên hỏi Đông:
-Ê bạn, có thấy trực thăng HU 1 B loại dân sự bao giờ chưa " Đó, đó bạn có thấy giống loại HU1B không "
Tôi vừa đưa tay chỉ hướng trực thăng đang bay tới, bỗng thấy xuất hiện hai chiếc xe Jeep loại Scout của Mỹ từ phía Tòa Hành Chánh Thừa Thiên chạy ra bãi đáp trực thăng trước mặt tư dinh Tỉnh Trưởng...
Tôi mở cờ trong bụng, mừng hơn trúng số. Bằng mọi cách phải đeo theo trực thăng này để sống còn, thoát ra khỏi Huế.
Trực thăng đáp thẳng xuống bãi một cách nhanh chóng. Thì ra Air America, có người gọi là máy bay CIA, cánh quạt vẫn quay mù tít.
Tôi hét vào tai Đông: "ông dùng camera ủi càng, không cho lên cũng không được. Cứ nhảy đại lên, lỡ tàu là chết cả lũ !
Cánh cửa trực thăng mở. Gió do cánh quạt gây ra vần vũ. Mặc kệ, tôi thủ sẵn Thẽ báo chí MACV có in thanh gươm đỏ của Hoa Kỳ cấp, chìa cho người Mỹ coi, mồm la lớn đế át tiếng động cơ trực thăng:
-Press, press ! We need get out here, Please help !
May mắn quá. Không có gì trở ngại. Đông nhảy lên trước, kế đến tôi. sau đó, tôi thấy mấy người VN liệng lên sàn tàu gần một chục bao tải lớn, loại đựng thư bưu điện. Và, bốn người VN gồm 3 đàn ông một bà cụ già.
Mọi diễn biến nhanh nhu chớp mắt. Không đầỳ 5 phút sau, chiếc trực thăng Air America đã bốc thẳng lên cao, giữa bầu không khí tự do trong lành. Tôi cố mở to mắt nhìn thành phố HUẾ chạy lùi phía dưới, cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba... và rồi lấp loáng chói chang ánh nắng ban mai phản chiếu từ mặt nước đại dương lên: máy bay ra tới biển!
Đông dùng vai hất tôi, cười khì tỏ vẻ khoái chí, trút khỏi nỗi lo trong lòng:
-Mình thoát rồi ông ơi! May gớm, hy vọng mình về một chỗ an toàn hơn.
Thiệt ra chúng tôi không biết chiếc trực thăng sẽ bay về đâu. Địa điểm gần nhất là Đà Nẵng. Hai phi công mắt xanh mũi lõ cùng với 1 người Mỹ khác ngồi bên hông tàu. Tôi hỏi dò bà Cụ đi về đâu.
-Vô Đà Nẵng, bà cụ đáp lại.
Rồi chúng tôi bắt chuyện với mấy người đàn ông VN kia. Họ nhìn máy quay phim và tỏ ra thân thiện: "Mấy ông nhà báo chỗ nào tới cũng được, không có danh sách đi trực thăng cũng đi được như thường".
Qua đó, tôi biết họ là nhân viên Tòa Lãnh Sự HK ở Huế, có nhiệm vụ áp tải những giấy tờ tài liệu vô Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Đà nẵng. Còn bà cụ là thân mẫu Thiếu tá Hóa, sĩ quan tùy viên Thiếu tướng Phú tư lịnh Quân đoàn II.
Lúc trực thăng đáp xuống Đà Nẵng, tôi coi đồng hồ đeo tay: 9:35 sáng.
Minh Châu mất liên lạc.
Tôi liên lạc với Đài Truyền Hình Saigon. Trung tá Hòa, Tổng cục trưởng truyền thanh truyền hình chỉ thị cho tôi ở tại phi trường Đà Nẵng để đón phái đoàn Giám đốc, trưởng khối thuộc Phủ Dân Vận từ Saigon ra ủy lạo cán bộ dân vận Vùng 1.
Phái đoàn gồm 6 người, trong đó có trưởng khối kỹ thuật, kỹ sư Cao đắc Tuyên, Phụ tá hành chánh hệ thống trưởng THVN Nguyễn tiến Thịnh, Trưởng khối thời sự Trần Sum,..được tôi và Đông nằm chờ đón ở phi trường. Họ sẽ đến bằng chuyến bay Boeing.

Trong lúc rảnh, tôi mượn điện thoại quân sự trong phi trường gọi ra Huế cho Đại tá Duệ qua tổng đài quân sự Huế Minh Châu, thì bất ngờ biết tổng đài Minh Châu mất liên lạc . Lúc ấy mới 10 giờ sáng, rõ ràng tôi mới từ Huế vào Đà Nẵng chưa được bao lâu, sao có sự lạ kỳ vậy " hay là trở ngại kỹ thuật chăng "
Tôi hỏi một người em làm ở truyền tin không quân, nó quả quyết "Minh Châu coi như hết liên lạc".
Tôi gọi điên thoại cho bác sĩ quân y Đồng sĩ Nam để hỏi tình hình thành phố Đà nẵng tôi vừa đến, tình cờ được tin gia đình Quý Hương (bạn gái tôi) từ Huế chạy vào đang tạm trú tại đó, tôi biết thêm vé air VN đi Saigon đã hết sạch, khó ai mua được nữa ! Tôi tức tốc chạy đến trạm bán vé Air Vn gặp được ông Mân chi cuộc trưởng Air VN Đà nẵng. Ông Mân xác nhận không còn một vé đi Saigon. Nể lời tôi, ông bán cho tôi một số vé không ghi ngày đi, tôi mua giùm cho gia đình Quý Hương.
Đến 1 giờ trưa, phái đoàn Dân Vận từ Saigon ra tới. Những giới chức này thuộc loại ngồi văn phòng nên không có cái bén nhạy của dân lăn lóc chiến trường như tụi tôi. Họ bắt tay tôi và Đông với nụ cười rạng rỡ trên môi, tuồng như không có để ý gí đến nguy hiểm có thể sẽ xảy ra. Họ cho biết, lịnh thượng cấp phải ra Huế để tháo gỡ bộ phận điện tử phát hình ở Đài HUẾ, nếu VC chiếm được cũng không thể xử dụng được nữa. Tôi nói nhỏ với Trưởng phái đoàn: "Huế đã mất liên lạc, làm sao ra được".
Ông hạch hỏi tôi: "Bạn mới từ Huế vào, làm sao mất lẹ vậy được, nói chơi hoài bạn!"
-Tôi nghĩ chỉ có cách đến văn phòng tướng Trưởng, tư lịnh Quân đoàn xin trực thăng ra Huế, may ra còn kịp.
Thế là sau đó chúng tôi dùng xe Dân Vận vùng I đến ngay BTL/QĐ, được Đại tá Hoàng mạnh Đán thay mặt Quân đoàn tiếp đón. Đại tá Đán nói: "Tình hình quân sự rất sôi động và phức tạp, không hiểu quí vị từ Saigon ra đây với mục đích gì, chúng tôi tiện bề giúp đỡ !"
Vị trưởng phái đoàn Dân Vận trình bày tự sự: "Chúng tôi ra đây có hai việc, ủy lạo gia đình cán bộ dân vận, và tháo gỡ đài phát hình tại Huế, nên cần giúp phương tiện trực thăng ra Huế gấp. nếu có gì xảy ra, đối phương xử dụng đài truyền hình thì tai hại cho việc thông tin tuyên truyền của ta"
Đại tá Đán đưa tay xoa đầu, tỏ vẻ khó nghĩ:
-Vấn đề trực thăng tôi không có thẩm quyền quyết định, chỉ có Trung tướng tư lịnh. Nhưng hiện tình hình căng thẳng, Trung tướng bận họp không thể tiếp quí vị được. Riêng tôi, qua những dữ kiên có trong tay, được biết trực thăng điều động di chuyển quân còn kiếm không ra, làm sao chúng tôi thỏa mãn yêu cầu quí vị được !
Một vài người khẩn khoản thuyết phục thêm: "Đại tá nghĩ còn cách nào giúp chúng tôi hoàn thành công tác thượng cấp giao phó""
Bằng một giọng nói coi mòi quyết liệt, dứt khoát, Đại tá Đán đứng dậy tuồng như mời khéo, vừa chìa tay ra bắt vừa nói:
-Tôi nghĩ hết cách rồi, không có cách nào hơn, tiếc rằng chúng tôi không thể giúp được. Tôi khuyên các anh nên lo về lại Saigon trình thượng cấp nhưng khó khăn không thể thực hiện công tác chỉ định. Thôi, không có nhiều thì giờ, chúc các anh may mắn, tôi phải đi họp bây giờ!
Cuộc tiếp xúc diễn ra nhanh ngoài dự tưởng. Chưa đầy mười phút, cũng không có trà nước mời mọc như bình thường.
Bắt tay đại tá Đán xong, tôi lỉnh ngay ra nói với phụ tá Nguyễn tiến Thịnh: " số điện thoại này để liên lạc với tôi ở Đà Nẵng, có gì cần gọi đây. Tôi và Đông còn phải thực hiện phóng sự hình ảnh những ngày loạn lạc này gửi về cho Saigon !"
Anh Thịnh trợn mắt nói với tôi: "Ê, bộ thấy tình hình gay cấn quá găng, bỏ anh em đi một mình hay sao ""
Tôi trấn an: -Không phải dzậy đâu, anh cứ yên tâm, đã đến nỗi nào bi quan quá!
Rồi tôi và thu hình viên Đông tách đi riêng, lo thu hình phỏng vấn dân chúng Đà Nẵng. Trời nắng chang chang. Khi chug tôi tới bờ sông Hàn, thấy dân chúng xô bồ, chen lấn nhau từ ghe, phà lên đất liền, người người đặc nghẹt. Họ từ các nơi kéo về, đổ ra đường, khiến lưu thông đòng phố tắc nghẽn. Tôi với Đông phải thuê xe honda thồ để dễ luồn lách qua đám đông đi quay phim sinh hoạt Đà Nẵng.
Thị xã Huế thưa thớt bao nhêu, thì Đà Nẵng đông đảo nhộn nhịp khác thường. Tôi nghĩ VC có thể đã trà trộn trong dân xâm nhập vô Đà Nẵng khó ai hay biết. Hoàn toàn không nghe tiếng súng, trong khi trời vừa nóng, người chen nhau đi lại đông đúc xông lên không khí oi nồng khó thở. Nhiều người dân lên tiếng chỉ trích Chính phủ, chúng tôi vẫn thu, về saigon phần nào xài được họ chiếu trên ti vi, phần nào không có lợi thì cắt xén bỏ đi ...
....
Chúng tôi tới Tòa Thị Chính, gặp Đại tá Tôn thất Khiên cựu tịnh trưởng Thừa Thiên, được biết ông sau khi được Đại tá Duệ thay thế chức vụ tỉnh trưởng, ông làm trong văn phòng AQuoc vụ Khanh Phan quang Đán lo về bình định phát triển. Đại tá Khiêm ra Đà Nẵng lo việc tỵ nạn và di tản. Qua câu chuyện, ông cho tôi biết chính phủ đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn của Việt hóa chiến tranh, ngân khoản eo hẹp, dân chúng chạy lánh nạn Cộng sản về thành phố không có chỗ tạm trú, thực phẩm cung ít hơn cầu, thành ra khan hiếm, cộng với tình trạng chợ đen làm tình hình thực phẩm bi đát thêm.
Tối hôm đó chúng tôi ngủ lại nhà bác sĩ quân y Đồng Sĩ Nam, bác của Quý Hương. Quá nửa đêm, bất thần có điện thoại gọi tôi. bên kia đầu giây giọng anh Thịnh Dân vận nói thất thanh:
-Ê, bạn làm sao liên lạc Saigon nói giử chỗ Air VN để mai về. VC kéo đi ngang trước chỗ tụi này cả hàng trăm tên, hình như chúng tấn công căn cứ radar Sơn Chà, cách đây không xa. Nhớ lo cho tụi anh, kẹt ngoài này chết cả lũ !
-Bộ này phát thanh Đà Nẵng không có lính hoặc CSDC bảo vệ sao "
-Có, nhưng tụi nó đông quá đi ngang trước đài, mình đâu dám nổ súng. để yên cho chúng, chúng để yên cho mình. Cầu trời mọi chuyện đêm nay êm đẹp mai sẽ lo về saigon. Mà em nhớ gọi cho anh Hòa báo cáo tình hình nguy ngập cần sự giúp đỡ của trung ương.
-anh yên tâm, tôi gọi saigon ngay !
Tôi gọi qua tổng đài Khánh Vân nhờ em tôi liên lạc Saigon, bày kế:
-Nói ông Hòa gọi ngay Phụ tá nhờ đánh công vụ lệnh cầm tay qua Air VN, trưng dụng 10 chỗ để phái đoàn ưu tiên trở lại Saigon.
Để chắc ăn,tôi gọi vào phòng điều hợp không vận Bộ Tổng tham mưu có trung tá Cương tôi quen biết, kiếm đường bay quân sự cho phái đoàn dân vận. Thật may, nửa khuya gặp ngay trung tá Cương:
-Thượng Châu đây thưa trung tá, có chuyên nhờ trungtá giúp gấp. Phái đoàn dân vận saigon không có chỗ air VN về lại Saigon, có cách nào giúp họ không.
Trung tá Cương nói rõ số chuyến bay C-130 ngày mai, bảo đảm giữ được chỗ, và hẹn phải vào phi trường trước 10 giờ...
Đà Nẵng hỗn loạn
Trời vừa rạng sáng đã có tin đường bộ QL-I bị cộng quân cắt đứt gần Quảng Ngãi. Đà Nẵng chỉ còn hai cách thoát ra ngoài là đường hàng không và đường thủy.
Có hai chiếc tàu thương mại, thuyền trưởng cho nhổ neo rời bến trành dân chúng ùa lên. Còn một chiếc tàu Hải quân VN nằm trong khu quân sự có lính bồng súng canh gác cẩn thận nêndân không dám héo lánh tới. Còn Air VN thường ngày chỉ một chuyến boeing 727 đến và đi, nay tình hình sôi động, đã tăng cường thêm phản lực cơ Caravel lấy từ Kampuchia về.
Tôi đề nghị gia đình Quý Hương vào hết phi trường Đà Nẵng, ai đi được thì đi, còn tôi và Đông cũng phải "nhổ neo" theo phái đoàn dân vận về lại Saigon, không thể nào nán lại thêm nữa.
Gia đình bác sĩ nam và Quý Hương lên chiếc Jeep và Scout vô phi trường, nhờ đi sớm, nên vào lọt không mấy khó khăn. Một giờ sau, đà Nẵng hỗn loạn. QWuan cảnh chận kẽm gai không cho xe nào vô nữa ngoài trừ công vụ lịnh. Trong lúc đó, đài phát thanh Đà Nẵng kêu gọi dân chúng bình tĩnh, đề cao cảnh giác..
Phái đoàn dân vận gặp chúng tôi trong phi trường, ai cũng mừng rỡ như đã tìm ra sinh lộ sống còn. Họ chưa bao giờ thấy VC bằng xương bằng thịt di chuyển tiến chiếm mục tiêu như ở đêm hôm qua.
Kỹ sư Cao đắc Tuyên trưởng khối kỹ thuật từng phục vụ hàng không VN trước khi sang làm Truyền hình VN nên quen biết nhiều, đã ngoại giao với pilot chuyến air VN đầu tiên bay về Saigon trước. Nhóm anh em còn lại phải chờ đến chuyến thứ hai. Trưởng khối thời sự Trần Sum có mang theo khẩu súng lục bị phát giác, phải quyết định bỏ súng lại Đà Nẵng mới được cho lên tàu. Diệu kế của tôi vậy mà hữu hiệu, tiếp viên phi hành nói trên loa phóng thanh yêu cầu phái đoàn Phủ dân vận ưu tiên lên tàu. Phái đoàn thừa chỗ trống của ông Tuyên đã đi trước và chỗ của tôi, tôi đưa Quý Hương và người chị lên điền thế, và nhờ Đông lo chuyện đưa Quý Hương về nhà ở Saigon.
Đặc biệt ngày hôm đó Air Vn tăng cường thêm hai chuyến buổi chiều, ra cùng giờ, tàu trống trơn. Chiếc thứ nhất bị trực thăng chận ngoài phi đạo, còn chiếc thứ hai vô tới trạm hành khách với chỉ một hành khách hiên ngang bước xuống: thiếu tá CSQG Liên Thành !
Vào khoàng 5 giờ chiều, trạm hànhkhach phi trường Đà Nẵng bắt đầu hỗn loạn. Tôi và những người còn lại gia đình Quý Hương vừa qua khỏi cổng xét, thì đám đông đằng sau bắt đầu xô lấn, ùa lên theo!
Phi hành đoàn lo ngại bèn hối hả lên tàu gấp rút chuẩn bị cất cánh. Bác sĩ Nam thấy cảnh hỗn độn, kêu tôi, xong liệng qua rào ba đứa nhỏ cho tôi ôm bồng chạy gấp lên máy bay. Vừa kịp lúc cửa máy bay đóng ập vội vàng.

Sau khi cất cánh, mới biết ba đứa bé là hai trai một gái con của Đại úy CSQG Đồng sĩ Mô, anh ruột Bs Nam. Chuyến bay chở người nhiều hơn số ghế, ngồi chen nhau trên từng chiếc ghế, và máy bay tới Saigon chậm hơn thường lệ nhiều. Khi tới Tân sơn Nhất, trời saigon bắt đầu tối.
Và trong đêm đó, Đà Nẵng loạn lạc bắt đầu, không vận bị cắt đứt, cả C-130 ra di tản gia đình không quân cũng không đáp xuống được.
Người em tôi làm ở Không quân liên lạc với tôi sớm hôm sau, gửi lời chào vĩnh biệt ! Rất may, sau đó cũng tìm được đường vô Saigon, chớ nếu không, tôi ân hận suốt đời...
Những ngày cuối tháng 3 hằng năm, chúng tôi và những người Huế, Đà Nẵng làm sao quên được những ngày dài căng thẳng và loạn lạc để rồi phải bỏ tất cả mà ra đi lánh nạn Cộng sản. Miền năm có tháng Tư đen, nhưng người miền Trung , tháng 3 là tháng đen, bời vùng này lọt vào tay Cộng sản Bắc Việt một tháng trước khi Saigon thất thủ....
San Diego, viết lại trong những ngày mưa cuối đông.
THƯỢNG CHÂU

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.