Hôm nay,  

Sẽ Thoát Hiểm Cpc?

30/10/200900:00:00(Xem: 4098)

Sẽ Thoát Hiểm CPC"

Trần Khải
Tình hình trông có vẻ như Việt Nam sẽ thoát hiểm CPC, một danh sách có tên là Các Nước Quan Ngại Về Tự Do Tôn Giáo, sau khi Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố Phúc Trình 2009 về tình hình tôn giáo trên thế giới, và cho biết danh sách CPC sẽ công bố cuối năm nay.
Bởi vì, tuy chỉ trích các “vấn đề lớn còn tồn tại” trong tình hình tôn giáo tại Việt Nam, nhìn chung Bộ Ngoại Giao Mỹ ca ngợi rằng VN đã có tiến bộ hơn, cởi mở hơn về các sinh hoạt tôn giáo, kể cả các hội thánh Tin Lành tại gia chưa có giấy phép. Thậm chí, tuy là có kể ra chuyện nhà nước CSVN mạnh tay đàn áp ở giaó xứ Thái Hà, giáo xứ Tam Tòa và Tu Viện Bát Nhã, nhưng toàn cảnh chung cho thấy Hoa Kỳ không muốn đưa CSVN vào danh sách trừng phạt vì tội đàn áp tôn giáo.
Báo Washington Post hôm Thứ Ba 27-10-2009 tường thuật về buổi họp báo của Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton  hôm Thứ Hai, chủ yếu là tập trung vào tình hình quyền tự do phát biểu ở các nước Hồi Giáo, nơi quyền tự do phát biểu thường khi bị chụp mũ là phạm thánh.
Nhìn chung, mọi chuyện dưới triều đại Barack Obama cũng có vẻ không có gì khác biệt với các chính phủ trước: dù là nhân quyền và tự do tôn giáo được đề cao, nhưng quan hệ ngoại giao vẫn ưu tiên là quyền lợi của đất nước Hoa Kỳ.
Báo Washington Post nói nhiều nhà hoạt động tôn giáo bình luận rằng bản phúc trình tôn giáo 2009 không đủ xa trong việc trừng phạt hay đề nghị trừng phạt đối với các qúốc gia đàn áp các hoạt động tôn giáo. Leonard Leo, chủ tịch Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF), nói, “Cho tới giờ, Tổng Thống Obama nêu lên quyền tự do tôn giáo trong các bài diễn văn của ông ở hải ngoại mà không cho chúng ta thấy Obama có thể đề ra chính sách hành động cụ thể  nào, và hy vọng bản phúc trình này sẽ là lời kêu gọi hành động của chính phủ Mỹ.”
Tuy nhiên... Knox Thames, quyền giám đốc của ủy hội trên, chỉ ra trong bản phúc trình về tình hình tôn giáo ở Saudi Arabia, Pakistan  và Việt Nam, nói, “Tôi nghĩ là lý ra bản phúc trình phải nói mạnh hơn. Thí dụ, như trường hợp Việt Nam, bản phúc trình hoàn toàn bỏ lơ vấn đề các tù nhân. Người ta tin rằng có nhiều người đang bị giam trong tù vì lý do tôn giáo. Chúng tôi nghĩ [bỏ lơ] như thế là sai lầm.”
Và thêm nữa... Tom Farr, nguyên là giám đốc đầu tiên của cơ quan về quyền tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ và bây giờ đang giảng dạy ở đại học Georgetown University, chỉ trích rằng bản phúc trình 2009 của Bộ Ngoại Giao Mỹ là thiếu quân bình, “Bản phúc trình tốn quá nhiều thời gian để chỉ danh ra các vấn đề, nhưng lại không nói đủ về điều gì chính phủ Hoa Kỳ  đang làm và nên làm để giaỉ quyết vấn đề.”
Và thậm chí... Farr còn nói rằng bản phúc trình công bố mà không có hiện diện của một đặc sứ về quyền tự do tôn giáo quốc tế, bởi vì TT Obama chưa đề cử một ai vào chức vụ này. “Tôn nghĩ đây là một dấu hiệu xấu. Không có cớ nào mà để trống chức vụ này như thế bây giờ cả,” theo báo Washington Post.
Thấy rõ, nhiều phần là chính phủ Hà Nội  sẽ thoát hiểm CPC lần này.


Đặc biệt, dư luận chung từ phía các hội thánh Tin Lành là tình hình tôn giaó tại Việt Nam đã cởi mở hơn rồi. Mới tuần trước, Hội Thánh Phúc Âm Ngũ Tuần được nhà nước CSVN cấp giấy đăng ký hoạt động tôn giáo sau hai thập niên bị bố ráp. Điều này chắc chắn Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ biết rõ hơn cơ quan nào hết, vì một người tin cậy của TT Obama trong một cơ quan trực thuộc Bạch Ốc là một mục sư Phúc Âm Ngũ Tuần: mục sư Josh DuBois. Tổng Thống Barack Obama hồi đầu tháng 2-2009 đã ký sắc lệnh thiết lập một cơ quan có tên là Office of Faith-based and Neighborhood Partnerships (Văn Phòng Hợp Tác Khu Phố và Đức Tin), nhằm tiếp cận với các tôn giáo để tạo sự hòa hài xã hội. Obama bổ nhiệm Giám Đốc Văn Phòng này là Josh DuBois, một mục sư Phúc Âm Ngũ Tuần. Trong buổi lễ nhà nước CSVN trao giấy đăng ký  hoạt động tôn giaó cho Hội Thánh Ngũ Tuần, có hiện diện của hai mục sư Mỹ -- Mục sư Jeff Dove và Mục sư Mark Barlift – sang Sài Gòn chứng kiến, và có thể hiểu rằng 2 mục sư khi về Mỹ sẽ nhấc phone nói với mục sư DuBois tại Tòa Bạch Ốc như thế.
Đài BBC hôm Thứ Ba 27-10-2009 cũng phỏng vấn Mục Sư Dương Thanh Lâm, người đứng đầu Phúc Âm Ngũ Tuần ở VN, và mục sư nói nhìn chung là đều có cởi mở tôn giaó, hoạt động thoải mái hơn, “kể cả các hội thánh tại gia chưa có giấy phép.” Còn được hỏi về Tam Tòa, Bát Nhã, mục sư Lâm nói là “không rõ nội tình.”
Thực sự nội tình không có gì bí hiểm... Đơn giản, nếu về tranh chấp đất, thì nhà nước nói đó là quyền sở hữu toàn dân; còn về quyền hoạt động tôn giáo có vẻ lớn mạnh bất ngờ, thì công an sợ bùng phtá khó kiểm soát. Nghĩa là chỉ có 2 lý do: hoặc là kinh tế, hoặc về an ninh.
Bản tin VOA chiều Thứ Hai 26-10-2009 đã viết, trích như sau.
“Phúc trình đánh giá tình hình tự do tôn giáo từ tháng Bảy năm 2008 tới tháng Sáu năm 2009 có đoạn: ‘Xét về một số khía cạnh, việc tôn trọng tự do và hoạt động tôn giáo tiếp tục được cải thiện trong thời gian chuẩn bị phúc trình, dù những vấn đề lớn vẫn còn tồn tại’.
Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu nhận định: ‘Chính phủ (Việt Nam) tiếp tục duy trì vai trò nổi bật trong việc giám sát các tôn giáo được chính thức công nhận. Các nhóm tôn giáo đối mặt với những giới hạn lớn khi tham gia các hoạt động mà chính phủ cho là một sự thách thức đối với quyền hành của họ hoặc quyền lực của Đảng Cộng sản’.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng tình trạng ‘vi phạm quyền tự do tôn giáo tiếp tục giảm bớt’ nhưng cho rằng ‘một số tín đồ tôn giáo, đặc biệt là những ai chưa được pháp luật công nhận, tiếp tục bị sách nhiễu và đàn áp’.
Tuy vậy, báo cáo cho rằng chính phủ Việt Nam ‘nhìn chung đã cho phép các công dân hoạt động tôn giáo một cách tự do hơn’.
‘Chính phủ cũng đã cho phép các tín đồ Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Tin lành tổ chức các cuộc cầu nguyện tôn giáo trên quy mô lớn, với hơn 10 nghìn tín đồ tham gia mỗi một buổi lễ’....” (hết trích)
Nếu chúng ta chú ý ngôn ngữ “một số tín đồ tôn giáo, đặc biệt những ai chưa được pháp luật công nhận, tiếp tục bị sách nhiễu và đàn áp” thì có vẻ như Bộ Ngoại Giao Mỹ không muốn đưa VN vào danh sách CPA... vì thấy rõ cách biệt toán học lớn lao giữa “một số tín đồ” với “trên quy mô lớn, hơn 10 nghìn tín đồ tham gia một buổi lễ.”
Tuyệt vời. Nếu chúng ta thấy khéo léo của nhà nước CSVN trong việc trao giấy đăng ký cho Hội Thánh Ngũ Tuần, thì cũng phải công nhận khéo léo của Bộ Ngoại Giao Mỹ trong việc tung hứng để dọn đường thoát hiểm CPC cho chính phủ Hà Nội.
Thậm chí, Bộ Ngoại Giao Mỹ còn chụp mũ cho người bị đàn áp tôn giáo là người vi phạm luật pháp về tôn giáo, vì chưa được công nhận, và vì đủ thứ lý do trên đời mà ông Barack Obama và bà Hillary Clinton chưa muốn nói tới.
Thêm nữa, sự thật còn là Washington không muốn Hà Nội nghiêng thêm về Bắc Kinh nữa. Thậm chí, Mỹ đang bàn kết thân ngoại giao với Miến Điện, Bắc Hàn... huống gì là với Việt Nam. Như thế, các bản phúc trình và danh sách CPC chỉ là màn gây căng thẳng cho đúng kiểu phim bộ truyền hình kiểu Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.