Hôm nay,  

Thư Viết Từ Kênh 5, Rạch Giá: Mùa Lúa Trúng Lớn, Bị Ép Giá

17/03/200500:00:00(Xem: 5508)
LTS. Lá thư sau đây gửi từ quốc nội, cho thấy tình hình lam lũ của người dân trong lúc cán bộ lúc nào cũng nhiều cơ hội làm giàu.
Kính thăm anh
Anh còn nhớ quê nhà cứ qua tết là cây cối héo queo hay không" Tuy là tiếng còn đang ở mùa xuân mà nắng nóng thấy ông bà ông vải, chỉ có mấy cây xoài đang ra hoa ra trái là coi còn mơn mởn mà thôi.
Năm nay hạn hán coi mòi gay gắt hơn mọi năm nữa, nhưng vùng Rạch Giá này đất thấp, lại canh con nước mà xạ cấy sớm nên bây giờ hầu hết đã gặt xong, thì có mưa hay không chẳng đặt thành vấn đề.
Lúa năm nay trúng quá xá, xấp xỉ 50 giạ/công. Nhớ hồi mình còn nhỏ, trồng lúa mùa một vụ, năm nào được 10 giạ một công thì nông dân đã mừng húm. Ấy là nói lúa gạo đỏ như Nàng dên, Nàng Tây, Tàu binh ...kia cà, chớ gạo trắng thơm như Móng chim, Nàng hương thì năng xuất lại còn kém hơn nữa.
Như vậy một héc ta được gần 7 tấn lúa, cho nên năm nay em trồng có gần 5 hecta, gặt một vụ 3 tháng nếu để lúa lại mà ăn thì gia đình em ăn 30 năm mới hết.
Trong họ nhà mình thì có thằng Quang con rể anh Mai trồng lúa rất giỏi, năm nào nó cũng đi các Viện Lúa hay Nông Trường để học hỏi và tìm mua giống mới, nên ruộng chỉ có 15 công mà nó được nhiều lúa hơn bố vợ cấy nguyên cả lô! Giá lúa ở thị trường hiện nay là 49 hay 50 ngàn/giạ, nhưng con buôn thấy lúa trúng quá nên ép giá còn có 46 ngàn. Vì vậy ai cần tiền tiêu xài gấp lắm mới bán một ít, chứ phần đông vẫn còn dí bồ chờ giá lúa lên.
Mùa này thợ gặt rất hiếm, con trai đua nhau lên Thành phố hay miền Đông như Củ Chi, Thuận An, Bình Dương, Đồng Nai ... đi làm cơ xưởng, con gái lấy chồng Đài Loan nhiều, nên trật lại còn toàn ông già bà cả với thợ gốc người Miên. Vì thế chủ ruộng phải coi trọng họ như Vua, chiều như chiều Vong, thế mà ngày qua ngày họ lại cứ tự động đòi tăng công gặt, đòi thêm vài con cá vồ, con tai tượng lớn để nhậu rượu mỗi buổi ngoài đồng về ... vậy mà mình đành phải bấm bụng chiều tất!
Tuy vậy nếu không có mấy ông Vua này thì mình cũng khốn đốn, cánh đồng này lúa chín đại trà cả bao nhiêu ngàn công, nhà nào cũng cần gặt ngay mà người nhà làm sao cho xuể, nói gì đến chuyện vần công cho nhau. Công việc lại bao gồm cả cắt lúa, gom lại, ôm lên máy suốt, hứng lúa vô bao, cột miệng bao rồi xếp lên từng đống cao ngồn ngộn, gọi là bao sân.
Tiền công bao sân có đắt lắm thì cũng hơn một trăm đô cho một lô 20 công tầm cắt (nghĩa là 3 héc ta).
Thợ họ đi từng nhóm 40 người mà một ngày cũng chỉ làm được một lô, vị chi mỗi người được hai đô rưỡi tiền công.
Họ đi theo cả gia đình trên những chiếc ghe nhỏ, từ những tỉnh miệt trên như Bến Tre, Vĩnh Bình .. bám theo "tàu dòng" đang kéo xà lan hay ghe chài trên con Kinh Xáng từ Long Xuyên chảy về Rạch Giá. Khi tới vùng lúa đang chín thì buông dây tấp vô. Được giá thoả thuận rồi, gia đình họ chia ra vừa ở trên thuyền, vừa ở trên bờ vì chủ nhà thường cho họ rèm lá hay bạt cao su làm thành những căn nhà dã chiến hay những lều như khi đi cắm trại. Những lều bạt này thường nằm dưới những cây vú sữa, cây me hay xoài, có khi lọt thỏm giữa hai hàng chuối dày bịt nên mát mẻ lắm.

Cuộc sống của những người thợ gặt tuy có lam lũ đấy, nhưng chừng 2g chiều là họ đã về đến nhà, tắm rửa, ăn diện như những người khá giả, rề rà qua các quán, hoặc nhậu vài ly đế với dĩa lòng còn đang bốc khói; tô bún xương chó xáo măng ngọt ngào.
Nình bà con gái thì vừa giặt quần áo vừa hát hò mấy câu rất vui vẻ, đôi khi ngồi bắt chí hoặc chỉ cho nhau cách sửa sang nhan sắc, may ra kiếm được tấm chồng ở nơi ruộng đất trù phú nầy.
Bữa ăn của họ mới tức cười: Có ông phí phạm cả hai phần ba lương một ngày cho bữa nhậu, nhưng cơm ăn cho cả nhà thì rất qua quít. Khi ở ruộng về, họ lượm ít con ốc bươu, vài con cua đồng, bẻ cái bắp chuối hoặc mấy trái chuối xanh ngoài vườn; con nít trong nhà thì hái bậy mấy đọt lang hay lọn rau muống dưới bờ ao bờ đìa, rồi với chén mắm chưng hoặc mấy con ba khía là xong bữa!!!
Cái cách sống không biết ngày mai này lại phổ thông quá đỗi, con cái đi theo cha mẹ sống trôi nổi đây đó không được đến trường, còn nhỏ thì trèo cây ổi cây trứng cá, lớn lên một chút là tay cằm liềm cằm hái ra ruộng "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" rồi, tương lai rất mịt mờ.
Cứ tình hình thiếu thợ gặt như vầy có lẽ rồi em phải sắm máy gặt lúa. Ở quê mình thì dư sức mua máy gặt rồi đó, chỉ kẹt một nỗi là ngay thời vụ lúa chín mà ông trời ập xuống vài trận mưa, lúa đổ rạp xuống ruộng (nông dân kêu là lúa xập) thì không máy nào gặt được. Không biết trong tương lai gần, có bộ óc siêu việt nào nghĩ ra cái máy gặt được luôn cả lúa xập không, lúc đó thì khoẻ re như ghe mắc cạn"
Em nghe có người nói ở nơi anh đang định cư, lương trung bình 100 đô một ngày, nếu thế thì chỉ cần gửi về một ngày lương là đã đủ tiền mướn 40 thợ gặt cho xong 1 lô ruộng 20 công rồi.
Nhưng nói như thế không phải là em không biết các anh chị ở bển lãnh ra 100 đô đút túi cả trăm, mà phải đóng thuế lợi tức, bảo hiểm xã hội, y tế ... và đủ thứ "bà dằn" nữa như tiền nhà, tiền xe, tiền chợ, tiền bảo hiểm xe, quan hôn tương tế ...
Rồi mỗi dịp lễ tết, cúng kỵ, đám cưới xin, tang ma ở VN anh chị vẫn còn gửi tiền về, dù ở nhà ái ngại không bao giờ dám mở miệng ra xin.
Nhớ có lần em nói với anh, nếu gia đình mình còn ở trên lô đất này một cách đầy đủ, với 8 anh chị em thì không biết bây giờ sống ra sao(")vì tính đến năm nay, má đã có hơn 100 con cháu trai gái dâu rể rồi.
Bây giờ chỉ còn em ở nhà với má, em được hưởng những gì mà chính ra phải chia tám cho tất cả các anh em. Như vậy phần em đã là quá hậu rồi còn gì mà mong tiền đô gửi về nữa.
Cũng như cây lúa lúc lên đòng đòng, ta bơm nước, bỏ phân thì lúa sẽ trúng hơn, tiền các anh chị cho em, nay em đã khuyếch trương ra nhiều, sửa nhà cửa cho khang trang để khi các anh chị về có nhà cửa mát mẻ mà ở, có cây kiểng xanh tươi, có ao cá lớn để anh có thể xách cần câu ra dứt lên vài chú tai tượng mà chiên xù hay nướng cuốn bánh tráng.
Nhắc đến món này, anh có nhớ mình thường ăn kèm với bông điên điển, bông sua đũa hay cây cù nèo, lá điều, lá xoài non hay không" Em chắc là bên đó hông có mấy thứ này đâu.
Nghe anh nói mùa hè tới này, mang cả nhà về thăm quê phải không" Mấy đứa nhỏ về hết hay lại có đứa kẹt đi học cả mùa hè nữa"
Má và các em mong và nhắc nhớ hoài.
Em
Chung Mốc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.