Hôm nay,  

Thăm Dò Địa Chấn Tay Ba

16/03/200500:00:00(Xem: 5035)
Cùng ngày Quốc hội biểu quyết luật "chống ly khai" để uy hiếp Đài Loan, Bắc Kinh loan tin quốc doanh dầu khí ba nước Phi-Tầu-Việt sẽ liên hợp thăm dò địa chấn ngoài Trung Nam Hải. Khả nghi!
Khởi đầu mọi chuyện là ngôn từ.
Tại vòng cung phía Tây Thái bình dương, Trung Quốc gọi ven biển Đông Bắc Á trùm lên Triều Tiên, Nhật Bản và Đài Loan là Đông hải - biển Đông của họ. Vùng hải phận mà Việt Nam ta gọi là Đông hải, Trung Quốc gọi đó là Trung Nam hải - biển miền Nam của Trung Hoa.
Khởi đầu mọi chuyện cũng vẫn là ngôn từ. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa. Sau 600 năm quay mặt vào núi, mấy chục năm nay Bắc Kinh mới nhìn ra biển. Và nhận Tây Sa lẫn Hoàng Sa là của họ. Nhận thôi chưa đủ, còn chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974 và đưa hải quân uy hiếp Tây Sa, hai lần đụng độ với Việt Nam vào các năm 1988, 1992.
Nhờ chiến thắng "mang ý nghĩa lịch sử" của đảng Cộng sản Việt Nam, Hoàng Sa coi như mất đứt vào tay Trung Quốc: chỉ có dân miền Nam mới nhớ thảm kịch 1974, khi Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu trong tuyệt vọng để bảo vệ vùng đất này của tổ tiên. Sau đó, Trường Sa coi như cũng sẽ mất - giữa nhiều mất mát khác, có những cái mất không hề được khai báo, trên đất liền hay ngoài biển.
Tại Đông hải, có sáu nước đòi chủ quyền từng phần hay toàn phần của quần đảo Trường Sa. Đó là Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc. Vì huyền thoại ngoại giao chính trị, "Trung Quốc và Đài Loan là một", nên cái gì của Trung Quốc là của Đài Loan, cái gì của Đài Loan tất nhiên cũng là của Trung Quốc. Trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, ngang qua eo biển Đài Loan, Trường Sa là chuyện nhỏ, sự sống còn của Đài Loan như một thực thể biệt lập với Bắc Kinh mới là chuyện lớn.
Trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á khác, Trường Sa cũng đang thành chuyện nhỏ… nhờ phù phép của Bắc Kinh.
Chính quyền Bắc Kinh, chủ yếu là đảng Cộng sản Trung Quốc, viện dẫn hai lý do để cầm quyền một cách tuyệt đối sau khi cải cách kinh tế, là đem lại áo cơm cho người dân và bảo vệ thanh danh cho tổ quốc, như thu hồi lại Hong Kong rồi Macao và Đài Loan sau này. Lý lẽ áo cơm đang mất dần ý nghĩa vì sự bất mãn của dân chúng gia tăng cùng tệ nạn tham nhũng trong đảng và vì kết quả phát triển rất lệch lạc, đầy bất công. Do đó, lý lẽ quốc gia dân tộc đang trở thành chuyện sinh tử. Khi dân chúng Đài Loan ngày càng thấy rõ vị thế của mình và không hiểu vì sao đời sống và lá phiếu của họ lại do Bắc Kinh quyết định thì xu hướng độc lập hay tự trị của Đài Loan trở thành tất yếu. Đảng Cộng sản Trung Quốc vì vậy không thể để xổng mất Đài Loan. Thế hệ lãnh đạo mới lên cầm quyền cũng vậy, nhất là khi cần lấy lòng quân đội, tướng tá và phe thủ cựu trong đảng, trước viễn ảnh kinh tế và xã hội có thể bị động loạn.
Nhưng nuốt Đài Loan không là chuyện dễ, ít ra trong mươi năm trước mắt. Vì vậy, Quốc hội Bắc Kinh mới thông qua đạo luật chống ly khai, "phản phân liệt pháp" sau khi đã hăm dọa và tiết lộ nhiều lần từ cuối năm ngoái. Đạo luật thực ra chỉ là lối "giơ cao đánh sẽ", hoặc "giơ cao để khỏi đánh", vì đánh chưa nổi. Nói cho nôm na, theo nội dung uyên áo của đạo luật thì "chó sủa chó không cắn". Nếu muốn thống hợp hay thôn tính Đài Loan thì đảng và Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc khỏi cần gần ba ngàn đại biểu Quốc hội cho phép, sau khi tham chiếu và viện dẫn đạo luật! Khi tắt đèn tàn sát dân biểu tình tại Thiên an môn năm 1989, đảng có cần Quốc hội cho phép đâu!
Tuy nhiên, ý chí thì có mà lực chưa tòng tâm. Vả lại, ngoài cái gân gà Đài Loan khó nuốt lại còn hai lớp dù phòng thủ của Hoa Kỳ và Nhật Bản (kể từ năm ngoái).
Mềm thì nắn, rắn thì buông. Nếu có tạm buông thì cũng phải có đôi lời dụ dọa người dân Đài Loan: "không nhắm vào dân mà chỉ nhắm vào các lãnh tụ có ý đồ phân liệt mà thôi."
Ngược lại, ra khỏi Đông hải mà nhìn xuống Trung Nam hải, sự thể coi bộ "mềm" hơn.
Năm 2003, Bắc Kinh ký thỏa ước Hữu nghị và Hợp tác với Hiệp hội ASEAN. Đấy là cường quốc duy nhất ký một văn kiện như vậy với ASEAN, với hàm ý là không xâm lấn hay tấn công nhau, và càng không xen lấn vào nội bộ của nhau. Tháng 11 năm ngoái, khi được mời ký kết Thỏa ước này tại Thượng đỉnh ASEAN ở Vientiane, Úc Đại Lợi từ chối.

Úc chả muốn tấn công nước nào trong khu vực. Với dân số 18 triệu trên một hòn đảo bát ngát như một châu lục, họa có điên người Úc mới tính đến chuyện chiếm đóng và cưu mang vùng đất da vàng, nhiễu nhương và nghèo khổ, ở phía Bắc. Không ký, Úc còn có thể can thiệp khi các nước Đông Nam Á không kiểm soát được lãnh thổ và hải đảo, để khủng bố hay hải tặc hoành hành và gây họa cho mình. Vả lại, Úc còn Minh ước Phòng thủ tay ba (ANZUS) đã ký kết với Hoa Kỳ và Tân Tây Lan.
Đối chiếu như vậy, ta mới nhìn ra những toan tính và ẩn ý khác biệt của Bắc Kinh và Canberra.
Ưu tiên sinh tử của đảng Cộng sản Trung Quốc là Đài Loan, muốn vậy, cần trấn an các nước Đông Nam Á. Vả lại, đây cũng là một khu vực chiến lược trên hai khía cạnh, thứ nhất là dầu khí, thứ hai là kiểm soát luồng chuyển vận hàng hóa từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc của biển Thái bình.
Dù có ký thỏa ước bất tương xâm và đồng ý với quy tắc hành xử hòa bình do ASEAN đề nghị, Bắc Kinh vẫn có thể phũ tay với từng nước, ngư phủ Việt Nam hiểu ra điều đó khi bị sát hại và vu cho tội là hải tặc, trước sự ậm ự của Hà Nội.
Còn truyện tranh chấp chủ quyền ngoài khơi, trên vùng quần đảo Trường Sa"
Bắc Kinh đề nghị "hãy cùng liên hợp khai thác mà khỏi nói đến chủ quyền, 50 năm nữa chúng ta sẽ xét sau".
Năm 1998, Tổng thống Joseph Estrada tại Philippines đã kêu cứu Hoa Kỳ và yêu cầu Mỹ đứng ra hòa giải mâu thuẫn và xung đột với Bắc Kinh vì tranh chấp Trường Sa sau vụ cụm đá Vành Khăn (Mischief Reef) bị hải quân Trung Quốc thôn tính. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton khéo từ chối: Hoa Kỳ kêu gọi hòa giải nhưng không bênh vực Manila. Lúc đó, cao trào "dân tộc" của Phi mới đòi Mỹ rút khỏi hai căn cứ hải và không quân Subic Bay và Clark Field, ông Clinton đang bận chuyện Iraq, Serbia và Lewinsky!
Biết thân biết phận, Philippines chống không nổi thì nhận lời chia chác.
Đầu tháng Chín năm ngoái, khi thăm viếng Bắc Kinh, Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo đã ký với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hàng loạt thỏa ước, trong đó có hợp đồng dò kiếm dầu hỏa trên vùng quần đảo Trường Sa. Hai doanh nghiệp nhà nước Philippine National Oil Company (PNOC) và China National Oil Company (CNOO) sẽ hợp tác trong ba năm để nghiên cứu địa chất quanh Trường Sa.
Thực chất thì đây là một dự án địa chất sẽ gây ra địa chấn.
Phía Việt Nam, Hà Nội lên tiếng phản đối hợp đồng. Lý do: gạt ra ngoài các nước liên hệ đến chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Đã là đồng chí thì hiểu nhau ngay. Phải có đấm mõm. Bắc Kinh nhờ Manila mời Việt Nam tham dự, để Hà Nội khỏi mất phần. Kết quả là mùng bảy, Manila loan tin đã ký hợp đồng thăm dò với Hà Nội, mùng 10, Bắc Kinh than phiền về hợp đồng tay đôi ấy, hôm 14 vừa qua, ba công ty quốc doanh loan báo hợp tác tay ba, giữa PNOC của Manila, CNOO của Bắc Kinh và Petro- Vietnam của Hà Nội. Năm 1989, mới thăm dò sơ khởi, thì Bắc Kinh đã thấy khu vực này có trữ lượng khoảng 25 tỷ thước khối khí đốt và 100 tỷ dầu thô. Nếu đào sâu và tìm lâu hơn, con số thực có thể cao gấp bội. Việc thăm dò kỹ thuật vì vậy là cần thiết. Huống hồ việc ấy mặc nhiên loại ra ngoài các công ty "ngoại quốc", như Crestone Energy Corp, công ty Mỹ từng ký kết với Trung Quốc năm 1992.
Nhưng cần thiết hơn nữa là dự án kỹ thuật này sẽ khỏa lấp một vấn đề then chốt: chủ quyền và tỷ lệ quyền lợi.
Nếu như khu vực ấy có dầu hỏa, việc khai thác và chia chác quyền lợi sẽ được quyết định ra sao" Philippines còn có dân chủ và chính quyền còn phải thông báo nội dung các thỏa ước với quốc dân và quốc hội, chứ Việt Nam và Trung Quốc thì không. Tới nay, các hiệp định về biên giới trên biển và trong đất liền mà Hà Nội ký kết với Bắc Kinh vẫn còn là chuyện tối mật làm người dân tối mật. Sau này, chuyện chia chác ấy tại Trường Sa vẫn sẽ là tối mật.
Sau này, trong một thời hạn lâu hơn nữa, khi quốc doanh dầu khí và hải đội của Bắc Kinh đã chiếm thế thượng phong tại Trường Sa, ai dám đặt vấn đề chủ quyền hay quyền lợi với họ" Từ nay đến đó, Trung Quốc thong dong ly gián và đánh tỉa từng nước trong khối ASEAN để củng cố tư thế của họ trên một vùng biển thực ra sinh tử cho Việt Nam.
Chúng ta cứ tưởng rằng vì Hoa Kỳ bận biïu với khủng bố và chuyện Trung Đông Trung Á, Philippines đành phải bọc xuôi theo áp lực của Bắc Kinh và cố vớt vát chừng nào hay chừng đó. Nhưng, biết đâu chừng, "con ngựa chiến thành Troy" của Bắc Kinh, công cụ gây ly gián trong khối ASEAN, lại chẳng là Manila mà chính là Hà Nội"
Phải chăng vì vậy mà đảng ta chỉ phản đối Trung Quốc một cách chiếu lệ và trước sau đi đúng nước cờ phương Bắc.
Kết thúc mọi chuyện cũng vẫn là ngôn từ. "Nhân dân làm chủ": đảng làm tớ. Nhưng làm tớ cho người khác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.