Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Bình Dương Một Ngày Tái Ngộ

21/06/200900:00:00(Xem: 2988)

Chuyện kể hành trình Biển Đông: Bình Dương Một Ngày Tái Ngộ – Võ Kỳ Điền

LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

Buổi sáng Chúa Nhựt, đầu năm dương lịch 1979, tôi ngồi tiếp chuyện với bà Hai ở phòng khách. Từ Búng lên Bình Dương, bà nôn nả báo cho tôi hay một tin vui. Đó là cô Hà, con gái út của bà, vượt biên thành công qua bức điện tín đánh về từ một phương trời xa. Bà vui mừng nét mặt rạng rỡ. Cầm miếng giấy nhỏ màu xanh lợt trong bàn tay run run, bà nói thì thầm bên tai tôi như sợ người khác nghe được:
-Mầy coi nè, cái con nhỏ thiệt không ý tứ. Chiều hôm qua nhận được dây thép, xé ra đọc rồi tao muốn nghẹt thở, xỉu luôn. Ổng nghe ồn ào, chạy ra coi lại, thì thấy nói nó tới Mã Lai bình yên. Thiệt hú vía! Mầy biết tại sao không" Nó hà tiện, viết hai chữ "bình an" dính lại làm một. Tao ba chớp ba sáng, đọc lộn là "bị nạn"... Mấy tuần nay, tao với ổng trông đứng trông ngồi. Có tin, run quá, quáng mắt đọc không ra chữ.
Nói liền một hơi, rồi ngồi thở một hồi, bà chắc lưỡi tiếc cho tôi:
-Phải chi hồi đó mầy tính được, đi chung một chuyến với nó là xong rồi!
Tôi mừng cho cô Hà thành công tới nơi an toàn, trong bụng cũng thấy tiêng tiếc, phải chi liều gan một chút, đi đại thì bây giờ khoẻ rồi. Cô Hà dạy chung trường với vợ chồng tôi và cùng bị cho nghỉ việc một lượt, vì cái tội lúc trước làm hiệu trưởng một trường quận. Cô hiệu trưởng còn trẻ măng chưa chồng. Có anh bạn đồng nghiệp thầm thương trộm nhớ mà không dám nói ra. Trước khi đi, cô tâm sự từ giã -trách cứ cái anh chàng Thạnh cù lần, đàn ông con trai gì mà nhát như thỏ đế!
-Ờ ờ, anh Thạnh e ngại bị cô từ chối, ở tỉnh nhỏ, người ta nói ra nói vô khó lòng.
"Xưa kia anh ở cùng làng. Bởi anh chậm bước nên nàng đi xa". Bây giờ nhớ tới vụ vượt biên, thấy câu hát đó quá đúng đối với tôi. Cô Hà đã thoát được, còn tôi, tới chừng nào" Đàn bà con gái, người ta chưn yếu tay mềm còn dám liều mạng như vậy, trong khi đó mình thân dài vai rộng mà cứ do dự, lừng khừng thì bao giờ mới tính chuyện lớn được. Dầu sao thì cô ấy, một thân một mình, cũng dễ tính. Còn tôi thì vợ con đùm đùm đề đề, thằng Tâm Bi mới có mười tám tháng, còn quá nhỏ để giãi nắng dầm sương, vượt qua bao sóng gió, rủi có bề gì thì sao" Nhiều đêm trằn trọc, nghĩ tới nghĩ lui, tôi bàn với Duyên:
-Vợ chồng mình khó mà sống yên thân. Cái thế bắt buộc phải ra đi, nhưng hoàn cảnh bề bộn của mình, anh tính không ra.
Duyên khuyến khích tôi nhưng vẻ mặt buồn buồn:
-Hay là anh đi trước, mẹ con em ở lại tính sau!
Làm sao mà tôi chịu như vậy. Tôi và nàng mới cưới nhau, vừa có được thằng con trai nhỏ. Cuộc đời đầy bất trắc, quê hương đất nước kể như tiêu tan, cái tình yêu gia đình chỉ còn lại có chút xíu đó, làm sao dám liều lĩnh phiêu lưu, thành ra cứ hẹn lần hẹn lữa, mãi cho đến hôm nay, tôi vẫn còn ngồi thừ trên ghế. Bà Hai trước khi ra về, còn dặn dò:
-Mầy tính gì thì tính lẹ lẹ đi, người ta lấy ghe lấy tàu đi từ từ hết, đến lúc muốn đi thì không còn chiếc nào, khi đó làm sao xoay trở"
Tôi gật đầu nói nhỏ:
-Ngày nào con xuống Búng thăm hai Bác, là ngày đó con từ giả... Con cũng muốn quyết định dứt khoát nhưng có cái gì níu kéo lại. Phải rời bỏ cái tỉnh Bình Dương nầy, buồn lắm bác Hai ơi!
Tôi dẫn cái xe đạp ra ngoài, cái xe có gắn thêm cái yên nhỏ để thằng Bi ngồi đằng trước. Nó còn quá nhỏ nên phải ràng buộc cẩn thận. Trên đầu tôi đội cái nón kết đỏ bầm, thứ nón của lính nhảy dù, còn Bi thì đội nón vải trắng có hình mỏ neo của lính thuỷ, có quai để khỏi rớt. Tôi muốn chở con đi một vòng thành phố, để nhìn cho hết, cho kỹ, cái nơi mà tôi đã sống gần nửa đời người. Nơi đó, có buồn có vui, có những hình ảnh thân yêu, có những kỷ niệm thời thơ ấu. Như có một sợi dây vô hình ràng buộc, trái tim tôi như thắt lại khi phải quyết định xa quê.
Trưa đó, trời nắng gắt, hai dãy phố chợ như bị bỏ vô lò mà hấp. Hơi nóng bốc lên hừng hực từ các mái ngói, mái tôn, mặt nhựa đen mốc, những lề đường xi măng khô cứng. Trước nhà bây giờ là giang sơn của mấy bà bán gạo lậu. Họ ngồi đông nghẹt, chen lấn nhau, trước mặt là những thúng gạo trắng đầy vun, các đống khoai đỏ, vàng đổ ngổn ngang như đất đá vụn. Rải rác đây đó, giống gánh vương vải. Giờ nầy khách mua đã thưa. Có vài cán bộ áo trắng, bộ đội áo kaki màu cứt ngựa xanh đùng đục, mang dép râu. Có người dắt xe đạp treo tòn ten bó rau xanh dờn, đi chen lấn các bà nội trợ, áo bà ba đen, nón lá. Tự dưng nơi đây trở thành cái chợ trời ngang xương. Ban đầu có vài ba người đàn bà lạ mặt ngồi bán các thứ khoai, gạo, đậu, nếp. Họ bày bán trên cái lối đi trước nhà. Chợ thì ở tuốt đàng kia, sát cạnh bờ sông. Từ ngày mấy ổng bỏ rừng về thành phố, toàn dân miền Nam đâm thất nghiệp. Vợ con công chức quân nhân chế độ cũ, chồng cha bị đày đi một nơi khỉ ho cò gáy nào đó, ở nhà túng quẩn, phải bương chải tảo tần, kiếm kế sinh nhai, hầu sống còn qua ngày. Họ trở thành bạn hàng buôn thúng bán bưng bất đắc dĩ. Tìm chỗ ngồi không được ở đàng kia, thôi thì giành dân lấn đất đằng nầy. Đằng kia là chợ mà đằng nầy là cái hành lang lát gạch bông bằng phẳng của dãy phố nhà tôi.
Phía bên kia là công viên nắng cháy xác xơ, hồ nước cạn khô, đáy đầy đất đá, bãi cỏ loang lổ úa vàng vì không người chăm sóc, chỉ còn trơ lại một cây khuynh diệp cằn cỗi lưa thưa, đứng lẻ loi ở góc sân. Tôi dẫn cái xe băng ngang qua đường, đứng dưới bóng cây, nhìn trở lại bên nhà, nói cho Bi nghe, mặc dầu biết nó không hiểu:


-Con nhớ nghe, cái nhà nầy là nhà của Nội. Cả đời ông nội làm việc cực nhọc vất vả mới tạo dựng được. Ba được nuôi nấng lớn lên ở đây, con cũng vậy. Hồi nhỏ ba ưa đi chơi, bị ông nội lấy dây nhợ cột chưn vô cái cửa sắt. Mỗi khi gần Tết, ba với chú Sáu, chú Bảy con phải lau chùi hết mấy cái cửa đó. Cực lắm mà vui. Mấy chậu sứ Thái Lan đầy bông đỏ để trên lầu, mua ở vườn ương cây bên Thủ Đức, đem về ba chiếc ra từng chậu nhỏ, phải chăm sóc liên tục trong mấy năm mới được xum xuê như con thấy...
Cha con tôi lần ra tới bờ sông, theo con đường Bạch Đằng nhỏ hẹp, có cái cầu tàu mục nát cạnh chợ cá, những hàng cây dương già gốc nổi u sần sùi, thân ngả nghiêng. Gió từ sông thổi lên nhè nhẹ, mang theo mùi tanh tanh của sông nước. Ánh nắng chói chang lấp lánh trên làn sóng bạc, phản chiếu như hàng trăm hàng ngàn chiếc gương nhỏ lăn tăn. Từng dề lục bình xanh xanh trôi rập rềnh không biết về đâu. Cuộc đời cha con tôi bây giờ sắp sửa trôi dạt như đám lục bình nầy. Trưa nay đứng bên dòng sông chảy ngang qua chợ, trời nóng hừng hực, cảnh vật lờ đờ, lặng thinh không thơ mộng chút nào, vậy mà tôi đâm nhớ cái câu ca dao thời thơ ấu, nghe má đưa em trên võng: Ra đi là sự đánh liều. Mưa mai nào biết, nắng chiều nào hay.
Tôi đạp xe vòng qua bên kia chợ. Người buôn kẻ bán lưa thưa. Đúng là cảnh chợ chiều. Mũi tôi ngửi được cái mùi chợ cá quen thuộc. Mùi khô cá mặn, mùi mắm, mùi củ cải muối, muì tro diêm, mùi đường thẻ, mùi thuốc bắc... và hàng trăm thứ mùi khác trộn lẫn nhau, quện lấy nhau, tạo cho không khí nơi đây có một cái gì gần gũi thân yêu.

*

Chuyến xe đò quốc doanh Đồng Hiệp sơn đỏ, chuyến cuối cùng trong ngày đưa vợ chồng tôi rời khỏi tỉnh. Cái bến xe chật hẹp nằm cạnh trường trung học Bồ Đề của tỉnh lỵ buồn hiu, ảm đạm, dưới ánh nắng thoi thóp của buổi chiều sắp tắt. Màu nắng vàng vọt, lẫn trong làn gió thoảng cái hơi hướm của biệt ly. Lòng tôi chùn xuống, nhấp nhô theo từng căn nhà, từng miếng vườn, từng khúc quanh của con phố nhỏ. Tất cả đối với tôi quen thuộc quá. Ngang qua nhiều xóm làng hai bên đường, nhà nhà còn treo đầy cờ đỏ sao vàng của VC trong ngày lễ vừa qua chưa kịp gỡ. Cũng có thể vì chưa có lịnh nên chưa ai dám lấy xuống. Chiều nay đâu có giông bão mà sao lòng tôi đầy mây giăng, trời không mưa mà mắt tôi ươn ướt. Tôi cố nhoài người qua khung cửa xe để nhìn cho rõ, cho kỹ, nghe từ trong cõi lòng câu hát ngày xưa: "Ra đi là sự đánh liều, mưa mai nào biết nắng chiều nào hay. "
Bây giờ là nắng buổi chiều, tôi sắp phải đương đầu với những cơn mưa giông buổi sáng. Liệu tôi có đủ nghị lực để chống chỏi với gió táp mưa sa chăng" Lò dò tôi mở cái xách tay dưới chỗ ngồi, để tìm cái khăn nhỏ. Tôi thấy một hủ dầu cù là lớn, chai Nhị Thiên Đường, mấy gói thuốc cảm, thuốc đau bụng, cùng một vĩ thuốc ói mữa... Như một dòng suối tràn không chặn lại được, nước mắt tôi tự nhiên trào ra, ràn rụa. Những giọt nước mắt chảy dài trên gò má, rơi xuống miệng, mặn đắng. Cũng may tôi có mang cái kiếng đen, nên không ai thấy. Mấy món tôi vừa thấy được đó là của má tôi, hồi sáng nầy, chính tay bà đã để vô.
Chuyến đi quá hấp tấp nên tôi không kịp chuẫn bị gì hết. Lúc gần trưa hai đứa em, Tuyết và chồng nó từ Sài Gòn về. Hai đứa chun vô nhà bằng cổng sau nhanh như một luồng gió, hấp tấp báo cho hay là chuyến vượt biên sắp khởi hành, vợ chồng tôi và các em còn lại ở Bình Dương, phải xuống Sàigòn ngay trong chiều nay để sáng mai đi Bạc Liêu, chuyến xe sớm nhứt trong ngày. Làm sao kịp, tuy đã biết là sẽ đi nhưng cứ tưởng là ít nhứt phải năm, ba tuần nữa. Tự nhiên tay chưn quýnh quáng, tôi chạy ra nhà trước, đứng nhìn cái bàn viết, cái tủ rồi ra sau, vô phòng ngủ, nhìn cái giường, cái tủ áo, rồi chạy lên lầu, tần ngần đứng lặng nhìn cái tủ sách. Dọc theo tường, cạnh bàn thờ tổ tiên giữa nhà, là cái tủ sách bằng cẩm lai thiệt lớn. Đời tôi đó! Cái tủ sách hằng nâng niu, ôm ấp, giữ gìn, bây giờ nó đã trống trơn. Sách vở bị tịch thu từ những năm trước. Từng đoàn người lạ mặt, thô lỗ, túa vô nhà, lục lọi, bươi móc tứ tung, cuối cùng bưng ra xe từng chồng sách vở, tạp chí, tranh ảnh đủ loại. Họ đã rứt đi từng cõi lòng tôi. Trên mấy ngăn đầy bụi, bây giờ chỉ còn lỏng chỏng năm ba bộ sách chữ nho xưa, vì không đọc được nên họ quăng bỏ lại. Đây đó phất phơ vài màng nhện mỏng, bụi bám giăng giăng. Đời tôi không thể thiếu sách vở. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, cũng phải có một cuốn kế bên. Tại sao không lựa một cuốn đem theo làm kỷ niệm" Sách gì cũng được. Người ta vượt biên đem theo vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, tại sao tôi không đem theo sách"
Lúc đó thì Duyên vừa ở trường về. Tôi bèn cho hay chuyến đi. Nàng nghe tin như từ cung trăng rớt xuống, cũng như tôi ban nảy, nàng không biết lấy gì bỏ gì. Cuối cùng rồi hai vợ chồng gom góp chút đỉnh quần áo, tiền bạc, đồ vật dụng tùy thân cần thiết hàng ngày. Nhiều nhứt là thuốc men cho đứa con trai nhỏ, thằng Tâm Bi mới vừa tập đi lẩm đẩm. Món nào cũng tiếc, muốn mang theo hết. Mà làm sao được, đi trốn chớ bộ đi du lịch sao! Khi hai cái giỏ xách tay của tôi và Duyên đã đầy, sắp được đóng kín thì má tôi từ trong phòng đi ra, cầm một mớ thuốc nhét vô thêm, miệng dặn dò:
-Hai con rán giữ mấy món thuốc nầy. Đi đường xa, bịnh hoạn lôi thôi, có nó cũng đỡ, hổng có ba mầy với tao theo, rủi tụi bây đau yếu, không biết rồi làm sao xoay trở"
Má tôi như vậy đó, lúc nào bà cũng coi tôi như còn nhỏ xíu, thấy có bổn phận phải chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, ngay cả khi tôi đã có vợ có con. Nói xong, bà giằng lấy thằng Bi, ôm chặt nó vào lòng. Tôi nhìn lên trần nhà, mấy ngọn đèn ống trắng hình như không còn song song mà chúng chập choạng đâm xiên vào nhau. Ba tôi đứng cạnh bên hút thuốc liên miên. Ông bất động như pho tượng, im lìm không nói năng. Có lẽ hình ảnh tôi bồng con đi vượt biên trưa nay, giống y như hình ảnh bốn mươi năm về trước, từ bờ sông Dương Đông của hải đảo Phú Quốc xa xôi, ông đã ẳm tôi theo ghe bầu mà về đất liền để chạy giặc Nhựt Bổn. Tôi nghe đau nhói trong lòng. Căn nhà rộng rinh, từ lâu rồi nó đã trống trơn. Cũng may là còn có anh em tụi tôi, quây quần ấm áp. Bây giờ xúm rủ nhau đi như đàn chim tứ tán, xao xác bay lìa tổ. Cái tổ rộng thênh thang chỉ còn có hai con chim già ngơ ngác, bơ vơ. Rồi đây ai lo cơm nước, ai đỡ đần việc nhà việc cửa, bịnh hoạn ai lo chăm sóc thuốc thang"
Ba má tôi đó, hai ông bà già da dẻ nhăn nheo như vỏ cây sao, cây dầu, lưng còng gối mỏi, sống đã trên bảy mươi năm trong cái cuộc đời đau khổ đầy nước mắt nầy. Bây giờ một lần nữa, chứng kiến bầy con cháu đứt ruột ra đi để đến một phương trời xa xôi nào đó, mà tương lai chưa biết thế nào"
Tôi bất chợt ôm lấy hai người mà khóc ngất như một đứa con nít lên ba. Những dòng nước mắt trào ra như suối, không kìm lại được. Ba tôi nói trong nỗi nghẹn ngào:
-Để tụi bây đi, tao đứt từng khúc ruột, nhưng biết làm sao bây giờ. Người ta không để cho gia đình mình sống yên...
Ôi tình cha mẹ thương con để đâu cho hết. Bây giờ ngồi trên xe, tôi lục lọi trong xách tay để kiếm cái khăn, bất ngờ đụng phải mấy món thuốc mà má tôi đã nhét theo. Bỗng dưng tôi thấy choáng váng quay cuồng, đầu óc lộn xộn, lung tung, rối beng như nùi chỉ. Những hình ảnh chập choạng ráp nối.
Duyên chắc cũng mang tâm trạng rối bời, nàng cũng ủ rủ không kém, từ khi cất bước ra khỏi nhà tới giờ không nghe nói năng. Xe đã qua khỏi quận Lái Thiêu, ngang qua lò đường Vĩnh Phú, những thửa ruộng mía ngút ngàn, xanh ngăn ngắt, mùi nước chè ngào ngạt thoảng vào lòng xe, một tấm bảng to đựng bên đường để làm ranh giới Bình Dương với Gia Định. Bốn chữ sơn xanh đậm nét "Hẹn ngày tái ngộ" đập mạnh vào mắt, khiến tôi bàng hoàng. Duyên nghiêng qua tai, nói thiệt nhỏ:
-Vĩnh biệt Bình Dương phải không anh"
Bình Dương bây giờ như một cố nhơn, sắp rời xa trong mắt nhưng không phải trong lòng, làm sao có thể dễ dàng phai lạt được, dầu ở chốn nghìn trùng vời vợi. Chờ trông quê cũ nao nao. Mặc cho tim lụn, dầu hao cũng chờ.
Tôi gượng gạo trả lời, giọng yếu hẳn đi: "Không phải đâu em, anh hy vọng chỉ là tạm biệt."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.