Hôm nay,  

Mùa Lễ Mẹ Năm 2009

11/05/200900:00:00(Xem: 3286)

Mùa lễ Mẹ năm 2009
Trường Sơn Lê Xuân Nhị


Tạp ghi: Tháng Tư, Nghĩ Đến Những Người Đã Chết - Huy Phương

Ta nợ những người chết sông chết biển
Nợ những người ở lại để ta đi.

Sau ngày 30 tháng 4-1975, cả miền Nam vấn khăn tang. Trên bàn thờ của mỗi gia đình, ngoài ông bà, cha mẹ chết vì tuổi già, đã có những khuôn mặt trẻ, những người mặc quân phục chết trận hay bà con mất tích trong những ngày di tản hỗn loạn, trên tất cả bờ biển của miền trung, không những trên  tỉnh lộ 7B từ Phú Bổn về đến Ninh Hòa mà còn trên tất cả mọi nẻo đường của đất nước. Tất cả người chết đều là những người Miền Nam đang cầm súng chống lại Cộng Sản hay tháo chạy hỗn loạn vì nghe tin CS sắp đến. Phần lớn những người chết đều  bị chết vùi dập với cỏ cây, đất đá, trong bom đạn không ai còn lo được cho ai.
Không những chúng ta chỉ có những vị tướng đã tự sát để giữ tròn khí tiết, mà còn có hàng nghìn chiến sĩ vô danh chết trong giờ phút tàn cuộc vì không chịu nỗi nhục đầu hàng với lựu đạn nổ trong tay hay viên đạn bắn vào đầu, trong bước đường cùng. Chúng ta có biết hay còn nhớ đến những người như thế không"
Bây giờ đã 34 năm rồi, chúng ta còn phải đọc những bản tin tìm người thân mất tích trong những ngày cuối tháng tư năm đó. Họ nằm lại trên bãi biển, bên cánh rừng, trên một con đường đất đỏ, thân thể như vươn chuồi về phía trước, bỏ lại nỗi ghê sợ đuổi sát đến sau lưng, nỗi ghê sợ cái ác, cái tàn bạo mà chỉ mới nghe đến người ta đã rùng mình bỏ chạy. Cái ác đó là những chuyện đấu tố ở nông thôn, những vụ  chôn tập thể của Mậu Thân, của những lối bắn giết tàn bạo trong những vùng tranh tối tranh sáng mang tên Việt Cộng. Cái ác đó là nỗi ám ảnh từ những năm của 45-50, với những tiếng chó sủa trong đêm, để buổi sáng thấy xác người trôi sông hay những người bị giết đêm qua, đang được đắp tạm một mảnh chiếu trên đường làng, giữa chợ huyện, mang tên Việt Minh.
Cái ác đó là chủ trương bất di dịch, người ta dùng để khủng bố và tạo ra cường quyền, để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Cái ác đó kéo dài cho đến thời kỳ gọi là văn minh, hiện đại. Khi miền Nam sụp đổ và Saigon đầu hàng, không như chủ trương kêu gọi hòa hợp hòa giải qua thông báo của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam và sau đó là của các Ủy Ban Quân Quản địa phương, binh lính và sĩ quan "ngụy" được về quê làm ăn, Cộng Sản bắt đầu một chiến dịch trả thù tàn độc. Tránh né một chiến dịch "tắm máu" to lớn, Cộng Sản tìm cách trả thù bằng cách giết lẻ.
Tại Đại An, Biên Hòa, ba toán thám sát của Biệt Kích Dù 81, sau khi buông súng đầu hàng ngày 5 tháng 5-1975 tại địa phương, mười tám anh em bị Việt Cộng bắt giam, bỏ đói, sau đó bị bắn chết rồi thả trôi sông. Những xác của anh em sau đó bị sình thối nên Việt Cộng bắt dân vớt lên chôn dọc theo bờ sông Đồng Nai, còn 8 xác anh em khác đã bị chôn tập thể trong một cái giếng bỏ hoang. Hai thám sát khác cũng đã bị đánh chết sau khi đã vào nhà tù. Người dân địa phương đã chứng kiến nhưng không dám nói ra, và không ai dám xây mộ hay đặt bia kỷ niệm, chỉ còn một điều họ dám làm khi chế độ Cộng Sản sụp đổ trước khi các nhân chứng qua đời. Tại Quảng Ngãi, nhiều đảng viên một đảng chính trị đã bị bắt, thay vì đưa đi "tập trung cải tạo" như chiêu bài, họ bị đưa về phía biển và bị chôn sống. Nhiều thân nhân theo dõi, đã đánh dấu vùng chôn người này, nhưng nếu họ tiết lộ, vùng đất này sẽ bị san bằng và con cháu  những nạn nhân sẽ không bao giờ tìm được nắm xương của những người đã khuất, nên đành nín lặng. Nhiều nhân viên cảnh sát đặc biệt hay viên chức địa phương, người nhà biết ngày giờ đi trình diện "học tập", nhưng không bao giờ có tin tức để thăm nuôi, và cố nhiên là không bao giờ có ngày về. Đó là chủ trương "đánh người chạy đi, nhưng phải giết người chạy lại".
Đối với những người chống đối sau ngày 30 tháng 4-1975, Cộng Sản thẳng tay đàn áp dùng án tử hình để đè bẹp ý chí của những người tranh đấu. Hội Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam đang có danh sách 300 tù nhân miền Nam bị án tử hình, trong đó những tên tuổi chúng ta không thể quên như các LM Nguyễn Hữu Nghị, Trần Học Hiệu hay như hai phụ nữ là chị Trương Ánh Loan chiến sĩ Phục Quốc bị xử tử tại hãng thuốc Bastos Khánh Hội tháng 5/1975, chị Trần thị Lan bị xử tử hình trong lúc có thai  tháng đúng vào ngày Vu Lan!  Cựu Thiếu Tá Nhảy Dù Nguyễn văn Viên, đã anh dũng bước tới pháp trường, người anh là LM Nguyễn văn Vàng bị kết án chung thân và chết trong xà lim của trại tù "thung lũng tử thần" Xuân Phước. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Võ Vàng, Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, Đại úy Quách Dược Thanh... đều là nạn nhân của chính sách trả thù man rợ của Cộng Sản. Chúng ta không thể kể hết những tên tuổi quá lớn này.
Chúng ta có biết bao người yêu nước đã chết trong những trại tập trung mang danh "cải tạo" của Cộng Sản dựng lên cả ở hai miền Nam Bắc vì đói rét, bệnh tật, kiệt sức, mà hiện nay nhiều anh em, nắm xương tàn còn lưu lạc trong những vùng rừng núi xa xôi, chưa về được với gia đình.
Vì không thể sống với chế độ Cộng Sản, hàng trăm nghìn người đã tìm cách vượt biển, vượt biên giới để ra đi, nhưng hai phần ba đã không bao giờ đến được bến bờ tự do. Trong mỗi gia đình chúng ta, gia đình nào lại không có bà con ruột thịt xa gần bị vùi thây trên biển cả hay giữa núi rừng. Nhiều gia đình đã chết trọn cha mẹ, con cái, anh em trên một chiếc thuyền mỏng manh giữa biển khơi. Có gia đình mất hết con. Người mất anh, kẻ mất chị. Có tìm hiểu chuyện trò dần dần chúng ta mới thấy những mất mát, những niềm đau bị dấu kín, ít khi muốn phơi bày. Cuộc sống xô đẩy mọi gia đình cuốn trôi theo dòng đời, tang tóc thường được dấu kín sau những nụ cười từ hơn ba mươi năm nay, từ ngày miền Nam được gọi là "giải phóng" với giọng lưỡi tuyên truyền chỉ có "đế quốc Mỹ là thua, còn chúng ta không kể Nam hay Bắc đều là anh em, những người thắng trận" như giọng nói nhân nghĩa của kẻ thống trị. Cái ác đã thắng và điều thiện đã thua, nhưng đời đời lịch sử sẽ không ngưng nguyền rủa.
Quả thật, sau khi Cộng Sản tiến chiếm miền Nam không có việc "tắm máu", những quả thật người miền Nam đã chết dần chết mòn trong sự trả thù tinh vi từ trại tập trung đến việc xô đẩy hằng trăm nghìn người ra biển khơi. Chúng ta chưa hề có được một con số thống kê về những người đã chết vì chế độ Cộng Sản. Tượng đài kỷ niệm nạn nhân Cộng Sản có thể đã được dựng lên ở một nơi nào đó trên trái đất, nhưng trong mỗi gia đình người Việt đều đã có một tượng đài. Chẳng qua rồi con người chóng quên, để những hình ảnh này phai nhạt cùng năm tháng, như những chiếc khung ảnh người quá cố phủ bụi thời gian trên bàn thờ của mỗi gia đình.
Ba mươi bốn năm đã trôi qua, những người già lưu lạc đã chết đi mang niềm tuyệt vọng chưa có một ngày về cố hương, nhưng đứa trẻ lớn lên gần như không biết gì đến dĩ  vãng. Những người đã chết sẽ không chết uổng, khi những người còn sống có cuộc đời đáng sống. Chúng ta không những nợ những người đã chết mà còn nợ những người đang sống, đó là những thương binh miền Nam thương tật ở quê nhà, nhưng gia đình mất cha, mất chồng, mất anh em trong cuộc chiến để cho chúng ta có được ngày hôm nay.
Mong anh em, bạn bè, sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho đất nước qua cơn đại nạn.


Trang Văn Nghệ Á Châu: Kim Đình Ân, "Công Chúa Lọ lem" Xứ Hàn - Nhuỵ Nhã

LGT: Trong những thập niên gần đây, văn nghệ Á Châu ngày càng khởi sắc trên phương diện điện ảnh, thời trang, tài tử... với những đóng góp quan trọng của Hồng Kông, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan... Nhiều bộ phim hay, nhiều tài tử nổi tiếng của Á Châu đã chinh phục con tim khối óc của hàng tỷ người không những tại Á Châu, mà còn cả các quốc gia tại các châu lục khác của thế giới. Để có thể cống hiến quý độc giả phần nào những sắc thái mới lạ, những đường nét quyến rũ, những hình ảnh độc đáo, của văn nghệ Á Châu, Sàigòn Times hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả các bài viết của Nhuỵ Nhã, một cây viết khả ái, dễ thương, có nhiều cơ duyên đặc biệt với nền văn hóa Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Hồng Kông....

*

Trong chương trình "talk show" trên đài truyền hình SBS mang chủ đề "Kim Jung Eun's Chocolate" vào ngày 22/11/2008, giới ái mộ phim Hàn không khỏi bàng hoàng sửng sốt khi nghe nữ diễn viên kiêm người mẫu Kim Đình Ân (Kim Jung Eun) tiết lộ về mối quan hệ luyến ái của cô với nam tài tử Lý Thụy Trấn (Lee Seo Jin) đã đến hồi tan vỡ, sau hai năm gắn bó hẹn hò và thường xuyên xuất hiện chung trước công chúng. Trong ngấn lệ đong đầy mắt với nụ cười miễn cưỡng không giấu được nét chua xót bẽ bàng, Đình Ân thổ lộ tâm sự: "Dù sao chăng nữa đây cũng là một vết thương lòng vừa bất ngờ vừa sâu đậm nên có lẽ phải mất một thời gian tôi mới có thể bình phục. Vì vậy, ngay sau khi chia tay cùng Thụy Trấn tôi đã phải nhập viện và sút cân khá nhiều".
Đình Ân còn cho biết là Thụy Trấn đã chính thức gửi thư nhắn đến địa chỉ Email của cô vào ngày 29/10 trước đó và ngỏ lời yêu cầu chia tay nhưng không kèm theo một lời giải thích nào về lý do mà anh muốn "đôi đường chia cách từ đây, lời thư nhắn nhủ tình này đã phai". Sau đó, Thụy Trấn luôn lẩn tránh Đình Ân và vẫn giữ thái độ im lặng khó hiểu. Hơn nữa, Thụy Trấn cũng không tiếp nhận bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào của giới truyền thông.
Theo một số nguồn tin đăng tải trên diễn đàn điện tử "Chosun Online" (Triều Tiên Thượng Tuyến) thì nguyên nhân đưa đến sự rạn nứt cuộc tình Đình Ân, Thụy Trấn bắt nguồn từ những xung khắc giữa Đình Ân và mẹ Thụy Trấn. Chính vì vậy, mặc dù quan hệ tình cảm của họ sắp đi đến giai đoạn thành hôn qua những lời tuyên bố trước đó, nhưng vẫn bị mẹ của Thụy Trấn ngăn cấm nên không sao tránh được sự cản trở của "lễ giáo" vốn hãy còn là tập tục căn bản chi phối sinh hoạt hiện nay tại Đại Hàn. Tuy nhiên, do cả Đình Ân lẫn Thụy Trấn đều không lên tiếng giải thích nên các chi tiết này cũng chỉ là những nguồn dư luận vô căn cứ. Cũng chính vì vậy mà tên tuổi của Đình Ân càng được quan tâm nhiều hơn kể từ đầu năm nay qua nhiều nỗ lực "săn tin" của giới truyền thông văn nghệ chuyên khai thác chủ đề "hậu trường sân khấu".
Nhắc đến Kim Đình Ân, có lẽ giới thưởng ngoạn không thể nào quên được phong cách diễn xuất hồn nhiên, dịu dàng và ưu nhã nhưng lại gây được nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả qua những đại tác phẩm truyền hình nổi tiếng khắp khu vực Á Châu trong thời kỳ hoàng kim của trào lưu phim Hàn như: "Ước Mơ Vươn Đến Một Vì Sao", "Hận Thù Và Đam Mê", "Hoa Hướng Dương" v.v…Đặc biệt, qua vai diễn bộc lộ đặc tính của một "cô bé lọ lem hiện đại" tên là Khương Thái Anh (Kang Tae Young) trong danh tác "Chuyện Tình Paris" (Lovers In Paris) thực hiện vào năm 2004, nữ tài tử Đình Ân đã tạo "cơn sốt hấp lực" lôi cuốn khán giả màn ảnh nhỏ theo dõi say mê cuồng nhiệt. Đây cũng là vai diễn gắn liền với sự nghiệp đóng phim của Đình Ân, đưa tên tuổi của cô lên hàng ngôi sao thượng thặng trong giới điện ảnh Đại Hàn. Từ đó, danh hiệu "công chúa lọ lem xứ Hàn" cũng bắt đầu xuất hiện.
Kim Đình Ân sinh ngày 4/3/1976 tại thủ đô Hán Thành. Sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông tại trường nữ sinh Đồng Đức (Dongduk), cô theo học ngành Nghệ Thuật & Thiết Kế tại Đại Học Kiến Quốc (Konkuk University) vào năm 1993. Tuy nhiên, Đình Ân phải tạm ngưng chương trình đại học ở giữa năm thứ hai vì lúc đó cô quá bận rộn với lịch trình thu hình quảng cáo và đóng phim. Cho đến đầu năm nay, cô được tiếp tục nhập học tại Đại học Kiến Quốc với ngành Điện Ảnh Diễn Xuất sau khi trải qua kỳ thi khảo hạch trình độ chuyên môn vào cuối năm ngoái.
Tuy Đình Ân không nằm trong danh sách của những người đẹp thuộc "đẳng cấp" lộng lẫy kiêu sa nhưng với khuôn mặt thon gầy phảng phất nét dịu dàng, khả ái, điển hình cho nét đẹp của phụ nữ Á Đông, kèm theo ánh mắt khá tinh nghịch và nụ cười hiền hòa, cô rất dễ gây ấn tượng thiện cảm cho người đối diện. Do đó, từ cuối năm 1994, cô đã được mời đóng vai phụ trong tác phẩm điện ảnh đầu tay mang tựa đề "My Old Friends Sweetheart". Tuy không được nổi danh ngay sau đó trong lĩnh vực điện ảnh nhưng Đình Ân lại trở thành một khuôn mặt sáng giá bất ngờ của ngành người mẫu nên luôn bận rộn với các hợp đồng quảng cáo và phải bỏ dở chương trình đại học.
Đến năm 2005, Đình Ân xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim truyền hình được xem là một trong những danh tác của xứ Hàn mang tựa đề "Tình Yêu Trong Sáng" (All About Eve). Thế nhưng, vì chỉ diễn xuất vai phụ bên cạnh những tên tuổi khét tiếng đương thời như nữ diễn viên Phác Thái Lâm (Park Chae Rim), Kim Tố Nghiên (Kim So Yeon), nam tài tử Trương Đông Kiến (Jang Dong Gun) v.v…nên đối với khán giả, Đình Ân vẫn còn là một khuôn mặt thuộc lớp nghệ sĩ "trung bình". Sau đó, thế giới của màn ảnh lớn tiếp tục đưa Đình Ân vào một giai đoạn mới qua sự thành công khả quan của vai nữ chính đầu tiên trong tác phẩm "Marrying The Mafia", đóng chung với hai nam tài tử lừng danh là Lưu Đông Căn (Yoo Dong Geun) và Trịnh Tuấn Hào (Jung Joon Ho). Kế đến, ba tác phẩm điện ảnh tiếp theo là "Fun Movie" "Mr. Butterfly", "Spring Breeze" đã bắt đầu báo hiệu sự tỏa sáng của ngôi sao mới Đình Ân trên màn bạc Đại Hàn trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2003.
Từ đó, danh tiếng của Đình Ân lại dội ngược về các phim trường truyền hình và ban thực hiện phim của SBS đã quyết định tuyển chọn cô làm nữ vai chính trong bộ phim "Tình Yêu Paris", một tác phẩm thực sự mang ý nghĩa khởi đầu cho bước thành công trọn vẹn đối với nghệ thuật diễn xuất của Đình Ân. Qua 20 tập phim được trình chiếu từ ngày 12/6/2004 đến ngày 15/8/2004, "Chuyện Tình Paris" đã được xếp hạng Nhì sau đại danh tác "Lời Nguyện Đại Trường Kim" (Dae Jang Geum) về tỷ lệ trung bình khán giả theo dõi trực tiếp thể loại phim truyền hình trong năm 2004. Đặc biệt, vào ngày chiếu tập phim cuối cùng, "Chuyện Tình Paris" đã đạt kỷ lục vượt bậc với tỷ lệ khán giả theo dõi lên đến 57.4%, tức vượt qua cả tỷ suất cao nhất của "Lời Nguyền Đại Trường Kim" .
Ngoài ra, so với thời lượng 54 tập của "Lời Nguyện Đại Trường Kim", 20 tập phim của "Chuyện Tình Paris" chỉ ở mức tốn kém hơn phân nữa nên được đánh giá là có mức thành công tương đương "bát lạng bán cân". Tuy chỉ mang nội dung đơn thuần là một chuyện tình lãng mạn của đôi tình nhân với những diễn tiến không kèm theo nhiều đột biến "phá cách" hay tạo bất ngờ lớn, nhưng "Chuyện Tình Paris" lại được dàn dựng trong bối cảnh tráng lệ của kinh đô ánh sáng Ba Lê, vốn là nơi tràn đầy không khí và hơi thở của tình yêu. Ngoài yếu tố ngoại cảnh thiên nhiên ngoạn mục và những đường nét kỹ thuật kiến trúc thời trung cổ của kinh thành Paris, các bộ trang phục hoặc đồ trang sức kiểu mẫu đắt tiền và những chiếc xe hạng sang được các nhân vật chính trong phim sử dụng, càng làm tăng sự kích thích thị giác người xem qua những hình ảnh rực rỡ muôn màu. Đây cũng là yếu tố quan trọng mang đến sự thành công ngoài dự tưởng của bộ phim.
Có thể nhận định rằng "Chuyện Tình Paris" của Đại Hàn là một phiên bản "Pretty Woman" của Hollywood với cốt chuyện đơn giản nói về một nàng "công chúa lọ lem" được "hoàng tử" giàu sang thật lòng yêu mến và ngỏ lời cầu hôn.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc nữ nhân vật chính tên Khương Thái Anh đặt chân đến Paris chẳng khác gì cô bé nhà quê lần đầu lên tỉnh thành. Thái Anh là một cô gái mồ côi cha mẹ nên cuộc sống rất cơ cực, tuy nhiên với bản tính cương nghị, cô đã cố gắng dành dụm để đi đến Paris theo lời trối của cha cô lúc lâm chung: "Nếu đến được Paris, con sẽ hiểu tất cả những gì cha đã kể cho con nghe". Thật ra, cha của Thái Anh lúc sinh tiền đã từng đi du ngoạn ở Paris và có nhiều kỷ niệm về cuộc tình đẹp với mẹ cô, và Thái Anh cũng ngầm hiểu vậy nhưng vì phải thực hiện lời hứa nên cô khăn gói lên đường với mục đích chỉ đến những nơi cha cô đã từng đi qua. Trong khi đó, nhân vật nam là một chàng thương gia trung niên giầu có thuộc tầng lớp thượng lưu của Đại Hàn tên Hàn Kỳ Chu (Han Ki Yoo, do nam tài tử Park Shin Yang tức Phác Thân Dương đóng). Sau khi quen biết Thái Anh tại Paris rồi rung động trước trước tính tình chất phác, thẳng thắn và tâm hồn trong sáng của cô nên cuối cùng Hàn Kỳ Chung đã tỏ tình bằng trái tim chân thật: "Anh rất yêu em và thú thật là từ trước đến giờ anh chỉ biết kiếm tiền và tiêu tiền nên chẳng biết đến tình yêu là gì". Mặt khác, người cháu trai của Kỳ Chu là Doãn Tú Nghĩa (Yoon So Hyuk, do nam tài tử Lee Dong Gun tức Lý Đông Kiện đón), cũng có cảm tình sâu đậm với Thái Anh nên tạo thành mối quan hệ tay ba với những tình tiết vui nhộn lý thú khi lúc đầu Kỳ Chu và Tú Nghĩa không hề hay biết họ có quan hệ thân thuộc.
Ngoài các diễn tiến nhanh không kéo dài thời gian để xoáy mạnh vào khía cạnh tình cảm éo le hoặc bi thương như các kịch bản cùng thể loại, "Chuyện Tình Paris" còn bao gồm những câu đối thoại ngắn gọn nhưng súc tích và đôi khi rất dí dỏm khôi hài nên không làm khán giả nhàm chán trong một cốt chuyện bình thường. Đáng kể hơn, bộ phim cũng đưa ra được quan niệm "tình không biên giới" khi kết hợp Thái Anh và Kỳ Chu thành một đôi uyên ương khác biệt giai cấp xuất thân và tuổi tác. Nhìn chung, "Chuyện Tình Paris" đã chứng minh được rằng: một tác phẩm phim ảnh chỉ cần đào kép diễn xuất ăn ý không cần diễn viên trẻ đẹp, vẫn đạt mức thành tựu rực rỡ vì đương thời nam tài tử Phác Thân Dương đã gần 40 tuổi và cũng không phải là một nghệ sĩ điển trai, đồng thời Đình Ân cũng bước vào lứa tuổi 30.
Tiếp theo bước thành công vang dội cả khu vực Châu Á của "Chuyện Tình Paris", Đình Ân lại khẳng định vị trí đỉnh cao của cô qua hai tác phẩm truyền hình lừng danh khác là "Công Chúa Lulu" (Princess Lulu) và "Lovers".
"Công Chúa Lulu" cũng do đài SBS thực hiện vào năm 2005 và được xem là "cơn chấn động thứ hai" của Đình Ân sau khi cô chinh phục hơn 50% khán giả quốc nội. Trong vai nàng tiểu thư Cao Hy Tú (Go Hee Soo), có biệt danh là "công chúa Lộ Lộ" cháu gái duy nhất của một giám đốc tập đoàn tài phiệt chuyên sản xuất đĩa CD, Đình Ân đã bộc lộ tài năng diễn xuất đa dạng của cô khi trở thành một thiếu nữ cứng rắn, tinh nghịch và quyết chiếm đoạt trái tim băng giá của người mình yêu bằng mọi giá.
Tuy Hy Tú xuất thân trong cảnh giàu sang phú quý, nhưng do mẹ cô mất sớm vì tai nạn phi cơ nên từ lúc nhỏ cô phải chịu đựng sự giáo dục nghiêm khắc của cha mình và sự lạnh lùng của người kế mẫu trong phạm vi bốn bức tường gia đình. Cho đến khi cô gặp được một chàng trai tên Khương Vũ Chân (Kang Woo Jin, do nam tài tử Jung Joon Ho tức Trịnh Tuấn Hào đóng) thì cô bắt đầu hiểu được những cảm giác của tình yêu. Vũ Chân vốn là con một của nhà họ Trịnh đứng đầu các công ty kiến trúc cao ốc và là một thanh niên nổi tiếng lạnh lùng. Từ đó đưa đến các diễn tiến khá gay cấn kèm theo những bố cục liên kết nhịp nhàng nói về cuộc tình nảy sinh giữa Vũ Chân và Hy Tú nhưng lại bị gia đình đôi bên phản đối vì cạnh tranh quyền lợi cổ phần trên thương trường. Cuối cùng, với lòng quả cảm và niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, Hy Tú đã vượt qua nhiều thử thách để tìm được hạnh phúc chân thật.
Đây cũng là sự kết hợp lần thứ hai giữa Đình Ân và Tuấn Hào sau khi hai người cùng diễn xuất vai chính trong cuốn phim "Marrying Mafia". Chính vì vậy, "Công Chúa Lulu" đã đáp ứng sự kỳ vọng của giới hâm mộ khi họ trở thành cặp diễn viên xuất sắc đưa bộ phim đạt thành tích cao với tỷ lệ khoảng 30% khán giả theo dõi.
Đến năm 2006, đài SBS tiếp tục tung ra bộ phim "Lovers" tạo thành nhịp cầu duyên nối kết mối tình Đình Ân và Thụy Trấn sau khi họ diễn xuất chung trong 4 tháng trời. "Lovers" là một kịch bản thuộc thể loại tình cảm xã hội nên vẫn nằm trong hướng khai thác những khía cạnh tâm lý của mối quan hệ tình cảm tay ba giữa các nhân vật chính là Doãn Mỹ Châu (Yoon Mi Ju, do Đình Ân thủ diễn), Hạ Khang Tại (Ha Kang Jae, do Lý Thụy Trấn đóng), Phác Hữu Trân (Park Yoo Jin, do nữ diễn viên Kim Kyu Ri tức Kim Khuê Lê đóng). 
Vào thời điểm giữa tháng 3/2008, Đình Ân còn trở thành minh tinh Đại Hàn đầu tiên có một chương trình "talk show" riêng biệt mang tên mình trên truyền hình với tựa đề là "Kim Jung Eun's Chocolate". Đây là sáng kiến độc đáo của đài SBS khi đưa ra một tiết mục giải trí văn nghệ với hình thức người nghệ sĩ dẫn chương trình sẽ "tâm tình" thân mật cùng khán giả qua những câu chuyện chia xẻ vui buồn và cảm nhận về mặt hoạt động nghệ thuật hoặc những đề tài nóng bỏng đang được đa số dư luận chú ý, được phát sóng vào mỗi thứ Ba hàng tuần. Đây cũng là một niềm vinh dự đặc biệt dành cho Đình Ân vì vai trò dẫn chương trình vốn có tầm vóc rất quan trọng trong ngành truyền thông qua việc hướng dẫn dư luận khán giả và tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh tư duy. Ngoài ra, trong buổi ra mắt đầu tiên, Đình Ân đã xuất hiện trước khán giả như một nữ thiên thần sáng chói hòa lẫn vào những dòng nhạc thánh thót vang lên từ chiếc dương cầm do chính cô diễn tấu. Về chi tiết này thì do sự yêu cầu của đài SBS, trước đó Đình Ân phải thụ huấn một khóa học dương cầm và đây chính là kết quả của những ngày tháng tập luyện khó nhọc.
Tính đến thời điểm hiện tại, tức ngay trước khi cô tuyên bố "chấm dứt cuộc tình" với Thụy Trấn, bộ phim truyền hình mới nhất mà Đình Ân góp mặt là "General Hospital 2" được trình chiếu từ ngày 19/11/2008 cho đến ngày 15/1/2009, cũng gặt hái nhiều thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng sau những ngày tháng nguôi ngoai, "công chúa lọ lem" xứ Hàn sẽ tìm được "hoàng tử" mới.


Thể thao - Tiền Đạo

Quyền anh: Trong trận đấu khiêu chiến do "Tổ Chức Quyền Anh Thế Giới" (IBC: Intrenational Boxing Organization) điều hành, diễn ra vào ngày 2/5 tại vũ đài Las Vegas-Hoa Kỳ, tay đấm lừng danh người Philippines thuộc đẳng cấp Super Light Weight (từ 61.235kg đến 63.503kg) là Manny Pacquiao (30 tuổi) đã hạ gục đương kim vô địch Ricky Hatton của Anh Quốc bằng hình thức đo ván (KO: Knockout) ở hiệp thứ 2 sau khi trải qua 2 phút 39 giây so quyền.
Từ hiệp đầu tiên, Pacquiao đã tung ra những cú đấm nhanh nhẹn và liên tục bằng tay trái vốn là vũ khí sở trường của anh, buộc Hatton phải quỵ té 2 lần, coi như đã chiếm thế thượng phong. Đến hiệp 2, những cố gắng gượng gạo của Hatton trong nỗ lực phản đòn cũng không giúp được nhà vô địch tiếp tục đứng vững trên sân sau khi bị trúng cú đấm đánh theo hình vòng cung trúng vào mặt từ bên trái do Pacquiao xuất chiêu chính xác. Đây cũng là trận thắng bằng hình thức đo ván lần thứ 37 trong thành tích 49 thắng 2 hòa 3 bại của danh thủ Pacquiao.
Manny Pacquiao sinh ngày 17/12/1978 với tên thật là Emmanuel Dapridran Pacquiao. Vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khổ tại thành phố Genaral Santos, thuộc tiểu bang South Cotabaco (trước kia là tiểu bang Bukidnon), nên từ năm 12 tuổi Pacquiai đã chuyên tâm luyện tập môn quyền Anh với mộng ước trở thành tuyển thủ nổi tiếng để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Năm 16 tuổi, anh gia nhập làng đấm chuyên nghiệp và sau đó nhanh chóng nổi danh với thành tích hạ đo ván địch thủ qua các giải đấu liên tục tại Hoa Kỳ.
Bóng bàn: Tại "Giải Vô Địch Bóng Bàn Thế Giới 2009" (2009 World Table Tennis Championships), tổ chức tại thành phố Yokohama-Nhật Bản, theo lịch trình từ ngày 28/4 đến ngày 5/5, thế lực của đội tuyển Trung Hoa đã thay phiên nhau đứng đầu các bộ môn thi đấu gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi hỗn hợp nam nữ.
Tính đến ngày 4/5, các tuyển của đội chủ nhà Nhật Bản đã hoàn toàn bị xóa sổ sau khi cặp tuyển thủ Mizutani Jun-Kishikawa Seiya của đội chủ nhà thảm bại 0-4 trước cặp Mã Long (Ma Long) và Hứa Hân (Xu Xin) của Trung Hoa ở trận bán kết bộ môn đôi nam. Mặt khác, trong trận bán kết cùng ngày của bộ môn đôi nữ, cặp Quách Viêm (Guo Yan)- Đinh Ninh (Ding Ning) của Trung Hoa cũng lướt thắng dễ dàng hai cao thủ hàng đầu của Đại Hàn là Kim Cảnh Nga (Kim Kyung Ah) và Phác Mỹ Anh (Park Mi Young) bằng tỷ số 4-1.
Ở bộ môn đơn nữ, tay vợt hạt giống số 1 của giải đấu là Trương Di Ninh (Zhang Yining) đã đoạt vé tiến vào trận chung kết sau khi đẩy lùi tuyển thủ đồng hương Lưu Thi Văn (Liu Shiwen) với tỷ số 4-2.
Quần vợt: Tiếp theo những kỷ lục sáng chói lần lượt được ghi trong bộ sưu tập cá nhân từ khi gia nhập làng bóng nỉ chuyên nghiệp quốc tế, tay vợt hạng Nhất thế giới Rafael Nadal lại tô đậm thêm bề dày thành tích của anh bằng chiến thắng ở trận chung kết ngày 3/5 tại giải "Internazional BNL D' Italia 2009" hay còn gọi là "Roma Master Cup".
Đây cũng là giải đấu mang hình thức so tài trên mặt sân đất sở trường của Nadal nên không có một đối thủ nào có thể cản trở được bước tiến quân như thế chẻ tre của anh từ những trận đấu vòng đầu. Trong khi đó, tuyển thủ cùng tạo nhịp chiến thắng thuận lợi để tiến đến trận chung kết là tay vợt người Serbia Novak Djokovic. Bước vào trận thư hùng đoạt cúp vô địch, Djokovic được giới ái mộ kỳ vọng rất nhiều về khả năng lật đổ huyền thoại "hoàng đế sân đất" của Nadal, vì tính từ đầu mùa đấu năm nay anh chính là tay vợt duy nhất thắng được Nadal một set trên sân đất trong trận chung kết giải "Monte Carlo Master" trước đó hai tuần. Ngoài ra, Djokovic còn là tuyển thủ đoạt cúp "Roma Master Cup 2008", nên cuộc đọ sức này còn mang ý nghĩa của trận chiến bảo vệ danh hiệu vô địch của anh.
Từ thế tương quan chiến lực này, trận chung kết hấp dẫn giữa hai tay vợt hàng đầu thế giới hiện nay đã bắt đầu bằng những chiêu thức ác liệt với Nadal chủ yếu đánh xoáy bóng vào những góc độ nghịch chiều tay cầm vợt của đối phương để làm giảm áp lực của những cú đánh trả, trong khi Djokovic thường sử dụng lối gò bóng dẻo dai để tìm kẽ hở tập kích. Do tài nghệ điều khiển hướng bóng và lực đập của đôi bên đã đạt đến trình độ thượng thừa, nên cục diện chiến trường của set thứ 1 phải đi đến hình thức quyết định bằng loạt đấu tie-break. Ngay sau đó, tuy Djokovic đã hóa giải được các thế chuyển hướng hiểm hóc của Nadal và san bằng tỷ số 5-5 nhưng đồng thời anh cũng phạm khá nhiều lỗi đánh hỏng ở các pha bỏ nhỏ và đánh trả bóng trong tư thế nghịch tay, nên buộc phải buông vợt ở tỷ số 6-7.
Sang set thứ 2, phong độ của Nadal càng ổn định vững chắc và tỏ ra lợi hại gấp bội qua những cú đánh tạt vừa nhanh nhẹn thần tốc vừa mang theo kình lực mạnh mẽ khiến Djokovic bị đẩy lùi chớp nhoáng với tỷ số 2-6.
Đây là lần đăng quang thứ tư của Nadal tại "Roma Master Cup", tức kỷ lục vượt trội danh thủ Martin Mulligan (3 lần vô địch vào các năm 1963, 1965, 1967), và cũng là lần vô địch thứ 5 trong mùa vợt năm nay.
Về phía nữ, tay vợt nữ Cộng Hòa Nga vừa được thăng hạng Nhất thế giới trong tháng tư vừa qua là Dinara Safina đã bất ngờ thảm bại 4-6, 3-6 trước tuyển thủ đồng hương Svetlana Kuznetsova trong trận quyết định ngôi đầu giải đấu "Porsche Tennis Grand Prix" diễn ra tại Stuttgar-Đức Quốc.
Đối với Kuznetsova, đây là danh hiệu vô địch đầu tiên mà tay vợt hạng 9 thế giới dành được từ đầu năm nay sau gần hai năm trắng tay trong các giải đấu "Tour Master". Trong khi đó, Safina lại nếm mùi thất bại ở trận chung kết thứ 3 của mùa vợt 2009 và vẫn chưa được nâng cúp vô địch lần nào kể từ khi bước vào năm nay.
Túc cầu: Bắt đầu từ ngày 28/4, giải đấu thượng đẳng dành cho các các câu lạc bộ Châu Âu "Champions League" đã bước vào giai đoạn khởi tranh lượt đi của vòng bán kết với sự hiện diện của 4 đội bóng khét tiếng làng cầu quốc tế gồm: Manchester United, Chelsea, Arsenal và Barcelona. Qua kết quả bốc thăm trước đó, vòng bán kết đã trở thành vũ đài tranh hùng hấp dẫn của hai cặp đấu đồng tài ngang sức Barcelona-Chelsea, Manchester United. Do đó, hai trận chiến của lượt đi vòng bán kết mùa bóng năm nay đã trở thành những đợt sóng lớn lôi cuốn sự quan tâm của khán giả ái mộ trên toàn thế giới qua cục diện: "Tam Hùng Anh Quốc Tranh Bán Kết. Độc Cước Spain Tỏ Uy Danh".
Barcelona-Chelsea: Chiến thuật cẩn trọng tấn công và đặt ưu tiên về mặt phòng thủ của nhà cầm quân nổi danh người Hòa Lan Hiddink, đã thực sự cho thấy ông là một huấn luyện viên có tầm nhìn sắc bén khi đưa đội quân Chelsea tiếp chiến trên đất địch cùng Barcelona vào tối ngày 28/4.
Trong những tiếng reo hò vang dội cả cầu trường Nou Camp của đa số ủng hộ viên đội Barcerlona, tuy Chelsea ra quân với dạng thức 4-4-2 nhưng trên thực tế chỉ để lại một chân sút duy nhất ở tuyến trên là "Hắc Tượng" Drogba vì hầu như họ đã tập trung toàn bộ lực lượng dưới lằn biên giữa sân để hóa giải những đợt tập kích của Barcelona sau khoảng vài phút so chân. Đương nhiên, Barcelona cũng quá hiểu rõ ý đồ "phòng thủ nghiêm mật, phản công thần tốc", vốn là chiêu thức thường dùng của các đội bóng thi đấu trên sân địch nên lập tức nương thế lùi sân của đối phương, điều khiển nhịp đấu để nắm giữ thế trận một cách nhanh chóng. Do đó, từ phút thứ 5 hiệp đầu, từng cánh áo xanh viền đỏ của đội chủ nhà đã lần lượt nối tiếp nhau tràn qua vạch biên giới, hình thành các trục chuyền bóng chính xác, châm ngòi nổ cho ba mũi nhọn Messi, Eto'o và Henry lúc này đã thường trực đóng chốt trước khu cấm địa, chờ cơ hội đột phá hoặc sút thẳng về khung thành thủ môn Cech. Tuy nhiên, trước những bức tường "thách thức" được xây dựng kiên cố từ tuyến tiếp ứng trải dài đến hàng hậu vệ của Chelsea, các đợt công thành của Barcelona đã gặp phải sức chống trả mãnh liệt buộc tiền đạo Messi phải dời vị trí hoạt động sang hai đường biên để mở rộng góc độ đột kích và tìm kẽ hở đưa bóng vào khu cấm. Trong khi đó, cả Henry lẫn Eto'o đều có nhiều cơ hội tiếp cận khung thành tương đối dễ dàng nhưng vẫn không sao tìm được những cú dứt điểm mang tính cách quyết định chiến trường.
Ngược lại, tuy nhường quyền kiểm soát bóng cho đối phương trong hơn 2/3 thời gian hiệp đầu nhưng Chelsea vẫn thể hiện được bộ mặt lợi hại của họ qua những đường bóng phản công đánh úp bất ngờ, thường được kiến tạo qua trục nối Bosingwa, Ballack để chuyền bóng nhanh nhẹn cho cặp tiền đạo Malouda, Drogba khuấy động ở hàng trên. Từ đó cho thấy ngoài nỗ lực vô hiệu hóa các cú sút của "Truy Hồn Tam Cước" Messi, Eto'o và Henry, lối chơi gắn bó toàn đội hình của Chelsea đã tạo được hiệu quả đúng như dự tính của ông Hiddink qua chiến thuật" quyết thắng trên sân nhà, thủ hòa trên sân địch"
So với hiệp đầu, nhịp độ dâng quân bao vây khung thành thủ môn Cech của Barcelona ở hiệp 2 đã có phần chậm lại vì đội chủ nhà cũng thực sự cảm thấy nguy hiểm do các khoảng trống để hở từ phía hậu tuyến luôn bị đối phương khai thác. Vì vậy, thế cầm cự giữa kẻ thủ người công đã lướt qua luôn 90 phút tranh tài nhưng vẫn không thể thay đổi được tỷ số bất phân thắng bại 0-0 trên bảng điện. Trận hòa trong tình huống không ghi được điểm nào trên sân nhà ở lượt đi, rõ ràng đã nghiêng thế bất lợi về Barcelona vì ở trận lượt về ngày 5/5, họ phải chiến đấu tại Stamford Bridge, tức cầu trường của Chelsea, từng ghi dấu 3 trận thảm bại của Barcelona trong 4 lần mang quân đến vùng "tử địa" này.
Manchester United-Arsenal: Ra quân trong trận chiến trên sân nhà ngày 29/4, đội hình của đương kim vô địch Manchester United vẫn là một tập hợp biểu hiện sức mạnh của lối chơi sở trường "tấn công ráo riết, uy hiếp khung thành" được dàn trận theo thế "tứ vệ tiếp công xông cấm địa, trung phong lướt bóng khống cầu môn" với 4 tiền vệ Carrick, Anderson, Fletcher, Ronaldo trấn giữa khu trung tuyến để làm trục nối bóng cho hai chân sút thiện xạ là cặp tiền đạo Tevez và Rooney. Trong khi đó, ở bên kia trận tuyến là đội quân Arsenal dàn quân lấp kín các vị thế trọng yếu trước vạch 16.50m với 5 tuyển thủ thường xuyên bọc lót các hướng ra vào từ "cửa khẩu" chính diện do trung vệ Gibbs đảm nhận. Từ thế trận nghiêng về chiến thuật phòng thủ trong tâm lý cẩn trọng trên đất địch, Arsenal đã nhanh chóng hứng chịu những đợt tấn công ào ạt của đội chủ nhà ngay từ khi bóng lăn trên sân. Do đó, chỉ mới ở phút thứ 2 của hiệp đầu "Thần Tiễn" Rooney của Manchester United có cơ hội lấn sâu cấm địa và dứt điểm một đường bóng khép góc bằng cú đánh đầu nguy hiểm khiến thủ môn Almunia phải trổ hết tài nghệ ngã người phá bóng mới giữ được nguyên vẹn cho màng lưới đội nhà. Kế tiếp, đến Hung Diện Thần Quân Tevez uy hiếp cầu môn đối phương qua một pha hoán đổi vị trí đánh lừa sự truy bám của hậu vệ địch, lướt thẳng vào cấm địa để đón nhận đường chuyền tạt vào từ cánh trái trong tư thế "tiền đạo đối diện thủ môn, người chận kẻ sút ai hơn ai tài"". Nhưng một lần nữa Almunia lại xuất sắc cản phá được cú sút hiểm ác của Tevez, đẩy bóng ra ngoài tạo dịp cho Tevez bồi thêm cú sút tiếp theo đưa bóng chạm cầu thủ đối phương văng ra lằn ranh cuối đường biên.   
Cục diện được hưởng quả phạt góc này ở phút 17, đã ghi bàn thắng đầu tiên cho đội chủ nhà bằng cú sút tiếp cận khung thành của hậu vệ O'She lúc đó đang dâng lên tiếp công.
Sau bàn thua 0-1, Arsenal quyết định từ bỏ lối chơi phòng ngự, chuyển sang chiến thuật chủ động tấn công nên tạo được thế trận quân bình, so chân ngang ngửa cùng đối phương với những đợt giao tranh qua lại thật sôi động giữa đôi bên. Tuy nhiên, những diễn tiến tiếp theo của trận đấu kéo dài sang hiệp hai vẫn cho thấy ưu thế tấn công nghiêng về phía đội chủ nhà nên tỷ số 1-0 đã trở thành kết quả trận bán kết lượt đi.
Trận thắng này được đánh giá là thành công đúng như dự đoán của huấn luyện viên Ferguson vì tạo được khí thế phấn chấn cho Manchester United trước cường địch đồng hương, nhưng ở lượt về ngày 6/5 họ phải trực diện nhiều thử thách trên sân Emirates của Arsenal vốn vẫn còn rất nhiều cơ hội lật ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng.
Bremen-Hamburg và Dynamo Kiev-Shakhtar Donetsk: Trong cùng thời điểm bước vào giai đoạn cuối của "Champions League" mùa bóng năm nay, giải đấu " Cup UEAF" cũng hoàn thành lịch trình lượt đi vòng bán kết qua hai trận chiến ngày 30/4 vừa qua với hai cặp đấu: Bremen-Hamburg và Dynamo Kiev-Shakhtar Donetsk.
Cuộc đối đầu "duyên nợ" giữa hai câu lạc bộ của giải chuyên nghiệp quốc nội lừng danh của Đức là Bremen và Hamburg đã trở thành vũ đài cho đội Hamburg "rửa hận" vì vào tuần lễ trước đó họ đã để thua đối phương ở trận bán kết giải đấu Cúp Vô Địch Quốc Gia. Chính vì vậy, tuy phải chiến đấu trên sân địch nhưng những tuyển thủ của vùng đất cảng Hamburg mới thực sự là chủ nhân nắm giữ chìa khóa điều khiển thế trận trong suốt hiệp đầu, dẫn đến cơ hội làm bàn cho tiền vệ Trochowski ở phút 28 hiệp 1, sau khi anh thi triển cú đánh đầu chính xác. Mặt khác, tuy có nhiều nỗ lực phản công ào ạt ở hiệp 2, nhưng đội chủ nhà vẫn không sao xuyên thủng được màng lưới địch thủ trước hàng phòng thủ vững chắc của những cánh áo đỏ đội Hamburg lúc này đã rút quân về án ngữ trước khu cấm để bảo vệ tỷ số 1-0. Cuối cùng, Bremen đành chấp nhận trận bại chiến trong niềm kỳ vọng "phục thù" mong manh ở trận lượt về diễn vào ngày 9/5, vì họ phải thi đấu trên sân địch.
Trận chiến cùng ngày giữa hai đội bóng Ukraine là Dynamo Kiev và Shakhtar Donetsk cũng kết thúc bằng tỷ số hòa 1-1. Tương tự như thế bất lợi của Bremen, ở trận lượt về đội Dynamo Kiev được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải trải qua 90 phút cam go trên sân đối phương.


Câu Chuyện Thể Thao - Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu tiếp về môn "Đua Xe Đạp", tức "Bicycle Racing".
Track Race: Là hình thức tranh tài của những tuyển thủ trên các đường đua được giới hạn trong sân hình tròn gọi là "Track", sử dụng loại xe đạp "Track Bicycle" có bộ phận tay lái thấp hơn yên ngồi để các tay đua có tư thế khom người xuống khi điều khiển xe, nhằm giảm lực cản không khí. Tại Châu Âu và Hoa Kỳ hình thức thi đấu "Track Race" thường được tổ chức trong các sân vận động có mái che, nhưng tại Nhật Bản và một số quốc gia Châu Á yêu chuộng môn đua xe đạp lại có khuynh hướng sử dụng các sân đua ngoài trời trong mục đích gia tăng mức độ khó khăn thử thách và nâng cao sức chịu đựng cho các tuyển thủ. "Track Race" cũng được phân ra nhiều loại:
Time Trial: là môn đua xe đạp từng cá nhân, lướt tốc độ để đạt thời gian ngắn nhất vượt qua cự ly quy định với phái nam là 1000m và nữ là 500m.
Sprint Race: môn đua xe đạp có từ 2 tuyển thủ đến 4 tuyển thủ tham chiến, xuất phát đồng thời từ mức khởi hành để tranh nhau về Nhất đến mức goal. Do hình thức này không giới hạn thời gian nên giữa chặng đua có thể dừng lại. Trước đây, "Sprint Race" còn được gọi là "Scratch"
Team Sprint: là hình thức "Time Trial" thi đấu toàn đội, mỗi đội có ba tuyển thủ và chạy 3 vòng trên đường đua. Tuy 3 tuyển thủ của mỗi đội đều xuất phát đồng thời từ mức khởi hành, nhưng sau khi tuyển thủ cuối cùng của các đội hoàn thành vòng đua thứ ba thì lúc đó mới căn cứ vào yếu tố thời gian để quyết định thắng bại. Hình thức này xưa kia được gọi là "Olympic Sprint".
Keirin: bộ môn tranh tài dựa vào căn bản hình thức đua xe đạp mang tên "Keirin" của Nhật Bản. Thông thường có từ 6 đến 8 tuyển thủ tranh tài, chạy theo sau một chiếc xe đạp loại có gắn điện do người hướng dẫn điều khiển để giữ tốc độ, gọi là "pace-maker". Khi chạy đến mức cự ly giữa đường, người hướng dẫn "pace-maker" sẽ tách ra khỏi đoàn đua, sau đó các tuyển thủ sẽ chạy nước rút về đến mức goal và người về Nhất sẽ thắng cuộc.
Point Race: hình thức tranh tài tính điểm cá nhân tuyển thủ với khoảng 20 tay đua tham chiến cùng xuất phát từ mức khởi hành, sau đó mỗi khi vượt qua lằn mức của cự ly 2000m thì các tuyển thủ sẽ ghi được điểm theo thứ tự về trước sau. Cuối cùng, tuyển thủ có tổng số điểm cao nhất là người đoạt giải. Cách tính điểm ở mỗi chặng đường 2000m là về Nhất được 5 điểm, về Nhì được 3 điểm, về Ba được 3 điểm, về Tư được 1 điểm. Ngoài ra, tuyển thủ vượt hết một vòng đua nhanh nhất còn ghi được 20 điểm.
Madison: hình thức thi đấu toàn đội với cách tính điểm giống như "Point Race". Mỗi đội có 2 tuyển thủ và cuối cùng chỉ tính điểm tuyển thủ có điểm cao nhất trong đội để so sánh với các đội khác. Trong các giải đua dành cho đội nam, các tuyển thủ có thể đổi phiên nhau ở giữa chặng đua. Danh xưng "Madison" xuất xứ từ tên gọi của khu vực thể thao, giải trí danh tiếng ở thành phố New York-Hoa Kỳ là "Madison Square Garden"
Off-Road Race: Đúng như tên gọi, đây là hình thức tranh tài bằng xe đạp trên những con đường chưa được xây dựng hoàn chỉnh, bao gồm cả những con đường dốc, đường "ổ gà". Hình thức "Off-Road Race" cũng không quy định cự ly chính thức cho từng đoạn đường của mỗi chặng đua và gồm có những loại sau đây.
Cyclo-Cross: là hình thức các chặng đua đường trường được thiết lập xuyên qua các vùng đồng ruộng, rừng núi (gọi là cross-country) và sử dụng loại xe đạp chuyên dụng. Đặc tính của của hình thức này là ngoài động tác đạp xe lướt tốc, các tuyển thủ còn phải khiêng xe đạp để vượt qua các "chướng ngại vật nhân tạo" tại những đoạn đường có bùn đất lầy lội, những bậc tam cấp cao, những con dốc lồi lõm v.v…Các tuyển thủ xuất phát cùng lúc và tranh nhau về đến mức goal với số lượng thời gian ít nhất. Thông thường, hình thức tranh tài này có cự ly rất ngắn khoảng từ 3km đến 4km.
Mountain Bike Race: các tuyển thủ tham dự sử dụng loại xe đạp chuyên dụng cho các con đường đồi núi hiểm trở là "Mountain Bike" và đồng thời xuất phát từ điểm khởi hành để tranh nhau thứ hạng về đến mức goal.
Downhill Race: đúng như tên gọi, bộ môn này được tranh tài tại các đường thả dốc đi xuống với tốc độ rất nhanh. Các tay đua dùng loại xe Mountain Bike, xuất phát theo thứ tự cách khoảng thời gian để tranh nhau đến mức goal trong thời lượng quy định.
BMX Race: là hình thức thi đua xe đạp xuất phát từ Hoa Kỳ, sử dụng loại xe đạp nhẹ, cấu tạo đơn giản, nhỏ gọn, không gắn các bộ phận thộng thường như các loại xe khác như đèn, thắng tay, thắng chân và chân chống. Tuy danh xưng chính thức của bộ môn này là "Bicycle Motocross" nhưng được đa số giới ái mộ gọi vắn tắt là BMX. Tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 vừa qua, BMX đã trở thành bộ môn tranh tài chính thức của đại hội Oympic.
Hình thức này còn được chia làm 2 loại là "BMX Race" và "BMX Free Style". "BMX Race" là bộ môn tranh tài đơn giản đặt căn bản trên tốc độ, với cự ly ngắn chỉ có 400m và tối đa có 8 tuyển thủ trong mỗi đợt đua để cạnh tranh vượt qua các đoạn đường đất lồi lõm đủ hình dạng. Các tuyển thủ xuất phát đồng thời từ mức khởi hành và lần lượt trải qua các vòng dự tuyển, tứ kết, bán kết, chung kết. Những thành tích của các tuyển thủ còn được tổng kết vào thời điểm cuối năm để căn cứ vào đó phân hạng đẳng cấp cho giải đấu của năm kế tiếp.
Trong khi đó, "BMX Free Style" lại phong phú hơn với các hình thức thi đấu đặt nặng về kỹ thuật điều khiển xe đạp bay lên không trung, nhào lộn với đủ kiểu biểu diễn từ mức độ dễ dàng đến khó khăn, được thể hiện bằng tài năng sáng tạo của các tuyển thủ.
Bike Trial Race: là hình thức đua xe vượt qua các chướng ngại vật và có đặc điểm là không được để chân chạm đất trong lúc tranh tài, sử dụng loại xe "Mountain Bike", còn được gọi tắt là BTR. Tùy theo các bộ môn quy định của giải đấu, có nhiều loại xe đạp được sử dụng khác nhau như loại xe đạp có đường kính bánh xe "26 inch", "20 Inch" v.v…Đường đua của BTR là những địa hình tự nhiên, đòi hỏi các tuyển thủ phải dùng kỹ thuật điều khiển xe vượt qua trở ngại để về đến mức goal. Các tuyển thủ được tính điểm ở từng chặng đường, vì vậy nếu để chân chạm đất hoặc tựa xe vào thân cây v.v…để giữ thăng bằng sẽ bị trừ điểm. Đến giai đoạn cuối cùng về đến mức goal, ban giám khảo căn cứ vào tổng số điểm cá nhân để quyết địch tuyển thủ đoạt giải. "Giải Vô Địch BTR Thế Giới" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992.


Cycleball: còn gọi là "Radball" theo tiếng Đức, là hình thức tranh tài bằng xe đạp đưa bóng vào goal, giữa hai đội gồm những tuyển thủ ngồi trên loại xe đạp có yên xe được thiết trí ở tận phía sau xe để điều khiển bánh trước di động quả bóng nhằm chuyền cho đồng đội hoặc lách lừa qua đối phương và đưa bóng vào lưới địch thủ. Đây là một hình thức tương cận với môn túc cầu nên tại Nhật Bản còn được gọi là "Cylce Soccer". Loại bóng sử dụng trong môn Cycleball được chế tạo lớp ngoài bằng vải cứng có đường kính khoảng 17cm đến 18cm, nặng khoảng 500g đến 600g. Môn Cycleball được thi đấu trên sân gỗ có chu vi 14mX1m, trong các hội trường có mái che với hai hiệp đấu, mỗi hiệp 7 phút. Trong lúc tranh tài, các tuyển thủ không được để chân chạm đất.
Artistic Cycling: là hình thức sử dụng xe đạp để biểu diễn các điệu múa nghệ thuật trong một khoảng thời gian quy định để tính điểm nên được xem là một phiên bản của môn "Trượt Băng Nghệ Thuật" (Skating Figure). Môn Artistic Cycling được tranh tài trên các sân gỗ trong các hội trường có mái che và các tuyển thủ sử dụng loại xe đạp chuyên dụng đặc biệt chỉ dành cho bộ môn này. Ngoài ra, các giải đấu còn phân ra bộ môn dành riêng cho nam, nữ, cá nhân, múa đôi và toàn đội hình. Thời gian biểu diễn quy định cho tất cả các bộ môn đều là trong vòng 6 phút. Đặc biệt, hình thức tranh tài trong bộ môn múa đôi rất ngoạn mục với những màn đặc sắc khi một tuyển thủ đứng trên hai bàn đạp điểu khiển thăng bằng hoặc di chuyển xe, còn tuyển thủ khác thì vừa ngồi trên vai đồng đội vừa trình diễn các động tác múa không khác gì hình thức của môn xiệc. Artistic Cycling và Cycleball là hai môn thể thao nằm trong giải vô địch thế giới thể loại sử dụng xe đạp trong các hội trường được tổ chức hàng năm có danh xưng là "UCI Indoor Cycling World Championships".


Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Tôi còn nhớ rõ 4 năm xưa (1968), khi ấy tôi từ dưới Hoả Lò mới lên trại Trung Ương Số I, rồi được chuyển vào phân trại E do Hoàng Thanh làm giám thị. Tôi được phân bổ về toán 2 làm mộc, cũng do Nguyễn Huy Lân làm toán trưởng. Khi biết tôi cũng từ trong Nam ra Bắc, lại cùng ở trại định cư Nam Hoà thuộc phường 6, quận Tân Bình, anh và tôi rất qúy mến và thân nhau từ đấy. Mùa Đông, tôi thường sang chỗ anh nằm đắp chăn chung, chuyện trò tâm sự. Khi biết tôi còn thanh niên chưa vợ, có lần anh hỏi tôi:
- Tao hỏi thực mày, mày đã nhìn thấy cái "hến" của đàn bà chưa"
 Sau khi Lân biết tôi chỉ nhìn thấy của các bé gái còn nhỏ 4, 5 tuổi. Một buổi tối, Lân trêu tôi. Anh đứng ở giữa nhà nói to với cả buồng:
- Thằng Bình nó ngố lắm ! Nó cứ tưởng cái "hến" của con gái khi lớn lên vẫn vậy. Nó không biết là khi đứa con gái bắt đầu 11-12 trở đi thì cái "hến" cứ xoay dần, để rồi đến 18 tuổi cho tới khi thành đàn bà, thì nó nằm ngang hẳn ra.
Ngay khi ấy, tôi cũng không tin và hiểu là Lân Mều, muốn trêu tôi mà thôi. Tuy vậy, tôi cũng bán tín bán nghi, một hôm tôi đã hỏi Gôm, Gôm cười hềnh hệch và nói là cá biệt, có người nó lại còn ngược hẳn lên cơ. Để rồi mấy tháng sau, nhân một lúc vui tôi đã hỏi thẳng bác Lẫm. Bác cười bằng mắt bảo tôi:
- Yên tâm đi, sau này sẽ biết!
Sáng hôm sau Chủ nhật, trời cũng chẳng chiều lòng người, sương mù kéo dầy đặc. Tới khi kẻng tập họp để chuẩn bị xuất trại đi LĐXHCN mà sương khói vẫn còn mịt mù, chỉ nhìn rõ người và cảnh vật xa chừng ba chục mét. Xa hơn nữa, thì chỉ thấp thoáng bóng người mơ hồ trong sương đục. Để phòng ngừa, ban giám thị cho lệnh phải tăng cường mỗi toán thêm một công an võ trang nữa. Rặng Hoàng Liên Sơn hôm nay cũng biến vào mây trời mất tiêu, chỉ còn lại một mầu rêu già xám xịt phiá chân trời.
8 giờ, tiếng trống thùng thùng của hai tay trống nhà bếp phiá cổng trại làm rung rinh lòng mọi người. Hai chiếc biển ngữ đỏ nẹt, chữ trắng, đã nhìn rõ dần. Một cái của khu A viết "Vì miền Nam ruột thịt, một người làm việc bằng hai". Một cái của khu B "Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm". Từng toán, lần lượt ra khỏi cổng trại.
Khi toán 2 ra đến khu vực đã được phân công, đảm trách ở chiếc ao giữa, Nguyễn Huy Lân lấy ra một tờ giấy đã viết sẵn, anh cao giọng thong thả đọc từng tên. Một số người già yếu ở trên bờ làm cỏ, chan đất, đắp bờ. Còn hầu hết trai trẻ, đều phải xuống nước vớt bèo, móc bùn. Riêng tôi, vì có chút kỹ thuật, nên được ở trên bờ để san và đắp bờ.
Trời đã về cuối Xuân, nhưng nước vẫn còn lạnh căm căm. Cái chính là bụng đói, thì cật rét; cởi áo ra, người anh nào cũng chỉ còn xương với da, tay chân khẳng khiu, khòng khèo. Mới sáng thứ Bẩy hôm qua, anh Lương Yên làm vệ sinh, cho biết bên khu B hình sự, có hai cậu được khênh xuống bệnh xá đều chết vì ăn qúa nhiều vỏ sắn, bụng chương lên, không đi cầu được. Thế mà khí thế lao động vẫn hăng say. Tiếng trống, tiếng loa hô hào vẫn oang oang, thình thình như một đám hội của đình làng.
Khoảng gần 10 giờ, mặt trời đã ló ra nhìn cảnh núi rừng âm u trong sương đặc, nhưng gió lộng hơn nên vẫn lạnh. Trong toán 2, người ở dưới nước, người trên bờ, mặt anh nào cũng tái ngoét, răng đánh vào nhau cặp cặp. Mọi người đề nghị cho đốt lửa để hút thuốc và cũng sắp đến giờ giải lao ăn sắn bồi dưỡng. Được lệnh của BGT, một số anh tự giác đem xe ba gác vào khu thủ công của toán xẻ và toán mộc, lấy phoi bào và những đầu gỗ thừa. Chỉ nửa giờ sau mỗi ao đã có một đống lửa to, mọi người nhìn cho ấm mắt, và cũng ấm lòng thôi, chứ chưa ai được đến gần đâu!
Từ sớm tới giờ, tôi vừa làm vừa ngẩn ngơ suy nghĩ. Đói khổ, lầm than triền miên như vậy mà không khí lao động vẫn sôi nổi, không ngưng nghỉ. Tại sao như vậy " Càng ngẫm nghĩ, càng thấy kinh sợ cái tài khích lệ, phỉnh phờ, đe dọa ép buộc, kết hợp với cái dạ dầy để chỉ huy con người của CS. Phải hàng chục thứ liên kết, mỗi cái một ít, từ ngoài xã hội đến trong gia đình, để có một sức ép tứ phía.
Rõ ràng mọi người không muốn làm, mà rồi vẫn phải làm, làm với một thái độ hăng say, nồng nhiệt. Suy kỹ đã thấy sáng tỏ: Nội dung không quan trọng bằng hình thức. Mà ngay từ xa xưa, ông cha chúng ta đã thấy: "Cách ăn không bằng ý ở". So với sự cho tiền, cho ăn, cho vật dụng, cái cách đưa, cách cho, cách đối xử quan trọng hơn. Phương Tây cũng có câu: "Của cho không bằng cách cho". Cái cách thể hiện câu nói, quan trọng hơn nội dung câu nói.
Ai cũng thấy, kể cả người CS cũng thấy họ làm nhiều điều sai, nhiều điều thiệt hại đến người dân, với đất nước, nhưng họ chỉ cần nghiên cứu thấu đáo phương cách thực hiện. Muốn quán triệt, họ cần phải có nhiều bộ óc, cùng nghiên cứu mọi mặt của một vấn đề. Rõ ràng: bốn người trình độ như nhau, qủy quái, tinh khôn như nhau; nếu ba người hợp lại để chống một người, thì hầu như cái tất thắng là ở phiá ba người.
Truyền thống từ nhiều đời, Đông cũng như Tây ông cha đều đã dậy: "Ba cái đầu hơn một cái đầu". Đông người mà cùng nhìn về một phía, cùng đem hết tâm hồn và trí lực để thực hiện một mục tiêu, thì thành công.
Chứ đông mà "ông chẳng, bà chuộc", "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", người này kích bác, chống phá người kia, kéo bè, kết cánh để gây mâu thuẫn, đả phá lẫn nhau, thì lại không bằng một người. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn của Napoléon "Một vị tướng tồi, còn hơn 2 vị tướng giỏi". Việt Nam ta cũng có câu "Nhiều thầy, thối ma".
 Phương pháp của người CS là: Trên cao nhất có bộ chính trị, sau đó là có một ủy ban trung ương, các cơ quan đoàn thể đều có đảng ủy; tỉnh, huyện, xã thôn đều có. Khâu nào cũng có tập thể cùng bàn bạc thảo luận nghiên cứu thấu đáo từng sự việc, theo nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Từ đấy suy ra: Thế Giới Tự Do của chúng ta đã phù hợp với lòng người; chúng ta không hề lừa lọc, bịp bợm người dân, nên có chính nghĩa. Vậy chỉ cần nghiên cứu về phương pháp thực hiện, đã thấy tính hơn hẳn của chúng ta đối với CS rồi.

*

Trời sáng dần, nhìn sang phía hai chiếc ao 1 và 3 đã thấy những bóng người trong sương trắng. Đầu óc tôi vẫn còn chìm nghỉm vào những dòng tư tưởng mênh mông; bỗng tiếng của anh chàng Gôm, trong đám vớt bèo ở dưới ao ré lên:
- Đỉa!…Đỉa!...
Rồi y chạy bổ lên bờ. Tiếp theo có nhiều tiếng gào giật đùng đùng:
 - Đỉa! Đỉa!…Nhiều đỉa qúa!...
 Một số người nhào vào bờ. Chàng Gôm mặt tái ngoét, hai tay thay nhau bấu, lôi một con đỉa hẹ như cái sơ mít đang bám phía trên đầu gối; chân nhẩy giẫy đành đạch. Gôm lính quýnh mãi không lấy được con đỉa ra, cứ dứt đầu này thì đầu kia nó lại bám vào da. Thương hại, tôi chạy lại bên Gôm, nhổ một bãi nước bọt vào tay, rồi xát vào đùi Gôm, chỗ con đỉa bám. Tôi lôi con đỉa ra một cách dễ ợt, rồi ném mạnh ra xa vào chỗ đống bùn, trước những con mắt mở to của Lê văn Kinh và thày tu Nguyễn thanh Đương. Kinh, người miền Nam, hỏi tôi một cách trầm trồ:
- Bình bạo thế! Làm sao lại phải dùng nước bọt"
Tôi cười thản nhiên:
- Ồ, còn nhỏ, tôi mò cua bắt ốc là thường; còn nước bọt, nó trơn, con đỉa không bám được vào da nữa. Người ta nói: "Dai như đỉa đói" là thế!
Miễn, cán bộ toán và tên công an võ trang, cũng tươi mặt mỉm cười nhìn tôi. Phía cuối toán cũng có vài anh nữa ở dưới ao, đang ném những con đỉa ra mãi tít xa ngoài giữa ao. Một số anh nhanh nhẩu quát:
- Hãy ném đỉa lên bờ, ném xuống ao, nó trở lại cắn nữa!
Cả cái vòng tròn của cái ao to, nhiều toán cũng ném đỉa tứ tung. Xa xa hai chiếc ao phía hình sự và K2 cũng đang í- ới về đỉa; bỗng có tiếng những cô gái hét lên, chạy xôn xao, nhưng xa quá, nên tôi chỉ thấy thấp thoáng trong sương mờ. Có mấy anh ở dưới ao, hướùng về tên công an võ trang cao giọng:
- Đề nghị cán bộ, cho chúng tôi tình nguyện sang bắt đỉa, cho phiá phụ nữ ạ"
Tên vũ trang đứng gần phía đống lửa, mắt y long lanh nhìn sang phía K2, đầu lắc lắc, miệng y lại cười cười. Tôi có cảm tưởng như y muốn nói:
- Nếu tự nguyện sang bắt đỉa cho phụ nữ được, thì tôi chả để đến phần các anh đâu!
Lẫn vào trong tiếng trống, tiếng loa hò hét, bỗng một hồi kẻng lanh lảnh phía cổng trại như ngoáy vào sương mù làm cho những tiếng loa, tiếng trống im bặt. Giờ hạnh phúc, giờ giải lao, giờ ăn sắn bồi dưỡng đã đến rồi; một đoàn người gánh gồng từ trong cổng trại đang tiến ra các bờ ao. Nguyễn huy Lân và mấy anh tổ trưởng toán 2 đang lúi húi trải một tấm nylon xanh cũ, nhiều chỗ đã đen nhẻm xuống đất gần chỗ đống lửa, để cho anh nhà bếp đặt gánh sắn còn bốc hơi.
Mùi sắn thơm ngọt, phả vào trong màn sương đặc, nhưng chợt có một mùi thơm khác, mùi thơm lạ, mùi của mều, của protéin. Làm nhiều người hấng mặt, cong mũi lên hà hít vào không khí. Mùi thơm ngậy, luồn vào trong gió rồi lách vào mũi của mỗi người, làm cho nước miếng của tôi đã rỉ ra trong miệng. Tôi nhớn nhác nhìn về phía đống lửa: Bùi tâm Đồng, Lê văn Kinh, Nguyễn văn Gôm và Lò văn Lui, anh nào mồm cũng đang nhóp nhép nhai. Mặc, đám đông đang ríu rít chia sắn bồi dưỡng, tôi sà đến chỗ đống lửa. Miệng còn đang nhai, Lê văn Kinh giơ cho tôi một miếng đen đen cháy, bằng nửa ngón tay út vồn vã:
- Còn một con cá bống cơm đây, phần Bình.
Nước bọt đã ứa ra miệng, tôi cầm lấy với ánh mắt biết ơn. Của qúy mà anh em dành cho; miệng nhai, mũi ngửi nó vừa thơm, vừa bùi lại ngầy ngậy, mắt sáng ra háo hức:
- Cá bống cơm ao bèo bồng, sao mà ngon thế hở trời!
Tôi chợt thắc mắc:
- Sao cá bống mà lại không có xương sống"
Cả 4 người đều cười như nắc nẻ:
- Đỉa đấy ông bạn ơi! Làm gì ra có cá bống!
Nghe thế, tôi cũng thấy hơi nhờ nhợ, lợm giọng nhưng kệ nó, vì ngon quá! Hơn nữa, cả 4 người họ đang đi lùng xục bới trong những đống bùn. Từ sớm tới giờ mọi người vất đỉa linh tinh, bây giờ lại đi tìm. Anh nào chưa nếm mùi "Cá bống cơm" thì còn lửng lơ, chỉ nhìn quan sát vì tò mò. Anh nào đã nếm mùi thì đều đôn đáo, tay cắn sắn, mồm nhai, nhưng mắt vẫn nhớn nhác nhìn đây đó để tìm "cá bống cơm". Thậm chí có mấy người còn lội hẳn xuống ao, chân tay khua động nước, rồi đứng yên chờ cho đỉa đến cắn, bắt đem lên nướng. Thành ra giờ đây lại đi tìm đỉa, săn đỉa, chứ không còn sợ đỉa nữa.
Câu chuyện cá bống cơm này đã hơn 30 năm, bây giờ Lê văn Kinh (người nhái) đang ở Florida; đôi khi trên phone tôi và Kinh còn nhắc lại, để rồi hai ông già còn cười, cùng nhớ lại "Đàn cá bống cơm ao bèo" của "muôn năm cũ".
Gần nửa đêm hôm qua, tôi giật mình thức giấc, vì tiếng báo cáo đi cầu của anh Lồ cao Diu ngay sàn trên, đối diện với tôi. Tôi cứ nằm nghe tiếng gió rừng rì rào lẫn với những tiếng ngáy cò cử của một số người trong buồng; bỗng hai tiếng sấm đoành.... đoành ở phía Tây, làm rung rinh cả căn buồng. Rồi như có một chiếc xe lửa nhiều toa gầm ghì chạy ngang dọc trên bầu trời. Những làn chớp nháy, có lúc xanh lè ngoài cửa sổ, một trận mưa như đổ nước xuống từ trên trời.
Mưa rào rào xối xả vào mái nứa, vào phên tre, gió càng mạnh thốc vào cửa sổ. Đã có nhiều người dậy hút thuốc lào, đi vào nhà cầu, nên không ai còn phải báo cáo nữa. Thực ra cái khâu tù nhân đi ỉa, đi đái đêm phải báo cáo này, đã từ lâu không còn nghiêm ngặt áp dụng nữa; như tôi đã trình bầy 2 năm trước đây, ở phân trại E; cho nên giờ đây các buồng đi cầu đêm, rất ít người báo cáo. Có chăng chỉ còn một số người, đa số là dân tộc hãy còn do thói quen, tính mộc mạc ngoan ngoãn chấp hành.
 Nằm mãi nghe sấm chớp, gió mưa gào thét tôi chợt nhớ tới gọng ca rền rỉ khàn khàn, đùng đục, dài lòng thòng của ca sĩ Thanh Thúy trong bài "Mưa Rừng" thủa nào: Mưa rừng ơi…Mưa rừng…Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng mưa buồn vì lòng người…" Rồi tôi đi vào giấc ngủ muộn lúc nào không hay.
Sáng hôm nay, trời trong xanh không một vẩn mây; cảnh vật núi đồi như được lau chùi cọ rửa sạch sẽ đêm qua. Ngồi xếp hàng đôi, bên cạnh Đinh Sơn biệt kích, tổ trưởng tổ kỹ thuật, chờ cán bộ Ý trực gọi đến toán 2 xuất trại như mọi khi, Sơn ghé sang tôi hỏi nhỏ:
- Bình có biết máy bay của Lâm Bưu trên đường chạy trốn, bị tên lửa bắn rơi tan xác ở Tân Cương do chính Mao trực tiếp ra lệnh không"
Tôi lắc đầu, ngạc nhiên vồ vập:
- Tin ở đâu, có chắc không"
Sơn càng nói nhỏ hơn nữa:
- Do tự giác, ngoài dân họ đồn ầm lên ! Họ nói do đài BBC đưa tin.
Phần vì thấy sự việc còn mãi ở bên Tầu xa xôi, không trực tiếp giải quyết gì đến cảnh đời của mình; phần khác tâm trí tôi còn bao nhiêu thấp thỏm với ngôi nhà xây số 3. Đêm qua, khoảng 2 giờ tôi nghe nhiều tiếng xôn xao và tiếng chân của một số đông người, đi từ cổng trại đi vào. Thấy bác Tiến đã dậy, tôi ghé sang mùng bác nói nhỏ:
- Bác ơi! Không biết tù ở đâu đến, mà lại đến khuya thế"
Bác thì thào:
- Bác cũng không đoán ra!
Rồi bác nhấc màn chui ra, đi vào nhà cầu.
Mới sáng sớm, khi cán bộ điểm xong, tôi phải phiên trực mâm lấy sắn sáng. Tôi chạy hộc tốc như các mâm khác, xuống bếp để lĩnh soong sắn. Vì có giao tình riêng với anh Khuê toán trưởng nhà bếp, tôi đã lủi vào buồng anh thăm hỏi, tù nào ở đâu chuyển đến đêm qua. Do những liên hệ phục vụ cơm nước, nên anh đã cho biết: Có 52 tù thuộc trại Phong Quang Yên Bái, chuyển đến ngôi nhà số 3 đêm qua.
Lúc đầu, chắc chưa phân bổ tổ, toán để lao động nên không thấy có ăn sáng. Hàng ngày, cứ khi nào xuất trại xong 9, 10 giờ sáng, nhà bếp mới khênh cơm nước lên, đi thẳng vào trong cổng khu nhà số 3.
Hầu hết anh em biệt kích ở trại I, đều băn khoăn nghe ngóng tìm hiểu xem có những ai quen biết, thậm chí có cùng toán biệt kích của mình chăng" Mới hơn một tuần, Gôm ở dưới buồng của anh Thái y - tá về cho biết: sáng nay có một anh biệt kích từ ngôi nhà số 3, được khênh xuống bệnh xá, hơn một giờ sau đã chết rồi. Nguyễn văn Thú, Chăn và tôi định kín đáo chiều nay đi làm về, sẽ ghé xuống xem biệt kích đó là ai " Và vì sao chết để cùng chia sẻ, gọi là một chút nghĩa tình của anh em. Nhưng cho tới lúc chúng tôi đi làm về, thì anh Thái lén lút cho biết: Đã đem đi chôn lúc 2 giờ trưa rồi, anh Thái ghé vào tai tôi như nói riêng: "Do may mắn nên Thái biết được tên người chết là Vũ Khắc Hải, chết do bệnh lao, suy nhược vì không có thuốc."
Mãi gần một năm sau, khi sắp ký hiệp định Paris 27-1-1973, tôi mới biết rõ anh VKH thuộc toán Roméo gồm 10 người, ra Bắc từ 19 tháng 11-1965.
Thật là bất ngờ, tối hôm qua, sau khi cán bộ trực trại Ý vừa điểm buồng xong chừng 40 phút; anh em vừa họp tổ sinh hoạt hàng tuần, lại có tiếng chìa khóa rủng rẻng ở cửa buồng, rồi cửa mở. Cán bộ Ý bước vào buồng, bên ngoài còn lố nhố một số công an võ trang. Hắn đứng giữa nhà dõng dạc:
- Những anh có tên sau đây, chuẩn bị công, tư trang quần áo khi gọi đến tên trong vòng 10 phút, phải ra khỏi buồng để chuyển trại.
Ai cũng mắt mở to, thao láo nín thở lắng nghe, lần lượt 19 anh, hầu hết là biệt kích của toán 2 và 3. Tôi tập trung tinh thần lắng nghe, đợi gọi đến tên mình, óc lướt nhanh những gì còn mắc mứu với những người trong buồng, cũng như buồng khác. Trong buồng có toán 2 (mộc) và 3 (xẻ), gồm 97 người. Có chừng hơn 2 chục biệt kích, gián điệp; còn lại là những người dân tộc và chính trị địa phương. Tôi bàng hoàng không hiểu ra sao; có những toán chia đôi, xẻ 3 không theo một cái khuôn thước nào, có toán đi hết. Toán Strata: Nguyễn cao Sơn, Nguyễn như Ánh đi. Trần quốc Quang, Trương nàm Tráng ở lại. Toán người nhái Cancer: Lầu chí Chăn, Lý giòng Slau ở lại. Dương long Sang, Voòng hợp Văn đi.
Ngay đêm ấy, nhà bếp đã được lệnh bí mật chuẩn bị cơm nước đi đường. Cho đến sáng hôm sau, cả 3 biệt kích ở toán rau cũng phải đi, bao gồm 22 người. Còn lại 6 người ở lại trại I là: Lầu chí Chăn, Lý giòng Slau, Lê văn Bưởi, Đặng chí Bình, Trương nàm Tráng, Trần quốc Quang.
Đặc biệt, trong những người đi, có cậu Hoàng Mạnh Hùng. Ngay từ đầu năm 1968, tôi ở dưới Hoả Lò lên vào phân trại E gặp cậu, tôi và cậu đã mến nhau coi như anh em. Tôi đã trèo lên sàn trên để giúp Hùng, buộc gói chăn màn. Hùng là dân tộc Nùng, thuộc toán Sam Son biệt kích, ra Bắc ngày 5/10/ 1966. Tôi xin sơ lược vài nét về toán Sam Son.
Toán gồm có 8 người: Địa bàn hoạt động tại Điện Biên Lai Châu. Vùng ngã ba Trung Quốc, VN và Lào. Ngày 5/10/66, toán từ Long Thành đi trên hai chiếc trực thăng, ghé qua Thái, rồi qua Lào đến điạ bàn hoạt động. Vương Văn Can, Toán trưởng Bị chết trận (3/12/66). Nông Quốc Hải, Toán Phó (đã chết tại trại Quyết Tiến). Shè Khừu Sáng, Truyền tin, hiện ở Atlanta (Mỹ). Hoàng Mạnh Hùng Toán phó hiện ở New York (Mỹ). La Văn Thịnh, toán viên. Nguyễn Văn Châu, năm 1977 được cho ra công nhân (đểu) Hồng Thắng rồi mất tích. Cho tới nay không biết. Lưu Văn Y, chết trận ngày 3/12/66. Văn Tế Xương, toán viên vì một chiếc đồng hồ đeo tay, bị giết ở biên giới Miên Việt (1987).
Toán được tiếp tế lần thứ nhất: 5 kiện hàng có 3 máy truyền tin. (13/10/66). Lần thứ hai: 10 kiện hàng (28/11/66). Rồi bị lộ, chiến đấu chống trả. Toán bị hai chết và một bị thương là Sáng, gẫy một chân và lòi một mắt. Toàn toán bị bắt ngày 3/12/1966. Một chuyện như giai thoại, theo Hoàng Mạnh Hùng mới kể lại (2004): "Trước ngày đi công tác, trong khi đo giầy cho Sáng. Sáng lấy một chiếc giầy vẽ một con mắt to tướng, khi ra Bắc chiến đấu Sáng bị bắn lòi một con mắt, như vậy phải chăng là một cái "điềm""
Chúng tôi cũng nhiều dọ dẫm, nhưng tù nhân không một ai biết số biệt kích ở trại I, đã chuyển đi đâu" Một sự chuyển đổi có dụng ý: Đêm ngày hôm sau, đúng là ngày 3 tháng 2, (ngày thành lập đảng CSVN), thì 71 người biệt kích từ trên trại Quyết Tiến, Cổng Trời, Hà Giang chuyển về ngôi nhà xây số 1. Từ đấy liên hệ nhớ ngày biệt kích ở trại I chuyển đi là 2/2/1972. Chúng tôi đoán tình hình bên ngoài có chuyển biến; ngay đầu tháng 2/1972 tù trại I chuyển đến, chuyển đi xoành xoạch làm xáo trộn toàn bộ trại, tù nhân cũng như cán bộ. Tiếp theo lại có mấy đợt tha tù chính trị miền Bắc như tu sĩ, phản tuyên truyền, phản cách mạng và tù dân tộc thiểu số nữa. Sau này, chúng tôi mới hiểu CS chuẩn bị, để ký hiệp định Paris.


Lỗi Phải Tại Ai" - Mõ Sàigòn

Dương Tử Gia, người ở Lâm Thôn, có vợ là Uyển thị, cùng hai người con trai. Đứa lớn đặt tên là Dương Chu, đứa nhỏ là Dương Bố. Năm Chu được mười tám tuổi, Gia mới nói với Uyển thị rằng:
- Con lớn thì mình già, mà một khi già thì tiền bạc kiếm được sẽ ngày một kém đi. Sao không làm cho gấp"
Uyển thị ngần ngừ đáp:
- Con đang tuổi lớn, lại là lúc cần sự hướng dẫn của cha mẹ, mà mình lại bỏ đi. Lỡ xảy chuyện làm sao mà tiếp cứu"
Gia mặt mày đanh lại. Bực bội gắt:
- Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Vợ chồng mình đã dày công nuôi dưỡng, bày vẻ đủ điều, mà lại không dám cho con chạm tay vào đời thực. Coi đặng hay sao"
Rồi nhìn thẳng vào mắt của Uyển thị. Chắc giọng nói:
- Vợ chồng mình đi chuyến này. May ra Cậu Bà ngó lại, thì chẳng những có của để của ăn, mà hậu vận mai sau cũng ngày thêm tươi sáng.
Qua ngày mai, Uyển thị mới gọi hai con đến mà nói rằng:
- Mì gói năm thùng ở bếp. Bún trong chạn. Mắm ngoài sân, còn đậu bắp ngô khoai ước chừng hai chục ký. Hai con liệu đó mà ăn dần, đợi lúc bố mẹ hồi…loan, thời lẫu liếc sẽ mần cho ba cái.
Dương Chu nghe mẹ dặn dò như vậy. Hoảng hốt nói:
- Con bao nhiêu tuổi, là bấy nhiêu ngày thấy mẹ. Nay mẹ đành đoạn ra đi, thời làm sao con tính"
Uyển thị cười nhẹ đáp:
- Miễn cưỡng làm chuyện không muốn làm, thì còn chi hứng thú" Mẹ hiểu. Nhưng bố cần mẹ cho chuyến đi này, nên con phải tự lo, đặng mẹ yên tâm hướng về nơi chốn khác.
 Mấy ngày sau, Uyển thị cùng chồng xuống thuyền xuôi về Kinh Bắc, nơi Tử Gia muốn đến đó cất hàng, nên mọi chuyện trong ngoài của họ Dương, đều một tay của Chu mà bao tròn hết cả. Bố thấy vậy, mới nói với anh rằng:
- Huynh từ nào tời giờ mê bài cào, thích ba lá, lại tập kéo thuốc lào, mà nay chuyện bếp núc lại ngon lành hết ý, là cớ làm sao"
Chu lấy tay gõ gõ lên bàn, rồi khoan khoái đáp:
- Sắp xếp chuyện nhà, chuẩn bị thức ăn, thì cũng giống như…chơi bài vậy. Có gì đâu mà khó"
Bố nghe anh trả lời như vậy, mắt bỗng trợn ngược lên. Ngạc nhiên nói:
- Đệ tuy ít học hơn huynh, nhưng cũng được thầy giảng giải về tam cương ngũ thường, về trách nhiệm với bản thân. Chớ chưa hề nghe thầy so sánh lạ lùng y như thế!
Chu cười to đáp:
- Trường học dạy là một lẽ. Trường đời là một lẽ khác. Nếu đệ cứ chăm bẳm đem lời thầy ra áp dụng, thì chẳng những không đạt được công danh, mà chén cơm hông chừng phải…trầy vi mới có!
Hai tháng sau, lúc lương thực gần cạn, thời anh em họ Dương nhận được hung tin cha mẹ đã chìm tàu, khiến đã sợ lại càng hãi sợ thêm, bởi không biết làm sao sinh sống. Thời may, có người nhận Chu làm khuân vác. Tuy mệt mõi tấm thân, nhưng đói rách chẳng còn lo chi nữa.
Một hôm, Chu đang ngồi nghỉ mệt ở bờ đê, bất chợt có một đạo sĩ đi qua. Dừng lại nói:
- Hạnh phúc và khổ đau. Cho dù giấu tận đáy lòng, cũng không thể khiến người ta không biết, bởi nó hiện tràn trên nét mặt. Ta nghĩ: "Cùng một sự việc. Kẻ thì cho là nghịch, người thì cho là thuận, nên mới có kẻ vui người buồn.  Thực ra thì không có nghịch, không có thuận, mà chỉ tự trong lòng quyết cho nó mà thôi!". Bần tăng và thí chủ, nơi bờ sông tương hội, thời không cần phải học đạo cho lâu, cũng biết ở xa xưa có duyên thời mới gặp…
Rồi dừng lại một chút, mà nói rằng:
- Ta biết lúc này thí chủ rất muốn tìm một người để trút bầu tâm sự, cho tâm hồn được đôi phần thanh thản, mà chống chọi với đời. Tuy ta chọn chốn thiền môn, nhưng hỉ nộ tham ái của thế nhân cũng đôi phần hiểu được, nên có thể cùng với thí chủ tính chuyện xẻ chia, cho lòng đau vơi bớt…
Đoạn, thở ra một cái mà nói rằng:
- Bất kể người nào, bất kể ai. Cho dù có là bậc cao sang, hay cùng đinh trong xã hội, thời trong lòng cũng ngổn ngang trăm mối, tâm sự chất đầy. Điều quan trọng không phải là thố lộ cho ai, mà là có thể vượt qua cái tâm sự đó để trở thành cứng cát. Nay thí chủ ôm bầu tâm sự, mà không chịu…xổ ra, thì có khác chi kẻ đang bệnh mà không thèm mua thuốc. Càng ôm càng lậm. Càng lậm càng đau. Càng đau thì càng co lại, mà một khi co lại thì dễ trách mình oán người. Vui đặng hay sao"
Chu nghe đạo sĩ chỉ vài lời là nói đúng tim đen, bèn thảng thốt hỏi:
- Do đâu mà thầy rạch ròi ra như thế"
Đạo sĩ mĩm cười đáp:
-Người ta không thể sơn trắng trên nền trắng, sơn đen trên nền đen, nên mỗi người cần có một kẻ khác mới biểu lộ được bản thân của mình. Lại nữa, chuyện đó có gì đâu là giỏi. Nếu thí chủ soi mình trên mặt nước, thời sẽ thấy mắt nhiều u uẩn, hắc khí tỏa đầy, thêm tiếng thở dài dội đến cả…non sông, thì dẫu có học đến lớp hai cũng làm sao không biết"
Chu nghe vậy rất là vừa bụng, liền tằng hắng một cái rồi đem chuyện của mình ra mà kể. Lúc kể xong, mới buồn hiu nói:
- Không lặn lội mưu sinh thì đói, mà lặn lội mưu sinh thì bỏ em một mình, rồi lỡ nghe bè theo bạn mà hư, thì cái trách nhiệm đó làm sao cho xuôi rót"
Đạo sĩ từ tốn đáp:
- Lấy vợ. Vợ sẽ thay thí chủ quán xuyến việc nhà, lo liệu đứa em, mà chẳng tốn…tiền công chi hết!
Chu nghe đến chuyện lấy vợ, lại cám cảnh u hoài, bởi ăn chưa đủ thì lấy gì thuê kiệu rước dâu, liền xua tay nói:
- Lo cho một miệng ăn đã chết. Nay thêm một miệng…bà, thì trước là chẳng đủ ăn, sau lại đem cơ khổ gieo vào cho đứa khác!
Đạo sĩ nghe vậy, liền nhìn Chu với ánh mắt đầy vẻ bao dung. Nhỏ nhẹ nói:
- Con người đến thế gian là để trả nợ, nên bất kể là ai cũng có món nợ của mình. Nay thì chủ tạo duyên cho người ta trả, thời phước được gấp ba, thì chờ chi chưa tính"
Rồi đứng dậy, dợm bước đi, đã vậy còn ngoái cổ lại mà nói rằng:
- Không nghe lời người già, thì thí chủ sẽ thiệt thòi ngay trước mắt.
Một thời gian sau Chu lập gia đình, có Bố ở cùng với vợ chồng Chu, nhưng nhờ vợ của Chu là người biết nghĩ, nên chữ phu thê và nghĩa đệ huynh món nào ra món đó.
Một hôm trời nắng Bố đi chơi. Khi ở nhà ra thì mặc áo trắng, lúc quay trở về thì bất chợt gặp mưa, nên áo quần ướt hết. Thời may gặp người bà con, mới kéo Bố chạy đến trú tạm dưới tàng cây, rồi nói với Bố rằng:
- Phải mất hai canh giờ nữa huynh mới về được tới nhà, mà quần áo ướt hết, thì cho dù có ở tuổi mười lăm, cũng ho dài ho tới!
Bố lập cập đáp:
- Đành là vậy, nhưng…nhất quẩn nhất y. Làm sao thay thế"
Kẻ ấy đáp:
- Đệ có bộ đồ đen, dành đi làm ruộng. Nếu huynh không cho là giảm giá trị của mình, thì tự tiện thay dô, để cảm cúm khỏi nhào vô ăn có!
Lát sau trời tạnh. Bố chơi nguyên bộ đồ đen về nhà, gặp con Cún nằm ngang khung cửa, trông thấy liền hốc tốc chạy ra, vừa cắn vừa xua đuổi. Bố tức giận, đá cho một cái, rồi lớn tiếng quát:
- Chó được người ta yêu quý, là nhờ vào lòng trung thành. Nay thấy chủ mà mất tấm lòng trung, thì chẳng cần phải sống nơi đây mần chi nữa!
Đoạn, chạy lại ngay hàng rào, lấy cái cây, rồi nhắm Cún mà phang tá lả. Vợ của Chu là Hàn thị, đang ngồi bắt chí, bất chợt nghe tiếng kêu thảm thiết của con Cún, bèn trố mắt nhìn ra, rồi xanh mét cả mặt mày, liền tức tốc chạy tìm Dương Chu, lúc ấy đang ở thư phòng. Thảng thốt nói:
- Chú Bố và Cún như kẻ thù, mà chàng vẫn bình yên ngồi đoán điềm giải mộng, là nghĩa làm sao"
Chu bình tĩnh đáp:
- Chó liền da, gà liền xương. Hà cớ chi lại um xùm lên như thế!
Đoạn, chậm rãi bước đi. Hàn thi thấy vậy, mới bực dọc nói rằng:
- Thiếp không muốn vì chuyện nhỏ mà mất đi chuyện lớn, nhưng chàng thủng thẳng kiểu này, thì chẳng những Cún hổng đặng yên, mà ở tâm can thiếp còn…buồn ra thêm nữa!
Lúc đến nơi, Chu thấy Bố bừng bừng lửa giận, còn con Cún thì ngoác miệng ra mà sủa, Bố đưa tay lên toan đánh. Chu thấy vậy mới vội vã nói rằng:
- Đừng đánh nó làm gì. Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con Cún của nhà ta, lúc đi thì trắng, lúc về thời đen, thì chắc chắn đệ phải lấy làm lạ, mà có ý đề phòng. Nay đệ lúc đi mặc áo trắng, lúc về chơi nguyên bộ đồ đen. Đệ thay đổi mà không biết mình thay đổi, trong khi con Cún thấy khác thì xua đuổi cắn càn. Đệ không hiểu lại ra tay đánh nó, thì chẳng phải đã lầm lẫn lắm ư"
Đoạn, giật cái cây từ tay Bố bỏ xuống. Bố bực bội nói:
- Chỉ làm một chuyện khác thường, mà đã nhận không ra, thì còn nuối tiếc làm chi nữa" Vả lại, nó dù gần gũi nhưng là thú vật. Đệ tuy lỗ mãng nhưng là chỗ thịt da, thì sao huynh lại lấy cái ngoại thân mà đè ngang như thế"
Chu! Từ ngày cha mẹ mất đi, vẫn luôn để ý đùm bọc, mau lẹ đỡ nâng. Thậm chí có những lúc đứng về phía em khiến gia đình lộn xộn, chồng vợ mất vui, cũng ráng bấm bụng mà làm. Nay thấy em lỗi sờ sờ ngày trước mắt. Chẳng những không thành tâm hối cải, mà còn dùng lời lẽ để ngụy biện, nên trong bụng cấn đau. Buồn thiu nói:
- Phàm ở đời, khi mình làm một điều gì đó khác thường mà người chung quanh không hiểu rõ, thì dĩ nhiên người ta phải bàn trái bàn phải, mổ ngược mổ xuôi. Nếu mình không nhân đó xét hành động của mình hay, hay dở, mà chỉ biết trách người nghị luận nọ kia, thì chẳng những mình không tiến được - mà mọi cảm tình của người dành cho mình cũng từ từ biến mất - thời lúc đó lấy ai mà nhắc nhở" Mà soi gương" Mà hoàn thiện tâm tính để về nơi bến khác"


Chuyện kể hành trình Biển Đông: Hành Trình 30 Năm - Đinh Quyết (Một Nhân Chứng)

LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

18-06-1979 - Ra đi buổi sáng từ Phước Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Xế chiều sau khi những con cá Nược (cá heo) chạy đua trước mũi tàu đã biến mất trong đại dương mênh mông thì giông tố bắt đầu nổi lên. Bóng đêm phủ xuống rất nhanh trên mặt biển cuồng nộ, gây hãi hùng thêm trong khi bão tố càng lúc càng mãnh liệt.
19-06-1979 - Tiêng kêu thét "tát nước" kéo dài cả đêm đã bắt đầu lạc giọng, chốc lát lại có những đợt sóng dâng con tàu lên cao cả chục thước, rồi như đùa giỡn để cho nó tự rơi xuống mặt biển trở lại. Không biết con tàu có thể chịu đựng bao lâu nữa trước khi tan ra từng mảnh"... Khi bóng đêm lần nữa bắt đầu buông xuống, xen lẫn trong tiếng bão tố là tiếng cầu nguyện.
20-06-1979 - Sau hơn 2 ngày đêm lầm lũi trong bão tố cấp 8, 9 tiếng rì rào cầu nguyện càng lúc càng lớn hơn... rồi như một phép lạ, con tàu PH mũi Thái Lan dài 12 m vượt biển từ Phước Hòa với 63 con người trôi lênh đênh vô định đã cập vào tàu khoan dầu Nedrill II của Hòa Lan do công ty Deminex Tây Đức mướn đang khoan tìm dầu cho VN.
Có tiếng người ngoại quốc hỏi: "Who are you" Where do you come from and where do you go""
Trả lời : "We are Vietnamese refugee, we sneaked away from Vung Tau a couple days ago and we'd like to go anywhere in the world who accept us!"
Có tiếng người Việt chát chúa hơn: "Tàu này là tàu của nhà nước, (sic!) các anh không được lên! Các Anh phải đi chổ khác! Không được lên!"
Cuối cùng chúng tôi cũng được những người da trắng xa lạ vớt lên tàu Nedrill II, tàu sáng rực rỡ và an toàn như một thành phố trên biển, trong khi những người VN khác cùng dòng máu da vàng đã nhẫn tâm xua đuổi chúng tôi trong khi bão tố đang gầm thét trên đại dương.
Gần sáng Deminex báo cho chúng tôi là họ sẽ đánh chìm chiếc PH để có lý do và sẽ đưa chúng tôi đi Singapore bằng tàu chở hàng hóa của họ.
21-06-1979 - Ngay trong buổi sáng hôm đó Deminex đã chuyển chúng tôi xuống tàu Rotterdam nhưng sau buổi cơm chiều, chúng tôi lại được đưa lên tàu Nedrill II vì CSVN dọa sẽ đem Mig ra oanh tạc nhưng họ cũng hứa với Deminex là sẽ thương thuyết (kiểu hòa đàm Ba-Lê!)
22-06-1979 - Buổi sáng 63 người VN đang lên phơi nắng trên boong tàu thì được đưa gấp về nơi tạm trú vì có một tàu VN đến xin tỵ nạn, họ là tàu bán chính thức đi từ Long An và cũng được Nedrill II vớt. Trong khi cứu nạn thì tàu LA đã bị chìm gần 300 người được vớt nhưng hơn 80 người mất tích...
23-06-1979 - Chiếc tàu Ma bằng sắt không tên, không số của CSVNmang phái đoàn VN từ Vũng Tàu ra cập bến dàn khoan và chúng tôi được biết cuộc họp diễn ra rất căng thẳng. Những người đầu bếp trên tàu đã tốt bụng nói nhỏ với chúng tôi là các anh sẽ phải về.
Chúng tôi lúc nào cũng khẳng định với Deminex là chúng tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì, lời nói nào, sự hứa hẹn nào của Chính phủ CSVN. Thật đáng buồn, chỉ vài ngày sau là điều này đã được chứng minh một cách rõ ràng!
27-06-1979 - CSVN thỏa thuận cho Deminex mua một chiếc tàu VN để đưa số người trốn trên ra đi để "tránh mất thể diện quốc gia". Chúng tôi không thể nói gì hơn, đành phải yêu cầu Deminex kiểm soát sự an toàn của con tàu và điều quan trọng nhất là hộ tống giúp chúng tôi ra đi và buộc CSVN giữ phải lời hứa.
28-06-1979 - Đêm đã buông xuống từ lâu, những người tỵ nạn được bắt đầu đưa xuống chiếc VT 999 (được mua với giá 300.000 USD lúc này là tài sản của Deminex có treo cờ Tây Đức). Sau đó chiếc Alexandrum hộ tống dẫn đường trực chỉ hướng Singapore, con tàu Ma cuả CSVN cũng lầm lũi theo sau.
29-06-1979 - Trời đã mờ sáng gần hải phận quốc tế, một đoàn tàu hùng hậu của CSVN đã dàn chào đợi sẵn từ lúc nào, một lúc sau một tàu chiến VC bắt đầu di chuyển chặn đường vây bắt chiếc VT 999, Thuyền trưởng chiếc Alex ra lệnh cho VT 999 cột giây vào Alex và tiếp tục di chuyển từ từ. Các tàu của CSVN cũng tiếp tục chạy quanh cố gắng chặn đường để tách hai chiếc ra, chúng không thành công vì 2 tàu có cột giây trước và sau với nhau. Chúng cũng đã mấy lần lao vào giữa để ủi đứt giây, nhưng giây rất chắc chúng chỉ làm chiếc VT 999 lảo đảo muốn chìm khiến thuyền nhân sợ hãi la hét thất thanh. Một lúc sau, chúng tản ra rồi lập đội hình bắn đại bác chỉ thiên, khói mịt mù và tiếng súng nổ rền như tiếng sấm vang động cả một vùng trời. Hai chiếc tàu bị săn đuổi bắt buộc phải ngừng lại. Bất ngờ, con tàu Ma lướt nhanh như một con kình ngư đâm sập mái cabin lái của chiếc VT 999. Lính hải quân VC nhảy qua chiếm phòng lái, hạ cờ Tây Đức và chặt giây cáp cột với chiếc Alex...
Lời hứa của chính phủ VC ở trên đã được hành xử như thế, thì ở dưới này thuộc cấp cũng thi hành triệt để như vậy. Ngay sau khi cướp được chiếc VT 999 chúng tuyên bố tịch thu kho thực phẩm dồi dào của chúng tôi chỉ vì nó là của tư bản!!!! Chiếc VT 999 bị đưa trở về Vũng Tàu, chiếc Alex chạy lầm lũi theo sau quan sát và thỉnh thoảng chiếu đèn pha qua chiếc VT 999 trong suốt đêm neo ngoài khơi biễn Vũng Tàu.
30-6-1979 - CSVN kéo chiếc VT 999 về cửa Tiền Giang, chiếc Alex chỉ bám được đến đây và thả neo ngoài biển bất lực nhìn chiếc VT 999 chạy vào nội địa.
Số 63 người vượt biên tàu PH liền bị tách rời ra khỏi số người đi bán chính thức và bị đưa về khám đường Tiền Giang. Nơi đây một lần nữa thực phẩm ngoại quốc bị tịch thu và đây cũng là lý do khiến Công an trên Bộ và Công an trại giam cãi nhau chí chóe vì giành nhau giữ vật tang chứng.
Hậu quả của việc cướp tàu VT 999 và sự thất hứa của CSVN làm toàn thể nhân viên dàn khoan dầu Nedrill II thuộc Công ty Deminex giận dữ và đình công phản đối khiến các nước Châu Âu đe dọa cắt viện trợ khiến CSVN phải vội vã đồng ý cho tất cả những người đi bán chính thức trên tàu LA được đi Tây Đức và Hòa Lan vài tuần sau đó.
Nhóm vượt biên 63 người kém may mắn hơn bị giữ lại và bị bỏ tù để trả thù cho sự mất thể diện và thiệt hại nặng nề về phía nhà nước, nhóm đại diện tàu PH bị đưa về biệt giam X4 thuộc Bộ Nội Vụ (ổ kiến lữa) nhưng họ hy vọng dù nằm trong vòng lao lý họ vẫn tin tưởng vẫn an tâm rằng CSVN không dám làm gì rồi có ngày họ sẽ ra đi, dù không biết mảy may gì về sự ra đi may mắn của những người bán chính thức trên tàu LA.
Dường như trên thế giới bất cứ chỗ nào có Tòa Đại Sứ Hòa Lan, thì hạ đều nhận được thư từ, đơn khiếu kiện của nhóm 63 người bằng mọi cách chuyển đến từ Nhật tới Ý, từ Pháp tới Mỹ.... Sự tranh đấu của họ dai dẵng bền bỉ kéo dài trong 9 năm trời đã đưa tới việc đối thoại ngoại giao giữa hai nước liên đới dẫn đến sự việc như sau:
Hòa Lan: Số 63 người vẫn muốn đến Hòa Lan định cư"
CSVN: 63 người này đã thay đổi chỗ ở, chúng tôi không còn địa chỉ của họ...
Hòa Lan: Chúng tôi sẽ cung cấp chỗ ở và địa chỉ của họ. Xin cho biết quyết định của Chính phủ VN!!!
CSVN: 63 người này đã đổi ý và muốn ở lại VN, không muốn ra đi nữa!"
Hòa Lan : Chúng tôi vẫn nhận được đều đặn sự yêu cầu của họ được đến Hòa Lan định cư!
Sự quyết tâm và bền bỉ của họ đã vượt qua bao nhiêu thách thức của hiểm nguy và gian trá, đến cuối năm 1988 hầu hết những người bất hạnh năm xưa của con tàu PH đã hãnh diện bước lên máy bay từ Phi trường Tân Sơn Nhất chính thức đi định cư ở Hòa Lan. Dù trong muộn màng và thiệt thòi với bao năm trời bị lãng phí, hầu hết 63 người được đi định cư vẫn rất hài lòng vì dù sao cuối cùng họ đã đạt được mơ ước, thoát khỏi sự kìm kẹp của VC.
Kể từ sau biến cố này, các dàn khoan và Tàu Hòa Lan đã cứu vớt tất cả những thuyền nhân Việt Nam mà họ gặp trên Biển Đông... Chúng tôi cũng đã mua chuộc được hầu hết bên Ngoại vụ, từ Sài gòn đến Hà nội để sự ra đi được nhanh chóng. Chiếc VT 999 định mệnh sau này được Công Ty Dệt Hồng Gấm thuê mướn đã bị chìm tại Cần Giờ trong khi di chuyển một số lớn nhân công của hãng đi nghỉ hè và đa số công nhân được coi là mất tích.
Viết tặng tất cả thuyền nhân tàu VT 999 trong biến cố này và xin tặng riêng Ông Lữ, Tâm những người đã lèo lái chiếc PH và để ôn lại kỷ niệm với Hoành, Hùng, Thanh, Hải nhóm tài công chiếc LA; Các bạn ngoại quốc Na-Uy, Đan -Mạch, Anh, Canada, Pháp, Đức, Deminex v.v...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.