NHẠC SĨ TRÚC HỒ TRONG VAI TRÒ THẾ HỆ CẦU NỐI VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI HẢI NGOẠI
Nhạc Sĩ Trúc Hồ và CD: The Best Of Trúc Hồ – Giữa Hai Mùa Mưa Nắng
Nhạc sĩ Trúc Hồ là một cái tên đã quá quen thuộc với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Anh được biết đến như là tác giả của nhiều bài hát được thính giả hải ngọai cũng như trong nước Việt Nam yêu thích. Anh là Giám Đốc Nghệ Thuật của Trung Tâm Asia Entertainment. Anh cũng là Chủ Tịch của Đài Truyền Hình SBTN. Cả Asia lẫn SBTN đều là những công ty đi tiên phong và đang thành công trong việc gìn giữ nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.
Sẽ không thể nói hết về sự nghiệp của anh Trúc Hồ trong phạm vi một bài báo. Tôi gặp anh chỉ để trò chuyện như một người bạn đồng niên, để nghe ý kiến của anh như một người thuộc thế hệ cầu nối trong việc duy trì nền văn hóa Việt Nam Tự Do cho những thế hệ sau.
Anh Trúc Hồ vượt biên sang Mỹ bằng đường bộ vào tháng Ba năm 81, trong một chuyến hành trình 7 ngày đêm, xuyên qua Cam Pu Chia để đến biên giới Thái Lan. Vượt biên bằng đường bộ mức độ rủi ro và nguy hiểm còn hơn vượt biên bằn đường biển. Chuyến đi của anh được xem là may mắn. Anh mau chóng được chấp thuận cho định cư ở Cali theo diện minor ngay trong tháng Tám năm 81.
Sống trong một gia đình có truyền thống âm nhạc (cha của anh là nhạc sĩ Trúc Giang), anh Trúc Hồ học và chơi nhạc từ rất sớm. Anh quyết định tiếp tục sự nghiệp âm nhạc khi sang Mỹ. Từ năm 83, anh học nhạc và Golden West College, rồi chuyển lên trường Cal State University Of Long Beach. Đến năm 88, anh cùng ban nhạc Anh Tài đi lưu diễn để phục vụ cho bà con người Việt hải ngoại tại khắp các châu lục Au- Mỹ- Uc. Đây là một trong những ban nhạc đầu tiên của người Việt hải ngoại thực hiện các cuộc lưu diễn rộng rãi như vậy.
Anh Trúc Hồ gắn bó với Trung Tâm Asia từ thưở mới thành lập. Tiền thân của Asia chính là Trung Tâm Sản Xuất Băng Nhạc Dạ Lan, do nhạc sĩ Anh Bằng sáng lập vào thập niên 80. Trong thời gian đầu, anh cộng tác như một nhạc sĩ độc lập. Vào năm 91, khi Trung Tâm Asia ra chương trình video đầu tiên, anh trở thành Giám Đốc Nghệ Thuật cho Trung Tâm cho đến ngày hôm nay. Ở vị trí này, có thể nói Trúc Hồ là linh hồn của các chương trình ca nhạc do Asia thực hiện, mặc dù anh rất ít xuất hiện trên sân khấu. Anh là người chọn chủ đề, dựng khung cho kịch bản của chương trình, chọn nhạc, chọn ca sĩ, tham gia hòa âm phối khí. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ để có một chương trình giá trị ra mắt khán giả.
Có một đặc điểm của Asia mà khán giả dễ nhận ra, đó là hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa chiếm một vị trí quan trọng trong các chủ đề ca nhạc do trung tâm này thực hiện. Tình Khúc Thời Chinh Chiến, Lá Thư Từ Chiến Trường, Anh Không Chết Đâu Anh (Trần Thiện Thanh-Tình Yêu, Cuộc Đời, Sự Nghiệp), Xuân Thanh Bình-Xuân Chinh Chiến-Xuân Tha Hương… là những chương trình đã chinh phục trái tim của khán giả cả hải ngoại lẫn trong nước. Tôi nhớ vào năm 2006 còn ở Sài Gòn, bạn bè tôi chuyền tay nhau xem đĩa DVD chương trình Anh Không Chết Đâu Anh (dĩ nhiên là lén lút, vì chính quyền Việt Nam đặc biệt cấm kị chương trình này). Đã hơn 40 tuổi hết rồi, tòan là đàn ông con trai, vậy mà đứa nào đang xem cũng khóc! Những chương trình như vậy đẩy cảm xúc của khán giả vượt lên trên sự trình diễn của ca sĩ, lên trên sự hòanh tráng của việc dàn dựng sân khấu. Nội dung của chương trình, nội dung của bài hát, lời giới thiệu của người dẫn chương trình đã đủ để làm rung cảm người xem.
Điều đáng ngạc nhiên là hồi trước 75, anh Trúc Hồ còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm gì về lính tráng. Vậy lý do gì anh lại dành nhiều tình cảm cho hình ảnh người lính Công Hòa như vậy" Anh Trúc Hồ cho biết chủ trương của anh và cả Trung tâm Asia là phải tiếp nối nền văn hóa của Miền Nam Việt Nam trước 75. Đây thực sự là một di sản quí báu của lịch sử văn hóa dân tộc Việt. Chỉ trong vỏn vẹn 21 năm- từ 1954 đến 1975- Miền Nam Việt Nam đã để lại một gia tài văn học, ca nhạc, hội họa… đồ sộ, đặc sắc. Sau một thời gian dài tìm cách xóa bỏ, chính quyền cộng sản rồi cũng phải chứng kiến sự phục sinh của nền văn hóa này trong lòng dân Việt. Hiện nay, nó được người dân của cả hai miền Nam Bắc công nhận, yêu mến, lấn áp cả nền “văn hóa cách mạng” chính thống. Thế mới biết là “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh"”!