Hôm nay,  

Đọc Sách “vụ Án Trần Ngọc Châu”: Cia Và Sự Thất Bại Chính Trị Của Mỹ Ở Việt Nam (x)

16/03/200900:00:00(Xem: 9416)

Đọc Sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu”: CIA và sự thất bại chính trị của Mỹ ở Việt Nam (X)

...Biểu Tượng Những Thứ Đã Mất ở vn

Năm 1970, TT Nguyễn Văn Thiệu bắt Dân biểu Trần Ngọc Châu bỏ tù, Elizabeth Pond viết "The Chau Trial". Hơn 20 năm sau, 1991, Trần Ngọc Châu lại trở thành nhân vật chính cho một tác phẩm quan trọng của Zalin Grant: "Facing The Phoenix: CIA and the Political  Defeat in Vietnam / Đối diện Phượng Hoàng: CIA và sự thất bại chính trị của Mỹ tại Việt Nam."
   Zalin Grant là nhà báo và tác giả kỳ cựu chuyên về Việt Nam, nói giỏi tiếng Việt. Từ 1964 tới 1973, ông là phái viên tạp chí Time và New Republic, từng có 5 năm  làm việc ở Việt Nam. Sau khi gặp lại Trần Ngọc Châu tại Hoa Kỳ, Zalin dành thêm 5 năm để nghiên cứu, phỏng vấn từng nhân vật để viết Facing the Phoenix. Vụ án Trần Ngọc Châu trong sách này được đặt trong toàn cảnh lịch sử 30 năm quan hệ chính trị Việt - Mỹ, từ 1945 tới 1975, đụng tới nhiều bí ẩn chưa từng được soi sáng, từ bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, cái chết của Ngô Đình Diệm, tới sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.
    Sau đây là phần rút gọn nội dung “Facing the Phoenix” trích từ sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu”

X. Saigon 1975
Quang cảnh Sài Gòn trong cơn sụp đổ có những nét giống như những ngày đầu chiến tranh, khi mọi sự đều tan tác cả. Ngay cả khuôn mẫu các nhân vật cũng không khác gì nhau. Thay vì Diệm thì nay là Thiệu, con người giờ đây lại tỏ lòng ngưỡng mộ phong cách lãnh đạo của nhà độc tài đã bị giết và cũng thường thu mình trong vỏ kén của mình. Một vị Đại sứ Mỹ gây nhiều tranh luận khác của Mỹ đang lãnh đạo sứ quán, Graham Martin đã tới thay thế Ellsworth Bunker năm 1973, khi Quốc Hội Mỹ chỉ muốn cắt đứt mọi khoản viện trơ.
Trong những ngày cuối, Charles Timmes, đã đóng vai trò tương tự như Lou Conein trước cuộc đảo chính Diệm. Ông là người của CIA liên hệ với các tướng Nam Việt Nam trong những cơn vật vã cuối cùng. Năm 1962, Timmes  được chọn làm người đứng đầu phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ ở Việt Nam và trong nhiệm kỳ này ông đã quen với một số sĩ quan trẻ Nam Việt Nam nay đã lên cấp tướng. Một trong những người đó, lúc trước là thiếu tá, nay là Nguyễn Văn Thiệu.
Khi biết  Nguyễn Cao Kỳ tìm cách lật đổ Thiệu, Timmes chở Đại sứ Graham Martin trong chiếc Volkswagen cũ kỹ của ông tới gặp Kỳ tại nhà, và hai người cố làm cho Kỳ tin rằng họ sẽ ủng hộ Kỳ làm Quốc trưởng tương lai nếu ông kiên nhẫn chờ đợi và đừng chống lại Thiệu. Nhưng có nhiều dấu hiệu khác cho thấy là một cuộc đảo chính có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Cuối cùng Đại sứ Graham Martin nhận thức ra rằng Thiệu phải ra đi, nếu còn có một cơ hội nhỏ nhoi nào đó để thương lượng một cuộc ngừng bắn với Bắc Việt Nam, những người đang chạy đua về phía Sài Gòn trên những chiếc xe tăng của họ. Ông thu xếp để đề cập vấn đề với Thiệu. "Tình hình quân sự thật là tồi tệ", Martin kết luận. "Và nhân dân cho rằng đó là lỗi tại ông".
Lúc đầu Thiệu không chịu từ chức ngay, nhưng sau đó nghĩ lại, ông ta mới đọc một bài diễn văn lâm ly thống thiết trên truyền hình, trong đó ông ta đả kích Henry Kissinger và Hiệp đinh hoà bình đưa tới việc rút hết quân Mỹ năm 1973, rồi rút lui, giao Sài Gòn vào tay Trần Văn Hương. 
Hai ngày sau khi Thiệu từ chức, Hương yêu cầu Graham Martin đưa Thiệu rời khỏi đất nước. Martin giao cho Timmes nhiệm vụ lo đưa Thiệu đi. Timmes gọi điện thoại cho Thiệu, rồi giao cho Frank Snepp lái chiếc xe chở Thiệu và Timmes ra máy bay, cất cánh đi Đài Loan.
Sau đó thì Martin và Timmes lại vận động cho Hương từ chức, giao quyền hành lại cho Minh Lớn. Nhiều người Việt Nam khác cũng hấp tấp chạy trốn khỏi Sài Gòn trước khi những chiếc xe tăng đầu tiên của cộng sản vào thành phố ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nguyễn Cao Kỳ và một đoàn tuỳ tùng mười hai người đã lên máy bay trực thăng bay ra biển và trước khi hết nhiên liệu, đã kịp đổ bộ xuống chiếc tàu Midway của hạm đội Mỹ.
. . .
Châu cũng tìm cách rời khỏi Sài Gòn trước khi thành phố này rơi vào tay cộng sản. Nhà báo Keyes Beech, vừa quay trở lại Việt Nam để viết bài, hứa giúp Châu. Ông gọi điện thoại cho người chi cục phó của CIA. Viên sĩ quan CIA này hứa lo cho Châu nhưng rồi không thấy gì. Ngày 29 tháng Tư,  Beech gọi điện thoại tới nhà Châu và nói với con của ông rằng ông tìm ra ai ở CIA để hỏi lại nữa. Trong vài giờ đồng hồ hỗn loạn đó, Beach và hầu hết ký giả Mỹ rời khỏi Sài Gòn, sau đó không nghe gì về Châu nữa.
Beech kể lại: "Nhiều năm sau, trong lúc tôi ở ngoại ô Washington, Frank Snepp nói với tôi rằng Ted Shackley, lúc đó là người đứng đầu phân ban Đông Á của Cục tình báo trung ương, trên thực tế là người đã bác bỏ việc CIA đưa Châu ra khỏi Sài Gòn. Shackley và tôi ở gần nhau, thỉnh thoảng anh ta vẫn sang chơi. Tôi hỏi anh ta về việc đó. "Có phải đúng là anh đã phủ quyết việc đưa Châu ra khỏi Sài Gòn không"" Anh ta nói "Để tôi xem tài liệu lưu trữ lại xem. Nhưng tôi có thể đoan chắc với anh rằng anh ta không phải là một trong những ưu tiên của tôi".
Beech cho rằng câu trả lời mơ hồ của Shackley đã khẳng định rằng Shackley đã nói đúng: CIA đã cố tình để Châu ở lại.
Khi thấy rằng cố gắng của Beech giúp ông di tản đã thất bại, Châu gọi điện thoại tới toà Đại sứ Mỹ và xin nói chuyện với tướng Timmes. Ông ngạc nhiên với thái độ tiếp đón niềm nở của Timmes. Vâng, dĩ nhiên là sẽ giúp ông Châu, Timmes nói. Để tránh sự hỗn loạn tại sứ quán Mỹ, Châu sẽ gặp Timmes sáng hôm sau tại nhà riêng. Nhưng khi Châu đến thì Timmes đã đi gặp Minh Lớn. Không thể nào đi qua được đám đông tập hợp tại sứ quán đòi di tản, ông ra cảng hy vọng có thể đưa gia đình đi bằng thuyền. Ở đây cũng vậy, đám đông tụ tập cũng rất đông và không thể làm gì được. Một trong những đứa con của ông đang có thai và ông không muốn mạo hiểm. Với sư nhẫn nhục của Phật tử, ông chấp nhận định mệnh, quay về nhà...


XI. Los Angeles 1980

Sau gần 8  năm bị giam giữ trong nhà tù cộng hoà rồi nhà tù cộng sản, Châu lặng lẽ tìm đường vượt biển. Đầu năm 1979, ông bà Châu cùng ba con trai, hai con gái tới được đảo Letung, Indonesia. Hình trên đảo tị nạn. Cả gia đình đến Los Angeles đúng vào đêm Halloween 1979.


Sau khi Saigon xụp đổ, công an cộng sản tới tận nhà bắt Trần Ngọc Châu. 
Sau gần 3 năm bị giam giữ, khi ra khỏi trại tù cải tạo, Châu lặng lẽ tìm đường vượt biển. Năm 1979, ông bà Châu cùng ba con trai, hai con gái tới được đảo Letung, Indonesia sau đó, gia đình Châu tới sân bay Los Angeles đúng vào đêm Holloween.
Khi Châu thu xếp cho gia đình ở căn hộ hai phòng ở Van Nuys, California, ngoại ô Los Angeles, ông nhận được tin Neil Sheehan muốn phỏng vấn ông về kinh nghiệm của ông trong thời gian ông là tù binh cho cộng sản để đăng trên báo New York Times. Yêu cầu của Neil Sheehan đã đến với ông vào lúc nước Mỹ đang đi vào một cuộc tranh luận với chính mình...


Phong trào chống chiến tranh đã im tiếng trước cảnh thuyền nhân Việt Nam vượt biên và cuộc thảm sát ở Campuchia. Và việc khánh thành đài tưởng niệm cựu binh Việt Nam ở Washington năm 1982 - Bức tường (The wall) làm cho công chúng có nhiều cảm tình hơn với cựu chiến binh, cũng như thái độ của Tổng thống Ronald Reagan, người vẫn cho rằng chiến tranh Việt Nam là một việc làm đáng cho mọi người kính trọng. Sách cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn đối với cựu chiến binh, cũng như đối với người da đen lâu nay bị bỏ quên. 
Bài viết của Neil Sheehan dựa trên cuộc phỏng vấn Châu, đăng trên báo New York Times ngày thứ hai 14 tháng giêng, 1980, nhan đề "Một cựu quan chức của Sài Gòn nói về trại cải tạo của Hà Nội". Ngay đoạn đầu đã thể hiện giọng điệu của toàn bài. “Trong nhiều thập kỷ qua, các Tổng thống Mỹ đã tiên đoán rằng một thắng lợi quân sự của cộng sản ở Việt Nam sẽ đưa đến việc thanh toán hàng loạt những người chống đối lại Hà Nội. Lời tiên đoán về một cuộc tắm máu đã được dùng để thanh minh cho việc kéo dài chiến tranh.
“Trần Ngọc Châu, cựu quan chức nói rằng "Không có cuộc tắm máu" như nhiều người đã sợ sau khi cộng sản lên cầm quyền. "Đúng là có một số phiên toà và có giam giữ lâu ngày", ông nói, nhưng ông nói rằng ông không thấy có một người nào trước đây ở bên phía Nam Việt Nam bị hành quyết về những việc làm của họ trong thời gian chiến tranh".
Mặc dầu bài báo trích dẫn không sai với lời Châu đã kể, nhưng toàn bài viết của Sheehan là ngụ ý nói với độc giả rằng cộng sản là những người lịch sự dễ thương và những thể hiện của Châu với tư cách là một tù binh rõ ràng là khó khăn, vất vả hơn đi một trại hè nhiều. Cộng đồng người Việt di cư đã phản ứng mạnh rnẽ ngay tức khắc: Châu và gia đình ông ta nhận nhiều lời đe doạ.
"Bài của Sheehan đã gây đụng chạm", Dan Ellsberg nói. "Tôi gọi điện thoại nói với ông ta "Neil, điều anh nói rõ ràng là khác với cảm tưởng anh ta đã nói với tôi. Châu có nói việc này việc này không" Sheehan nói: Đúng, anh ta có nói tất cả những việc đó. Nhưng đó không phải là cốt yếu. Cốt yếu là đã không có tắm máu". Tôi nói "Anh gây rắc rối cho anh ta đấy".
Châu và gia đình không có tiền để chuyển đi khỏi nơi ông bị những người tị nạn khác biết và đe doạ. Châu cho rằng Sheehan đã không nói cả hai mặt của vấn đề như ông đã nói với Sheehan. Nhưng Châu, vốn rộng lượng, không để bụng Sheehan mà thậm chí còn nghĩ rằng người phóng viên này chắc cảm thấy bối rối trước hậu quả của bài báo như vậy. Châu cho rằng tờ New York Times đã lợi dụng ông để nói với độc giả theo kiểu "chúng tôi đã nói trước rồi mà" làm gì có tắm máu để thanh minh cho lập trường chống chiến tranh của tờ báo.
Keyes Beech, nhà báo bảo thủ đã từng mạnh mẽ ủng hộ chiến tranh và không thích Ellsberg, cũng khó chịu với bài báo của Sheehan. Beech nói: "Khi tôi đọc bài báo, tôi nghĩ rằng đây không phải là Châu, mà tôi đã nói chuyện. Nhưng tôi không tin rằng Sheehan biết rằng anh đang làm hại Châu. Tất cả chúng ta đều có dính líu về mặt tình cảm ở Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Tôi nghĩ rằng Neil đã đánh mất tính khách quan mà có thể anh đã có."
Gia đình Châu học tiếng Anh và tìm bất cứ việc làm nào với đồng lương tối thiểu. Cô gái út của ông không biết nói tiếng Anh khi mới đến, nhưng sau ba năm rưỡi, đã tốt nghiệp trung học với điểm tối ưu,  được nhận vào đại học ở California, tiếp tục học để thành một bác sĩ. Trưởng nam của ông, người từng nhảy xuống thuyền để tìm tự do đã tốt nghiệp kỹ sư, lãnh lương gần năm mươi ngàn đôla một năm, làm việc từ bảy giờ sáng tới mười một giờ đêm. Châu đi học điện toán. Sau khi tốt nghiệp, ông làm cho một công ty tư nhân và được giao phụ trách sáu thảo chương viên.
Năm năm sau, họ chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ. Châu đã khóc ngày ông tuyên thệ làm công dân Mỹ. Cả gia đình sống cần kiệm, hoàn trả mọi nợ nần, ân nghĩa kể cả với những Phật tử thân hữu trước đây đã giúp họ ngân khoản trang trải chi phí vượt biển. Sau cùng, gia đình Châu đã có thể rời khỏi căn chung cư  2 phòng, mua được ngôi nhà 6 phòng ở  Los Angeles...
Trong một chương trước, khi đề cập tới việc chính Trần Ngọc Châu là  cha đẻ của chiến dịch Phượng Hoàng, có đoạn viết về ý nghĩa từ cái tên Phượng Hoàng "Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam thì con rùa tượng trưng cho sự sống lâu, con cá chép tượng trưng cho sự thông thái, nhưng chính con phượng hoàng mới thật thần kỳ, một con chim dũng mãnh và anh hùng có thể sống lại từ đống tro tàn. Thần thoại về phượng hoàng đã có hàng nhiều thế kỷ. Thời Ai Cập sơ khai, phượng hoàng là vật tượng trưng cho thần mặt trời, tục truyền là sống tới trăm năm, sau đó bị thiêu hủy để rồi hồi sinh hoàn toàn trẻ trung hơn xưa."
Câu chuyện về "CIA và sự Thất bại Chính trị của Hoa Kỳ tại Việt Nam" dành đoạn cuối chuyện để viết về Trần Ngọc Châu: 
"Sau khi phải nhận lãnh phiền muộn với người anh, bị bỏ tù bởi người bạn, bị bỏ rơi bởi CIA, bị gông cùm bởi những người cộng sản, và bị lợi dụng xuyên tạc bởi cánh báo chí phản chiến, Châu đã nghiệm ra được một cuộc tái sinh.
"Và như phượng hoàng, một con phượng hoàng đích thực, Châu trỗi dậy từ tro tàn của cuộc chiến Việt Nam."
Kết từ
Sách "Facing the Phoenix" được Zalin Grant khép lại bằng một kết từ, lời bạt - Epilogue- kể việc tác giả đã tìm gặp lại từng nhân vật tiêu biểu.
Edward G. Lansdale, viên tướng CIA huyền thoại, tạ thế ngày 23 tháng Hai, 1987. William Colby, người từng đưa các quan chức Mỹ tới coi các mô hình bình định của Châu, sau chiến tranh VN trở thành Giám đốc CIA, nhưng đã phải gánh chịu nhiều chỉ trích đau lòng vì ông từng bị gán là cha đẻ chiến dịch Phượng Hoàng.  Lou Conein, người từng ở bên cạnh các ông tướng đảo chính lật đổ chế độ Diệm năm 1963 đã về hưu, sống ốm yếu sau một trận kích tim. Nhà báo Keyes Beech, người từng dấu Châu trong nhà khi ông bị cánh Thiệu lùng bắt, tạ thế an lành trong một giấc ngủ. Daniel Ellsberg, chàng tiến sĩ từng điều trần về vụ án Trần Ngọc Châu trước Uỷ Ban Ngoại Giao Thượng Viện sống với vợ con ở California gần Berkeley. Rufus Phillips tiếp tục thành công với cơ sở thương mại làm về sân bay.
"Mặc dù nhiều năm đã qua đi, Châu vẫn còn trong ký ức những người này." Zalin Grant viết đoạn kết cho lời bạt cuối sách, kể việc ông gặp lại từng người. "Trong các cuộc phỏng vấn của tôi, khi chúng tôi nói về Châu, thường là lúc thật xúc động. Một số nhìn xa xôi khi nhắc tới tên ông, nhiều người muốn khóc. Với họ, Châu đã thành một biểu tượng -biểu tượng của những thứ đã mất ở Việt Nam. Chính tôi cũng cảm thấy mắt mình đẫm lệ. Nhưng những giọt lệ ấy, tôi biết, nhiều phần không phải dành cho Châu, mà cho chính chúng tôi."./.
Kỳ tới: John Paul Vann, ông tướng dân sự Mỹ.
Bìa sách “Vụ Án Trần Ngọc Châu”, 504 trang, ấn phí  25 mỹ kim, hiện có tại các nhà sách. Bạn đọc và các đại lý  xin liên lạc Việt Báo:
 14841 Moran St.
 Westminster, CA 92683
 (714) 894-2500
Bạn đọc trong nước Mỹ, xin gửi thêm cước phí $5 đô la.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.