Hôm nay,  

Thể Thao – Tiền Đạo

22/09/200800:00:00(Xem: 2109)
Giải đua xe hơi F1 (Formula Grand Prix): Chặng đua chung kết ngày chủ nhật 14/9 tại vòng đua thứ 14 tổ chức tại Ý Đại Lợi đã ghi thêm một dấu ấn lịch sử cho giải đua xe quốc tế F1 với thành tích vô địch của tuyển thủ trẻ tuổi người Đức là Sebastian Vettel (hình trên) thuộc đội đua Toro Rosso. Dưới cơn mưa ào ạt lồng trong những đợt cuồng phong của cuộc đua phân định thứ tự vị trí trong ngày thứ bảy trước đó, Vettel đã bất ngờ vượt qua thử thách và dành được ngôi vị xuất phát đầu tiên (pole), tạo khoảng cách biệt đáng kể so với các tay đua thượng thặng như Massa của Ba Tây phải xuất phát từ vị trí thứ 5, Alonso của Tây Ban Nha đứng thứ 6 và Raikkonen của Phần Lan phải xếp hạng thứ 14 trong ngày khởi tranh chặng chung kết.

Tuy chiếm được ưu thế xuất phát đầu tiên, nhưng với số tuổi 23 còn quá non trẻ nên không mấy ai có thể dự đoán được Vettel sẽ tạo tiếp những đợt sóng dữ tại vòng đua F1 lần này. Hơn nữa, thành tích đoạt được vị trí xuất phát hàng đầu cũng đưa tên tuổi của Vettet trở thành tuyển thủ trẻ tuổi nhất tạo được kỷ lục này, tức đã quá đủ cho Vettel cảm thấy vinh hạnh.

Và một lần nữa, Vettel lại khiến cho giới quan sát và khán giả hâm mộ phải sửng sốt kinh ngạc qua tài năng điều khiển tay lái vượt tốc độ trên những con đường ngoằn ngoèo trơn trợt của tổng cộng 53 vòng đua tại sân Monza vào ngày mưa bão của chặng chung kết 14/9. Cuối cùng, Vettel đã mất 1 giờ 26 phút 47 giây để chạy về tới mức Goal, đồng nghĩa với việc tạo kỷ lục trở thành tay đua trẻ tuổi nhất trong lịch sử của giải F1 đoạt cúp vô địch. Chiến tích này của Vettel cũng phá vỡ kỷ lục do Alonso thành lập trước đây khi đoạt cúp vô địch tại vòng đua Hungary vào năm 2003 ở số tuổi 22, đồng thời còn giúp cho đội đua không mấy tiếng tăm của Đức Quốc là Toro Rosso lần đầu tiên sở hữu được một tay đua đăng quang tại giải F1.

Nối tiếp theo sau Vettel tại vòng đua thứ 14 là tay đua người Phần Lan Heikki Kovalainen về Nhì với thành tích 1 giờ 27 phút và Robert Kubica của Ba Lan hạng Ba với thành tích 1 giờ 27 phút 8 giây.
Quần vợt: Có lẽ giải “US Open 2008” sẽ trở thành một kỷ niệm khó quên và tươi sáng trong sự nghiệp cầm vợt của tuyển thủ từng chế ngự làng banh nỉ quốc tế trong một thời gian dài đúng với danh hiệu “đang lên và…sắp xuống” là Federer của Thụy Sĩ. Bỡi lẽ, sau trận chung kết ngày 8/9 vừa qua, Federer đã chiến thắng khá dễ dàng trước tay vợt Andy Murray của Anh Quốc và đoạt cúp vô địch 5 mùa liên tiếp tại vũ đài “US Open”, như là một phần thưởng an ủi đền bù cho thành tích xuống dốc của anh từ đầu năm nay.

Ngược lại, đáng tiếc nhất vẫn là Andy Murray được xem một khuôn mặt nam sáng giá nhất của làng vợt Anh Quốc đã mất cơ hội hiếm có lần đầu tiên đoạt cúp vô địch của một giải đấu “Grand Slam”. Tuy có phần gây trở ngại cho Federer ở set thứ 2 và bám sát đến cuối game thứ 5, nhưng Andy Murray vẫn lập lại những khuyết điểm đánh hỏng bóng khá nhiều như ở set thứ 1 nên đành chấp nhận tỷ số bại chiến 2-6. 5-7. 2-6. Tưởng cũng nên nhắc lại là sau thời kỳ oanh liệt của tuyển thủ Fred Perry, tức từ năm 1936 đến nay chưa có tay vợt nam nào của Anh Quốc được đăng quang tại một giải “Grand Slam”.

***

Túc cầu

Sau thời điểm khởi tranh của các các giải chuyên nghiệp quốc nội Châu Âu, khán giả yêu chuông môn túc cầu còn bận rộn say mê theo dõi những trận đấu dự tuyển vòng loại để tranh vé tham dự World Cup 2010 tại Cộng Hòa Nam Phi, được diễn ra từ ngày 6/9 trên khắp các châu lục với kết quả như sau:

Khu vực Châu Á: Tại khu vực này, vòng dự tuyển cuối cùng quy tụ 10 đội bóng chia làm 2 bảng và sẽ chọn 2 đội đứng đầu mỗi bảng để đại diện Châu Á. Ngoài ra, 2 đội hạng Ba của mỗi bảng sẽ tiếp tục thi đấu và đội thắng trận sẽ gặp đội vô địch khu vực Oceania (Châu Đại Dương) để tranh tấm vé vớt.

Từ ngày 6/9, lịch trình của vòng dự tuyển cuối cùng đã mở màn với 4 cặp đấu của 2 bảng gồm: Nhật Bản-Bahrain và Qatar-Uzbekistan thuộc bảng A và Ả Rập Saudi-Iran, UAE-Bắc Triều Tiên của bảng B.

Tuy có thành phần chủ lực khá hùng hậu và trên chân đối thủ, nhưng đội Nhật Bản cũng phải chật vật trước Bahrain sở trường về thể lực và tốc độ nên chỉ đạt được tỷ số chiến thắng khít khao 3-2. Trong khi đó, đội Qatar tỏ ra rất lợi hại trên sân nhà với chiến thuật đan bóng ngắn chính xác và áp đảo đối phương qua tỷ số đè bẹp Uzbekistan 3-0.

Trận chiến vào cùng ngày giữa Ả Rập Saudi và Iran cũng rất gay cấn khi 2 cao thủ Trung Đông đều tung ra hết dàn cầu thủ thiện chiến để tranh thắng hầu làm bàn đạp cho các trận đụng độ tiếp theo. Tuy nhiên, do chiến lực đồng sức ngang tài nên tỷ số hòa 1-1 đã kết thúc trận chiến kèm theo sự tiếc nuối của Ả Rập Saudia vì họ đã không tận dụng được lợi thế chiến đấu trên sân nhà. Đồng thời, chiến thắng 2-1 của Bắc Triều Tiên với tư cách là đội khách thi đấu trên sân UAE cũng khiến dư luận đánh giá cao về đội bóng “bí hiểm” này.

Riêng về đội UAE dường như đã đánh mất phong độ của một đội bóng từng nổi bật của trường phái Trung Đông khi chấp nhận trận bại chiến kế tiếp trước Ả Rập Saudia với tỷ số 1-2 vào ngày 10/6. Mặt khác, ở trận ra quân đầu tiên cùng ngày 10/6, đội “Mãnh Hổ Châu Á” Đại Hàn cũng bị “người anh em” Bắc Triều Tiên cầm chân với tỷ số 1-1.

Tại bảng A, đội tuyển Úc Đại Lợi cũng tạo được chiến thắng đầu tiên 1-0 trước hàng thủ dày dặc của Uzbekistan và Qatar hòa Bahrain 1-1 trên sân nhà.

Khu vực Châu Âu: Châu Âu luôn là khu vực tương tranh khốc liệt
trong giai đoạn so chân của dự tuyển vòng loại và khiến nhiều cường quốc túc cầu dù sở hữu chiến lực hùng mạnh nhưng vẫn không vượt qua được ải thử thách đầy cam go và kèm theo nhiều may rủi bất ngờ. Với tổng số 53 quốc gia tranh hùng, khu vực Châu Âu được phân ra 9 nhóm:

Nhóm 1: Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Hungary, Albania, Malta

Nhóm 2: Hy Lạp, Thụy Sĩ, Do Thái, Latvia, Luxembourg, Moldova.

Nhóm 3: Cộng Hòa Tiệp, Ba Lan, Bắc Ái Nhĩ Lan, Slovenia, Slovakia, San Marino.

Nhóm 4: Đức Quốc, Cộng Hòa Nga, Xứ Wales, Phần Lan, Alzerbaijan, Liechtenstein.

Nhóm 5: Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ Quốc, Bosnia-Herzegovina, Estonia, Armenia.

Nhóm 6: Anh Quốc, Croatia, Ukraine, Belarus, Kazakhstan, Andora.

Nhóm 7: Pháp Quốc, Romania, Áo Quốc, Serbia, Lithuania, Quần Đảo Faroe.

Nhóm 8: Ý Đại Lợi, Bulgaria, Ái Nhĩ Lan, Montenegro, Cyprus, Georgia.

Nhóm 9: Hòa Lan, Na Uy, Scotland, Macedonia, Island.

9 đội đứng Nhất các nhóm đương nhiên có mặt tại Cộng Hòa Nam Phi vào năm 2010. Tiếp theo, 8 đội hạng Nhì có thành tích cao sẽ tiến vào vòng đấu play-off để chọn ra 4 đội thắng. Tổng cộng, Châu Âu có 13 đội tham chiến tại World Cup 2010.

Kết quả sau 2 lượt đấu vào ngày 6/9 và 10/9 tại 9 nhóm như sau:

Nhóm 1: Dù áp đảo đối phương qua chiến thuật “cướp bóng hãm
thành” nhưng đoàn quân Thụy Điển đã bỏ qua nhiều cơ hội trong trận ra quân đầu tiên và không sao xuyên thủng được lưới địch nên cuối cùng bị đội dưới chân là Albania cầm hòa 0-0 vào ngày 6/9. Tuy nhiên, Thụy Điển cũng tạo được chiến thắng 2-1 trước Hungary ở trận chiến kế tiếp ngày 10/9.

Trong khi đó, tuy Bồ Đào Nha tô đậm chiến thắng 4-0 sau khi đè bẹp tiểu quốc Malta ở trận đầu tiên nhưng lại bất ngờ bị cường quốc Bắc Âu Đan Mạch đá bại 2-3 ở trận đấu ngày 10/9 nên càng làm nổi bật nét tương tranh gay cấn giữa 3 đội mạnh của nhóm này là Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Đan Mạch. Vào cùng ngày 10/9. Albana cũng lập tỷ số đáng kể 3-0 khi đụng độ đội yếu nhất nhóm là Malta.

Nhóm 2: Ngày khởi tranh dự tuyển loại của nhóm này được bắt đầu bằng 3 trận chiến rất hào hứng khi Hy Lạp vượt qua Luxembourg bằng tỷ số trên chân 3-0, Latvia thắng Moldovia 2-1 và Thụy Sĩ có phần xuống dốc sau giải EURO 2008 khi chấp nhận tỷ số 2-2 cùng Do Thái.

 Sau đó, ở lượt đấu kế tiếp Hy Lạp càng tỏ thế mạnh qua chiến thắng 2-0 trên sân đối phương và bất ngờ nhất là Luxembourg hạ gục Thụy Sĩ 2-1, trong khi Do Thái tuy phải chiến đấu trên sân đối phương nhưng lại chiếm ưu thế hơn Modolvia nên cũng ghi được chiến thắng đầu tiên với tỷ số 2-1.

Nhóm 3: Đây là nhóm quy tụ thế lực hùng hậu của khối Đông Âu với lối đá cứng rắn tràn đầy tốc độ và được chú ý nhiều nhất là 2 đội Cộng Hòa Tiệp cùng Ba Lan. Ở lượt đấu đầu tiên, Ba Lan chạm trán cùng Slovenia trên sân nhà nhưng không tạo được áp lực đáng kể và cùng đối phương chấp nhận tỷ số hòa 1-1, trong khi Slovakia nắm phần kiểm soát bóng nhiều hơn nên hạ Bắc Ái Nhĩ Lan 2-1. Lượt đấu kế tiếp là 3 trận chiến khá sôi nổi với Ba Lan thắng đối thủ yếu kém hơn mình là San Marino bằng tỷ số 2-0, Cộng Hòa Tiệp hòa Bắc Ái Nhĩ Lan 0-0 và Slovenia hạ Solvakia 2-1.

Nhóm 4: Trước binh lực hùng hậu của Đức Quốc, đội tuyển tí hon Lichtenstein đã nếm mùi thất bại với tỷ số của một trận Tennis 0-6 trong lượt đấu đầu tiên và Xứ Wales cũng đá bại địch thủ ngang tầm Alzerbaijan 1-0. Tiếp theo đó, Cộng Hòa Nga ra quân với chiến thắng đầu tiên 2-1 khi hạ Xứ Wales trên sân nhà Moscow vào ngày 10/9, đồng thời giữa Alzerbaizan và Lichtenstein cũng không hơn kém nhau về chiến lực là bao nên tỷ số bất phân thắng 0-0 đã kết thúc trận chiến cùng ngày. Ngược lại, sau chiến thắng dòn dã ở trận đầu tiên, đội “chiến xa” Đức Quốc buộc phải dừng chân trước đội tuyển Phần Lan với tỷ số 3-3.

Nhóm 5: 3 đội mạnh của nhóm này đều có những bước thuận lợi trong đợt ra quân đầu tiên ngày 6/9 với Thổ Nhĩ Kỳ thắng Armenia 2-0, Bỉ Quốc hạ Latvia 3-2 và đương kim vô địch Châu Âu Tây Ban Nha thắng Bosnia- Herzegovina 1-0. Sau đó, như trút hết những nỗi căm hờn của trận thua đầu tiên, đội Bosnia- Herzegovina đã đè bẹp Estonia 7-0 ở lượt đấu kế tiếp vào ngày 10/9 và Tây Ban Nha cũng áp đảo Armenia bằng chiến thắng 4-0, đồng thời trận chiến đồng sức ngang tài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ Quốc được khép lại với tỷ số hòa 1-1.

Nhóm 6: Nhóm này cũng là một chiến trường “Tam Quốc Tranh Hùng” với 3 thế lực được đánh giá cao nhất là Anh Quốc, Croatia và Ukraine. Và cả 3 đội mạnh này đều nhanh chóng phô trương uy thế sau trận ra quân ngày 6/9 với Anh Quốc thằng Andora 2-0, Croatia thắng Kazakhstan 3-0 và Ukraine hạ Belarus 1-0. Thế nhưng, ngay lượt đấu sau đó Croatia đã phải chùn bước trước đoàn quân xứ sở sương mù qua tỷ số bại chiến nặng nề 1-4, như là phần nào trả giá cho “mối thù” trước đây họ đã loại Anh Quốc ra khỏi vòng chiến của vũ đài EURO 2008. Trong khi đó, Ukraine vẫn tiếp tục lướt thắng 3-1 trước Kazakhstan, và Belarus hạ Andora 3-1.

Nhóm 7: Cơn chấn động đầu tiên tại nhóm này là chiến thắng oanh liệt 3-1 của đội Áo Quốc khi đụng độ cường địch “Thần Kê” Pháp Quốc. Nhưng đáng nể hơn vẫn là thành tích của Lithuania, một đội bóng hầu như được xem là hàng thứ yếu của khu vực Châu Âu lại tạo được “cơn sóng thần” 3-0 trước cao thủ Đông Âu Romania. Trong khi trận đấu giữa Serbia cùng Quần Đảo Faroe lại không diễn tiến theo chiều ngược dòng dự đoán với chiến thắng 2-1 nghiêng về Serbia.

Lượt đấu kế tiếp là cơ hội cho đội Pháp gỡ lại thể diện bằng chiến thắng 2-1 trước Serbia, và Roamania tuy cũng phần nào phục hồi phong độ khi hạ Quần Đảo Faroe 1-0 nhưng vẫn chưa thực sự lấy lại niềm tin của khán giả quốc nội. Đặc biệt, Lithuania lại tiếp tục gây sóng gió với trận thắng thứ 2 sau khi hạ Áo Quốc 2-0 !
Nhóm 8: Cả Ý Đại Lợi lẫn Ái Nhĩ Lan đều chật vật trước những đối thủ yếu kém hơn mình sau lượt đấu ngày 6/9, với Ý Đại Lợi hạ Cyprus 2-1 và Ái Nhĩ Lan thắng Geogia 2-1. Cùng lúc Bulagaria hòa Montenegro 1-1. Sau đó, chiến thắng 2-0 của Ý khi chạm trán cùng Georgia đã đưa đội bóng hạt giống số 1 này vươn lên vị trí đầu nhóm, do Ái Nhĩ Lan cùng Montenegro đều không tạo được tỷ số thắng bại ở trận hòa 0-0 ngày 10/6.

Nhóm 9: Thế kèn cựa tương khắc giữa Hòa Lan, Na Uy, Island và Scotland được xem là 4 nhân tố quan trọng gây ảnh hưởng nhiều đến cục diện tương tranh càng khiến nhóm 9 trở hấp dẫn hơn. Sau 2 trận chiến ngày 6/9 với kết quả Na Uy hòa Island 2-2 và Macedonia hạ Scotland 1-0, tuy đội Hòa Lan cũng tạo chiến thắng đầu tiên ở lượt đấu kế tiếp cùng Macedonia với tỷ số 2-1 nhưng vẫn chưa tỏ được thế lực hùng mạnh theo đúng đẳng cấp của “những cơn lốc màu cam”. Và vào cùng ngày 10/6, Scoland cũng vượt thắng 2-1 trước Island.

Khu vực Nam Mỹ: So với Châu Âu, khu vực Nam Mỹ đã khởi tranh dự tuyển vòng loại từ thời điểm 13/10/2007, do không bị chồng chất những lịch trịch tranh giải dồn dập. Hiện nay, 10 đội bóng tham chiến trong khu vực này đều trải qua 8 trận đấu với ngôi thứ tạm thời như sau:

1. Paraguay: 5 thắng 2 hòa 1 bại

2. Ba Tây: 3 thắng 4 hòa 1 bại

3. Á Căn Đình: 3 thắng 4 hòa 1 bại

4. Chí Lợi: 4 thắng 1 hòa 3 bại

5. Uruguay: 3 thắng 3 hòa 2 bại

6. Colombia: 2 thắng 4 hòa 2 bại

7. Ecuador: 2 thắng 3 hòa 3 bại

8. Venezuela: 2 thắng 1 hòa 5 bại

9. Peru: 1 thắng 4 hòa 3 bại

10. Bolivia: 1 thắng 2 hòa 5 bại

Nam Mỹ sẽ chọn 4 đội đầu bảng tham chiến tại World Cup 2010. Riêng đội hạng 5 sẽ tranh tấm vé vớt cùng đội hạng 4 của khu vực Bắc Trung Mỹ.

***

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, chúng tôi xin được cùng quý vị tìm hiểu về môn “Sumo”, tức Đấu Vật của Nhật Bản.

Sumo vốn là một nghi thức hành lễ cúng tế Thần Phật trong các dịp lễ hội truyền thống của Nhật Bản từ thời xưa, đồng thời còn được xem như một trường phái võ nghệ trong võ đạo tại xứ Phù Tang. Gần đây Sumo được thế giới biết đến như là một môn thể thao mang màu sắc võ thuật của hình thức đấu võ giữa các lực sĩ có thân hình to lớn, đầu búi tóc, để ngực trần, chân trần và đeo đai theo truyền thống cổ xưa của Nhật Bản.

Nghi thức hành lễ “Sumo” là một trong những hình thức dựa trên căn bản tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc Nhật Bản là Thần Đạo (Jinto), được các lực sĩ Sumo cử hành tại các đền Thần (Jinja) để tỏ lòng cung kính dâng lên Thần Phật những chàng trai có sức mạnh, hàm ý cảm tạ Thượng Đế trong mỗi dịp lễ truyền thống. Vì vậy, các động tác hành lễ của lực sĩ được quy định theo đúng lễ nghi rất tôn nghiêm, trịnh trọng và lực sĩ chỉ được mang đai (Mawashi) trong khi cử hành nghi thức “Kính Dâng Sumo” (Hono Sumo), ngoài ra không được mặc bất cứ y phục nào khác cũng như không đội mũ, hoặc mang giày.

Trên phương diện tranh tài, Sumo quy định 2 lực sĩ đứng trong một vòng tròn có đường kính khoảng 4,55m gọi theo từ chuyên môn là Dohyo (đồ biểu) và sẽ giáp chiến nhau bằng hình thức của các thế võ đẩy hoặc vật. Lực sĩ nào vật đối phương ngã hay đẩy đối phương ra ngoài vòng “đồ biểu” sẽ thắng. Do đó, khi dùng tay chụp người hoặc đẩy đối phương, các lực sĩ luôn ra tay thần tốc và dùng toàn lực nên có ảnh hưởng rất lớn đối với sự quyết định thắng bại của một trận đấu vật. Đây cũng là một yếu tố đặc trưng của Sumo thể hiện đúng câu “Tiên Hạ Thủ Vi Cường”.

Về mặt hình thức có thể xem môn Sumo gần giống như môn đô vật (Wresling) khi hai lực sĩ thi đấu ở trong tình trạng không mang các dụng cụ bảo vệ an toàn cho thân thể và chỉ nắm bắt thân thể đối phương, và vì vậy trong Anh ngữ Sumo còn được gọi là “Sumo- Wresling”.
Theo các tài liệu của Nhật Bản thì Sumo đã trải qua lịch sử hình thành từ lâu đời vì trong sử liệu của các thời đại cổ xưa như Kofun Jidai (Thời Đại Cổ Phần: từ giữa thế kỷ thứ 3 đến cuối thế kỷ thứ 7) hoặc các di tích đồ gốm của thời cổ đại quật được từ lòng đất cũng miêu tả chi tiết và vẽ hình ảnh của Sumo.

Ngoài ra, trong phần “Thần Thoại Nhật Bản” dựa theo các truyền thuyết của quyển “Kojiki” (Cổ Sự Ký), ghi chép về lịch sử cổ đại của Nhật Bản, có đoạn miêu tả cảnh hai vị thần là Kiến Ngự Lôi Thần (Takemi Kazuchi) và Kiến Ngự Nam Phương Thần (Takemi Nakata) trong tư thế nắm bắt kèn cựa nhau bất phân thắng bại giống như hai lực sĩ Sumo đang tranh tài. Hơn nữa, trong “Nihon Shoki” (Nhật Bản Thư Ký), là quyển sách lịch sử Nhật Bản được hoàn thành từ thời đại Nara (từ năm 710 đến năm 794) cũng thuật lại trận đấu xưa nhất trong lịch sử môn Sumo theo truyền thuyết là cuộc đấu vật giữa các lực sĩ chứ không phải giữa các vị thần. Đó là trận đấu xảy ra ngày 7 tháng 7 năm thứ 7 âm lịch đời vua Thùy Nhân Thiên Hoàng (Suinin Tenno), tức khoảng năm 23 trước Công Nguyên, giữa lực sĩ Nomi No Sukune và Taima No Sukehaya, qua đoạn văn ” Sau các đòn nắm bắt qua lại, Sukune dùng đòn chân thần tốc đá trúng sương xườn và lưng của Sukehaya”. Tuy so với hình thức Sumo hiện nay có phần khác biệt nhưng cũng chứng minh đây là những ngón đòn võ thuật. Và Sukune được xem là ông tổ của môn Sumo Nhật Bản.

Cụ thể hơn, trong quyển “Cổ Ký Sự” nói trên, thuật ngữ “Lực Sĩ cũng bắt đầu xuất hiện trong những đoạn nói về đời vua Thùy Nhân Thiên Hoàng. Kế đến, quyển “Nhật Bản Thư Ký” còn ghi rằng: “vào ngày 12 tháng 7 âm lịch năm Hoàng Cực Thiên Hoàng Nguyên Niên (Kogyoku Tenno), tức năm 642, nhà vua đã gọi các lực sĩ biểu diễn đấu vật để thiết đãi sứ giả vương tộc Bách Tế của Triều Tiên”. Ngoài “Cổ Ký Sự” và “Nhật Bản Thư Ký”, còn vô số các tài liệu lịch sử đều có đề cập đến môn Sumo như: “Tục Nhật Bản Ký” (Shoku Nihon Gi), “Nhật Bản Hậu Ký” (Nihon Koki), “Tục Nhật Bản Hậu Ký” (Shoku Nihon Koki), “Nhật Bản Văn Đức Thiên Hoàng Thực Lục” (Nihon Mondoku Tenno Jitsuroku), “Nhật Bản Tam Đại Thực Lục” (Nihon Sandai Jitsuroku), “Loại Tụ Quốc Sử” (Ruiju Kokushi), “Nhật Bản Ký Lược” (Nihon Giryaku), “Tiểu Tả Ký” (Sho Yuki), “Trung Tả Ký” (Chu Yuki) v.v..

Trải qua các thời kỳ phong kiến, môn Sumo càng được các vị Thiên Hoàng chú trọng. Điển hình là vua Thánh Vũ Thiên Hoàng (724-749) đã ban chiếu lệnh chiêu mộ các lực sĩ khoẻ mạnh từ những vùng nông thôn xa xôi để thành lập đội Sumo thi đấu biểu diễn tại nơi Thiên Hoàng ngự là Tía Thần Điện (Shishin Den) trong ngày Thất Tịch mồng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm, cũng như cử hành những nghi thức tế lễ khác. Sau đó, từ thời Heian (749-1185), Sumo đã chính thức trở thành một nghi lễ quan trọng trong cung đình và là một trong ba kỳ lễ hội gọi là “Tam Độ Tiết” do triều đình tổ chức định kỳ hàng năm với quy mô to lớn và cùng toàn dân ăn mừng như các ngày lễ lớn của dân tộc gồm có “Hội Tạ Lễ”, “Hội Kỵ Xạ” (tức cưỡi ngựa bắn cung) và “ Hội Sumo”.
Mặt khác, trong dân gian cũng có những Sumo tại các địa phương được gọi là “Thổ Địa Sumo” hay “Thảo Sumo”, tức là những danh xưng tầm thường để phân biệt với hệ phái Sumo của giới quý tộc triều đình. Vì các lực sĩ của hội Sumo địa phương này đảm nhận nghi thức bái lễ cầu nguyện Thần Phật gia hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc, đời sống nông dân được ấm no v.v..nên được gọi là “Thần Sự Sumo”, tức các sự vụ tế lễ Thần Phật. Đồng thời, các lực sĩ cũng hợp nhau thành lập võ đường để rèn luyện và đào tạo môn sinh gọi là hệ phái “Vũ Gia Sumo”. Từ đó, Sumo vừa là biểu tượng của nghi thức tín ngưỡng vừa là môn võ nghệ thực dụng phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản.

Đến thời Kamakura (1185-1333), vị võ tướng lừng danh đầu tiên của triều đại này với chức vụ “Chinh Di Đại Tướng Quân” là Minamoto No Yorimoto đã đặc biệt khích lệ môn Sumo nên dưới trướng của ông có nhiều nhân tài và nổi bật nhất là lực sĩ Hatakeyama Shigetada luôn đạt danh hiệu “Đệ Nhất Dũng Sĩ”. Kèm theo đó là những giai thoại về các chiến tích của hai anh em lực sĩ nổi tiếng là Wada Tsunemori và Asahina Yoshihide cũng được truyền tụng trong thời này. ị Tr.65

***

Tiếp theo trang 35

Trong một số bức họa ghi lại niên hiệu từ trước thời đại Muromachi (1336-1573), người ta còn thấy môn Sumo được miêu tả như là một trò giải trí tiêu khiển qua hình ảnh các lực sĩ mặc y phục đấu nhau và không bị giới hạn trong vòng “Dohyo”. Sau đó đến giai đoạn Chiến Quốc (1493-1573), có một danh tướng là Oda Nobugawa cũng rất ái mộ môn Sumo và ông chính là người đầu tiên nghĩ ra phương thức thi đấu trong phạm vị của vòng tròn “Dohyo”. Bước sang thời đại Edo (1603-1867), là thời kỳ phát triển toàn diện xã hội tạo thành nền tảng vững chắc cho các tư tưởng văn minh tiến bộ của Nhật Bản sau này, nên môn đấu vật cũng đã bắt đầu chuyển hướng sang hình thức chuyên nghiệp. Đồng thời, hai môn đấu vật đặc biệt dành cho những người bị mù gọi là “Zato Zumo” và của phái nữ là “Onna Zumo” cũng ra đời trong giai đoạn này và được kéo dài cho đến thời điểm Nhật Bản bị lôi cuốn vào Đệ Nhị Thế Chiến. Từ tháng 6 năm Showa 11 (năm 1936), môn Sumo được chính thức đưa vào chương trình giáo dục sơ cấp của bậc tiểu học và sau thời đại vua Showa, môn đấu vật bán chuyên nghiệp dành cho phái nữ “Shin Sumo” được thành lập dưới sự điều động của Liên Đoàn Tân Sumo Nhật Bản (Nihon Shin Sumo Renmei).

Vào thời cổ đại, môn Sumo được đọc theo cách phát âm là “Sumahi”, sau đó biến thành “Sumahu” rồi đọc trại ra thành “Sumo” như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một số giả thuyết cho rằng vào thời cổ đại, thuật ngữ “Tegoi” (Thủ Khất) được dùng để nói về môn Sumo, nhưng thật ra Tegoi chỉ là một biệt danh vắn tắt của Sumo, qua ý nghĩa nắm bắt cánh tay đối phương, hoặc là dùng tay không để tranh thắng bại. Và các tuyển thủ của Sumo được gọi là Rikishi (Lực Sĩ) hoặc Sumotori.

Như đã đề cập phần trên, hình thức tranh tài giữa 2 lực sĩ được giới hạn trong vòng tròn “Dohyo” và nếu ai phạm luật cũng xem như bị thua trận do sự quyết định của một vị trọng tài gọi là Gyoji (Hành Tư) mặc y phục, đội mão, tay cầm quạt gọi là “Gunpai” (Quân Phối) để chỉ về bên phía lực sĩ thắng trận cho khán giả dễ nhìn thấy. Tuy nhiên, những trọng tài chỉ “cầm quạt” trong các giải đấu chuyên nghiệp, còn ở những trận bán chuyên nghiệp thì gọi là trọng tài như bình thường và không mặc y phục cổ trang. Theo truyền thống từ ngàn xưa, môn Sumo không phân biệt về tuổi tác, chiều cao hay sức nặng giữa các lực sĩ. Vì vậy có rất nhiều trường hợp các lực sĩ nhỏ con nhưng nhờ lanh lẹ và tinh thông võ nghệ vẫn có thể thắng được đối thủ to hơn mình.

Trước khi bước vào cuộc tranh tài, hai lực sĩ cần phải làm theo thứ tự các nghi thức được quy định như sau:

Shikiri (chuẩn bị giao chiến): Hai lực sĩ được giới thiệu tên rồi bước lên một ụ đất cao đặt ở vị trí chính giữa hội trường có khán giả ngồi chung quanh, trên đó có vòng tròn “Dohyo”. Sau khi bước vào vòng “Dohyo” tức sân thi đấu, 2 lực sĩ sẽ đứng cách xa nhau tính từ vị trí của lằn ranh chia vòng “Dohyo” làm 2 phần. Sau đó, hai lực sĩ đứng đối diện nhau rồi khom lưng thấp xuống và dùng nắm tay cung lại thành quyền để chạm vào vạch trắng là lằn ranh giữa sân đấu. Đây là tư thế chuẩn bị nhiều lần để bắt đấu cho nghi thức “Tachi Ai”, tức chạm mặt. Trước đây, tuy nghi thức “Shikiri” có thể lập đi lập lại nhiều lần hoặc chỉ cần thực hiện một lần nhưng tùy theo trường hợp quy định của giải đấu cũng sẽ bị giới hạn trong một khoảng thời gian nào đó.

Tachi Ai (chạm mặt): Là nghi thức 2 lực sĩ đang trong tình trạng dùng tay cung lại thành quyền để chạm đất và nhìn thẳng mặt nhau rồi trong khoảng khắc chợt đứng lên và xáp vào giao chiến. Đây là hình thức mở màn cho trận đấu mang tính cách đặc hữu của môn Sumo Nhật Bản mà chúng ta không thể tìm thấy được trong các môn đấu vật khác của thế giới. Bởi vì, giây phút xông vào giáp chiến này do hai lực sĩ mặc nhiên đồng ý và quyết định ra tay sau khi họ chuẩn bị tinh thần và tư thế qua giai đoạn thực hiện hình thức “Shikiri”. Hơn nữa, vị trọng tài “Gyoji” cũng không cần phải tuyên bố bắt đầu trận đấu mà chỉ cần xác nhận sự đồng ý của hai lực sĩ khi quan sát tư thế và nét mặt của họ. Đặc biệt là ngay trước nghi thức “Tachi Ai” này, hai lực sĩ sẽ biểu diễn các tư thế đứng tấn rất uy nghi và hùng tráng, cộng thêm nét mặt biểu lộ ý chí quyết thắng nên càng tăng thêm phần hào hứng và lôi cuốn.

Hình thức dùng nắm tay cung lại thành quyền để chạm mặt đất trong nghi thức mở màn cho trận đấu Sumo được bắt đầu từ khoảng giữa thời đại Edo niên hiệu Genroku (Nguyên Lục, 1688-1703) dưới thời vua Higashi Yama Tenno (Đông Sơn Thiên Hoàng), do lực sĩ Kagamiyama Oki Uemon sáng chế rồi trở nên thịnh hành và áp dụng cho đến nay.

Trong giải Sumo chuyên nghiệp tại Nhật Bản hiện nay có 6 cấp được xếp theo thứ tự từ hạ đẳng đến thượng đẳng gồm:
Juryo (Thập Lưỡng): là cấp bậc thấp nhất của những võ sĩ mới được bước chân vào sân đấu chuyên nghiệp và tuy được tham gia 15 trận trong các giải đấu chuyên nghiệp trong năm nhưng chỉ có tư cách đấu với những lực sĩ đồng cấp Juryo. Lực sĩ nào có thành tích cao nhất trong nhóm Juryo sẽ được đề bạt thăng cấp hoặc được thay thế cho các lực sĩ thuộc cấp cao hơn là Makuuchi (Mạc Nội) trong trường hợp họ bị chấn thương không thể tham gia giải đấu.

Maegashira (Tiền Đầu): đây là bậc sơ cấp của nhóm Makuuchi, tức những lực sĩ hội đủ điều kiện tham chiến tại giải chuyên nghiệp toàn quốc.

Komusubi (Tiểu Kết): những lực sĩ ở đẳng cấp Maegashira có thành tích tạo từ 10 trận thắng trở lên qua một giải đấu chuyên nghiệp sẽ được thăng lên cấp Komusuni này.
Sekigawa (Quan Hợp): là đẳng cấp thăng hạng cho những lực sĩ Komusubi liên tục lập thành tích có số trận thắng nhiều hơn số trận bại qua các giải chuyên nghiệp trong năm. Ngược lại, nếu đã thăng hạng lên cấp Sekigawa mà có số trận thua vượt qua số trận thắng trong một giải đấu thì sẽ bị xuống trở lại đẳng cấp Komusubi. Vì vậy, đây chính là cửa ải thử thách rất gay gắt cho các lực sĩ.

Ozeki (Đại Quan): có thể nói Ozeki là cấp bậc thượng đẳng trong làng vật chuyên nghiệp Nhật Bản, vì muốn đạt đến đẳng cấp này các lực sĩ ở bậc Sekigawa phải tạo thành tích vô địch liên tiếp 3 giải đấu chuyên nghiệp với 30 trận thắng trở lên. Và nếu lâm vào tình trạng có số trận thua nhiều hơn số trận thắng qua 2 giải liên tiếp cũng sẽ bị tụt xuống cấp Sekigawa. Và thông thường, các lực sĩ ở đẳng cấp này đã đạt đến trình độ vững chắc nên rất ít trường hợp bị xuống hạng ngoại trừ bị chấn thương nặng.

Yokozuna (Hoành Cương): đây là đẳng cấp tối cao của môn Sumo nên còn được gọi là “Vua Làng”, và theo đúng ý nghĩa thì Yokozuna là một danh hiệu cao quý vì các lực sĩ được thăng lên đỉnh cao này phải trải qua những cuộc thẩm định của Hiệp Hội Sumo Nhật Bản. Ngoài tài nghệ, thành tích vượt trội, các lực sĩ phải có phẩm hạnh tốt từ cử chỉ đến lời nói và phong cách thi đấu xuất sắc mới được trao tặng danh hiệu tối cao này. Dĩ nhiên là nếu các lực sĩ Yokozuna không duy trì được thành tích cao qua các giải đấu thì sẽ bị xuống hạng. Nhưng để bảo vệ danh hiệu cao quý này, các lực sĩ Yokozuna thường giải nghệ khi bị xuống phong độ trầm trọng hoặc bị dính líu vào những vụ tai tiếng lớn làm ảnh hưởng đến truyền thống cao đẹp của môn Sumo. Do đó, khi đạt được danh hiệu này, các vua làng phải luôn thận trọng giữ gìn đạo đức để xứng đáng với sự tôn kính của quốc dân Nhật Bản.

Từ khi danh hiệu Yokozuna xuất hiện trong làng vật Nhật Bản, tính đến nay đã có 69 người đạt đến đẳng cấp này. Theo tài liệu, lực sĩ Yokozuna đầu tiên của Nhật Bản là Akashi Shiga Nosuke nổi tiếng trong khoảng thời gian từ 1626-1644 gọi là Yokozuna đời thứ Nhất. Kể từ khi hai anh em lực sĩ Takano Hana Koji (Yokozuna đời thứ 65) và Wakano Hana Masaru (Yokozuna đời thứ 66) giải nghệ cho đến nay, làng vật xứ Phù Tang đã không còn lực sĩ Nhật Bản nào được phong tặng danh hiệu này. Thay vào đó là 3 lực sĩ gốc ngoại quốc đạt đến đẳng cấp Yokozuna gồm: Musashimaru Koyo (Yokozuna đời thứ 67, xuất thân Hawaii, giải nghệ năm 2003), Asashoryu Asanori (Yokozuna đời thứ 68, xuất thân Mông Cổ) và Hakuho Sho (Yokozuna đời thứ 69, xuất thân Mông Cổ).
Hàng năm, giải chuyên nghiệp Sumo được tổ chức 6 kỳ, theo lịch trình và tại các địa điểm được quy định như sau:

1. Giải đấu tháng 1, tại Kokugi Kan (Quốc Kỷ Quán), Tokyo.

2. Giải đấu tháng 3 tại Osaka Furitsu Taiikukan (Hội Quán Thể Thao Phủ Osaka).

3. Giải đấu tháng 5 tại Kokugi Kan (Quốc Kỷ Quán), Tokyo.

4. Giải đấu tháng 7 tại Aichi ken Taiikukan (Hội Quán Thể Thao Tỉnh Aichi)

5. Giải đấu tháng 9 tại Kokugi Kan (Quốc Kỷ Quán), Tokyo.

6. Giải đấu tháng 11 tại Fukuoka Kokusai Centre (Trung Tâm Quốc Tế Tỉnh Fukuoka.

Mỗi giải đấu kéo dài trong 15 ngày, các lực sĩ sẽ gặp nhau theo hình thức vòng tròn và đấu 15 trận. Nếu các lực sĩ có thành tích cao nhất với số trận thắng bại bằng nhau thì sẽ tái đấu sau khi tranh xong trận thứ 15.

Câu chuyện thể thao: Đài Quyền Đạo – Tiền Đạo

(Tiếp theo số trước, Tr.35)

13. Palgwe 5 Jang (Bát Quái Ngũ Chương): 35 động tác của thế võ này được biến chế theo đồ hình chữ “Sĩ” nên có điệu bộ lên xuống nhịp nhành và bao gồm các thế tấn công liên tục.

14. Palgwe 6 Jang (Bát Quái Lục Chương): Thế võ này nối tiếp với những thế công của Bát Quái Ngũ Chương. Sau thế tấn công là những động tác thủ kín theo đồ hình chữ “công” được biến đổi qua 19 thức.

15. Palgwe 7 Jang (Bát Quái Thất Chương): Có 23 động tác di động theo hình trụ thẳng góc để nới rộng phạm vi của ngọn cước xuất ra từ nhiều phía.

16. Palgwe 6 Jang (Bát Quái Lục Chương): Bài quyền này khá dài với 35 động tác di chuyển đồ hình chữ “can” với nhiều thế biến hoá ra chiêu dồn dập.

17. Koryo Jang (Cao Ly Chương): Chiêu thức này có ý nghĩa nói về lịch sử oai hùng của triều đại Cao Ly qua những cuộc chiến chống xâm lăng nên 30 động tác của nó dựa trên đồ hình chữ “Sĩ” để nêu lên tinh thần hiếu học và cầu tiến của dân tộc Triều Tiên.

18. Keumgang Jang (Kim Cương Chương): Kim Cang là tên một ngọn núi được xếp vào danh lam thắng cảnh hàng đầu của bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, 27 chiêu số lấy tên ngọn núi này được xếp theo đồ hình chữ “sơn” với các động tác biểu hiện sự vững vàng kèm theo tốc độ khi thần tốc chớp nhoáng lúc chậm rãi nhẹ nhàng trong hàm ý dung hợp hai trạng thái động và tĩnh của tinh thần cùng thể xác.

19. Taebaek Jang (Thái Bạch Chương): Thế võ này cũng lấy tên ngọn Thái Bạch xưa kia, tức “Bạch Đầu Sơn” ngày nay (tiếng Trung Hoa gọi là Trường Bạch Sơn), là ngọn núi hùng vĩ quanh năm tuyết phủ và cao nhất bán đảo Triều Tiên. 26 chiêu thức di động theo đồ hình chữ “công” của chiêu này cũng được tung ra chớp nhoáng và lướt nhanh theo các ngọn cước liên hoàn, nhắm vào các vị thế cao để biểu tượng sự oai hùng của ngọn núi.

20. Pyonwon Jang (Bình Nguyên Chương): Bình nguyên tượng trưng cho đất đai ruộng nương nên 25 động tác của thế này chú trọng nhiều vào các thế tấn để nói lên sự bền vững của mặt đất và những công lao của nhà nông trong công việc đồng áng khó nhọc.

21. Sipjin Jang (Thập Tiến Chương): Với 31 thế biến dạng theo đồ hình chữ “Thập”, thế võ này tượng trưng cho sự toàn vẹn trong nghĩa “thập toàn” nên được dùng như một thế căn bản dành cho trình độ của các bậc võ sư.

22. Jitae Jang (Địa Thái Chương): Chiêu này có 28 thức biến hóa theo đồ hình chữ “đinh”. Qua đó, tận dụng sức mạnh của những ngọn cước và thế đấm nhằm biểu hiện uy lực của vũ trụ kết hợp cùng sức sống mãnh liệt của con người trên mặt đất.

23. Chonkwon Jang (Thiên Quyền Chương): 27 động tác nhịp nhàng trên căn bản hình trụ tựa như hình những cánh chim bay của thế võ này để biểu hiện lòng tin của con người vào đấng thượng đế vô hình.

24. Hansoo Jang (Hàn Thủ Chương): Dựa theo đồ hình chữ “Thủy”, 27 thế của chiêu thức này tượng trưng cho ý nghĩa của nước vừa nhu vừa cương và sử dụng nhiều đòn tay.

25. Ilyeo Jang (Nhất Như Chương): Thế võ này là thế đặc biệt dựa theo đồ hình chữ “vạn” của nhà Phật để diễn đạt sự thống nhất trạng thái tinh thần thanh tịnh và thể chất nhẹ nhàng. Qua 25 động tác nhu nhuyễn, thế võ này còn đưa ra hình ảnh thanh thoát tự tại như là mục đích cuối cùng của đời sống con người muốn vươn lên những gì cao đẹp nhất. Và đó cũng là ý nghĩa tổng hợp của bài quyền cuối này.

***

Đồng dạng với các môn võ thuật khác, Taekwondo cũng được chia làm nhiều cấp bậc. Hơn nữa, các phân định đẳng cấp cuả hai trường phái ITF cùng WTF cũng có sự khác biệt.

Trong hệ phái của ITF có 18 bậc chia ra 10 cấp và 8 đẳng. Những võ sinh nhập môn sẽ mang cấp thấp nhất là cấp 10 rồi sau đó thi lên cấp để tiến dần đến cấp 1. Thời gian quy định cho mỗi kỳ thi lên cấp là từ 3 đến 6 tháng hoặc có thể nhiều hơn tùy theo mức độ tinh tiến của võ sinh. Sau khi vượt qua cấp 1, võ sinh sẽ được mang đai đen và cách khoảng 2 năm được thi lên đẳng 1 lần. Võ sinh mang đai đen được công nhận thăng đẳng đầu tiên gọi là “nhất đẳng huyền đai” và sẽ tiếp tục thi lên đẳng. Đẳng cấp cao nhất mà ITF công nhận là “cửu đẳng huyền đai” vì ở trình độ này được xem như đạt mức thượng thừa đủ khả năng trở thành trưởng môn của các võ đường.

Mặt khác, trường phái WTF chia làm 5 cấp bậc trình độ dựa vào thứ tự màu sắc của đai áo từ thấp lên cao là: đai trắng, đai vàng, đai xanh, đai đỏ và đai đen. Từ đai đen sẽ tiến lên đẳng với bậc cao nhất là “thập đẳng” được “Kukkiwon” (Quốc Kỷ Viện) tức cơ quan trực tiếp điều hành môn Teakwondo ở Đại Hàn quy định. Theo đó, hệ thống Kukkiwom này không nhìn nhận các võ sinh dưới 15 tuổi được thi lên đai đen dù có xuất sắc đến mấy.

Tuy là môn võ thuật chỉ mới chính thức trở thành môn thể thao tranh tài giành huy chương từ Thế Vận Hội Sydney 2000, nhưng hiện nay WTF đã có 166 quốc gia là thành viên của tổ chức này với số môn sinh theo học ngày càng tăng. Theo hình thức tranh tài ở các giải đấu thì Taekwondo được phân làm 8 loại đẳng cấp tùy theo sức nặng của các tuyển thủ nhưng tại Thế Vận Hội được đơn giản thành 4 loại và tùy từng loại mỗi quốc gia chỉ được đưa ra tối đa 2 tuyển thủ cho bộ môn nam và nữ. Chính vì vậy mà tuy trước đây các tuyển thủ Đại Hàn thường chiếm ưu thế vô địch nhưng kể từ Thế Vận Hội Sydney 2000 trở đi những tuyển thủ của các quốc gia khác đã có nhiều cơ hội đoạt huy chương. Điều này chứng tỏ rằng môn Teakwondo ngày càng trở thành một môn thể thao được ưa thích trên toàn thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.