Hôm nay,  

Chuyện Nhỏ Hoa

14/09/200800:00:00(Xem: 8535)

Bữa lại nhà rủ nhỏ Hùng đi Sở Thú chơi đó, bốn đứa có chụp mấy tấm hình đễ "làm kỷ niệm những ngày xa nhau". Làm như đó là một thông lệ hay sao" mỗi lần vô là phải chụp hình vì những chỗ nào đẹp đẹp là có thợ chụp hình dạo mời cô mời anh mời chị chụp tấm hình làm kỷ niệm. Nhờ vậy bây giờ sau mấy chục năm mình mới còn hình, những tấm hình đã thoát qua khói lửa chiến tranh, đã vượt trùng dương qua tới đây với mình.

 

Trong hình, những khuôn mặt ngố ấy quí biết chừng nào.


Tấm hình bốn đứa, ba đứa bận áo dài trắng một đứa bận áo màu hồng, nắm tay nhau đi trên con đường lót sỏi trắng rào rạo dứơi chân, dàn hoa che nắng trên đầu, hoa gì" in là bông Giấy phải không", bây giờ coi lại thấy dễ thương làm sao! Con đường có hoa che trên đầu ấy nằm xéo xéo Viện Bảo Tàng trong Sở Thú Sài Gòn. Trước cửa Viện Bảo Tàng có mấy gốc cây cổ thụ, phần rễ dưới gốc cây nổi vòng lên là chỗ rất đẹp rất lạ để người ta ngồi lên chụp hình. Có mấy cái lư khổng lồ, bực thang đi xuống tay vịn nặn hình rồng úôn khúc chụp hình là hết xẩy. Trong Sở Thú chỗ nào cũng có nét đẹp riêng. Hồi tụi tui còn nhỏ, Ba thừơng đem đám con vô đó chơi và chụp hình cho nên mấy chị em tui có hình chụp ngồi một hàng trên rễ cây, đứng vịn cầu thang ôm đầu rồng, thay phiên nhau đội lư đồng, ngồi trên bãi cỏ và dĩ nhiên vào dịp Tết chụp trước chỗ nào có bông hoa tươi thắm rực rỡ, làm bộ ngó mông lung làm kiểu. Rồi qua  mấy cái hang nuôi kỳ đà cá sấu, ý a ý ẹ coi mấy con trăn rằn ri uốn éo trên cành trong lồng kiếng, hay đứng trứơc cái chuồng thú dữ mong ngóng con cọp con sư tử , loại thú nầy ít chịu ra ngoài, thường thừơng hay nằm ngáp vặt phía bên trong, hay lại mua mấy khúc mía cho voi quấn bỏ vô miệng nhai ngồm ngoàm, hay đứng trứơc chuồng khỉ chọc mấy con dã nhân, bị Ba la, chạy ra sân chơi tuột cầu tuột... hay đu đưa trên xích đu như mấy con khỉ.

 

 

Còn nhỏ đi với Ba là như vậy còn khi lớn lên đi với bạn thì khác. Mình hay vô đó choàng vai nhau thả bộ, chẳng màng chuyện coi thú vật, chỉ nắm tay đi vòng vòng vừa đi vừa tâm sự, thủ thỉ cho nhau nghe những ước mơ của mình.

 

-         “mộng của tao bình thường. Tao ước gì lớn lên có chồng được miễn dịch là yên phận. Tao khoái có cái nhà sân trứơc trồng bông, đủ thứ bông, sân sau trồng cây ăn trái, hạng nhứt phải có cây ổi chua, tụi bây lại tao cho hái ăn thả cửa, cây khế bông tím thơm lừng, cây đu đủ cho hên và có hai đứa con thôi”

 

-         “tao ráng học Anh Văn có đường xin du học”

 

-         “tao múôn làm ca sĩ, nếu hổng được thì làm văn sĩ”

 

-         “tao muốn có chồng sĩ quan bắt chồng con quỉ Hùng đi lính, kha kha kha...”

 

-         “mầy con nhà giàu học giỏi ráng du học đi, mua đồ gởi về cho tụi tao, nhứt là, nghe nói đồ lót ngoại quốc đẹp lắm. Mầy ráng thành bác sĩ đi, nghề nầy ít đàn bà mầy có đường lắm. Tao học dở ẹc dở thấy mồ má tao nói học dở vậy cần có chồng để nương tựa. Má tao dạy tao nấu ăn, má nói nấu ăn ngon được chồng thương gia đình có hạnh phúc, sanh vài đứa con...”

 

-         “Ai lấy mầy có phước, tao thấy mầy có khiếu làm mọi cho chồng con còn con quỉ nầy muốn làm ca sĩ mà mầy cù lần quá làm sao nổi nỗi mậy" múôn làm ca sĩ mầy phải lanh lanh một chút chớ còn muốn làm văn sĩ thì phải viết cho nhiều vào, tao có bao giờ thấy mầy viết cái giống gì đâu mà mơ làm văn sĩ, bà nội"””

 

Bây giờ ngó lại, mấy ai đạt được ước mơ"

 

Nhìn trong tấm hình màu vàng úa, bốn đưá con gái mắt còn xanh môi còn tươi tâm hồn còn trong trắng, tuy đã có lúc mơ màng tưởng nhớ tới người con trai nào đó.. . trái tim biết rung động...

 

Nắm tay đi hàng tư, nhỏ Hùng nhỏ Hoa tới tui, còn con nhỏ đi bên tay mặt của tui trong hình, tên nó là gì"" " Trời đất! quên mất tiêu!

Suy nghĩ nát óc. Ráng kéo hết cả đống tế bào nhớ ra mà truy, cũng hông thể nào nhớ nỗi tên của nó.


Trời Phật ơi, thiệt là khổ, thiệt là tức hết sức cho cái tuổi gần quên của mình.


Bộ mình già tới độ, hông nhớ nỗi tên của con nhỏ bạn nầy!


Thiệt tình! Nó cũng phải là đứa bạn đủ thân, đủ thân đễ mà nắm tay nhau đi chơi như vậy, mà sao nội một cái tên cũng không thể nào nhớ nỗi"


Có đáng buồn hông!


Nó có thân hình rất là mãnh khảnh, giờ đó mà còn chưa có ngực, xẹp lép như con trai, cao, tóc dày, bởi vậy nó sợcuộc đời sẽ khổ vì nghe ngừơi ta nói đứa nào tóc thưa thì sướng tóc dầy thì khổ, miệng hay cười mim mỉm, đôi mắt  to ngơ ngác, tròng trắng thiệt trắng, tròng đen thiệt đen, hai mí thiệt rõ, lớn lên chắc thành tuyệt thế giai nhân.
Nó có một giọng nói khào khào đặc biệt, nhưng ít nói lắm.


Thôi thì, cầu mong cho nó có được một cuộc đời bình yên.


Không chừng một ngày nào đó, tự dưng mình nhớ lại tên của nó, rồi thì, những chuyện gì xung quanh nó, lại hiện ra, chừng đó mình sẽ viết về nó, cũng không muộn.


Nhỏ Hùng, bây giờ có lẽ cũng bà nội bà ngoại gì rồi hén". Con “Xưng’ nầy, "con quỉ nhăn" nầy (đó là thêm một biệt hiệu nữa lúc lớn lớn, tụi nó đặt vì tui hay nhăn mày nhíu mặt), đã có năm cháu nội rồi và sắp có thêm một đứa nữa, cuối năm nay.


Ôiii, các bạn ôi, bạn của tôi ơi, bạn đâu rồi"

 

 

Bây giờ, hãy nhớ về nhỏ Hoa......


Nhìn hình mà rưng rưng nước mắt...

 

Hình chụp hai đứa trứơc bụi cây, dựa lưng nhau, tà áo dài phủ xuống cỏ, chắc phải xanh lắm, tuy hình đen trắng nhưng có dạng mấy đám mây, rõ ràng hôm đó trời trong xanh mây trắng bay dật dờ.


Hoa, mầy có chồng hông vậy"


Lần sau cùng gặp lại nó là cuối năm Mậu Thân, nó đang làm sở Mỹ, chưa có chồng, mặc dầu lúc đó tui thấy nó có nhiều thay đổi, đẹp quá, một vẻ đẹp rất u úât.

 

Nó có một chuyện tình u ẩn.


Khi mình còn nhỏ, những mối tình thơ ngây, nhiều lần thương mà hông dám nói, có cảm tình khơi khơi rồi thôi, đơn phương như mây bay qua, có khi ngừng lại chờ gió, có gió thì mây nương theo, bằng không thì, từ từ mà tan.

 

Hoa là con bác Ba Chà. Bây giờ hỏi lại Má tui, mới biết, Ba Chà đâu phải tên của bác. Người trong xóm kêu “anh Ba Chà” là vì bác thứ ba còn tên Chà là vì, bác lai Ấn Độ hay lai Chà Châu Giang" cũng hổng  rõ, người trong xóm cứ theo hình dung hay tánh tình mà đặt tên, như anh Tư thợ may, chị Hai bánh tét, ông Tàu xưng xáo, chú Năm say, chị Nguyệt Điệu... khỏi cần phải nấu chè xôi, cứ tự nhiên mà đặt tên ngang xương vậy đó, riết rồi thành danh luôn làm tui lúc đó tưởng bác thứ ba tên Chà.


Bác ba Chà người cao lớn, vóc dáng nầy đối với người Việt mình thì được cho là "cốt xì tô", mái tóc đen tuyền quăn lọn lớn dài dài phủ ót, nhìn kỹ thì y chang tài tử Ramarao trong mấy cuốn phim thần thoại ca vũ nhạc Ấn Độ, tiếng nói rổn rảng, cười đùa khơi khơi, có nhiều mèo và rất ... dữ!


Trừ Ba tui ra, sao thấy Ba của mấy đứa bạn, ông nào cũng dữ quá hà. Mà quên, vào thời học sinh sinh viên ủng hộ Phật Giáo ùa nhau xúông đường chống chính phủ, có một lần tui cũng bị Ba tui xáng cho một bộp tay nháng lửa vì cái tội dám tụ họp biểu tình  làm "đêm không ngủ" chớ phải chơi đâu. Nhờ cái bạt tay đó và thêm cái chết của nữ sinh Quách Thị Trang mà tui hết dám tụ tập hội họp gì hết. (chuyện nầy sẽ kể sau)


Vậy thì, nói tóm lại, những người Cha, người nào cũng ... dữ!


Nhưng Ba tui đánh con mà ứa nước mắt. Đánh rồi Ba mới “cắt nghĩa cho con nghe”, Ba sợ con gái Ba bị bắt thì có Trời cứu! vì Ba biết có những chuyện "bên lề" xảy ra.


Lúc đó tui cũng chẵng để ý gì về nghề nghiệp của người lớn, rất tiếc, chỉ nhớ là bác Ba Chà chuyên môn vựa cua bên chợ. Điểm đặc biệt của bác là chiều chiều hay thấy bác xách một xâu... cua bự về nhà. Đi ngang nhà tui bác hay cừơi cừơi khà khà khàaaà.


Hoa là con gái lớn nhứt, vài đứa em gái, một đứa về sau đi theo gánh hát cải lương, vợ của một nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà Hoa rất giàu. Bên chợ có vựa mua sỉ bán sỉ, nhà là một căn phố lầu . Nghe đồn Ba nó có nhà riêng cho “con đ... ngựa” (lời của bác Ba gái) nữa đó mà mình hông được phép nói.

 

Cái hẻm nầy, ngay sau lưng hãng làm thuốc lá Basto, lại được chia ra nhiều khu. Nhà giàu lầu đúc có sân thượng lót gạch bông, cửa sắt; nhà vừa vừa vách ván mái tôn sàn xi măng hay đất nện; nhà chòi lụp xụp mái lá, vá bằng đủ mọi thứ để che nắng đụt mưa.


Khu nhà giàu là hai dãy phố rất khang trang, có chiều dài, đâu mặt nhau, mỗi bên in là mười căn. Nhà Hoa trong khu đó.


Nhà Hoa có người làm, chị Năm, lúc đó chị cở trên hai chục tuổi, mới hơn hai chục sao thấy chị già quá. Lần nào đi ngang nhà nó cũng thấy chị hì hục cầm giẻ lau nhà.


Tuy ở chung xóm nhưng làm như có đường ranh chia cách, nhà nó là căn phố hai từng lầu, nhà tui thuộc bên khu nhà tôn vách ván nên, tui chỉ vô nhà nó đâu có ... hai ba lần.

 

Nhớ lần đó lại nhà nó để làm gì hổng biết mà nó dắt tui đi tuốt vô bếp, ngồi lên cái bộ ngựa, dà chuyện.


Tui ngồi ngó vô bếp còn nó thì xây mặt ra ngoài cửa. Trong lúc dà chuyện, một hồi lâu tui mới để ý thấy tại sao mà vừa nói chuyện với tui nó vừa ngóng ngóng ra ngoài đường. Một hơi nghi ngờ quá chịu hông nỗi tui mới hỏi:


- Làm giống gì mà mầy cứ nhóng nhóng ra ngoài đường hoài vậy mậy"


Thì nó trả lời, mặt mày hơi hơi sượng sượng:


- Có làm gì đâu mậy.


Hổng tin, lần sau khi thấy nó vừa liếc ra đường thì tui xây qua cái rột, bắt gặp rõ ràng, khám phá ra tức khắc, nó ngó ai.!


Tui cười cười trong khi nó đỏ hết mặt mày.


Ngang nhà của Hoa là nhà của Hiệp.

 

...

 


Nhà Hiệp đâu mặt nhà Hoa. Từ bên nầy dòm tuốt luốt tới trong bếp nhà bên kia. Cha chả, phải vô nhà Hoa mới thấy cái "lợi thế" của hai anh chị nầy.


Đã đời liếc nhau! nãy giờ nó ngóng trai chớ ai.

 

Hiệp là một "chàng" rất đẹp trai, in là lớn hơn đám tụi tui một tuổi, đang học trường Petrus Ký. Y ta nghiêm lắm. Trừ giờ đi học, không bao giờ thấy mặt anh chàng ló ra khỏi cửa. Nghiêm cũng một cở với anh chàng Thiệu mà tui sẽ có chuyện nói về anh sau nầy. Mấy con nhỏ trong xóm nói là "thằng đó xấc thấy bà. Ỷ học trường công nên xấc!"


Hồi đó dân học trường công và trường tư hay "tự nhiên mà kỵ" với nhau.


Vì nhà tui ngay góc hẻm nên ai muốn ra ngõ cũng đi ngang nhà tui thành ra có khi đụng mặt thì... khi chào khi không hà.


Anh chàng rất ư là tươm tất. Đi học thì áo sơ mi trắng, quần xanh dương đậm, tay xách cặp táp coi có vẻ vừa thư sinh vừa gia giáo.

Tui với nhỏ Hoa và Hùng, tuy học trường tư mà cũng diện áo dài trắng cho nên cũng được người trong xóm thương, khi mua cóc ổi của Bà Hai ngoài sạp đầu đường thường đựơc bà vừa bán rẻ vừa cho thêm. Nhắc tới bà Hai tui nhớ bà quá.

Nhớ tới Bà Hai mà thương. Bây giờ suy nghĩ, bà bán hàng như vậy ngày giỏi lắm là đủ đong lon gạo, mua khứa cá, bó rau mà ăn cả ngày!. Gặp ngày ế thì có lẻ bà húp cháo.


Vậy mà trừ khi bịnh liệt giường liệt chiếu, có khi nào mà vắng bóng dáng của bà, ngồi trên cái sạp, vừa bổ cau têm trầu vừa bán hàng cho trẻ con và người lớn và kiêm luôn chuyện la rầy đứa nào mới bây nhiêu đó mà bày đặt tụ tập trai gái hư thân mất nết.


Bà có con gái làm công chức đàng hoàng chớ mà đâu chịu nhờ. Bà nói hổng thích con cháu phải lo cho bà.


Thiệt là một cái gương tự lập.


Tui lại lan man lạc đề rồi.

Trở lại chuyện nhỏ Hoa.


Nó cảm chàng Hiệp hồi nào ai mà hay. Nhỏ nầy kín thiệt. Tui hơi giận, tra vấn:


- Ê, Hoa. Khai thiệt đi mầy. Chuyện tới đâu rồi"


Hoa cười lỏn lẻn, lí nhí trong họng:


- Thôi mầy. Nhiều chuyện. Có gì đâu mà khai. Tao quen với Hiệp cũng như mầy quen, tình hàng xóm mờ.


Tui nào có tin dễ vậy, nào có tha nó nhẹ nhàng vậy. Tui khựi:
- Hèn chi bữa hổm đi học, tự dưng mầy thụt lại đằng sau, tao đi một đổi nói chuyện với ma, xây lại thì thoáng thấy Hiệp quẹo cua một cái cụp! Ạaạa.... tao nhớ rồi. Đúng rồi. Tao nhớ mầy dấu dấu cái gì vô cặp... ạaạa... tao biết rồi. Chàng gởỉ thơ tình cho mầy phải hông" Khai thiệt đi mầy. Tao hổng có méc đâu mà sợ.

 

Hoa buồn buồn, thở ra. Quên nữa, nhỏ nầy chuyên môn thở ra. Đang nói chuyện hay gì gì , tự dưng nó thở ra một hơi dài, nhẹ.

 

Má tui nói ai mà ưa thở ra thì cuộc đời sẽ buồn lắm.

 

Chắc vậy rồi vì nhỏ Hoa hay buồn vẩn vơ.

 

(còn tiếp)

Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.