Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (Tiếp Theo)

25/08/200800:00:00(Xem: 2941)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Một vài tiếng cười rúc rích khi nghe anh Páng phát biểu. Tôi cũng thấy tức cười rung rung trong bụng, không phải vì nội dung lời phát biểu của anh, nhưng là cử chỉ, thái độ tức bực, phẫn nộ của anh. Tuy ai cũng cảm thấy là anh đã nói thật.

Còn một người có ý kiến nữa là anh Lương Yên. Người quét dọn vỏ bào, làm vệ sinh ngoài lán thủ công của toán. Tuy anh chỉ khoảng 45, 46 tuổi, nhưng mồm anh chỉ còn vài cái răng, nên má hóp vào thành móm sều. Anh đề nghị mọi người trong toán khi lao động ở ngoài lán thủ công hãy tiết kiệm nước uống. Các cán bộ vũ trang, từ nay chỉ dẫn anh vào giếng trại lấy nước có một lần vào tiết lao động sáng. Bởi vậy, chỉ có một gánh nước nên buổi sáng một thùng và chiều một thùng, thay vì hai gánh sáng, chiều như trước đây.

Vì không có đài nên lúc này cũng chả biết là mấy giờ. Nhìn qua khe cửa sổ ra bên ngoài, trời đen kịt một mầu. Tuy ngồi trong buồng, cạnh bao nhiêu người mà tôi vẫn lạnh run. Nhiều người đã ra chiều mệt mỏi, ít nhất cũng đã gần 3 tiếng đồng hồ rồi. Tư tưởng tôi đang bồng bềnh băn khoăn, vấn vít vào những tình huống của cảnh đời mới thì tiếng anh Lân dội lên:

- Cuối cùng, xin anh Bình phát biểu cảm tưởng sau một ngày đi lao động.

Không hề nghĩ là anh Lân muốn tôi phát biểu hôm nay, vì tôi có biết phát biểu gì đâu. Bất ngờ nên hơi khớp. Tuy vậy, sau vài giây lấy lại tinh thần, tôi chậm chạp nói:

- Thưa các anh, sau một ngày theo các anh đi lao động ở lán, nó cũng là ngày đầu tiên đi lao động trong cuộc đời cải tạo của tôi. Rồi tối nay lại được dự một buổi sinh hoạt chung với toán, cảm tưởng của tôi thì hơi nhiều, nhưng cảm tưởng nào cũng còn nhiều ngỡ ngàng chưa rõ, chưa chính xác. Có một điều rõ nhất là tôi được an lòng hơn so với khi chưa được nhập trại.

Anh Lân thấy tôi ngừng lời, anh quay sang phía anh Vân:

- Đề nghị anh thư ký đọc lại biên bản cho toàn toán nghe như thường lệ.

Phan Thanh Vân đọc lại biên bản chưa xong, thì kẻng cấm đã gióng giả từng tiếng một, lanh lảnh vang lên như khua đập vào óc. Trong buồng lại ồn ào như tan hát. Chỗ thì chen chúc nhau vào nhà cầu, chỗ thì túm tụm chung quanh những chiếc điếu cầy, trong khi Vân và Lân thì vội vàng ký vào những tờ biên bản.
Mười bốn: Cái "mánh" của tên trực trại

Hôm nay hơi đặc biệt. Kẻng cấm rồi mà đây đó, từ những chiếc điếu cầy đủ kiểu cứ thi nhau ré lên liên hồi như những chú dế cồ và những nàng dế đang thì gọi nhau, hẹn hò trao đổi ân tình trong đêm khuya.

Buổi sáng, cho tới khi tôi theo toán ra ngoài lán làm việc rồi mà lòng vẫn còn băn khoăn không dứt về một sự việc sáng hôm nay khi tên trực trại Cẩn vào buồng điểm tù. Điểm buồng xong, y dừng lại trước chỗ anh Phạm Tấn Tích đang ngồi, cất giọng Cao Bằng lây lứt:

- Hôm qua, anh Tích phát biểu hay và khá lắm!

Thoảng qua, nghe như một câu khen ngợi bình thường, nhưng đã làm cho cả buồng ngơ ngác, đờ đẫn, nhất là tôi. Óc tôi lướt nhanh, tổng hợp mọi hiện tượng và sự việc: Đêm qua, toán hai sinh hoạt từ 6 giờ đến 9 giờ, kẻng cấm. Bên ngoài trời mưa bay đầy hạt, gió lộng, lạnh thấu xương. Bao nhiêu câu hỏi cứ vấn vít, quẩn quanh trong đầu tôi: Chẳng lẽ y chịu lạnh, đứng rình nghe bên ngoài vách để theo dõi buổi sinh hoạt của toán" Hay có đường dây báo cáo nào của toán 2" Tại sao sáng sớm hôn nay vào điêm buồng, y cố ý nói cho toàn buồng nghe để làm gì" Tại sao y lại chỉ rình nghe của toán 2 mà không ở các toán khác nữa" Hay có sự trùng hợp lúc Tích phát biểu thì y mới đến"

Thực ra, bất cứ buổi sinh hoạt của toán nào đều có ghi biên bản. Như vậy, ai phát biểu ra sao thì trong biên bản đã ghi rồi. Tại sao y còn vào rình nghe" Chỉ là một tên trực trại, tại sao y lại theo dõi về tư tưởng"

Theo như anh Đồng, lúc cùng ngồi ăn sắn sáng nay với tôi thì tư tưởng thuộc về cán bộ giáo dục. Trực trại chỉ bao quát về nội quy. Trách nhiệm chính yếu của trực trại vẫn là nắm vững nhân số phạm nhân toàn trại, từng buồng và từng toán.

Quá nhiều câu hỏi mà chưa có lời giải đáp thoả đáng. Trong lúc làm việc với Lê Sơn, tôi đã lựa lời, lựa lúc hỏi Sơn thì được biết thêm: Hồi trước, ban đêm tên Cẩn thường hay vào trại đi bên ngoài các buồng để rình nghe như vậy.

Lấy điểm này "cọ sát" với điểm kia, loại bỏ những vô lý hoặc mâu thuẫn thì chỉ có thể như sau: Dù ở khía cạnh nào thì tên Cẩn cũng là một tên cán bộ mẫn cán. Phục vụ và tin theo hết lòng cái chế độ mà y đang làm việc. Thứ hai là y chỉ muốn cái tài, cái uy riêng của y với tù. Để thực hiện cái ý trên, thỉnh thoảng y bỏ công, bất ngờ vào rình, dò xét một vài sự việc. Rồi từ những sự việc y đã biết rõ, lấy đó làm ông "ba bị" để hù mọi người tù. Tưởng như làm cho mọi người tù đều nghĩ và tin rằng, y có nhiều tai mắt ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Ai làm cái gì, nói gì y điều biết.

Nếu y tưởng như vậy là y đã lầm. Mà y lầm thì cũng không có gì lạ. Bởi vì với mớ kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm đóng hẹp trong cái nhãn quan truyền thống giòng tộc của y. Đối với bên ngoài, y tưởng mình đang đứng ở vị thế cao nhất. Hơn nữa, trong lòng y lại đang dạt dào, say mê tin tưởng tự hào, đang phục vụ cho, hoặc y cũng tự cho mình là một nhân tố trong cái đảng "vĩ đại, uyên bác cao siêu nhất" của loài người.

Thực ra, với chủ trương ấy, y cũng là một con "ngáo ộp" đối với một số người kém hiểu biết hoặc lười suy nghĩ. Chứ không thể có tác dụng với những người như anh Phạm Tấn Tích chẳng hạn. Khi anh phát biểu, anh dư biết, có người ghi biên bản thì cả cái ban nghiên cứu của giám thị sẽ đều biết. Bởi thế, bất cứ ai đừng rình nghe hay theo dõi thì có nhằm nhè gì với anh.

Buổi trưa, lúc ngồi ăn cơm ở hội trường, tôi dõi mắt nhìn theo một bác người cũng thật to lớn như Lê Văn Kinh. Tay bác xách một cái bị bằng vải sô cũ, một tay cầm chiếc gậy đang rờ rẫm, chậm chạp đi trên hè buồng số 3 gần bếp, hướng ra sân chính của trại. Đầu óc tôi còn đang dập dồn về một người đã mất cả đôi mắt rồi mà vẫn chưa yên, thì thấp thoáng thấy màu áo vàng ở sân. À, một tên cán bộ tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Người y nhỏ con, da trắng trẻo, nếu không nói là có dáng dấp thư sinh, chừng tuổi 35. Y không đeo lon nên tôi không biết y ở cấp bực gì. Hai tay vắt chéo sau lưng, y chậm chạp thả bước nhàn du, lang thang trong trại. Thỉnh thoảng đầu y nghiêng ngó, nhìn phía này, phía kia hoặc gật gật mỗi khi gặp một anh tù lễ phép cúi đầu chào y. Thái độ y vừa lạnh lùng, vừa lơ đãng.

Nhìn y tôi cảm thấy y là một tên "tạch tạch sè" (tiểu tư sản) chứ không quê đặc một cục, như tên Chu Huy Cẩn. Tôi thấy cậu Toàn đang ngồi lúi húi vá chiếc áo choàng bằng dạ, màu cứt ngựa ở mãi trong góc nhà ăn. Hẳn chiếc áo đã được sinh ra từ thời Tây, vì đã đụp nhiều tầng. Lách qua mấy chiếc bàn, tôi đến bên, ra ý cho Toàn nhìn về tên cán bộ hãy còn đang lững thững gần cụm nứa phía dưới nhà ăn, tôi hỏi:
- Này ông cán bộ kia là ai đấy"

Toàn nhìn rồi quay lại ra vẻ hơi quan trọng, thì thầm:

- Đấy là ông Đức, Thiêu uý, trưởng ban giáo dục trại này đó!

Tôi chỉ trả lời hai tiếng "thảo nào" rồi tôi mang chiếc rổ và cái đĩa nhôm đi vào buồng. Vừa đi tôi vừa nghĩ, làm sao mấy ngày tới kiếm đâu được miếng vải khâu cái túi đựng bát, đĩa mới được.

Ngay buổi chiều, một chiều thứ Bảy không mưa rơi, sau khi đi lao động ở lán về, anh Lân đã phổ biến cho toán, sáng mai Chủ Nhật, toàn trại đi lạo động "xã hội chủ nghĩa". Mục đích là dọn dẹp, làm vệ sinh toàn trại để chuẩn bị ăn Tết.

Toán 2 là toán có tay nghề, nên được phân sửa sang, làm hai luống hoa dài trước buồng số một và số hai. Buổi tối, mới điểm danh xong, anh Lân đã vẫy tay gọi tôi sang chỗ anh. Chẳng hiểu vì nguyên cớ nào, tôi cảm thấy anh Lân dành cho tôi một sự gần gũi, thân thiện như đã quen biết nhau từ lâu. Anh mở choàng chiếc chăn anh đang ngồi khoác ra để tôi cùng ngồi vào, choàng chung một chiếc chăn ngồi nói chuyện cho ấm.

Phần do lòng thiện cảm, mến người của anh, phần khác vì những cái ngỡ ngàng của buổi ban đầu giữa một nơi còn nhiều cái tôi chưa biết, lại nhìn thấy bao nhiêu hiện tượng làm cho tôi chưa được yên lòng nên khi anh gọi, tôi vẫn đến với anh. Tôi nghĩ rằng, mình thân mật, thường chuyện trò với anh toán trưởng thì sẽ ít lo lắng cho những ngày sau. Vả lại, khi mới chuyển đến một môi trường mới, một vị trí mới trong cái mặt trận không dao không súng này, không gì bằng hãy tìm một chỗ nấp tốt, một chỗ đứng tương đối an toàn, để quan sát, nghe ngóng đã chứ. Cho nên, dù có thân mật, chuyện trò với ai thì tôi vẫn chả hề thổ lộ hoặc nói một điều gì ngược lại với xu hướng tiến bộ chung hiện nay.

Khi anh biết tôi chỉ là một học sinh trong Nam, chưa vợ con gì, anh càng trêu đùa và cứ gọi tôi bằng "mày" xưng "tao". Lúc này tôi cũng đã biết nhiều anh em gọi lén anh là "Lân lợn", có lẽ vì con người sồ sề của anh. Ngay buổi tối đó, qua anh Lân, tôi được rõ về lao động "xã hội chủ nghĩa" vào buổi sáng Chủ Nhật. Cứ một Chủ Nhật đi làm thì một Chủ Nhật được nghỉ. Như vậy mỗi tháng có 4 tuần thì 2 tuần phải mất đi buổi sáng Chủ Nhật.

Một tuần lễ có 7 ngày, thì đi lao động 6 ngày rưỡi. Lao động thì cực nhọc như trâu bò. Dù bất cứ ở ngoài đồng, trong rừng hay trong lán đều phải dốc hết sức mình ra làm việc. Còn tất cả những chuyện như quần áo dơ dáy, mủn rách phải đụp vá, phải giặt giũ, tắm rửa, với bao nhiêu việc khác nữa cho một cá nhân mà chỉ có nửa ngày còn lại. Con người bị coi như một cái máy. Bắt máy chạy liên tục mà chỉ đổ rất ít dầu, lại chỉ là dầu cặn, dầu thô như lời anh Khải đã phát biểu.

Đêm hôm ấy, lòng tôi cứ ngổn ngang với bao nhiêu khắc khoải cho cảnh đời trước mặt, nhất là lại nghe tin anh Khâm nào đó mà tôi chưa hề biết mặt, mắc bệnh lao của toán 2 đã chết ngay trong đêm ấy. Thế là toán 2 cũng chưa kịp cử người đến thăm hỏi anh như đề nghị của bác Chánh trong buổi sinh hoạt tối hôm qua.

Mấy đêm nay, đêm nào giấc ngủ cũng không yên, tôi cứ thấp thỏm trằn trọc mệt mỏi rã rời cả thể xác lẫn tinh thần, rồi chìm dần vào cơn ngủ muộn xen lẫn những tiếng thở dài.

Sáng hôm nay tôi đã mở mắt rồi mà chưa thấy kẻng báo thức. Liếc nhìn đây đó trong buồng, vẫn màn mắc vây kín mít. Không chịu được mãi nỗi băn khoăn trong lòng, tôi cố liếc nhìn qua khe hở của tấm vách liếp. Bên ngoài, trời đã hơi mờ mờ sáng, rõ ràng đã muộn hơn mọi khi. Tôi nghiêng người nhìn qua màn Vân. Thấy dáng Vân vẫn nằm dài, không biết thức hay ngủ. Tôi còn đang nhấp nhổm chưa yên thì hình như Vân cũng đã đoán được nỗi bần thần của tôi. Khi thấy tôi cứ xoay trở lục đục, Vân nhỏ nhẹ như tiếng gió:
- Cứ ngủ nữa đi. Chủ nhật, sáu giờ ba mươi mới kẻng báo thức.

À ra thế! Bụng tôi nghĩ vậy, rồi tôi mơ màng để hồn lãng đãng cho thân xác bập bềnh chìm nổi trong giấc ngủ tiếp chập chờn. Hồn tôi đang lơ lửng với gió mây thì tiếng kẻng đã khua vang núi đồi. Những chiếc máy người lại bắt đầu khởi động cho công việc một ngày.

Qua những lúc trò chuyện ngắn ngủi với Vân, mãi đến hôm nay tôi mới biết Vân không hút thuốc lào. Mặc dù những năm trước đây, anh đã hút khi mới bị bắt. Bây giờ anh đang cố xoay xở, móc nối với những anh tự giác cuả toán rau, để mua được những lá thuốc khô, một loại thuốc lá, khác với cây thuốc lào, do chính họ "tranh thủ" trồng ngoài giờ, trong khu vực của toán họ. Vì không có công sức và thời gian chăm bón, nên mỗi anh chỉ trồng được vài chục cây. Do đó, khi các anh lén lút đưa thuốc vào trong trại, thì bán hơi đắt. Chỉ những ai có tiền nhiều mới mua hút được.

Như vậy, tôi đã hiểu về giờ giấc ngày Chủ Nhật lao động "xã hội chủ nghĩa". Sáu giờ ba mươi mới kẻng báo thức, bảy giờ ba mươi mới kẻng tập họp để tám giờ thì bắt tay vào lao động, đến mười hai giờ trưa mới nghỉ. Những điều ấy tôi chưa hỏi anh Lân tối hôm qua.

Khoảng bảy giờ, anh Lân, Vân và tôi ngồi nhai sắn sáng, trên chiếc chiếu con trải trên hè nhà, ngay cạnh cửa ra vào. Trời sáng nay không một vẩn mây, tuy thỉnh thoảng những đợt gió mùa Đông Bắc vẫn ào ào, luồn cái rét ngọt vào cơ thể mọi người. Nhưng ai cũng cảm thấy dễ chịu hơn là có thêm mưa. Bởi vậy, trên hè, tuy bằng đất nện, nhưng khô ráo sạch sẽ nên cũng lố nhố nhiều người. Cả toán ba lẫn toán hai đang nhồm nhoàm nhai những củ sắn để chờ giờ đi lao động.

Từ dưới sân chính phía nhà bếp, thoáng thấy bóng tên trực tại đi lên. Khi tới ngang buồng hai, y ngoặt vào, bước lên hè, làm nhiều người râm ran lên tiếng:

- Chào cán bộ ạ!

Y bước vào trong buồng một mình, nên anh Lân buồng trưởng phải đứng lên vào theo. Bên ngoài này, tôi và nhiều người đều nghĩ, y lại sắp đem ai đi cùm, nên những chiếc mồm đang nhai sắn đều ngập ngừng, lắng nghe chờ đợi.

Một lúc sau, từ trong buồng, y trở ra tới cửa. Tôi và Vân vẫn cúi đầu chậm chạp, ngoạm nốt suất sắn sáng đang ăn dở. Thoáng bóng một bàn chân dép râu với chiếc quần màu vàng, vừa để lên bậu cửa buồng, chếch ngay phía sau lưng tôi. Như vậy, y đang đứng nhìn Vân và tôi. Một giây sau, y cất tiếng hỏi đột ngột:
- Anh Bình, đêm qua anh nói mơ hay nói thật" Anh nói gì anh còn nhớ không"

Tôi quay lại, vì hơi bất ngờ nên làm tôi cũng hơi ngỡ ngàng. Tuy thế, chợt nhớ tới sự việc của y với anh Phạm Tấn Tích sáng hôm qua, nên tôi đã bình thản hỏi lại y:

- Thưa ông, tôi đã nói mơ gì ạ"

Một vài giây y ngập ngừng, trong khi có nhiều bộ mặt chung quanh, kể cả anh Lân, đang lo lắng nhìn tôi. Hơi xừng xộ, y lớn tiếng:

- Anh thường nghĩ về cái gì, thì anh nói cái đó!

Hơi nhếch mép nhưng không cười, tôi trả lời:

- Nếu vậy, hẳn rằng tôi lại nói về cái ăn rồi. Vì suốt ngày, lúc nào tôi cũng chỉ đến cái ăn mà thôi.

Hơi nặng chân, y bước hẳn ra ngoài, xuống sân. Ngoay ngoảy đi về hướng nhà bếp, hẳn rằng trong lòng y đang mang một nỗi hậm hực. Tôi nghĩ thầm: Thật là may, câu trả lời của y đã mở cho tôi một lối thoát để trả lời. Bởi vì, tuy từ nhỏ tới giờ tôi chưa hề bao giờ nghe thấy ai bảo tôi ngủ nói mơ. Dù rằng tôi thường nằm chung với nhiều người khi còn ở trại sinh Phú Thọ cũng như trong tù hiện nay. Song le ai dám chắc chắn khẳng định hiện nay và sau này mình không bao giờ nói mơ, nói sảng" Chứ còn ngủ mơ thì ai mà chả có. Nếu không thì làm sao lại có câu ca dao: "Đố ai nằm ngủ không mơ".

Y đã đi rồi, cũng chẳng một ai hỏi han tôi về sự việc này, kể cả anh Lân và Vân ngồi ngay cạnh tôi. Đưa mắt nhìn lên mấy tảng mây trắng đang lửng lờ bay, tôi nói một câu trống không:

- Hôm nay trời rét ngọt!

Mười Lăm: Lao động ngày Chủ Nhật

Hai con chim cánh thật trắng từ hướng Nam đang soải cánh chống với gió ngược, lao về phía Bắc xa vời. Mấy ngọn nứa già phía cuối hội trường đang nghiêng ngả, rũ rượi, gật gù như cảm thông với nỗi đắng niềm cay cuả kiếp người. Mươi chiếc lá khô từ mãi phía góc nhà kỷ luật, quyện đuổi theo nhau chạy đến gần buồng số 2 rồi cuộn xoay lại, quay tít.

Lần lượt nhiều người đứng dậy, cuộn chiếu vào trong buồng. Không bảo nhau, nhưng hình như cùng cảm thấy cái rã rời nằng nặng của cõi lòng ứa ra, rải khắp đâu đây. Cả Lân, Vân và tôi đều đứng dậy chậm chạp bước vào trong buồng.

Vào buồng chưa ngồi nóng chỗ thì phiá ngoài cửa đã có tiếng xôn xao. Thấy anh Lân chạy ra, tôi cũng bước theo. Ngay mé hè, anh Lý A Chén đã mang về một đống cuốc xẻng và một cái hòm dụng cụ đồ mộc với mấy cái cưa tay. Và kia rồi, từ phía dưới sân lớn của trại, có 3 anh của toán lâm sản đang è vai vác 3 bó nứa tươi to tướng, đốt thật dài. Màu nứa tươi xanh mát cả mắt, lần đầu tiên tôi thấy nên cứ nhìn mãi. Ở miền xuôi trước đây, tôi chỉ nhìn thấy nứa khô mà thôi. Tôi cứ luẩn quẩn, loanh quanh bên 3 bó nứa mãi, cho đến khi có một anh tù tự giác lễ mễ gánh đến một gánh gần hai chục túm những cây hoa con. Một niềm háo hức yêu hoa đã đẩy tôi rảo bước chạy lại. Những cây hoa nhỏ nhiều loại, với những cánh hoa nhiều mầu sặc sỡ làm nhiều người túm tụm vây đến.

Cây tô, cây nhỏ, cây đã có hoa, cây chưa ra nụ. Trong hàng chục loại hoa này tôi chỉ biết được mấy cây: Thược dược, mười giờ, cúc đại đóa và hoa hồng. Do nhiều các anh, các bác đang đứng chỉ chỏ bình phẩm, nên các "cô nàng" e ấp cứ cúi mặt che giấu thân thế, đành ngập ngừng khai rõ họ tên: Vọng ư thảo, vạn thiên kim, bách hợp, đinh tử hương, bóng nước, tóc tiên.... Cô nào cũng mơn mởn đào tơ, lả lướt chuẩn bị đón chuá Xuân sắp về.

Ngay từ khi còn dưới Hỏa Lò, Hà Nội, đã nhiều lần tôi băn khoăn tự hỏi: Tại sao trong chỗ thâm u, mờ mịt thê lương của ngục tù, chỉ có cùm, xích với những tiếng rên xiết, quằn quại, đắng cay thì người ta lại trồng nhiều hoa" Vì hoa là biểu tượng của hạnh phúc ấm êm, của ngọt bùi tươi sáng trong cuộc đời" Khi đó tôi đã tưởng, phải chăng đây chỉ là ý thích của tên Võ già, chánh giám thị của Hỏa Lò, người Miền Nam. Nhưng lúc này, một trại giam, hẻo lánh xa xôi nơi đây, cũng đang được lệnh trồng hoa. Như vậy, phải chăng đây là chính sách, là chủ trương của cục Lao Cải"

Lòng tôi còn đang bồng bềnh lẫn lộn giữa những hương sắc ngọt bùi, hạnh phúc của cuộc đời với những nỗi đắng cay tủi nhục, lầm than của kiếp tù, thì kẻng tập họp đã gióng lên đập tan nguồn suy nghĩ lãng đãng, vẩn vơ của tôi.

Chỉ nửa giờ sau, các tên cán bộ đã dặn dò, phân công với những anh toán trưởng từng toán. Tổ nào, toán nấy năng nổ, hùng hục làm việc khắp nơi, khắp chỗ trong trại. Chỗ cưa, chỗ đục, chỗ quét dọn râm ran tiếng chuyện trò, tiếng í ới gọi nhau. Tôi vừa kéo dây, cầm thước cho Đinh Sơn và anh Lân cắm cọc, phân luống trước nhà số 2 và 3, vừa nhìn cảnh huyên náo, tấp nập làm việc của mọi người, mọi toán. Một khí thế lao động như giục giã, thôi thúc người khác. Lòng tôi đang dâng lên một mối thẫn thờ hoang mang, xen nhiều nỗi ấm ức không hiểu được. Đói khát, khốn cùng, thương đau tràn lối mà mọi người vẫn hăng say, thi đua làm việc quên mình là vì sao"...

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.