Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (Tiếp Theo...)

14/07/200800:00:00(Xem: 3136)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Sau này tôi mới hiểu: một năm trại phát cho mỗi người 2 bộ quần áo. Phần vì sợi vải tạp không được bền, phần khác, lao động nặng nhọc quần quật với gió mưa, với mồ hôi, bùn đất nên chỉ 3-4 tháng là đã mục rách rồi. Cho nên ai cũng phải biết vá đụp cho lành nhất là vào những vụ Đông hàn. Cũng do khả năng và ý thích của mỗi người khác nhau, nên rất nhiều kiểu mũ, áo chằng đụp đủ mầu để che đầu, che tai.

Tôi đang ngẩn ngơ nhìn cảnh người chạy ngược xuôi vội vã trong nhà cũng như ngoài sân thì một bóng người mặc cái áo bông tã mầu nâu đất, to xù xụ. Chân anh đi dép râu dính đầy bùn, trèo lên sàn ngay cạnh tôi, để lấy 2 cái bát sắt to, tráng men mầu lá chuối non, cóc đã gặm nham nhở trên cái kệ phía trên đầu nằm. Tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy anh chột một mắt. A, à Phan Thanh Vân đây mà! Trung úy phi công C47, trong điệp vụ máy bay bị bắn rơi ở Cồn Thoi, Ninh Bình năm 1960. Cũng là lúc mắt anh mở to nhìn tôi không chớp, nhưng có lẽ những thúc hối của việc cơm nước nên anh chỉ nói vội vàng:

- Tối vào buồng chúng mình sẽ nói chuyện.

Rồi hấp tấp, anh mang 2 cái bát sắt chạy ra sân. Tuy anh đã đi rồi, mà tôi vẫn còn băn khoăn ngạc nhiên. Lục nhanh lại ký ức đầy hình ảnh xưa. Không! Chỉ có tôi mới biết về Vân, chứ Vân chưa hề biết về tôi. Do đấy, mai đây tôi sẽ phải làm sáng tỏ điều băn khoăn này của tôi.

Mãi lúc này mới thấy một anh chừng 40 tuổi, tay cầm một tập sổ sách vào buồng. Cởi chiếc mũ trùm tai, vất xuống chỗ sàn nằm ngay cạnh cửa ra vào, anh quay lại cười, chào tôi và niềm nở:

- Tôi là Lân, toán trưởng mà cũng là buồng trưởng. Anh có gì đựng cơm, canh đem ngay ra cho họ chia"

Lúng túng ra mặt, tôi làm gì có bát đĩa. Ngay lúc ấy, một anh ở sàn trên phía đối diện, cúi rạp người thò xuống một cái rổ con, bé như cái bát to:

- Tạm thời, cho anh mượn cái này để đựng cơm.

Chưa biết anh là ai, tôi chỉ biết giơ tay đón nhận tình anh và mỉm cười tỏ ý biết ơn. Anh Lân dẫn tôi ra sân, đến một chỗ túm tụm 9 -10 người đang đứng vây quanh 9 -10 cái vừa bát, rổ, rá con và một soong nhôm cơm ngô xay vàng ươm (hạt ngô xay vỡ thành nhiều miếng như tấm) đặt cả xuống nền sân đất. Một anh đang cầm cái môi con làm bằng một mảnh gáo dừa. Nhẹ nhàng, anh xúc từng môi cơm vào một cái bát nhôm, rồi đặt vào một cái cân do một anh đang cầm điều chỉnh. Cái cân thật đơn giản nhưng lại thật bén nhậy, chỉ vài hạt cơm hơn, kém đã thấy khác rồi. Nó chỉ là một chiếc que gỗ vót tròn, giùi 3 cái lỗ, khắc vài chỗ làm dấu nhất định, vài sợi dây và một hòn đá hay miếng gạch con là được rồi.

Khi anh Lân dẫn tôi đến nơi thì mấy người đều quay nhìn ra. Anh Lân quay lại cầm cái rổ ở tay tôi đặt xuống sân cạnh những bát khác. Tay anh chỉ vào con số viết bằng phấn ghi ở cạnh cái soong nhôm cơm:

- Anh Đồng, đây là anh Bình mới nhập trại, cùng ăn mâm của anh. Số soong ghi là 11 đấy!

Một vài anh quay lại mỉm cười với tôi như chào rồi lại tập trung mắt vào cái cân cơm. Bỗng một anh kêu tướng lên:

- Có chết cha người ta không chứ! Từ nãy, mình cứ đinh ninh 10 suất như mọi khi. Thấy soong cơm đầy, mình cứ lẩm nhẩm tạ ơn đảng, ơn bác mãi. Bây giờ thì xin rút!

Chỉ một mình anh nói, mọi người mặt vẫn lạnh lùng, không một ai hưởng ứng. Một vài ánh mắt rụt rè liếc về phía tôi. Anh Lân lại kéo tôi sang một đám bên cạnh cũng có 10 cái bát vừa nhôm, vừa sành đủ loại, Một soong nhôm canh, rau và nước đen sì, nhìn mãi mà tôi chưa hiểu là canh gì. Cho đến khi, một anh gắp từng miếng sau vào từng bát, tôi mới biết là lá rau cải bắp già. Nhưng không hiểu họ nấu với muối hay mắm gì mà lại có mầu đen. Anh Lân lại lên tiếng:

- Anh Bình đây chưa có bát đĩa, ai có tạm thời cho anh mượn bữa nay"

Một anh còn rất trẻ, chỉ chừng 20 hay 21 tuổi là cùng, quay lại vồn vã kéo tay tôi theo anh vào buồng. Anh trèo lên sàn trên, lấy cho tôi một cái rá con tý đã bục rách một bên cạp. Anh lục mãi trong bọc lôi ra một miếng ny lông xám đã cũ, nhẹ nhàng khéo tay, anh lót vừa vào chiếc rá để đựng canh. Tôi được biết tên anh là Toàn. Trong lúc trở ra chỗ chia canh, Toàn hỏi khẽ:

- Anh ở đâu đến"

- Hà Nội.

Toàn ghé gần vào tai tôi thì thầm:

- Em ở Thái về 1956.

Tôi đang định hỏi tiếp thì nhiều người ở phía mâm cơm đã hối hả giục:

- Mau lên còn vào buồng chứ!

Chương Năm: MỘT MẢNH ĐỜI TÙ

Sau khi đã đặt cái rá lót ny-lông xuống sân để lấy canh, tôi đưa mắt nhìn rãi ra chiếc sân trại dài. Đầy sân, lố nhố chừng mươi người một nhóm, ồn ào, xôn xao, như đang mổ bò lúc làng vào đám. Chợt có tiếng huỳnh huỵch, ầm ầm ở gần bụi nứa phía cuối hội trường, ngay dưới cái khẩu hiệu dài nền trắng, chữ đỏ choét: "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Một anh chừng 40 tuổi thấp lùn, và một anh chừng 30 tuổi gầy nhỏng. Cả hai đang trợn trừng mắt chồm vào nhau để thoi, trong khi tên trật tự Tân đang cầm cái roi, phải nói là cái gậy vì bằng một đoạn song dài đến một thước, đang chạy từ phía nhà bếp đến.

- Mày qua mắt anh em sao được. Đã nhiều lần rồi, mày cứ xúc cơm trên đã bốc hơi cân cho bát của mày. Cơm dưới hoặc vừng, tảng còn ướt thì mày cân cho người khác. Lưu manh, lưu manh chính trị!

Anh thấp lùn đang choi choi xỉa tay về phía anh gầy, hổn hển nói từng lời ngắt quãng. Anh gầy cũng chẳng vừa. Anh dề cái miệng, cong cái môi nhọn ra như môi con heo nái:

- Im mẹ cái mồm đi! Cứ làm ra cái vẻ trí thức, mồng 2/9 vừa qua đứa nào bưng soong thịt của toán từ nhà bếp lên, bốc thịt bỏ túi" Trí thức vét phân!

Tên Tân vừa chạy đến nơi, thấy không còn đánh nhau nữa. Dù vậy, có thể muốn chứng tỏ cái quyền uy của một người trật tự, y dứ dứ cái roi song về phía 2 người còn đang cãi nhau:

- Các anh là con người hay con vật" Miếng ăn mà cũng hục hặc đánh nhau!

Nghe tên Tân mắng 2 người, tôi liên tưởng tới thời gian y ở buồng số 4, xà lim II dưới Hỏa Lò Hà Nội, tới cái bánh chưng tới điếu thuốc. Một nỗi đầy vơi, khắc khoải với trò đời đen, trắng đang rỉ dần ra trong lòng tôi. Khi có những cảnh đời tốt đẹp, người ta thường dễ quên những ngày tối tăm, khổ đau của họ. Cảnh sôi động huyên náo như vậy mà chỉ 15 - 20 phút sau lại im phăng phắc, vì lúc này cơm, canh đã chia xong. Tùy theo chỗ dăm người, chỗ 3 người hoặc một mình, tìm một nơi riêng biệt để tận hưởng của ngọc thực ông trời đã ban cho loài người.

Một tay cầm chiếc rổ cơm, một tay cầm cái rá con đựng canh, tôi đang ngác ngơ, lúng túng để tìm một chỗ ngồi thì Toàn giơ tay vẫy vẫy tôi. Toàn đang ngồi ăn một mình trong một cái bàn khuất nẻo phía mấy tấm bảng đen trong nhà hội trường. Hội trường, hay cũng gọi là nhà ăn. Tuy có bàn ghế, nhưng trời mùa Đông, mới 5 giờ trong nhà đã mờ mờ tối nên đa số anh em thường trải những mảnh chiếu rách ngay ngoài sân ngồi ăn với nhau. Chỉ có một số người vì không có chiếu, hoặc thích ngồi trong bóng mờ để tìm cái thú vị trong cái ăn mới mò vào hội trường.

Tôi đã đặt cơm canh lên bàn. Tôi liếc nhìn đây đó tìm cách để ăn vì không có thìa, đũa thì Toàn đã moi trong chiếc túi con một cái cùi dìa bằng nhôm đã gãy cán, đưa cho tôi giọng niềm nở:

- Hãy dùng tạm cái này ăn rồi mai kia sẽ kiếm.

Tôi hơi xúc động đón nhận niềm dạt dào tình người của Toàn. Sau một vài câu chuyện thăm hỏi, Toàn lại ghé gần tai tôi vẻ thân tình:

- Anh Bình hãy dè dặt, thận trọng, ít ngày nữa anh sẽ hiểu.

Rồi Toàn thấp giọng nói như thì thào:

- Coi chừng Phan Thanh Vân nằm cạnh anh.

Tôi khẽ gật đầu và nhìn Toàn bằng ánh mắt đã hiểu ý. Ngay từ lúc mọi người đi lao động về, giữa biết bao nhiêu người tôi đã trông thấy hoặc đã gặp, có những ánh mắt nhìn tôi vừa như tò mò, soi mói, vừa như muốn làm quen. Nhưng hình như họ bị một áp lực chìm lẳn nào đó để rồi những ánh mắt ấy vừa chợt sáng, nụ cười vừa động đậy, đã rút lại ngay nghiêm nghị lạnh lùng. Qua những phút trao đổi của buổi mới gặp, tôi biết sơ qua là Toàn năm nay 23 tuổi. Lúc 9 - 10 tuổi, Toàn theo bố mẹ về nước. Vì có họ hàng thân nhân ở Hà Nội nên bố mẹ Toàn được nhà nước cho về sinh sống ở Ngọc Hà, vùng ngoại ô. Toàn đã đi học nhiều năm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Nhưng qua những năm tháng, dần dần đời sống của gia đình càng khó khăn khổ cực. Ngay ăn uống hàng ngày cũng bữa đói, bữa no nên Toàn càng chán nản không thể học hành được nữa. Hơn nữa cuộc bắn phá của máy bay Mỹ cũng càng ngày càng ác liệt.

Chiến tranh và cuộc sống đã giằng co, kéo đẩy để Toàn cùng một người bạn nữa cũng ở Thái Lan về, rủ nhau tìm cách vượt biên bằng đường bộ, qua Lào trở về Thái. Sau bao nhiêu khó khăn nguy hiểm, khi tới biên giới Lào Việt thì không may bị bắt. Người bạn kia phải đi trại giam khác. Riêng Toàn, bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội 6 tháng rồi đưa lên trại trung ương số I Lào Cai và được chuyển ngay về phân trại E này từ đầu 1965. Toàn cũng bị án lệnh tập trung cải tạo 3 năm, đến nay đã quá hạn hơn 6 tháng rồi. Giai đoạn này Toàn tỏ ra rất bất mãn.

Toàn thích tâm sự thì tôi ngồi vừa ăn vừa nghe, chứ trong lòng tôi cũng đang rối bời với bao nhiêu lắng lo cho những ngày tới của cuộc đời. Suất cơm ngô tuy chỉ khoảng 2 bát cơm ở gia đình nhưng sau khi ăn xong, mắt tôi mới nhìn cảnh vật được rõ ràng. Quá mệt và đói từ sáng sớm tới bây giờ! Mãi lúc này tôi mới để ý nhìn 2 bông hướng dương to như 2 cái bát chiết yêu ở ngay đầu luống trước cửa buồng tôi. Mắt tôi cứ đăm đăm hướng về những đóa hoa vàng tươi mơn mớn đang đong đưa nhún nhẩy dưới mưa bay căng phồng sức sống đương thì. Chập chờn tôi gửi hồn về miền xuôi Hà Thành lẩn quất với dáng hình ai buổi sáng sớm hôm nay,... thì một hồi kẻng rổn rang lên lanh lảnh làm rung rinh những ngọn nứa già đang lắc lư xào xạc với gió chiều.

Tiếng ồn ào lại réo lên như nồi cơm sôi già lửa. Mỗi người, mỗi nhóm tráng rửa qua thìa, đũa, bát bằng nước chứa trong những chiếc gầu tôn hoặc gỗ. Để kịp thời gian, ai cũng phải xuống chiếc giếng phía cuối nhà bếp lấy nước về trữ sẵn ngay từ lúc đang chia cơm. Tuy ai cũng ghé xuống chiếc rãnh giọt gianh cạnh hội trường để rửa. Dưới rảnh vẫn sạch trơn, chẳng hề có một hạt cơm hay cọng rau nào; cho nên vẫn không vi phạm điều nào trong 12 điều nếp sống văn hóa mới.

Sau hồi kẻng dứt là mọi người ở buồng nào vội vàng, đôn đáo vào buồng ấy; thứ tự ngồi hàng đôi. Theo quy định, người nằm sàn dưới ngồi phía trong, người nằm sàn trên thẳng chỗ, xuống ngồi phía ngoài. Mọi người đều ngồi xếp chân bằng tròng, thẳng lưng, hai tay để hai bên đầu gối; yên lặng, không một tiếng rì rầm.

Tên Tân xách chiếc đèn bão theo sau tên trung sĩ lúc sớm khám tư trang của tôi. Bây giờ tôi đã biết tên hắn là Cẩn, Chu Huy Cẩn, cán bộ trực của phân trại E. Y là người dân tộc thiểu số. Chẳng hiểu y có dính dáng gì với tên tướng Việt cộng Chu Huy Mân hay không" Một tay y cầm cuốn sổ điểm và chùm chìa khóa, một tay cầm cái bút. Khi tới trước cửa buồng, tên Tân đứng lại, tên Cẩn bước vào. Y thẳng đứng người, bước những bước đều nhau theo hướng phải. Mỗi bước chân là một đôi, y đi vòng chung quanh cái lối đi ở giữa nhà. Những lúc phải bước ngoặt sang phía trái hay phải, y đều xoay gót chân theo đúng tác phong quân sự.

Khi quành ra tới cửa, trong lúc y hý hoáy ký vào sổ trực, thì tên Tân đóng 2 cánh cửa lớn, khóa rồi chốt then ngang, bằng một súc cây bản 5 phân, 10 phân dài ngang qua cả hai cánh cửa.

Trong buồng, dù có một ngọn đèn bão thòng dây treo lủng lẳng ở giữa nhà nhưng ánh sáng chỉ mờ mờ, nhiều chỗ tối, chả nhìn rõ mặt người.

Chương Sáu: SINH HOẠT TỔ, TOÁN

Sau khi điểm xong, anh Vân quỳ lên (sàn trên, sàn dưới cách khoảng 1 mét 50 đứng lên không đủ) cứ lục đục sắp xếp quần áo với cái túi bát đĩa của anh trên cái kệ. Chiếc kệ gỗ làm dọc theo sát vách phía dưới của gầm sàn trên. Kệ đó ngay trên phía đầu nằm dùng để chăn màn, quần áo và những thứ vặt vãnh của mình. Mỗi người cũng được một khoảng dài 70 phân, bằng chiều rộng của chiếc chiếu mình đang trải nằm ở dưới sàn. Mãi một lúc lâu, Vân mới ngồi xuống, quay lại từ tốn. Giọng anh vẫn còn pha giọng miền Nam:

- Bình từ Hỏa Lò lên, đi cả ngày chắc mệt lắm"

- Lúc sớm, chứ bây giờ thì đã đỡ rồi!

Tôi vừa cười nhẹ, vừa trả lời. Để có "thượng phong" khi sớm Vân đã tỏ ra như đã biết rõ về tôi, tôi ghé sát gần Vân, hạ giọng:

- Vân chưa biết gì về tôi, chứ tôi đã biết về Vân hơi nhiều và…đã lâu.

Trong bóng tối mờ, một mắt của Vân mở to, long lanh đầy vẻ lắng lo lẫn ngạc nhiên. Anh hỏi hơi gấp:

- Anh biết về tôi thế nào"

Vân chưa nói hết câu, tôi đang được cái thích thú đã "trộ" ngược lại Vân thì anh Lân phía sàn bên kia, vừa kéo một điếu thuốc lào xong đứng ra giữa nhà nói to:

- Đề nghị các anh toán 2, hút thuốc rồi vào sinh hoạt tổ ngay để nghỉ sớm.

Tiếp theo đó, một anh có cái thân hình ngũ đoản. Đặc biệt có đôi môi dầy xám ngoét, cong tớn bọc lấy mấy chiếc răng cưa mốc thếch hô ra, to như những con nhộng tằm. Anh chừng 40 tuổi, tôi đã biết anh là Đinh Khắc Sản, do Toàn chỉ cho tôi khi còn ở ngoài sân. Anh ngồi từ trong sàn dưới phía cửa, thò đầu ra chỗ sáng nghểnh cổ, cao giọng nhưng vẫn khàn khàn như vướng đờm trong cổ:

- Tôi cũng đề nghị các anh toán 3 hút thuốc rồi ta sinh hoạt sớm.

Cả buồng lại ồn lên như một động cơ máy nổ lúc mới khơi động. Chỉ sau một, hai phút, các dáng hình đen thẫm tản mạn sàn trên, sàn dưới đã vón tồ lại từng cục rải rác khoảng cách đều nhau ở sàn dưới. Mỗi cục, tùy theo mươi hoặc mười lăm người là một tổ.

Từ lúc vào buồng tôi đã hơi có khái niệm: hiện nay tôi ở toán hai, là toán làm mộc thủ công do anh Lân làm toán trưởng. Toán này có 4 tổ gồm tất cả là 49 người. Toán 3 là toán xẻ gỗ do anh Đinh Khắc Sản làm toán trưởng. Anh có cái dáng dấp là một anh trương tuần ở nông thôn, mà tôi vừa nói đến ở trên. Tuy trong thực tế, trước đây anh là con một ông chánh tổng ở Phùng (Sơn Tây). Toán 3 chỉ có 2 tổ xẻ gỗ và một tổ rèn gồm 45 người. Toán xẻ này, động tác nghề nghiệp đơn giản, chỉ có kéo xẻ bằng tay, nên không phức tạp, rắc rối như bên toán làm mộc.

Như vậy, buồng số 2 (tức buồng ở giữa) tổng số là 95 người, kể cả tôi mới nhập. Do thế, toàn thể phân trại E tôi đã có thể dự đoán xấp xỉ trên dưới 300 người; sống âm thầm ở một nơi khuất nẻo sâu mãi trong rừng già.

Thì ra Phan Thanh Vân là tổ trưởng, tổ II của toán 2. Họ ngồi quây tròn, sinh hoạt ngay sát chỗ tôi. Riêng tôi, vì chưa được phân bổ về tổ nào nên đem mấy tờ nội quy, tiêu chuẩn cải tạo ra đọc. Thực ra tâm tư của tôi lúc này cũng đang bồng bềnh, chìm nổi với bao nỗi niềm ngược xuôi của một kiếp tù. Tôi chỉ muốn những phút vắng lặng, nằm yên hay ngồi trầm lắng để lần giở da diết cõi lòng. Vậy mà những lời phát biểu của cái tổ II ở bên cạnh cứ ngoáy, chọc vào lỗ tai của tôi.

Tiếng của Phan Thanh Vân reng rẻng cố ra vẻ nói tiếng Bắc nhưng nhiều chỗ vẫn te te, cà cà của miền Nam:

- Hôm nay tổ ta cũng sinh hoạt như thường nhật. Hiện nay, tổ mình có nhận của toán một kế hoạch nhỏ là hoàn thành 50 giường cá nhân, thời gian ấn định là 15 ngày. Nhưng trong đợt thi đua lập thành tích góp phần cùng cả nước chào mừng nhân dân ta anh hùng đã hạ 2000 máy bay của giặc Mỹ xâm lược. Tổ ta sẽ hạ quyết tâm, ra sức phấn đấu vượt chỉ tiêu 3 ngày. Như chúng ta đều hiểu: lao động là phản ảnh của tư tưởng. Muốn lao động tốt, đạt được hiệu quả cao thì phải có tư tưởng tốt. Vậy anh em hãy xoáy mạnh vào vấn đề tư tưởng trong buổi sinh hoạt hôm nay.

Vân đã phát biểu xong, miệng hãy còn tóm tém. Cục hầu ở cổ chạy lên, chạy xuống mấy cái, có lẽ nuốt nước bọt vì Vân vừa nói hơi dài. Một con mắt của Vân ngó nghiêng, chớp chớp như một bên mắt của con gà mái đang mắc đẻ. Anh lướt nhanh một vòng như thúc giục, cổ vũ trong tổ phát biểu ý kiến. Gần một phút chết, nặng nề với những nét mặt đăm đăm, đắn đo nhìn nhau như dọ dẫm, đợi chờ. Bỗng một anh giơ tay cao nói rất đanh:

- Tôi có ý kiến!

Trong bóng mờ, tôi nhớ không lầm, chính anh này lúc chiều chia cơm đã phát biểu "biết ơn đảng và bác". Vân, nét mặt đang nặng nề tươi lên roi rói:

- Hoan nghênh anh Khải, người nổ phát đầu hôm nay. Xin anh phát biểu!

- Tổ tiên mình đã dạy: "có thực mới vực được đạo". Tôi muốn một người làm việc bằng hai, bằng ba lắm. Nhưng nếu muốn cho cái máy nó chạy 10 giờ thì dầu phải đổ đủ 10 giờ, nếu chỉ đổ cho 6 giờ thì 4 giờ nữa máy làm sao chạy"

Môi anh Khải vừa dề xuống để ngắt câu, mắt ai cũng loáng sáng lên như ngọn đèn cạn dầu được đổ thêm. Chứng tỏ, ai cũng thấy sướng cái tai nghe anh Khải phát biểu như thế. Nhưng chỉ một thoáng rất nhanh, nét hân hoan như ánh đèn pin lướt qua trong đêm tối rồi tắt ngủm. Mắt họ lại sầm xuống lộ dần lên nét phản đối. Họ đều nhao nhao lên, 3 người giơ tay xin phát biểu ý kiến.

Mặt Vân cũng đã bốc máu hồng. Anh chỉ tay vào một bác có đôi tai to như ông địa, chỉ có khác là cái mặt quá dài và hai bên má hõm vào nên hàm răng càng vẩu ra:

- Mời bác Chánh phát biểu trước!

Ông Chánh hơi dướn người lên, liếc nhanh khắp lượt rồi quay về phía anh Khải, giọng miền Nam đặc sệt:

- Ngay từ đợt tổng kết cuối năm vừa qua, anh Khải đã nhiều lần phát ngôn bừa bãi. Cụ thể nhất, anh ta mới được tha kỷ luật ra mươi ngày trước đây. Nhưng anh vẫn chưa gột rửa được những tàn tích phong kiến trong bộ óc đã đen kịt, cáu rỉ của anh, nên anh nhìn sự việc chỉ một chiều, cục bộ. Trong khi cả nước mọi người như một vì miền Nam ruột thịt. Anh lại cũng không nhìn thấy bao nhiêu anh em đồng phạm khác làm và đã làm nhiều hơn anh mà không hề kêu đói. Họ vẫn hăng say lao động để tạo ra nhiều của cải vật chất cho trại. Trên quan điểm khắc phục mọi trở ngại khó khăn, họ xả thân thi đua trong phong trào "một người làm việc bằng hai" để góp phần cùng toàn dân đánh thắng tên đầu sỏ đế quốc Mỹ thì anh Khải vẫn lẩn quẩn trì trệ. Tôi thấy đây là chỗ khúc mắc tư tưởng của anh Khải, đề nghị tổ phải mổ xẻ để giúp đỡ anh.

Không khí tổ II căng lên. Trong khi các tổ khác cũng đang có nhiều anh phùng mang, trợn mắt; tay chân hất lên, hất xuống say sưa phát biểu. Tôi cố cúi xuống đọc bản "12 điều nếp sống văn hóa mới" mà tôi chả hiểu gì cả. Mặt chữ cứ hoa lên nhẩy chồm chồm vì bầu không khí ngột ngạt, đầy những tranh giành, cấu xé lọc lừa nhau trong buồng đã lôi cuốn hết tâm trí của tôi rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.