Hôm nay,  

Về Thăm Trại Tị Nạn Cũ: Nghe Các Chuyện Đau Lòng

08/10/200500:00:00(Xem: 9156)
LGT: Dưới đây là một phần trong loạt bài viết đặc biệt của nhà báo Lưu Dân (Tuần báo Dân Việt – Sydney, Australia) về chuyến đi thăm các trại tị nạn cũ ở Indonesia và Mã Lai trong tháng 8.
Khi gửi bài và chia sẻ với VB, nhà báo Lưu Dân ghi cụ thể bài đầy đủ nằm trên website Dân Việt http://www.danviet.com.au/news/wmview.php"ArtID=93.
Trong bài có nhiều chi tiết và hình ảnh đầy xúc động, như chuyện hồn ma trên đảo Galang, Miễu Ba Cô, Chùa và nhà thờ, tấm bia bị đục trống.... Lưu Dân trình bày như sau.
Trở lại Bidong – Galang 8.2005: Hồn ma trên đảo Galang
* Indonesia, dấu xưa còn nguyên đó
Đối với những người trở về lần đầu, trại tỵ nạn Galang bây giờ không phải là hình ảnh trong ký ức của họ lúc rời đảo. Con đường tráng nhựa phẳng phiu từ Batam, hòn đảo chính của đặc khu Riau và là trung tâm phát triển và đầu tư quy mô nhất của Nam Dương, qua những chiếc cầu thênh thang đến Galang đã rút ngắn thời gian cho bước chân của những người trở về. Trước đây, những thuyền nhân từ Galang được đưa đến Singapore trên đường đi định cư phải mất hơn một ngày bằng tàu lớn do Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) thuê bao. Trước đây, những người được phép sang hòn đảo Tanjung Pinang kế cận để mua bán hoặc thăm bệnh phải ở lại đêm mới có chuyến ghe khứ hồi. Bây giờ, chỉ sau chưa dầy một giờ trên chiếc xe bus tiện nghi, chúng tôi đã nhìn thấy cổng chào “Galang, memory of a tragic past” (Galang, ký ức của một quá khứ đau thương).
Mà đau thương thật. Vẫn là địa hình thiên nhiên đó nhưng cả đảo vắng hẳn những sinh hoạt nhộn nhịp của hàng chục ngàn người lưu lạc tạm cư ở đây hai, ba thập niên trước. Những mái nhà đơn sơ của vài trăm gia đình ngư dân địa phương trên đảo – trong đó có một số từng sống ở đây trong thời gian tiếp cư thuyền nhân từ Việt Nam – không gợi lên được khung cảnh thân quen cũ. Tuy được họ đón tiếp với tình cảm nồng hậu nhưng dường như linh hồn của Galang đã tàn phai theo thời gian. Thậm chí, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng như đang đứng trên một mảnh đất xa lạ dù nơi đây từng lưu dấu những kỷ niệm sâu đậm nhất trong đời họ.
Galang I, nơi ngày xưa tràn ngập âm thanh và hình ảnh của những đoàn người tỵ nạn đến và đi mỗi ngày, bây giờ không còn nhận diện được. Những dãy barrack chắc chắn nằm san sát nhau dọc theo con đường chính đã hoàn toàn biệt dạng và được thay thế bằng khoảnh rừng um tùm xanh ngắt. Đây đó, ở phía xa bên trong, một vài căn barracks hoang tàn siêu vẹo được rào lại để ghi dấu chứng tích một thời. Các địa điểm chính như Văn phòng Cao ủy, Ban điều hành trại, Trung tâm huấn nghệ, Tòa soạn báo Tự Do, Đạo quán Hướng Đạo, Đồi Nhà thờ, Bệnh viện ICM v.v.. chỉ còn trơ nền hoặc bị phủ lấp mất dấu dưới lớp cây cỏ vô tình.
Cầu tàu jetty, nơi chứng kiến hàng trăm cuộc đón tiếp mừng tủi và chia ly đau buồn của đoàn người ly hương, nhờ được xây dựng bằng bê-tông chắc chắn, vẫn còn gần như nguyên vẹn như nhân chứng kiên trì của một thời dâu biển. Bên cạnh đó, xưởng mộc, từng là nơi dạy nghề cho những thanh thiếu niên không thân nhân, chỉ còn khung sườn ọp ẹp với vài tấm tôn rỉ sét nằm mấp mé bờ nước rừng tràm. Đối diện với cầu tàu, ngọn gió vi vu trong những tàng cây già trên đồi tạm biệt – ngày xưa là bãi đất trống - như một bản nhạc chia tay không tên cho những mối tình chớm nở hoa nhưng chưa kết trái trên dặm đường viễn xứ...
Tại cầu tàu, chúng tôi được dẫn đi xem chiếc ghe huyền thoại của một chuyến vượt biển kinh hoàng. Nó vẫn còn cột neo bên cạnh một ngôi nhà sàn của dân địa phương, gỗ ván tuy đã nhuốm màu phong trần nhưng vẫn còn khá tốt dù bây giờ không thể nào liều lĩnh vượt đại dương như thời trai trẻ. Đó là chiếc TV-4050TS, đến đảo vào khoảng năm 1986-87 với vỏn vẹn 5 thuyền nhân sống sót. Họ được UNHCR lập tức cách ly và bảo vệ trong một khu riêng biệt sau khi nghe về chuyến hải hành quá sức thương tâm đó. Theo lời kể của một người cùng thời, chiếc ghe vật vờ trôi vào đảo sau hơn một tháng lênh đênh vì bão tố, hỏng máy, hải tặc và thiếu nước uống. Không ai biết chắc chắn đã có bao nhiêu hành khách trên chuyến vượt biển này nhưng khi đến nơi, trên ghe chỉ còn 5 bộ xương thoi thóp thở...
* Linh nghiệm trên đảo Galang
Tuy thời gian có xóa mờ nhiều dấu xưa nền cũ nhưng Galang được coi như một trại tỵ nạn được bảo trì và tân tạo tốt đẹp nhất trong số các địa điểm tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam ở Đông Nam Á. Dọc con đường từ cầu tàu đến Galang I và Galang II, cây cỏ được cắt xén gọn gàng, nhiều di tích được trùng tu và bảo quản tươm tất như Chùa Quan Âm, Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm, Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên và đặc biệt, Khu trưng bày Di tích Thuyền nhân... Dù vậy, mọi người tham dự chuyến đi đều mang một cảm giác trống vắng và rờn rợn khi đặt chân lên đảo.
Đêm trước ngày lên đường, tôi nhận được một cú điện thoại từ Singapore gọi về Úc của anh Trần Đông, trưởng ban tổ chức, về một hiện tượng lạ ở Galang: “Này ông nhà báo, hồn ma đang chuẩn bị đón tiếp chúng ta đó!” Tưởng là chuyện đùa, vì tôi biết anh và tôi đều không tin những chuyện hoang đường như vậy, nhưng khi được nghe chính cô Anne kể lại, gai ốc tôi tự nhiên nổi lên cùng mình. Cô nói khi đến Galang vài ngày trước để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của đoàn, người coi giữ phòng bảo tàng di tích thuyền nhân đã kể cho cô nghe về chiếc đánh máy chữ trong phòng tự động gõ mấy chữ “people coming” (có người trở về) trên trục quay phủ đầy bụi. Đó là chiếc máy chữ kiểu cũ, thời thập niên 1970 được dùng làm phương tiện dạy nghề cho thuyền nhân trên đảo, được giữ lại cùng với hàng trăm vật dụng khác trong phòng bảo tàng. Nét chữ rõ ràng trên chiếc trục quay mà không có dấu tay trên phím bấm khiến ông ta xác quyết những tiếng động lạ lùng trong phòng vào đêm trước là do kẻ khuất mặt tạo nên. Quả nhiên, hôm sau cô Anne đến và cho biết sẽ có một đoàn cựu thuyền nhân VN thứ nhì về thăm lại đảo.
Nhưng câu chuyện mà tôi tận mắt chứng kiến đã làm chấn động tâm tư và thay đổi suy nghĩ của mình về vấn đề siêu hình. Thật có một cảnh giới huyền bí khác bên ngoài – hay song song với – thế giới chúng ta đang sống hay không" Tôi chưa dám trả lời câu hỏi này nhưng cũng xin ghi lại đây câu chuyện đó.
Trong những ngày đầu của chuyến đi, tôi ở cùng phòng với một thanh niên tên Hiếu từ Melbourne. Người bạn trẻ này ở đảo Galang khi còn là một cậu bé mười mấy tuổi và đã tham dự với đoàn để tìm lại dấu vết “những ngày thơ ấu xưa” mà anh chỉ còn nhớ mang máng. Khi đi, anh được người quen nhờ một việc: tìm giúp ngôi mộ của một người thân.
Khi đoàn đến Galang III (tên gọi của chính thuyền nhân đặt cho Nghĩa trang Galang), anh cùng tôi lần lượt đi từng ngôi mộ để thắp nhang và tìm kiếm. Trong tiếng kinh cầu râm ran giữa ánh nắng trưa gay gắt của miền nhiệt đới, hai chúng tôi vuốt mồ hôi đầm đìa trên mặt và kiên nhẫn vạch cỏ, gạt đất, cắm nhang, tưới nước trên những phần mộ. Thời gian ít oi khiến chúng tôi không thể làm xong việc cho hơn 500 ngôi mộ tại đây. Khi tiếng loa gọi mọi người trở lại xe, anh bạn trẻ lâm râm khấn nguyện cầu xin hương hồn người quá cố dẫn đường: “Chú ơi, cô nhờ con tìm mộ của chú nhưng chưa thấy. Chú sống khôn thác thiêng xin chỉ đường cho con...”. Trong nỗi thất vọng, chúng tôi đốt nén nhang cuối cùng trên tay để cắm lên những phần mộ quanh đó như một cử chỉ giã biệt trước khi ra xe. Lọng cọng thế nào, người bạn trẻ đánh rơi chiếc bật lửa xuống đất. Nó chun lọt vào đám cỏ dầy khiến chúng tôi phải bươi lên tìm kiếm. Khi nhìn thấy nó, bàn tay người bạn trẻ cũng vừa chạm một tấm bia trên đó ghi rõ tên tuổi của người mà anh muốn tìm. Giữa buổi trưa nắng gắt, hai chúng tôi bỗng rùng mình lạnh ngắt...
Cũng chứng nghiệm một hiện tượng lạ lùng khác trong buổi cầu siêu, một gia đình gồm bốn chị em từ Sydney về thăm lại ngôi mộ của đứa con nhỏ chôn cất ở Galang đã phát nguyện trùng tu khu nghĩa trang này. Trong nỗi bùi ngùi khi nhìn thấy những nấm mộ điêu tàn, người mẹ bày tỏ ước vọng của mình trong tiếng nấc thổn thức: “Gần hai chục năm rồi tôi mới có dịp về thăm lại đứa con vắn số. Chỉ sau một đêm bị sốt cao, nó chết khi mới lên một tuổi, chưa biết kêu tiếng Mẹ... Dù bây giờ cuộc sống của chúng tôi đã ổn định và thời gian đã nguôi ngoai sự thương nhớ nhưng tôi không bao giờ quên được đứa con nằm lại bơ vơ trên hòn đảo tỵ nạn này...”
* Miếu Ba Cô, hồn hãy bay đi...
Một địa điểm khác nổi tiếng về sự linh thiêng trên đảo là Miếu Ba Cô. Dưới một tàng cây bồ đề rậm mát, Miếu Ba Cô (trước đây chỉ là Miếu Hai Cô) nằm chếch phía đối diện của Văn phòng UNHCR ở Galang II, bên cạnh một con lạch nhỏ. Nhiều huyền thoại khác nhau đã được truyền miệng về nguyên nhân sự quyên sinh của hai chị em thuyền nhân trẻ đẹp này (và sau đó, của một người con gái khác) vào quãng cuối thập niên 1980 và hầu như ai cũng tin rằng oan hồn của họ chưa siêu thốt, vẫn còn lẩn quẩn trong cội bồ đề...
Ông Joseph Lâm, một cựu thuyền nhân VN định cư ở Nam Dương sau khi trại Galang đóng cửa, đã đến thăm đoàn khi nghe tin chúng tôi trở về. Quanh quần bên ba ngôi miếu được giữ gìn tương đối quang đãng với các chiếc bình hương còn tươi chân nhang, ông Lâm kể: “Tôi đến Galang khi đã có Miếu Ba Cô và được nghe nhiều câu chuyện về hoàn cảnh thương tâm của họ. Lúc đầu, nơi đây chỉ có hai ngôi miếu và về sau, thêm một người nữa mượn sợi giây oan nghiệt để rửa sạch tiếng đời.
Hai Cô là thuyền nhân của một chiếc ghe xuất phát từ miền tây VN. Họ là nạn nhân của nhiều vụ hải tặc tấn công tàn bạo trong cuộc vượt biển bi thảm. Là những cô gái có nhan sắc, họ đã cắn răng mang lấy sự bất hạnh của đời mình sau những tai biến hãi hùng đó nhưng lại không chịu đựng nổi tiếng đời thị phi, nghiệt ngã. Ánh mắt lạnh nhạt khinh rẻ, lời bình phẩm hoặc chọc ghẹo ác độc của những người cùng thân phận tỵ nạn nhưng may mắn hơn đã đẩy họ vào một tâm trạng tủi nhục và cô độc tận cùng trong hoàn cảnh tạm cư hỗn tạp.
Giọt nước làm tràn ly khiến cả hai chị em cùng quyết định kết liễu cuộc đời là khi họ bị vu oan về một vụ mất cắp chiếc ví của một nhân viên Cao ủy. Trớ trêu thay, ngày hôm sau họ có tên trong danh sách được đi định cư. Kẻ cắp chiếc ví về sau đã thú nhận hành động của mình và đã bị điên loạn trong thời gian còn lại ở đảo. Ông ta cuối cùng được một nước Âu châu chấp nhận theo diện nhân đạo nhưng nghe đâu cũng đã qua đời một thời gian ngắn sau đó trong một bệnh viện tâm thần...”
Cũng theo lời kể của ông Lâm, một trong những người sau cùng ở lại trại, ngôi miếu Ba Cô thường xuyên có người chăm sóc và chiêm bái. Một ông già đã dựng căn lều dưới gốc bồ đề, tự nguyện làm kẻ giữ miếu cho đến ngày rời đảo. Nhiều người thành tâm đã đến miếu để khấn vái hoặc cầu nguyện cho hoàn cảnh của họ và đã được linh ứng.
Trước khi về lại Galang lần này, tôi được anh Thân Đức Nhy, một người bạn từ chuyến đi lần đầu, dặn dò làm giúp một chuyện nhỏ: đọc lời truy điệu và tạ ơn Hai Cô. Tôi đã thực hiện điều đó âm thầm trong lòng, như một lời khấn nguyện cho vong linh người quá vãng được nhẹ nhàng siêu thốt. Câu đối anh viết trên tấm giấy bìa carton để lại tại Miếu Hai Cô thay lời giã biệt trước ngày lên đường định cư bây giờ không còn nữa nhưng một người nào đó đã đắp bằng xi-măng những dòng chữ đó trước cổng miếu:
“Kiên trinh rất mực vẹn toàn, nêu khí phách lòng son gái Việt
Cương quyết giữ tròn danh tiết, tiếng thơm lừng bất diệt trời Nam.”
* Tấm bia và khoảng trống
Có lẽ địa điểm mà mọi người trong đoàn đều muốn đến để nhìn tận mắt, rờ tận tay là khu trưng bày di tích thuyền nhân, nơi tấm bia tri ân và tưởng niệm được dựng lên trong chuyến về thăm lại đảo lần đầu do Văn khố Thuyền nhân Việt Nam tổ chức hồi tháng Ba 2005.

Nằm trên con dốc thoai thoải giữa hai trại Galang I và Galang II, khu trưng bày được chăm sóc khá tươm tất. Con đường nhựa sạch sẽ bao quanh bãi cỏ rộng, trong đó xác ba chiếc thuyền được kéo lên, sơn phết lại và đặt trên các chiếc bệ xi-măng vững chắc. Ngay tại ngã ba đường dẫn đến phòng bảo tàng, một tấm phông bề thế cao lớn được kẻ hàng chữ đậm “Galang, memory of a tragic past” trên nền các hình ảnh của những chuyến vượt biên và sinh hoạt trên đảo.
Nhưng nơi đây không chỉ ghi lại “ký ức của một quá khứ bi thảm” mà còn là chứng tích của một hiện tại xót đau. Xót đau như chính linh hồn của những thuyền nhân bạc số bị dày vò, đào xới, nạy khoét, đập phá bởi lòng thù hận và đố kỵ. Tấm bia bị móc đi một lỗ trống thô bạo đứng chơ vơ giữa khu trưng bày như một linh hồn mồ côi bao nhiêu năm mỏi mòn ngóng đợi một nén nhang tưởng nhớ của những người đồng cảnh may mắn. Nó chẳng khác nào một tấm bài vị tập thể của những người oan thác bị vùi dập lần nữa bởi những nhát búa điên cuồng để mong phi tang một tội ác mà cả thế giới lên án và nguyền rủa.
Mọi người ùa xuống xe, sững sờ như không tin vào mắt mình dù họ đều đã nghe, đọc, nhìn thấy hình ảnh xúc phạm con người đến mức man rợ đó trên các hệ thống truyền thông từ nhiều tuần trước. Nỗi xúc động chưa kịp lắng xuống sau buổi cầu nguyện tại nghĩa trang lại dâng lên, tràn ra thành những dòng nước mắt chảy dài không che giấu khi từng bàn tay nhẹ nhàng vuốt ve trên mặt tấm bia như để an ủi cho vong linh kẻ khuất mặt. Sự phẫn nộ nén lại trong lòng mỗi người dường như không còn kềm giữ được nữa. Nó vụt thốt ra và bật lên thành tiếng thét bi ai uất hờn cho thân phận một dân tộc vốn lấy nhân nghĩa làm gốc nay hoàn toàn phá sản lương tri dưới sự cai trị của tập đoàn nhân danh một chủ thuyết đã bị lịch sử quẳng vào thùng rác.
Giữa những tàng cây tươi xanh, màu xám của tấm bia nổi hẳn lên như một tương phản nhói buốt. Đường viền loang lổ của những nhát đục nham nhở được trét lại trơn láng bằng lớp xi-măng mới nhưng nó chỉ càng làm tăng thêm sự vá víu một cách vụng về. Không chỉ riêng tôi, một số người khác cũng không khỏi có những thắc mắc khi tận mắt nhìn thấy đài tưởng niệm: Tại sao họ (Chính quyền Nam Dương) không phá sập nó luôn (dễ dàng hơn) mà chỉ đục một lỗ (tốn công hơn) để lấy ra nguyên vẹn tấm đá hoa cương có khắc lời tri ân và tưởng niệm" Tại sao họ vẫn trân trọng gìn giữ tấm đá ấy trong phòng bảo tàng" Tại sao họ tô trét lại cho phẳng phiu đường viền bị đục phá lởm chởm của khoảng trống trước khi đoàn cựu thuyền nhân trở lại thăm đảo" Tại sao đài tưởng niệm vẫn còn đứng trơ giữa tâm điểm khu trưng bày di tích này"
Tôi nghĩ, đó không phải là những hành động vô tình mà có thể là những cử chỉ mang ý nghĩa sâu xa khác. Có thể, những người thực hiện hành động phá bỏ tấm bia cũng còn có nhất điểm lương tâm để nhận thấy sự sai trái của mệnh lệnh đó mà nương nhẹ nhát búa. Có thể, họ cũng biết trước có ngày tấm bia sẽ được phục hồi...
Những câu hỏi ấy phần nào đã được giải thích trong buổi tiếp xúc với vị lãnh đạo của Đặc khu Riau mà tôi có dịp tham dự cùng ban tổ chức chuyến đi vào ngày trước khi đến Galang. Thống đốc Ismeth Abdullah, một chính trị gia có sự hiểu biết sâu sắc và thiện cảm với người tỵ nạn từ Việt Nam, đã tiếp nhóm đại diện của đoàn tại văn phòng của ông trong không khí thân mật và cởi mở. Ông bộc lộ sự thất vọng của mình về việc đục phá tấm bia trên đảo Galang vào thời điểm mà ông “bị trói tay” (vì phải từ nhiệm trong giai đoạn vận động tranh cử chính phủ tiểu bang). Ông cũng đã được thông báo bởi các cơ quan đại diện ngoại giao của Nam Dương ở Hoa Kỳ, Âu châu và Úc về phản ứng mạnh mẽ của các cộng đồng người Việt hải ngoại về vấn đề này. Tuy nhiên, việc đã rồi trước khi ông được tái đắc cử và bây giờ, ông tìm cách phục chế nó theo một phương cách mà “mọi người đều hài lòng”.
Thống đốc Abdullah đã đưa ra vài đề nghị để tái tạo tấm bia tưởng niệm nhưng ông nói Chính phủ Nam Dương cũng sẽ tôn trọng ý kiến của các cộng đồng người Việt liên quan đến công việc đó. Ông mong mỏi, qua sự chuyển đạt của Văn khố Thuyền nhân Việt Nam, nhận được sự hồi đáp sớm sủa để có thể bắt tay vào việc “cho linh hồn những người đã khuất có nơi quây quần”. Trong những cái bắt tay ấm chặt khi tiễn đoàn, ông phát biểu với một giọng chân thành: “Tôi là một người có niềm tin tôn giáo và quý trọng sự thật. Có thể tôn giáo của chúng ta khác nhau nhưng chắc chắn tôi cùng quý vị đều chia xẻ những giá trị giống nhau. Chúng ta không thể nào phủ nhận lịch sử mà chỉ có thể học hỏi từ lịch sử để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Dĩ nhiên, trong vị trí một chính trị gia, ông chỉ có thể nói như thế. Và như thế là đủ lắm rồi! Những người giấu mặt sau áp lực buộc triệt hạ tấm bia tưởng niệm không biết có còn chút tự trọng và tri thức để lãnh hội ý nghĩa của bài “lên lớp” sâu xa đó không"
Trong một “phản xạ nghề nghiệp”, tôi thực hiện ngay tại chỗ cuộc thăm dò ý kiến của những người trong đoàn về các giải pháp khả thi cho tấm bia tưởng niệm. Tựu trung, có ba ý chính được đưa ra:
1. Cứ để nguyên tấm bia bị hủy hoại như vậy, như một chứng tích “tội ác lần thứ nhì” đối với những người đã chết vì sự cai trị phi nhân của CSVN. Một biểu tượng như thế sẽ có sức tố cáo cụ thể và mạnh mẽ hơn nhiều về bản chất xâm phạm những giá trị thiêng liêng của con người bởi chế độ Hà Nội.
2. Phục chế nguyên vẹn bia tưởng niệm với nội dung nguyên thủy, trong đó gồm cả lý do vượt biển đào thốt khỏi chế độ CSVN của hàng triệu thuyền nhân, vì đó là sự thật mà cả thế giới đều biết. Điều này tái xác định lời khai về tư cách tỵ nạn của chúng ta khi thiết lập hồ sơ định cư.
3. Để nguyên tấm bia bị hủy hoại ở chỗ cũ, dựng một tấm bia mới ở khu nghĩa trang với nội dung “không mang tính chính trị để tránh gây khó khăn ngoại giao cho nước chủ nhà” mà chúng ta mang ơn. Đây là phương cách dung hòa để “làm hài lòng mọi bên” trong khi chúng ta vẫn giữ được bằng chứng thù hận của CSVN đối với thành phần mà họ vẫn rêu rao không ngượng miệng là “khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc”.
Cả ba ý kiến đều có cái lý riêng, phản ảnh tâm tư của những người trong đoàn. Khi lên xe rời khu trưng bày, tôi lại được nghe một đề nghị khác rất đáng chú ý từ một cô gái còn rất trẻ: “Thưa các cô chú, cháu biết tấm bia ở đây có giá trị biểu tượng và lịch sử nhưng sự tưởng niệm hàng trăm ngàn thuyền nhân oan thác trên đường tìm tự do trong hơn hai thập niên sau năm 1975 không nên bị giới hạn về địa lý hoặc hoàn cảnh. Đó là một bi kịch lớn của con người nói chung trong thế kỷ vừa qua mà chúng ta có bổn phận phải ghi lại, đặc biệt là cho các thế hệ Việt Nam mai sau. Tấm bia trên hải đảo hoang vắng này chỉ có chúng ta biết nhưng mỗi năm có được bao nhiêu người đến viếng thăm" Nó không có tác dụng truyền thông sâu rộng để tạo sự chú ý cho công luận mà lại còn bị quấy phá đủ cách. Đã vậy, tại sao chúng ta không dựng lên hàng trăm tấm bia tri ân và tưởng niệm ở các thành phố có người tỵ nạn Việt Nam sinh sống" Điều đó có ý nghĩa và kết quả tích cực hơn. Các cô chú thử nghĩ, CSVN có thể áp lực một nước gần gũi có quyền lợi giao dịch thương mại với họ nhưng làm sao họ có đủ sức để đòi dẹp bỏ hàng trăm tấm bia ở khắp nơi trên thế giới, nhất là những tấm bia ấy ghi ơn các nước định cư. Chuyện đó, cháu tin rằng các cộng đồng người Việt ở hải ngoại dư sức thực hiện. Phá bỏ một tấm bia ở một nơi cùng trời cuối đất để đổi lấy sự thay thế một trăm tấm bia khác ở ngay giữa những phố thị đông người, thử hỏi Hà Nội có dám trả giá đó không" ”
Một chuyện không muốn kể
Rời khu trưng bày, đoàn được đưa đến Chùa Quan Âm ở Galang I trên ngọn đồi nhìn bao quát toàn đảo, nơi cầu tự linh nghiệm mới được trùng tu toàn diện bởi sự đóng góp của các đạo hữu người Hoa từ Đài Loan. Chính nơi mà người ta mong ước rũ sạch sân si để tìm sự thư thái trong tâm hồn này, tôi được nghe “một câu chuyện không muốn kể lại” nhưng cũng chẳng thể giữ được trong lòng.
Trong chuyến “Về Bến Tự Do 3.2005”, Mục sư gốc Hoa Cornellius Habakuk, người từng phụng sự tại Nhà thờ Tin Lành trên đảo Galang nhiều năm trời, cho biết hiện còn nhiều cựu thuyền nhân Việt Nam – hầu hết là phụ nữ - ở lại Nam Dương. Con số tuy không được xác định chính xác nhưng có thể đến cả trăm. Họ là những người đến đảo sau thời gian đóng cửa, phản đối biện pháp cưỡng bách hồi hương và chấp nhận định cư tại chỗ bằng cách kết hôn với dân địa phương. Chính Mục sư Habakuk, người chứng kiến những cảnh tự sát bi thương của nhiều trường hợp phản kháng, đã tự nguyện đứng ra tác thành cho nhiều phụ nữ để họ không bị trả về Việt Nam. Mục sư nói trong hoàn cảnh nghiệt ngã bấy giờ, đó là phương cách duy nhất để cứu họ khỏi tình trạng tuyệt vọng đến phải hủy mình. Ông vui mừng cho chúng tôi biết phần lớn những mối duyên vì hoàn cảnh đó đã thành tựu tốt đẹp và bám rể vững vàng trên mảnh đất tạm cư nay trở thành quê hương thứ nhì của họ. Nhóm ấy vẫn duy trì liên lạc với nhau và hàng năm, vào dịp lễ tết Việt Nam, họ thường thăm viếng nhau, chia xẻ những chiếc bánh chưng tự gói hoặc món quà lì-xì cho con cháu theo phong tục dân tộc.
Trong chuyến viếng thăm lần đầu cách đây 5 tháng, Mục sư Habakuk vì không biết trước nên đã không kịp báo tin cho họ đến “gặp gỡ bà con”. Nhiều người trong đoàn rưng rưng cảm động về tấm lòng của vị tu sĩ xa lạ này khi được biết lần này ông đã chuẩn bị làm chuyện ấy như một món quà tái ngộ cho những người đồng hương nhiều năm xa cách. Với một giọng thiết tha như chia xẻ nỗi bồn chồn của người trong cuộc, ông không giấu được sự vui mừng khi báo tin rằng một số trong nhóm phụ nữ ấy đang chờ ghe từ những hòn đảo lân cận để sang Galang gặp lại người Việt, nói lại tiếng Việt cho thỏa lòng nhung nhớ bấy lâu.
Nhưng niềm vui chưa đến ấy bỗng tắt ngúm như một gáo nước lạnh dội vào sự nôn nóng chờ đợi của mọi người khi chúng tôi được biết cuộc đoàn tụ chắc chắn sẽ rất xúc động đó chỉ diễn ra... “có điều kiện”. Một phụ nữ Việt Nam trong nhóm, người được mô tả là “đầu nậu” lo việc đưa đón cho họ đến Galang, đòi hỏi đoàn viếng thăm phải trả bà ấy 5 đô-la Mỹ cho mỗi đầu người được đưa đến gặp mặt.
Chúng tôi nghe mà... rụng rời! Một cuộc hội ý chớp nhống trên cầu tàu và Ban tổ chức quyết định không đáp ứng đòi hỏi đó. Số tiền chẳng lấy gì làm lớn lắm – và tôi chắc chắn nhiều anh chị em trong đoàn sẽ hoan hỷ biếu tặng cho họ món quà tái ngộ gấp nhiều lần hơn – nhưng một sự đòi hỏi như vậy đã xúc phạm đến tình cảm sâu xa của những người trở về tìm lại kỷ niệm xưa. Chúng tôi muốn gặp lại họ để kể lể buồn vui sau nhiều năm trôi nổi quê người, để mong chia xẻ tâm sự của những cảnh đời định mệnh mà chính mình có thể đã vương mang nếu chậm chân đến đảo... Chúng tôi không đến “trả tiền để xem mặt họ ra sao”, như thế thì bi thảm và vô đạo quá! Sự tôn trọng nhân vị của những phụ nữ vốn đã không may đó không cho phép chúng tôi thỏa mãn điều kiện kỳ quặc như vậy. Nghĩa tình giữa những người vì vận nước phải ly hương, từng một thời cùng chung chia xẻ thân phận tỵ nạn nhưng nay sống trong hai hoàn cảnh khác biệt, không cho phép chúng tôi đối xử bạc bẽo như vậy.
Tôi thầm mong “câu chuyện không muốn kể” này là không đúng sự thật. Tôi hy vọng nó chỉ là một sự ngộ nhận hoặc hiểu lầm. Dù sao, cũng xin cho chúng tôi gửi theo con sóng Galang đến các chị em làm dâu xứ lạ lời tạ lỗi vì chưa có duyên may gặp lại trong dịp này. Chúng tôi tin rằng “chiếc cầu trung gian không cần thiết” sẽ chẳng ngăn được bước chân tái ngộ của chúng ta trong những chuyến viếng thăm về sau.
Vị Mục sư cúi đầu thất vọng vì diễn tiến đột ngột đó. Ông đã bỏ dỡ nhiều công việc từ vài ngày trước để thu xếp cho cuộc đoàn viên và mong chờ nhìn thấy giây phút trùng phùng cảm động đó, nhưng... Ông vội quay mặt đi nơi khác nhưng tôi cũng vừa kịp nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của một người mang tấm lòng hành đạo chân thành giữa những tham lam ích kỷ của cuộc đời trần tục...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.