Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

25/03/200800:00:00(Xem: 2591)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)
- Tội của anh tày đình, không biết lo, không dốc một lòng sám hối, thì không còn có ngày về với vợ, với con! Tôi mà bắt được anh một lần nữa, vừa cùm, vừa ghi hồ sơ!
Rồi, tiếng cửa nhỏ nghe đóng đến “xập” một cái như tức bực. Qua sự việc này, tôi nhận thấy hai điểm:
1. Phương pháp quan sát của tôi hữu hiệu. Tôi đã đứng lên, nhìn ra sân 2, 3 lần, tên Dư đứng ngay ở sân rình mà không biết.
2. Kết hợp với một sồ lần trước đây, tôi có thể kết luận: - 3 lần trước, ở những tháng trước, khi bắt được số 8 có lưỡi “lam”, Dư chỉ mắng và tịch thu; số 10 đứng lên nhìn ra ngoài, và số 1 nói chuyện với số 3, y đều quát, chửi, nạt nộ, rồi cho một màn lên lớp chứ không cùm.
Ngược lại, hai lần khác, một lần tên Bằng bắt được buồng số 12 đứng lên, khi bất chợt y từ cổng xà lim đi vào, y báo cho Dư (là cán bộ đang trực chính xà lim). Hôm sau, tên Dư đã cùm buồng số 12, mặc cho lạy van xin tha. Một lần, vào buổi tối, mụ Hoa vào buồng tắm gội, đã bắt gặp buồng số 3 đứng lên. Sáng hôm sau, Dư vào sớm, cùm buồng số 3.
Tại sao như vậy" Chỉ có thể giải đáp: tên Dư đã khôn khéo xử thế theo lối “nhất cử, lưỡng tiện”. Chính y bắt được tù dưới quyền y trực chính, phạm nội quy, y chỉ giáo dục ngăn ngừa, không cùm. Đối với tù, như vậy y là người có lòng nhân có độ lượng; đối với tổ chức, với cấp trên, những người tù y coi ít phạm nội quy chứng tỏ được là y có uy, có khả năng giáo dục nên tù không hề phạm nội quy, phải ngoan ngoãn mọi bề. Ngược lại, tù để cho cán bộ khác bắt gặp phạm nội quy dù nhẹ, y cũng không tha, tỏ rằng cứng rắn, chuyên chính với kẻ thù.
Tóm lại, tôi đã nắm được ý của tên Dư. Sau đấy, nếu cần hoạt động hay nhấp nhỏm gì, cứ đợi giờ, ngày lão ấy trực.
Ngay chiều hôm ấy, tôi gọi chị Bắc đứng lên, để dặn dò một vài quy định cho chắc ăn: khi chị ra sân, nếu tôi ho một tiếng là ý hỏi có cán bộ đừng rình không; nếu y ngồi ở bàn, chị ho trả lời một tiếng. Im lặng là có cán bộ rình. Khi tôi đã đứng, tôi chỉ cần để ý phía cổng sợ bất chợt có cán bộ nào khác ở cổng đi vào. Vậy, nếu cán bộ ở bàn đứng dậy đi ra sân, chị đưa tay gãi đầu, tôi sẽ hiểu và thụt xuống; hoặc y đứng lên đi vào phía trong, có nghĩa là y vào rình mở cửa nhỏ, chị cứ ra hiệu tay vẫy ngồi xuống.
Thực ra, khi một người ra sân, giữa sân, giữa ánh sáng chang chang ở ngoài trời, mình có đứng lên cũng chỉ là để nhìn nhau, thỉnh thoảng cười, để cho mắt mình thấy một người bạn đồng loại; chứ ngày nào cũng nhìn thấy tên áo vàng, tuy cũng là đồng loại nhưng không phải là bạn, vẫn cảm thấy khô khan, cô đơn nặng trĩu một bên lòng.
Hai hôm sau, chị Bắc lại được ra quét nữa. Khi chị quét ngang buồng tôi, tự nhiên tôi thấy một gói giẻ buộc lại, to bằng ngón tay nhỏ, nhét vào khe cửa, nhưng hơi khít, nên nhét mãi chỉ vào được một nửa. Tôi lẹ tay, cầm lấy rút vào, rồi giúi ngay vào cạp quần. Một lúc sau, nghe ngóng không có gì, tôi mới mở ra: đó là một miếng giẻ cũ, to bằng bàn tay. Kèm thêm cái kim chị dắt vào bên trong trả lại tôi. Miếng giẻ có thêu chữ, kiểu chữ in, bằng chỉ nhuộm máu; máu đã thành màu nâu xám. Nội dung như sau: "Trang con yêu quý! Đây là di vật bằng máu của mẹ. Đời mẹ sắp về với cát bụi. Chú Bình là đồng chí, là chiến hữu của mẹ sẽ thuật lại cho con những ngày cuối của đời mẹ, tại xà lim án chém Hỏa Lò."
Một luồng lạnh từ xương sống chạy ngược lên gáy, làm hai tay tôi cầm miếng giẻ cũng như run run. Tôi vừa cảm động trước mối tình mẫu tử thiên liêng, vừa thương cho một người mẹ tàn lụi trong khổ đau, và cay đắng.
Tối hôm đó, tôi gọi chị Bắc. Chị đứng lên, mắt đã đỏ hoe. Như vậy là chị đang khóc thầm một mình. Chị lấy khăn lau nước mắt rồi viết cho tôi:
- Rồi đây, trong muôn nẻo cuộc đời, anh hãy cố gắng tìm hỏi, giúp đỡ cháu Trang. Dù tôi có nhắm mắt, vẫn một lòng tin nơi anh không bỏ cháu Trang. Đấy là giọt máu duy nhất của tôi còn lại trên cõi đời này.
Thấy chị quá khổ đau, lại năn nỉ khẩn khoản, tôi đành phải nhận lời cho chị vừa lòng. Chứ trong lòng mình, tôi tự hiểu, đã rơi vào tay cộng sản, ngày về cũng như lá bàng giữa mùa Đông vậy.
Chị cũng nói lên một ước nguyện của chị là nếu sau này, Trời Phật thương cho chị không chết, và có ngày được thả ra, chị nguyện tìm đến ngôi chùa Cao ở Bắc Ninh để thế phát ăn mày cửa Phật.
Qua ý kiến đó, tôi thấy chị thật lạc hậu. Lạc hậu ở chỗ chị nhìn và xét về cộng sản 5 năm về trước cũng giống như 5 năm về sau. Chị chưa thấy được rằng, khi mới chiếm được toàn bộ miền Bắc, chúng còn nhiều việc khác cần phải lo ngay, lo trước đã: đó là quốc phòng và an ninh. Quốc phòng phải mạnh. Còn an ninh, bất cứ chuyện gì về chính trị, chúng phải làm ngay; lấy bạo lực của quốc phòng giải quyết tận gốc. Còn các vấn đề khác, sẽ dần dần. Vững cái này rồi mới nói tới cái kia. Khi được cái kia, mới hỏi tội cái này, v.v…Về vấn đề tôn giáo, chúng chủ trương sẽ diệt sạch. Nếu còn phải để tôn giáo, dưới hình thức nào đó, chẳng qua vì những điều kiện khác, vì cái thế của chúng, vì còn một nửa nước là miền Nam nữa; cho nên, chúng chưa thể ra tay diệt sạch tôn giáo miền Bắc. Nhưng, vì vấn đề an ninh xã hội, chúng phải bóp chặt tôn giáo, hoặc sẽ thay đổi nội dung. Bình cũ, rượu mới. Hình thức tôn giáo vẫn thế, nhưng do người của chúng điều hành. Đừng hòng một cá nhân nào đó tự tìm đến chùa, tìm nhà thờ, để đi tu theo ý mình. Tuy hiểu như vậy, nhưng trong tình cảnh này của chị, hãy để chị hy vọng, ước mơ. Thái độ của tôi phải làm như vậy, trong lòng tôi lại càng dào dạt thương chị hơn. Tôi đã hình dung thấy con đường chị sẽ phải đi tới. Nếu không chết trong tay chúng, chị cũng bị đầy đi một công nông trường hẻo lánh nào đó cho tới khi chị tàn lụi gục xuống ở đấy mà thôi, chứ đừng hòng chúng buông tha.
Mấy ngày hôm sau, tên Dư lại mở cửa buồng cho chị ra quét nữa, nhưng chị đã mệt quá rồi. Mấy lần trước, chị cố gắng ra quét, mục đích là để đưa trả cái kim và gửi lá thư máu cho tôi. Chị ăn uống như vậy, ngay đứng hay ngồi, cũng hoa mày, chóng mặt, huống chi là quét dọn. Do đó, chẳng hiểu tên Dư cân nhắc, suy nghĩ ra sao, y lại mở cửa buồng tôi, bảo tôi lấy chổi ra quét. Được ra quét dọn, đối với cảnh sống ở xà lim, là một… ân huệ. Bất cứ người tù nào cũng muốn ra khỏi căn buồng chật hẹp của mình. Ra ngoài, vừa thênh thang, vừa có không khí trong lành, chỉ trừ quá ốm yếu, không kể.
Vì là lần đầu tiên được quét dọn, tôi tỏ ra hết sức ngoan ngoãn. Trong thực tế, tôi chưa hề vi phạm một điều khoản nội quy nào của xà lim cả. Dùng chữ thực tế không đúng lắm, phải nói là y chưa bắt được tôi, hoặc cán bộ khác, cũng vậy. Vả lại, như tôi đã trình bày, y có một chút thiện cảm với tôi. Tuy nhiên, vì tôi đã có lần toan vượt ngục, thêm vào đó là ý chí phấn đấu để còn sống của tôi, mà y đã nhiều lần thấy, cũng làm y “nể” và e ngại. Vì thế, tuy cho tôi ra ngoài làm vệ sinh, nhưng y vẫn để ý coi chừng và theo dõi.
Người tôi, dạo này trông đã đỡ hẳn. Những bắp tay, bắp chân của tôi đã có thịt nhum nhúm lên. Những khi ngồi không buổi tối, tay tôi xoa xoa bóp bóp chỗ bắp thịt, lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui mừng vì thấy cơ thể mình có sức hẳn lên, nước da tay chân đã đỡ xám xanh đi; nhưng, buồn vì máu thịt này là của chị Bắc. Gần hai tháng nay, trừ những hôm cá biệt do cán bộ khác không kể, còn thì ngày nào cũng có thêm nửa suất cơm. Tôi có xương thịt ra, trong khi chị Bắc lại càng ngày gầy đét lại, làm sao lòng tôi yên được. Đã có lần, tôi gọi chị Bắc và vờ nói là kỳ này tôi hay bị đau bụng lắm; cho nên không thể ăn thêm cơm được nữa. Tôi cũng nói với tên Dư như vậy. Mục đích của tôi là, nếu tôi không ăn nữa, chị Bắc phải cố mà ăn hết. Nhưng, sau đó 5 ngày liền, tôi vẫn thấy chị để cơm dư như vậy, không biết phải làm sao hơn, đành phải xin tên Dư để ăn lại.
Trong lòng tôi vẫn bị dằn vặt, giữa việc nhìn thấy sức khỏe mỗi ngày mỗi hao mòn của chị Bắc và cái đói của bản thân mình trước những bát cơm thừa, chắc sẽ đổ đi khi trả về nhà bếp. Ngày ngày, nhìn tấm thân ốm yếu, tiều tụy của chị Bắc, tâm trạng của tôi như trong gia đình có người ruột thịt bị bệnh nặng sắp chết vậy.
Dần dà, ngay việc đứng lên viết, nói chuyện với tôi, chị cũng chỉ chịu đựng được 5, 10 phút là cùng, rồi lại ngồi xuống. Nhìn chị thiểu não, mỗi khi đứng lên ngồi xuống phải vịn hai tay vào tường, mái đầu có chòm tóc bạc càng trắng ra đang ngoẹo một bên gục vào tường. tự dưng niềm xúc động dào dạt dâng lên trong lòng làm tôi muốn khóc. Tình đồng chí, nghĩa đồng bào tràn ngập hồn tôi.
Một buổi sáng, sau khi cơm nước và trả bát xong, tôi đang nằm ngóng chờ tên Dư ra khỏi xà lim, để gọi chị Bắc nói chuyện, thì lại có tiếng chân y đi vào. Mở cửa buồng tôi, tên Dư nói nhỏ đủ một mình tôi nghe:
- Anh ra đây, tôi nhờ một tí!
Tôi vội vàng theo y ra! Tới buồng số 13, y lại nói cũng với giọng nho nhỏ:
- Anh về buồng, lấy cái bô của anh, và cái chổi, lấy nước dội, rồi quét sạch từ trên sàn trở xuống hai buồng số 13 và buồng số 2.
Tôi nhanh nhẹn về buồng lấy cái bô và chổi vào nhà tắm lấy nước. Vừa mở vòi, tôi vừa suy nghĩ: cũng may, từ ngày tôi vào xà lim I đến nay đã gần hai năm rồi, tôi vẫn có ý muốn nhìn hai căn buồng này xem nó ra làm sao, mà chưa có dịp, hôm nay lại được quét rửa. Điều này, như vậy, cũng nói lên là tên Dư có phần tin tưởng tôi thêm. Có lẽ y thấy tôi nhiều lần ra quét dọn, chả có tò mò, hoặc vi phạm những điều cấm kỵ quy định trong xà lim.


Hai buồng này, lúc mới bước chân vào, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là cái màu ghê rợn của toàn bộ căn buồng: bốn bức tường và cả dưới nền đến trên trần, tất cả đều quét vôi đen, làm cho toàn bộ căn buồng tối om, đượm đầy không khí tù ngục, thê lương, ảm đạm. Hai cái cùm nằm hai bên sàn cũng đen ngòm. Trên tường, ngay thẳng đối diện với cửa ra vào, có treo một tấm bảng gỗ kích thước khoảng 80x40, viết bằng sơn trắng trên nền đỏ loét: “Đây là nơi thực dân Pháp đã giam hãm, cùm kẹp, đầy đọa đồng chí Trần Đăng Ninh”.
Đó là câu ở buống số 13, còn ở buồng số 2 cũng viết như vậy, chỉ thay vào tên khác là “Hoàng Văn Thụ”. Lúc quét dọn xong, cũng là lúc hết giờ buổi sáng, tôi về buồng. Buổi trưa hôm đó, tôi loay hoay lấy đầu mũi kim cậy nhiều chỗ trên tường trong buồng mình, tôi thấy có chỗ tới 8 lớp vôi quét. Như vậy, từ khi xây lên xà lim này đã được quét vôi ít ra là 8 lần rồi. Trong 8 lớp vôi đó, tôi thấy chỉ có hai lần màu vàng, và 6 lần màu trắng. Không hề có một lần quét vôi đen nào cả. Như vậy, rõ ràng lớp vôi đen ở hai buồng số 13 và số 2 là do chúng quét thêm lên, mục đích lòe bịp với những phái đoàn tham quan là thực dân Pháp dã man, dùng màu đen để uy hiếp tinh thần người tù, và để cho cảnh ngục tù của thực dân Pháp thêm rùng rợn, dã man, tàn khốc hơn.
Hôm nay, là ngày tắm. Khi chị Bắc ra sân phơi quần áo, tôi đứng lên nhìn chị. Tôi giật mình, ngỡ ngàng, dạ tôi xót xa như vò muối. Hai bàn chân của chị phù, tái nhợt. Hai mi mắt của chị mọng lên. Bồi hồi và xúc động, tôi phải cúi mặt xuống, không dám nhìn chị nữa. Mới chỉ bốn, năm ngày không nhìn thấy chị, mà chị đã thay đổi nhanh đến như vậy! Tôi thấy thương chị quá! Lúc này, những người họ hàng thân thích của chị, những người của tình báo miền Nam đã đẩy chị xuống vực thẳm của cuộc đời, có ai biết là chị sắp chết không" Có ai còn hình dung ra chị đang đếm từng ngày, đợi chờ giờ về lòng đất trong tăm tối, tủi nhục của một kiếp người hẩm hiu, bất hạnh không"...
Giờ đây, tôi ngồi viết lại những giòng này, đã vừa đúng 19 năm rồi. Không hiểu chị Bắc còn sống, đang chìm nổi nơi đâu, hay chỉ còn là một nắm xương khô, vùi nông ở một xó rừng heo hút nào đó" Còn cháu Trần Ngọc Trang, mảnh giẻ di vật của mẹ cháu, chú vẫn còn giữ. Mảnh giẻ đó còn máu khô và hơi hướng của mẹ cháu. Lúc này, cháu ở đâu" Phương trời nào" Còn sống, hay đã như thế nào trong những biến thiên, đổi thay của cuộc đời, của đất nước" Làm sao, chú thực hiện được lời ký thác của mẹ cháu bây giờ"...

Bí mật về nữ sĩ Thụy An!... Đào Thị Bắc rời Hỏa Lò!

Thấm thoát thời gian lại sắp tới Hè, nhìn những chiếc lá bàng mới hôm nào, chỉ nhú một chút màu xanh xanh ở những đầu cành, thế mà giờ đây đã căng tròn màu con gái. Ngày ngày đón ánh mặt trời để khoe hương với gió, để lắc lư, lả lơi với đời. Mấy con sẻ lạc đàn đa tình cứ rúc mãi vào những chùm lá. Những chiếc cánh nho nhỏ khỏa đập làm những chiếc lá non rung rinh. Vài sợi tơ trời, bồng bềnh vắt ngang sân xà lim. Lóng lánh màu vàng óng của nắng, như muốn cuốn buộc, níu kéo nàng Xuân sắp từ giã khung trời này để về một phương trời khác. Một cơn gió thoảng nhẹ đẩy mùi hương cuối Xuân vào trong buồng. Tự nhiên ngực tôi cao dần, mũi tôi cong lên, hít sâu mãi vào cho đầy ắp, cái hương ngầy ngậy của chiều Xuân gần tàn.
Một tiếng động mạnh vào cánh cổng xà lim làm tôi giật mình. Cánh cổng từ từ mở to, tôi vội vàng ngồi thụp xuống, lòng hãy còn lâng lâng luyến tiếc bầu trời cuối Xuân. Những tiếng bước chân lẹp xẹp đi qua sân xà lim. Bất chợt vang lên một câu: “turn right here!” của một người Việt nói tiếng Anh làm tai tôi vểnh lên nghe ngóng. Không một tiếng nói nào khác nữa, chỉ có những tiếng bước chân đi dần về phía buồng tôi, rồi tiếng mở cửa buồng số 10, ngay cạnh buồng tôi. Hẳn phải là người ngoại quốc! Ngoại quốc mà phải vào xà lim lúc này, chạy đằng trời cũng chỉ là Mỹ. Tôi yên lặng nghe ngóng. Tôi chỉ nghe được giọng người Việt lúc nãy, cái gì cũng bằng tiếng Anh, nhưng rất nhỏ, nghe tiếng được, tiếng mất. Không hề nghe tiếng đáp lại của ai.
Tôi đang đứng đờ người, vận dụng mọi giác quan để theo dõi, đột nhiên cửa sổ nhỏ buồng tôi bật mở khiến tôi giật thót người lại. Tên Dư, y trỏ một ngón tay vào ngoay ngoáy, miệng nói:
- Anh dọn hết đồ của anh lại, chuyển buồng!
Tôi vừa vơ gọn chăn chiếu và một số thứ lặt vặt, vừa ngẩn ngơ tiếc nuối lo lắng, không biết bây giờ chúng chuyển tôi đi đâu. Vừa xa chị Bắc, vừa không còn điều kiện để nhìn thấy người ngoại quốc (chắc cũng vì người ngoại quốc này tôi mới phải chuyển buồng vào dẫy trong, hoặc xà lim khác"), và một điều to lớn khác…mất nguồn tiếp tế hàng ngày.
Khi tên Dư mở cửa buồng, tôi nhìn y như luyến tiếc mà có lẽ tôi có thiện cảm nhất ở Hỏa Lò, bên phía kẻ thù. Tôi ra khỏi buồng với một tâm trạng bâng khuâng. Lại thấy y mở buồng số 12! Lòng tôi ngúng nguẩy mừng vui, như vừa đánh mất một món tiền, lại tìm thấy được. Như vậy, chúng chỉ sợ tôi ở cạnh buồng số 10 thôi. Ở buồng số 12 này, tất cả những điều kiện thuận lợi, tôi tưởng mất, vẫn còn.
Tôi loay hoay quét dọn lại sạch sẽ căn buồng. Chợt, tôi nhìn thấy trên tường, chỗ gần phía cùm, có mấy dòng chữ khắc sâu vào tường: "Tại nơi này, tôi đã dùng đũa chọc, hủy bỏ một con mắt của tôi, để phản đối chế độ cộng sản độc tài phi nhân đàn áp dã man văn nghệ sĩ. Thụy An: Lưu Thị Yến”.
Tôi mần mò mãi mới đọc được hết những giòng trên. Phần vì bóng của chiếc cùm làm tối đi; phần khác, vì lâu ngày đã quét thêm một lớp vôi (cũng may, giòng chữ lúc khắc khá sâu, nên lớp vôi không lấp hết được). Nhưng, nếu ai vào buồng chỉ đứng nhìn cái cùm, vô tình sẽ không nhìn thấy giòng chữ viết ở chỗ hơi khuất này.
Tôi lại càng tò mò, tìm khắp chung quanh bốn bức tường, cả những chỗ khuất để xem, may ra còn thấy gì khác nữa không, trong khi óc tôi lần giở lại dòng thời gian xa xưa…Khi đó, tôi còn ở miền Nam, có lần tôi được đọc trên tờ nhật báo Tự Do, thiên phóng sự “Bên Kia Bức Màn Sắt” của ông Hoàng Hải Thủy, trong đó có nói đến cuộc đời tình cảm, cũng như sự nghiệp của nữ sĩ Thụy An. Mối tình của bà có liên quan đến Hoàng Quốc Việt. Theo ông Hoàng Hải Thủy, Hoàng Quốc Việt là tên điệp viên số một của miền Bắc. Hiện, y là chủ tịch Tổng Công Đoàn. Y là một trong 5 tên đầu sỏ. Những ngày lang thang đây đó trên miền Bắc, tôi thường thấy một cái khung 5 tấm hình, được treo mọi nơi: ở những cổng chào, ở những cơ quan khắp các tỉnh trên miền Bắc. Chính giữa là cáo Hồ, sát hai bên là Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, hai bên ngoài nữa là Võ Nguyên Giáp và Hoàng Quốc Việt.
Như vậy, nữ sĩ Thụy An đã bị giam ở buồng này. Bây giờ, không biết bà ở đâu" Đã chết hay còn sống ở trại nào"... Chẳng hiểu sao, tôi cứ hình dung tưởng tượng nữ sĩ Thụy An chắc là đẹp lắm. Sau này, khi đi trại trung ương, tôi được gặp nhiều nhân vật trong đó có Thụy An, Nguyễn Văn Tiến, Tôn Thất Tần, Lý Cà Sa, Nguyễn Chí Thiện, v.v… mới biết bao nhiêu vấn đề. Lúc đó, tôi mới có điều kiện để hiểu cụ thể về nhiều sự việc.
Chiều hôm ấy, lại thấy đưa một người ngoại quốc nữa vào buồng số 8. Vì có hai người ngoại quốc, nên dạo này có nhiều cán bộ ra vào xà lim. Đa số là cán bộ lạ! Qua những ngày trước đây, tôi đã thấy buồng số 7 giam hai người: một người gầy, cao, chừng 35 tuổi, nước da bánh mật; còn người kia tầm thước, khoảng 30 tuổi, đặc biệt có hai con mắt lồi ra ngoài như hai con mắt cá vàng. Anh cao đi cung thường xuyên. Anh mắt lồi thỉnh thoảng mới đi. Nhưng, đặc biệt, nhiều lần anh cao đi rồi; anh mắt lồi mới được gọi, và…lại về trước. Vậy, anh cao không thể biết anh mắt lồi có đi cung, nếu anh này muốn giấu.
Thấy hiện tượng lạ, nên tôi đặt vấn đề. Đã đặt thành vấn đề, tất nhiên, phải để ý theo dõi, nghe ngóng với điều kiện có thể được của tôi. Đã hai lần, khi anh cao đi cung rồi, tên Dư mở cửa buồng số 7 gọi anh mắt lồi ra. Chừng nửa giờ sau, tôi thấy anh mắt lồi ôm một vốc vỏ chuối, lá bánh và giấy báo vụn ra ngoài phía cổng xà lim, một lúc sau mới trở vào. Từ đó, tôi đã có thể tạm kết luận: tù ra khỏi cổng xà lim phải có cán bộ đi theo; ở đây, hắn đi một mình. Qua việc này, tôi lại hiểu thêm là, chỗ bàn trực của tên Dư có một cái tủ nhỏ, không chỉ để đựng giấy tờ, hồ sơ, mà còn là chỗ để thức ăn, bánh trái. Đã biết về tên mắt lồi như vậy, nên tôi không bao giờ lên tiếng nói chuyện với các buồng khác. Nhất là đối với những người ngoại quốc mới vào. Nhưng, vì tính tò mò, tôi cũng quyết sẽ gọi thử hai buồng 10 và 8 khi nào điều kiện cho phép để tôi nói chuyện, may ra biết được tí chút, dù tiếng Anh của tôi chỉ thuộc loại cóc kêu.
Hai ngày sau, khoảng nửa đêm, tôi đang ngủ bỗng giật mình, nghe như có tiếng gấu kêu ở trong rừng. Tôi mở mắt, bò dậy, vểnh tai nghe. Thì ra, tiếng buồng số 10… khóc! Phải nói, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng một người đàn ông Mỹ khóc. Nghe ồng ộc, hô hố, rất lạ tai. Mới thoáng nghe, tiếng khóc y hệt tiếng người Da Đỏ hát ở trên… màn ảnh mà tôi vẫn thường coi trước đây. Mãi một lúc sau, vì có tiếng nấc và tiếng xụt xịt tôi mới biết đó là tiếng khóc. Sau đó, bỗng một tiếng khóc khác lại ư ử rúc lên ở buồng số 8. Có lẽ vì nghe thấy buồng số 10 khóc, vì đồng cảnh, lại là đồng bào, nên cũng chạnh lòng dào dạt nguồn cơn…
Tôi hiểu, hai anh ở Mỹ sướng quen rồi, bây giờ phải ở cảnh này. Đìu hiu, tịch mịch, hoang vắng như nghĩa địa tha ma suốt đêm ngày, bảo sao không buồn. Đấy là các anh không bị cùm, nếu cùm như chúng tôi, chắc các anh chả chịu nổi đâu.
Tôi đã biết chắc các anh là phi công Mỹ. Vì sáng hôm qua, khi gọi buồng số 10 đi cung, tôi đã liều đứng lên quan sát theo kiểu của tôi. Tôi đã thấy một anh mặc bộ đồ sọc màu đỏ sậm như của tôi. Vì cao lêu nghêu nên đầu của anh gần sát xà trên, của cổng xà lim. Anh đang nói và chỉ trỏ ra sân trại chung với tên cán bộ lạ mặc quần áo thường dân. Anh số 10 có bộ mặt dữ tướng. Bộ râu quai nón như chổi xể càng làm cho đôi mắt anh xanh thêm. Người trông như vậy, mặt như thế mà lại… khóc! Dù trong lòng rất thông cảm và tội nghiệp cho anh, nhưng cứ tưởng tượng ra nét mặt anh khi khóc, tôi cũng phải mỉm cười một mình.
Tôi cũng đã thấy mỗi ngày hai lần, một tên cán bộ dẫn một anh tù hình sự bê hai tay hai cái đĩa to, trên mỗi đĩa thường có khúc bánh mì, một quả chuối và một miếng thịt to bằng ba đốt ngón tay. Nhìn khẩu phần ăn của phi công Mỹ, tôi đã phải đăm chiêu suy nghĩ. Đời là thế! Con nhà giầu bao giờ cũng hơn. Người dân của nước lớn, dù thế nào chăng nữa, dù ai có hô bình đẳng dân chủ đến rách mép, vẫn cứ hơn người dân một nước nhỏ.
Rất nhiều vấn đề, trên cõi đời này, nói là một việc, nhưng trong thực tế lại là một việc khác, hoàn toàn không giống nhau. Nhưng, đã bảo “đời là thế”, thì còn nghĩ suy làm quái gì cho mệt óc. Thôi, hãy trở về với xà lim.
Bởi ánh nắng, những chiếc lá bàng thời kỳ con gái từ màu lá chuối non, nay đã đổi thành màu xanh thẫm. Những chùm hoa nho nhỏ đã bắt đầu xuất hiện. Hàng ngày, những trận gió nồm Nam thổi bay rắc tứ tung đầy sân những cánh hoa bàng vàng hoe bé tí. Thật cũng lạ, cây bàng to như vậy, mà bông lại bé tí teo! Cứ hai ngày, tên Dư lại mở cửa buồng cho tôi ra quét sân một lần. Chỉ quét hoa bàng mà mỗi lần cũng hốt được cả thúng. Nhiều lúc tay tôi vốc từng vốc hoa vàng ngạt ngào hương sắc bỏ vào sọt, tôi tưởng tượng nếu không phải là tù, được sống trong cảnh này thôi, cũng tuyệt rồi! Những khi quét sân, thỉnh thoảng tên Dư cúi xuống bàn hí hoáy viết, tôi lại liếc nhẹ về phía buồng số 10, mong anh phi công đứng lên để nhìn một cái cho đời đỡ tê. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.