Hôm nay,  

Ghét Và Thương

28/01/200800:00:00(Xem: 6034)

Vừa rồi cô bạn học gởi cho tôi một DVD thu lại buổi họp mặt của các thày cô trường Nữ trung học Nha trang và Võ Tánh được tổ chức vào tết năm 2000 ở Nha trang. Coi phim mà thấy bồi hồi xúc động quá. Các thầy cô đều đã thay đổi nhiều theo thời gian, đồng thời cũng vắng mặt rất nhiều người do đã ra đi vào cõi vĩnh hằng hoặc đi nước ngoài. Lúc chiếu đến khuôn mặt của từng thày cô ngồi quanh bàn tiệc, tôi cứ dí mắt vào màn hình nhìn kỹ và tìm lại gương mặt của một người thày mà từ sau 1975 đến nay tôi không bao giờ được nghe nhắc đến. Người thày ấy đã hiện diện thường xuyên trong những câu chuyện mà tôi thường kể cho thằng con út nghe về thời trung học của Má nó. Bỗng tôi mừng rỡ reo lên:

- Ô kìa, thày kia rồi.

- Thày nào vậy Má" Thầy Tước hay thày Lạc"

Thằng Lộc con út của tôi thích nghe tôi kể những câu chuyện xưa và nó cũng có trí nhớ khá tốt nên nhớ hết tên các nhân vật tôi kể. Tôi nói với nó:

- Thày Tước con à. Thày cũng vậy, chỉ già hơn thôi.

- Hồi đó thày dữ với Má lắm hả, Má có ghét thày không"

Thằng con hỏi một câu thật đúng với tâm trạng của tôi lúc này. Tôi nhìn thày trong màn hình mà cứ nhớ đến những chuyện xa xưa, từng kỷ niệm vui buồn xảy ra thời đó giữa thày và bọn học trò chúng tôi.

Thày Tước đúng ra là thày giám thị của trường chứ không phải giáo viên lên lớp giảng bài. Thời gian đó thày chắc dưới 30 tuổi, có vợ con chưa thì tụi tôi không rõ. Vì là giám thị nên mặt thày lúc nào cũng lạnh như băng, nghiêm nghị trông khiếp lắm. Thày có vầng trán cao rộng và cái đầu hói bóng rạnh như gương, mặt thì choắt, môi mỏng, tướng người ốm nhom ốm nhách như chú Thòng, chẳng bắt mắt chút nào cả. Trông thày như vậy cô nào chịu lấy. Thôi rồi! Tả thầy xấu xí quá lỡ ông ấy nghe được chắc buồn lắm!

Tôi trả lời thằng con:

- Hết ghét rồi con à mà còn thấy thương thày là khác. Tại hồi xưa tụi Má nghịch ngợm quá bị thày phạt là đáng đời thôi.

Thằng con truy tới:

- Lộc nhớ Má kể là hồi đó Má với mấy bạn ghét thày lắm mà. Sao bây giờ lại thương"

- Ừ, thì hồi xưa còn nhỏ không được hiểu biết cho lắm, cứ nghĩ là thày ác với mình. Bây giờ lớn lên biết suy nghĩ thì phải khác chứ.

Tôi không nhớ nỗi là thày Tước về làm giám thị cho trường từ hồi nào, nhưng năm tôi học lớp 10 là bị rắc rối lọt vô mắt xanh của thày rồi. Thưở đó, trường Nữ chúng tôi ít đứa con gái chịu học ban Toán. Đa số khi lên lớp 10 cấp 3 là chọn ban A học sinh vật cho dễ hoặc theo ban C học văn chương cho ướt át, lả lướt. Con gái mà chọn theo ngành Toán là loại con gái khô khan, khó chơi rồi. Tôi lại rớt vô loại con gái khoái những gì hóc búa nên khoái Toán lắm. Tuyết Lan và Hiếu cũng cùng sở thích như tôi nên cả bọn chọn theo ban B để cùng kết bè đi nghịch phá cho dễ. Lớp 10 B2 của tụi tôi ít học sinh lắm nên mỗi bàn chỉ có 4 đứa. Dĩ nhiên Tuyết Lan, và tôi cùng ngồi một bàn rồi, nhưng lần này có thêm nhỏ Nguyễn Nga, và Thanh Tâm, hai tên nghịch ngợm chẳng thua gì.

Hôm đó tiết học thứ hai và ba là môn Hóa, cô Anh dạy. Cả lớp ngồi chờ gần 10 phút mà cô vẫn chưa tới nên sinh nghi, cử Tuyết Lan lớp trưởng xuống văn phòng hỏi thăm. Ít phút sau nó chạy vào lớp hí hửng thông báo:

- Cô bịnh rồi tụi bay. Giờ Hóa sáng nay được nghỉ.

Cả lớp reo hò mừng rỡ chẳng quan tâm đến sức khỏe của cô giáo gì cả. Được nghỉ học là khoái chí rồi. Cô bịnh là chuyện của cô. Nghĩ lại mình thật vô tình.

Vì tiết học thứ tư là vạn vật nên đâu có được ra về, tụi tôi phải tản ra nhiều nhóm kiếm trò mà chơi cho qua hai tiết đó. Con Lan rủ cả bàn ba đứa:

- Ê Thanh, Tâm, Nga! Ra sau trường khều me với tao. Hôm bữa thấy có trái rồi đó.

Con Hiếu nghe đến khều me nên cũng tháp tùng chung luôn.

Mấy cây me này mọc sau trường nhưng bên kia bức tường, không phải là của trường. Tụi tôi kiếm được một cây sào dài rồi chĩa qua sân người ta mà khều khều, chọt chọt. Được vài trái thì lại rơi xuống sân bên bển hết trơn. Mấy trái me còn non, dẹp lép, tưởng tượng chấm nó với mắm ruốc thì đứa nào cũng chảy nước miếng nên ráng hết sức mà khoèo. Nhưng khoèo hoài mà cũng công cốc vì gần kéo được nó qua bên này tường là nó lại rớt xuống bên kia mất.

Tụi tôi vẫn không bỏ cuộc, thay nhau đứa này khều, đứa kia chỉ cách và reo hò động viên nhặng xị cả lên. Bỗng ông cai ở trong căn nhà nhỏ góc sân trường chạy ra la lớn:

- Mấy con nhỏ kia. Phá hả" Dẹp hết không tau nhốt hết chừ.

Con Tuyết Lan vừa nghoéo được một chùm me vô cái móc của cây sào, đang xoay xoay quấn quấn cái cành nhỏ có dính chùm me cho chắc chuẩn bị giật. Tụi tôi thì cũng đang tập trung cổ võ cho con Lan và chùm me nên mặc kệ ông cai léo nhéo muốn la gì thì la. Ông ấy thấy chẳng đứa nào đếm xỉa coi ổng ra gì nên tức quá cầm cây chổi cùn chạy tới. Thấy bộ dạng hùng hổ của ông ta tụi tôi hãi quá quăng cây sào bỏ chạy tán loạn. Tụi tôi phần tiếc chùm me, phần tự nhiên nổi tính bướng bỉnh nghịch ngợm, vừa chạy vừa quay đầu la lớn chọc lại ông cai:

- Cai dù! Cai dù!

Con gái con đứa gì mà vô duyên quá, bây giờ nghĩ lại thật tức cười. Phải nói thật tình là thời đó tụi tôi ngây thơ lắm, không biết “cai dù” là gì đâu. Đứa nào mà biết chết liền đó! Nhưng không hiểu sao cái từ đó nó lại thuận miệng và nằm trong đầu mình hồi nào mà buột miệng la chọc ông cai như vậy. (Không biết có phải là căn duyên không"!!!)

Ông cai rượt mấy đứa tôi chạy có cờ. Lúc đó đứa nào cũng ốm nhom ốm nhách nên nương theo gió mà phóng như bay. Khinh công như vậy mà không đi đóng phim kiếm hiệp thì uổng quá. Tiếc rằng “chữ tài liền với chữ tai một vần”, nên đang thi triển khinh công thượng thừa chơi rượt bắt với ông cai thật là vui thì tụi tôi bị ông giám thị Tước bắt lại đem vào văn phòng giảng đạo đức kỷ luật một lúc lâu. Xong ổng bắt lên lớp ôm quyển sổ điểm xuống và tặng cho mỗi đứa một con zero làm kỷ niệm kèm với lời phê bên cạnh bằng mực đỏ chói lọi “VÔ KỶ LUẬT’. Chưa hết đâu, ông í còn bắt tụi tôi mỗi đứa về mời phụ huynh lên văn phòng gặp ổng nói chuyện. Nếu không thì miễn được vô lớp học lại.

Cái đòn cuối này thì mới là nghiệt đây. Hồi giờ chúng tôi đứa nào cũng là con ngoan trong gia đình mà, có bao giờ cha mẹ phải bị nhà trường than phiền đâu. Tối về đứa nào cũng ăn ngủ không ngon, buồn và lo quá cỡ. Tôi suy nghĩ đủ cách rồi cũng phải tới thú tội với Má tôi, nhưng hên ghê, Má chẳng la tôi chút nào cả.

Phần tôi thì ổn. Còn phần con Tuyết Lan, nghe nó kể khi thú tội bị thầy phạt vô kỷ luật, mẹ nó đã kêu lên thảm thiết và không tin là thật:

- Ối giời ơi! Cái Lan nó hiền thế mà bị phạt vô kỷ luật à" Có nhầm không đấy"

Nghe nó nhái giọng Bắc của mẹ nó mà thuật lại, tụi tôi cười rũ ra. Sau này cứ chọc nó “Cái Lan nó hiền quá chời à!”

Rồi đứa nào cũng vời được mẹ lên trường nghe thày Tước báo cáo và được trở lại lớp học. Nhưng cuối tháng, thày Thế chủ nhiệm lật sổ điểm ra cộng mới phác giác mấy học trò cưng của thày bị ăn hột vịt. Dĩ nhiên là đám học trò tụi tôi phải giả mặt nai tội nghiệp tả oán quá chừng chừng, cuối cùng thày Thế đã phê bên cạnh chữ “Vô kỷ luật” của thày Tước một dòng chữ cũng mực đỏ, to hơn và đậm hơn “Học trò ngoan” rồi ký tên đàng hoàng. Nghĩ lại thấy thương thày Thế quá, và cũng tự phục tài thuyết khách của tụi tôi, đổi trắng thành đen, đổi không thành có. Thương thày Thế mà lại giận thày Tước hết sức, tại ổng mà đứa nào cũng sụt điểm trung bình và đứng hạng thụt lùi.

Từ đó, giữa thày Tước và tụi tôi có một cuộc chiến tranh ngầm. Thày thấy tụi tôi chơi nhảy gianh, ô làng, u mọi, là cứ la và bắt dẹp. Còn tụi tôi thì tung chiến dịch xì lớp xe, quẹt phấn cho dơ yên xe của thày, và vẽ hình bôi bác.

Hiếu rất có khiếu vẽ nên nhiệm vụ này giao cho cô nàng. Nó vẽ hình thày trên một tờ giấy thật to rồi đi học thật sớm dán ngoài cổng trường. Mấy cô học trò ai tới trường cũng châu đầu vô ngó và cười khúc khích, nhận ra đó là hình của ai. Công nhận nhỏ Hiếu vẽ chân dung biếm họa thật tài, nhìn vào mà không cười là không được. Nó vẽ thày với cái mặt ốm nhách và cái trán thật to, bóng rạnh. Trên trán, trên mặt thày là mấy con ruồi- con thì trợt chân chổng cẳng, con thì gãy cánh, gãy chân nhìn tếu quá chừng.

Đến lúc thày Tước đến trường, thấy đám đông con gái bu lại nên cũng tò mò ghé vào nhìn. Ổng tái cả mặt vì biết đó là hình của ai. Chỉ không biết ai là thủ phạm thôi. Có điều lúc đó thầy phản ứng bằng cách giả lơ dắt xe vào cổng chứ đâu biết phải làm sao. Đám con gái thì cứ cười rúc rích chế giễu sau lưng, chắc lúc đó thày mắc cở và tức ứa máu" Rồi sau đó ông cai bị cử ra lột cái hình đem vào quăng thùng rác. Tụi tôi trả được thù thì hả hê lắm.

Cuộc chiến tranh giữa thày và trò cứ kéo dài nhiều năm sau cho đến khi chúng tôi tốt nghiệp 12 rời trường. Suốt mấy năm cấp ba, không biết thày ghét chúng tôi thế nào chứ chúng tôi thì ghét thày lắm. Tụi tôi còn tuyên bố ỏm tỏi ổng là “Kẻ thù không đội trời chung!”, nghe dao to búa lớn khiếp không"

Rồi biến cố 75, cả thày lẫn học trò đều tan tác mỗi người một phương trời. Chỉ có Hiếu sau này là gặp lại thày…trong quán cà phê mà nó làm chủ. Thày Tước quen với chồng của Hiếu nên hay tới quán uống nước. Hai người đều lơ nhau. Hiếu không biết thày còn nhớ ra mình không nữa, học trò trường nữ đông quá mà. Còn nó thì lơ đẹp.

Còn tôi" hơn ba chục năm không bao giờ gặp lại thày. Đôi khi ngồi nhớ lại thời áo trắng, hoặc kể cho con nghe những câu chuyện “nhất quỉ nhì ma” của tuổi học trò thì có nghĩ đến thày, và cảm giác cũng như tình cảm đối với thày mỗi lúc một khác đi.

Một đời người có nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn nhận thức khác nhau về cùng một vấn đề. Ngày xưa ở cái tuổi non dại, bồng bột, ngựa non háu đá, tụi tôi nghịch ngợm ồn ào làm mất trật tự trong trường nên bị thày phạt là đúng rồi. Vậy mà lại không biết nhìn nhận cái sai của mình mà cứ đi đổ lỗi là thày khó khăn, ác độc. Bây giờ trưởng thành rồi, phải đứng ở vị trí của thày để nuôi dạy, giáo dục con cái thì mới hiểu, thông cảm và thấy thương cho thày.

Ghét thương" thương ghét - chỉ là một mà đôi khi kéo dài cả một đời người mới nhận thức được. Trịnh công Sơn có viết trong bài Mưa Hồng - Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…Tôi xin viết theo ý của tôi - Cuộc đời đó phải yêu thương, đừng ghét hờn.


August 17th, 07

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.