Hôm nay,  

Ai Giết Các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ Mỹ?

08/04/200600:00:00(Xem: 5021)
- Thế là một con nhạn đã rơi. DB DeLay tuyên bố từ chức dân biểu đại diện cho Texas tại Hạ Viện Hoa kỳ, vào thượng tuần tháng 6. Tự nhiên Ong phải tự biện minh, mình không làm gì sai, và không nhận tội rửa tiền gây quỹ tranh cử cho các ứng viên của đảng Cộng Hòa. Ai mà chịu cha ăn cướp bao giờ, như người Việt thường nói. Thế nhưng luật là luật, công lý hãy còn đó đang làm cái công việc của nó.

DB Delay không phải là người dân biểu có thế lực đầu đã vấp ngã. Lịch sử Quốc Hội Hoa kỳ còn ghi nhiều người nữa. Và lịch sử quốc hội của nhiều nước dân chủ tiền tiến Au Châu, như Anh, Pháp Ý, v.v. cũng không thiếu gì dân biểu, nghị sĩ chết vì tiền, vì gái. Vấn đề đặt ra ai là người giết dân biểu nghị sĩ Mỹ "chết tươi, chết đứng" trên con đường đại diện dân như vậy. Nhiều thứ người, nhiều thứ loại sát hại dân biểu nghị sĩ lắm. Nhưng thường nhứt là những nhà vận động hành lang hoạt động vì quyền lợi của các đại công ty, những nhà tài phiệt sống nhờ cái bánh ngon và lớn là ngân sách quốc gia mà dân biểu nghị sĩ Mỹ là người đóng góp bàn tay vào việc chia xẻ và phân phát.

Trên phương diện lý thuyết, cử tri làm ra dân biểu, nghị sĩ, là những người có quyền giết quí vị ấy chớ ai. Không hẳn đúng. Đồng ý khi cử tri mất niềm tin không bỏ phiếu nữa thì quí vị ấy mất ghế và mất quyền đại diện dân, mất chức dân biểu, nghị sĩ. Nhưng sự nghiệp chánh trị vẫn của quí vị ấy vẫn có thể còn. Dù có thất cử ở địa phương dân biểu, nghị sĩ nếu được phe đảng ủng hộ. Chiếu cố - thường là như vậy -- cũng có thể được chỉ định làm nhiều chức có thế lực trong guồng máy công quyền, và sự nghiệp chánh trị vẫn chưa chết.

Kẻ đích thực giết sinh mạng chánh trị của dân biểu, nghị sĩ chính là những nhà vận động hành lang (lobbyists). Nhưng bên ngoài những nhà vận động hành lang là những người thân cận, ân nhân của dân biểu, nghị sĩ. Những nhà vận động hành lang làm cho dân biểu, nghị sĩ tiêu vong sinh mạng chánh trị. Giết không bằng gươm bằng đao, mà bằng những lời nói rất lễ độ, bằng những chuyến đi chơi hấp dẫn, có rượu ngon gái đẹp, và bằng những món tiền giúp vào quỹ tranh cử - yếu tố tác động mạnh nhứt.

Thực vậy, hành lang tiếp tân của khách sạn Willard, cột cẩm thạch, trần ô lõm, sang trọng hãy còn. Nơi đây Tướng Ulysses Grant, vị tổng thống thứ 18 của Mỹ thường tạt vào giải lao, hút một điếu xi gà, uống một ly cô nhắc. Một số người có mặt trong hành lang lúc ấy - bây giờ được gọi là "lobbyists" -- xin tổng thống một vài ân huệ. Những người vận động hành lang tài tử thời đó từ thế kỷ 19 đến giờ trở thành một ngành nghề có tổ chức chặt chẽ, hoạt động chuyên nghiệp, lúc nào cũng có mặt trong sinh hoạt chánh trị Mỹ.

Suốt tuần lễ, từ bữa ăn sáng đến bữa ăn tối người ta vẫn thấy hết người này đến người khác, người mặc đồ bộ sậm màu nghiêm chỉnh, tay xách cập ngoại giao đi đến nơi làm việc trong khuôn viên của Quốc Hội Mỹ. Đó là Capitol Hill Club dành cho người theo đảng Cộng Hòa, National Democratic Committee dành cho người theo đảng Dân Chủ, và Nhà hàng La Colline dành cho mọi đảng phái khác. Nơi đây, bàn này ba vị linh mục miệng đang thưởng thức miếng thịt nuột lưng bò mắc tiền, nhưng tai mắt lại hướng về con chiên đang biểu tình chống phá thai trước Tối Cao Pháp Viện. Sau quày rượu là chân dung của những dân biểu, nghị sĩ. Phòng trong cùng là một hội trường dành riêng, phải đặt trước mới có chỗ để hội họp "gây quỹ".

Những nhà vận động hành lang bên ngoài dáng vẻ rất khoan thai, trầm tĩnh, nhưng làm việc rất bận bịu, các cuộc hẹn hò khít nhau. Những người hẹn gặp là quí vị dân biểu nghị sĩ rất ít thì giờ và rất dè dặt trong lời nói. Cuộc "trao đổi" nào có "trao" đi lời hứa mà không "đổi" lại quyền lợi là hợp pháp, theo qui định vận động hành lang. Nhưng những trao đi và đổi lại riêng tư quá nhiều, kín đáo, ai đâu mà theo cho kịp và cho hết, để biết hợp pháp hay không. Lâu lâu bể một vụ bàng dân thiên hạ mới biết.

Mỹ có 35.000 người vận động hành lang ở Quốc Hội. Thương vụ khoảng 2 tỷ Đô la mỗi năm. K Street là lãnh địa riêng của họ. Chủ tịch American Lobbyist League (ALL), Ô Paul Miller không ngần ngại tuyên bố "Không có chúng tôi, tôi tưởng không có luật nào làm được ở xứ này."

Vài vụ bể bạt điển hình gần đây. Ô Miller đang chạy vắt giò lên cổ lo cho các nhà vận động hành lang bị vướng. Một Jack Abramof bị truy tố về tội lừa đảo, âm mưu và chuyển ngân bất hợp pháp. Jack Abranof ngôi sao trong ngành vận động hành lang thú nhận đã "lột da đầu" sáu bộ lạc Da Đỏ với một giá quá cao tới 82 triệu Đô để vận động Quốc hội chấp nhận cho những sòng bạc được mở trong những đặc khu dành riêng cho người Mỹ thổ sinh. Ong cũng thú thật ông mua ảnh hưởng đối với những nhà lập pháp qua những bữa ăn sáng trong nhà hàng của Ong ở thủ đô Washington. Còn nhiều người khác thì mua ảnh hưởng bằng những chữ ký tặng, những chuyến du lịch vùng biển Caribbean Sea, những trận đánh golf ở Ecosse, mà số chi tiêu nghe mà chóng mặt.

Nạn nhân tiêu biểu của những lần mua ảnh hưởng đó không ít. Một Tom Delay mới tuyên bố từ chức như đã nói ở trên. Ông là một người đại diện dân từ TB Texas, Trưởng Khối Dân biểu Cộng Hòa ở Hạ Viện Mỹ. Một Bob Ney, một dân biểu xuất thân từ TB Ohio, nổi tiếng trong năm 2003 vì đã thành công trong việc đòi hỏi Quốc Hội phải đổi tên French Fries thành Liberty Fries trong nhà ăn của Quốc Hội. Bob Ney có thể là người dân cử bị rờ gáy số 1 sau Tom Delay trong vụ án có thể bị truy tố về tội móc ngoặc và đút lót. Nhiều nhà vận động hành lang khác cũng đang thấp thỏm sợ bị rờ gáy trong vụ này.

Cho đến bây giờ người ta thấy số dân biểu nghị sĩ bị các nhà vận động hành lang lân la rất nhiều. Có tới 210 người dân cử ở Quốc hội Mỹ nhận "quà tặng" hào phóng từ của Arbamoff hay từ của những thân chủ của Arbamoff trong cuộc tranh cử. Đa số những vị này đang run và chen nhau đi tìm cách hoàn trả lại vì nghe mùi thuốc nổ có thể làm tanh banh sự nghiệp chánh trị của mình trong số tiền đút lót của Arbamoff và những người liên quan. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa, TB Montana, Conrad Burns, đau khổ vì chưa kiếm ra bộ lạc Da Đỏ đã tặng 150.000 Đô, để bất cứ giá nào Ông cũng phải trả lại cho được.

Ngày 23 tháng 1 năm nay, tờ Washington Post tờ báo gối đầu giường của các dân biểu nghị sĩ liên bang, chơi khâm. Báo này chơi xỏ loan tải một thiệp mời tiệc sinh nhật 70 của TNS Burns. Tiệc này do công ty vận động hành lang Casidy & Associates bảo trợ. Một thực khách, mỗi phần ăn giá từ 500 đến 2000 Đô. TNS Burns và công ty Casidy & Associates đọc được tin này trên báo Washington Posst suýt đứng tim vì biết chắc như đinh đóng cột là thiên hạ sẽ tấn công mình tơi bới hoa lá. Một nhà vận động hành lang kỳ cựu nói với tư cách ẩn danh - đó là tập tục của các nhà vận động hành lang luôn luôn yêu cầu giấu tên khi tiết lộ một điều gì - "không ai dè lại có một quảng cáo loại như vậy". Vì ai cũng biết những nhà vận động hành lang là những người giết nghị sĩ dân biểu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.