Hôm nay,  

Tạo Một Thế Đứng...

04/04/200600:00:00(Xem: 5875)
- LTS. thứ Hai, 3-4-2006, tang lễ nhà báo Hồ Văn Đồng cử hành tại Virgina. Sinh thời, ông là người trọn đời sinh tử với nghề báo, và cho tới những ngày cuối cùng vẫn không ngừng ưu tư về quê hương, dân tộc. Bài viết sau đây cho thấy tấm lòng của ông với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

*

Chúng ta đều biết rằng Hoa Kỳ là một quốc gia tạp chủng và mỗi sắc tộc tới định cư ở Hoa Kỳ đều có một vị trí riêng của họ. Khối sắc dân có nhiều ảnh hưởng nhứt là người Anglo Saxons, định cư phần lớn tại các tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Tiếp theo đó là cộng đồng người Do Thái, tuy chỉ có trên dưới 6, 7 triệu người nhưng có những ảnh hưởng quyết định trên chính trường nước Mỹ. Một nhóm thứ ba ở miền Tây Nam Hoa Kỳ. Thường trong các cuộc bầu cử TT Hoa Kỳ, nhóm Do Thái nghiêng về bên nào thì bên đó có nhiều hy vọng thắng lợi.

Các cộng đồng Á Châu, đặc biệt là cộng đồng người Trung quốc cũng tạo cho họ một thế đứng vững chắc. Nhiều nhân vật gốc Trung quốc được đề cử vào những chức vụ quan trọng chính phủ Hoa phủ Hoa Kỳ, nhưng đặc biệt nhất là cộng đồng người nói tiếng Spanish (tiếng Tây Ban Nha) từ các quốc gia ở Trung và Nam Mỹ tới, đã củng cố vị trí của họ trong xã hội Hoa Kỳ một cách đặc biệt. Theo các con số thống kê mới nhất thì dường như dân số người gốc tiếng Spanish đã vượt qua dân số người Mỹ gốc da đen, vì họ đã đông và sanh đẻ nhiều và nhanh.

Trong hoàn cảnh của một quốc gia tạp chủng như nước Mỹ, mỗi sắc dân đều có vị trí đặc biệt của mình thì chúng tôi nghĩ rằng người MỸ gốc Việt, nhất là đối với các thế hệ thứ hai và thứ ba, việc xây dựng cho mình một thế đứng trong xã hội Mỹ là một việc cần thiết hơn bao giờ hết. Từ trước tới nay, người Mỹ xem thường cộng đồng người Việt mặt dù chúng ta cũng đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và khoa học hay kỹ thuật của nước Mỹ. Lý do quan trọng nhất là sự chia rẽ giữa người Việt với nhau. Một người mới vừa làm được một chút gì hữu ích có tiếng tăm, thì nhiều người khác xúm nhau lại đã phá. Tình trạng chia rẽ đó cần phải được sửa chữa gấp để có thể cứu vãn được tình thế hầu tiến tới việc xác định vị trí của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Trước hết chúng tôi nhận thấy rằng người Việt chúng ta rất thờ ơ với công cuộc bầu cử ở Mỹ. Cộng đồng ta rất đông, nhưng số người đi bỏ phiếu quá ít. Sự lười biếng trong việc đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương hay liên bang là một lỗi lầm lớn. Sự vắng mặt của chúng ta trong các cuộc bầu cử làm cho người Mỹ không chú ý tới chúng ta như họ chú ý tới các cộng đồng khác. Đó là một nhược điểm lớn cần sửa chữa ngay nếu chúng ta muốn được người Mỹ lưu ý tới vị trí của chúng ta như là một cộng đồng.

Ngoài vấn đề tham gia các cuộc bầu cử để chứng minh sự hiện diện của chúng ta như một cộng đồng, vấn đề thứ hai cần phải lưu ý là các hoạt động thiện nguyện. Qua nước Mỹ người tị nạn Việt Nam cắm đầu cắm cổ lo làm việc để kiếm tiền hoặc lo học hành để có bằng cấp cao. Các công tác thiện nguyện không được lưu ý trong khi người Mỹ và các sắc tộc khác tham gia rộng rãi các công tác thiện nguyện. Chúng ta thử xem trong các bệnh viện, có bao nhiêu người Mỹ và người ngoại quốc khác tình nguyện phục vụ mà không lấy một đồng tiền thù lao nào. Tôi còn nhớ khi đi thăm một người Việt Nam chữa bịnh trong bệnh viện của trường Đại học Stanford ở California tôi được những phụ nữ thiện nguyện tiếp đón một cách đặc biệt. Họ là người địa phương, tới giúp một cách thiện nguyện cho bệnh viện. Người Việt Nam khi đi tị nạn dường như quên hẳn các truyền thống bác ái của dân tộc. Và đó là một điểm khác làm cho cộng đồng Việt Nam bị xem thường trong xã hội mới mà chúng ta sinh sống.

Một khuyết điểm thứ ba là các tổ chức thiện nguyện - NGO. người Việt Nam cũng có tổ chức các hội thiện nguyện để giúp đỡ đồng bào trong nước hoặc ngay những người cần được giúp đỡ ở Hoa Kỳ. Nhưng phải nhìn nhận rằng ít có hội thiện nguyện nào có tầm vóc quốc tế như hội VNAH và HealthEd của ông Trần Văn Ca, được sự trợ giúp của Hoa Kỳ, Nhật Bổn hay Đại Hàn hoặc Đức quốc. Sự có mặt của những tổ chức thiện nguyện có tầm vóc như thế nói lên tinh thần vị tha, bác ái rộng lớn của dân tộc Việt. Điều đó nâng cao giá trị của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Nhưng chúng tôi nghĩ rằng có một hoạt động khác có ảnh hưởng lớn lao và cụ thể nhất trong việc xác định một thế đứng cho cộng đồng người Việt mà chỉ có một số ít người nghĩ tới. Đó là việc tham gia đời sống chính trị của nước này. Có ai trong chúng ta không biết rằng ông thống đốc tiểu bang California, tiểu bang lớn nhất của nước Mỹ hiện nay không phải là người Mỹ mà là người gốc Áo; hay như trường hợp bà Madeleine Albright, ngoại trưởng của chính phủ Bill Clinton trong suốt hai nhiệm kỳ là người gốc Đông Âu. Bà Eliane Chao, hiện là bộ trưởng lao động của chính phủ Bush là người gốc Trung quốc.

Với tinh thần hiếu học và năng động, người Việt tị nạn, nên nhận thức rằng việc tham gia đời sống chính trị của quốc gia mình đang sinh sống là quan trọng và là một yếu tố hết sức thiết yếu trong việc xây dựng một thế đứng cho cộng đồng người việt. Chúng tôi nghĩ rằng nếu người Việt chịu tham gia đời sống chính trị của nước Mỹ thì họ cũng sẽ thu lượm được nhiều kết qủa tốt đẹp không thua gì người tị nạn đến từ bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Không cần phải quảng cáo cho ai hết, chúng ta đều biết rằng một người tị nạn Việt Nam ở Úc đã đắc cử vào Thượng Viện Liên Bang Úc, cũng như có hai người gốc Việt ở California và Texas đắc cử vào quốc hội tiểu bang. Việc tham gia các sinh hoạt chính trị như thế, nếu được tiếp tục và khuyến khích, chắc chắn sẽ tạo được một thế đứng vững chắc cho cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ trong tương lai không xa lắm. Và điều càng đáng ghi nhận hơn nữa: đó là một trong những con đường gián tiếp đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam một cách hữu hiệu.

Nói tóm lại, muốn cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có được một thế đứng xứng đáng với các khả năng về mọi mặt của người tị nạn Việt Nam, các thế hệ thứ hai và thứ ba người Việt cần phải quan niệm rằng không có gì có thể tham gia đời sống chính trị của nước này bằng cách thực hiện các việc làm mà chúng tôi đề nghị ở trên thay vì có thái độ lơ là như thế hệ thứ nhất đối với những việc cần phải làm.

Hồ Văn Đồng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.