Hôm nay,  

Lễ Giỗ 10 Năm BS Nhảy Dù Tô Phạm Liệu

01/10/200700:00:00(Xem: 9005)

Vong hồn anh linh thiêng, xin về phù trợ cho anh em ráng sống hết cuộc đời còn lại của mình, nếu không được hào sảng và ngang tàng như anh thì cũng đừng làm gì ô uế đến thanh danh của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đừng phản bội anh linh những bằng hữu của mình đã bất hạnh nằm xuống...

*

Thường thường, những người đã từng mặc đồ lính thì luôn luôn yêu đời lính. Tôi cũng thế, nhưng tôi chưa hề thấy một người nào yêu đời lính như ông bác sĩ nhảy dù Tô Phạm Liệu. Anh Liệu yêu đời lính đến độ, phải mặc đồ dù rồi tròng áo saut vào người thì rượu uống mới thấy ngon, cử động ăn nói mới thoải mái tự nhiên được... Những câu chuyện mà anh nói trên bàn rượu, nói tới nói lui, nói đi nói lại rồi thì cuối cùng cũng trở về lính và tất cả những thứ gì có dính dáng tới lính. Đủ thứ lính nhưng dĩ nhiên, lính nhảy dù thì nhiều nhất. Lạ một điều là không bao giờ nghe thấy anh khoe cái nghề tu bíp của mình...
Những ngày lưu vong nơi xứ người, bác sĩ nhảy dù Tô Phạm Liệu làm việc cho nhà thương VA ở thành phố Alexandria, tiểu bang Louisiana. Alexandria là một thành phố nhỏ nằm ở giữa 3 thành phố lớn, thứ nhất là Houston, thứ nhì là Dallas và thứ ba, nhỏ hơn cả nhưng tình hơn cả là New Orleans. Điều đáng nói là từ Alexandria đi đến ba thành phố này, khoảng cách hầu như gần bằng nhau, khoảng 300 dặm...
Có lẽ vì thế, vào những ngày cuối tuần, ông bác sĩ giang hồ này thường có mặt tại một trong ba thành phố này nhiều hơn ở nhà. Tuần thì Dallas, tuần thì Houston và tuần thì New Orleans. Nơi nào cũng có bạn bè của anh, nơi nào anh em cũng nồng hậu đón tiếp anh, nơi nào cũng hứa hẹn những cơn say nghiêng ngửa, những trận cười tới đất.
Những ngày anh Liệu xuống New Orleans, dĩ nhiên, đối với những bạn bè và anh em của anh Liệu như chúng tôi thì thành phố bỗng trở nên tưng bừng như những ngày hội...
Anh Liệu thường đến chiều thứ Sáu và tiệc rượu bắt đầu liền, kéo dài sang ngày thứ bảy, sang đến tối chủ nhật hoặc có khi đến sáng thứ hai, tùy theo hoàn cảnh...
Tôi không thể nào quên được chiếc xe Van màu xanh da trời của anh. Xe không cũ, cũng không mới, chỉ chạy được, coi được. Nhưng nó đưa anh đến tất cả những nơi anh muốn đến...
Lần nào cũng thế, sau khi dừng xe, anh bước xuống, miệng cười hớn hở và tay thì xách cái... túi quân trang vào nhà. Anh vào phòng tắm, rửa mặt mày rồi cởi bộ thường phục ra, tròng bộ đồ hoa rừng của nhảy dù vào người. Tùy theo thời tiết nóng lạnh, anh có thể thêm chiếc áo saut vào...
Lúc anh trở ra trong bộ đồ dù, ai cũng thấy mặt mày anh sáng rỡ. Đó chính là lúc anh sẵn sàng ngồi xuống uống rượu và vui đùa với anh em...
Ai uống rượu với anh Liệu rồi, đều phải công nhận anh uống rượu rất là dễ thương. Anh luôn luôn có những mẩu chuyện cười thủ sẵn trong túi mình và khi cần thì lấy nó ra, kể cho anh em nghe.  Nghe xong thì ai cũng ôm nhau rũ ra mà cười. Cười đến đổ cả rượu, cười đến chảy cả nước mắt...
Nhưng không phải anh Liệu chỉ biết uống rượu. Anh còn bênh vực và lo lắng cho bạn bè nhảy dù của anh. Tôi xin kể lại một chuyện.
Năm 1992, Phan Nhật Nam vừa chân ướt chân ráo sang Mỹ, không hiểu vì một lý do gì đó, nhà văn chống Cộng nổi tiếng của của quân đội bị thiên hạ đánh tơi bời trên báo chí và trên internet. Chúng nó bảo anh Phan Nhật Nam là Việt cộng nằm vùng, là đủ thứ. Khốn nạn thật.
Một buổi chiều nào đó khoảng năm 1992, tôi cùng anh Liệu và một nhóm bạn nhà binh ngồi uống rượu. Tôi bảo:
-Anh Liệu, ngay cả một nhà văn chống Cộng nổi tiếng như anh Phan Nhật Nam mà chúng nó còn dám đội nón cối vào đầu thì khốn nạn thật.
Nhiều người bạn lính tôi chửi thề. Người khác, có lẽ cũng bắt đầu xỉn rồi, đòi... bắn chết mẹ chúng nó.
Anh Liệu chỉ ngồi im, khuôn mặt anh nhăn nhúm lại, đau khổ. Có lẽ anh nghĩ mình bất lực. Anh trầm ngâm một lúc rồi bảo chúng tôi:
-Tao biết thằng Nam từ hồi còn nhỏ, hai đứa tao cùng ở một nhà, đi học chung một trường. Nó làm sao là Việt cộng được...
-Thì ai lại chẳng biết thế...
Rồi anh bảo:
-Tụi mình phải làm một cái gì cho Phan Nhật Nam. Mình không thể ngồi yên nhìn chúng nó đánh Phan Nhật Nam như thế.
Có người nhát gan, bảo nếu mình bênh PNN thì chúng nó đánh mình luôn sao. Anh Liệu lắc đầu cười:
-Mẹ kiếp, thằng nào muốn đội nón cối vào đầu ông xin cứ tự nhiên, ông đây cóc sợ.
Chúng tôi ngồi nói chuyện một lúc và bỗng nhớ ra một chuyện. Thành phố New Orleans hồi đó đã được nổi tiếng là thành phố đầu tiên làm lễ Thượng Kỳ ngày quân lực tại tòa thị sảnh thành phố. Hôm thượng kỳ đầu tiên có cả tướng Westmoreland và nhiều nhân vật cao cấp Việt Mỹ đến tham dự. Theo thông lệ đó, hàng năm, chúng tôi tiếp tục làm lễ thượng kỳ tại tòa Thị Chính. Mỗi một lần thượng kỳ như thế, chúng tôi thường mời một nhân vật quan trọng trong cộng đồng Việt hay Mỹ đến đọc diễn văn.
Chúng tôi nẩy ra ý kiến mời nhà văn Phan Nhật Nam đến đọc diễn văn vào buổi lễ thượng kỳ năm ấy. Trong bàn rượu hôm ấy vô tình có mặt ông chủ tịch hội Cựu Quân Nhân tại Louisiana là ông Nguyễn Văn Phú, trưởng ban tổ chức Lễ Thượng Kỳ. Nghe chúng tôi đề nghị, ông vui vẻ nhận lời ngay.
Nửa tiếng đồng hồ sau, anh Liệu và anh em nhảy dù còn thêm một tiết mục ra mắt sách cho nhà văn Phan Nhật Nam sau khi chào cờ vào buổi tối hôm đó.
Mười lăm năm rồi nhưng tôi còn nhớ lại như mới ngày hôm qua. Ngày hôm đó là một ngày vui. Thật là vui. Anh em lính tráng khắp nơi đổ về tham dự lễ Thượng Kỳ. Phan Nhật Nam hiên ngang và dõng dạc lên đọc diễn văn trong bộ quân phục nhảy dù. Chiều hôm đó là lễ ra mắt sách, và sau đó, chúng tôi nhập tiệc, nhậu nhẹt gần đến sáng...
Kể từ ngày đó, bọn khốn nạn nào đã đánh Phan Nhật Nam bỗng dưng chùn tay lại và từ từ im tiếng, rút vào bóng tối luôn.
Một kỷ niệm vui khác về anh Liệu, xin cho phép tôi kể ra đây. Hồi thân phụ tôi mới sang Mỹ, gia đình chúng tôi làm một bữa tiệc đãi bác sĩ Liệu. Tuy chúng tôi coi nhau như anh em nhưng khi thân phụ biết con mình quen ông bác sĩ nổi tiếng Tô Phạm Liệu thì lấy làm hãnh diện lắm, nhất định phải mời ông bác sĩ tới nhà dùng cơm cho được.
Tiệc vui bắt đầu rất nhộn nhịp. Thân phụ ngồi ở đầu bàn bên kia, bác sĩ Liệu ngồi ở đầu bàn bên này, tôi ngồi... kẹt ở giữa một đám anh em, mọi người cười cười nói nói vui vẻ, chan gắp ào ào, nốc rượu liên miên, tưng bừng vui vẻ...
Đến một lúc nào đó, giữa bữa ăn, tôi bỗng nghĩ ra một chuyện để chọc bác sĩ Liệu và có thể đùa với thân phụ một chút. Tôi làm mặt nghiêm trang, rầu rầu hỏi bác sĩ Liệu giữa bàn tiệc:
-Anh Liệu, anh là bác sĩ, em có bị chứng bịnh này mà chữa hoài không khỏi, bây giờ gặp ông bác sĩ ở đây, không biết nói ra anh có thể chữa được cho em không"
Cả nhà tôi khi nghe như thế, nhất là mẹ tôi và thân phụ nhìn tôi lo lắng, không biết tôi có bịnh gì mà cả nhà chẳng ai biết. Chỉ có mình anh Liệu có lẽ đoán tôi sắp sửa đùa giai nên liếc nhìn tôi và cười cười bí mật.
Anh bảo, làm như chẳng biết gì:
-Thì cậu cứ kể bệnh tôi nghe thử. Nếu có thuốc thì tôi cho, không thì tôi giới thiệu đến bác sĩ khác chữa cho cậu. Mình ở trên đất Mỹ mà.
Tôi nói, vừa nói vừa làm bộ mặt nghiêm trang, ráng giữ cho đừng cười:
-Anh Liệu, em bị cái bệnh gì không biết mà đi đâu, hễ gặp... đàn bà con gái đẹp thì cứ phải quay đầu lại mà nhìn, nhìn mãi không thể nào bỏ được. Anh có thuốc gì cho em uống cho bỏ cái bệnh... nhìn gái này...
Cả nhà cười rộ lên. Anh Liệu chờ cho tiếng cười lắng xuống rồi mới bình thản trả lời:
-Trời ơi, nếu cậu gặp đàn ông đẹp giai mà nhìn như thế thì thật là nguy hiểm, cần phải cho thuốc uống gấp gấp chứ gặp đàn bà con gái đẹp mà nhìn như thế thì... tốt lắm, chẳng có bệnh gì cả. Thú thật là tôi cũng giống cậu, gặp đàn bà con gái đẹp là cứ lõ mắt ra mà nhìn. Cậu cứ tiếp tục nhìn đi, chẳng sao cả...
Cả nhà lại cười rộ lên một lần nữa...
Đấy, những lần đi uống rượu với anh Liệu, dù ở trong hàng quán, dù ở trong nhà, hay dù bất cứ ở đâu, anh Liệu cũng tếu và lanh trí như thế cả.
Kiến thức về y học của anh Liệu như thế nào thì tôi không biết, nhưng kho tàng tiếu lâm và chuyện đời của anh Liệu thì sâu thăm thẳm, không bao giờ hết. Hơn thế nữa, hễ nói về nhảy dù thì anh Liệu có thể nói đến cả ngày mà vẫn chưa hết chuyện. Nhảy dù Việt Nam được thành lập như thế nào, bắt đầu ra sao, anh kể vanh vách từ ngày thành lập, từng người tiểu đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, không thiếu một ai. Không phải chỉ có nhảy dù Việt Nam mà ngay cả nhảy dù Anh, nhảy dù Pháp, nhảy dù Lê Dương, nhảy dù Mỹ, nhảy dù Do Thái anh cũng đều biết tường tận, rõ ràng từng chi tiết. Anh kể tụi SAS (Special Air Service) của Ăng Lê được huấn luyện kỹ lưỡng như thế nào, bọn SEAL Mỹ trưởng thành ra sao từ đệ nhị thế chiến v.v...
Ngồi nói chuyện với anh, nếu không biết anh là bác sĩ thì ai cũng tưởng anh là một nhà nghiên cứu quân sự. Anh là dân bộ binh mà anh lại biết rất nhiều về phi cơ, từ trực thăng cho đến phóng pháo phản lực của Không Quân. Không Quân đã rành, Hải quân cũng rành luôn. Những tàu chiến của Hải quân như tiềm thủy đỉnh, hàng không mẫu hạm anh cũng biết rành rẻ. Chiếc hàng không mẫu hạm này trọng tải bao nhiêu, có bao nhiêu mã lực, anh đều biết rõ. Chưa hết, ai muốn biết hỏa tiễn ICBM của Mỹ tầm bắn bao nhiêu ngàn dặm, mang đầu đạn nguyên tử bao nhiêu Mega-ton anh cũng cắt nghĩa cho nghe...
Tôi biết anh đã bỏ rất nhiều thì giờ để nghiên cứu những chuyện này vì đó là một đam mê của anh...
Dĩ nhiên, trong những tiệc rượu, một trong những đề tài mà anh em thường hỏi anh nhiều nhất là trận đánh đã đi vào quân sử ở đồi Charlie, nơi đã đón nhận hình hài của đại tá Nguyễn Đình Bảo và đồng thời cũng đưa tên tuổi anh cùng vài người khác lên hàng những anh hùng của quân dân Việt Nam qua ngòi bút tuyệt vời của Phan Nhật Nam.
-Ngày tiểu đoàn xuống Charlie, tao đang còn chống gậy vì bị trật chân...
Anh luôn luôn bắt đầu như thế rồi cười khì một phát:
-Mẹ... tụi tao vừa đi hành quân về, đang dưỡng quân ở vườn Tao Đàn. Bố khỉ, lính uống rượu say lấy súng bắn chỉ thiên thế nào không biết, ngày hôm sau tiểu đoàn bị bốc đi. Mẹ, thế là hết dưỡng quân, đành khăn gói lên đường.
Hôm đó, anh bị trật chân chưa lành, nhảy xuống đồi Charlie còn phải chống gậy, đi khập khiễng. Nếu anh muốn, anh có quyền xin dưỡng thương ở nhà nhưng anh không muốn. Anh muốn đi với anh em...
Tiểu đoàn 11 dù đã bị pháo của Bắc Quân cường tập như thế nào, mọi người đã biết, nhưng phải nghe đích thân anh Liệu kể mới thấy thấm thía. Từng giây từng phút một trên ngọn đồi Charlie, quân ta đã oằn oại chịu đựng những cơn mưa pháo của đối phương. "Mẹ, chúng nó bắn không trật một quả ra ngoài," anh Liệu bảo thế, mặt hơi nhăn lại.
Một lần, trong một đợt tấn công, anh Liệu đứng lên khỏi giao thông hào, móc cây Colt .45 của người y sĩ ra, bắn vào Việt cộng. Ông trung tá cố vấn tiểu đoàn người Mỹ tên Duffy nhìn thấy. Sau trận đó, ông cố vấn làm một bài thơ tả lại trận đánh và kể chuyện ông bác sĩ nhảy dù dùng Colt .45 để bắn nhau với Việt cộng. Sau khi sang Mỹ, ông gởi tặng anh Liệu một tập thơ và anh Liệu đã đem tặng tôi. Tôi quý tập thơ lắm và gìn giữ như một báu vật.
Bài thơ của ông trung tá nhảy dù Hoa Kỳ tên Duffy nguyên văn như sau trong tập thơ Warman, tôi xin copy lại nguyên bản để tặng anh em:

Courage

The Doc have been shot at
Oh, Lord! He has his gun out!
Sighting, Aiming and Shooting
At a cannon with a Forty-Five

He is hit and down
But not for long,
Back up again,
Sighting, Aiming and Shooting

Trying to knock out a cannon,
With his Forty-Five
God, isn't he rediculous"
But he has courage.
Duffy (Warman)

Tạm dịch:

Can Trường

Ông bác sĩ bị bắn
Trời đất ơi, ổng rút cây súng ra
Chuẩn bị, nhắm và bắn
Vào cây đại pháo bằng khẩu 45
Ông bị bắn và té xuống,
Nhưng không lâu
Lại đứng lên trở lại,
Chuẩn bị, nhắm và bắn

Ông gắng tiêu diệt cây đại pháo,
Bằng cây súng 45
Trời hỡi, ông ta thật là nực cười
Nhưng ông ta thật là can trường.

Đọc bài thơ này của một người cố vấn Mỹ, tôi không ngờ anh Liệu lại can trường như thế. Điều đặc biệt là anh không bao giờ kể lại sự can trường của mình. Anh luôn luôn bảo, rất thành thực "Tao chả ngon lành gì, nhưng người ta sao thì mình vậy."
Một ngày anh Liệu cùng tôi ngồi cưa mấy chai vang của anh đem xuống. Tự nhiên anh nhìn tôi nói:
-Đức Khổng Tử bảo "Khi tiễn đưa nhau, kẻ tiểu nhân tặng nhau lễ vật, nhưng người quân tử thì tặng nhau những lời hay ý đẹp." Mày là nhà văn, tao có cuốn sách muốn tặng cho chú mày."
Rồi anh mở va li lấy tập thơ "Warman" của ông trung tá cố vấn Duffy đã tặng cho anh, đưa cho tôi. Đây là một chuyện lạ nhưng tôi lúc ấy tôi không để ý lắm vì rượu đã ngà ngà say.


Sau này nghĩ lại về tập thơ tôi mới thấy giật mình kinh hãi. Điềm gở gì đây" Tại sao đương không anh lại tặng cho tôi tập thơ rồi lại còn kéo ông Khổng về để bảo "Người quân tử dùng lời hay ý đẹp để tiễn đưa nhau…" Tại sao lại "tiễn đưa." Bình thường, anh Liệu là một người rất kiêng cử. Mỗi khi sưu tầm được một cái áo saut đẹp, anh lấy tặng cho tôi nhưng luôn luôn bảo: "Tặng áo là một dấu hiệu của sự chia tay. Tao bán cho mày cái áo này chứ không tặng. Lấy đưa tao một đô la rồi ra ngồi uống rượu." Tại sao bây giờ bỗng dưng anh lại tặng cho tôi một tập thơ quý giá nhất của anh"  Tôi cảm thấy có điều gì không ổn.
Thật thế, lần uống rượu hôm ấy là lần cuối cùng tôi uống với anh. Sau hôm đó, anh không còn xuống New Orleans thường nữa. Có khi cả mấy tháng anh không xuống một lần, nhưng xuống là đi ngay, không ghé ai cả.
Tôi không biết chuyện gì xảy ra nhưng tôi nhớ lại một chuyện như thế này.
Hồi đó, anh Liệu xuống New Orleans thường ngủ lại nhà tôi và một buổi sáng, sau khi anh đi rồi, vợ tôi vào dọn phòng và tìm thấy một ống Insulin, loại ống chích dành cho người bị tiểu đường. Vợ tôi ngày xưa làm trong nhà thương nên biết rõ loại này. Nàng hỏi:
-Ông bác sĩ bạn anh bị bệnh tiểu đường phải không anh"
Hồi đó tôi đâu biết gì, nên lắc đầu. Nàng đưa ống thuốc cho tôi coi và nói:
-Nếu không thì làm sao ảnh lại sử dụng ống chích này. Đây là ống chích dành cho những người bị bệnh tiểu đường…
Chúng tôi nhìn nhau im lặng, không nói gì thêm. Một lúc, vợ tôi phê bình một câu, vô thưởng vô phạt:
-Bị tiểu đường mà uống rượu được như thế thì hay thật.
Năm cuối cùng và không lâu trước khi anh vĩnh viễn ra đi, một ngày thứ bảy, tôi đang ngồi viết thì chuông điện thoại nhà reo vang. Tôi nhấc máy lên và mừng húm khi nghe tiếng anh Liệu trong ống nói. Hình như đã hơn một năm rồi tôi chưa được gặp anh. Tôi tưởng anh ghé nhậu nên hỏi anh đang ở đâu, chừng nào đến tôi hay tôi sẽ tới bất chỗ nào đó mà anh đang ngồi nhậu.
Anh Liệu trả lời, giọng buồn buồn:
-Anh đang ở Phở Hòa ngồi nói chuyện với Thinh và Thắng nhỏ nhưng anh phải đi liền…
Nghe nói anh ngồi với Thinh và Thắng thì tôi càng mừng hơn nữa vì hai tay này cũng là dân nhảy dù, cũng là dân bợm nhậu… tới bến. Nhưng những tay đại hảo hán nhảy dù này gặp nhau vào một buổi sáng thứ bảy, nếu không nhậu thì để làm gì mà anh Liệu phải đi liền" Chuyện này khó hiểu.
Tôi cực lực... phản đối:
-Anh nói thế nghe không được anh Liệu. Anh không tới đây thì chờ đấy em ra liền…
Anh Liệu ngập ngừng một chút rồi nghẹn ngào cất giọng, buông một câu mà tôi nghĩ là câu nói đau đớn trong đời anh:
-Anh không uống rượu được nữa rồi Nhị ơi... 
Tôi hoảng kinh, thở phì ra một phát, ngờ ngợ một chuyện gì kinh khủng lắm đã xảy ra. Im lặng một lát, anh tiếp:
-Anh có chuyện phải ghé qua New Orleans, gọi thăm em chút mà...
Tôi bàng hoàng đau đớn, hỏi dồn dập. Anh không trả lời, chỉ vắn tắt gởi lời thăm anh em tôi và gia đình tôi. Thấy anh như không muốn gặp tôi, tôi không dám ép. Gác điện thoại lên giá, tôi ngồi thừ ra suy nghĩ, thấy lòng mình chùng xuống, đau đớn vô cùng.
Sau đó, tôi tìm hiểu và nghe anh Liệu bị bệnh nặng lắm, bụng xưng to lên. Thỉnh thoảng anh vẫn còn về New Orleans để khám bệnh hay làm gì đó nhưng anh không còn muốn gặp anh em nữa. Nhiều người không hiểu vì sao nhưng tôi hiểu. Con người của anh Liệu là hiện thân của sự vui đùa sung sướng. Bây giờ anh không còn vui được, không còn uống rượu được, hơn nữa, hình hài bị tàn phá, anh không muốn anh em nhìn thấy anh như thế, sợ anh em buồn. Anh cao cả làm sao!
Rồi một ngày, anh Liệu nằm xuống. Nơi anh nằm xuống là thành phố Alexandria, tiểu bang Louisiana. Alexandria là một thành phố rất khiêm nhường của một tiểu bang khiêm nhường nhất Hoa Kỳ. Alexandria một thành phố nhỏ nằm hiu quạnh như bị chôn kín giữa những rừng thông chập chùng bất tận. Alexandria với những người nông dân chất phát quê mùa của miền Nam nước Mỹ. Alexandria nơi người Việt ở đếm không quá mười đầu ngón tay. Alexandria, nơi bác sĩ Liệu âm thầm sinh sống và âm thầm hành nghề tu bíp sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ. "Alexandria chả có mẹ gì", anh Liệu thường nói như thế, cặp mắt buồn buồn.  Alexandria, thành phố u buồn ấy, cuối cùng, đã đón nhận hình hài của một người y sĩ, một người lính nhảy dù Việt Nam...
Alexandria, hay A Lịch Sơn thành, ngậm ngùi và đau đớn làm sao...
Tô Phạm Liệu, người bác sĩ nhảy dù, người đã tham dự không biết bao nhiêu trận đánh lớn nhỏ trong một binh chủng hung hãn và tài giỏi nhất của quân lực, người đã lê đôi giày trên khắp bốn vùng chiến thuật để bảo vệ tổ quốc và đồng bào mình, người đã trở thành anh hùng sau trận Charlie, người mà pháo giặc dù cho hung hãn đến mấy cũng không hề đụng đến được một sợi lông ở đồi Charlie, người mà cuối cùng, đã đi nửa vòng thế giới để làm một người tị nạn, người ngày xưa đã chữa trị và cứu sống không biết bao nhiêu binh sĩ dưới bầu trời lửa đạn, và người bây giờ đem niềm vui cùng nụ cười đến cho không biết bao nhiêu anh em đồng đội, đã vội vàng và âm thầm nằm xuống ở một lứa tuổi còn quá trẻ.
Anh Liệu đi rồi, chén rượu bọn em uống bây giờ không còn thấy như ngày xưa nữa, như thiếu thiếu một cái gì...

*

Mùa hè (lại mùa hè) năm 2005, bão Katrina tàn phá thành phố tôi ở, làm tôi khăn gói lên đường tị nạn. Tôi lái xe lên hướng bắc, rồi kẹt đường phải vòng về Tây Nam rồi sau đó lấy hướng đi Dallas. Đoạn đường chỉ có 500 dặm mà tôi lái hơn hai ngày chưa tới vì hàng chục ngàn chiếc xe dồn dập, chen lấn nhau. Tốc độ trung bình khi nào mau lắm là 30 dặm.
Một ngày sau vào buổi chiều gần tối, xe đang chạy phom phom trên đường, tôi bỗng ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm biển trước mặt: "Alexandria chào mừng quý khách." Tiếp theo đó là tấm biển khác đề như sau: "Alexandria Next Three Exit."
Tôi giật mình và nghĩ đến anh Liệu. Đây chính là nơi anh đã sống những ngày cuối cùng. Trời về chiều, tôi đưa mắt nhìn chung quanh, chỉ thấy rừng rậm xanh rì. Tôi nhớ đến cái tên của thành phố nơi anh ở, thành phố PineVille, tức thành phố những cây thông. Alexandria, hay A Lịch Sơn Thành, thành phố của anh Liệu. Hồi còn sống, anh thường đùa với chúng tôi, nói như sau trong những buổi tiệc rượu:
-Biệt hiệu của tao là: A Lịch Sơn Thành, Cuồng Thái Y, Việt Nhảy Dù, ẩm sĩ Tô Phạm Liệu.
Sợ chúng tôi không hiểu, anh cắt nghĩa như sau:
-Này nhé, A Lịch Sơn Thành tức là thành phố Alexandria, Cuồng Thái Y tức là bác sĩ chữa bệnh điên, Việt Nhảy Dù bởi vì tao là lính Việt nhảy dù, ẩm sĩ tức là người uống rượu, Tô Phạm Liệu chính là tao.
Chúng tôi ai nấy cười rộ. Anh có vẻ khoái cái biệt hiệu này lắm, cứ lập đi lập lại hoài trong những lần nhậu, ra chiều rất đắc ý về cái tên của mình...
Chiều hôm đó, một buổi chiều oi bức và một mình tôi trong một chiếc xe hơi chạy đi trốn bão, tôi cảm thấy nhớ anh vô cùng. Tôi toan ghé vào một exit nhưng thành phố nhỏ quá, chỉ chớp mắt chiếc xe của tôi đã vượt qua 3 cái ngõ vào. Tôi đi luôn và định bụng, khi hết bão trở về, tôi sẽ ghé thăm thành phố anh ở.
3 tuần sau cơn bão, tôi quay trở về và lúc lái xe ngang qua Alexandria thì trời đã tối đen như mực. Tôi quẹo vào ngõ rẽ và dừng xe ở cây xăng đầu tiên. Tôi xuống xe đi một vòng và chẳng nhìn thấy gì ngoại trừ bóng đêm dày đặc. Tôi bước vào đổ xăng và tự hỏi lòng mình, không biết anh Liệu đã dừng xe ở đây để đổ xăng bao nhiêu lần trước khi anh đi nhậu hoặc khi anh đi nhậu trở về. Anh đã nghĩ gì trong những lần ấy"
Tự nhiên, tôi thấy nơi anh ở buồn quá. Buồn và cô quạnh, và không hiểu sao, tôi có thể nói là thê lương nữa. Tôi không biết anh nghĩ gì trong đầu mỗi lần đứng ở đây bơm xăng. Anh nghĩ gì không biết nhưng chắc anh phải cô đơn và nhớ bạn bè lắm.  Có cô đơn như thế anh mới phải đi nhiều. Đi nhiều để tìm những trận cười, để nói chuyện và tán dốc với anh em bạn bè... Đi để tìm lại những vùng trời đã bị đánh mất.
Sau đó, vì công việc, tôi phải lưu vong về thành phố Dallas sống, làm một anh cao bồi bất đắc dĩ. Tháng 9 năm ngoái, 2006, anh em nhảy dù ở Dallas làm lễ giỗ anh Liệu. Tôi đến nơi thấy bàn thờ anh đã được trang hoàng tề chỉnh, bạn bè đang đứng thành từng nhóm nói chuyện. Tôi tới trước bàn thờ anh Liệu, tính đốt nhang nhưng nhìn lại, tôi thấy hình như bàn thờ còn thiếu thiếu một cái gì. Nhìn kỹ hơn, tôi thấy nhang đèn hoa quả đầy đủ và biết thiếu cái gì liền. Tôi chạy ra xe, lấy hai chai rượu mình mang theo lễ mễ đặt lên bàn thờ anh.
Một người nào đó lột cái mũ đỏ mình đang đội trên đầu và đội lên tấm hình của anh...
Bây giờ thì tôi có thể đốt nhang và khấn vái. Tôi niệm với linh hồn anh đang tiêu diêu ở một nơi nào đó, xin anh về đây chứng dám cho tấm lòng thành của những người bạn, người em của anh.
Anh ra đi lúc tuổi còn quá trẻ, để lại không biết bao nhiêu là thương nhớ trong lòng mọi người. Sinh ra trong thời ly loạn, anh đã mặc áo nhà binh để phụng sự tổ quốc mình và đã trở thành một anh hùng cho thế hệ chúng tôi. Anh chính là một Lệnh Hồ Xung của đời. Lệnh Hồ Xung của nhảy dù Việt Nam. Tôi may mắn và hãnh diện biết bao khi được quen biết với anh, được anh coi như một đứa em, một người bạn.
Nhà văn Phan Nhật Nam đứng lên tuyên bố lời khai mạc. Sau đó, từng người một lên nói về anh. Tôi cũng lên, lí nhí vài lời, kể lại vài kỷ niệm với anh, nhưng không nói được nhiều. Nước mắt tôi chan hòa.
Mùa Xuân năm 2007, tôi bay sang Santa Anna đi nhậu với em của anh Liệu, ông Tô Phạm Thái. Trời đất, tôi tưởng ông Thái, em ông Liệu thì chắc phải biết uống rượu không nhiều thì ít. Nào ngờ, ông ấy chỉ uống cô ca làm cho tôi… thất vọng vô cùng. Ông Thái cũng có máu tếu giống như anh Liệu nhưng nói chuyện chẳng biết chửi thề, mặt mũi coi hiền lành ngoan ngoãn như một ông bụt. Chán bỏ xừ. Hình như, trong thiên hạ có bao nhiêu bồ rượu thì anh Liệu đã giành uống hết rồi, chẳng để cho ông em được bao nhiêu.
Chúng tôi ngồi ở một quán phở và tôi nói chuyện về tập thơ "Warman" mà anh Liệu tặng tôi hôm nào. Tôi bảo anh Thái đây là một sản phẩm vô cùng quý giá và tôi tự cảm thấy mình không đủ vinh hạnh để lưu giữ. Tôi muốn hoàn trả báu vật này lại cho gia đình anh Liệu. Đây không phải là một tập thơ thường mà một tập hồi ký trung thực viết dưới dạng thơ của một ông trung tá trong quân đội Hoa Kỳ. Không phải viết bằng mực mà bằng máu và nước mắt của những người lính nhảy dù Việt Nam…
Đây là một minh chứng hùng hồn về những can trường, những hy sinh vĩ đại, những uất hận khôn nguôi qua những trận đánh đẫm máu đến độ kinh hoàng của những người lính Việt Nam, không phải do một người lính Việt Nam viết mà một người lính Mỹ đã từng phục vụ với những người lính Việt Nam viết lại. Cuối cùng, đây một thiên hùng sử ca trung thật nhất dành cho một binh chủng oai hùng nhất của một quân lực cô đơn nhất, bất hạnh nhất trên thế giới. Một quân lực đã bị phản bội trắng trợn và bị bỏ rơi dễ dàng...
Con cháu anh Liệu cần có những tài liệu này làm hành trang cho chúng nó bước xuống cuộc đời. Với tập thơ này, chúng nó sẽ hãnh diện mà ngẩng mặt lên để nhìn đời, để chiến đấu và để hy vọng… Một tập thơ nhỏ không thể nào nói lên hết một cuộc chiến bi hùng kéo dài hàng chục năm với hàng triệu người ngã gục, nhưng cũng nói lên được một phần nào, dù rất nhỏ, cuốc chiến đấu và sự hy sinh can trường của cha anh, của một thế hệ…
Thôi nhé anh Liệu. Cuộc đời mà. Ai trong chúng ta rồi cũng đến một ngày phải chia tay mà thôi. Tử Biệt Sinh Ly. Sinh ra là chia lìa, chết đi là từ biệt, người xưa đã nói vậy. Điều quan trọng và đáng kể là ngày xưa anh đã sống một cuộc đời oai dũng và ngoại hạng. Ngày hôm nay lưu vong trên xứ người, tuy sống âm thầm lặng lẽ, nhưng anh vẫn giữ được tâm hồn hiên ngang bất khuất, coi rẻ tiền tài danh vọng, một lòng tận trung với tổ quốc, hết lòng với anh em bạn bè.
Trên đời này, dễ thử, có bao nhiêu người được như anh, anh Liệu"
Vong hồn anh linh thiêng, xin về phù trợ cho anh em ráng sống hết cuộc đời còn lại của mình, nếu không được hào sảng và ngang tàng như anh thì cũng đừng làm trò gì ô uế đến thanh danh của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đừng phản bội anh linh những bằng hữu của mình đã bất hạnh nằm xuống. Vong hồn anh bất khuất, xin trở về phù trợ cho những chiến sĩ chống Cộng được thành công trong việc quang phục quê hương, lật đổ chế độ Cộng Phỉ bạo tàn đang làm tan nát quê hương...
Hỡi A Lịch Sơn Thành Cuồng Thái Y, Việt Nhảy Dù, Ẩm Sĩ Tô Phạm Liệu ơi, Trường Sơn Lê Xuân Nhị này thương nhớ anh vô cùng…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.