Hôm nay,  

Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại: Hành Quân Thăng Long Tảo Thanh Lực Lượng Ly Khai

19/02/200500:00:00(Xem: 6688)
Kỳ 42:
LTS. Tiếp theo phần 1 của loạt bài " Vĩ tuyến 17, Hiệp định Genève, 50 năm nhìn lại", đăng vào số báo thứ Bảy hàng tuần, kể từ đầu tháng 9/2004, VB giới thiệu tiếp phần 2 về tình hình tại miền Nam từ sau Hiệp định Genève đến thời kỳ 1955-1956. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực VNCH trong giai đoạn 1946-1955( Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Đông Dương Hấp Hối của cựu Đại tướng Quân đội Pháp Henri Navarre; hồi ký của các cựu Tướng lãnh VNCH: cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, cựu Đại tướng Cao Văn Viên; Việc từng ngày 1945-1964 của tác giả Đoàn Thêm; tài liệu riêng của VB.
*Hành quân Thăng Long tảo thanh lực lượng Cao Đài ly khai
Sau khi kết thúc cuộc hành quân truy kích lực lượng của ông Trần Văn Soái tại Đồng Tháp, ngày 11-3-1956, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Nguyễn Huệ đã mở cuộc hành quân Thăng Long về phiá Đông Bắc Đồng Tháp. Cuộc hành quân này có mục đích tảo thanh các binh đội của lực lượng giáo phái Cao Đài ly khai tại vùng bất an ninh. Lực lượng xung kích của cuộc hành quân này là các đơn vị thuộc Sư đoàn 15 Khinh chiến .
Trong lộ trình tiến quân, các đơn vị của Sư đoàn Khinh chiến 15 đã có vài cuộc giao tranh kịch chiến với đối phương quanh vùng Trà Cú Thượng. Ngày 15 tháng 3/1956, lực lượng hành quân bắt được 1 trung tá của lực lượng Cao Đài ly khai tên là Huỳnh Văn Liễu.
Từ ngày 19 tháng 3/1956 đến ngày 24/3/1956, các cuộc hành quân của Sư đoàn 15 Khinh chiến tại các vùng tạm an ninh được chuyển thành các hoạt động tảo thanh địa phương, và các hoạt động hành chánh nhằm kêu gọi dân chúng hồi cư.
Ngày 24/3/1956, một số quân sĩ của lực lượng Cao Đài ly khai đã ra quy thuận gồm 56 người mang theo 47 vũ khí đủ loại.Sau vụ quy thuận này, cuộc hành quân Thăng Long chấm dứt với kết quả như sau.
-Tổn thất đối phương:
Chết: 63.
Tù binh: 60
Quy thuận: 56
Vũ khí bị tịch thu: 33 súng đủ loại
-Tổn thất của Lực lượng Quân đội VNCH.
Tử trận: 11
Bị thương: 20
Mất tích: 2
Vũ khí mất: 22 súng, trong đó có 1 súng cối
Sau ngày 24/3/1956, chiến trường Đồng Tháp vẫn chưa yên hẳn và luôn sôi động với các hoạt động của Việt Cộng nằm vùng liên kết với các phần tử ly khai còn lại. Tại đây, các nhóm quân này đã sử dụng miền biên giới bao la và bỏ ngỏ làm nơi trú ẩn và hoạt động. Các đơn vị Quân đội VNCH đã liên tục mở các cuộc hành quân tảo thanh nhưng không sao tiễu trừ hết được.
*Tổng lược về sự hình thành của các phụ lực quân giáo phái
Như đã trình bày, từ tháng năm 1955 đến tháng 3/ 1956, Quân lực VNCH đã mở hai chiến dịch để tảo thanh các lực lượng giáo phái ly khai hoạt động tại các tỉnh Miền Tây Nam phần. Đây là những lực lượng được hình thành vào giai đoạn1946-1950, và sau đó lần lượt hợp tác với lực lượng Liên Hiệp Pháp trong nỗ lực chống Việt Minh. Sau đây là những ghi nhận tổng lược về tiến trình hình thành các đơn vị giáo phái, và giai đoạn sát nhập vào Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Một số chi tiết đã được đề cập trong phần trình bày về các biến động quân sự tại miền Nam trong năm 1955.
Theo tài liệu quân sử, các binh đội giáo phái Cao Đài về hợp tác với lực lượng Liên Hiệp Pháp ngày 8-1-1947, binh đội giáo phái Hòa Hảo của ông Trần Văn Soái về hợp tác ngày 15-3-1947, binh đội của ông Lê Quang Vinh về ngày 30-1-1948, và binh đội của ông Nguyễn Giác Ngộ về hợp tác vào đầu 1952. Tất cả các binh đội này giai đoạn đầu được xem như vệ binh , tới năm 1949, các đơn vị vệ binh được chính quy hóa, nhưng các binh đội giáo phái do các cấp lãnh đạo giáo phái thành lập và Pháp tài trợ nên chỉ được hưởng theo quy chế phụ lực quân.

Ngày 15-5-1952, trong một bản nghiên cứu đề cập tới các đơn vị phụ lục quân tại Nam Việt, Bộ Tư lệnh lực lượng Liên Hiệp Pháp đã phân tích rằng phụ lực quân giáo phái là một tổ chức vô cùng phức tạp về nhiều mặt. Tại mỗi lực lượng giáo phái, tuy Pháp có một phái bộ cố vấn và liên lạc nhưng không thể nào kiểm soát được quân số thực sự.
Vào năm 1954, kế hoạch sát nhập binh đội và quân nhân các lực lượng giáo phái tại miền Nam vào Quân Đội Quốc gia VN được đề cập từ trước Hiệp định Genève vài tháng, nghĩa là từ khi nội các của Thủ tướng Ngô Đình Diệm bắt đầu thành hình. Theo quan điểm của Bộ Quốc phòng Quốc gia VN, việc sát nhập này nhằm vào các lực lượng võ trang giáo phái của Hòa Hảo và Cao Đài, là hai lực lượng giáo phái chính yếu. Chính phủ Quốc gia muốn kết hợp tất cả mọi lực lượng võ trang vào một mối, dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia VN. Việc sát nhập được ấn định bởi dụ số 24 QP ngày 10-4-1954, nhưng kế hoạch này chỉ được xúc tiến từ sau ngày đình chiến.
*Quân đội VNCH tái tổ chức các đơn vị giáo phái quy thuận.
Sau khi ấn định những đặc khoản này, Chính phủ Quốc gia Việt Nam ban hành lệnh sát nhập kể từ ngày 1-8-1954 các binh đội của giáo phái quy thuận : Một binh đội thuộc lực lượng Cao Đài của Trung tướng Nguyễn Thành Phương: 3 ngàn người. Một binh đội thuộc lực lượng Hòa Hảo của Trung tướng Trần Văn Soái: 3 ngàn người. Mộtbinh đội thuộc lực lượng Hòa Hảo của Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ: 3 ngàn người.Với những thành phần giáo phái này, những trung đoàn giáo phái sau nay đã được thành lập:Trung đoàn 58 thành lập 1-8-1954, nguồn gốc: binh đội 3 ngàn quân thuộc lực lượng Cao Đài của Trung tướng Nguyễn Thành Phương. Trung đoàn 59 thành lập 1-8-1954, nguồn quân số: binh đội 3 ngàn quân của lực lượng Hòa Hảo của Trung tướng Trần Văn Soái. Trung đoàn 57 thành lập ngày 1-8-1954, nguồn quân số: binh đội 3 ngàn quân của lực lượng Hòa Hảo của Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ.
6 tháng sau, vào mùa Xuân 1955, thêm 1 binh đội 2,600 người thuộc lực lượng Cao Đài của Tướng Trịnh Minh Thế về hợp tác với Chính phủ Quốc gia, một trung đoàn giáo phái được thành lập, đó là Trung đoàn 60 thành lập ngày 1-2-1955. Cuối tháng 3/1955, một binh đội khác gồm 5 ngàn người thuộc lực lượng củaTrung tướng Nguyễn Thành Phương về hợp tác, và Trung đoàn giáo phái thứ 5 được thành lập vào ngày 1-4-1955. Vào đầu tháng 8/1955, Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ hợp tác chặt chẻ với Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Một binh đội gồm 2 ngàn quân sĩ thuộc lực lượng của Tướng Nguyễn Giác Ngộ lại được chấp thuận gia nhập Quân đội Quốc gia Việt Nam thêm 1 Trung đoàn nữa, đó là Trung đoàn giáo phái thứ 6 được thành lập với danh hiệu Trung đoàn 63.
Trong một văn thư phổ biến vào tháng 7/1955, Chính phủ Quốc gia Việt Nam kêu gọi các lực lượng giáo phái phải sớm hoàn tất việc sát nhập trước ngày 1-10-1955. Sau thời hạn này, chỉ có Quân đội Quốc gia Việt Nam mới có quyền mang binh phục, những người nào mang trái phép sẽ bị bắt và truy tố trước pháp luật.
Ngày 1-8-1955, Chỉnh phủ giải tán các bộ chỉ huy và cơ cấu trực thuộc các giáo phái, để vấn đề thống nhất quân sự được thực hiện dễ dàng. Riêng đối với vấn đề sát nhập, Chính phủ Quốc gia Việt Nam và Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ đã chấp thuận một quân số phụ trội 10,000 người dành riêng để thu nhận quân nhân thuộc các lực lượng giáo phái, và ở ngoài quân số ấn định 150,000 quân nhân của Quân đội Quốc gia Việt Nam (cải danh thành Quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 26 tháng 10/1955).Kỳ sau: Tổng lược về lực lượng quân sự của giáo phái Hòa Hảo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.