Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

27/08/200700:00:00(Xem: 3072)

(Tiếp theo...)

Lãm từng nghe nói đến cái khoản viện phí phải đóng cho bệnh viện, chứ bệnh viện của nhà nước không có chữa trị miễn phí cho bệnh nhân bao giờ. Trong ý nghĩ của chàng, Lãm hình dung được một phần nào hoàn cảnh đơn chiếc thê thảm của Hằng trong cái nhà thương nhưng thực chất là một nơi chốn làm việc của những con người có trái tim tràn ngập sự ghét bỏ những người bất hạnh này. Có phải chăng chính bản thân những người làm việc trong cái nhà ghét này cũng là nạn nhân của một cái chế độ khắc nghiệt với đồng lương chết đói. Mỗi người đều mang vác trên vai nỗi bất hạnh riêng, thì họ còn có thể thương xót ai được nữa. Đã dấn càng lúc càng sâu vào cuộc đời của bé Lực, rồi đến Hằng, Lãm không thể phủi tay bỏ mặc họ với số mệnh nghiệt ngã.
-Thôi được rồi, tôi nhận hết mọi trách nhiệm. Bây giờ cảm phiền cô cho tôi đóng tiền viện phí và vui lòng cho tôi biết số phòng nằm của cô Hằng.
Lãm đặt lên bàn số tiền cô thư ký yêu cầu, kèm theo một tờ giấy bạc phụ trội:
-Đây cô nhận lấy và cho tôi biên nhận, còn số tiền này xin biếu riêng cô.
Cô gái sáng mắt lên, thái độ hòa hoãn hơn:
-Cám ơn ông, tôi chỉ làm theo quy định của bịnh viện thôi, ông thông cảm cho. Nguyễn... à chị Nguyễn Thị Hằng đang nằm dưỡng sức trong phòng số 23. Phòng này là phòng chung bốn giường hơi chật một chút, nếu ông muốn chuyển sang phòng đơn thì tôi có thể giúp ông.
-Được, tôi xin trả thêm tiền sai biệt, xin cô cho chuyển cô Hằng sang phòng mới ngay đi. Còn cái này là biếu thêm cô với các anh chị y công...
Cô gái nhìn Lãm đăm đăm bằng một ánh mắt kỳ dị:
-Anh muốn thế thì anh chịu khó ngồi chờ một chút, khi nào chị Hằng được chuyển phòng xong thì tôi nói cho anh biết. Anh là Việt kiều về thăm quê phải không"
Trong lòng cô thư ký phòng tiếp nhận đang nảy nở những toan tính đen tối, như những đóa hoa đầy gai mọc trên vùng đất xấu, rằng trước khi cái cô Hằng gì đó xuất viện, nàng phải tìm mọi cách moi thêm một ít nữa từ cái túi chắc rủng rỉnh tiền của gã Việt kiều hào phóng này. Còn khối chuyện mà cô gái có thể vẽ vời như tiền thuốc men, tiền vào nước biển hay tiền tiếp máu, tiền giặt giũ vải giường và quét dọn phòng cho y công, tiền bồi dưỡng bác sĩ và y tá, tiền chăm sóc riêng bệnh nhân với sự ưu ái đặc biệt, tiền bồi dưỡng sức khỏe với chế độ ăn uống "cao cấp" để chóng hồi phục, cùng nhiều thứ tiền hằm bà lằng trời ơi đất hỡi khác mà nàng có thể nghĩ ra được, hoặc chính những người điều hành bệnh viện đã quy định thế. Những bệnh nhân nghèo không thể thỏa mãn được hết những khoản phụ phí ấy thì chỉ có có thể gạt nước mắt giã từ nhà thương trở về nhà nằm chờ chết. Những cái bệnh viện từ thời nguyên thủy người ta xây dựng lên cách đây cũng phải hơn nửa thế kỷ, hay ít nhất mấy mươi năm về trước cùng những con người làm việc trong đó, tất cả đã được trân trọng trao cho cái chức năng nhân đạo, là cứu chữa con người, là thể hiện một thứ  tình cảm từ ái thiêng liêng giữa con người với con người. Nhưng ngày nay, thì những quan niệm duy linh cao quý ấy đã trở thành lỗi thời, là những khái niệm xa lạ và xa xỉ không còn hiện hữu trong cái chế độ xã hội chủ nghĩa, không có trong tự điển y khoa của nó nữa.
-Cô có thể nói cho tôi biết tình trạng sức khỏe của cô Hằng hiện nay ra sao rồi không"
Những đồng tiền thơm phức của Lãm nằm trong túi cô gái như một liều thuốc thần diệu có khả năng biến đôi môi mím chặt của nàng bừng nở thành một nụ cười rất đẹp, như một đóa hoa tươi dưới những tia nắng sớm:
-Anh yên tâm đi, nhờ vào sự tận tâm cấp cứu của bệnh viện, chị Hằng đã thoát khỏi tay tử thần. Hiện các bác sĩ đang theo dõi tình trạng sức khỏe của chị ấy, để bảo đảm chị sớm bình phục và xuất viện. À, bệnh viện có chế độ chăm sóc đặc biệt, bồi dưỡng ăn uống, thuốc men ngoại chọn lọc, nếu anh quan tâm thì chúng tôi có thể đưa tên chị Hằng vào chế độ. Các bác sĩ và y tá lành nghề nhất rất vui lòng phục vụ bệnh nhân...
Từng là một cậu bé được sinh ra trên mảnh đất này, từng được nuôi trồng bằng thứ giáo dục xã hội cộng sản, làm gì Lãm không biết cái chế độ đặc biệt mà cô thư ký vừa đề nghị nó tiềm ẩn những mối nguy hiểm chết người, nói một cách chính xác, cho cái túi tiền của chàng. Lãm thận trọng không dám trả lời ngay, bởi Lãm biết khi chàng ưng chịu cho cái chế độ cao cả ấy tác dụng lên cô Hằng, thì hàng loạt những thứ đề nghị và đòi hỏi khác sẽ rùng rùng kéo đến, như những đợt sóng biển xô đẩy chồng chất lên nhau vỗ vào bờ cát không bao giờ dứt. Cô thư ký tưởng chàng là một ông giám đốc giàu sụ với cái túi tiền rủng rỉnh những đồng đô la thơm phức chắc. Tình thực thì Lãm cũng chỉ là một anh kỹ sư quèn có đồng lương cố định. Năm, ba ngàn đô la cho mỗi tháng lương đâu có phải là những con số vô giới hạn. Tiền thuế của chính phủ Đức đã ngoạm một miếng lớn ơi là lớn vào cái khoản thu khiêm nhường của Lãm. Rồi tiền trả nợ cho căn nhà nhỏ chàng mua ở Frankfurt, cùng đủ thứ biu biếc mỗi tháng cứ bay đến như những cánh bướm rơi chồng chất lên chiếc bàn giấy của chàng. Trả hết ngần ấy thứ, Lãm đã thấy ngất ngư lắm rồi, trong túi chỉ còn một ít tiền cỏn con bỏ vào trương mục ngân hàng, gọi là để dành cho những ngày mưa nắng cơ cầu.  Lãm đành thở dài tìm lời từ chối khéo:
-Cám ơn cô đã chỉ dẫn rõ, nhưng tôi nghĩ bệnh viện làm việc tận tụy như thế đã là đáng quý lắm rồi. Với lại tôi cũng chẳng phải là ruột thịt thân thích gì với cô Hằng, thôi thì xin cứ cho cô ấy được bình thường như mọi bệnh nhân khác.
Nụ cười trên đôi môi tươi thắm của cô thư ký héo úa dần, đôi mắt nàng tối sầm:
-Anh tính thế cũng tốt...
Một người nữ y công trong bộ quần áo màu xám sậm bước ra đến gần bàn cô thư ký báo tin:
-Chị Lý ơi, chúng em đã chuyển phòng cho cô Hằng xong rồi.
Lý gật đầu nói nhỏ:
-Ừ, tốt, lát nữa em đến gặp chị nhé, có niềm vui chờ đợi đấy.
Cô y công tươi ngay nét mặt, nàng hiểu ngay Lý ám chỉ cái gì:
-Cám ơn chị Lý.
Lý quay sang Lãm nói:
-Bây giờ thì anh vào thăm chị Hằng được rồi đó, anh có thể đi theo cô này.
Cô y công nhìn Lãm sốt sắng:
-Ông đi theo em, phòng cô Hằng cũng ở gần đây thôi...

*

Ăn vội được một ít cơm, Hằng thu dọn nhà bếp tươm tất đâu vào đấy. Hằng không muốn ăn mấy, bởi đầu lưỡi đắng chát lạ lùng, những cái gai vị giác dường như đã bị tê liệt, nên thức ăn đưa vào miệng nàng thấy nhạt nhẽo làm sao. Những búng cơm lạo xạo giữa hai hàm răng như những mảnh giấy vụn. Hằng cố nuốt lấy lưng bát cơm, rồi đành chịu thua, không thể ăn thêm được nữa. Từ mấy tuần qua, sau khi ở bệnh viện về, Hằng tự biết trong người còn mỏi mệt và yếu ớt lắm, nhưng thương bọn trẻ nghèo hàng xóm, nàng gắng gượng mở lại lớp học, bởi e bỏ lâu chúng quên mất chữ. Bọn trẻ ngày đi bán rong, hay vác bao ra những bãi rác nhặt đồ phế thải, đêm cắp sách đến lớp học có đứa gục đầu lên bàn ngủ ngon lành, hay cứ chập chờn nửa tỉnh nửa mê. Cô giáo giảng bài chúng có thu nhận được gì nhiều đâu, cứ vào bên tai này rồi bay mất ra khỏi tai kia. Lớp học thì tạp nham như một đoàn quân ô hợp với đủ loại trình độ, từ hoàn toàn dốt đặc, đến khá lắm thì lỏm bỏm chữ được chữ mất như thằng bé Lực chẳng hạn. Cũng có một vài đứa đọc viết thông thạo, làm bốn phép tính không tồi lắm như anh em con Lành, Hằng bèn giao cho chúng kềm cặp bọn kia giúp nàng một tay. Được Lành đích thân dạy dỗ cho, Lực chẳng những không thấy xấu hổ mà ngược lại, nó thích lắm, lòng thầm mong ước cứ được nghe mãi cái giọng nói trong trẻo, líu lo như tiếng chim hát của cô bạn gái. Chuyện học hành của Lực tiến triển thấy rõ. Từ đáy tiềm thức của thằng bé, chữ nghĩa bỏ quên trong quá khứ và trong mái trường cũ ở quê nghèo, được chị Hằng đánh thức, chúng lũ lượt trỗi dậy, như những hồn ma từ dưới đáy mồ chui lên nhảy múa reo vui dưới ánh trăng tơ vàng.
Bỏ mặc lũ chén dĩa được tắm mát nằm thảnh thơi trong chiếc rỗ nhựa đặt bên cạnh cái bếp lò đốt bằng dầu, Hằng lên nhà trên bật công tắc đèn, nàng ngồi vào chiếc ghế đằng sau chiếc bàn gỗ nhỏ sắp xếp lại chồng tập vở của bọn học trò,  chuẩn bị cho buổi học tối thường lệ. Ánh đèn vàng nhợt nhạt của chiếc đèn bóng duy nhất treo trên cao tỏa xuống không đủ soi sáng cho cái phòng học, mà vốn cũng đã nhỏ bé lắm rồi. Căn nhà nhỏ như một cái hộp của Hằng chỉ ngăn được có hai phần. Phần trên chiếm gần hết diện tích được dùng làm phòng khách lẫn phòng ngủ. Một chiếc giường ngủ lợp bằng vải kaki mỗi sáng Hằng xếp lại dựng trong góc phòng. Một cái tủ nho nhỏ chắn ngang chia đôi căn nhà, Hằng đóng một cây đinh trên góc cao, giăng một sợi dây kẽm sang một cây đinh trên vách đối diện để mắc một tấm màn vải. Những cô bạn làm trong hãng thỉnh thoảng có đến chơi, hay bà con láng giềng sang thăm thì cái căn bếp nhỏ bé đã được ẩn nấp đằng sau tấm màn vải, để không ai có thể trông thấy cái nội dung nghèo nàn, đơn sơ của những món đồ vật chứa trong lòng nó. Nhưng khi lớp học của Hằng phềnh to lên, thêm năm, bảy cô chú học trò nhỏ nữa được cha mẹ dắt đến xin cho vào học, thì Hằng đành dẹp bỏ tấm màn cho bọn trẻ ngồi học bên chiếc bàn bếp.
Hằng buồn rầu nhìn những chiếc bàn cùng những chiếc ghế thấp xiêu vẹo nằm câm nín ủ ê trong cõi ánh sáng tù mù. Những ông chú hàng xóm đã thu nhặt được ở đâu đó những mảnh ván vụn đem về gia công đóng lấy. Cái trường học nhỏ của Hằng nghèo lắm, không có tiền trả điện phí, cố gắng lắm Hằng chỉ có thể mắc được một cái bóng điện một trăm hai chục oát, tương đối có một ánh sáng tối thiểu để bọn trẻ có thể nhìn vào tập vở và đọc chữ được. Hằng đâu có bao giờ nghĩ rằng nàng sẽ là cô giáo của cái ngôi trường ngộ nghĩnh và khốn khổ quá đỗi này. Bàn ghế thì thiếu thốn mà bọn trẻ con thì thừa thải, Hằng khổ sở không biết phải thu xếp chỗ ngồi như thế nào. Thôi thì cứ ưu tiên cho mấy em học trò nhỏ tuổi nhất và các cô bé, còn các cu cậu nhóc lớn tuổi như Lực với Hiền, nàng bảo chúng ngồi bệt trên đất mà học. Những đứa trẻ hàng xóm có điều kiện tương đối hơn, chúng mang đến lớp học những chiếc ghế thấp lè tè chỉ ngang tầm ngực lúc ngồi xổm thay cho những cái bàn học. Cái lớp học được thành hình từ sáng kiến của chú Lắm, sau khi Hằng bị chủ hãng cho thôi việc. Nghe con gái lớn của chú là con bé Liên kể lại tình cảnh khốn đốn của Hằng, ông già thấy ái ngại lắm, bởi Hằng rất được lòng bà con chòm xóm vì tính tình hiền hậu, nết na đằm thắm của nàng. Người ta bảo cái nết đánh chết cái đẹp, nhưng ở Hằng, không có cái nào giết chết cái nào hết, vì con người nàng được thượng đế ưu ái ban cho đủ cả hai cái đặc tính đó.


Mỗi buổi chiều, người dân trong cái xóm nhỏ bên nghĩa trang đã rất quen thuộc với cái dáng đi uyển chuyển của Hằng trên con đường đất nhỏ, dẫu trong bộ đồng phục công nhân mộc mạc, mà từ toàn bộ con người cùng khuôn mặt của nàng hừng sáng lên những đường nét duyên dáng diễm lệ, như một nàng tiên ẩn náu dưới lớp vỏ bọc của người trần thế. Hằng không từ bỏ cơ hội nào để đưa bàn tay thon nhỏ mềm mại lên vẫy chào những người láng giềng trong xóm mà nàng gặp gỡ trên đường. Hằng thong thả sánh bước với mấy bà dì bán hàng quảy gánh kẽo kẹt, vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Hằng rất thích lắng tai nghe họ kể lể những mẫu chuyện đời, khéo léo góp ý hay an ủi vài ba câu, cho các bà cảm thấy vơi đi được chút nào những nỗi ưu tư oằn nặng trong lòng từ cuộc sống vất vả thường hằng. Mấy bà thường hay túm tụm đằng sau lưng Hằng, không phải là nói xấu nhưng mà là xuýt xoa cùng nhau:
- Cái cô Hằng đó nết đã đẹp mà con người còn đẹp hơn. Cái gia đình nào được một cô con dâu như thế chắc là kiếp trước đã tu đến mấy đời...
Nhưng có một buổi chiều xám ảm đạm, những người cùng đi trên con đường nhỏ với nàng, đã ngạc nhiên trông thấy một cô Hằng xa lạ và ủ ê. Nàng gượng cười chào hỏi mọi người, nhưng lại cúi gằm mặt xuống, đôi má hồng mịn đã tái xanh, như một con người đang trong cơn bệnh ngặt, đôi mắt thẫn thờ chăm chăm nhìn theo từng bước chân của chính nàng. Chiều ngày hôm sau, mấy bà bán hàng quảy gánh về không còn trông thấy cái dáng vẻ thân thương của Hằng nữa, thì các bà đã hỏi nhau, cái gì đã xảy đến cho cô gái ấy. Con bé Liên vẫn thường hay chạy sang Hằng mỗi tối, hai chị em thủ thỉ kể cho nhau nghe những tâm sự thầm kín từ đáy lòng. Một cô gái ba mươi lỡ thì, một thiếu nữ trong độ tuổi trăng non chưa từng một lần con tim được rung động vì tình yêu, cùng tỉ tê thêu dệt những chuyện tình cảm không có thật, đưa nhau vào những cuộc phiêu lưu tình ái lãng mạn trong khu vườn hoa ngát hương. Mỗi người ấp ủ riêng trong lòng khuôn mặt của một người tình còn chưa biết mặt, lung linh hư ảo như trong truyện cổ tích. Thỉnh thoảng thằng em con bé Liên là chú nhóc Linh cũng ôm vở chạy sang nhờ chị Hằng dạy cho mấy chữ, vì chú thím Lắm không còn khả năng cho bọn anh em nó đến trường nữa. Một cu cậu được chị Hằng dạy học cho, thì tại sao những nhóc con khác cũng ở trong cái xóm nghèo này không được hưởng cùng cái tiêu chuẩn ấy chứ. Hằng đêm, căn nhà nhỏ của Hằng rộn lên những tiếng trẻ ê a học vần, Hằng vô hình chung đã trở thành một cô giáo lúc nào chẳng rõ.
Nên khi con bé Liên kể lại tình cảnh quẫn bách của chị Hằng, thì chú Lắm đã tìm gặp mấy ông bạn trong xóm, bàn bạc tìm cách giúp đỡ cho nàng. Chính là trong những lúc như thế này, cái tình hàng xóm và cái nghĩa giữa con người với con người mới được dịp nảy nở lên đến đỉnh cao nhất. Mấy ông chú đến gõ cửa nhà Hằng đề nghị nàng nhận lời dạy học cho bọn trẻ trong xóm mỗi tối, coi như là một món thu nhập nho nhỏ giữa lúc còn chưa tìm được việc làm mới. Cảm xúc trước tấm lòng của những con người cùng chia sẻ với nhau kiếp sống ảm đạm và cay cực trên cái mảnh đất hoang liêu tịch mịch đầy những linh ảnh ma quái này, Hằng nghẹn ngào nhận lời:
-Các bác các chú đã tận tình nói thế thì cháu xin nhận, nhưng cho phép cháu không nhận thù lao, vì cháu xem các em như em của cháu ở quê nhà, giúp các em không đủ, có đâu còn lấy tiền của các bác các chú nữa...
Chú Lắm xua tay phản đối:
-Không được đâu, con em chúng tôi có đến trường nhà nước học thì chúng tôi cũng phải chạy tiền đóng cho các cháu. Các cháu đến học với cô Hằng thì cũng như học ở trường, chúng tôi có bổn phận phải đóng góp với cô, xin cô đừng từ chối. Cô không nhận thù lao, chúng tôi sẽ không dám đưa con em đến đâu...
Mấy chú khẩn khoản quá, Hằng từ chối mãi không được, đành phải rưng rưng nước mắt nhận lời:
-Thôi thì cháu cũng cố gắng, nhưng mà cháu đâu có biết làm cô giáo bao giờ, với lại cháu cũng không đủ khả năng sắm bàn ghế cho các em học nữa.
Bác Phước, một người thợ mộc làm trong một cửa hàng đóng bàn ghế xoa tay vui vẻ:
-Chuyện gì cũng có thể giải quyết được hết, miễn cô Hằng bằng lòng trước là được rồi. Bàn ghế chúng tôi sẽ mang đến cho cô.
Một buổi tối Chúa Nhật, chú Lắm, người hàng xóm dựng căn nhà cùng chung bức vách ván mỏng với ngôi nhà nhỏ của Hằng, đem cái bao thư tiền học của bọn trẻ đến trao cho cô giáo, đã phát giác cái thân xác lạnh giá của cô cháu gái nằm sóng soài trên nền đất, ông già chạy ra ngoài kêu toáng lên:
-Xóm giềng ơi, bà con ơi, đến đây nhanh lên nào, cô Hằng làm sao rồi...
Chú Lắm chạy trở vào, chú cúi xuống lo lắng nhìn khuôn mặt tím bầm của Hằng, đôi mắt nhắm nghiền thiêm thiếp, từ khóe miệng nàng trào ra mấy bọt nước dãi trắng xóa, mùi thuốc tây xông lên nồng nặc. Người đàn ông rên lên trong lòng. Thôi chết, con bé nó uống lầm thuốc, hoặc nó tự tử cũng không biết chừng. Thật may mắn, Hằng chọn ban đêm để tìm lấy cái chết, nên hàng xóm người người đều đã về nhà gần đủ hết, nên người ta kéo nhau chạy đến, chẳng mấy chốc mà căn phòng trước đã không còn chỗ để đứng nữa. Chú Lắm buộc phải đẩy hết mọi người ra ngoài, chỉ giữ lại một vài ông bạn thân, chú bảo chú Tám ba gác:
-Anh Tám đem xe ra, tôi bế cô Hằng lên, rồi mình chở cô ấy vào bệnh viện.
Chú Tám hỏi:
-Cô Hằng bị sao vậy anh"
Chú Lắm thở dài:
-Dường như là tự tử thì phải, tôi chỉ đoán vậy thôi.
-Anh xem thử cô ấy sống chết thế náo"
Chú Lắm đặt mấy ngón tay trước mũi Hằng nghe ngóng, làn da cảm nhận được hơi thở ấm, mỏng mảnh như tơ của nàng:
-Thật may mắn quá, cô Hằng còn sống anh ơi...
-Cô Hằng thường ngày vui vẻ với chòm xóm lắm mà, cô buồn chuyện gì thế"
Chú Lắm lắc đầu:
-Ai biết được, anh hỏi ít chút được không, mình phải tranh thủ thời gian cứu cô Hằng kẻo muộn.
-Ừ, phải.
Chú Tám chạy vù về nhà hối hả đẩy chiếc xe ba gác ra, thím Tám ôm một chiếc chiếu chạy theo trải lên lòng xe. Khi chú Lắm nhẹ nhàng đặt cái thân thể mềm nhũn của Hằng xuống mặt chiếu, thì thím Tám phủ lên người nàng một tấm mền mỏng và đưa cho chú chai dầu khuynh diệp:
-Anh đem theo cái nầy xức cho cô Hằng.
Chú Tám nạt ngang:
-Bà này lạ chưa, cánh đàn ông chúng tôi làm sao xức cho cô Hằng được. Bà muốn xức thì leo lên ngồi đàng sau.
Thím Tám cười bẻn lẻn:
-Ông nói đúng, tui phải đi theo coi chừng cô Hằng, dầu gì cũng là phụ nữ với nhau.
Chiếc xe ba gác của chú Tám phóng vù vù trên con đường xa lộ thẳng tắp, thím Tám ôm chặc lấy cái vòng bụng tròn trịa cứng ngắc như một khúc gỗ của chú kêu lên:
-Vừa vừa chớ ông, chạy gì như ma đuổi vậy, coi chừng công an nó thổi còi phạt giam xe chết đói cả đám bây giờ.
Chiếc xe vừa dừng lại trước phòng cấp cứu, chú Lắm nhảy xuống xe bế Hằng chạy vào, chú đưa mắt tìm một cái giường hay một cái gì có thể khả dĩ đặt Hằng nằm xuống. Chú Lắm trông thấy mấy người y công đang đẩy một chiếc giường cấp cứu trống ép sát vào vách, chắc là mới vừa chuyển một con bệnh vào phòng trong, mừng quá, chú bế cô gái chạy đến hối hả nói:
-Mấy cô ơi, làm ơn cứu giùm con cháu tôi...
Cô y công trẻ đón lấy cái thân thể lạnh buốt của Hằng đặt nằm dài lên trên chiếc giường:
-Chú để chị này nằm đây, chú đến bàn thư ký báo cáo đi.
Chú Lắm gãi đầu:
-Mấy cô không thể đem cháu tôi vào cứu cấp ngay được sao"
Cô gái lắc đầu:
-Phải qua thủ tục chú ơi!
Chú Lắm đành chạy đến chiếc bàn của cô thư ký, để khổ sở nhận ra rằng, đang có một hàng người dài thườn thượt đứng chờ. Chú Lắm làm liều vượt lên bước đến trước mặt cô thư ký, nỗi lo lắng xúc động làm cho đầu lưỡi chú tê cứng:
-Cô ơi, làm ơn cho... cho... tôi báo cáo...
Cô thư ký xua tay:
-Ông  xuống dưới kia xếp hàng với người ta, khi nào đến lượt thì ông báo cáo... Người kế tiếp!
Giận dữ lẫn với bối rối, chú Lắm càng lắp bắp tợn:
-Không... không... được... con cháu tôi nó uống lầm thuốc sắp chết... cô... cô... làm ơn cho cháu vào trước.
Lý nhìn lên, đôi mắt trong suốt không phản ảnh một chút tình cảm nào:
-Nếu là tai nạn thì chúng tôi cho ưu tiên, còn uống thuốc tự tử thì phải chờ, bệnh viện thiếu người cấp cứu.
-Con cháu tôi đâu có tự tử, xin cô thương tình cho biết chúng tôi phải chờ đến bao lâu ạ"
Lý mím môi lạnh lùng:
-Không biết, khi nào cứu hết người tai nạn thì đến lượt cháu ông...
-Trời ơi, đến lúc đó thì nó đã chết rồi còn đâu.
Một bà đứng tuổi phía sau chú Lắm theo dõi câu chuyện từ đầu, động lòng xốn xang, bà kêu lên:
-Ở đây không có ai bị tai nạn giao thông hay dao súng gì, vậy cô cho người ta vào trước đi.
Lý miễn cưỡng giở cuốn sổ nhận bệnh ra:
-Ai cũng đòi vào trước, cái bệnh viện này đến loạn mất... Cô cháu chú tên gì"
-Dạ Hằng.
-Cái gì Hằng, bao nhiêu tuổi"
-Da... dạ… không rõ!
Lý ném cây bút xuống mặt bàn ngẩng đầu lên mở to mắt:
-Trời ơi, cháu chú mà chú không biết họ à"
Chú Lắm vò đầu:
-Dạ... chỉ là con cháu bên hàng xóm thôi, thấy nó gần chết nên chúng tôi lấy xe chở vào.
Lý cầm bút lên hỏi cộc lốc:
-Cô Hằng cư ngụ ở đâu"
-Dạ ấp Bình An, xã Hiệp Thắng, huyện Dĩ An ạ.
-Chú đóng tiền nhập viện đi!
Ông chú tốt bụng giật mình như dẫm phải lửa:
-Dạ... nhập viện... dạ... bao nhiêu ạ"
-Năm trăm ngàn đồng!
Chú Lắm ngỡ là đã nghe lầm. Trời ơi, chú đào đâu ra số tiền lớn như thế. Làm quần quật chỉ đủ chạy gạo ăn từng ngày một cho một đàn con năm, bảy đứa nheo nhóc đã vất vả lắm rồi, chú Lắm chưa bao giờ dám mơ tưởng đến chuyện có dư ngần ấy tiền trong nhà. Ông già gãi đầu gượng gạo:
-Dạ, cô thương tình, cô Hằng sống độc thân chẳng có tiền bạc gì, mà hàng xóm chúng tôi trong ấp cũng bữa đói, bữa no, chúng tôi... chúng tôi... không có...
Người đàn bà tốt bụng đứng phiá sau chú Lắm lại chen vào:
-Lương y như từ mẫu, cấp cứu người ta trước đi cô ơi, chuyện tiền bạc tính sao, nếu cô ấy còn sống thì cô còn nằm đó, chớ có chạy đâu mất mà sợ, rồi từ từ người ta cũng có tiền trả cho bịnh viện mà.
Trước những lời tiềm ẩn đầy những mỉa mai chua cay của người đàn bà, Lý không thể viện ra lý lẽ gì để từ chối được, nàng sa sầm mặt:
-Thôi được rồi, quy định là quy định của nhà nước, chứ tôi có quyền gì mà mấy người nói thế. Để cho cái cô đó nằm ườn ra giữa công chúng, bệnh viện chúng tôi đẹp mặt lắm à...
Chú thím Tám và chú Lắm ngồi trên chiếc băng gỗ dài đặt sát bên tường của phòng tiếp nhận, trong lòng mỗi người dậy lên nỗi lo lắng xốn xang, rằng liệu sau một khoảng thời gian dài trên xa lộ và sự trì trệ từ cái cô thư ký lạnh lùng kia, Hằng có còn cơ may nào sống sót không. Chú Tám hỏi ông bạn già:
-Trong lúc chờ đợi thì anh kể cho vợ chồng tôi nghe chuyện cô Hằng bị hãng đuổi việc đi.
Chú Lắm thở dài:
-Chuyện buồn lắm anh à.
Chú Tám đưa hai tay ra:
-Bị đuổi việc mà vui được sao, anh nói nghe lạ.
-Hừ, mấy thằng chủ Đại Hàn nó muốn cô Hằng, nó mời cô Hằng vào phòng kín hứa cho nhiều tiền để cho nó tự do sờ mó sàm sỡ...
Ông già gục đầu ảo não:
-Cái Liên nhà tôi nó kể rằng, cô Hằng kháng cự kịch liệt lắm. Lão chủ dụ dỗ mãi, không làm gì được, hắn vu cho cô Hằng với mấy cô thợ khác ăn trộm tài sản của hãng. Hắn đem mấy cô ra giữa sân bắt toàn thể công nhân chứng kiến, rồi cho mấy mụ cai lột áo bóp nặn thân thể các cô rất thô bạo, mấy cô đều ngã ra xỉu cả, anh thấy có thảm thương không" (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.