Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

30/07/200700:00:00(Xem: 3106)

(Tiếp theo...)

Một người trung niên mặc sắc phục công an màu xanh rêu, đầu đội nón cát kết vành lưỡi liềm, dắt chiếc xe gắn máy kiểu thể thao bóng loáng vào trong trụ sở đồn công an. Đám ông bà chủ nhân dân đang đứng xếp hàng chờ được cô thư ký tiếp kiến phải giãn ra một bên nhường chỗ cho vị đầy tớ khả kính đem xe vào. Người đại úy công an dựng chiếc xe lên sát vào bên vách tường phía đằng sau cái bàn giấy làm việc của anh ta. Dượng Tư định bước tới báo cáo cái vụ thằng Sáng, thì hắn phải sựng lại, vì anh công an đang lom khom cúi xuống khóa chiếc xe. Khi gã công an quay người lại, bắt gặp tia nhìn của dượng Tư, gã vừa cười vừa ngượng nghịu nói:
-Cho chắc ăn.
Trời đất, dượng Tư tự hỏi lòng, chiếc xe đã nằm an toàn êm ái tận trong đồn công an như thế kia, mà gã thủ trưởng vẫn phải khóa xe cho chắc ăn sao. Người đại úy ngồi vào bàn, lấy lại vẻ chễm chệ của một viên chức nhà nước và là một người đầy tớ tận tụy của nhân dân, hai tay trịnh trọng đặt lên mặt bàn, gã hất hàm hỏi dượng Tư bằng một giọng không mấy thân thiện, nếu không muốn nói là hách dịch:
-Anh có việc gì thì qua xếp hàng với bà con ta, thường vụ giải quyết cho.
Dượng Tư khúm núm:
-Dạ thưa đại úy, chị thường vụ biểu tui qua báo cáo với đại úy trưởng đồn ạ.
Gã công an kéo chiếc cặp táp da đen bóng từ dưới đùi lên đặt vào một góc bàn, lúi húi móc lấy con dấu và cái hộp mực, giở cuốn sổ dầy lớn ghi công tác hàng ngày ra, với tay lấy một cây viết bấm trong cái hộp nhựa:
-Rồi, anh muốn báo gì thì báo đi.
Trước những động tác rất chuyên nghiệp của người trưởng đồn, như sẵn sàng giải quyết công việc của dân trong một cái nháy mắt, lòng dượng Tư trào dâng một niềm hy vọng, hắn giả vờ nhũn nhặn hơn để lấy cảm tình của gã công an, hầu có thể chấm dứt sớm vụ thằng Sáng, bởi hắn còn nhiều công việc rất quan trọng cần phải thực hiện ngay.
-Dạ thưa đại úy, tui xin báo cáo có một cái xác vô thừa nhận của một em bé ở hẻm số 235 đường Cách Mạng Tháng Tám, xin đại úy vui lòng cho người đến thu dọn ạ.
Gã thủ trưởng đang xoay xoay cây viết trong tay chờ ghi chép vào sổ công tác, cây viết dừng lại bất động trên khoảng giấy trắng, hắn lắc đầu:
-Anh đi lầm chỗ rồi, đồn công an chúng tôi không phụ trách về dọn dẹp xác chết, trừ khi là do án mạng.
Niềm hy vọng của dượng Tư đang nở phình to như một cái bong bóng bỗng xẹp xuống nhanh chóng, hắn gãi đầu bối rối cố giấu vẻ bực mình:
-Nhưng mà... tui chỉ là một người qua đường, tui thấy thằng nhỏ đáng thương nên ghé vào đây báo cáo anh rõ, tui tưởng phần còn lại là tùy vào đồn công an chớ.
Gã thủ trưởng nhíu mày nhìn chằm chằm vào mặt dượng Tư dò xét thái độ:
-Cái xác đó tại sao chết, bệnh hoạn hay do án mạng"
Dượng Tư rùng vai:
-Dạ tui không rõ, chỉ thấy nó nằm chết vậy thôi.
Gã công an dường như không quan tâm nhiều đến cái chết vô thừa nhận của một thằng bé hèn mọn nào đó, hắn chỉ chú ý đến những cái hình xâm hé lộ trên cánh tay gân guốc dưới ống tay áo của người đàn ông. Hừ, một thằng cha cứng cựa đây, nhìn cái mặt có cô hồn như thế kia, chắc cũng là dân anh chị thì phải.
-Anh cư ngụ ở đâu"
Dượng Tư cố dằn cơn giận dữ đã bốc cháy trong tim:
-Tui ở gần khu Lăng Ông Bà Chiểu.
-Anh đi đâu mà chạy qua Cách Mạng Tháng Tám"
-Tui đi làm.
-Anh đi làm ở đâu"
-Dạ tui làm thợ hồ cho một công trường xây cất.
Dượng Tư trả lời trơn tru như trục bánh xe bôi mỡ bò, gã đại úy thấy không còn gì để hỏi, hắn khoát tay:
-Thôi anh đi làm đi...
Dượng Tư ngần ngừ hỏi:
-Còn cái thây thằng nhỏ thì sao ạ"
-Anh khéo lo, tự nhiên thì cũng có người tới dọn nó đi.
Dượng Tư không thể không chửi thầm trong lòng. Mẹ nó, cái xác nằm đó chương sình không có ai báo cáo, ba ngày cũng chưa chắc có ma nào mò tới, hắn đành phải hỏi cho ra lẽ:
-Nếu đồn không dọn xác thì ít nhất đại úy chỉ cho tui biết cơ quan nào phụ trách để tui đi báo cáo chớ"
Gã thủ trưởng ngã người dựa vào ghế cắn cây viết giữa hai hàm răng nhìn người đàn ông, cái dáng vẻ bồn chồn của dượng Tư không qua nổi cặp mắt cú vọ nhà nghề của hắn:
-Làm gì mà anh nôn nóng dữ vậy"
Dượng Tư cũng đâu phải tay vừa, hắn tìm cách đánh lạc hướng gã công an ngay:
-Làm ơn thì làm ơn cho trót đại úy, người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận mà... Đại úy làm ơn chỉ cho tui biết, tui còn đi làm nữa.
Người công an gục gặc đầu:
-Anh chạy qua Sở Vệ Sinh thành phố hỏi bộ phận thu dọn và mai táng.
Dượng Tư thử ném ra một viên đá thăm dò:
-Hay là xin đại úy gọi giùm qua đó, chớ tui chạy tới chạy lui đến trưa không trình diện công trường, mấy thằng cai dù nó đuổi tui mất, làm ơn chẳng có xơ múi gì mà còn bị mất việc, thế mới đau.
Lần đầu tiên dượng Tư nhìn thấy cái cười mỉm của người trưởng đồn, có lẽ bởi cách nói ví von nửa  khôi hài nửa tục tĩu của hắn, gã công an mở ngăn tủ kéo ra một cuốn sách khá dầy hí hoáy lật tìm. Được một lúc, người công an bốc cái điện thoại đặt trên bàn lên bấm số:
-A lô, có phải Sở Vệ Sinh thành phố không" Chúng tôi bên đồn công an đây... Cho xin bộ phận thu dọn và mai táng... Đúng rồi, chào anh... À, có một cái xác chết vô thừa nhận trong hẻm số 235 đường Cách Mạng Tháng Tám, báo cáo anh rõ để quyết định... Sao à... phải đến chiều à... Thôi được, cám ơn anh...
Gã trưởng đồn quay qua dượng Tư:
-Anh nghe hết rồi đó, đến chiều có người tới thu dọn, bây giờ thì anh đi làm được rồi.
Dượng Tư giả vờ cóm róm với nụ cười tươi:
-Cám ơn đại úy, hôm nào gặp lại mời đại úy ly cà phê.
Không chờ nghe người công an trả lời, dượng Tư phóng ra khỏi cửa ngay, nấn ná lần khân hắn chịu, đòi hẹn ngày đi uống cà phê thật thì bỏ mẹ. Chơi với ai thì được, chứ chơi với công an thì coi bộ không khá. Dượng Tư chở thằng bé Hiền ra mấy cái quầy bán quần áo lựa mua cho nó một bộ mới toanh, làm cho thằng nhỏ trợn trừng mắt nhìn hắn:
-Dượng Tư mua đồ mới làm gì, con đâu có cần chớ"
Dượng Tư xua tay:
-Có cần tao mới mua, mầy hỏi lạ.
Bọn trẻ con rách rưới như Hiền, có đứa nào thấy quần áo mới mà không thích đâu, nhưng nó cũng đủ khôn ngoan để e ngại cái âm mưu đen tối của dượng Tư ẩn đằng sau những thứ màu sắc rực rỡ đó.
-Nhưng mà con... không có tiền trả lại cho dượng Tư, thôi con không lấy đâu.
-Bậy mầy, cái nầy cho không biếu không, không lấy tiền. Chẳng những thế mà tao còn mua thêm cho mầy một cái xắc đeo lưng nữa...
Hiền ngơ ngác không tin là nó nghe lầm:
-Nhưng con nào có đi học đâu mà cần cái xắc chớ"
Gã côn đồ lắc đầu tỏ vẻ phiền lòng:
-Mầy nói ít chút được không, nhiều lời quá, hễ tao mua cái gì là cái đó phải cần thiết cho công việc làm ăn của mầy.
Không để cho thằng bé kịp suy nghĩ, có đồng ý tiếp nhận cái lòng tốt bất ngờ và rất khả nghi của hắn, dượng Tư chở Hiền về lại cái hành lang  ở giữa hai tòa cao ốc. Vợ chồng dượng Tư do một sự tình cờ, đã khám phá ra được nơi cư trú khá là lý tưởng này. Cái hành lang tối om, kín đáo nằm giữa hai tòa cao ốc dẫn ra phía sau một khoảnh sân nhỏ cỏ mọc um tùm. Những người làm việc trong hai tòa nhà chẳng mấy ai thích thú mò ra cái sân này làm gì, bởi sau khi xây cất xong, nhà thầu không dọn hết những kèo cột, gỗ ván và nhiều thứ bà lằng không tên khác, họ chất cả vào cái sân trống. Nhiều năm qua, cái sân đã là giang sơn của những bụi cỏ rậm và lũ chim chóc đến nương náu, cả bọn chuột bọ và côn trùng nữa. Mỗi buổi bình minh, bọn chim hót líu lo trên những thân cây dại nhỏ thấp lè tè, cũng đem  đến cho cái khoảng không gian đìu hiu bị ruồng bỏ nầy một chút sức sống và sự tươi mát. Có một con lạch nhỏ chạy ngang qua ngăn cách những tòa nhà phía mặt đường với một cái xóm nhà sàn san sát và lụp xụp nằm tựa trên bên kia mé lạch. Cái xóm nhà sàn này chỉ mới mọc lên mươi, mười năm trở lại đây thôi, nhưng ngần ấy thời gian đã đủ để người ta hủy hoại dòng nước trong xanh của nó. Con lạch oằn oại dưới hàng trăm ngàn khối rác cư dân vất xuống vô tội vạ, cùng những thứ chất thải của con người phóng uế xuống, nên dòng nước một thời từng ấp ủ trong lòng nó hình ảnh những đám mây trời trắng nõn như bông trôi lang thang giữa màu trời xanh trong êm ả, đã biến thành một màu đen như mực, đặc sệch, lừ đừ chảy róc rách dưới những cái chân cột xiêu vẹo của xóm nhà sàn.
Vợ chồng má Tư rúc vào tận cùng cái hành lang tiếp nối với khoảnh sân vắng, dựng một cái chòi nhỏ thấp lè tè lợp bằng những tấm giấy thùng cũ, với những tấm màn vải hoa vừng bốn phía, trông không khác mấy cái mà người ta ví von là một mái nhà tranh và hai quả tim hạnh phúc bên nhau. Biết thân phận nghèo nàn, vợ chồng dượng Tư thu vén cái hành lang gọn gàng và sạch sẽ lắm, buộc bọn trẻ phải ăn ngủ cho có nề nếp, chủ ý để cho người trong hai tòa nhà không phàn nàn. Xui xẻo bị đuổi đi thì lại phải bắt đầu từ con số không, tìm đâu được một địa điểm lý tưởng đủ mọi phương diện như cái hành lang này chứ. Người tứ xứ tha hương phiêu dạt vào cái thành phố Sài Gòn này mỗi ngày một nhiều, đa số từ mãi miền Bắc và miền Trung, mỗi lúc đêm về cứ chạy qua những con đường có nhiều tòa nhà lớn với những cái mái hiên to rộng de ra, thì cứ chắc chắn trông thấy hàng đoàn người nghèo khổ không nhà nằm ngủ xếp lớp la liệt bên nhau. Nên có được một "tập thể" người bần cùng nhưng biết ăn ở ngăn nắp như cái bọn trẻ con dưới sự lãnh đạo của vợ chồng má Tư, những ông chủ bự của hai tòa nhà cũng không muốn đuổi đi làm gì, với lại ban ngày thì bọn trẻ đã kéo nhau biến mất hết, cái hành lang trống vắng thênh thang. Dẫu chúng có chịu kéo nhau đi, thì chẳng lâu la gì, nhiều nhóm người tha hương cùng khổ khác sẽ kéo đến, có khi hung dữ hơn, bề bộn và dơ dáy hơn. Giữa hai cái tệ, thì người ta phải buộc lòng chọn một cái nào coi được hơn, cho đỡ phiền hà.
Dượng Tư dựng xe sâu vào bên trong cái mái hiên che hành lang, hắn bảo thằng Hiền đứng ngoài chờ. Trong thời gian đó thì thằng Hiền nhận lấy bộ quần áo mới của dượng Tư mặc vào và mang cái xắc lên vai. Trong lòng Hiền nôn nao một niềm vui sướng khôn tả, nó có cảm giác của một con người từ bấy lâu chìm đắm trong cõi cát bụi tối tăm, bỗng dưng được lột xác và ngoi lên giữa một khoảng trời mới lạ tràn ngập một thứ ánh sáng chói chang. Không có tấm gương soi, nhưng Hiền tự biết nó ăn mặc trông giống như một cậu học sinh nhỏ, với chiếc sơ mi trắng tinh còn thơm mùi hồ, cùng chiếc quần ngắn vải Tây màu xanh mực còn thẳng nếp xếp. Niềm vui vừa bùng vỡ lên chưa kéo dài được mấy, thì trái tim Hiền bỗng chùng xuống trong một nỗi buồn thê thiết, nó ngồi bệt xuống cái gờ xi măng chạy dọc bên hông tòa nhà, gục đầu vùi mái tóc rậm cứng vào lòng hai bàn tay, bồi hồi nhớ lại những ngày tháng thật đã xa trong quá khứ mà nó tưởng đã quên và vĩnh viễn bị chôn vùi trong lớp bụi nghiệt ngã của thời gian. Hiền không còn nhớ anh em nó đã lìa bỏ ngôi trường tiểu học thân yêu lúc nào nữa, cũng phải bảy, tám năm dài. Hôm nay, bộ quần áo mới đã làm sống lại những kỷ niệm cũ trong đời nó, từ đáy huyệt sâu của ký ức những khúc phim thời thơ ấu dưới mái trường rùng rùng hiện về, lũ lượt diễn hành như một chiếc đèn kéo quân.
Hiền thấy lại một mái nhà lá nhỏ nằm nép bên bờ một con rạch mọc đầy những cây dừa nước chen giữa những cây bần cây mắm của miền sình lầy ven biển. Quê hương của anh em Hiền nghèo lắm, đất phèn nổi váng đỏ hoạch như màu trầu trên đồng đất và trên mặt nước sông. Cây trồng và cây lúa èo ọt lên không nổi, cha mẹ Hiền nai lưng làm quần quật trên đồng nắng cháy quanh năm mà chưa bao giờ có được một mùa bội thu gọi là dư ăn. Chỉ có thất thu và đói kém triền miên. Cha mẹ ở ngoài đồng, anh em Hiền cũng đâu có được mấy thời gian với lũ sách vở ở trường. Những lúc tan trường hay vào ngày cuối tuần, anh em Hiền vác rọ vác lợp đi chụp cá tôm trong những cái vũng nước, hay vác rỗ đi mò cua lượm ốc. Cái miền đất nguyền rủa mà được mệnh danh là huyện Duyên Hải từ ngày được thành lập, dường như đã bị nhà nước ở thành phố mang tên một lão già râu xồm dài và ở mãi tận thủ đô xa tít ngoài miền Bắc quên khuấy mất rồi, nên người ta cứ âm thầm tự sinh tồn lấy bằng bất cứ khả năng nào có được. Có một cái trường tiểu học nho nhỏ trong xã, mà nhiều thầy cô người thành phố về dạy, đã chán nản cái khung cảnh của cõi không gian hiu quạnh buồn tê tái đến nát lòng, đã cứ người này nối tiếp người kia bỏ về thành phố, bỏ nghề giáo chuyển sang nghề đi buôn, nghề chạy hàng, hay bất cứ cái nghề gì mà được ở lại thành phố, chứ không phải sống kiếp lưu đày ở cái vùng đất chết phèn chua nước lợ ấy. Cái thiên chức thiêng liêng của nghề giáo mà người ta ca ngợi từ lâu giống như những mảnh giấy cũ nát nằm câm nín hờn tủi trong những cái sọt rác mất rồi, không còn mấy ai nhớ đến nữa. Thầy cô dạy thiếu hụt trầm trọng như thế, chẳng cần suy gẫm gì cũng biết cái sự học hành của bọn học trò miền biển nghèo hẩm hiu và bấp bênh lắm. Chữ đực chữ cái biết đọc biết viết không quên đã là may mắn lắm rồi, đâu dám nuôi trong tim một niềm ước vọng xa xỉ, rằng có một ngày sẽ được vác xắc trên lưng xênh xang tung bước trên con đường quận đến ngôi trường trung học.


Làm ruộng mãi không thấy có ngày mai, dù đó là những ngày với ước vọng rất khiêm tốn, rất nhỏ nhoi là đủ gạo cho bốn miệng ăn, cha mẹ anh em con Lành quyết định làm nghề biển. Những đồng tiền chắt mót, dành dụm hàng mươi năm từ mảnh đất khốn khó chỉ đủ mua một con xuồng đi biển nhỏ gần như mục nát và một tấm lưới cũ. Con thuyền chỉ mới ra khơi chừng một hai trăm thước là đã thấy biển cả mênh mông và hãi hùng, với hàng trăm ngàn những con sóng bạc đầu vỗ ầm ầm vào bên mạn. Con thuyền giống như một chiếc lá khô dòn, mà chỉ cần một con sóng mạnh cũng có thể xé nát nó ra thành trăm mảnh, nên hai con người khốn khổ ấy chỉ dám loanh quanh ở một khoảng cách vừa phải, để còn có thể, trong trường hợp  định mệnh gọi tên, thuyền vỡ còn có thể lội vào. Nhưng đến một ngày trời mùa thu u ám, những khối mây xám giăng kín không gian, đã vét đến hạt gạo cuối cùng tận đáy khạp, không nỡ nhìn đàn con đói, hai ông bà lại cắn răng đẩy thuyền ra khơi, để rồi chẳng còn bao giờ trở về nữa, bởi một cơn giông bão hãi hùng đã nổi lên. Những con sóng cao hàng năm, bảy thước cuồn cuộn dậy lên trong tiếng vỗ ầm ầm, dưới những tiếng sấm rền trời, rồi một cơn mưa phũ phàng úp chụp xuống chiếc lá hèn mọn ấy. Hai con người nhỏ bé với chừng một nhúm cá  kéo được còn nằm trong chiếc lưới dưới lườn ghe, cố hết sứ chèo chống đưa cho thuyền vào bờ. Sức người dần dần cạn kiệt, như cái tim đèn đã lụn gần đến đáy mà cái dãi đất xám với rặng cây xanh càng lúc càng mịt mờ trong sương khói. Đến một lúc, dãi đất biến mất, thì hai con người trên chiếc thuyền tuyệt vọng biết rằng, những con sóng bão đã cuồng nộ kéo con thuyền ra ngoài đại dương, kéo mãi ra xa tít tắp. Con thuyền lật úp giữa những chân sóng sủi đầy những đám bọt trắng mặn chát, những tấm ván vỡ nát hất tung hai cái thân thể đã rã rời chìm đắm chập chờn trên triền nước cuốn. Rồi chẳng mấy lúc, khi cơn thịnh nộ của thủy thần đã lắng đọng, chỉ còn một vài mảnh gỗ trôi bập bềnh theo hướng gió. Những con thuyền đi biển trong ngày giông bão ấy, không mấy chiếc trở về. Những người sống sót còn chút sức lực kéo được những con thuyền rách nát lên bãi sình nâu, đã ngã nhoài ra nằm bất động, trông như những cái xác chết. Trong những con người khốn khổ nhưng may mắn ấy, không có hai ông bà cha mẹ của anh em Hiền.
Hiền không còn nhớ anh em nó đã ra đứng bên bờ nước ôm nhau vừa khóc gọi cha mẹ vừa dõi mắt nhìn mãi ra hướng trùng dương, nuôi một niềm hy vọng có một phép nhiệm mầu nào đó  từ trên cõi trời cao đưa con thuyền nát và cha mẹ chúng về. Khóc chán chê, Hiền cõng em gái về. Con bé Lành cứ khóc tỉ tê vì đói, Hiền lội ra mấy vũng nước sau nhà hai một mớ rau đắng đem vào luộc cho em ăn. Rau đắng quá, con bé nuốt không trôi, nó nằm ôm gối khóc tiếp. Hiền u sầu nhìn quanh căn nhà trống trơn, muốn tìm một cái gì đáng giá để bán cũng không có. Năn nỉ mãi, Hiền mới mượn được của người hàng xóm một lon gạo đem về nấu cháo cho em ăn. Trong giỏ còn mấy con cua đồng, Hiền lấy cái cối đá nhỏ giả bọn cua nát nhuyễn ,nó trút cả thị lẫn vỏ vào nồi cháo cho ngọt nước. Hiền ngồi bó gối nhìn con bé sì sụp ăn cháo, nước mắt nước mũi chảy ròng vì nóng. Khi em đã no lắm rồi và đã cuộn mình trong giấc ngủ, thì Hiền vét được một chén cháo cuối cùng, nó không dám nghĩ đến ngày mai hai anh em nó sẽ ăn gì, có cái gì để ăn không, những ngày kế tiếp sẽ sống làm sao. Hiền quyết định gọi người bán cái giường ngủ và bộ bàn ghế. Đêm đến, hai anh em Hiền trải chiếc chiếu cũ rách lên nền đất ngủ. Hơi lạnh đêm trường từ dưới lòng đất xông lên buốt thấu xương, hai anh em phải ôm nhau ngủ cho ấm.
Cha mẹ đã mất, anh em Hiền ngậm ngùi bỏ làng, bỏ đất, bỏ trường lên thành phố gia nhập vào hàng ngũ của đám trẻ ăn xin mà đã dẫy đầy trên đó đến hàng chục, hàng trăm ngàn đứa. Từ thời điểm đó, anh em Hiền đã trở thành những con người cùng khổ nhất trong cái xã hội quay cuồng, trôi nổi theo một giòng sông đời nhơ nhớp cát bụi, giữa một thành phố hào nhoáng đầy máu sắc lộng lẫy, mà thực chất chỉ là tấm màn nhung đẹp đẽ che dấu đằng sau nó bóng tối ghê rợn của một địa ngục có thật với những cảnh đời đau khổ ngập tràn nước mắt và tủi nhục, mà nếu gom góp được hết thứ chất lỏng mặn đắng cay cực ấy, cũng đủ tạo nên thành một đại dương thảm sầu.
Một bàn tay đặt lên vai, nặng oằn như một tảng đá, đã kéo Hiền về với thực tại cũng đau buồn không kém gì với quá khứ, thằng bé giật mình nhìn lên để nhận ra đôi mắt vô hồn của dượng Tư.
-Mầy ngồi suy nghĩ cái gì đó, theo tao đi làm...
Hiền đứng dậy, nó xoay đầu để giấu nước mắt đang mọng ướt trong khóe, kín đáo đưa mấy ngón tay lên chùi cho khô. Dượng Tư mở rộng cái xách nylon trong tay cho thằng bé trông thấy những cái gói giấy nhỏ dẹp in hình những cái tên thuốc cảm cúm gì đó.
-Mầy theo tao giao những cái gói thuốc này cho người mua.
Gã côn đồ trút hết những gói thuốc kỳ lạ ấy vào cái xắc của Hiền, xong hắn nhồi thêm vào một ít tập vở học sinh lên trên, trước đôi mắt mở to lạ lùng và kinh dị của thằng nhỏ. Dượng Tư cố lấy giọng ngọt ngào với khuyến dụ Hiền:
-Bây giờ dượng cháu mình bắt đầu đi giao thuốc, mầy sẽ không hối tiếc đâu, tiền không đó, mầy không phải đi bán bánh mì rong nữa.
Đã ngồi lên trên chiếc yên da phía sau dượng Tư, mà Hiền vẫn ngạc nhiên tự hỏi, công việc giao hàng dễ dàng như thế thì dượng Tư có thể tự làm lấy, đâu cần phải đến tay nó. Nhưng Hiền đâu có biết rằng, những cái gói thuốc đó nó khác với những gói thuốc thông thường người ta bán trong hiệu thuốc Tây hay ngoài chợ trời, mà chỉ những con người mờ ám đầy tội lỗi như dượng Tư mới có. Vừa chạy trên đường dượng Tư vừa giảng giải:
-Công việc dễ lắm, khi tao dừng xe ở một nơi nào, thì ở đó có người ra nhận thuốc, mầy đi vào giao hàng, lấy tiền bỏ vào xắc rồi trở ra. Cứ mỗi một gói thuốc tao thưởng cho mầy năm ngàn đồng. Trung bình một ngày mày giao mười gói thì mầy có năm chục ngàn ngon lành, một tháng mầy có một triệu rưỡi, một năm mầy bợ nhẹ mười lăm triệu, giàu to, dễ ợt như lấy đồ trong túi. Mầy thấy sao, có làm được không"
Lần đầu tiên nghe dượng Tư hiến cho nó một số tiền lớn kinh khủng mà trong đời Hiền không bao giờ dám nghĩ đến, trái tim của thằng nhỏ đánh thình thình như muốn vọt ra ngoài, nhưng nó vẫn còn chút tỉnh táo để nhận ra rằng, cái lòng tử tế của dượng Tư chắc phải ẩn giấu một sự xấu xa bên phía mặt trái. Đồng tiền kiếm được một cách dễ dàng như vậy cũng có một cái giá nào đó của nó. Hiền ngần ngừ:
-Thuốc gì mà mắc tiền dữ vậy dượng"
-Ậy, thuốc gì mặc mẹ nó, mầy hỏi làm gì, miễn mầy có nhiều tiền là được rồi.
Trong ý nghĩ của Hiền chợt hiện lên hình ảnh của những con người nghiện thuốc hình hài tàn tạ, mặt mũi phờ phạc ẩn nấp, chui rúc trong những công viên hay trong những nghĩa trang như những con chuột, mà nó tình cờ trông thấy đôi lần. Hay có lẽ, những viên thuốc này cũng là một loại độc dược giết dần mòn những người mua nó. Hiền rùng mình ớn lạnh không dám đưa ý nghĩ đi xa hơn nữa. Chập chờn trước mắt nó cái dáng ốm tong của con Lành với thằng bé A Ca đèo trước ngực, lê la khắp phố phường, tay cầm chiếc lon trong tiếng khóc tả tơi của thằng nhỏ kêu xin lòng thương hai của người đời. Những đồng tiền thơm phức xếp thành chồng dầy cộm nhảy múa mời gọi thật quyến rũ. Hiền thương em Lành quá, nếu kiếm được nhiều tiền như thế thì nó sẽ cho con Lành ở nhà, rồi nó sẽ tìm cách cho em gái cắp sách đi học lại. Một viễn ảnh huy hoàng và đầy màu sắc chói lọi như sáng bừng lên trong cái tâm tưởng hãy còn rất ngây thơ và non nớt của thằng bé, nó không lường được một mối nguy hiểm cực kỳ đang rình rập theo từng bước chân. Nhưng dẫu sao mặc lòng, trái tim đầy ắp một tình cảm thương yêu dào dạt dành cho đứa em, Hiền quyết định sẽ làm tất cả cái gì có được nhiều tiền, miễn là, dượng Tư không dí dao vào tay bảo nó giết người hay đi ăn cướp là tốt rồi...

*

Lực ôm chiếc hộp đánh giày ngồi trước quán phở Quê Hương chờ đợi đến mỏi mòn, tuyệt vọng nhìn mãi về phía cuối con đường cũ của buổi chiều tàn ngày hôm qua, hy vọng hình dáng quen thuộc của anh Lãm và anh Tần hiện ra. Anh Lãm  bảo Lực buổi sáng sớm đến chờ, Lực đã uổng công chạy hộc tốc quên cả thở, vì sợ trễ hẹn. Thằng bé đứng lên tựa vào thân cây cột đèn đường nhìn vào trong quán, nó trông thấy chị Năm đang tất bật len lỏi giữa những chiếc bàn đông đầy những khách, cố lọc lựa, tìm kiếm khuôn mặt của anh Lãm, nhưng hoài công. Lực tự hỏi, hay là tại lỗi nó đã đến qúa trễ, anh Lãm không chờ được và đã lên xe đi mất rồi. Nghĩ đến điều đó,  Lực gục đầu xuống rưng rưng nước mắt, tự dày vò với lòng, rằng nó đã đánh mất một cái gì đó quý giá lắm, chắc không còn bao giờ có thể tìm lại được. Chợt Lực trông thấy chị Năm bước ra cái bàn khách ở ngoài cùng nhất nằm choán một phần vĩa hè. Buổi sáng thực khách người ta vào quán ăn đông lắm, nên quán Quê Hương phải kê thêm bàn ngoài quy định của nhà nước. Công an phường và khu phố có đến phàn nàn hoạnh hoẹ làm khó dễ, thì ông bà chủ đã nhanh chóng dúi cho họ những cái phong thơ dầy cộm, còn kèm thêm một bữa ăn miễn phí với những món phở đặc biệt, vừa ngon vừa to ơi là to. Các đấng đầy tớ dân được ông bà chủ chiêu đãi ân cần, vừa no nê vừa rủng rỉnh tiền, hân hoan thơ thới ra về. Lực lấy hết can đảm chạy đến bên Năm ấp úng gọi:
-Chị Năm... Chị Năm...
Cô gái nhìn lại, ngơ ngác mấy giây, đôi mày cong như ánh trăng của nàng nhăn tít trên vầng trán mịn:
-Em nhỏ này... em là...
Năm vẫn chưa nhận ra Lực, vì thảm khổ chưa, thằng nhỏ rách nát quá. Lực lắp bắp nói không thành lời:
-Em... em... là... Lực, em ngồi ăn với... anh Lãm, anh Tần...
Năm mĩm cười khi nghe thằng bé nhắc đến cái tên quen thuộc mà đã từng khuấy động con tim nàng trong một lần gặp gỡ, nhưng cùng lúc những gương mặt phấn son của Như Loan và Như Thủy ập đến như một con sóng dữ, cô gái cắn môi đổi thái độ ngay, cau mặt gắt gỏng:
-Em cần gì, chị đang bận lắm.
Lực gãi đầu lúng túng:
-Dạ em muốn hỏi chị từ sáng đến giờ, anh Lãm với anh Tần có đến đây chưa"
Năm nguýt thằng bé một cái, bĩu môi:
-Không thấy, không biết... thôi em đứng đó chơi, chị bận bưng phở cho khách, người ta chờ kìa.
Không buồn nhìn phản ứng và nét mặt tiu nghĩu của thằng bé, Năm ngúng nguẫy bỏ đi. Được mấy bước, cô gái bỗng dừng lại lắc đầu thở dài. Năm đã giận cá chém thớt mất rồi, thằng bé đánh giày này đâu có lỗi lầm gì để nhận lấy sự đối xử lạnh nhạt của nàng. Năm quay lại vẫy Lực đến gần hỏi:
-Mấy anh đó hẹn gặp em ở đây à"
Lực ngơ ngác nhưng mừng rỡ trước thái độ dịu dàng của cô gái:
-Dạ, anh Lãm nói hôm nay chở giúp em đi tìm một bà chị đồng hương, anh ấy bảo em cứ đến đây chờ...
Năm nhìn thằng bé gầy còm, cánh tay khẳng khiu xách chiếc hộp đánh giày mòn cũ, đôi ống chân đen nhẻm như hai cái ống sậy khô héo, trong lòng bỗng dậy lên một chút thương hại, trời ơi, bọn trẻ rách rưới này chúng ở đâu mà nhiều vậy. Nhìn sang bên kia đường, Năm cũng trông thấy vài ba đứa trẻ đánh giày khác lảng vảng qua lại đưa mắt thèm thuồng nhìn vào cái thùng súp nấu phở bốc khói thơm lừng, chắc hẳn bọn chúng đói lắm. Năm khẽ hỏi Lực:
-Em đã ăn sáng chưa"
Lực mở miệng định trả lời là chưa, nhưng không hiểu sao nó lại nói khác đi, giọng run run: "Dạ em... đã ăn rồi."
Từ đáy dạ dày thằng bé sôi lên một tràng thanh âm thanh não nuột phản đối lời dối gian, phía dưới bụng Lực cứ quặn thắt từng cơn. Năm vô tình nào hay biết cái cảm giác đói đang hành hạ thằng nhỏ, nàng vò đầu Lực:
-Chị có một việc này cho em làm buổi sáng nay trong khi chờ đợi anh Lãm với anh... Tần, em có thích làm không"
Đôi mắt Lực sáng lên trong một nỗi hân hoan, nó trả lời ngay, bởi chỉ sợ chị Năm đổi ý:
-Dạ thích lắm chứ, em muốn lắm!
Năm nắm tay thằng bé dẫn đến mấy chồng tô chén chồng chất ngỗn ngang bên cái vòi nước: "Em rửa cái nầy cho chị nghe, rồi chị trả tiền công cho, em làm được không"" (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.