Hôm nay,  

Ht Quảng Độ Kêu Gọi: Đa Đảng, Đồng Bào Mới An Vui

15/02/200500:00:00(Xem: 4618)
PARIS -- Sau đây là bản tin của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế loan hôm Thứ Hai 14-2-2005, về cuộc phỏng vấn Hòa Thượng Quảng Độ.
Hòa thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn về Lời Kêu gọi năm Ất Dậu cho Dân chủ đa nguyên : "Đảng Cộng sản không nghĩ đến dân tộc nữa, máu người dân Việt Nam đã đổ ra ngoài biển qua vụ 9 ngư dân Việt Nam bị Trung quốc bắn chết. Mong rằng Nhà nước và Đảng ý thức việc nhường sân khấu cho những thế hệ khác. Mong rằng đồng bào trong và ngoài nước thúc đẩy thế nào cho Nhà cầm quyền hiện tại thấy con đường tương lai duy nhất phải đi, là Con đường Dân chủ đa nguyên."
PTTPGQT : Trong dịp đầu Xuân Ất Dậu, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã gửi Thư Chúc Xuân đến quý vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ và Đồng bào trong và ngoài nước. Thư Chúc Xuân cũng là Lời kêu gọi cho tiến trình Dân chủ Đa nguyên trong năm 2005. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã công bố nguyên văn qua Thông cáo Báo chí ngày 8.2.2005, mà độc giả có thể tìm đọc trên Trang nhà/Website của Cơ sở Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net
Để tìm hiểu thêm lý do khẩn cấp cho dân chủ đa nguyên này, Phóng viên Ỷ Lan đã phỏng vấn qua đường dây viễn liên Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Bài phỏng vấn đã được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam trong hai chương trình ngày thứ bảy 12.2.2005 lúc 21 giờ (giờ Việt Nam) và sáng chủ nhật 13.2.2005 lúc 6 giờ 30 sáng (giờ Việt Nam).
Dưới đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin ghi lại nguyên văn cuộc phỏng vấn để cống hiến Bạn đọc một tiếng nói hùng tráng và vô úy cất lên từ Saigon cho Dân chủ Việt Nam vào những ngày đầu năm Ất Dậu, 2005.
Phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ về lời kêu gọi cho Dân chủ Đa nguyên.
Ỷ Lan : Năm 2001, Hòa thượng Thích Quảng Độ tung "Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam" với một chương trình chính trị 8 điểm, vì vậy mà Nhà cầm quyền Cộng sản ra lệnh quản chế Hòa thượng 2 năm. Lời Kêu gọi này đã được Cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam công bố tại khóa họp thường niên của Ủy hội Nhân quyền LHQ tại Genève vào tháng 4 năm 2001. Trên 300,000 người Việt ở nước ngoài và trong nước đã ký tên hậu thuẫn cho Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam cùng với hàng trăm nhân sĩ quốc tế và các Thượng nghị sĩ, Dân biểu hai Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu, trong số có nhiều giải Nobel Hòa bình.
Năm nay, nhân dịp Tết Ất Dậu và cũng là năm kỷ niệm 30 năm chiến tranh chấm dứt tại Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cất lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên tại Việt Nam, như một giải pháp duy nhất để tái thiết đất nước sau nhiều thập kỷ phân hóa, tranh chấp, khủng hoảng và tụt hậu so với các quốc gia Đông Nam Á. "Dân chủ đa nguyên là giải pháp mà muôn dân trông đợi", theo lời Hòa thượng. Dù còn trong ba ngày Tết, nhưng chúng tôi đã liên lạc với Hòa thượng tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon để hỏi lý do khiến Hòa thượng Thích Quảng Độ lên tiếng cho công cuộc dân chủ hóa xã hội Việt Nam :
Ỷ Lan : Kính bạch Hòa thượng Thích Quảng Độ, trước hết xin kính chúc Hòa thượng một Năm Mới pháp thể khinh an, vạn sự cát tường. Bạch Hòa thượng, dư luận quốc tế đang chú tâm đến lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên tại Việt Nam, mà Hòa thượng công bố trong dịp Tết Ất Dậu và gửi đến quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, và đồng bào các giới trong và ngoài nước. Xin Hòa thượng cho biết lý do, vì sao Hòa thượng lên tiếng cho dân chủ"
Hòa thượng Thích Quảng Độ : Vâng, trước hết đầu năm mới tôi có lời chúc đạo hữu Ỷ Lan và toàn thể anh chị em ở Cơ sở Quê Mẹ năm nay được mạnh khỏe cả năm và thành đạt nhiều công việc. Thứ hai, tôi xin trả lời câu hỏi của Ỷ Lan : Bản thân tôi thì đây là thực tế tôi đã kinh nghiệm suốt 30 năm qua, tôi sống dưới chế độ độc tài toàn trị. Tôi thấy về mặt tinh thần, nhân quyền bị chà đạp, phẩm giá con người bị coi thường. Về mặt vật chất, thì nhân dân phần nhiều đói khổ, tụt hậu, kinh tế không phát triển được. So sánh với các nước chung quanh đây, thì mình bị tụt hậu ít ra cũng là 20 năm. Tất cả mọi vấn đề về xã hội sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực. Chẳng hạn như tham ô, nhũng lạm... những tệ nạn xã hội mỗi ngày một tăng lên. Tất cả đều đi vào ngõ cụt. Do đó cho nên không thể kéo dài tình trạng này được. Hãy thử so sánh như nước Đại Hàn cũng như Việt Nam, là bị chia đôi Bắc Nam như thế. Nhưng mà người Nam Hàn trong nửa thế kỷ họ đã phát triển như thế nào thì chúng ta đã thấy, rồi đem so sánh với Bắc Hàn là một chế độ độc tài toàn trị cũng như Việt Nam, thì đời sống của nhân dân họ và nền kinh tế cũng như xã hội của họ như thế nào toàn thế giới đều biết. Cứ so sánh như thế thì ta thấy rằng, tất cả mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề ở Việt Nam này, về tinh thần cũng như vật chất, nhân dân còn bị đàn áp, còn bị chà đạp, giá trị con người không được tôn trọng là bởi vì không có dân chủ. Do đó, dân chủ là một cái gì rất cần thiết để giải quyết mọi vấn đề của Việt Nam ngày nay. Bởi vậy cho nên tôi thấy dân chủ rất cần. Thực hiện sớm được ngày nào hay ngày ấy. Bởi vậy mà tôi lên tiếng kêu gọi cho một nền dân chủ thật sự mau được thực hiện ở Việt Nam.
Ỷ Lan: Như thế, phải chăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dự tính tham gia chính trị, khi kêu gọi thiết lập thể chế dân chủ đa nguyên"
HT. Thích Quảng Độ : Thực nhà cửa sự ra Giáo hội không bao giờ tham gia trực tiếp vào chính trị. Đúng nghĩa thì chính trị không phải là một cái xấu. Theo quan niệm của Đức Khổng Tử thì ngài nói chính giả chính giã. Người làm chính trị là những người sửa sang việc nước, cái gì bất công thì sửa lại cho công bằng, cái gì cong queo thì uốn cho nó thẳng thắn, thì chính trị ấy là chính trị đạo đức. Nhưng mà ngày nay chính trị họ dùng thủ đoạn đê tiện, rồi tranh quyền, đoạt lợi với nhau.
Thậm chí dẫn đến con giết cha để đoạt quyền, cha giết con để đoạt quyền, vợ giết chồng... những cái ấy ta thấy thường xẩy ra trong giới chính trị. Rồi người cùng một đảng phái giết nhau, hãm hại nhau. Thành ra ngài Gandhi của Ấn độ đã cố đem đạo đức vào để thanh lọc chính trị. Bản thân chính trị không phải là một cái xấu. Nhưng con người làm nó xấu. Do đó cho nên Giáo hội không bao giờ chủ trương trực tiếp tham gia chính trị. Bởi vì bây giờ người ta đã đê tiện hóa chính trị rồi, nó không còn gì cao cả nữa. Cho nên mình mà dấn thân vào chính trị thì cũng dấn thân vào cái vòng tranh chấp, đê tiện thôi. Cho nên Giáo hội không bao giờ làm chính trị. Nhưng mà Giáo hội có thái độ chính trị, có quan niệm về chính trị. Thái độ chính trị của Giáo hội là cái chính trị nào là chính trị lợi dân lợi nước, thì Giáo hội ủng hộ. Chính trị nào là chính trị hại dân hại nước thì Giáo hội không ủng hộ. Đó là một "thái độ chính trị" chứ không phải "làm chính trị". Cho nên Giáo hội không tham gia trực tiếp nhưng Giáo hội có trách nhiệm ủng hộ về mặt tinh thần những đảng phái nào, những đoàn thể chính trị nào, mà làm theo một nền chính trị trong sạch, mang lại hạnh phúc, an vui, no ấm cho dân tộc, không phải sống nơm nớp lo sợ như là cái chế độ độc tài hiện tại. Chúng tôi luôn luôn sống trong tình trạng lo sợ, không biết mình bị bắt lúc nào, bị tống giam lúc nào. Người ta có Hiến pháp, luật pháp tốt đẹp hết, nhưng người ta không thực hiện. Muốn bắt ai thì bắt, muốn bỏ tù ai thì bỏ tù, tùy hứng thế thôi. Thế cho nên phải có nền chính trị nào mà mang lại thực sự an vui, hạnh phúc, no ấm cho đồng bào thì Giáo hội triệt để ủng hộ cái chính trị đó. Còn đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân thì Giáo hội không thể ủng hộ được.
Giáo hội xác định là chúng tôi không trực tiếp làm chính trị. Nhưng thái độ chính trị chúng tôi phải có. Như ngày xưa, Đức Phật nếu Ngài ở nhà thì ngài lên làm vua trị nước đấy. Nhưng Ngài đã bỏ đi tu. Đi tu mà Ngài dạy các ông vua làm chính trị. Như vua Asoka của Ấn Độ ngày xưa sinh sau Đức Phật 300 năm, ông theo giáo lý của Đức Phật mà từ bỏ chiến tranh. Sau cuộc chinh phục nước Kalinga miền Nam nước Ấn Độ, ông giết 200 nghìn người, để lại 300 nghìn cô nhi quả phụ, thấy thế ông rất đau lòng. Từ đó, ông bẻ thanh gươm thề từ nay không bao giờ làm chiến tranh nữa. Và ông tận tâm theo tinh thần của đạo Phật mang lại nền an vui, hạnh phúc cho toàn dân Ấn độ. Thì đấy, làm chính trị ấy là cái tốt, hy sinh cả cuộc đời chăm lo hạnh phúc cho toàn dân Ấn Độ thuở đó. Bây giờ đây, chúng tôi cũng theo gương đó. Có đoàn thể nào, đảng phái nào làm chính trị như vậy, đem lại an vui, hạnh phúc cho dân thì chúng tôi ủng hộ. Nhưng còn chúng tôi thì không bao giờ tham gia chính trị đâu. Trực tiếp tham gia chính trị là không bao giờ có chuyện đó.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, các nước theo cộng sản luôn đề cao lực lượng công nhân và nông dân làm chủ đất nước. Nay Hòa thượng lại hướng tới giới sĩ phu, mà Hòa thượng gọi là lực lượng trí tuệ, điều này mang ý nghĩa gì khác, xin Hòa thượng cho biết tôn ý"

HT. Thích Quảng Độ : Thưa thế này, một dân tộc sống trong một đất nước, một lãnh thổ thì coi như bình đẳng, ai cũng như ai. Ai cũng có trách nhiệm, có bổn phận đối với đất nước mình, đối với dân tộc mình. Còn như giới này giới kia, chỉ là phân công ra thế thôi. Công nhân làm việc công nhân, nông dân làm việc nông dân, sĩ phu làm việc sĩ phu. Giới công nhân cũng có thể lãnh đạo được, nông dân cũng lãnh đạo được, với điều kiện là phải có một trình độ nào đó. Hôm nay người ta bảo rằng công nhân lấy cái búa liềm làm tiêu biểu cho công nhân, không lẽ vác búa liềm ngồi đó mà cai trị à " Thành ra cũng phải có một trình độ về trí tuệ như thế nào thì mới lãnh đạo được. Bởi trí tuệ rất cần. Người có trí tuệ là người có đầu óc nhạy cảm, bén nhạy. Thế giới ngày nay khác với thế giới ngày xưa. Thế giới ngày nay tiến bộ, tiến rất nhanh, đòi hỏi con người lãnh đạo đất nước phải có đầu óc tỉnh táo, nhạy bén để đương đầu, thích ứng với những biến sự xẩy ra từng giờ, từng phút, chứ không phải từng ngày. Nếu mình không thích ứng được thì mình tụt hậu. Bởi thế cho nên người lãnh đạo ngày nay cần phải có trình độ trí tuệ đáng kể. Như thế là bình đẳng chứ không phải phân chia giai cấp, như kiểu giai cấp đấu tranh của Cộng sản đâu. Bây giờ thực sự cái búa liềm tiêu biểu cho họ, nhưng mấy ông lãnh đạo cộng sản có phải công nhân đâu " Họ có cầm búa đâu " Cầm bút chứ không cầm búa đâu ! Thành ra giới nào cũng cần thiết. Nhưng đã vào giới lãnh đạo là phải tối thiểu có một trình độ trí tuệ.

Ỷ Lan : Kính xin Hòa thượng cho biết những điều kiện cần thiết phải có, để cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam được khởi động và hoàn thành"
HT. Thích Quảng Độ : Muốn có nền dân chủ thực sự thì điều kiện cần thiết nhất là phải có dân chủ đa nguyên. Đa nguyên tức là đa đảng đấy. Bây giờ đa đảng có một giới hạn nhất định. Tôi kinh nghiệm thấy như nước Ba Lan, sau khi khối Liên Xô tan rã thì nước Ba Lan có đa đảng, nhưng có những hơn bảy mươi mấy đảng. Thành ra một thời gian người ta cũng phải lựa dần dần, thanh lọc dần dần, bây giờ còn được độ mấy chục đảng, chẳng hạn thế. Nhưng nhiều đảng quá cũng không nên. Cho nên thiển ý tôi đề nghị chế độ ba đảng, tức đảng khuynh tả, đảng khuynh hữu và đảng trung dung. Như vậy nó có thể bao gồm tất cả các khuynh hướng của toàn dân.
Đấy là theo giáo lý nhà Phật thì gọi là Chân đế, Giả đế và Trung đế. Nhà Phật nói cực đoan là không tốt, cái gì chính giữa thì hay hơn. Tránh cái cực đoan này chạy sang cực đoan khác đều xấu cả. Cho nên đứng giữa là hay hơn, theo lý Trung đạo. Bây giờ tôi muốn đem cái ấy áp dụng vào chế độ chính trị. Nhưng đó chỉ là thiển ý riêng của tôi thôi. Cái đó còn tùy thuộc vào toàn dân. Có một chế độ đa đảng, thì ba đảng, năm đảng hay mười đảng là do toàn dân quyết định. Nhưng tiên quyết phải có một chế độ đa đảng đã. Chứ nếu độc đảng như hiện nay, thì trong 30 năm qua rồi, mà mình tính ra mình vẫn cứ tụt hậu. Nếu ông cứ ngồi đấy cai trị đến 30 năm, 50 năm nữa... vị trí của Việt Nam sẽ đứng thứ bao nhiêu" Vừa rồi trong một trăm hai mươi mấy nước, thì mình đứng thứ chín mươi mấy đấy! Thành ra như vậy, muốn có nền dân chủ, tự do thực sự thì phải có đa đảng. Nếu không có tự do, dân chủ thì đất nước không thể giải quyết các vấn đề tệ nạn xã hội như tôi vừa nói ở trên. Không bao giờ giải quyết được. Kể cả Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi, trừ ra có chế độ đa đảng dân chủ, nếu không thì Giáo hội thường xuyên bị đàn áp, chẳng biết bao giờ được chấm dứt. Còn chế độ độc đảng Cộng sản như thế này, Giáo hội còn bị đàn áp, bởi vì từ bản chất Cộng sản đã không dung chấp tôn giáo, thường xuyên là một chính sách đấu tranh giai cấp, luôn luôn tranh đấu đến khi nào tiêu diệt được tôn giáo mới thôi. Thành ra cái mấu chốt mà Giáo hội bị đàn áp cũng là vì không có tự do, dân chủ. Chừng nào có tự do, dân chủ là lập tức vấn đề Giáo hội không còn là vấn đề nữa. Ở chế độ tự do, đa nguyên, ai mà đi đàn áp ai đâu " Bởi vì ai cũng được bảo đảm, ai cũng có quyền. Cái nhân quyền tuyệt đối được tôn trọng.
Ỷ Lan : Hòa thượng có nghĩ rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ chấp nhận lời đề nghị Dân chủ đa nguyên của Hòa thượng không "
HT. Thích Quảng Độ : Thì đấy cũng chỉ là lời kêu gọi thôi. Nếu họ có thiện chí nghĩ đến dân tộc, tương lai của đất nước này. Người lãnh đạo chính trị thì dĩ nhiên phải nghĩ đến tương lai của đất nước, hiên tại và tương lai, cả cái vận hội của đất nước như thế nào. Mục đích của nhà làm chính trị chỉ có một mục đích duy nhất, đó là dân giàu nước mạnh. Bất cứ một hệ thống kinh tế nào, một hệ thống tư tưởng nào, kể cả tôn giáo, nếu giúp cho nhà chính trị đạt đến mục đích đó, là nhà chính trị áp dụng hết, không từ một hệ thống nào. Bởi họ chỉ làm thế nào cho dân họ giàu, nước họ mạnh thôi.
Chứ bây giờ, như cái Đảng Cộng sản chỉ có chủ nghĩa cộng sản họ mới dùng, mà chủ nghĩa này có đưa dân đến dân giàu nước mạnh đâu" Càng ngày càng nghèo khó. Bây giờ đâu còn là chủ nghĩa Cộng sản nữa đâu" Chủ nghĩa cộng sản bây giờ chỉ là cái vỏ thôi, còn cái ruột bây giờ là tư bản. Kinh tế thị trường đâu phải là kinh tế Xã hội Chủ nghĩa" Bây giờ gọi là "Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa" nó vô duyên lắm, chả có ý nghĩa gì cả!
Cho nên, cái đuôi họ để vào đó làm lý do cho Đảng Cộng sản tồn tại. Chứ bây giờ bỏ cái đó đi, thì lập tức họ phải bỏ điều 4 trên Hiến pháp, mà bỏ điều 4 trên Hiến pháp là đảng Cộng sản mất quyền. Họ chỉ lo mất quyền thôi. Họ không nghĩ đến tương lai đất nước và không nghĩ đến tương lai dân tộc.
Số phận của dân tộc như vừa rồi 9 ngư dân Việt Nam bị Tàu nó bắn chết, thì họ có thái độ như thế nào toàn thế giới biết cả rồi. Trong khi nó giết như vậy thì họ còn đi ăn tiệc chúc mừng cái mối quan hệ hai nước đằm thắm, nồng ấm. Thành ra máu người dân Việt Nam đã đổ ra ngoài biển hết rồi.
Như vậy, tôi tóm lại là đảng Cộng sản Việt Nam không nghĩ đến dân tộc nữa. Họ chỉ làm thế nào cho đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại. Họ là thiểu số, họ bảo vệ quyền lợi riêng cho 2 triệu 600 nghìn đảng viên mà thôi, như cái bà Tôn Nữ Thị Ninh bà đã nói mà thôi.
Chứ họ không nghĩ đến 81 triệu dân nữa đâu!
Cho nên bây giờ nếu họ có thiện chí...à... mà tôi đề nghị nếu họ có thiện chí, họ còn thật sự với dân tộc, họ cứ theo cái đề nghị êm đẹp này. Họ đừng sợ mất quyền. Trong các đảng khuynh tả, khuynh hữu đâu có bỏ đảng Cộng sản, có ai đẩy ông ra đâu, mà ông sợ mất ghế. Từ mấy chục năm nay một mình một cỗ, một mình một chợ, họ quen đi rồi. Họ cứ sợ buông ra là mất. Đâu có mất. Tôi bảo đảm nếu các ông áp dụng chế độ ba đảng này đi đã, thì không bao giờ đảng cộng sản mất đâu. Ông cứ để cái tên là đảng Cộng sản như đảng ở Ấn Độ, đảng Cộng sản Nhật Bản, đảng Cộng sản Pháp này... tuy nhiên họ vẫn phải sửa đổi như thế nào cho thích ứng với trào lưu của thế giới hiện tại, chứ không phải cố thủ cái đảng cách đây sáu, bảy mươi năm trước đâu.
Cái gì tồn tại là phải biến chuyển, biến đổi. Cái không biến đổi là không tồn tại. Muốn tồn tại là phải biến đổi chứ. Đâu có thể cứ y mãi như thế mà tồn tại được!
Ỷ Lan : Hòa thượng có điều gì cần nói thêm gửi đến đồng bào trong và ngoài nước nhân dịp Xuân về"
HT. Thích Quảng Độ : Vâng, nhân tiện đầu năm theo phong tục tập quán văn hóa Việt Nam luôn luôn chúc và cầu mong cho tất cả mọi người được những điều tốt lành, an khang, thịnh vượng. Nhân dịp này tôi cũng xin trước hết... xin chúc mừng tất cả đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước được một Năm Mới an vui, thịnh vượng. Đó là cái quan trọng nhất. Dù không thịnh vượng mà có được an vui cũng là điều hạnh phúc. Cái bất hạnh nhất là sống trong một tình trạng luôn luôn hồi hộp lo âu, thì dù sống như vậy có ngồi trên đống vàng cũng không hạnh phúc. Cho nên quan trọng nhất là an vui, điều kiện tiên quyết của cuộc sống. Bây giờ tôi mong cho tất cả mọi người được cuộc sống an vui như vậy.
Bây giờ điều kiện là tất cả quý vị đều góp phần vào để làm thế nào mang lại được nền Dân chủ đa nguyên cho Việt Nam. Sớm ngày nào hay ngày ấy, thì chúng ta sẽ được hoàn toàn yên vui. Đồng bào nước ngoài, đồng bào trong nước đều nhắm đến mục đích đó, thúc đẩy làm thế nào cho Nhà cầm quyền hiện tại thấy rằng, đó là Con đường tương lai duy nhất phải đi, toàn dân tộc phải đi, không có con đường nào khác. Không trì hoãn được. Trước sau gì rồi cũng phải cởi mở. Trước sau gì rồi cũng phải đi đến Con đường Dân chủ đa nguyên. Vì đây là trào lưu của thế giới. Nếu không thay đổi mà cứ đứng yên một chỗ, thì bây giờ vẫn còn Tần Thủy Hoàng, còn Thành Cát Tư Hãn, còn Cesar, còn Napoleon... hay gần đây, còn Hitler hay còn Pol Pot...
Cho nên bây giờ sang năm Ất Dậu này, tôi mong rằng làm sao Nhà nước này, nhất là Ông Đảng Cộng sản hiện đang cầm quyền ý thức được rằng, dù muốn dù không, dù sớm dù muộn, các ông cũng phải rút vào hậu trường, nhường sân khấu cho những thế hệ khác. Có ai đứng mãi được đâu, mà các ông cứ muốn đứng mãi chình ình ra đấy, thì người ta cũng đẩy các ông vào hậu trường. Rồi lúc đó nó không còn tình cảm nữa đâu!
Ỷ Lan : Xin thành thật cám ơn Hòa thượng Thích Quảng Độ.
HT. Thích Quảng Độ : Cám ơn quý Đài. Nhất là cầu chúc quý Đài góp phần trách nhiệm vào, để thúc đẩy tiến trình Dân chủ hóa đó cho có kết quả tốt đẹp. Xin cảm ơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.