Hôm nay,  

Hồi Kỳ: Thép Đen

09/07/200700:00:00(Xem: 3082)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Mãi sau, tôi nghe tiếng xẹp xẹp rất nhẹ đi vào xà lim, rồi tiếng mở một vài cửa nhỏ. Khi mở tới cửa sổ của tôi, tôi vờ nhắm mắt ngủ. Rồi tới buồng số 7. Nghe tiếng chân chạy ra mạnh hơn. Khoảng 15 phút sau, ba bốn người đi vào. Tiếng chìa khóa, rồi cửa lớn số 7 mở, tiếng mở cùm. Tôi cố lắng nghe:
- Còn sống không"
- Lâu rồi, máu khô rồi!
Rồi nghe thấy như khiêng một người đi qua buồng tôi. Bất chợt, cửa sổ tôi lại mở, tôi nhắm mắt lẹ nằm im, nghe tiếng cửa nhỏ đóng. Một lúc sau, nghe thấy tiếng nước máy chảy mạnh vào bô. Tiếng nước dội và tiếng chổi quét dưới nền bên buồng số 7.
Sáng hôm sau, lúc đi cung, tôi liếc mắt vẫn còn một ít nước màu đỏ sậm, sót ở vỉa hè trước buồng số 7. Như vậy là một người đã may mắn thoát được cảnh khốn cùng này. Xin chúc mừng và ca ngợi sự dũng cảm của bạn. Có thể rồi đây tôi sẽ xin theo vết chân người.

Hai mươi bẩy: Cố Gắng Để Sống ...

Hôm nay ở phòng cung, chúng nó truy hỏi:
- Năm 1953, khi ở Hà Nội về quê, anh phao lên để người ta đồn anh bị điên, tại sao" Có phải tụi đế quốc đã phao tin cho anh như vậy không" Năm 1954, vào Sài Gòn, lại phao tin anh bị chẹt xe chết, như vậy phải chăng do Mỹ Diệm"
Tôi thật là bỡ ngỡ. Nghĩ lại, kỳ hè 1953, tôi về quê chơi, khi đó tôi mới 15 tuổi. Tôi rất yêu cảnh thiên nhiên đồng quê, thích nghe tiếng sáo diều ngân vang, tiếng chày giã gạo, tiếng gà gáy, tiếng chó cắn, tiếng cọt kẹt của tre làng, trong những chiều Hè gió lộng. Tôi thích thở hít mùi hoa bưởi, hoa cau, hoa soan, mùi nồng nồng của phân trâu với rạ ẩm, xen lẫn với mùi thơm ngây ngất của lúa chín vàng, từ ngoài đồng về. Vì thế, cứ mỗi chiều tàn, tôi thường hay lang thang ra cánh đồng rộng một mình. Tụi trẻ con ở nông thôn và cả người lớn làm sao hiểu được tâm tư ấy của tôi. Cụ thể, mỗi khi tôi ở ngoài đồng trở về, chúng vây đến hò hét , có đưa nói là tôi điên. Tôi bực mình đuổi chúng, chúng chạy và nhiều đứa la hò: “DDiên chúng mày ơi!” Rồi, họ đồn ầm cả huyện là con ông bà ấy, ra tỉnh vì học nhiều, hoặc thất tình nên điên rồ.
Còn vụ chẹt xe: Khi tôi vào Nam, bà Bảo Thịnh là bà cô của tôi có tiệm bán vàng ở mặt phố, trước cửa chợ Bến Thành. Như đã trình bày ở trên, tôi không ưa những người giầu có nên tôi không đến bà. Rồi một lần tình cờ, bà đọc một tờ báo nào đó, có một người trùng tên, họ với tôi bị chẹt xe, đưa vào đến bệnh viện thì chết. Bà viết thư về Bắc, báo cho bố mẹ tôi, khi đó chưa hết hạn 300 ngày của Hải Phòng. Làm bố mẹ tôi đã điên rồ khóc thương bao ngày. Tôi cũng trả lời y như vậy với chấp pháp.
Chúng không tin và vẫn cứ khẳng quyết là do đế quốc đã chuẩn bị dư luận cho tôi từ khi ấy. Tôi cũng chịu cho cái óc đa nghi của chúng thật là phong phú! Tuy vậy, nhờ đó mà tôi hiểu được một điều là chúng đã về tận quê tôi, để nghiên cứu điều tra kỹ càng về tôi và gia đình bố mẹ tôi. Còn những việc trong Nam, chúng chưa cho tôi thấy là chúng có thể tìm hiểu điều tra được. Dù thế, tôi vẫn thấy chờn sợ, cho sự truy hỏi đào sâu đến tận cùng chi tiết, của từng sự việc của chúng.
Truy đi hỏi lại một sự việc có khi đến 7, 8 lần. Hỏi bây giờ rồi bất chợt 8, 9 tháng hay một năm sau lại hỏi lại.
Tôi đã bị cùm hai chân hơn một tháng. Điều lạ lùng là không ai nhận cùm tôi cả, mà chân tôi vẫn cứ ở trong cùm. Hỏi chấp pháp thì họ bảo do bên trại giam. Hỏi trại giam, thì trại giam lại bảo bên chấp pháp. Một hôm trên đường đi cung về, thấy lão Trì, Trung úy Phó Giám Thị, tôi xông bừa đến:
- Báo cáo ban (tôi gọi theo những người tù), tôi bị cùm hai chân đã lâu mà không biết tội gì, xin ban xét!
Y nhìn tôi một lúc rồi hỏi tên, sau khi tôi nói lên, y bảo: Trại không cùm anh. Do ở trên cùm! Nói rồi lão đi luôn. Tôi chẳng hiểu trên là trên nào.
Trời đã vào cuối Thu, mấy hôm nay thỉnh thoảng đã có những đợt gió mùa Đông Bắc mò về sớm. Trời lạnh thì muỗi ít, nhưng cái cùm và cái sàn xi măng đã bắt đầu hành chân và lưng tôi. Cả đêm, hình như tôi chỉ thiếp đi từng lúc. Một buổi sáng hôm đó khi tên Nhiễm vào mở cửa sổ con, bảo tôi mặc quần áo đi cung. Khi y mở cùm, tôi không nhắc nổi chân ra. Tôi phải đưa tay xuống nhấc từng chân ra khỏi cái cùm. Khi đứng lên, chân tôi rã rượi như mất cảm giác, nên tôi phải ngồi ngay xuống. Mụ Hoa gọi cung đứng đấy, giục tôi đi nhưng tôi không đứng dậy nổi. Tôi đau đớn nhăn nhó, cố gắng chống tay xuống đất để đứng lên, nhưng vẫn không thể đứng được. Tên Nhiễm cau mày, tiến lại lôi tôi ra, tôi ngã nằm xoài, đầu đập vào cánh cửa, choáng váng. Y đỡ tôi ngồi lên sàn rồi đóng cửa lại.
Mụ Hoa đi ra, chừng nửa giờ sau, tên Nhiễm lại mở cửa đi vào, nói:
- Lệnh của Ban giám thị cho anh nghỉ một ngày hôm nay. Ngày mai sẽ cùm một chân!
Tôi cảm ơn rối rít. Tôi nhìn lão, hôm nay trông lão “không có vẻ” ác lắm! Mấy tuần đầu tôi ghét lảo cay đắng. Bây giờ, tôi đã hiểu là không phải lão cố ý cùm tôi. Chính do lệnh từ trên xuống, cố tìm cách để có lý do cùm, rồi cùm mãi. Khi mình đã là tù, họ muốn tìm cớ để trị, họ có muôn ngàn cớ.
Cửa đóng lại, tôi nhìn cái chân mình mà lòng thấy sầu khổ. Sống mà cái chân bị hỏng, đời sống thật là khổ nhục. Tôi vẫn nhớ ngày xưa, ở Đại Hội “khỏe” của trường Nguyễn Bá Tòng, tôi đã từng nổi tiếng về điền kinh: Bơi lội, leo dây, nhẩy… Vậy mà giờ đây chân tôi thế này ư" “Hãy nổ lực! Tự mình, chính mình phải cứu lấy mình!”, tôi tự nhủ thầm như vậy. Rồi thực hiện ngay ý định. Đầu tiên, tôi ngồi ngay trên sàn buông thõng hai chân xuống. Mới đầu, tôi phải dùng tay nắm hai chân lắc lắc, sau dần dần chính chân tôi tự lắc. Rồi từ từ hàng giờ sau, tôi đứng được xuống sàn nhà. Tôi chậm chậm đi lại trong cái khung 2 thước vuông ấy. Cứ đi, mệt nghỉ, một lúc lại đi. Bỗng cửa nhỏ mở, lão Nhiễm nhìn tôi tập đi, y mở luôn cửa to, nói:
- Ra lấy cơm!
Tôi với cái gáo, đi ra, không thể đi nhanh, nhưng đi được. Tôi múc gáo nước, cầm bát cơm đi vào. Nhìn mặt y, thấy như thoáng ánh lên một sự cảm thông vì tôi đã nỗ lực để sống. Chắc y đã nghĩ rằng, với cảnh lúc sáng, tôi chưa thể ra lấy cơm được; chứng cớ là y đã phải mở cửa coi trước để nhìn tôi xem thế nào.
Những thực tế tôi đã trải qua trong cuộc sống, đã hình thành trong tôi một quan điểm: “Hãy tin vào chính mình! Hãy nổ lực hết mình với những cái bản thân mình có! Không ỷ lại! Không trông chờ! Dù cho không đạt được kết quả theo ý muốn, ít ra về mặt tinh thần, cũng không phải đến nỗi thẹn thùng nhìn xuống”.
Qua thực tiễn nhiều thời đại của con người. Ở đâu cũng thế! Phương Tây có câu: “Aide toi, et le ciel t’aidera”; Mỹ, Anh cũng có câu: “Heaven helps those who help themselves!”; và Việt Nam chúng ta cũng có câu chuyện về một người nằm há miệng chờ sung rụng. Hãy trèo lên cây. Nếu vì lý do nào đó, không trèo được, phải tìm cách chọc cho quả sung mình muốn, rơi xuống. Nghĩa là, phải ăn những trái sung trên cây theo ý mình; nếu yếu đuối quá, ít ra cũng phải bò dậy mò mẫm nhặt, những quả sung rơi, như thế vẫn còn một chút chủ động, chọn được quả ngon hơn.
Ăn cơm xong, lúc đi ra trả bát, tôi vẫn còn thấy chân mình bì bì, căn cắn, đi lại còn ngượng ngập. Tôi lại vào ngồi sàn kiên trì tập nữa. Tôi phải tranh thủ ngày hôm nay, kẻo ngày mai lại bị cùm rồi. Lúc này, tôi mới thấy buồng khai và thối. Thảo nào, tên Nhiễm lúc buổi sáng, vừa vào buồng đã nhăn mặt lùi ra ngay.
Buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, trả bát, tên Nhiễm rút chốt cùm ra, tôi hiểu đã hết giờ tự do. Tuy trong lòng thắc mắc là y đã nói cho tôi nghỉ một ngày, tôi vẫn tưởng đêm nay còn được tự do nữa chứ. Tuy thế, tôi không muốn hỏi. Nhưng tôi muốn xin đề nghị một chuyện khác. Khi y nhìn tôi, ý bảo tôi cho chân vào, tôi tỏ thái độ lễ phép:
- Thưa ông, buồng của tôi thối quá, xin ông cho tôi tranh thủ 2 phút. Xin ông cho tôi một bô nước, dội cái buồng một cái thôi cho đỡ hôi hám!
Y nhìn tôi với con mắt lừ lừ một lúc, rồi quát: "Mau lên!"
Tôi cố chạy lẹ, dù chân còn tập tễnh, tới chỗ bể nước, mở vội vòi, tráng qua nước giải, rồi lấy đầy bô nước vào đổ trên sàn. Hai tay vội vàng xoa xoa, vét nước xuống nền, lấy chổi thanh hao khua mấy cái, để cho nước chảy ra cái lỗ con ở chỗ chân tường phía đầu nằm. Xong xuôi, tôi ngoan ngoãn vội vàng tự mình nhắc cùm và cho một chân vào trước con mắt gườm gườm của y, trong khi y đang đứng lắc lắc chùm chìa khóa ở tay. Y đóng chốt cùm, rồi đóng cửa, khóa lại. Thế là hết một ngày.
Cùm một chân thật dễ chịu so với hai chân. Không phải chỉ bớt một nửa khó khăn, đau khổ, mà bớt được hai phần ba. Thực thế, với kiểu cùm này, nếu bị cùm hai chân, tôi nghĩ rằng không ai chịu nổi hai tháng. Con người tôi luôn luôn nỗ lực, từ bé nếu không tập võ, tôi cũng tập thể thao, thể dục; vì vậy, trong thời gian bị cùm hai chân, hàng ngày tôi vẫn cố nhúc nhích, cử động với những động tác có thể được, để hai chân và cơ thể lưu thông mạch máu. Thế mà, mới gần 40 ngày, hai chân tôi đã không đứng được nữa. Bây giờ, cùm một chân, tôi có thể xoay người, từ từ ngồi lên cái cùm để gập chân lại, hoặc có thể bước một chân xuống nền buồng để tập thể dục, vận động cơ thể.
Sau khi quản giáo đóng cửa, tôi lấy chiếc quần cũ hơn hì hục lau sàn, vừa khô được cái sàn, vừa đỡ hôi hám. Tôi có thể cúi xuống gầm sàn kéo cái bô ra, đàng hoàng mở nắp thùng đứng tồ, thoải mái. Mọi khi cùm hai chân, dù tôi cố gắng đến mấy cũng đành phải tè ra nhà, vì không dịch được ra mép sàn, đành từ giữa sàn nghiêng nghiêng nằm tè ra. May mắn thì vào bô được một ít, còn thường ra ngoài. Mà ra ngoài thì chính mũi mình ngửi, và khi được mở cùm thì cũng chính mình phải quét dọn. Bây giờ đêm ngủ, khi quá mỏi, tôi vẫn từ từ lựa thế giở mình được, nên thật dễ chịu.


Sáng hôm sau, chưa tới giờ Nhiễm đến, thế mà cửa sổ đã chợt mở. Mặt mụ Hoa, mụ chỉ một ngón tay:
- Mặc quần áo đi cung!
Rồi có tiếng chìa khóa, tiếng rút chốt cùm và cửa lớn mở. Ra tới phòng cung hôm nay, ngoài Nhuận và Đức, tôi thấy lại có thêm một người lạ nữa. Tên này người Huế, chừng 40 tuổi. Tôi lặng lẽ đi vào. Vẫn chiếc ghế đẩu để chơ vơ trước bàn của chúng.
Ngay khi mới tới cửa phòng, mắt tôi đã thoáng thấy một hộp điện lớn đen xì, với nhiều dây điện lổn nhổn, để trên cái bàn nhỏ ở góc phòng. Tôi hiểu ngay là hôm nay tôi sẽ phải đi tầu ngầm, hoặc máy bay mà lúc còn nhỏ, tôi thường nghe người ta nói đó là cách thực dân Pháp thường dùng để tra tấn, những người chống lại chúng. Tôi vờ như chưa nhìn thấy, vẫn ngồi cúi đầu như mọi khi.
Hôm nay, chúng tiếp tục nạt nộ, truy hỏi. Chúng đập bàn, đập ghế ầm ầm, nào là “Anh là một tên phản động từ trong máu, đã ăn nhiều bơ thừa sữa cặn của Mỹ Diệm”, nào là: “…lấy vải thưa che mắt thánh, dám lòe bịp cả bộ công an” v.v… Tôi chỉ biết lẳng lặng cúi đầu trước những lời sỉ vả, quát tháo của chúng. Trong thâm tâm, tôi vẫn lắng nghe, xét và nhận định từng lời, từng thái độ của chúng. Tôi thấy chúng chưa nắm được gì về tôi cả. Chúng đang tìm mọi cách để thọc cho ra những đầu mối, mà tôi không chịu khai. Lòng kiên trì che giấu của tôi như một cái đập ngăn giòng nước. Chúng đang loay hoay nghiên cứu, tìm tòi những lỗ rò. Nếu chúng thọc trúng, nhiều khi đập sẽ bục từng mảng, đôi khi cả đập.
Có những lúc tôi khai thật như: Luơng tháng của tôi 5000 ngàn mỗi tháng và đã viết giấy ủy quyền cho bố nếu tôi bị mất tích; hoặc thời hạn công tác của tôi ở ngoài Bắc là 25 ngày… Chúng vẫn không tin, truy đi hỏi lại nhiều lần, nào là vô lý, nói láo, đừng hòng lấy vải thưa che mắt thánh… Chính những điều này, cái thực mà chúng cũng không tin, đã cho tôi nắm chắc chúng chẳng biết điều gì rõ về tôi, ở trong Nam.
Trước đây, do những điều kiện tự do rởm, và tinh thần cán bộ thiếu ý thức ở Sài Gòn, nên tụi Cộng Sản nằm vùng có thể cài người vào, hầu hết mọi lãnh vực trong những cơ quan từ trung ương tới cơ sở địa phương. Vì thế, tôi cũng phòng hờ nghe ngóng và rất lo. Nhưng qua những sự việc trên, tôi cảm thấy yên tâm. Chúng nó chẳng nắm được gì quan trọng cả. Tuy vậy, cũng có thể vì vấn đề trở ngại thông tin Bắc Nam, chúng chưa đủ thời gian để thẩm tra về tôi chăng" Cho nên, tôi vẫn luôn đề cao cảnh giác, không dám quá chủ quan coi thường đối thủ.
Đến giờ, tôi hiểu thêm được một điều nữa là chúng làm việc có nghiên cứu tập thể. Mỗi một nghi vấn dù nhỏ, trong những sự việc của tôi, chúng đều về đào sâu, nghiên cứu mọi tình huống có thể. Điểm nào chưa sáng tỏ thỏa đáng, chúng đều ghi nhận, rồi gọi tôi lên truy hỏi lại những điều ấy cho tới cùng. Tôi thừa nhận bộ óc tập thể có ưu thế hơn hẳn một cá nhân. Dù vậy, trong trường hợp này, tôi cũng có cái ưu thế của tôi. Tôi chỉ cần có một bộ óc tỉnh táo, và một sự hiểu biết tuơng đối, kết hợp với lòng kiên trì, chấp nhận gian khổ, tôi mong là có thể đối ứng được.
Quát tháo, giận khùng chán chê, thấy tôi vẫn ngồi cúi đầu im lặng, bấy giờ tên người Huế chỉ vào mặt tôi, gọi đích danh:
- Bình! Anh muốn sống hay muốn chết"
Tôi ngửng đầu lên, tỏ vẻ lo sợ lẫn thành khẩn:
- Thưa các ông, giờ đây tôi không biết phải làm như thế nào để các ông tin. Tôi đã khai báo mọi điều tôi biết. Tha thiết mong cách mạng xét cho, tôi được nhờ.
Hơn một tiếng đồng hồ từ khi tôi bước chân vào phòng, chúng cố ý chờ xem thái độ của tôi như thế nào, khi nhìn thấy dụng cụ tra tấn. Nhưng tôi cũng cố ý coi như chưa nhìn thấy. Có lẽ quá lâu, nên chúng sốt ruột, tên Nhuận chỉ về phía cái bàn nhỏ trong góc phòng:
- Anh có biết cái gì kia không"
Tôi vờ như lần đầu tiên nhìn thấy, tôi hiểu rằng dù có sợ hãi xin chúng, chúng cũng không tha. Vả lại, vì chưa có kinh nghiệm và hiểu biết về chúng, tôi vẫn nghĩ một cách đơn giản là mình đã đi làm nghề nghiệp này, chỉ còn gồng mình chấp nhận. Trời đâu có thương nữa mà kêu, mà trách oán! Từ ý nghĩ đó, tôi đã trả lời rất thản nhiên:
- Thưa các ông, tôi hiểu về loại dụng cụ đó. Trước đây tôi đã ngu dốt đi làm nghề nghiệp này. Nay bị bắt, sớm muộn tôi vẫn bị nhiều hành hạ tra tấn. Vậy đây là toàn quyền của các ông. Các ông không tin tôi, tôi không biết làm gì hơn được nữa. Nhưng, có một điều là tôi đã nghĩ không đúng về các ông!
Tên người Huế quắc mắt:
- Anh nghĩ điều gì không đúng về chúng tôi"
Tôi có vẻ đăm chiêu:
- Tôi là một thanh niên sống dưới chế độ miền Nam mà các ông gọi là ngụy quân, ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ. Ở miền Nam, tôi thường biết có một số hình thức tra tấn để khai thác phạm nhân. Và tôi đã nghĩ rằng các ông thì khác…
Tên Đức ra vẻ sừng sộ, đứng bật dậy:
- Anh bảo khác, khác thế nào"
- Trước đây, tôi cứ nghĩ các ông là cách mạng. Một chế độ nhân dân, một nền dân chủ thực sự, thường lấy chính nghĩa chứ không dùng bạo lực để lôi kéo lòng người. Tôi vẫn đinh ninh trong lòng như vậy, nên ngay từ khi ra Bắc, tôi đã chẳng muốn hoạt động gì như lời chúng chỉ dậy tôi. Rồi sau khi bị bắt, tôi đã vội vàng thành khẩn khai báo hết với cách mạng. Thêm nữa, quan điểm sống của tôi là: Một là tôi sẽ được mọi người yêu tôi. Hai là tôi sẽ bị cay ghét, căm thù; chứ nhất định tôi sẽ không để ai khinh rẻ. Đặt giả thuyết, bây giờ vì tôi sợ tra tấn, nên mới phải khai báo với các ông, tôi sẽ đau khổ suốt đời vì tôi là một thằng hèn. Thà để thân mình bị tàn tật vì tra tấn, nhưng tinh thần được thảnh thơi hiên ngang nhìn mọi người, không bị tủi thẹn cấu xé. Hơn nữa, khai vì tra tấn, tôi cũng chả tốt gì với các ông…
Tên Nhuận và tên người Huế đều quát:
- Anh đừng già họng nữa!
- Câm ngay cái mồm lại, chúng tôi không phải trẻ con!
Tôi lại im lặng cúi đầu. Một lúc, tên người Huế đứng dậy:
- Bây giờ, chúng tôi cho anh về. Chiều nay lên, chúng tôi sẽ giải quyết.
Tôi chẳng hiểu chiều nay chúng sẽ giải quyết gì. Tôi đứng dậy, lúc đó cũng đã 12 giờ rồi.
Khi lão Bằng giong tôi về tới xà lim, tôi không thấy tên Nhiễm trực ở đấy. Tên Bằng mở cửa, tôi vào rồi y khóa lại. Vì y không trực xà lim nên y quên (hoặc giả y không biết) không bảo tôi bỏ chân vào cùm. Cảm thấy hơi mừng trong dạ, tôi ngồi ăn cơm. Mới chén được nửa bát, cửa sổ đã xoạch mở. Mặt tên Nhiễm. Y rút chốt, đứng ngoài cửa sổ bảo tôi bỏ chân vào cùm. Buồn thật! Thằng chó chết không cho nghỉ một tí để ăn cơm. Mười phút sau, tôi lại thấy rút chốt cùm. Đã quen lệ, tôi vội vàng nhấc cùm lên và rút chân ra. Cửa mở, tôi cầm bát và gáo ra lấy nước. Tôi để dành gáo nước cho việc đi ngoài và súc miệng, rửa mặt. Thường, tôi đã phải cố gắng uống no nước ngay tại chỗ. Điều này làm mãi, nên thành thói quen. Suốt hàng mấy chục năm trời, cho tới bây giờ, tôi cũng chỉ uống nước sau khi hai bữa cơm, còn hầu hết như không thấy khi nào khát nước. Tôi không cần phải uống nước những lúc không ăn.
Lại đóng cùm, lại khóa cửa. Tôi nằm vẩn vơ nhẩm tính sự việc đi cung ban sáng. Chiều nay, chẳng biết có sự gì xẩy đến với tôi. Chưa được mươi phút, cửa nhỏ lại mở. Tên Nhiễm gọi đi cung. Lúc này đã bị bắt gần 4 tháng, râu tóc tôi mọc lung tung beng. Nhiều lúc ngồi không buồn tay cứ rờ rẫm từng sợi râu rồi giật. Cũng thấy đau. Thực ra, ngồi không chả làm gì, hay chả có cái gì để làm, cái tay cứ tự nhiên đưa lên cằm rồi giật, trong khi óc tôi thì cứ trôi theo đường riêng của nó. Bây giờ, gần kề cái chết, đâu cần biết mặt mũi mình ra sao"
Tới phòng cung, tôi vẫn thấy 3 tên lúc sáng. Chiếc hộp điện đen xì vẫn nằm im trên cái bàn nhỏ ở góc phòng. Sau khi tôi ngồi ghế, chúng truy tôi rất nhiều về đoạn đường khi qua sông Bến Hải. Chúng bắt tôi thường thuật tỉ mỉ: Lội sang làm sao, nấp thế nào, đi đường nào, cảnh vật ra sao v.v… Vì tôi đã có hai lần ra tận bờ sông Bến Hải và nghiên cứu kỹ khu phi quân sự Bắc (Vĩnh Linh) và toàn khu vực huyệnVĩnh Linh, từ những con đường mòn, đến những bờ suối… Nhất là lại dùng loại ống nhòm nhìn xa 10 cây số, nên chỗ này, tôi nói không khó khăn lắm. (nghĩa là chưa nhìn thấy trước cảnh đó, khó có thể che giấu chúng được).
Đến đây, tôi đã cảm thấy thâm ý của chúng khi chúng bắt tôi tả chi tiết tỉ mỉ, từ Vĩnh Linh ra tới Hà Tĩnh. Như vậy, phải ngửi thấy ngay là có vấn đề rồi! Đây là một cái dốt, cái sai của tôi! Vì thực tế, tôi chỉ đi từ Kỳ Anh ra Hà Nội. Còn từ Vĩnh Linh ra Kỳ Anh thì tôi có đi đâu, cho nên khi khai báo nhiều lần trước đây, tôi thường khai lướt đi. Hơn nữa, tôi tập trung nhiều vào những khóa học tập ở Sài Gòn, nhiệm vụ ra Bắc và khi ở Hà Nội. Còn con đường từ Vĩnh Linh tới Hà Tĩnh, tôi đã coi nhẹ, vì thế, chúng đã phát hiện ra chỗ đê rò của tôi.
Tên người Huế, sau khi nghe tôi kể lại đi từ Vĩnh Linh ra Hà Nội thế nào, liền hỏi tôi:
- Từ Vĩnh Linh ra Hà Tĩnh anh ngồi trên xe hàng, vậy có khi nào anh xuống xe không"
Tôi phỏng đoán, chắc xe phải ghé thị xã Quảng Bình, nên tôi trả lời: "Có, khi đến Quảng Bình, tôi mót giải nên xuống tìm chỗ đi giải".
Y hỏi tiếp:
- Từ Vĩnh Linh ra Quảng Bình, có khi nào anh xuống xe không"
Tôi vờ như cố nhớ lại một chuyện không đáng nhớ, nhưng thực tế thì lúc đó trong lòng tôi đang bấn lên. Nó hỏi vậy, tất nhiên phải có vấn đề. Trước đây, tôi đã nghiên cứu bản đồ lớn, đường từ Vĩnh Linh ra Hà Tĩnh với Brown và Dale. Vì là bản đồ quân sự thời trước 1954, nên sau này có một số chi tiết thay đổi, mà tôi không biết. Hơn nữa, với tinh thần tắc trách, tuy Dale và Brown có chỉ từng điểm, từng con sông, cái cầu, v.v… nhưng thực tế, tôi đã chỉ ừ ào cho qua, chứ tôi không hề thực sự chú tâm, vì tôi cho là không quan trọng! Do đó, bây giờ tôi lúng túng. Sau một lúc ngẫm nghĩ, tôi mới quyết định nói:
- Thưa ông lúc đó, vì mới sang bờ Bắc, tôi rất lo sợ hoang mang, nên bây giờ tôi cũng không còn nhớ là có xuống hay không!
Y đập bàn:
- Anh nói láo. Ngồi trên xe, xuống hay không mà không nhớ! Anh muốn ngoan cố gan lì với chúng tôi hả"
Tôi nghĩ mình đành phải liều, vì vậy tôi trả lời:
- Tôi nhớ…hình như không…
Tên người Huế đứng giật dậy, quát ầm lên:
- Như vậy là anh nói láo hoàn toàn! Chúng tôi muốn thấy sự thành thật của anh, nhưng bây giờ, chúng tôi mới thấy là anh gan lì ngoan cố. Tôi nói cho anh biết, dù anh có ngủ gật, người ta cũng gọi anh dậy, để bắt anh xuống xe!
Thôi chết rồi! Như vậy là sông Gianh không có cầu, mà là qua phà, tất cả hành khách phải xuống xe. Tôi nghĩ thật nhanh. Nếu vì ngoan cố mà không biết phục thiện ở khâu nhỏ này, tôi sẽ chết ở những chỗ quan trọng khác. Vậy hãy thành khẩn:
- Thưa các ông, tôi đã suy nghĩ luẩn quẩn. Đã nhiều lần tôi muốn nói hết với các ông về việc này, nhưng tôi cứ loanh quanh lo sợ là các ông sẽ bắt tôi về điểm hẹn, để gọi người đến đón. Rồi các ông sẽ tìm mọi cách, để bắt hết những người đó. Như vậy, Sài Gòn họ sẽ biết ngay là tôi phản. Điều tất yếu là gia đình bố mẹ, các em tôi sẽ bị chúng trả thù. Bản thân tôi đã không làm gì được cho bố mẹ và các em nhờ cả, bây giờ nếu để liên lụy khổ đau cho gia đình, thì thà thân tôi bị đau khổ tan nát còn hơn. Chính vì điểm lo sợ ấy, nên tôi đã lúng túng không dám khai thật đường đi ra Bắc.
- Như vậy, anh ra Bắc bằng cách nào"
Ngay từ mấy hôm trước đó, căn cứ vào chiều hướng chúng truy hỏi, tôi đã linh cảm khâu từ Vinh Linh ra Kỳ Anh khó ổn, nên đã nhẩm tính: Nếu cùng quá, tôi đành phải nhận ra Bắc bằng đường biển. Tôi không hiểu, bật ra điều này, là kéo thêm một mảng. Xuất phát từ đâu" Thuyền nào đưa đi" Những thủy thủ thế nào, bao nhiêu người" Ngày giờ hẹn đón nhau" v.v… Bao nhiêu là chi tiết phải lắp vào, sao cho hợp lý về cả không gian, thời gian, sự việc và con người.
Tôi cũng đã tính, với tình huống những người thủy thủ đưa tôi đi như vậy, có thể họ còn đưa những người khác sau này. Biết đâu, một ngày nào đó, nếu họ không may bị bắt, họ sẽ nói đến thời gian đó đưa một người như vậy, như vậy… (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.