Hôm nay,  

Chuyện mỗi tuần: Thuở Ấy Hạ Buồn

18/06/200700:00:00(Xem: 2724)

Vừa mới ngả lưng để thưởng thức chương trình TV tối nay thì Yến nhắc:
- Anh à! Anh Xuân, bạn anh gọi mời vợ chồng mình cuối tuần lên nhà anh ấy chơi đấy anh có đi không"
Tôi uể oải:
- Bận quá mà thì giờ đâu mà đi. Nó đi chợ VN vùng này hoài mà sao nó không ghé mình chơi mà còn bảo mình lên nó làm chi… đường xa quá mà…
Thấy tôi nói vậy Yến được thể tuôn ra những gì mà nàng muốn nói:
- Ừ lên làm gì, đường xá xa xôi quá mà. Ông bà ấy đi xuống đây hoài mà có thèm ghé nhà mình đâu. Bạn bè của anh gì mà như phấn nhà thổ ấy. Anh bị bịnh vào nhà thương mấy lần anh ta biết mà cũng không thèm gọi hỏi thăm nữa chứ đừng nói chi đến thăm. Chơi vậy thì chơi với ai.
- Thế bà trả lời hắn làm sao"
- Em bảo không biết được, để anh đi làm về hỏi anh đã…
- Đã nghĩ vậy mà không trả lời phứt mình không đi được lại còn đợi cái gì nữa.
- Tại em ghét hôm nọ anh ta gọi điện thoại hỏi đường đi đến nhà ông Vũ ở đây vì anh ta đếm thăm mà kiếm không thấy tên đường, em chỉ xong anh ta còn nói: "Nếu tôi kiếm không ra nhà anh Vũ thì tôi sẽ ghé chơi với anh chị." Em lộn ruột bảo hôm nay vợ chồng mình đi vắng không có nhà.
 Tôi thầm nghĩ cái thằng sao mà già đầu rồi còn ăn nói đần độn hớ hênh đến thế! Ai lại nói "nếu không kiếm thấy nhà thằng kia thì mới… đến."
Thực tình thì chỉ có mình tôi biết cái lý do thằng Xuân không muốn đến tôi chơi vì mấy năm trước tôi đã giận quá mắng nó rằng từ rày mày đừng đến tao chơi nữa. Mỗi lần mày đến cái mồm mày làm khổ tao không hà. Thế rồi nó không đến nữa chả hiểu nó giận tôi hay nó tự ý thức không muốn tôi phải vạ lây vì cái mồm nó.
Trước kia Xuân thường hay đến tôi nhậu nhẹt bù khú với nhau và khi đã rồi thì cái mồm nó trơn như mỡ tuôn ra đủ chuyện qúa khứ vị lai của tôi và của nó. Có chuyện có, có chuyện không, có chuyện có ít thì nó xít ra nhiều thêm mắm thếm muối vào cho nó đậm đà. Nếu nó phịa những chuyện vô thưởng vô phạt thì đâu có sao, đằng này nó phọt ra cả những chuyện có thể cho tôi lên "ghế điện". Chẳng hạn như khi không nó nhắc "mày còn nhớ con nhỏ Nhã mà may trồng cây si hồi đó không"" hay "con nhỏ bán cà phê ở cổng quận mà mày bắt bồ đó coi cũng văm chứ nhỉ"" và có lần nó phọt ra rằng là "hồi đó mày cũng mê con em tao thấy mồ tổ chứ ai…" Nó nói cho sướng cái mồm rồi về nhà nó nó ngáy, còn tôi thì bị Yến truy hỏi cả đêm, trả lời không ra đâu vào đâu là ăn nhéo ăn cấu, còn khổ hơn đi "làm việc" với công an "Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa" ấy chứ. Mà đã dặn hoài dặn hủy, thằng Xuân vẫn chứng nào tật nấy nên tôi mới xạc cho nó chừa và đừng đến quấy rấy tôi nữa.
Xuân là thằng bạn học từ thuở trung học ở Sàigòn thuở thập niên 1960. Nó là một thằng đầu bò đầu bíu; làm bạn với nó qủa là một việc ngoài dự định. Trong cái lớp học trường tư đó nó là thằng nổi bật vì nó cao lêu nghêu một thước bẩy, lại nham nhở, đía, và phá nhất lớp nên tôi cũng có ý né nó. Một bữa kia tan học đang trên đường cong lưng đạp xe đạp về nhà thì nó ở đâu đạp xe xông lên ngang tôi hỏi:
-Ây nhà mày ở đâu" Có xa không"
Tôi trả lời cho xong:
- Ở xa lắm mãi tận Ngã Ba Ông Tạ lận.
- Vậy hả! Tao ở Trương Minh Giảng, tao ghé nhà mày chơi, rồi tao về nhà lối đó cũng được.
Mẹ tiên nhân thế này là thế nào! Rước cái thằng này về nhà thì có nước mẹ tôi tế cho một trận và cúp tiền học phí chứ đừng có bỡn. Bà mẹ tôi thuộc giới cổ hủ nên chúa là ghét những thằng lấc ca lấc cấc, ăn nói xô bồ không trình thưa và thằng Xuân này ngoài cái vừa kể còn có thêm cái đầu tóc dài bù xù chải tém ra sau ót như đít vịt thế này… thì chết bố "tui". Tôi cố thoái thác:
- Tao bận học lắm lại phải còn ra giúp bà cụ tao bán hàng nên đâu có thì giờ chơi với mày. Thôi để bữa khác đi.
 - Không sao. Tao ghé cho biết nhà thôi rồi bữa khác sẽ ở lại chơi lâu…
Ối giời đất ơi! Lại còn bữa khác nữa cơ à. Thế thì thằng này nó sắp giết tôi đây… nó lì như thế này thì chết bố tôi rồi.
Nó đến nhà thấy mẹ tôi nó khoanh tay bắt chước người Bắc:
- Lậy bác ạ! Cháu là bạn học của anh ấy, thấy anh ấy học giỏi và hiền lành nên cháu ghé chơi thăm bác để lâu lâu anh em hỏi bài nhau…
Mẹ tôi niềm nở:
- Anh ngồi chơi. Tiện thể ở lại ăn cơm với em, tôi mới đánh tiết canh vịt ngon lắm...
Rồi bà đưa năm đồng bảo tôi ra tiệm tạp hoá mua gói thuốc "Ruby" để anh em hút với nhau. Tôi thở ra nhẹ nhõm nhưng ngạc nhiện tự hỏi "Thế này là thế nào" Sao mẹ tôi hôm nay lại từ bi thế nhỉ" Cái thằng này mà phải đãi thuốc Ruby cơ à"" Tôi không ngờ cái thằng này nó kịch kỡm hay thế, nó còn nhìn tôi nháy mắt như ngầm bảo "Nhờ có ông mà mày được hút ké thuốc Ruby đấy nhá."
Thế là tôi với thằng Xuân thân nhau từ đó. Sau này tôi thường nói thằng này có cái số nhờ cái mồm mà sướng cái thân. Thật vậy, nó chẳng ngượng ngập gì cả, ai cũng làm quen được nhất là những chỗ mình ngại ngùng nhất thì nó cứ tỉnh bơ sấn tới. Chỉ được có vậy, còn ngoài ra nó học hành chẳng ra cái thống chế gì cả. Sàigòn có bao nhiêu trường tư thục, Xuân đền có mặt gần hết. Mỗi trường nó chỉ học vài ba tháng rồi quịt học phí đi lấy lấy tiền xài chơi hay đi học võ của thày Tâm Giác. Gần mùa thi nó học một "cua" luyện thi cấp tốc và có năm thi cả trung học lần tú tài. Suốt tám năm đi thi cũng chẳng lấy được cái mảnh giấy gì để lót lưng sau này nhưng nó chẳng tỏ vẻ bi quan tí nào mà vẫn yêu đời và vui như tết.
Tới tuổi quân dịch, nhờ cái mồm Xuân làm quen bắt giò làm sao lại được vào cảnh sát. Thấy nó bặm trợn mấy xếp cảnh sát quận Năm bảo nó cải trang đi bắt một thằng trùm du đãng ở chợ Cầu Ông Lãnh. Xuân đánh một quần xà lỏn áo cũ, đội nón dơ dáy, đẩy xe ba gác đến gần chỗ thằng trùm du đãng hay tụ tập với đàn em. Như thằng điếc không sợ súng nó tà tà rề gần tay trùm du đãng móc còng ra còng cái cụp tay của thằng đầu bò vào thành xe rồi rút súng ra uy hiếp đám nhóc. Các xếp cảnh sát ào tới thành công mỹ mãn. Thằng du đãng ngó Xuân rồi lắc đầu chửi mấy thằng đàn em: "ĐM! Tụi bay canh gác mà mù nên bị con nai tơ này nó lừa. ĐM. Tụi bay coi chân và đùi nó trắng hêu hếu thế kia mà dân đạp xe ba gác thế đíu nào được." Rồi quay qua Xuân, thằng trùm cười ruồi: "Trời cao đất rộng, mai tao ra khỏi chuồng rồi thì thế nào mình cũng gặp nhau". Vì Xuân lạ mặt nên mới bắt được tên trùm này chứ các "cớm" cũ tụi nó nhẵn mặt hết lại gần nó thiến thấy mẹ.
Khi hiểu được thằng trùm này không phải tay vừa Xuân teo… nên nó đào nhiệm cảnh sát và tình nguyện vào lính ông "địa" ở Gia Định. Cũng nhờ cái mồm nó lại được biệt phái gác nhà giây thép gió của Ủy ban Quốc Tê Gíam Sát Đình Chiến do một ông Ấn Độ trông coi. Cả ngày ngồi nghe radio nhạc Ấn Độ cà ri cá rạ inh cả tai, Xuân ớn quá, lấy chứng chỉ học hết lớp đệ tứ xin đi học Hạ Sĩ Quan. Lúc đó tôi cũng đã nhập ngũ vào trường sĩ quan trừ bị nên ít có dịp gặp nó. Ba bốn năm sau, khi tôi trấn đóng gần chân núi Bà Đen thì tự nhiên thấy nó đeo lon trung úy lù lù xuất hiện ở đơn vị tôi cười hề hề: "Mày tưởng tao không tìm thấy mày à" Tao đến thăm bà già mày, bà ấy cho tao biết mày ở đây". Thấy tôi nhìn nó trừng trừng Xuân cười: "May tưởng tao đeo non gỉa hả. Thiệt đấy. Tao đi khoá SQ đặc biệt đó. Hề hề cái số tao nó sướng vậy đó mày biết không. Đâu cứ phải có bằng tú tài như mày mới đi SQ được đâu. Tao về Bà Rịa đánh vài trận lên lon đặc cách không đó". Đúng là thằng này có cái số hên… và nhờ cái miệng.


Hồi chưa nhập ngũ lâu lâu tôi cũng ghé nhà nó chơi. Mới đầu tôi chỉ muốn tìm hiểu xem gia thế thằng này thế nào hay là du tử du mục nhưng thấy gia đình nó cũng như gia đình tôi đều không có bố giống nhau nên tôi yên tâm giao du với Nó. Xuân có đứa em gái kháu khỉnh tên là Hạ khoảng 17 hay 18 tuổi. Hạ không đẹp chim sa cá nặn nhưng má đỏ hây hây, mắt long lanh, và nhất có nụ cười chúm chím ai nhìn cũng muốn cắn. Tôi không bị tiếng sét qúa nặng mà chỉ cảm thấy xao xuyến khi nói chuyện với em nên tôi thường ghé Xuân chơi để có dịp ngắm em cười với ánh mắt long lanh. Có lúc Xuân hỏi tôi: "Coi bộ mày khoái con em tao phải không"" Tôi chỉ lườm nó: "bậy bạ cái mồm đi". Xuân tiết lộ: "Nó yêu thằng Kháng mà hôm nọ mình uống cà phê với nó đó. Nhà nó ở trong xóm này. Nó đi biệt động quân vả lại nhà tao đạo công giáo nó đạo Phật nên bà già tao chưa chịu. Nếu mày muốn thì cứ việc tán, ngại ngùng gì". Tôi cứ lửng lơ con cá vàng… chờ tới đâu hay tới đó, tôi không muốn thằng Kháng coi thường tôi.
Thằng Xuân ngoài cái tài mồm mép nó còn có tính ẩu tả nên một bữa đi dạ tiệc và "bum" (khiêu vũ) với bạn bè nó phục cho một em mập ú say sưa rồi dắt nhau đến xó kẹt nào đó vu sơn vu giáp. Mấy tháng sau em bé bự này có bầu nên đến khóc lóc ăn vạ nhà thằng Xuân. Bà già nó "tụng kinh" xỉ vả nó vài ngày và sợ con nhỏ làm liều thì mất mặt với bà con làng nước nên bắt thằng khốn làm đám cưới với em bé bự đó. Ngày cưới vợ, mặt thằng Xuân cứ dài ra trông thật thảm não. Nó nói với tôi "Thôi tao tàn một đời hoa rồi. Mắc cái của nợ này rồi thì làm ăn làm sao"" Tôi cười vào mũi nó: "Sướng c… thì mù mắt! Giờ đành chịu chớ biết làm sao…"
Nhân lúc tiệc tùng em Hạ mắt long lanh nhìn tôi:
- Anh nhớ đấy nhá, yêu ai thì yêu cho đàng hoàng còn không thì thôi chứ đừng có tìm cách lừa dối rồi hại đời con gái của người ta tội lắm đó.
Nàng chỉ nói cho vui miệng hay nàng muốn nhắn nhủ riêng tôi đây" Tôi nhìn sâu vào cặp mắt lóng lánh ẩn tình đó nói nhẹ: "Anh sẽ chả bao giờ làm chuyện đó; em có hiểu không"" và tôi tiếp tục nhìn nàng thăm thẳm.
- Anh làm gì mà nhìn cứ như là muốn lột trần người ta ra vậy…
- Bậy nào! Anh nhìn để thấy hết những gì chứa trong mắt em.
- Mắt em có gì thì anh thấy hết rồi còn gì nữa…
Cuộc đối thoại với những lời nửa kín nửa hở khiến tôi phân vân suy nghĩ không ít và tôi như có một niềm hy vọng vẩn vơ nào đó.
Ít tháng sau, Xuân kêu tôi đến thăm và đưa đám thằng Kháng vì nó vừa tử trận. Tin này khiến tôi ngỡ ngàng sửng sốt. Sao con người lại vắn số đến thế. Khi tôi đến đám ma thì thấy Hạ chít khăn tang nức nở bên quan tài. Tôi đưa mắt hỏi Xuân, nó kéo tôi ra cho biết Hạ xin phép bà già và gia đình Kháng cho nó để tang thằng Kháng vì nó nói hai đứa tuy chưa cưới nhưng nó tự cho mình đã là vợ thằng Kháng nên nó muốn như vậy.
Chao ơi một người con gái nhởn nhơ như Hạ mà có một tình yêu mãnh liệt như vậy. Tôi đến bên Hạ với ngụ ý cho nàng biết có tôi đến để nàng không cảm thấy cô đơn. Hạ ôm chầm lấy vai tôi gục đầu xuống sướt mướt. Tôi im lặng dìu nàng đi không biết nói lời gì vì không nghĩ ra được lời nào có đầy đủ ý nghĩa lúc này. Trông Hạ thật não nùng, não nùng hơn cả những thân nhân ruột thịt của Kháng. Khi hạ huyệt nàng nhào xuống nằm ôm chặt nóc quan tài, phải hai ba người mới gỡ kéo nàng lên được. Nhìn cảnh đó những người đứng quanh có muốn cầm lệ lại thì lệ lại tuôn thêm. Mẹ Kháng gào lên thảm não: "Con ơi, như thế này mà con đành lòng bỏ đi hay sao"" Ôi! Tình nàng không bao la như biển rộng sông dài nhưng nó nặng như ngàn lời thệ nguyện. Người nằm dưới huyệt kia dù có tức tưởi cách mấy chắc cũng thư thái an giấc ngàn thu.
Tôi tưởng ngày tháng sẽ phôi pha nỗi buồn đột ngột và Hạ sẽ trở lại với cuộc sống nhí nhảnh nhởn nhơ bình thường. Nhưng không, từ đó mắt Hạ vẫn long lanh nhưng sâu thẳm trong đó có một nỗi xa vắng quạnh hiu. Nụ cười vẫn nở nhưng ẩn sau làn môi ấy một u sầu héo hắt. Hơn một tháng sau đó tôi ghé thăm Xuân, nhưng thật tình là để thăm Hạ, nàng vẫn với nụ cười và ánh mắt long lanh đó nhưng vẫn ẩn chứa nét u uẩn hắt hiu. Bỗng Hạ bảo tôi:
- Anh chở em đi một tí được không anh"
- Em muốn đi đâu"
- Đi lên nghĩa trang quân đội Biên Hoà, tuần này 49 ngày anh Kháng…
Lướt Honda trên xa lộ Biên Hoà chở Hạ ngồi đằng sau, tay nàng âu yếm ôm lấy eo tôi và đầu nàng gục vào lưng tôi người ngoài nhìn vào hẳn nghĩ đây là một cặp đang tràn đầy hạnh phúc. Nhưng chính tôi lại cảm thấy buồn buồn thầm trách "Em bất công lắm em biết không. Dựa vào anh như thế mà hồn em thì ở tận nơi đâu." Đến nơi tôi đứng lặng đằng sau nhìn Hạ nửa ngồi nửa qùy trước mộ Kháng tay chống cằm lặng yên không nói. Nàng nguyện cầu gì không tôi chẳng biết và tôi cũng không biết nói điều gì với nàng. Làm sao mà tôi nỡ khuấy động cái tâm tư ấy!
Chở nàng về nhà, khi từ giã tôi khẽ nói với Hạ:
- Em ráng giữ sức khoẻ… Em biết không, anh thương em lắm…
 Nàng khẽ nói: "Em biết".
Chả hiểu nàng biết như thế nào vì sau đó tôi phải nhập ngũ và ràng buộc với cuộc sống gò bó bận rộn. Hơn một năm sau tôi về thăm nhà và ghé thăm Xuân để tiện thể… Thấy tôi đến Hạ ôm chầm lấy vai tôi reo vui:
- Lâu quá không thấy anh đến chơi tưởng anh quên em rồi. Anh đen đúa nhưng trông oai vệ ghê. Anh đi tác chiến hử, có cực lắm không anh"
Thấy nàng âu yếm săn sóc, tôi phơi phới trong lòng đánh bạo:
- Hôm nay em có đi chơi đâu không anh chở đi…
- Anh chở em đi thăm anh Kháng được không anh" Anh Xuân cũng nhập ngũ rồi anh cũng mất biệt, chả có ai chở em đi đâu cả. Em nhớ mãi bữa anh chở em đi, em chỉ mong anh đến…
Tôi lại chiều Hạ một lần nữa, tôi không biết nói gì với nàng. Khuyên nhủ nàng quên Kháng ư" Ôi Kháng còn gì đâu.. Nhưng khuyên như thế ai mà nỡ… Tức một nỗi là nàng lúc nào cũng thân thiết với tôi nồng ấm như một người tình bé bỏng nhưng chỉ là cái bóng chập chờn tôi không ôm choàng lấy được.
Sau này có lúc Xuân nói với tôi bà già nó than thở rằng: "Biết nó yêu thằng ấy đến như thế thì tao gả phứt cho chúng lấy nhau cho rồi. Nếu nó có goá bụa thì cũng đành chứ như bây giờ nhìn nó tao đứt ruột đứt gan…" Kể cũng lạ kỳ cho lòng thương con của một bà mẹ quê mùa; có lẽ bà nghĩ thà rằng nó có goá bụa nhưng nó đã có chia xẻ cuộc đời thì sự thương tiếc còn có thể nhạt phai… còn như thế này nó ăn sâu vào tâm não của nàng không biết đến bao giờ.
Với cuộc sống quay cuồng trong chiến tranh tôi không còn có cơ hội thăm Hạ nữa và sự ray rứt của tôi cũng nguôi dần vì đã chai lì theo ngày tháng cơ cực. Tuy vậy mỗi khi có dịp gặp Xuân tôi đều hỏi thăm về Hạ và lần nào Xuân cũng nói: "Nó vẫn ở vậy, nó không chịu lấy chồng mày ạ. Nó vẫn nhắc tới mày". Rồi tôi cũng có gia đình con cái đùm đề tôi không có thì giờ để nghĩ đến Hạ, và Hạ đã mờ nhạt trong một góc kỷ niệm nào đó trong tôi theo năm tháng.
Khi gặp Xuân tại Mỹ thì tôi mới chợt nhớ tới Hạ, Xuân vẫn cười hề hề, đía đía nhưng vắn tắt cho biết rằng bà già nó đã mất và Hạ giờ một mình ở căn nhà đó và vẫn chưa có chồng… Tôi lắc đầu ngao ngán, chao ơi nàng con gái ấy ôm một lời nguyền cho đến thiên thu… Liệu sự thật đó kể ra đây, có ai tin được không"
Bởi vậy tôi rất bực mình khi Xuân đến chơi mà cứ lâu lâu mang chuyện hạ ra nói. Tôi muốn để nàng yên tịnh với qúa khứ. Tôi muốn nàng mờ nhạt dần trong cõi nhớ quên...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.