Hôm nay,  

Cuộc Gặp Gỡ Đầy Ấn Tượng Và Bài Thơ Về LS Lê T Công Nhân

08/05/200700:00:00(Xem: 7618)

Nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn và nữ Lụât sư Lê Thị Công Nhân cùng trò chuyện trong lần Công Nhân đến thăm gặp đầu tiên tại nhà riêng anh Nguyễn Khắc Toàn ngày 20/9/2006. (Ảnh do kỹ sư Bạch Ngọc Dương chụp)
  (Nhà báo tự do, kiêm Phó Tổng biên tập Tập san Tự Do Dân Chủ)

Tôi viết bài này thân mến tặng anh Nguyễn Hà Tịnh, nữ luật sư Lê Thị Công Nhân và tất cả các anh em trí thức chân chính đang xả thân tranh đấu cho nền tự do, dân chủ, nhân quyền và công lý của Nước nhà.

Hà nội đêm 3 và 4/ 5/ 2007

Cách đây đúng 2 tháng, vào khoảng hơn 10 giờ sáng chủ nhật ngày 4/3/2007 tôi nhận được cú điện thoại gọi vào số di động của mình với giọng một người đàn ông miền Nam nhỏ nhẹ, trầm ấm xưng tên là Tính hay Tỉnh gì đó... mà tôi rất khó đoán chính xác. Nội dung cuộc gọi ấy nói, rằng anh là một Việt kiều sống ở Mỹ đang về thăm người nhà tại Việt Nam và đang có mặt tại Hà nội. Người đàn ông nói trong điện thoại đã hỏi địa chỉ cụ thể, chi tiết về nhà riêng của nhà báo Nguyễn Vũ Bình và tôi để có dịp anh sẽ đến thăm tận nơi. Anh ấy còn hỏi bây giờ muốn đến thăm anh liệu công an trong nước còn đặt chốt canh gác cản trở và có làm khó dễ gì cho khách đến thăm và tôi nữa không" Tôi trả lời:

"Bây giờ công an đã tạm thời bỏ chốt canh gác và họ có lẽ họ chỉ lập các chốt gác này để ngăn cản các đoàn khách quốc tế, các quan chức ngoại giao tại Việt nam hay các nhà báo quốc tế muốn đến gặp gỡ trao đổi trong các dịp khách nước ngoài thăm viếng Việt Nam, hay các dịp nhà nước và đảng CSVN đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế tại thủ đô Hà Nội thôi. Tuy thế, nhưng hiện giờ phía công an trong nước đã có chút ít tiến bộ nhích lên so với trước, là ở chỗ họ đã bớt cực đoan, cực tả và ấu trĩ hơn trước kia rất nhiều rồi...Tôi mời anh cứ đến nhà chơi chắc không có chuyện gì bị công an hay chính quyền làm khó dễ đâu".

Sau ít phút trò chuyện trên điện thoại tôi đã chỉ đường để người nhà của anh chở anh bằng xe máy đến nhà riêng nơi tôi đang sống cùng gia đình. Khoảng 10 phút sau khi tôi vẫn đang say sưa làm việc thì cú điện thoại lần thứ 2 cuả anh gọi lại báo tin:

"Em đã tới số nhà 11 Ngõ Tràng Tiền nhà anh và đang đứng đợi anh tại tiệm uốn tóc ở mặt phố, tầng 1 đây và em đang chờ anh ra đón đấy".

Nhận được cú điện như vậy, tôi liền ngừng tay, dời bàn viết, tắt máy tính rồi mặc vội bộ quần áo đi xuống cầu thang mở khóa cửa để xuống đón khách quý từ phương xa đến, khi xuống tới nơi thì thật quá ngỡ ngàng trước mắt tôi là một nam giới tuổi đã ngoài 40 cao lớn, to khỏe mạnh, vạm vỡ. Tôi bắt tay thân mật chào hỏi, còn anh rất mau lẹ tự giới thiệu về mình đang sống ở tiểu bang Oregon - Hoa Kỳ, tiện thể về thăm bà con ở khu Đồng Xa quận Cầu Giấy ngoại thành Hà Nội. Anh nói rằng có biết rõ tên tuổi địa chỉ của các anh chị là những công dân, trí thức đang dấn thân tranh đấu vì nền dân chủ tự do cho nước nhà, vì thông qua được đọc những bài viết, tin tức đã phổ biến rộng rãi trên Mạng internet toàn cầu trong thời gian qua và hiện nay nên muốn đến thăm và chia sẻ có vậy thôi. Anh còn nói tiếp:

"Em chẳng tham gia đảng phái hay tổ chức đoàn thể chính trị gì mặc dù bên đó tự do thoải mái chẳng ai cấm đoán bắt bớ gì như bên Việt Nam mình. Em chỉ thuần túy là người lao động, công nhân, cu ly làm thuê, làm mướn thôi chẳng phải học giả hay trí thức lớn gì đâu. Bản thân em còn chưa học hết tiểu học đó, vậy em mong anh hiểu và cảm thông cho!".

Câu trả lời thẳng thừng, mộc mạc của anh như dội gáo nước lạnh buốt vào đầu làm tôi choáng váng và kinh ngạc hết sức. Tôi liền trợn mắt, bặm môi gặng hỏi lại anh mấy lần về nghề nghiệp đang mưu sinh và trình độ học vấn của cá nhân anh, nhưng rốt cục anh vẫn trả lời y chang như vậy không có gì đổi khác. Vì thái độ đàng hoàng và dứt khoát của anh như vậy nên tôi tạm tin rằng anh đã nói thật tình và đúng chứ không phải đóng vai kịch làm người khiêm tốn gì.

Vừa hỏi thăm về gia cảnh người khách, tôi vừa dẫn lối mời anh lên phòng khách tầng 2 để trò chuyện tâm tình. Tôi cũng không quên mời cả người em họ đã dùng xe máy chở anh ta đến thăm tôi, nhưng người em từ chối và xin phép được đứng dưới đó chờ cũng được. Lên phòng khách của gia đình ở tầng 2, tôi với anh ngồi với nhau được khoảng 5-10 phút thì nghe có tiếng chuông reo báo hiệu lại có khách mới đến nhà thăm. Khi bước xuống để mở cửa đón khách thì làm tôi quá đỗi ngạc nhiên, là các vị khách đến thăm tôi chẳng phải xa lạ gì nữa mà chính là những anh em trí thức dân chủ trẻ tuổi gồm các kỹ sư Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh và nữ luật sư Lê Thị Công Nhân. Khi tất cả chủ và các vị khách đã an tọa trong phòng khách rồi, tôi mới giới thiệu với mọi người về vị khách đặc biệt đến từ bên kia quả địa cầu nơi cách xa đất nước này hàng vạn cây số. Còn ngược lại vị khách đặc biệt đó thì không cần giới thiệu gì cho nhiều, thì anh vẫn nhận ra từng khuôn mặt quen thuộc của từng người một. Anh cho biết là đã biết danh tính của họ trên Mạng internet từ khi họ xuất hiện công khai phát biểu chính kiến của mình về dân chủ, tự do, nhân quyền và các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội khác của đất nước, mà đến hôm nay anh mới có dịp mặt đối mặt với họ...

Anh Nguyễn Hà Tịnh, vị khách vượt quá nửa vòng trái đất để bay về Hà Nội, về Việt Nam, ngày hôm ấy đã trở thành nhân vật trung tâm của cuộc gặp thú vị, rất vui và quá bất ngờ đó. Bởi vì, không thể có may mắn nào hơn, là khi anh chỉ đến thăm mỗi tôi nhưng lại ngẫu nhiên được gặp tới mấy anh, chị em trí thức dân chủ tiêu biểu trẻ tuổi y như đã được sắp đặt từ trước vậy. Mấy người bạn trẻ còn cho biết là lẽ ra hôm đó luật sư Nguyễn Văn Đài cũng sẽ đi cùng, nhưng vì cả 2 vợ chồng bận đi Lễ Nhà thờ nên không thể cùng đi với các bạn đến thăm tôi được. Buổi trò chuyện giữa chúng tôi trở nên sôi động và rất vui vẻ, nhưng cũng thoáng mất vui. Vì Bạch Ngọc Dương và Công Nhân cho tôi biết phía an ninh mật vụ mấy hôm nay họ bám rất chặt mọi động tĩnh của các em rất gắt gao, nhất là Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Bạch Ngọc Dương, còn Phạm Văn Trội, Lương Duy Phương và Nguyễn Phương Anh cũng trong tình trạng căng thẳng đến ngột ngạt.

Tôi thật không thể ngờ được rằng chỉ 48 giờ đồng hồ sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và thú vị này, thì lực lượng công an PA-24 và cơ quan an ninh điều tra thuộc sở công an Hà nội đã chính thức tiến hành bắt giam 2 em, những luật sư can đảm dám xả thân tranh đấu vì dân chủ tự do và công lý như Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài. Do đoán trước được là cuộc gặp trò chuyện hiếm hoi này có thể kéo dài, nên anh Tịnh đã xin phép mọi người được xuống đường để nói với người em họ đang chờ đợi hãy về trước kẻo sốt ruột, còn lát nữa anh sẽ về sau bằng tắc xi...

Tôi pha trà mời khách uống và nảy ra sáng kiến vừa trao đổi trò chuyện vừa chụp ảnh để kỷ niệm buổi gặp gỡ hiếm có này, nhưng vì máy chụp ảnh của tôi bị hỏng nên phải dùng điện thoại của Công Nhân để chụp, còn điện thoại của anh Tịnh thì điện còn rất ít không đủ năng lượng để tiến hành việc đó.

Tôi rất tiếc mấy kiểu ảnh do Công Nhân đã chụp được hôm đó cũng theo em vào trại giam và chắc chắn rơi vào tay công an, nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ trở lại với chúng tôi nữa, mà những người đã có mặt trong các tấm hình đó rất cần đến chúng để giữ lại những hình ảnh đầy ấn tượng khó có thể nào quên được. Ngay trong buổi gặp gỡ vui vẻ này anh Tịnh ngỏ ý muốn đến thăm gia đình nhà báo Nguyễn Vũ Bình luôn sau khi rời nhà tôi. Anh rất biết nhà báo Vũ Bình - cựu biên tập viên Tạp chí Cộng sản đang bị đảng CSVN và nhà nước bỏ tù vì những hoạt động tranh đấu cho Nhân quyền, Dân chủ và đòi tự do chính trị của mình từ suốt gần 5 năm qua. Trước đề nghị đó của anh tôi đã nói rằng:

"Em muốn đến thăm thì để tôi gọi điện trước cho chị Bùi Thị Kim Ngân là vợ của Nguyễn Vũ Bình để hỏi xem chị ấy có nhà không trước đã. Nếu không thì khi em xuống được tới nơi, tận mãi phố Nguyễn Thị Minh Khai thuộc quận Hai Bà Trưng rất xa xôi và khó tìm sẽ lại mất công của em đấy".

Khi tôi dùng điện thoại của anh Tịnh gọi liên lạc được với Kim Ngân thì lại gặp một bất ngờ nữa, là chị Kim Ngân đang có mặt tại trại giam Nam Hà nơi đang cách Hà nội hơn 85 km về hướng Nam để thăm nuôi chồng theo định kỳ hàng tháng. Qua trò chuyện với Kim Ngân tôi được biết 3 mẹ con chị đã có mặt tại trại giam từ 6 - 7 giờ sáng. Vậy mà ban giám thị trại giam vẫn cố tình không sắp xếp cho 3 mẹ con vào thăm gặp tù nhân sớm và lúc này đã hơn 11 giờ trưa rồi. Tôi đề nghị luôn với Kim Ngân chuyển máy cho tôi gặp nói chuyện với bất kỳ cán bộ quản giáo nào đang có mặt tại phòng chờ đó để hỏi thăm và yêu cầu thúc giục họ không nên gây khó khăn cho mấy mẹ con chị. Nhất là tôi muốn gặp lại trung tá công an Hoàng Xuân Nam, đại úy Vũ Văn Chiêm...là những cán bộ thuộc phân trại 1 trại giam Nam Hà (còn được gọi là trại Ba Sao). Đây là những sĩ quan quản giáo trực tiếp mấy năm qua mà họ cũng rất biết tôi và họ chuyên dẫn giải những tù nhân trong các buồng án tù chính trị và tù nhân tôn giáo của chúng tôi đi gặp gỡ gia đình, hay lên làm việc với ban giám thị trại Nam Hà, hoặc tiếp xúc với những đoàn sĩ quan của Cục A 42 Tổng cục an ninh Bộ công an từ Hà Nội vào trại vào làm việc với tôi liên tục mấy năm khi tôi còn trong trại giam khét tiếng này...

Trung tá Hoàng Xuân Nam là cán bộ lâu năm của trại giam được Tổng cục an ninh và ban giám thị trại lựa chọn phân công chuyên tâm theo dõi và cai quản các buồng tù nhân người dân tộc Thượng Tây Nguyên và khu biệt giam mà tù hình sự trong trại hay gọi là buồng số 17. Đây chính là khu giam riêng rất đặc biệt chỉ dành cho các tù nhân chính trị đặc biệt được Tổng cục an ninh và ban giám thị trại cho là cực kỳ nguy hiểm cho đảng, nhà nước và chế độ XHCN hiện tại. Khu biệt giam này chính là nơi mà hiện nay các tù nhân Nguyễn Vũ Bình, Trương Văn Sương, Bàn Văn Thụy, Trương Quang Đô... đang bị giam cầm, và cũng là nơi trước kia linh mục Nguyễn Văn Lý đã ở mấy năm từ tháng 10 /2005 cho đến khi ông được đặc xá dịp kỷ niệm ngày ra đời đảng Cộng sản Đông Dương (tức đảng CSVN ngày nay) mùng 3/2/2005.

Còn Phạm Hồng Sơn cũng đã từng ở mấy tháng tại đây khi đã có án tù và được chuyển lên từ trại giam B14 ở xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì ngoại thành Hà Nội rồi sau đó Phạm Hồng Sơn mới bị chuyển đến trại giam ở Yên Định tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay chính khu biệt giam này lại tiếp nhận thêm cả linh mục Nguyễn Văn Lý mới từ Huế chuyển ra sau ngày xử án 30/3/2007 vừa rồi. Các trung tá Nguyễn Văn Tuyên và Hoàng Xuân Nam này cũng chính là người biết rất rõ linh mục Nguyễn Văn Lý trong các án tù lần trước tại trại giam này vào những năm 1980-1995 khi ấy mấy người này mới chỉ là hạ sĩ quan công an thuộc quyền quản lý của trại giam Ba Sao với cấp bậc còn rất thấp.

Qua cuộc trò chuyện ngắn ít phút đó bằng điện thoại, Bùi Thị Kim Ngân cho tôi biết ngay là rất tiếc không thấy có bất cứ bóng dáng một cán bộ quản giáo nào mà tôi cần gặp có mặt ở phòng chờ đó cả để tôi được hỏi thăm sức khỏe mấy cán bộ coi tù cũ và đưa ra các đề nghị nho nhỏ của mình để mong họ giúp cho 3 mẹ con Kim Ngân bớt vất vả, cực nhọc. Bởi vì theo quy định mỗi lần gặp mặt như vậy thời gian không quá 1 giờ đồng hồ và sau đấy mấy mẹ con chị còn phải sớm ra ô tô trở về nhà tận Hà Nội mất hơn 2 giờ xe chạy kẻo trời sắp về chiều.

Liền sau đó tôi nhường máy giới thiệu cho anh Tịnh nói chuyện trực tiếp với Bùi Thị Kim Ngân từ trại giam Nam Hà trong ít phút. Cuộc gặp trò chuyện éo le trên điện thoại đó làm tất cả chúng tôi đang có mặt trong phòng khách đang vui vẻ bỗng chùng xuống và rất xúc động, im lặng đến nghẹn ngào...

Tôi nghĩ giá như Nguyễn Vũ Bình đang hiện diện trong cuộc gặp tại phòng thăm gặp, thì có thể anh Tịnh sẽ được nói chuyện thăm hỏi vài câu trực tiếp với người tù nổi tiếng mà hiện nay cả thế giới rất quan tâm, lo lắng cho sức khỏe và cũng rất mạnh mẽ, liên tục đòi trả tự do cho anh. Nếu như vậy thì anh Tịnh là người có bất ngờ và vinh hạnh lớn được là người đầu tiên ngoài gia quyến nhà báo Nguyễn Vũ Bình được tiếp xúc với người tù rất bất khuất này hơn cả người trong nước như anh chị em chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ khó mà có thể điều đó được xảy ra, vì mấy năm trong lao tù của đảng CSVN và nhà nước của họ tôi thừa biết kỷ luật trong đó rất khắt khe, chặt chẽ và rất khắc nghiệt...

Trước khi chia tay chúng tôi anh Tịnh đã nhờ tôi chuyển ít quà cho gia đình tù nhân Nguyễn Vũ Bình để góp tay thăm nuôi và thuốc men cho người tù chính trị đang bị bệnh tật dày vò khốn khổ này. Anh rất tha thiết muốn đến thăm tận nhà để gặp được tận mặt vợ con nhà báo, tù nhân Nguyễn Vũ Bình, nhưng do hoàn cảnh không thể cho anh thực hiện được.

Cuộc gặp giữa anh em chúng tôi với anh Nguyễn Hà Tịnh diễn ra gần 1 giờ rưỡi đồng hồ và ngay giữa cuộc gặp làm anh quá vui và bất ngờ không thể kìm nén được cảm xúc của mình. Nên ngay từ phòng khách của nhà tôi, anh đã gọi thẳng điện thoại về Mỹ cho một người bạn nào đó để người đó để người bạn của anh có dịp được chia sẻ niềm vui lớn này.

Chúng tôi lần lượt chuyển máy vòng tròn để vị khách từ đầu dây bên kia tận nước Mỹ xa xôi được trò chuyện với tất cả các anh chị em trí thức dân chủ trong nước đang có mặt tại nhà tôi. Trước khi chia tay tôi đã mang mấy tấm ảnh chụp chung giữa tôi với phóng viên của đài Tiếng nói Hoa Kỳ- VOA tại Việt Nam là ông Matthew Steiglass hồi tháng 10/2006 và giữa tôi với nữ luật sư Lê Thị Công Nhân ra cho mọi người cùng xem, rồi tôi và Công Nhân cùng viết mấy dòng lưu bút và ký tên để kỷ niệm cuộc gặp quý giá ấy giữa anh Nguyễn Hà Tịnh và chúng tôi trong chuyến về thăm Việt Nam lần này của anh. Tôi cũng dặn anh rất kỹ càng là riêng tấm anh tôi chụp chung với phóng viên của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ là anh không nên công bố vì chính nhà báo của Đài VOA này họ rất ngại chính phủ và công an chính trị Việt Nam họ có thể kiếm cớ là vì đã gặp gỡ những người bất đồng chính kiến và tranh đấu dân chủ bằng ngòi bút trong nước mà trục xuất buộc ông rời khỏi Việt nam như rất nhiều trường hợp đã từng xảy ra. Điều mà nhà báo Mỹ này khi ông gặp tôi và mấy anh em dân chủ trẻ tuổi khác mấy tháng trước đây tại Câu Lạc Bộ báo chí quốc tế tại 59 A phố Lý Thái Tổ Hà Nội, ông ấy nói đã từng công tác ở một số nước nhưng chỉ thấy ở Việt Nam, chính phủ và công an đã hành xử rất kỳ quặc, vô lý và bất công so với các quốc gia khác.

Trong khi các phóng viên báo chí của Nhà nước CSVN thoải mái tác nghiệp trên đất Mỹ bằng mọi phương tiện, mọi cách thức kể cả gặp bất cứ ai là công dân hay quan chức Mỹ đã nghỉ hưu hay đương chức dù có quan điểm chống chính phủ Mỹ hay chống đích thân cả Tổng Thống G. Bush, ủng hộ các nước trong hệ thống XHCN hay kể cả ủng hộ đảng CSVN đi nữa. Thì họ đều không hề bị cảnh sát Mỹ, chính quyền Mỹ theo dõi gây khó khăn chứ đừng nói đến cái nhà nước Mỹ mà báo chí Việt Nam thường gọi họ là "bọn Tư bản, đế quốc, thực dân..." dám tùy tiện trục xuất họ vô lối khỏi nước mình như đã từng xảy ra khá nhiều ở đất nước mà luôn tự nhận mình có nền "dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền triệu lần hơn các nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa!". Cũng chính vì thế tin tức về cuộc gặp giữa anh em dân chủ chúng tôi hồi tháng 10/2006 với người phóng viên của đài phát thanh danh tiếng lâu năm của Hoa kỳ và bức ảnh chụp kỷ niệm riêng tư giữa 2 nhà báo là ông và tôi, rất có thể không bao giờ dư luận rộng rãi được biết...

Trong lúc nói chuyện với khách, tôi cũng kể lại câu chuyện có thật đã xảy ra với gia đình tôi và một vị khách là Việt kiều sống ở Úc Châu khi đến thăm nhà tôi hồi năm 2005 khi ấy tôi chưa được ra tù. Đó là trường hợp bố con một ông khách tên là Đạo trở về Việt Nam thăm thân nhân sau bao năm xa cách, trước khi trở về nước Úc 2 bố con đã đến thăm hỏi gia đình, đã gặp gỡ mẹ và các chị, em tôi. Vì cảm thông cho thân phận những người đã vì nghĩa lớn phải chịu tù đầy khổ ải, nên ông Đạo đã biếu tặng mẹ tôi 100 đôla Mỹ để gia đình thêm thắt mua thuốc thang và phụ vào tiếp tế thăm nuôi tôi trong trại giam.

Kết thúc cuộc thăm viếng đó, khi bố con ông Đạo rời nhà tôi ra về thì bị mấy nhân viên mật vụ chuyên theo dõi quanh nhà tôi ập vào bắt giữ đưa về đồn để tra vấn gắt gao mấy giờ liền như một kẻ vừa phạm tội đến khổ sở làm bố con ông ta rất hoảng hốt và khiếp sợ... Sau đó cán bộ Tổng cục an ninh còn tra khảo hạch hỏi nhiều ngày nữa mẹ và em tôi về món quà nhỏ bé mà người khách tốt bụng kia có nhã ý đã giúp đỡ, đến nỗi làm cụ bị lên áp huyết cao phải đi cấp cứu... Nhưng nếu so việc này với ngày nay qua việc anh Nguyễn Hà Tịnh, người Việt kiều ở Mỹ đã lưu lại thăm gặp mấy anh chị em dân chủ chúng tôi giữa thanh thiên bạch nhật như vừa kể trên, thì phải nói là, rõ ràng công an trong nước đã "tiến bộ, cởi mở" khá nhiều so với mấy năm trước.

Kết thúc cuộc gặp, tôi đưa tiễn anh mặt phố Tràng Tiền để gọi xe tacxi cho anh trở về nhà nguời bà con ở Cầu Giấy, còn anh trước khi lên xe không quên chúc sức khỏe tất cả mọi người, chúc anh chị em đã gặp hôm đó và chưa gặp bao giờ hãy vững bước sao cho "Chân thì cứng đá phải mềm". Tôi lưu luyến mãi không muốn chia tay, đứng đó một lúc đợi nhìn chỉ đến khi chiếc xe khuất bóng lao nhanh về hướng Hồ Hoàn Kiếm rồi mất hút trong dòng xe cộ và người đông đúc giữa phố phường chật hẹp, nhếch nhác... tôi mới chịu rảo bước trở về nhà. Trong tôi lúc ấy dấy lên cảm xúc dào dạt, lâng lâng khó tả, thật là buổi gặp gỡ khó phai mờ đọng lại mãi trong ký ức và không thể dễ dàng quên được...

Đến ngày 12/3/2007 tôi gửi mail qua internet cho anh để hỏi thăm thì được biết anh đã trở về Hoa Kỳ an toàn vào ngày 10/3/2007. Mấy ngày sau tôi lại nhận được mail của anh mà trong đó có bài thơ do chính tay anh viết ngợi ca nữ luật sư Lê Thị Công Nhân khi anh bàng hoàng, đau đớn biết tin em đã bị công an Hà Nội bắt vào tù. Bài thơ anh viết mộc mạc, giản dị, tuy ngắn nhưng cảm xúc chứa chan, uất nghẹn và rất chân thành. Tôi đã có ý định giới thiệu bài thơ này thật rộng rãi trước công chúng từ rất sớm khi nhận được từ anh gửi, nhưng vì quá bận rộn và công việc triền miên nên chưa có dịp.

Nay vừa đúng sắp tròn 2 tháng, ngày nữ Ls Công Nhân - người trí thức can đảm, bất khuất, có nhân cách trong sáng của chúng ta đã bị bắt giam và sắp đến sẽ bị đảng CSVN và nhà nước VN XHCN đưa ra tòa gọi là để xét xử vào ngày 11/5/2007 tới. Trước khi công bố bài thơ bình dị và chân thành của anh, đã ít nhất tới 2 lần tôi hỏi ý kiến tác giả bài thơ, và được chính anh Nguyễn Hà Tịnh vui lòng hoàn toàn đồng ý. Không những thế, khi được tôi hỏi anh có ngại ngùng gì khi để tôi phổ biến bài thơ và danh tính cụ thể rõ ràng công khai của mình trước công chúng gần xa hay không. Anh đã chẳng quản ngại gì, mà trái lại còn cho tôi biết luôn cụ thể năm sinh, nơi ở và nghề nghiệp hiện nay của bản thân mình và anh có viết đôi dòng tâm sự nguyên văn như sau.

"Em là Nguyễn Hà Tịnh, vào ngày 30/4/1975 lúc đó em mới 16 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một làng quê thuộc huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu, vượt biên năm 1981, học chưa hết tiểu học. Hiện em đang sinh sống tại thành phố PORTLAND tiểu bang OREGON-Hoa Kỳ-Lombard ST-Portland Oregon - Sửa xe 2501. Sở dĩ em nói vậy để muốn một số trí thức, nhất là trong nước mở mắt ra mà có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Chứ không nên sống ươn hèn và vô trách nhiệm mãi mãi nữa. Họ phải mở mắt ra mà học tập các nữ anh thư dũng cảm như Lê Thị Công Nhân, Hồ Thị Bích Khương, Vũ Thanh Phương, Lê Thị Kim Thu....và các anh chị em tranh đấu dân chủ trẻ tuổi khác, có thế thôi. Thưa anh Nguyễn Khắc Toàn".

Sau khi ở thăm người nhà của anh tại Hà nội và ghé thăm chúng tôi, anh Tịnh đã bay trở vào trong miền Nam về thăm quê Bạc Liêu và Sài Gòn. Anh cũng có ghé thăm cô Vũ Thanh Phương quê ở Đồng Nai là một chiến sĩ dân chủ của khối 8406 đang ở Sài Gòn, rồi ngay hôm sau anh lên máy bay theo ngả Hồng Kông để trở về nước Mỹ.

Bài thơ viết ca ngợi nữ luật sư Công Nhân đã được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt lý thú như thế đó. Chính tác giả cũng chưa kịp đặt tựa đề cho bài thơ nên tôi mạn phép anh dành cho mình quyền đặt tên cho nó vậy, và hôm nay tôi xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.

Nguyễn Khắc Toàn

Kỷ niệm không quên về Buổi gặp Em giữa Hà Nội

Lê dân vẫn sống trong hầm tai vạ

Thị phố đông người cúi mặt làm ngơ

Công mẹ cha nuôi một đời khổ cực

NHÂN tố nào xui khiến Chị vấn, than"

Tôi gặp Chị ngày đầu xuân Hà-Nội

Dáng liễu mềm giọng nói khẽ êm nhung

Mắt đen buồn vời vợi cõi mông lung

Khi nhắc đến người dân cùng khốn khổ

Người Tri-Thức không cam làm chó nhỏ

Ngục tù nào ngăn nổi bước chân đi

Lấy quyền người soi rọi cõi âm-ty

Dù thân Chị rơi vào tay ngạ-quỷ

Trên chuyến bay tôi trở về nước Mỹ

Lời Chị còn vang động mãi bên tai:

"LÀ TRÍ THỨC KHÔNG SỐNG HÈN SỐNG NHỤC

CƠM ÁO GIÀU SANG ĐÂU ĐỔI ĐƯỢC TƯƠNG LAI"...!

Nguyễn Hà Tịnh

Thành phố PORTLAND

Tiểu bang OREGON - HOA KỲ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.