Hôm nay,  

Hồi Ký: Vào Đất Địch!

30/04/200700:00:00(Xem: 3430)

 LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi kỳ Thép Đen.

Linh Mục “A”, Nhà Thờ “X”

Tôi bước ra khỏi hàng cơm, tâm tư nặng chĩu những suy tư về những kiếp người trong xã hội “ưu việt”. Tôi liên tưởng tới một hình ảnh cũng một bác xích lô gần xóm tôi ở Sài Gòn. Một buổi chiều, tôi đang ngồi học, nhìn qua cửa sổ, vẳng nghe tiếng cót két của chiếc xích lô không khách. Bác đang thủng thẳng đạp về, bên cạnh xe đeo lủng lẳng miếng thịt heo và con cá lóc. Người vợ và đứa con trong nhà chạy ra hớn hở, chưa kịp hỏi han, đã bị bác xích lô giục: "Làm mấy món nhậu ngay! Con Tư, sang bà Bẩy lấy cho ba chai đế!"
Cùng một cảnh đời, nhưng hai không gian, hai hình ảnh. Tôi quẹo về Hàng Dầu, rồi theo phố Mã Mây lên Hàng Chiếu. Tôi phải tránh khu phố Hàng Bạc, mặc dù trong lòng tôi cứ da diết muốn tìm về phố cũ, nhưng tôi vẫn còn e dè. Đến Hàng Chiếu, tôi đi ngược lên Hàng Đậu, rồi lên cầu Long Biên. Chủ trương của tôi là nghe ngóng, thăm dò về Phúc Xá Thượng và Hạ xem linh mục A thế nào. Trước khi lên cầu Long Biên để sang Gia Lâm. Tôi lại làm một số động tác nghiệp vụ để xác định an toàn. Sau khi xác định không có chiếc “đuôi” nào, tôi lên cầu.
Chiếc cầu lịch sử nổi danh của Việt Nam ngày nay đã ọp ẹp vì gánh quá nặng thời gian, đã nhìn ngắm quá nhiều biến thiên của đất nước. Trước đây, xe cộ chạy hai chiều. Nhưng bây giờ, cứ hết chiều này qua rồi mới tới lượt chiều kia. Vì thế, xe ứ đọng hai bên đầu cầu hàng dẫy dài. Nhìn những chiếc xe đủ kiểu nhưng cũng nặng nề, ì ạch như tuổi đời chiếc cầu xế chiều. Bên dưới, giòng sông Hồng vẫn cuồn cuộn đỏ máu phù sa như kiêu hãnh nói lên với thế nhân, trong lòng mình còn mang nhiều máu giặc Thanh hồi nào. Sang tới Gia Lâm, tôi thấy Gia Lâm ngày xưa náo nhiệt là thế. Sao giờ vắng vẻ đìu hiu thế này, tôi có cảm tưởng như một phố huyện chiều Đông của một tỉnh miền sơn cước.
Đến nhà thờ Gia Lâm ở trung tâm thị trấn, nhìn vào trong sân, tôi thấy đầy sân, một bên là ngô, một bên là lúa, có hai người đội nón đang cầm cào đảo lúa. Còn nhà thờ mốc meo, đóng cả 3 cửa im ỉm. Mỗi cửa lại có một miếng ván đóng chéo từ dưới lên trên, có nghĩa là cửa không mở nữa.
Tôi bâng khuâng, bàng hoàng cho tình trạng giáo dân miền Bắc. Tôi vào hẳn trong sân, bốc một nắm ngô xem hạt. Một người ngẩng lên nhìn tôi là một bác già, chừng 57 tuổi. Tôi gật đầu chào bác:
- Ngô này năm nay, hay năm ngoái hở bác"
- Hai năm rồi đấy cậu ạ! Phơi cái này, rồi đổi cái mới vào.
Ông già hiền lành cởi mở, tôi thấy dễ mến. Ông nói:
- Tôi đảo hết chỗ này, mời cậu vào uống nước.
Chừng 5 phút sau, ông ghếch chiếc cào vào hè, mở nón, lấy khăn vừa lau mồ hôi, vừa đi về phía một căn nhà cửa đang mở:
- Mời cậu vào chơi!
Tôi theo vào. Trong nhà treo nhiều hình ảnh thờ to: Đức Mẹ và các thánh. Thấy nhà cửa như vậy, tôi nhìn bác và hỏi:
- Thưa bác, vậy bác theo công giáo"
Ông già niềm nở:
- Tôi là trùm họ ở đây!
Tôi săn đón:
- Cháu cũng là công giáo đây!
Ông tỏ vẻ càng hân hoan, tôi gạ:
- Nhà thờ đây có cha không ạ"
Ông lắc đầu:
- Từ lâu không có cha, bây giờ nhà thờ làm kho của hợp tác xã, và tôi trở thành người coi kho.
Tôi cười:
- Vậy sướng quá rồi còn gì! Giàu nhà kho, no nhà bếp!
Ông cũng cười. Thấy ông là trùm họ, hiền lành vẻ chất phác, nên tôi vồn vã nhiều chuyện, trong đó tôi lựa hỏi về Cha A. Ông cho biết, hiện cha còn ở nhà thờ “X”, chỉ một tuần vào thứ Bẩy buổi sáng, cha về Phúc Xá Thượng và Hạ để làm lễ sớm mà thôi. Thấy đã thỏa được những điều mình cần biết, tôi xin phép ông già đi ngay, ở lâu không có lợi. Lúc đó đã 3 giờ chiều.
Trên đường đi về, khi xuống hết dốc Bến Nứa, tôi thấy một em gái chừng 12 tuổi, mặc áo sơ mi trắng, có vẻ sạch sẽ, tôi hỏi:
- Em ơi, có biết nhà thờ “X” ở đâu không em"
Em chỉ tay và nói:
- Anh đi rẽ ra Quan Thánh là nhìn thấy.
Hôm đó là thứ Tư, tôi nghĩ nhà thờ hôm nay vắng vẻ, không tiện vào, nhưng cứ đi qua nhìn xem sao. Tôi rảo bước hướng về phố Quan Thánh. Khi đi ngang qua nhà thờ, bên ngoài có trồng hoa, tôi nhìn vào thấy cả 3 cửa phía cuối nhà thờ đều đóng. Bên ngoài có 7, 8 cậu có vẻ là học sinh, mang theo sách vở, mỗi cậu một chỗ đang xem sách. Thấy thế, tôi rẽ vào. Trên lối đi qua chỗ vườn hoa, thấy một ông già, mặc quần áo nâu đang hý hoáy làm cỏ dưới những cây bích đào, cây hồng.v.v...Tôi vào chỗ các cậu, ngồi sà xuống, cầm một quyển sách toán xem và hỏi một cậu:
- Các cậu học chăm quá nhỉ"
Một cậu cười:
- Sắp thi mới học!
Thì ra đây là các cậu học sinh lớp 10 (vỏ bọc của tôi) đang tíu tít học thi (lúc này còn chương trình, hệ 10 năm.) Tôi mở cuốn sách Hình và Đại, thấy chương trình toán, năm cuối lớp đệ Tam và đầu đệ Nhị. Như thế, riêng về toán chương trình thấp hơn gần một năm so với trong Nam. Mục đích là xem nhà thờ, nên tôi chào các cậu đi ra. Đến chỗ bác làm vườn, tôi lên tiếng:
- Bác làm cỏ đấy ư"
Bác ngẩng lên cười, gật đầu. Tôi ngồi xuống nâng một bông hồng lên xem:
- Bông này đẹp quá bác ơi!
Ông nói:
- Mùa Xuân, có mưa Xuân mới đẹp.
Tôi hỏi luôn:
- Cha A có nhà không bác"
Ông lắc đầu:
- Cha đi từ sáng, có lẽ sắp về.
Tôi liếc nhìn vào ngõ nhà chung sâu hun hút, nói lảng sang chuyện khác. Chỉ 5 phút sau, tôi nghe tiếng mô tô rồ máy đi vào cổng nhà thờ. Một linh mục mặc áo chùng thâm, tóc cắt “tăng gô”, da mặt hồng hào khỏe mạnh, chạy xe chầm chậm vào khu nhà chung. Tôi hỏi bác làm vườn:
- Cha A đấy ư"
Ông già lại gật đầu. Cha A đi chiếc xe mô tô “bê can” 2 máy. Dáng dấp người rất khỏe mạnh. Trên đường phố Hà Nội rất ít thấy mô tô, ngoại trừ mô tô của công an hay bộ đội. Như vậy, người cũng phải có một cái thế nào đó, mới xoay được xăng để chạy. Tôi hỏi bác làm vườn một hai câu nữa, về hoa cỏ rồi ra về, tính một ngày khác sẽ đến. Trên đường về, tôi rẽ ra phía chợ Đồng Xuân, lúc đó đã 6 giờ chiều. Ở Hàng Giấy, Hàng Đường người đi lại tấp nập, đông đúc. Nhìn thấy nhà sách Nhân Dân bên kia đối diện với chợ Đồng Xuân, tôi ghé sang.
Ngay từ khi còn đi học, tôi đã rất ngưỡng mộ các nhà văn, nhà thơ. Tôi quan niệm rằng: Các ông là những người tiền phong, đi trước tư tưởng quần chúng, suy nghĩ, tìm tòi, phát triển nhiều tư tưởng mới để giáo dục, chỉ đường, hướng dẫn tư tưởng quần chúng đến chỗ thiện, mỹ của con người. Tiêu biểu của thế hệ sát tôi là các nhà văn Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, v.v...; các nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tú Mỡ, Thế Lữ, Tchya, v.v... Văn thơ của các ông tôi đã đọc và rất thích, rất ngưỡng mộ. Một số người ở lại miền Bắc theo Cộng Sản. Vậy, văn thơ của các ông ấy bây giờ ra sao. Từ tâm trạng ấy, tôi vào các hiệu sách, một trong những hiệu sách lớn của Hà Nội, tôi chỉ nhìn thấy một vài tác phẩm mới như “Đời Cô Lựu”, “Bão Biển” của những nhà văn nhà thơ mà tôi đã được đọc thơ văn của họ thời tiền chiến, còn hầu hết trong núi sách: nếu không viết về hợp tác xã, đoàn viên thanh niên, công nông trường, nhà máy... Thì cũng lại là triết của Karl Marx, Lenine, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ... Mở một cuốn sách nào ra, cũng chỉ đọc được một vài trang, rồi tôi không muốn xem nữa. Tôi thấy thật nghèo nàn về tư tưởng, không có hồn, nhạt phếch.
Vì là văn nghệ chỉ đạo cho nên bất cứ một câu chuyện gì, nội dung gì cũng gò bó theo một khuôn thước nhất định. Kể cả phim ảnh, nhạc, kịch cũng vậy. Cứ xem hay đọc vài mươi tờ, đã đoán được đoạn cuối, sự việc sẽ giải quyết ra sao rồi, chán ngấy!
Tôi mua cuốn “Bão Biển” và “Đời Cô Lựu”. Một cuốn “Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi” của Võ Nguyên Giáp. Tôi mua những loại sách báo này có nhiều mục đích: Trang bị cho vỏ bọc của tôi, cũng xem qua trong nói những gì. Với chỉ mật, tôi sẽ ghi những dữ kiện cần thiết. Mua sách xong, tôi rẽ về Hàng Quạt ăn cơm. Đêm đó tôi ngủ ở nhà trọ Hàng Quạt.
Sáng hôm sau, mồng 3 tháng 6, như vậy là tôi đã đến Hà Nội đã được 2 ngày rưỡi. Tôi đã hoàn thành một phần tư nhiệm vụ. Như thường lệ, tôi ra bến xe điện bờ hồ, mua một khúc bánh mì, tờ báo “Thủ Đô”, đến một ghế xi măng ngồi ăn và nhìn ra hồ.
Theo tin hỏi được từ ông già làm vườn nhà thờ X, 5 giờ chiều nay, Cha A có giải tội hàng tuần. Vậy từ giờ cho đến 4 giờ 30 chiều làm gì" Tôi chợt nghĩ đến Nhà Hát Lớn Hà Nội và phố Tràng Tiền, xưa gọi là phố Tây, nơi sang trọng có nhiều người ngoại quốc, nên các cửa hàng ở đó cũng theo lề lối Âu Tây. Nghĩ như vậy, tôi đứng lên, kín đáo quan sát tất cả các bộ mặt chung quanh trong phạm vi 100 mét.
Tôi đi về phía phòng thông tin cũ, rẽ vào một ngõ hẹp rồi quẹo xuống vườn hoa “Con Cóc”. Đến đây, tôi tìm một ghế đá ngồi để xác định an ninh bằng một phương pháp chuyên môn. Không có một hiện tượng nào tôi phải chú ý cả. Yên tâm, tôi ngoặt ra bờ hồ, qua nhà bưu điện, đến nhà hàng “Gô Đa”, vào Tràng Tiền. Tôi đang đi, miên mang suy nghĩ, bỗng tôi chú ý đến hai cô gái môi son. Mặt đánh phấn, chí chóe cười đùa, đang đèo nhau trên một chiếc xe đạp. Hai cô lại mặc “duýp” mới chứ! Đó là một hiện tượng không bình thường ở Hà Nội thời ấy. Tôi đưa mắt nhìn toàn cảnh phố phường lúc đó. Đường phố có vẻ nhộn nhịp hơn. Sáu, bảy chiếc xe du lịch cũ kỹ chạy trên đường. Một chốc, tôi lại thấy những chiếc xe đó quành lại, cứ vòng đi vòng về. Đây đó, tôi thấy nhiều cô gái mặc áo dài đi trên phố, cũng như xe đạp dưới đường. Những chiếc áo dài xanh, đỏ vẫn còn hằn nếp gấp, chứng tỏ đã lâu ngày, có khi hằng năm, hôm nay Chủ Nhật mới sử dụng. Những cô gái này cứ quành đi quành về trên đường phố Tràng Tiền.


Tôi tự hỏi, họ làm gì thế" Mắt tôi chợt nhìn, xa xa mãi tít tận thềm nhà Hát Lớn, một đám người lố nhố đang điều hành một máy quay phim.
À, một cái bịp của Cộng Sản đây! Những đoạn phim này nếu đưa vào Sài Gòn, vùng “giải phóng”, sang Thái Lan, Tân Đảo, hay nơi nào khác... thì đây: Hà Nội, thủ đô của xã hội chủ nghĩa, dân chúng, xe cộ vui tươi, sầm uất nhé! Họ đâu biết rằng cảnh phố phường vui tươi ấy chỉ có một lúc này. Nhưng, nếu ai có nói với họ không phải như vậy, Cộng Sản đóng phim bịp đấy, thì họ cũng không tin. Thấy chỗ nhà hát lớn như thế, tôi không tiện đến đó nữa. Tôi lang thang xuống phố Huế rồi rẽ sang Tràng Thi quẹo về bờ hồ, ngược lên phố Huyện ra Hàng Trống, Hàng Gai. Hà Nội không có một hiệu ảnh tư nào cả. Những hiệu ảnh lớn ngày xưa, trước 1954, bây giờ còn sót hiệu nào, cũng chỉ thấy đề tấm biển nhỏ: “Ở đây nhận rửa phim và tô màu” (Vậy, nếu ai không biết, vào hiệu bảo “chụp cho tôi cái ảnh”, đúng người đó mới ở trên trời rơi xuống.)
Những hiệu ảnh khác bây giờ, hoặc đóng cửa, hoặc chuyển thành một nơi sản xuất hàng thủ công. Toàn bộ mấy khu trung tâm của Hà Nội, tôi chỉ thấy hai chỗ chụp ảnh quốc doanh của nhà nước. Một hiệu ở Tràng Tiền và một ở góc chéo Bờ hồ gần quán mụ Béo ngày xưa. Giữa thủ đô của một nước, nhìn những hiệu may lớn ngày xưa, một vài cửa hiệu vẫn còn tấm biển quảng cáo tuy đã long lở sơn. Nào đâu những tấm biển của ngày xưa “Cai cúp tốt nghiệp ở Paris,” nào “Chuyên viên may mặc, có nhiều năm kinh nghiệm ở Marseilles,” v.v... Bây giờ, thường thường ở cửa kính trước hiệu, đeo hay dán một cái biển nhỏ dài chừng 50 phân, rộng 15 phân. Bằng gỗ hay bằng một tấm bia: “Ở ĐÂY, NHẬN VÁ VÀ LỘN CỔ ÁO.” Nghĩa là, không còn cái cảnh có vải sẵn để may cắt quần áo. Tôi đi nhiều, khắp đây đó trên đường phố Hà Nội, hiệu lớn cũng như hiệu nhỏ, thường thấy cái biển đề như vậy đập vào mắt tôi. Nếu có máy ảnh, tôi sẽ chụp khung cảnh hiệu và tấm bảng này. Chỉ điều này thôi, đã nói lên nhiều sự việc về kinh tế cũng như cuộc sống, của người dân thành phố Hà Nội, dưới chế độ Cộng Sản.
Thỉnh thoảng nhìn thấy những ngưòi mồ hôi nhễ nhại, kéo những chiếc xe ba bánh trên đường phố, tôi cứ bần thần suy nghĩ. Trước đây, khi còn ở Sài Gòn, tôi thường ngây thơ lý luận: Xã hội loài người luôn luôn tiến lên, 10 năm sau sẽ khác hẳn 10 năm trước. Điều này là tất yếu ở mọi nơi, mọi nước. Vậy, thời con người thay con vật kéo xe, kéo cầy đã phải qua rồi, trừ những hoàn cảnh, những lúc đặc biệt nào đó. Còn nói chung, sinh hoạt bình thường ngoài đường phố, thì trên thế giới này hiện nay. Dù ở một nước ban khai lạc hậu nào đó, cũng không còn cái cảnh người làm thay con vật. Cảnh người kéo xe ba gác ở Hà Nội bây giờ, là một trong những thực tế đã mở mắt cho tôi, để tư duy, kiến thức của tôi được mở rộng dần. 4 giờ 30 chiều. Tôi phải xúc tiến việc đến với linh mục A. Theo kế hoạch thời gian, tôi phải nằm lỳ ở đấy ít ra 10 ngày để tuyển mộ và huấn luyện cho kịp với ngày 16 hay 18 trao tài liệu “M” theo như quy ước.
Tôi tản bộ lên phía nhà thờ X. Khi gần tới nơi, tôi nhìn thấy một cửa phụ phía dưới nhà thờ mở một cánh, và loáng thoáng một vài ông bà già đi vào. Tôi cũng đi vào nhà thờ. Khoảng 15, 16 người, quỳ rải rác ở các hàng ghế trong nhà thờ rộng thênh thang. Hầu hết là các ông bà đã có tuổi. Tôi tiến đến quỳ cạnh một ông già đầu tóc bạc phơ, gần dẫy ghế phía cuối. Một lúc, tôi ghé gần ông già, hỏi:
- Thưa cụ, hôm nay cha có giải tội không"
Ông già phều phào nói nhỏ:
- Có, tí nữa cha ra.
Chừng 10 phút sau, cha từ phía sau ra trước bàn thờ, quỳ xuống cúi đầu đọc kinh. Một lúc, người đi xuống. Trong khi đó, ở dưới này một số bà và một ông đứng dậy, ra phía tòa giải tội đứng xếp hàng. Tôi cũng theo đến tòa giải tội đứng vào hàng. Khi đến lượt, tôi tiến lại tòa giải tội, quỳ xuống. Sau khi làm vài thủ tục bắt đầu của buổi xưng tội, để tranh thủ thời gian, tôi nói luôn:
- Thưa cha, con vừa ở Sài Gòn ra, con có mang theo một lá tâm thư của cha Hoàng Quỳnh gửi cho cha. Vậy, con có thể đưa cha bằng cách nào cho thuận tiện"
Im lặng một lúc, cha nói:
- Tí nữa khi giải tội xong, tôi quỳ ở phía dưới nhà thờ. Anh cứ đưa tự nhiên.
Tôi băn khoăn:
- Thưa cha, như vậy có điều không tiện chăng"
Cha nói:
- Không sao cả! Ở đây, giáo hữu vẫn thỉnh thoảng đưa thư xin lễ cho tôi.
Qua cách đối ứng, và cách nói chuyện của cha, tôi thấy cha là một người rất bình tĩnh, điềm đạm. Vì cha ở trong phòng giải tội, tôi không thể nhìn được nét mặt của người như thế nào, khi bất chợt cha gặp một người ở Sài Gòn ra. Tôi nói tiếp:
- Thưa cha, con sẽ gặp cha để thưa chuyện với cha nhiều. Nhưng, con muốn trước đó, cha hãy đọc lá thư của cha Hoàng Quỳnh đã. Vậy, thường ngày cha có làm lễ sớm không"
- Sáng mai, tôi làm lễ sớm từ 5 giờ, xong lễ, anh lên gặp.
- Con sợ, tí nữa ra ngoài đưa thư không nói được gì. Vậy thưa cha, gặp cha ở đây thuận tiện, hay ở Phúc Xá Thượng hay Hạ, tiện"
- Cứ ở đây, tiện hơn.
Tôi vờ cuối đầu đọc kinh ăn năn tội như mọi người, rồi ra. Tôi quỳ ở hàng ghế cuối, chờ.
Sau hai người nữa, hết người xưng tội. Cha ra, quỳ ở trên tôi khoảng 6, 7 hàng ghế. Chờ cha làm dấu xong vừa đứng dậy tôi cầm thư tiến đến. Gần chung quanh không có ai, tôi nói khẽ:
- Sáng mai, con sẽ đến cha!
Rồi, tôi xuống cuối nhà thờ và ra ngoài. Tôi ra lối cổng nhà thờ, sát ngay hè phố. Gọi là cổng, nhưng không có cánh cửa, đó là một lối xe ra vào rộng, giữa hai bờ tường xây dọc theo hè phố. Mắt tôi thoáng thấy phía bên phải, một vật gì loáng thụt vào một bờ tường, cách tôi khoảng 10 mét. Phản xạ tự nhiên của nghề nghiệp, lẽ ra tôi quặt theo phía trái theo hè phố để về Hàng Than, nhưng để xác định cái bóng lúc nãy, tôi bước thẳng xuống đường, để sang hè phía bên kia.
Lợi dụng một chiếc xe từ phía trái đi lại, quay lại, tôi vờ chú ý nhìn chiếc xe, khi xe đi ngang qua mặt, tôi nhìn theo. Rất nhanh, tôi đã thấy một tên đội mũ cá két xám, đeo kính râm, chừng 30 tuổi. Y đang vờ nhìn về phía phải y, để tôi không thấy mặt.
Căng thẳng bắt đầu! Tôi hoàn toàn vờ như không hề biết, cứ thong thả tiến về phía Hàng Than. Tuy vẫn thủng thẳng bước, nhưng lòng tôi đầy phán đoán, cân nhắc. Để xác định rõ, tôi đi về phía chợ Đồng Xuân. Hôm nay, khu mặt tiền chợ có vẻ đông hơn hôm trước, có lẽ vì trời còn sớm. Tôi lại vào hiệu sách, vờ lựa chọn, tìm một cuốn. Khi tôi cố ý với một quyển sách trên kệ cao, tôi đã thoáng thấy tên đó đứng bên kia cửa chợ. Lợi dụng việc chọn sách và mua một cuốn về nông nghiệp, cũng như khi ra quầy trả tiền, tôi đã quan sát hết mọi bộ mặt, quần áo, dáng dấp những người chung quanh mà tôi có thể nhìn thấy. Xong, tôi theo Hàng Giấy xuống Hàng Đường rẽ vào Hàng Bồ, qua Mã Mây, vào quán cơm Hàng Bè lần trước. Cơm nước lúc này, làm sao ăn ngon cho được nữa! Bao nhiêu thính giác, thị giác và trí óc của tôi đang quay cuồng với tên mang kính râm. Nhìn chéo sang góc chợ, tôi thấy tên kính râm đang lảng vảng tiến vào hàng cơm, tôi lại thấy một tên đi xe đạp, mặc áo công nhân xanh, chừng 25 tuổi, tôi đã thấy y ở Đồng Xuân. Hai tên.
Tôi cố gắng nhồi cơm vào, chứ tôi còn biết mùi vị gì. Ăn xong, tôi về nhà trọ Hàng Quạt để đi ngủ. Giường tôi nằm giữa hai chiếc giường, mà hai người nằm đó tôi đã biết mặt từ hôm trước. Nói chung, khu tầng dưới tôi nằm, có 9 giường. Hôm trước, chỉ có 3 giường trống là số 1, 2, và 5. Tôi nằm giường 4.
Khi tôi vào đi tắm, lúc đó là 8 giờ tối, tôi chuẩn bị lại hết những gì cần thiết. Trong mình tôi chỉ còn 3 tài liệu: 2 của linh mục B và C, 1 tài liệu “M”. Tắm xong ra, tôi thấy giường số 5 có một anh cũng đeo ba lô bộ đội mới vào thuê. Tôi về giường, mỉm cười gật đầu chào, anh cũng gật đầu mỉm cười với tôi. Anh ta chừng 26, 27 tuổi, người trắng trẻo. Trong khi tôi loay hoay sắp xếp giường và túi dết. Anh cũng lục đục tìm thế nằm. Một lúc tôi lên tiếng:
- Không hiểu sao, nhà thương ở đây xin nằm điều trị khó thế anh nhỉ"
Anh nói:
- Tùy theo bệnh. Tôi cũng ở Bắc Ninh về chữa bệnh đây.
Tôi hỏi ngay:
- Anh bị bệnh gì"
Anh thủng thẳng:
- Đau dạ dầy.
Trong óc tôi đặt ngay một nghi vấn. Được, tao sẽ có nhiều cách để biết về mày. Chữa bệnh hay theo dõi tao, rồi tao sẽ biết! Đêm hôm đó, phải thú thực, tôi không tài nào ngủ nổi, mệt lắm thì chỉ nhắm mắt. Đầu óc căng thẳng. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu suy nghĩ, tính toán. Địch, nghĩa là phản gián Hà Nội đã phát hiện ra tôi" Hay đây chỉ là công an ngầm hình sự theo dõi lưu manh, buôn lậu" Vì khâu nào bị lộ" Chúng bắt đầu phát hiện ra mình từ lúc nào" Vì sao"
Tôi nhớ lại, lúc sáng khoảng 8 giờ rưỡi, 9 giờ, ở bờ hồ bến xe điện, tôi đã xác định là không có “đuôi”. Vậy, có thể địch phát hiện ra tôi từ nhà thờ X. Nếu từ nhà thờ X, có hai lý do khả nghi: Thứ nhất, có thể từ ông già làm vườn. Ông là người đã bị công an tình báo Hà Nội mua hoặc đặt vào để theo dõi, giám sát mọi hinh vi của Cha A. Thứ hai, Cha A ở giữa lòng Hà Nội, lại là một linh mục có khả năng, cương cường, nhiều lần chúng mua chuộc không được. Như vậy, chính chúng thường xuyên đặt người nhòm ngó cha rồi.
Vì chính quyền miền Nam đang tăng cường tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc, cụ thể như anh Hảo Hải Quân đã tâm sự với tôi. Hơn nữa, từ Hà Tĩnh tới Hà Nội, đâu đâu tôi cũng thấy khẩu hiệu: “Phòng gian, phòng gián, bảo mật.” Dân chúng đã được giáo dục học tập, thấy một hiện tượng lạ, một người lạ phải đến báo cáo cho công an. Như vậy, tất nhiên, Cục phản gián Cộng Sản đã bí mật rải người canh gác cả 5, 6 nhà thờ ở Hà Nội có linh mục ở. Chúng thừa đoán được là, nếu gián điệp mò về hoạt động, nhà thờ chính là những nơi gián điệp cần bắt mối, liên lạc. Có thể, tại tất cả địa phương, nhà thờ, xứ đạo có linh mục, chúng đều có lệnh cho từng địa phương tùy nghi để bố trí theo dõi, giám sát những hành vi của các linh mục, và những người lạ đến giao thiệp, gặp gỡ. Riêng Hà Nội là trung tâm đầu não của đảng, cũng như của chính quyền, vấn đề này càng được đặt ra đúng tầm quan trọng của nó.
Tôi mới đến nhà thờ X lần thứ II. Lần đầu, có thể tôi đã đến trong một lúc sao nhãng nào đó của nhân viên phản gián. Hoặc, nhờ có một số học sinh đang học thi, tôi đồng dạng, nên qua mắt được chúng, chúng vô tình không để ý. Lần này, đến nhà thờ, chỉ có một số ông bà già, còn thanh niên trẻ tuổi không ở công trường, xí nghiệp, nhà máy, thì cũng đội nọ, đoàn kia, họp hành làm gì có thì giờ mà đi nhà thờ. Ngay ngày Chủ Nhật cũng chỉ họa hằn.
Bao nhiêu vấn đề làm tôi căng óc suốt đêm. Nhiều vấn đề chưa giải đáp được sáng tỏ, phải đợi những ngày tới. Tôi thấy trước mắt, muốn chống đối, đấu tranh với kẻ thù lúc này, phải cần có đầu óc minh mẫn, sáng suốt. Như vậy, cần phải khỏe, không ngủ được, không thể khỏe. Do đấy, tôi gạt hết, quyết tâm ngủ ít ra một tiếng, để ngày hôm sau ứng phó với kẻ thù. (Còn tiếp…)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.