Hôm nay,  

Chiến Sĩ Võ Đại Tôn & Thi Sĩ Hoàng Phong Linh

22/05/200500:00:00(Xem: 5405)
LST: Tối Thứ Sáu, 13/5/2005, tại Nhà Hàng Crystal Palace, buổi Phát Hành Tuyển Tập Thơ Văn Đấu Tranh “Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm” của Ông Võ Đại Tôn đã được tổ chức và thành công chưa từng có trên nhiều phương diện, đặc biệt là phương diện xiển dương tinh thần bền bỉ đấu tranh và hy sinh vì tự do dân chủ cho quê hương của tác giả, đồng thời qua đó khích lệ lòng yêu nước và niềm tin của đông đảo qúy đồng hương hiện diện. Buổi Phát Hành đã hân hạnh được đón tiếp BS Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch BCHCĐNVTD/UC, Kỹ Sư Phan Đông Bích, Chủ tịch BCHCĐNVTDUC/NSW, Thượng Nghị Sĩ NSW David Clarke, Nhà Văn Phan Lạc Phúc, cùng đông đảo qúy quan khách, đại diện hội đoàn, đoàn thể, tổ chức chính trị, cùng khoảng trên dưới 500 qúy đồng hương. Sau đây, SGT trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài phát biểu cảm tưởng về Chiến Sĩ Võ Đại Tôn & Thi Sĩ Hoàng Phong Linh, của ông Hữu Nguyên, người từng là nhân viên dưới quyền của Ông Võ Đại Tôn trước 1975.

*

Kính thưa ôngVõ Đại Tôn,
Kính thưa quý vị trong Ban Tổ Chức,
Kính thưa toàn thể quý vị,

Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn ôngVõ Đại Tôn cùng quý vị trong ban tổ chức đã cho tôi hưởng niềm vinh dự, được lên đây thưa chuyện cùng quý vị về những suy tư và cảm xúc của tôi dành cho ông Võ Đại Tôn và tác phẩm Tuyển Tập Thơ Văn Đấu Tranh của ông.

Kính thưa quý vị! Tôi là một người may mắn được biết ông Võ Đại Tôn từ những năm đầu của thập niên 1970, khi tôi mới về hồi chánh và được tuyển dụng làm xướng ngôn viên của phòng thông tin quốc nội, thuộc Nha Công Tác, mà lúc đó ông Võ Đại Tôn là giám đốc. Khi ấy tôi mới ngoài 20 tuổi, nhưng đã có cả một quãng đời 20 năm lớn lên trong xã hội CS Miền Bắc, bị guồng máy tuyên truyền của chế độ CS nhào nặn nhồi nhét, nên vẫn còn mang nguyên vẹn nỗi đau thương, cay đắng và tủi hổ của một người bị lừa lọc đức tin và lý tưởng. Nhưng đau thương, cay đắng, và tủi hổ hơn, là trong giai đoạn đó, đã có một thời gian dài, chính bản thân tôi cũng vô tình trở thành một kẻ say sưa đi lừa lọc niềm tin và lý tưởng của những người khác. Trong khi thân phụ tôi bị CS đấu tố "địa chủ", gia đình tôi, các anh các chị tôi, quê hương đất nước tôi, là nạn nhân của chế độ CS, thì bản thân tôi lại tôn thờ những thần tượng do CS nhào nặn; tôi ngày đêm say sưa học thuộc lòng hàng trăm bài thơ ca ngợi đảng CS, ca ngợi HCM của Tố Hữu, của Chế Lan Viên, của Huy Cận...

May mắn, cùng với thời gian, nhờ sự giáo huấn của gia đình, của một số vị đàn anh, và qua những trang sách đọc lén lút, tôi dần dần nhận ra những dối trá, lừa lọc, cạm bẫy trong xã hội CS... cùng sự non nớt dại khờ đáng thương của chính mình. Kết quả, các niềm tin, lý tưởng mệnh danh là “cách mạng” cùng các thần tượng CS lần lượt sụp đổ trong tôi. Trong hoàn cảnh sụp đổ niềm tin và lý tưởng đó, tôi đau đớn nhận ra, đời người chỉ sống có một lần, và chỉ sống trong một khoảng thời gian có hạn. Vì vậy, phải hiến dâng sự sống của mình cho những lý tưởng cao đẹp, ở vùng trời nào đó. Trong thời gian ngắn ngủi mấy năm sống ở Miền Nam, được đọc không biết bao nhiêu sách báo, và được sống, được làm việc bên cạnh những người trọng đạo nghĩa, giầu tình người, trong đó đặc biệt có ông Võ Đại Tôn, nên quả thực tôi đã hồi sinh, đã tìm ra lẽ sống, đã nhận chân thần tượng, lý tưởng và con đường mình phải theo đuổi.

Sau năm 1975, cùng với những nghiêng lệch của lịch sử, của đất nước, và những trôi nổi của mỗi số mệnh, tôi may mắn được gặp lại ông Võ Đại Tôn vào đầu năm 1980 tại Cabramatta. Và từ đó đến nay, suốt thời gian 25 năm, tôi vẫn âm thầm thao thức theo dõi bước đường ông Võ Đại Tôn đi, kính phục trước những việc ông làm, ngưỡng mộ khi nghe những lời ông tuyên bố, xao xuyến xúc động khi đọc những bài thơ ông viết... Và từ trong sâu thẳm của tấm lòng, với tất cả những rung động chân thành của trái tim cùng sự tỉnh táo của lý trí được bồi đắp cùng thời gian, tôi vui mừng và tự hào khi thấy thần tượng của mình càng ngày càng lớn...

Từ hải ngoại, ông Võ Đại Tôn về VN theo đuổi con đường quang phục quê hương. Quyết định đó của ông cũng như của những anh hùng Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Bá... quả thực quá đẹp, quá hào hùng. Các ông đã góp phần khiến hào quang chính nghĩa của người Việt tỵ nạn hải ngoại thêm chói lọi, các ông đã thắp sáng niềm tin của tất cả những người Việt yêu tự do trên toàn thế giới. Rồi khi bị sa cơ thất thế, giữa sào huyệt của kẻ thù, trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 13/7/1982, ông Võ Đại Tôn đã tỉnh táo và sáng suốt, can đảm và bình tĩnh, tuyên bố những lời son sắt: “Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ tôi, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi, tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc. Tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ bản án nào mà chế độ CS dành cho tôi”.

Kể từ khi tuyên bôá những lời son sắt đó đến nay, đã 23 năm trôi qua, nhưng dư âm những lời tuyên bố của ông Võ Đại Tôn vẫn còn rúng động lòng người, tạo nên những ảnh hưởng hoặc hữu hình hoặc vô hình, mà tầm mức to lớn của nó, không một ai có thể lường hết được. Những ký giả Nhật, Úc, Mỹ, Nga, Pháp... có mặt trong buổi họp báo lịch sử hôm đó, sau này được gặp lại ông ở hải ngoại, đều ngạc nhiên trầm trồ khen ngợi và kính phục ông. Những thông ngôn, những ký giả của CS, trong đó có Bùi Tín, sau khi đào thoát khỏi chế độ CS, gặp lại ông Võ Đại Tôn, cũng đều công khai bầy tỏ sự thán phục của họ. Và ngay trong những nhà tù của CS, ở những nơi thâm sơn cùng cốc, những người tù lương tâm đang sống trong khốn khổ, đoạ đầy, trong đó có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, cũng đã vui mừng, hy vọng và thêm tin tưởng, khi hay tin ôngVõ Đại Tôn từ ngoại quốc trở về phục quốc, và tuy bị giặc bắt, ông vẫn có những lời tuyên bố thủy chung cùng lý tưởng.
Kính thưa quý vị! Một người can đảm không phải là người coi nhẹ mạng sống của mình, mà là người biết hy sinh sự sống cao quý của mình phụng sự cho những giá trị khác, cao quý hơn, thiêng liêng hơn. Và quả thực trong hoàn cảnh sa cơ lúc đó, ông Võ Đại Tôn đã tâm niệm, sẵn sàng hy sinh sự sống của ông để trung thành với lý tưởng đấu tranh cho tự do và giải phóng dân tộc mà ông đang theo đuổi, cũng như trung thành với tất cả những ai đã giúp đỡ ông, đã ủng hộ ông.

Nhìn vào chặng đường dấn thân đấu tranh của ông Tôn trong suốt mấy chục năm qua, ta thấy được lòng can đảm của ông khi ông oai hùng, bất khuất giữa sào huyệt của kẻ thù; và tại hải ngoại, lòng can đảm đó còn được thể hiện qua những hoạt động đa dạng của ông trên các nẻo đường đấu tranh ở Châu Úc, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á... Và nhiều khi, trong những sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại, lòng can đảm của ông còn được thể hiện qua cách xuất xử khéo léo, khi ông chủ động chấp nhận làm một bóng hình mờ nhạt, ngồi ở một vị trí khiêm tốn, đóng một vai trò bình dị, với thái độ ung dung thanh thản, vui vẻ và chân thành.

*

Bên cạnh tinh thần can đảm, ý chí bất khuất, lòng thuỷ chung theo đuổi lý tưởng của một người chiến sĩ quyết tâm dấn thân cho quê hương dân tộc, ông Võ Đại Tôn còn là một người tài hoa đa dạng, trong đó có tài hùng biện và tài làm thơ với bút hiệu Hoàng Phong Linh. Là một người từng được nghe ông Tôn nói, từng được đọc thơ của ông, tôi xin thưa một trong những bằng chứng cụ thể nhất về tài hoa của ông trong hai lĩnh vực này là cuốn Tuyển Tập Thơ Văn Đấu Tranh của ông. Vì thời gian hạn hẹp, khả năng của tôi có hạn, và trong cương vị khiêm tốn của một người yêu thơ, tôi xin phép trình bầy một vài suy tư ngắn gọn về giá trị đấu tranh trong thơ của thi sĩ Hoàng Phong Linh.

Kính thưa quý vị! Một ai đã nói, thơ là liều thuốc nhiệm mầu của thượng đế có khả năng làm lành mọi vết thương của đời, của lòng và của tư duy, mà chỉ có những vị lương y thiên tài dưới trần gian được ân sủng của thượng đế, mới bào chế nổi liều thuốc nhiệm màu đó. Nếu có ai trong quý vị ngồi đây cho câu nói đó có phần cường điệu, thì riêng cá nhân tôi, xin thưa, tôi rất tin câu nói đó. Bản thân tôi kể từ khi biết đọc thơ, biết yêu thơ, và gặp nhiều thất bại khi tập làm thơ, cho đến nay, suốt thời gian gần nửa thế kỷ, tôi luôn luôn kính trọng một cách đặc biệt các thi sĩ. Trong tâm hồn tôi, trong trí óc tôi, những thi sĩ luôn chiếm một vị trí đáng kính, vì tôi luôn luôn nghĩ, người thi sĩ khi đang làm thơ, họ không phải là người, mà là tiên xuống chơi hạ giới.

Và quả thực, trong thâm tâm, đã từ lâu, tôi vẫn tin rằng, nếu ông Võ Đại Tôn không có một tâm hồn thi sĩ, và khả năng phát hiện ra những vần thơ nhiệm màu, để làm lành những vết thương của đời, của lòng và của tư duy mà ông phải gánh chịu, chắc chắn, ông khó có thể vượt qua trăm đắng nghìn cay, vạn nỗi nguy hiểm, để đến với chúng ta hôm nay...

Mở cuốn Tuyển Tập Thơ Đấu Tranh của ôngVõ Đại Tôn, quý vị sẽ thấy ngay tài năng của ông qua bài thơ đầu tiên nhan đề Tổ Quốc Hành Trình Ba Mươi Năm, trang 19, với những dòng thơ trang trọng, xúc động lòng người:

Tổ Quốc của tôi ơi
Ba mươi năm trời
Áo tôi đã rách.
Còn sợi chỉ nào, từ nguồn thiêng huyết mạch
Cho tôi xin, vá lại áo đời.
Tôi đã đi, đường gai góc mòn hơi
Xuyên rừng núi - mồ hôi pha trộn máu.
Về quê hương, nguyện lòng son chiến đấu
Nửa đường đi thành đêm tối lao tù.
Mười năm ôm hận nghìn thu
Lênh đênh chìm theo vận Nước.
Và hôm nay, vạn nẻo đường xuôi ngược
Tôi vẫn còn tiếp bước Cha Ông.

Kính thưa qúy vị! Chỉ một đoạn thơ hơn chục câu, nhưng thi sĩ Hoàng Phong Linh đã gạn lọc được tất cả những gì được coi là tinh tuý nhất, xúc động nhất, trong suốt cuộc đời 30 năm đấu tranh của ông tại hải ngoại. Nhưng quan trọng hơn, qua khổ thơ đầu, ông đã nói lên được cái bi hùng của một người lính phục quốc, cái đau đớn ôm hận nghìn thu của số mệnh, cái lênh đênh chìm đắm, đang đè nặng trên quê hương đất nước, và tấm lòng bền gan vững chí “vẫn còn tiếp bước Cha Ông” của tác giả.

Sáu chữ “vẫn còn tiếp bước Cha Ông” nếu xuất hiện trong một bài thơ khác, hay nghe thấy ở một nơi khác, ta dễ cho đó là một sáo ngữ, một khẩu hiệu suông, vì suốt 30 năm qua, ta đã nghe nhiều người viết hoặc nói 6 chữ này... mà không làm. Nhưng đọc 6 chữ này, trong bài thơ này, cho dù người đọc không biết tác giả Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn là ai, tôi tin chắc, người đó cũng xúc động, trân trọng tác giả. Lý do là những câu thơ trước đó đã cho người đọc thấy tác giả bài thơ là người đã “xuyên rừng núi, mồ hôi pha trộn máu” để về quê hương chiến đấu. Không những thế, ý chí, lý tưởng, niềm tin của tác giả còn được trui rèn, được trải qua thử thách 10 năm trong lao tù. Như vậy rõ ràng, đây là lời nói chắc như đinh đóng cột, như dao chém đá của một người lính đã vào tù ra khám 10 năm có lẻ.

Đặc biệt, ba chữ “nguyện lòng son” trong câu thơ “Về quê hương, nguyện lòng son chiến đấu” có một giá trị tâm lý kỳ diệu, vì nó đã nói lên được quyết định về quê hương chiến đấu của tác giả không phải là những lời tuyên bố ầm ĩ, đao to búa lớn, mà là một lời hứa, một lời thề âm thầm với chính tấm "lòng son" của thi sĩ. Xưa nay, trong thơ văn của Trung Hoa cũng như Việt Nam, hai chữ "lòng son" luôn luôn chiếm một vị trí đặc biệt, mô tả tấm lòng thủy chung, son sắt, bền gan vững chí, của con người đối với tình yêu, lý tưởng, quê hương, đất nước... Từ câu thơ mô tả tấm lòng người mẹ, "lòng son tấc cỏ có hay" của Du Tử Ngâm đời Đường, đến câu thơ "Cốt giữ lòng son soi sử xanh" của Văn Thiên Tường đời Tống; từ câu văn tế "Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm" của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đến câu thơ "Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn. Mà em vẫn giữ tấm lòng son" của thi sĩ Hồ Xuân Hương; hay như lời Nguyệt Nga hứa với Lục Vân Tiên, "Trăm năm cho trọn lòng son với chàng";... cùng hàng trăm câu thơ, câu ca dao Việt Nam, trong đó, hai chữ "lòng son" luôn luôn đóng vai trò quan trọng, như "Trầu têm cho đỏ lòng son với người", "Lòng son không sợ ngày chia cách", "quê nhà níu giữ tấm lòng son", "Nhắn ai luôn nhớ câu nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son"...

Vì vậy, ta có thể nói, một lời thề âm thầm với lòng, nhất là với “lòng son”, bao giờ cũng là thước đo thể hiện tấm lòng thành của tác giả đối với quê hương đất nước. Nhưng giá trị của khổ thơ đầu không dừng lại ở đó mà còn chắp cánh cho tâm hồn người đọc được bay bổng một cách tuyệt vời ở ngay 5 câu đầu:

Tổ Quốc của tôi ơi
Ba mươi năm trời
Áo tôi đã rách.
Còn sợi chỉ nào, từ nguồn thiêng huyết mạch
Cho tôi xin, vá lại áo đời.

Kính thưa qúy vị! Xưa nay, áo quần, kim chỉ, là những vật dụng vô tri, vô giác, và thật bình thường trong đời sống thường nhật của con người. Nhưng với nghệ thuật tài hoa của một thi sĩ, cộng với cuộc đời dấn thân đấu tranh vào sanh ra tử của chính tác giả, chiếc áo bình thường trong cuộc sống đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, cao quý, có giá trị gợi cảm tuyệt vời cho chính cuộc đời chìm nổi của tác giả: Áo Đời! Và một khi “Áo Đời” đã rách thì “sợi chỉ” để vá cũng đã được thi sĩ ước lệ hoá để trở thành một biểu tượng lung linh đến “từ nguồn thiêng huyết mạch”. Hai chữ “huyết mạch” đã tạo cho “sợi chỉ” có sức gợi tưởng mạnh mẽ, vừa nhân cách hoá, vừa cụ thể hoá. Nhưng sức gợi tưởng đó chưa đủ, mà còn phải cần đến hai chữ “nguồn thiêng” vừa kỳ bí lung linh lại vừa thần thoại vô hình phảng phất màu sắc của cổ tích, khi đó, “sợi chỉ” mới đủ có những đường nét cao quý linh thiêng tương xứng để vá “Áo Đời”.

Hình tượng “Áo Đời” đã rách, được vá với “Sợi chỉ từ nguồn thiêng huyết mạch”, cùng với câu thơ đầu, “Tổ quốc của tôi ơi”, một tiếng kêu thân thương, một lời gọi thiết tha về một hình tượng thiêng liêng, có giá trị bất biến xuyên suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, đã tạo cho khổ thơ đầu những đường nét linh thiêng huyền bí, của một gạch nối giữa thực và mộng, giữa thế giới hữu hình và vô hình, giữa những giá trị hữu hạn với những giá trị vô hạn, giữa những gì cụ thể với những gì trừu tượng.... Từ gạch nối thiêng liêng huyền bí này, tác giả đã đưa ý chí, niềm tin, nghị lực và cuộc chiến đấu của tác giả lên một bình diện mới: vĩnh cửu và bất tử cùng non sông đất nước, bất kể cuộc chiến đấu của tác giả thành hay bại. Và chính bình diện vĩnh cửu và bất tử này đã khiến bài thơ có khả năng làm lành mọi vết thương của đời, của lòng và của tư duy, mà tác giả đã phải chịu đựng. Không những vậy, nó còn có giá trị như những lớp phù sa màu mỡ, bồi đắp niềm tin và sức mạnh cho tác giả một cách bền bỉ và bất tận...

Cũng giống như con người tìm đến Thượng đế qua thơ, thi sĩ Hoàng Phong Linh cũng đã tìm đến tổ quốc qua thơ, để qua đó tìm thấy sức mạnh tất thắng của chính nghĩa tiềm tàng ngay trong nội tâm. Nhờ vậy, trong sâu thẳm của lòng và của tư duy, một cách vô thức, khi người lính quyết tâm hiến dâng mình cho non sông đất nước, tổ quốc và người lính đã hoà nhập làm một, trong tổ quốc có thi sĩ Hoàng Phong Linh, và trong thi sĩ Hoàng Phong Linh có hình của tổ quốc. Và khi đó, trong tâm hồn và tư duy của thi sĩ Hoàng Phong Linh, Tổ quốc đã không còn là một khái niệm xa xôi trừu tượng vô hình, mà đã trở nên thân thương, gần gũi và cụ thể: thành Cha, thành Mẹ, thành Dân Tộc, thành sông núi, đất nước... Và những cảm nhận sâu xa này đã được tác giả viết xuống một cách xúc động và tràn ngập hy vọng, trong đoạn cuối của bài thơ, trang 23:

Tổ Quốc ơi
Dùø gian lao, xin tiếp máu Lên Đường
Cho tôi về với Mẹ.
Vững chân đi, qua trăm ngàn dâu bể
Được quỳ ôm từng mảnh đất quê Cha.
Phút cuối đời xin biến lệ thành hoa.

Kính thưa quý vị! Cũng giống như cuộc đời, tài năng và tấm lòng của nhiều vị, có măët hoặc không có mặt nơi đây tối nay, đã ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi; cuộc đời đấu tranh cùng thơ văn của thi sĩ Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn, cũng đã là nguồn cảm hứng, là động lực, tuy âm thầm và vô hình nhưng vô cùng to lớn, đã giúp tôi đứng dậy đi tiếp trên con đường phụng sự cho lý tưởng, sau mỗi lần tôi tưởng chừng như gục ngã.

Trên đây là một vài suy tư trong số những suy tư ngổn ngang của tôi khi đọc bài thơ Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm của thi sĩ Hoàng Phong Linh. Và trong Tuyển Tập Thơ Văn Đấu Tranh của ông, còn rất nhiều bài thơ hay, nhiều áng văn bất hủ, nhiều kỷ niệm vô cùng xúc động, cùng nhiều bí mật được tác giả hé lộ... Vì vậy, trước khi dừng lời, tôi tha thiết mong mỏi, mỗi người chúng ta hãy đón tiếp Tuyển Tập Thơ Văn Đấu Tranh của ông Võ Đại Tôn như đón tiếp một tiếng lòng, một lời thì thầm cô đơn của một người lính đã bền bỉ sắt son, dấn thân vì tổ quốc. Bởi vì trong nỗi cô đơn cùng tấm lòng son sắt của ông đối với đất nước, chúng ta soi thấy nỗi cô đơn cùng tấm lòng son sắt của chính mình đối với đất nước, với dân tộc. Và trong niềm khao khát mong mỏi đó, chúng ta cùng với thi sĩ Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn, đều chung một ước mong, một lời nguyền son sắt:

Tổ Quốc ơi
Dù gian lao, xin tiếp máu Lên Đường
Cho tôi về với Mẹ.
Vững chân đi, qua trăm ngàn dâu bể
Được quỳ ôm từng mảnh đất quê Cha.
Phút cuối đời xin biến lệ thành hoa.

Cuối cùng, một lần nữa, xin chân thành cảm ơn ôngVõ Đại Tôn cùng quý vị trong Ban Tổ Chức, và đặc biệt xin chân thành cảm ơn toàn thể quý vị, đã cho tôi được hưởng niềm vinh dự to lớn và hiếm hoi, chia sẻ một trong muôn một những xúc động của tôi dành cho ông Võ Đại Tôn hôm nay.

Xin đa tạ toàn thể quý vị.


Nguyễn Mỹ Linh, Vinh Dự Cho CĐNVTD Queensland

Chiều thứ năm 12/05/05 vừa qua, lễ trao giải thưởng Queensland Multicultural Awards 2005 và ra mắt cuốn sách "Multicultural Trailblazers" (tạm dịch là "Những Người Tiên Phong từ Nhiều Nguồn Gốc Văn Hóa") được tổ chức tại Quốc Hội Queensland với sự chủ tọa của Thủ Hiến Peter Beattie.
Giải thưởng Queensland Multicultural Awards 2005 gồm nhiều loại dành cho cá nhân, tổ chức, trường học, sở bộ, thương nghiệp, và cao quý nhất là giải Multicultural Champion, tạm dịch là Vô Địch về Đa Văn Hóa.
Cô Nguyễn Mỹ Linh, Tổng Thơ Ký của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc châu - tiểu bang QLD là một trong 7 cá nhân được trao giải thưởng Queensland Multicultural Awards 2005.
Cô Mỹ Linh đến Úc vào năm 1983, lúc cô được 14 tuổi cùng với người chị. Ngay từ những ngày đầu tiên ấy, cô Mỹ Linh đã tham gia vào nhiều sinh hoạt và công tác cộng đồng giúp đỡ cho người tỵ nạn. Hiện nay cô Nguyễn Mỹ Linh còn là một xướng ngôn viên cho chương trình Việt ngữ của đài phát thanh sắc tộc 4EB, thành viên của Ca đoàn Teresa, và là Trưởng đoàn Thanh Thiếu Niên Cư An Tư Nguy tại Queensland.
Cô Nguyễn Mỹ Linh, theo lời mời của Ban Tổ Chức, đã đại diện cho những người được giải thưởng để nói lời đáp từ.
Như đã nói ở trên, trong dịp này, Thủ Hiến Queensland Peter Beattie đã giới thiệu cuốn "Multicultural Trailblazers" do bà Jeannie Mok biên soạn và Sở Đa Văn Hóa Sự Vụ tài trợ. Cuốn sách này ghi lại sự đóng góp quý báu của những vị lãnh đạo các cộng đồng sắc tộc thuộc phái nam, cho tiểu bang Queensland. Cuốn sách này bổ sung cho cuốn "New Wave" cũng do bà Jeannie Mok biên soạn, ra mắt vào năm 2003, ghi nhận nổ lực của những phụ nữ sắc tộc tên tuổi tại Queensland (trong đó có bà Nguyễn thị Bạch Phượng, đương kim Phó Chủ tịch CĐNVTDUC-Qld).
Sau lời nói đầu của Thủ Hiến Queensland và phần cám ơn của tác giả, cuốn Multicultural Trailblazers dành 18 chương để viết về 18 người đàn ông thuộc nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau. Những vị này có tên tuổi và uy tín, không những trong cộng đồng của chính họ mà còn đối với cộng đồng rộng lớn bên ngoài. Ông Trần Hưng Việt, đương kim Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do - tiểu bang Queensland là một trong 18 người nói trên được cuốn sách này vinh danh.
Thành tích mà cô Nguyễn Mỹ Linh và ông Trần Hưng Việt đạt được trong lễ trao giải thưởng Queensland Multicultural Awards 2005, không chỉ là vinh dự cho cá nhân của hai người hay mà còn là niềm hãnh diện chung cho Ban Chấp Cộng Đồng đương nhiệm và cho tập thể người Việt tại Queensland cũng như trên toàn nước Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.