Hôm nay,  

Về Bến Tự Do Bidong – Galang (2)

19/05/200500:00:00(Xem: 6734)
Tuần báo DÂN VIỆT (Sydney – Australia)
(17.03 – 25.03.2005)
Galang, một ngày sống lại
Nam Dương, đất nước - con người
Sự thay đổi chương trình vào giờ chót vì thiếu thời gian đã khiến chúng tôi không có cơ hội thăm viếng những thắng cảnh dọc đường như dự trù mà phải về lại Singapore trong ngày. Dù vậy, chẳng ai càm ràm gì cả vì mọi người hình như đều còn “phê” với những sinh hoạt vừa qua.
Rời Singapore vào sáng hôm sau (24.3) với những thủ tục xuất cảnh đơn giản và trật tự từ bến phà mà hơn hai thập niên trước hàng trăm ngàn người Việt đã lếch thếch đến đây trên đường đi định cư, chúng tôi đáp chiếc tàu khách Wavemaster sang quần đảo Batam. Tiếng cầu kinh lại vang lên râm ran trong tiếng máy rì rầm của chuyến tàu cao tốc. Chỉ khoảng 30 phút sau, chúng tôi đã đặt chân lên đất nước Nam Dương.
Thật vô cùng bất ngờ và cảm động, chúng tôi được đón rước bằng một nghi thức trang trọng và thân mật với những vòng hoa lan tím và những đóa hồng tươi cho từng người trong đoàn. Những quan chức đại diện chính phủ trong lễ phục trịnh trọng và những cảnh sát danh dự cùng hàng chục nữ nhân viên tiếp tân trong những bộ đồng phục lịch sự đã chào hỏi chúng tôi niềm nở... bằng tiếng Việt: “Các bạn có khỏe không" Hân hoan đón chào quý vị đến Indonesia...”
Trong 4 chiếc xe bus đợi sẵn, một chiếc túi xách mang dòng chữ Chào mừng đoàn du khách Việt Nam hải ngoại viếng thăm trại tỵ nạn Galang ngày 24 tháng Ba 2005 đã được đặt ngay ngắn trên từng chiếc ghế. Món quà tái ngộ rất ý nghĩa này là cử chỉ giao duyên đầu tiên đầy ấn tượng với đoàn do Cơ quan Phát triển Batam (BIDA) thân tặng, trong đó có một tập sách ảnh in rất đẹp trên giấy bóng, một chiếc áo polo in hình trại tỵ nạn và một chiếc mũ đen thêu hàng chữ vàng Galang Camp. Và để đáp lại sự tiếp đón ân cần đó, nhiều người trong đoàn đã tự động mặc áo và đội mũ mới trên chặng Về bến Tự do này.
Indonesia, theo tiếng quốc ngữ Bahasa, có nghĩa là “Đất nước của nhiều hải đảo”, gồm 17,507 hải đảo lớn nhỏ. Trước đây, nó còn có thêm một đảo nữa nhưng Đông Timor đã tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Nam Dương từ năm 2000.
Với diện tích gần hai triệu cây số vuông (lãnh thổ và lãnh hải) và dân số gần 240 triệu người (đứng hàng thứ tư trên thế giới; sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ), Nam Dương là quốc gia gồm nhiều chủng tộc (Java 45%, Sundan 14%, Madure 7.5%, Malay 7.5% và một số các sắc dân khác) và ngôn ngữ (quốc ngữ là Bahasa được cách tân từ tiếng Mã, tiếng Anh, Hòa Lan và một số thổ ngữ khác). Ngoài lãnh thổ thủ đô Jakarta, Nam Dương có 30 tỉnh và 2 đặc khu, mức thu nhập hàng năm tính theo đầu người khoảng USD3,500. Các tôn giáo chính ở Nam Dương gồm Hồi giáo (88%), Tin Lành (5%), Công giáo (3%), Ấn Giáo (2%) và Phật giáo (1%).
Chính phủ Nam Dương dự định biến vùng quần đảo Batam thành “một Singapore thứ nhì” bên cạnh quốc gia bán đảo trù phú này với sự thành lập Cơ quan Phát triển Kỹ nghệ BIDA (Batam Industrial Development Authority) do cựu Tổng thống Habibi trực tiếp lãnh đạo.

Trại tỵ nạn Galang, một hòn đảo trong quần đảo Batam, được chính thức thành lập năm 1978 khi Tổng thống Soeharto đến thăm viếng và khánh thành trại. Từ ấy đến 1991, Galang đã đón nhận hơn 100,000 thuyền nhân VN tỵ nạn, 500 người qua đời và khoảng 2,000 đứa trẻ đã sinh ra trên đảo.
Một ngạc nhiên thú vị khác cho chúng tôi là ngày nay, từ Batam đến Galang, người ta không còn phải đáp bằng tàu qua từng chặng nữa mà có thể đi thẳng bằng xe trên những chiếc cầu mới xây nguy nga rộng rãi.
Sau gần hai giờ qua 5 hòn đảo với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đoàn xe chúng tôi tiến vào một cổng chào có căng tấm biểu ngữ “Chào mừng phái đoàn người Việt hải ngoại trở về thăm trại”.
Galang đây rồi! Một khúc ruột chợt thắt lại khiến tôi phải nhổm dậy khỏi ghế khi người hướng dẫn bình thản thông báo chuyến xe đã đến nơi. Những kỷ niệm xưa bỗng cồn cào sống dậy như một đoạn phim cũ được quay chậm lại, lúc mờ nhạt đứt quãng, khi hiển hiện từng nét mồn một. Những khuôn mặt bạn bè, những nơi chốn ăn ở và làm việc, những ngày đói dài của đám “con bà Phước” (không có thân nhân ở ngoại quốc) đột nhiên trở lại, xốn xang và mừng tủi.
Nhưng, như mọi cựu-Galang khác, tôi ngỡ ngàng không nhận ra điểm đứng trên hòn đảo thân yêu mà mình từng lết mòn cả chục đôi dép-Cao-ủy vì xe vào đảo từ hướng khác chứ không theo lối cầu tàu quen thuộc. Mãi đến khi xe đã chạy qua khỏi Galang I, chúng tôi mới biết đã hụt mất cảm giác đầu tiên rồi.
Biết trước rằng thời gian viếng thăm đảo rất ít nên tôi cùng một người bạn trẻ đã sắp sẵn “ý đồ” riêng, không theo chương trình sinh hoạt chính thức của đoàn. Những nghi lễ tiếp tân trọng thể và những bài diễn văn nồng nàn không đủ sức hấp dẫn chúng tôi trong khung cảnh và thời gian ấy. Cả buổi ăn trưa đặc sản (mà tôi nghe kể lại) rất thịnh soạn và ngon miệng cũng bị gạch ra ngoài “chương trình riêng” của chúng tôi. Vì hôm nay, tôi trở về Galang không như một du khách mà chỉ là người hành hương tìm lại một phần đời đáng nhớ của chính mình. Nói một cách cải lương – nhưng đúng hơn – là một chuyến “Trở về mái nhà xưa”, chùi rửa ký ức và đào bới kỷ niệm. Để được quay quắt nhớ, dào dạt thương và thoải mái khóc.
Nhảy xuống xe như chưa bao giờ nhanh chóng và bất lịch sự đến thế, chúng tôi ngoắc hai chiếc “Honda ôm” của người địa phương, nói nhát gừng bằng tiếng Anh và ra dấu chỉ chỏ về hướng cầu tàu, nơi chúng tôi dự định sẽ đi bộ ngược lại để lần mò theo con đường trong trí nhớ. Thật bất ngờ, một người lái xe nhoẻn miệng cười, khoe hàm răng trắng bóng trên khuôn mặt sương gió hải đảo đen bóng, và buông ra một câu tiếng Việt: “Muốn ra cầu tàu phải không"”
Hàng rào bất đồng ngôn ngữ và sự e ngại ban đầu bị đổ sụp tức khắc. Tôi thót lên yên sau của chiếc xe gắn máy tròm trèm nửa thế kỷ tuổi, kiểm soát vội đồ nghề và quay đầu ra cầu tàu, nhả lại một đám khói sau lưng cho những người bạn đồng hành còn lục tục xuống xe, vươn vai thư giãn sau một chuyến đi dài. Sau này, tôi mới biết đó là hai trong số rất ít các chiếc xe gắn máy còn lại trên đảo từng được ban trật tự trại sử dụng trong những năm đầu thập niên 1980.
Qua cổng gác có vài người lính Nam Dương trong bộ quân phục thẳng nếp (tôi đoán là vừa mới mặc sáng nay để đón tiếp đoàn người Việt hải ngoại trở về thăm đảo lần đầu tiên), tôi không khỏi rưng rưng khi nhìn thấy chiếc cầu tàu trơ trọi với những nếp nhà siêu vẹo dãi dầu của khoảng 15 gia đình ở địa phương. Tôi tấp vào một quán nhỏ, có lẽ là điểm buôn bán duy nhất trên đảo, mua vài gói thuốc lá Gudang Garam (3 gói, với giá 18,000 rupia) để tìm lại vị ngọt và mùi nồng của lá đinh hương, và 3 cuốn phim dự phòng (30,000 rupia mỗi cuốn) rủi chiếc máy ảnh digital của mình... hết pin hoặc trở chứng.
Nếu không được hướng dẫn, chúng tôi không thể nào nhận ra những dấu vết cũ. Xưởng cưa một thời cung cấp gỗ ván để làm barracks và là nơi huấn nghệ cho nhiều lớp thanh thiếu niên tỵ nạn bây giờ chỉ còn trơ một mái tôn và khung sườn đổ nát. Đồi tạm biệt, nơi chứng kiến cả ngàn cuộc chia tay trong nước mắt của kẻ ở người đi cũng đổi dạng với những thân cây cao vút xanh rờn. Xác một chiếc ghe đến đảo quãng 1985-86, nghe đâu có nhiều người chết, vẫn còn dầm mình trong nước nhưng đã mục rã. Hai người “tài xế xe ôm kiêm hướng dẫn viên” của chúng tôi dường như tôn trọng giây phút hoài niệm riêng tư đó nên chỉ đứng xa, im lặng theo dõi.
Chúng tôi chậm rãi đi ngược về lại Galang I, trong lòng man mác một tình cảm xao xuyến lạ lùng. Khu bệnh xá PMI, mái “nhà thương” đúng nghĩa từng điều trị và an ủi cho hàng trăm nạn nhân hải tặc và cũng là nơi cất tiếng chào đời của gần 2000 đứa trẻ và khâm liệm hơn 500 thuyền nhân trên đảo, giờ đây chỉ còn lưu dấu bằng một tấm bảng kỷ niệm, vài bức tường gạch rêu phong gan lì thách đố với thời gian và chiếc nền xi-măng đang bị cỏ dại xâm lấn. Loáng thoáng trong nắng trưa, trí nhớ cùn mằn của tôi chợt hiện về bóng dáng những người “thầy thuốc không biên cương” da vàng da trắng da đen đầy lòng từ tâm, chẳng quản sáng sớm hay đêm khuya, tận tình cứu giúp cho những ca bệnh hiểm nghèo. Những vị lương y ân nhân ấy bây giờ ở đâu, làm gì...
Khung cảnh bỗng đổi khác với màu sắc rực rỡ của ngôi chùa Quan Âm vừa được trùng tu toàn diện. Pho tượng của Mẹ Hiền từng cứu độ và an ủi cho bao nhiêu thuyền nhân trong cơn khổ nạn vẫn nở nụ cười bao dung trước sân chánh điện và hình ảnh những sinh hoạt của các gia đình Phật tử vẫn còn được lưu giữ trong hậu liêu. Một con đường tráng nhựa mới (lúc chúng tôi đến đảo đang còn làm đoạn cuối) đã thay thế cho chiếc cầu ván lắc lẻo mục rã dẫn lên đồi từ cổng tam quan đã úa màu mưa nắng. Đứng trên đồi, tôi dõi tìm lại các bờ ao rau muống và ruộng khoai ngày xưa mà nhiều lớp thuyền nhân thay phiên trồng cấy để “cải thiện” cho bữa cơm Cao ủy nhưng chỉ thấy trước mắt một cảnh biển dâu có thật.
Dù vỗ ngực “nói trạng” cách nào đi nữa, tôi dám quả quyết rằng không ai có thể nhận diện được Galang I bây giờ, ngay cả những người từng đóng vai “chúa đảo” với thời gian lưu trú dăm ba năm. Tuy con đường chính còn được giữ khá tốt nhưng những lối đi len lỏi trong các barracks và khu sinh hoạt từ lâu đã mờ nhạt dấu chân người. Không gian huyên náo ngày xưa với hàng chục ngàn cảnh đời buồn vui giờ đây chỉ còn lại những thân gỗ mục nát bị phủ lấp bởi hàng chục lớp cỏ hoang và đã trở thành một vạt rừng hoang vắng đến rợn người...
Đến “ngã ba cuộc tình” (ơi, những người Galang ngày xưa còn nhớ không, từ dốc quán cà-phê, đường rẽ trái ra bãi biển, quẹo mặt đi cầu tàu và trở ngược lại là văn phòng Ban đại diện trại), tôi bắt đầu nhắm mắt định thần để hồi tưởng lại vị trí căn barrack của mình. Từ điểm trung tâm của ngã ba, tôi lần mò lại con đường cũ, đếm đúng 567 bước (một con số theo thứ tự dễ nhớ trong đầu tôi vì đã từng đếm bước nhiều lần) và nhìn về phía tay phải. Barrack cũ của tôi đây sao" Nơi này, hăm hai năm trước mỗi sáng Chủ nhật nghe kẻng phải tung mình ra khỏi màn để làm vệ sinh tập thể trước khi bị “ăn hèo”, bây giờ là một sườn dốc um tùm cây cỏ. Nếu không từng sống ở đó, không ai có thể tưởng tượng nổi nơi đây từng có những ngôi nhà khá chắc chắn đã che chở cho hàng trăm ngàn người tỵ nạn từ Việt Nam.
Nhìn sang trái, Đạo quán Hồn Việt của Hướng Đạo VN đâu" Và ở đâu là “tòa soạn” Nguyệt san Tự Do của những ngày làm báo hăng say thời tuổi trẻ" Đâu là văn phòng Ban đại diện trại của những bước chân ngập ngừng ngày đầu đến đảo" Thêm vài chục bước nữa bên tay phải, văn phòng Cao ủy UNHCR cũng không còn dấu tích... Ý thơ “dấu xưa, nền cũ, hồn thu thảo, bóng tịch dương” của Bà Huyện Thanh Quan chập chờn, có điều khác nhau là bà đã cảm khái “cảnh đấy người đây luống đoạn trường” khi đang trên đường đến kinh đô làm quan còn bây giờ, chúng tôi trở về để tìm lại một thời khốn khó.

Galang, những mẫu chuyện đời...
Trở lại với đoàn, tôi đến khu nghĩa trang “Galang 3”, nơi 503 thuyền nhân Việt Nam vĩnh viễn “định cư” trên hòn đảo này. Thưở đó, chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau trong nước mắt rằng họ là những người hạnh phúc, được đi trước theo diện “ưu tiên đoàn tụ với ông bà”.
Khi tôi rời Galang đi định cư vào đầu năm 1984, trên đảo chỉ có khoảng hơn một trăm ngôi mộ. Bây giờ trở lại, con số đó đã tăng gấp năm lần, trong đó có nhiều ngôi mộ của những người chết trẻ – 20 đến 30 tuổi. Hỏi ra, một số lớn là những thuyền nhân đã tự sát để phản đối biện pháp cưỡng bách hồi hương sau khi “kế hoạch hành động toàn diện” được áp dụng hồi đầu thập niên 1990, một thời điểm bi đát và bạo liệt khi những thuyền nhân liều chết ra đi tìm đường sống đã bị dập tắt hy vọng, bít lối tương lai.

Đường xa vạn dặm...
Từ Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên Galang II, nơi được dùng làm địa điểm tiếp đón, vẳng đến giọng hát thiết tha đầy ma lực của Khánh Ly:
“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời này...”
Bài hát “Cho một người vừa nằm xuống”, sau này tôi được biết, là từ một cuốn băng casette tặng cho một người Nam Dương trên đảo lúc người bạn Việt Nam của anh đi định cư. Anh đã nghe đi nghe lại nhiều lần những bài hát trong đó và thuộc lòng từng câu. Anh đã nâng niu gìn giữ nó như một kỷ vật quý báu từ khi trên đảo không còn bóng dáng người Việt. Kỳ lạ đến tuyệt diệu, gần 20 năm đã trôi qua nhưng cuốn băng đó “vẫn còn xài tốt” và anh đã yêu cầu ban tiếp tân phát lại những bài hát kỷ niệm một thời để chào đón đoàn người Việt hải ngoại đầu tiên về thăm đảo.
Bài hát của Trịnh Công Sơn trước năm 1975 về một hoàn cảnh khác, nhân vật khác nhưng ngẫu nhiên thay lại trùng hợp với tâm sự đầy nước mắt của một người vợ trở về thăm mộ chồng.
Sau nhiều lần vượt biên cùng chồng không thành, chị Trần thị Hiền (từ Brisbane – Úc) cắn răng chấp nhận để anh lên đường tìm tự do trước, một mình. Năm sau, tay dắt hai đứa con dại, chị liều mạng ra đi trong một chuyến vượt biển thừa chết thiếu sống. Họ đã trùng phùng trên đảo Galang này năm 1985 và đã sống những ngày hạnh phúc trong vòng tay bao bọc độ lượng của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Kết quả của chuỗi ngày thần tiên ấy sau cuộc đánh đu với những cơn sóng dữ của biển cả và hải tặc là một cháu trai kháu khỉnh chào đời trên đảo.
Nhưng số phận nghiệt ngã đã dẫm nát hạnh phúc nhỏ nhoi của gia đình chị. Anh qua đời sau một cơn bạo bệnh năm 1988 khi đứa con út mới được 4 tháng tuổi. Nỗi đau thương và mất mát quá lớn đó đã quật ngã chị và cũng làm động lòng nhân đạo của phái đoàn Úc. Chị được chấp nhận định cư và lên đường đến Úc khoảng 7 tháng sau đó. Nỗi bịn rịn kẻ ở người đi đã khiến chị ngất xỉu nhiều lần trên đoạn đường ra cầu tàu. Khi ấy, chị tưởng sẽ không bao giờ còn có dịp viếng lại ngôi mộ vừa xây móng của anh. Chị gần như trối sống với những người cùng ghe khi gửi gắm cho họ ước vọng chăm sóc cho anh được mồ yên mả đẹp. Tuy những đồng tiền dành dụm từ những ngày kiếm sống vất vả một nách ba con trên đảo không đủ để xây cho anh một ngôi mộ khang trang như ý nhưng họ đã không phụ tình của chị. Những tấm hình gửi đến Úc cho chị cũng đã giúp chị nguôi ngoai và an ủi phần nào, nhưng làm sao thay thế được cảm xúc của người vợ được tận tay tận mặt ôm ấp, chăm sóc cho ngôi mộ của chồng.
Tin tức về chuyến đi “Về bến tự do Bidong – Galang” đến với chị như một chiếc phao tâm linh từ nhiều năm chờ đợi. Chị vội vàng níu lấy nó như trong những cơn mê sảng ngày xưa, nhưng rồi lại tần ngần. Không biết cảnh cũ bây giờ có như trong ký ức, không biết cảm xúc của mình sẽ ra sao, không biết chuyến đi có diễn ra như mong ước... Bao nhiêu điều không biết nhưng cuối cùng, chị quyết định phải trở lại, dù thế nào.
Từ đầu chuyến đi, chị đã cố nén cảm xúc nôn nao cháy ruột của mình sau hơn 17 năm xa cách. Ngày lên đường đi định cư ở Úc, đứa con út của chị với anh chưa đầy 1 tuổi. Bây giờ, cháu đã là một thanh niên. Ký ức về người cha chỉ là những chuyện kể của mẹ. Lần về thăm này, chị đi một mình cùng người chị dâu để mò mẫm đường đi nước bước, để chuẩn bị tâm lý cho các con trước khi dẫn chúng trở lại viếng mộ cha và để lấp đầy khoảng trống sâu thẳm trong tâm hồn của chính mình suốt một đoạn đời cô đơn đăng đẳng.
Bây giờ, hình ảnh người đàn bà trung niên trong bộ tang phục trắng bê bết bụi đất trên khu đồi nghĩa trang Galang 3 đang vật vã khóc than giữa tiếng cầu kinh và chuông mõ tụng niệm đã khiến nhiều người không cầm được giòng nước mắt thương cảm. Chị đã ngất xỉu như ngày nào bước ra bến tàu với ba đứa con dại, một mình chống chọi với phong ba của cuộc đời. Những cánh hoa rải xuống, làn nước mát tưới lên phần mộ, hẳn anh đang nhẹ nhàng siêu thoát. Bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống vất vả ở xứ người khuôn mặt người vợ trẻ ngày xưa đã hằn dấu truân chuyên nhưng cuối cùng, chị đã về đây, đã hoàn thành tâm nguyện thắp nén hương lòng tưởng tiếc mối tình phu phụ ngắn ngủi vì nghịch cảnh... Mừng cho anh được các vị cao tăng và linh mục của cả hai tôn giáo đều dâng lời cầu nguyện. Đức Quan Thế Âm và Đức Mẹ Maria dường như đang nâng anh dậy và dìu chị bay lên một điểm vô định nào đó trong ta bà vũ trụ để gặp lại nhau. Cám ơn chị đã dạy cho chúng tôi bài học về cội nguồn văn hóa, về đạo nghĩa vợ chồng... Và cám ơn những giọt nước mắt san sẻ trong buổi tảo mộ cảm động hôm ấy để rửa sạch xú danh “Galang tình xù”.

Galang, tình không “xù”
Abu, một thanh niên Nam Dương sống trên đảo, người đen nhẻm nhưng có nụ cười tươi như trăng rằm, năm nay 29 tuổi. Anh vẫn còn nhớ và nói được khá sõi tiếng Việt dù đã lâu không có dịp sử dụng. Anh lân la đến hỏi thăm chúng tôi về một người bạn thời thơ ấu trạc tuổi mình tên Phú, nghe đâu đang sống ở thành phố Perth bên Úc. Abu lúc đó khoảng 9-10 tuổi, suốt ngày rong chơi cùng các bạn Việt Nam trên đảo vì mẹ bận việc nấu cơm trong một quán ăn. Người bạn tên Phú của anh cũng cùng hoàn cảnh. “Má nuôi tôi” (lời của Abu khi nói về người mẹ của bạn mình) đi làm cả ngày nên “tụi tui” thân nhau lắm. Abu học và nói tiếng Việt từ đó.
Bây giờ, Abu chỉ ao ước một việc nhỏ: tìm lại dấu vết kỷ niệm xưa của mình. Anh nhờ báo chí và các đài truyền thanh “làm ơn nhắn dùm” để anh được tin về người bạn thời thơ ấu và bà má nuôi thương anh như con ruột. “Có được như vậy, tui nhắm mắt cũng không uổng…” Abu nói trong tiếng nấc.
Người bạn trẻ chưa quen tên Phú ơi, nếu có cơ duyên nào đọc được bài này, hãy viết một dòng hoặc gọi một tiếng cho Abu (điện thoại 0852 6401 2697) để bắt lại nhịp cầu thơ ấu xưa, lúc hai cậu bé cô đơn chơi trò trốn tìm trong các barracks hoặc ôm nhau ngủ khò trên bãi biển của 20 năm trước. Hay Phú cùng mẹ về thăm lại Galang một chuyến" Hẳn Abu sẽ vui mừng lắm và chẳng còn tiếc nuối gì khi giã biệt cuộc đời. Tôi chỉ là một kẻ đưa tin, cảm động trước mối chân tình của một người bạn trẻ khác chủng tộc mà viết những dòng này. Mong được bạn đón nhận.
Bằng một giọng của dân miền tây Việt Nam pha trộn âm sắc địa phương, Abu hứng khởi kể lại trên chuyến xe bus của chúng tôi về sự thay da đổi thịt của Galang từ ngày trại đóng cửa, từ chuyện những hồn ma trong khu nghĩa trang đến sự bắt chước phong tục xin xăm trên chùa vào những ngày tết Việt Nam. Anh cũng đã tạo nên những tràng pháo tay tán thưởng và những chuỗi cười thoải mái sau gần một ngày đường mệt nhọc bằng những bài hát một thời khá thịnh hành trong các màn văn nghệ trên đảo: “Mai anh đi rồi, em có buồn không em...”, “Mai lỡ đôi mình xa nhau, tội lắm mắt em thơ dại...” Lời ca dù sai lệch nguyên bản đôi chút, giọng hát tuy chẳng được xếp hạng “idol” như trong các chương trình tuyển lựa tài năng của các đài truyền hình Mỹ nhưng rõ ràng tình cảm của anh qua cách diễn đạt không một ca sĩ nhà nghề nào bằng. Cám ơn Abu, những chuyện kể và lời hát của bạn đã mang lại cho chúng tôi tình người ấm áp dù năm tháng có thể đã phôi pha phần nào ký ức của quãng đời lận đận đau xót đó.

Đồi Nhà thờ, gió và nắng


Cái nắng như rang của buổi trưa nhiệt đới trên đồi nhà thờ Galang I không làm cho toán nhỏ chúng tôi uể oải mà ngược lại, chính sự hoang vắng ở đó khiến mọi người rờn rợn. Đồi nhà thờ ngày xưa của những tiếng cười vui tươi, những bài thánh ca tin yêu, những đêm lễ rộn ràng, những cuộc tình nẩy nở... bây giờ là đây sao" Con dốc thoáng mát với những tấm bia tạ ơn dọc đường bây giờ là một rừng trúc hoang dại quanh chân đồi. Nhà lễ chỉ còn trơ chiếc nền xi-măng nứt nẻ, bậc thềm sụp lở, bệ thánh điêu tàn... Phòng áo của các linh mục và phó tế cũng hoen màu thời gian, trống vắng giữa tiếng chim trưa như một nỗi niềm luyến tiếc. Chỉ còn nhận diện được là pho tượng Đức Mẹ được tạc bằng xi-măng đứng chơ vơ trên đầu dốc, tuy sương gió dãi dầu nhưng vẫn tươi nở nụ cười ơn phước muôn đời. Và căn phòng mục rã siêu vẹo của Linh mục Dominici.
Những ai từng đến Galang từ đầu mùa vượt biển đến khi trại đóng cửa có lẽ đều nghe và biết đến Cha Dominici (tên Việt là Đỗ Minh Trí), một vị linh mục người Ý từng sống và hiến dâng gần trọn đời mình cho đất nước và con người Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn trên trại lúc đó, chiếc áo chùng đen của Cha thường căng phồng những lá thư chưa dán tem của người tỵ nạn nhờ gửi “chui” khỏi đảo, mang đi những tin tức an lành cho người thân đang ngày đêm trông ngóng ở quê nhà. Cha chẳng bao giờ nề hà những đêm khuya khoắc khoác áo đến thăm kẻ liệt hoặc người bị hành hạ. Cha cũng đã gây khó chịu không ít cho cảnh sát Nam Dương khi trực tiếp can thiệp hoặc bảo vệ cho những trường hợp bị hà hiếp, ngược đãi. Cha là hiện thân của niềm an ủi, sự che chở, lòng bao dung và đức hy sinh cho tất cả những người tỵ nạn trên đảo, bất luận thuộc tôn giáo nào.
Là một tu sĩ từng truyền đạo nhiều năm ở Đà Lạt thời còn thanh niên, LM Dominici nói và viết sõi tiếng Việt không thua bất kỳ người Việt nào. Nếu chỉ nghe tiếng mà không thấy dáng người, chẳng ai dám tin rằng “ông Tây” ấy có thể nói và hiểu được người Việt một cách... thần sầu như thế. Tâm tình sâu đậm của Ngài đối với dân tộc Việt Nam đau khổ và oan nghiệt được thể hiện qua quyển “Việt Nam, quê hương tôi”, một bút ký cảm động được xuất bản sau khi Linh mục rời Galang trở về La Mã để phục vụ trong Tòa thánh Vatican. Một câu nói của Cha Dominici nhân dịp ra mắt tác phẩm ấy ở Úc cách đây hơn 10 năm đã khiến mọi người rưng rưng: “Tôi muốn được sống và chết như một người Việt Nam.” Cha đã về nước Chúa cách đây mấy năm, lòng vẫn canh cánh một nỗi buồn xa cách với quê hương trần gian Việt Nam mến yêu của mình. Có lẽ, nếu còn sống hẳn Cha đã có mặt trong chuyến đi này.
Nhưng trên đồi nhà thờ buổi trưa ấy không chỉ có nắng mà còn có những làn gió dĩ vãng dịu mát tâm tư những người trở về. Trong giọng nói khản đặc vì xúc cảm, Linh mục Nguyễn Hữu Quảng kể lại cho chúng tôi một đoạn đời đáng nhớ của người. Đến Galang năm 1982, “Thầy Sáu Quảng”, lúc ấy là một thanh niên năng động vốn mang máu phụng sự xã hội của dòng Don Bosco, đã lao mình vào các công tác an sinh cho trại và góp sức chăm sóc đời sống tinh thần cho giáo dân, đặc biệt là những thanh thiếu niên không thân nhân. Tấm gương dấn thân phục vụ của “Thầy Sáu” đã chuyển hóa nhiều cảnh đời và làm lay động những trái tim của không ít các cô gái trong hoàn cảnh bơ vơ đang cần một bến đậu tin cậy. Những ngọn gió tình cứ vi vu thổi lên đồi Nhà thờ, lúc đầu trong sự thản nhiên đón nhận của “chàng tu sĩ đẹp trai của dòng Don Bosco” đó nhưng càng lúc càng trở thành những cơn bão giằng co giữa đạo và đời trong lòng của một con người bình thường tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, niềm tin tâm linh và sự tự vấn chân thật chính lòng mình đã giúp đưa Thầy Sáu Quảng đến một quyết định trước ngày rời đảo: sẽ dâng hiến đời mình làm việc cho Chúa.
Linh mục Nguyễn Hữu Quảng được thụ phong sau một thời gian ngắn định cư tại Melbourne và bây giờ là Chủ nhiệm của Nguyệt san Dân Chúa ở Úc châu. Tâm tình với chúng tôi nhân chuyến trở về thăm đảo, Linh mục nói nó đã được chuẩn bị và tổ chức tốt lành vượt trên sự mong đợi trong không khí chan hòa tình yêu, khơi dậy những kỷ niệm thương đau lẫn hạnh phúc vô cùng quý báu của một thời khốn khó trong đời từng người tham dự... “Tôi xin dâng lên lời cám ơn Trời về cuộc sống hôm nay. Galang là vùng đất linh thánh mà tôi ghi nhớ mãi trong tâm khảm, nơi tôi thực sự hiểu biết giá trị của tự do và là nơi tôi thường tìm về suy nghiệm để vươn lên trong những giây phút ngã lòng….”

Hy sinh và tha thứ
Ở Galang II, cảnh vật có phần vui tươi hơn. Nhiều ngôi nhà được bảo quản khá tốt; như Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên, Trạm Cảnh sát v.v.. Khu tôn giáo và sinh hoạt Hướng Đạo bên kia chiếc cầu gỗ mong manh (mà kỳ lạ thay, đến nay vẫn còn nguyên vẹn) gần như không thay đổi gì nhiều qua thời gian khá dài. Tượng Đức Mẹ Maria bên cạnh chiếc thuyền tỵ nạn vẫn giữ được màu sắc tươi nhuận, những bụi cây cảnh dưới chân được cắt tỉa gọn gàng. Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm và Chùa Kỳ Viên dường như cũng được phủ một lớp sơn mới cách đây chẳng bao lâu. Những khóm hoa thôn dã trong khuôn viên thờ phượng này đang trổ sắc và vết chân người còn thơm trên nền đất. Sâu hơn ở phía trong, khu trại Hướng Đạo vẫn còn nhìn ra dù cỏ tranh đã mọc cao ngút mắt...
Trong buổi thánh lễ đơn sơ trong ngôi nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, tôi đã được nghe và thấy những câu chuyện về sự hy sinh và tha thứ. Trong giai đoạn căng thẳng và ê chề nhất về số phận của những người tỵ nạn còn kẹt lại sau thời điểm đóng cửa đảo, nhiều thuyền nhân đã tranh đấu trong tuyệt vọng cho ước vọng tự do của họ bằng hành động tự hủy mình để phản đối biện pháp cưỡng bách hồi hương.
Chứng kiến tận mắt thảm kịch con người hết sức thương tâm đó, một Mục sư gốc Hoa (tôi quên ghi lại tên, thật đáng trách) không thể bàng quang đứng nhìn đồng loại hy sinh mạng sống nên đã tìm cách cứu họ. Bị ràng buộc bởi nhiều thứ luật pháp vô tình và thế lực chính trị quá mạnh, ông không thể đơn thân độc mã can thiệp cho họ nên phải tìm một phương cách khác. Ông đã tự nguyện đứng ra làm mai mối cho khoảng 100 người kết hôn với dân địa phương để họ được ở lại trên đất nước tạm dung này và tránh khỏi cảnh tủi nhục bẽ bàng khi phải trở về sống trong một chế độ mà họ đã liều chết vượt thoát và chắc chắn sẽ bị ngược đãi.
Câu chuyện cổ “Hà chính mãnh ư hổ” (về thầy Khổng Tử dạy học trò khi thấy một gia đình cả ba đời bị cọp ăn thịt nhưng vẫn tiếp tục sống ven rừng mà không muốn vào làng vì bị tham quan ức hiếp) tưởng như một huyền thoại nhưng ngày nay là một sự thật đau buồn trên chính quê hương của mình. Chế độ “chính trị hà khắc còn dữ hơn cọp” đó đã khiến những lưu dân ly hương phải bám víu vào một mảnh phao cứu mạng - đất nước xa lạ và những người bạn đời không quen - để nương thân.
Tôi thành tâm cầu chúc họ có một cuộc sống hạnh phúc. Và tôi tin như thế. Vì ít ra, họ đã không bị đối xử như “những công dân hạng nhì” ở đất nước Nam Dương này. Họ đã không bị trói gô, xô đẩy, đánh thuốc mê... khi đưa lên những chuyến bay “hồi hương” hoặc bị cách ly cư trú, học tập cải tạo, đày đọa lao tù... khi bị cưỡng bức trở về như những trường hợp mà tôi đã thấy và đã nghe những người trong cuộc kể lại. Tôi cũng tin rằng quá khứ bất hạnh của họ cũng đã nhạt nhòa theo thời gian và đang sống một cuộc đời bình thường trên quê hương thứ nhì. Hàng năm, những gia đình ấy vẫn thường họp mặt vào các dịp lễ tết Việt Nam, thăm nom nhau như bà con ruột thịt. Rất tiếc, họ đã không biết trước về chuyến viếng thăm của chúng tôi. Nếu biết, tôi chắc rằng họ đã đến Galang này, nơi nhiều cảnh đời ngày nay tuy khác nhau nhưng đã cùng chia xẻ một thời khốn khó. Nếu gặp lại, tôi chắc rằng chúng tôi – những người từ bốn phương trời tái ngộ với những người sống hẳn trên đất nước này - sẽ mừng tủi lắm và biết đâu, lại gặp những người thân quen và ân tình cũ...
Cũng ở Galang, tôi nghe kể về chuyện các “hung thần” Man và Mun, hai anh em ruột lúc nào cũng mang kè kè chiếc roi trong tay và khẩu súng bên hông để chực đánh đập người tỵ nạn vì những chuyện nhỏ nhặt nhất. Man và Mun là cảnh sát trật tự trên đảo nhưng họ đã lợi dụng chức quyền đó một cách tàn ác để tống tiền, hà hiếp, hãm hại những người tỵ nạn cô thế. Một số cô gái đã bị làm nhục, nhiều người uất ức chống lại đã bị vu cáo, đánh đập, nhốt tù... Có kẻ nửa đêm bị dựng đầu dậy, lôi ra khỏi barrack và sáng hôm sau trở về với thân hình bầm tím. Có những đêm tiếng kêu cứu thất thanh vang lên từ trạm cảnh sát và những chuỗi cười khoái trá man rợ của các hung thần...
Bởi vậy, không khí thân mật ban đầu tại buổi tiếp tân bỗng trở nên nặng nề khi một số người nhận ra sự hiện diện của Man và Mun trong nhóm đón rước. Như biết được điều đó, họ đã đứng lên và công khai tạ lỗi: “Xin các bạn hãy tha thứ cho chúng tôi...” Chuyện cũ đã gần hai chục năm rồi, thôi nhắc lại mà chi! Những ánh mắt thù hận dịu lại, khuôn mặt căng thẳng giãn ra và nụ cười khoan dung bừng nở... Dù sao, đoàn viếng thăm trở về không phải để “tính toán” những tình cảm bất như ý đó mà chỉ mong tìm lại dấu vết kỷ niệm của mình.
Lời xin lỗi của Man và Mun như đã trút hết sức nặng quá khứ đè trên ngực của những người trở về và đã mở màn một đêm liên hoan thân mật trên bờ biển du lịch Marina Resort sang trọng trong buổi tiếp tân trọng thể với những món ăn đặc sản ngon miệng và những màn văn nghệ vui tươi. Tôi chưa từng nghe một “ban hợp ca quốc tế” nào (từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Canada...) không hề tập dượt trước với ban nhạc Nam Dương mà lại hát bài Trống Cơm hay đến thế!
Ban tổ chức đã trao và nhận quà lưu niệm từ các đại diện của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, Bộ Ngoại giao Nam Dương và chính quyền Batam để đanh dấu chuyến đi đáng nhớ này. Những chữ ký của các thành viên trong đoàn lên tấm bảng chào mừng sẽ được lưu giữ như một kỷ niệm về chuyến đi tại Bảo tàng viện BIDA.
Đêm xuống, lại thêm hai giờ ngồi xe bus, qua “cửa khẩu” Singapore và chúng tôi trở về khách sạn khi đã quá nửa khuya...

Bidong – Galang, tạm biệt
Tôi đến Galang vào tháng 6.1983 và rời đảo lên đường đi định cư vào tháng 03.1984, lúc ấy mái tóc còn xanh xanh. Bây giờ đã chập chờn lau trắng trong tay rồi. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu trong thời gian 21 năm đó, một thế hệ đã sinh ra và lớn lên.
Khi rời Galang đi định cư, tôi đã thầm hẹn với lòng sẽ trở lại đảo trong một dịp sớm nhất có thể được. Tôi đã tự gút một nút thắt trên chiếc khăn quàng Hướng Đạo để nhắc nhở mình điều đó. Lúc chuẩn bị lên đường “Về bến tự do Bidong – Galang” tôi lục tung bàn tủ để tìm lại chiếc khăn quàng nhưng không thấy. Nó trốn biệt khi tôi cần tìm nhất, dù hơn hai mươi năm qua đã cất kỹ một chỗ. Nhưng không sao, chiếc nút thắt ấy trong lòng tôi đã tự mở ra.
Trong công tác tự nguyện với vai trò điều hợp viên ở văn phòng định cư của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) và giáo viên Anh văn huấn nghệ tại Cơ quan Cứu trợ Thế giới (World Relief), tôi lãnh được khoản trợ cấp camp grant khoảng 50,000 rupia mỗi tuần, chỉ đủ “bồi dưỡng” một chầu Milo sữa đá và thuốc lá Garam cho đám con bà phước quanh năm đói rạc chúng tôi. Vậy mà vui không thể tả. Những gói mì khô được chia cho nhau, đổ nước sôi làm canh để tăng “chất đạm” cho khẩu phần khiêm tốn được cấp phát từng bữa. Những lá thư gia đình được chuyền tay nhau để chia sớt niềm vui nỗi buồn tha hương. Những đêm lửa trại Hướng Đạo trong rừng hoặc trên bờ biển với những trò chơi thử thách “không giống ai”. Những buổi thu góp xoong nồi quần áo cũ của những người lên đường định cư để phân phát lại cho người mới đến. Những buổi lễ chùa đêm rằm hoặc ngày Chúa nhật trên đồi nhà thờ với những màn nghịch ngợm của tuổi trẻ. Những buổi sáng “xách cây dù đi xuống đi lên”, những buổi chiều “đẩy xe” lên dốc Cao ủy, những buổi tối “canh me” đám con bà phước ở quán cà-phê cuối đường, những cuối tuần cắm trại rộn ràng ngoài bãi biển hoặc lạc đường trong rừng vắng...
Tất cả kỷ niệm đó hiện về với hình ảnh của những người bạn cùng thời sau này trở thành thân thiết một đời như Huy “Cao ủy” (bây giờ là bác sĩ ở Cabramatta), Hải “sáu ngón” (Việt Báo ở California), Duyên “ròm” (luật sư ở San Jose), Tuấn “sữa” (giáo sư đại học ở Hoa Kỳ), Bé “ping-pong” (ở Melbourne, từng nhiều lần đoạt giải vô địch bóng bàn Úc), Đặng “Sói già” (ở Sydney, đã về hưu), Thạnh “sún” (nhà thầu xây cất, ở Canada), Chánh “đui” (Liên đoàn trưởng Hướng Đạo, Sydney)... Và những anh em kết nghĩa đã hơn hai mươi năm qua không hề phai lạt tình thân như Quyết, Trúc, Kim Anh, Xuyến... Rồi còn bao nhiêu người tuy không thân thuộc nhưng đối đãi với nhau chẳng khác gia đình ở “ngưỡng cửa của tự do và tình người” đó. Tất cả, bây giờ tuy xa mặt (có người đã qua đời như Trần Huy Quyền) nhưng chẳng bao giờ cách lòng. Galang đã cho tôi tài sản tinh thần vô giá ấy, không gì có thể đánh đổi được.
Trong chuyến trở về thăm đảo này, tôi thật sự cảm kích trước những ân tình sâu đậm và sự chăm sóc chu đáo của các bạn Mã Lai và Nam Dương. Tôi cảm nhận rằng họ không chỉ thực hiện sự tiếp đón như một công tác thuần túy mà còn gói ghém trong đó tình cảm đối với những người bạn cũ. Họ đã chăm sóc từ những chiếc băng treo chào đón ở từng trạm đến, lo liệu mọi thủ tục xuất nhập cảnh dễ dàng và ưu tiên nhất, khai quang rừng cây để dọn bãi sinh hoạt và xây cầu tàu mới ở Bidong. Họ đã thể hiện lòng ưu ái dành cho đoàn như sưu tập và bảo tồn các di vật của thuyền nhân, trùng tu chùa và nhà thờ, những món ăn đặc sản địa phương để nhắc nhớ một thời khốn khó, quà tặng kỷ niệm cho chuyến đi v.v.. Thậm chí, các bạn còn để ý đến các chi tiết rất nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa (mà có thể ít người nghĩ đến) như những cánh hoa tươi để rắc lên phần mộ của những người nằm lại trên Galang...
Đáp máy bay về Úc, tôi không tránh khỏi cảm giác buồn bã và phẫn nộ sau chuyến viếng thăm ngắn ngủi Singapore, Mã Lai và Nam Dương, ba quốc gia lân cận trong vùng Đông Nam Á mà mới hơn phần tư thế kỷ trước mức độ phát triển còn kém xa miền nam Việt Nam. Dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, thời gian một tuần lễ cũng đủ cho tôi thấy rõ sự bất hạnh của dân tộc mình và tội ác của những kẻ tự xưng “đỉnh cao của trí tuệ loài người” đang cai trị bằng bạo lực và dối trá ở quê nhà. Nhìn những phương tiện giao thông tối tân, đặc biệt ở hai phi trường Kuala Lumpur của Mã Lai và Changi của Singapore, khu nhà máy lọc dầu sáng trưng về đêm ở Terengganu, thành phố Melacca xinh đẹp và sạch sẽ, các thị trấn ven đường tấp nập tươi tắn... lòng tôi chùng xuống. Ở những nơi chúng tôi đi qua, không có cảnh níu kéo, giành giật, nói thách với khách hàng dù người địa phương thừa biết họ có thể kiếm được “mối hời” từ đám du khách rủng rỉnh chỉ đến đây một lần trong đời. Những người hành khất cũng vắng bóng, ngoại trừ vài kẻ hát rong với chiếc mũ đặt dưới đất để đón nhận lòng hảo tâm của “ông đi qua, bà đi lại” ở vài địa điểm du lịch.
Ôi, thời gian, thời gian...
Thời gian chế ngự tất cả (Time conquers all) như người Tây phương vẫn thường nói. Hay “hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngắt” như thơ của Đoàn Phú Tứ" Tất cả dường như đã trôi vào dĩ vãng thăm thẳm nhưng hình ảnh cũ vẫn cứ lung linh trong những đêm trở giấc, những dịp tái ngộ người xưa ôn lại một thời dâu biển...
Chợt nhớ một câu thơ đã quên tên tác giả:
“Ta lại ra đi như đã đến
Giòng sông xưa nước vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên bờ thương dĩ vãng
Nghe trong hồn cây cỏ mọc hoang vu...”

Lời cuối...
Tôi biết, bài phóng sự đến đây đã dài (dù vẫn còn nhiều điều muốn viết thêm) nhưng sẽ là một thiếu sót đáng trách nếu không nói đến những con người cùng sống thân ái và chan hòa trọn vẹn qua một tuần lễ không thể nào quên đó.
Xin gửi lại đây lời cám ơn từ đáy lòng của tôi đến những nhà lãnh đạo tinh thần trong chuyến hành hương về nguồn này. Tiếng chuông mõ, lời cầu kinh, những bản thánh ca trong suốt chặng đường đã hòa quyện thành một nền âm thanh vừa bi tráng vừa nhân hậu, đã làm giàu thêm đời sống tâm linh cho từng người trong đoàn.
Xin cám ơn các bạn đồng nghiệp Nguyễn Thanh Giang và Hoàng Quốc Vinh (BBC Radio – London), Quốc Việt (SBS Radio – Melbourne), Viễn Trình “rít cắn” (VNTV – Melbourne), Đinh Quang Anh Thái (Viet Tide – California), Mai Khanh (Radio Little Saigon – California, “nhà báo gái” duy nhất trong chuyến đi), Thành Quang (Radio Free Asia – Washington DC)... Họ đã trút bỏ “khuôn mặt dửng dưng” với xúc cảm nghề nghiệp mà có thể nhiều lần đã mang lên trong lúc làm việc. Đàng sau những chiếc ống kính, máy thu băng, sổ ghi chép... là những con người đời thường rất thật. Tôi đã nghe đã thấy những tiếng cười sảng khoái, những giọt nước mắt lăn dài không che giấu của họ trên những chuyến tàu sóng nhồi lộn ruột khi cùng ra hải phận quốc tế vớt vong, trong đêm hoa đăng rực rỡ trên bờ biển, tại những nghĩa trang Terengganu và Galang, những đêm liên hoan ở Merang và Batam, những màn văn nghệ ngẫu hứng dọc đường...
Tôi cũng ghi nhận sự chia xẻ, giúp đỡ, “cứu bồ” hết sức ân cần từ những người bạn đồng hành (như anh Lê Minh Hồng và chị Mai Hoa, chị Kim Phụng, Nhóm từ thiện Hoa Tình Thương – Sydney...), những cựu-Galang (như Linh mục Nguyễn Hữu Quảng, người bạn trẻ Nguyễn Sĩ Thường, cô bạn mới quen Hải Yến, nhà thơ Thân Đức Nhy...), những đêm tâm tình gần-như-không-ngủ với Đại đức Thích Phước Đạo, Bác sĩ Bùi Trọng Cường, anh Trịnh Chỉnh...
Và cuối cùng, xin chân thành cám ơn Ban tổ chức “Về bến Tự do Bidong – Galang” đã lo liệu hết sức chu đáo và ân cần từ đầu đến cuối cho cả đoàn. Tuy biết nói là thừa về giá trị tinh thần to lớn mà chuyến đi mang lại, tôi không thể nào không trân trọng ghi nhận công sức và tình cảm của các anh Trần Thành Đông (Trưởng ban), Quốc Việt (Phát ngôn nhân chính thức của đoàn), Châu Xuân Hùng (Đại diện Cộng đồng NVTD – Úc châu)... cùng hàng chục người vô danh khác ở khắp nơi trên thế giới đã tiếp tay cho chuyến đi. Các anh chị đã bỏ ăn, mất ngủ và hy sinh thời giờ cá nhân rất nhiều trước, trong và sau chuyến đi để thực hiện hoàn mãn ước vọng “trở về mái nhà xưa”. Những áp lực và hàng trăm công việc không tên túi bụi phải giải quyết tại chỗ trong chuyến đi chỉ “cho phép” các anh chị chợp mắt vài giờ mỗi ngày trong khi những người khác được săn sóc từng bữa ăn, giờ nghỉ. Tôi đã nhìn thấy và thật lòng ngưỡng phục những lưng áo đẫm mồ hôi của các anh chị giữa buổi trưa nhiệt đới, những chiếc đầu cắm cúi vào màn hình computer đến nửa đêm khuya, những bát cơm nuốt vội cho kịp giờ lên xe xuống tàu, những nhắc nhở từng ly từng tý cho sự an toàn và sức khỏe của các thành viên trong đoàn, những lời phát biểu làm rạng rỡ tình nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của văn hóa Việt đối với những đất nước đã cưu mang mình... Còn, còn nhiều nữa các việc anh chị đã làm, trong âm thầm và không một chút vướng bận về chuyện kể công.
Viết những dòng cuối cùng của bài phóng sự này, trước mắt tôi là những nét chấm phá sinh động trên bức tranh “Về bến Tự do Bidong – Galang” mà tôi không ngần ngại mô tả bằng tĩnh từ “tuyệt phẩm”. Đó là nụ cười hiền như bụt của “sếp” Đông, những pha tạc-dzăng nổi quạu của Quốc Việt, nét hân hoan trên khuôn mặt của Hùng..., ân tình của những người bạn Mã Lai và Nam Dương như cậu Alex, cô Anne, ông Wong... trên nền hậu cảnh 150 người “Trở về mái nhà xưa”.

Tạm biệt Bidong – Galang. Chúng tôi sẽ trở lại!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.