Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: GS Tim Flannery, Người Úc Ưu Tú Năm 2007

06/02/200700:00:00(Xem: 1842)

Thời sự nước Úc: GS Tim Flannery, Người Úc Ưu Tú Năm 2007 

Hàng năm, vào dịp Quốc Khánh Úc, một công dân Úc ưu tú sẽ được chọn để trao danh hiệu Australian Of The Year - để ghi nhận những thành quả của họ, những đóng góp mà họ đã làm được cho nước Úc nói riêng, cho nhân loại nói chung, trong bất kỳ một lãnh vực nào, từ thể thao, văn học nghệ thuật, cho đến giáo dục, xã hội, khoa học.v.v. đồng thời qua đó, nêu tấm gương sáng ngời cho mọi người noi theo, hầu tạo dựng một nước Úc ngày càng tốt đẹp hơn. Quyết định trao Giải thưởng này là một tổ chức độc lập có tên Australia Day Council - Hội Đồng Ngày Quốc Khánh Úc - bao gồm nhiều nhân vật có danh tiếng và uy tín. Thể thức tuyển chọn bao gồm hai giai đoạn: tiểu bang và liên bang. Giải thưởng cấp tiểu bang thường được trao vào tháng Mười của năm trước. Giải thưởng được một ủy ban cấp tiểu bang của tổ chức này tuyển chọn. Người được trao giải tiểu bang sẽ là ứng viên vào chung kết của giải quốc gia.
Trong ba năm qua, người được trao danh hiệu này đều là những người đã tạo được nhiều ảnh hưởng quan trọng trong lãnh vực trí tuệ đưa đến nhiều thay đổi tư duy, chẳng những của quần chúng mà còn của giới hữu trách và từ đó, ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ nữa. Người Úc Ưu Tú Năm 2005 là bà Fiona Wood, nữ bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ (plastic surgeon) duy nhất của Tây Úc, người đã phát minh ra được phương pháp rút gọn quá trình cấy da cho nạn nhân hỏa hoạn. Người Úc Ưu Tú Năm 2006 là Giáo Sư Ian Fraser, người đã tìm ra được phương pháp chủng ngừa ung thư cổ tử cung (cervical cancer). Và năm nay, người thắng giải là Giáo Sư Tim Flannery, một nhà cổ sinh vật học (paleontologist) và bảo vệ môi sinh (environmentalist), vốn từng được nhà làm phim lừng danh Sir David Attenborough khen tặng là một trong những nhà thám hiểm lẫy lừng của nhân loại từ xưa đến nay, không thua gì bác sĩ Livingstone thuở xưa.
Giáo sư Flannery được xem như là người đã góp phần khích lệ cuộc tranh luận rộng rãi ở Úc về ảnh hưởng của con người đến sự thay đổi thời tiết và khí hậu. Thế nhưng, ông không phải chỉ đơn thuần là một nhà bảo vệ môi sinh (conservationist) hoặc một nhà cổ sinh vật học mà thôi. Ông còn là một nhà địa chất học (geologist), một nhà sinh vật học (zoologist) và một nhà nghiên cứu về động vật hữu nhũ (mammalist) nữa. Sau khi lấy bằng Cao học Khoa học ở đại học Monash năm 1981, thì từ năm 1984 đến năm 1999 ông giữ chức vụ Principal Research Scientist in Mammalogy tại Viện Bảo Tàng Australian Museum ở Sydney.
Trong suốt 12 tháng từ giữa năm 1998 đến 1999, ông được biệt phái sang đại học Harvard để đảm trách môn Úc Học - Australian Studies - thuộc phân khoa Tiến Hóa Sinh Vật Học (Evolutionary Biology). Tại đấy, ông đã thu hút được sự quan tâm của giới khoa học quốc tế về những tính nết đặc thù đa dạng của sinh vật (unique biodiversity) ở Úc cũng như về lịch sử quá trình tiến hóa của chúng.
Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm giám đốc viện bảo tàng Nam Úc và đồng thời là giáo sư tại đại học Adelaide. Trong vai trò giám đốc viện bảo tàng, ông đã góp phần gầy dựng và tái thiết, biến nó thành một trong những viện bảo tàng thành công nhất nước Úc. Ông được viện đại học Macquarie mời về cộng tác từ tháng 8/2006, để thiết lập một phòng nghiên cứu chuyên chú vào biodiversity, sự tiến hóa và sự thay đổi khí hậu.
Nhưng GS Flannery không phải chỉ là một nhà khoa bảng đơn thuần, chỉ biết chúi đầu trong tháp ngà của kiến thức, mà ông còn có nhiều khám phá và đóng góp quan trọng trong các lãnh vực chuyên môn của mình. Thí dụ điển hình là việc khám phá được hơn 30 giống động vật hữu nhũ, kể cả 2 giống đại thử sống trên cây (tree kangaroo - hình trên) tại New Guinea. Những nghiên cứu khoa học của ông cũng khiến cho người ta chú tâm nhiều hơn đến hoàn cảnh của những giống được xem là có nguy cơ tuyệt chủng qua việc so sánh những điểm tương đồng đưa đến việc một số sinh vật bị tuyệt chủng trong quá khứ và nguy cơ hiện nay.


Ông giành được sự trọng vọng và kính nể trong giới khoa học quốc tế không những vì các đóng góp nói trên của ông mà còn vì ông đã góp phần nâng cao kiến thức tổng quát về khoa học của quần chúng. Ngoài những bài nghiên cứu chuyên môn dành riêng cho giới chuyên môn thẩm định (peer-reviewed papers), ông còn là tác giả của rất nhiều quyển sách nhắm vào đại chúng, chẳng hạn như The Future Eaters - (Những Thực Khách Tương Lai), hoặc tác phẩm mới nhất của ông The Weather Makers: The History & Future Impact of Climate Change - (Những Kẻ Tạo Thời Tiết: Lịch Sử và Ảnh Hưởng Tương Lai của Sự Thay Đổi Khí Hậu). Tất cả những cuốn sách của ông đều được độc giả ái mộ và đều nằm trong danh sách các cuốn sách bán chạy nhất trong năm tại nhiều quốc gia khác nhau. Quyển Future Eaters cũng được một số đại học sử dụng như sách giảng dạy, vì nó là quyển sách đầu tiên - và có lẽ duy nhất hiện nay - nói về sự tiến hóa thay đổi của môi sinh ở Úc-Á (Australasian). Cuốn The Weather Makers trong năm 2006 cũng thắng giải NSW Premier's Literary Award.
Ngoài ra, ông cũng là cộng tác viên cho nhiều nhật báo, tạp chí khác nhau, ở ngoại quốc cũng như ở Úc, thí dụ như The New York Review, Times Literary Supplement ở Hoa Kỳ và The Age ở Úc.
Một trong những điểm đặc sắc lý thú về phong thái của GS Flannery trong việc tìm ra các giải pháp cho những vấn nạn về môi sinh là ông luôn tìm được những mối liên hệ giữa các vấn nạn về xã hội, kinh tế và nguồn gốc của những vấn nạn này cùng ảnh hưởng của chúng đến thiên nhiên, đến môi trường sống, đến các vấn nạn môi sinh. Qua việc phổ thông hóa các vấn đề mang nhiều tính khoa học, ông đã giúp cho quảng đại quần chúng có cơ hội tìm hiểu thêm, và qua đó, nâng cao tri thức của họ, về những vấn đề hệ trọng cho tương lai của nước Úc. Chẳng hạn như làm sao duy trì được sự đa dạng đặc thù của sinh vật ở Úc, làm sao để duy trì các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm sao để bảo vệ môi sinh, để ngăn chận việc các loài sinh vật, thảo mộc qúy hiếm khỏi bị tuyệt chủng.... Nếu không có sự năng nổ của ông trong lãngh vực duy trì nguồn sống thì nhiều loại sinh vật đặc thù của Úc, chẳng hạn như loại dơi Bulmer's Fruit Bat, đã bị tuyệt chủng từ lâu.
Giải Người Úc Ưu Tú không phải là giải thưởng đầu tiên mà ông Flannery đã nhận lãnh được. Vào năm 2000, ông được trao tặng huân chương kỷ niệm 100 năm lập quốc (Centenary of Federation) để đánh dấu cho sự phụng sự cho khoa học tại Úc của ông. Năm 2002 ông là nhà bảo vệ môi sinh đầu tiên trong lịch sử được mời đọc diễn văn cho toàn quốc trong ngày Quốc Khánh. Năm 2005, ông được trao tặng danh hiệu Người Úc Nhân Bản Ưu Tú (Australian Humanist of The Year).
Là một nhà trí thức có tri thức, ông không hề ngần ngại thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình, cho dù quan điểm đó có thể không phải là quan điểm được đại đa số chấp nhận trong thời điểm ấy - chẳng hạn như gần đây, ông lên tiếng ủng hộ việc dùng nguyên tử lực để làm nguồn cung cấp điện lực thay thế cho than đá. Ông cũng không ngần ngại lên tiếng chỉ trích chính phủ Howard về những sơ sót, khiếm khuyết, sai quấy trong những chính sách có nhiều ảnh hưởng tai hại đến môi sinh.
GS Tim Flannery quả thật xứng danh là Người Úc Ưu Tú Năm 2007, và là một tấm gương sáng khích lệ những cảm hứng tuyệt vời, những tấm lòng hướng thiện, để mọi người noi theo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.