Hôm nay,  

Về Bến Tự Do Bidong – Galang (phần I)

18/05/200500:00:00(Xem: 5941)
Chuyến đi (17.03 – 25.03.2005)
Lưu Dân, tuần báo DÂN VIỆT (Sydney – Australia)

Trưa thứ Sáu, sắp xếp tạm ổn một số việc riêng, tôi đến ngay điểm hẹn để cùng một số anh chị em khác đến phi trường quốc tế Sydney trên một chuyến xe bus. Không thể nào trễ, không thể nào nhỡ chuyến đi này. Tôi tự dặn hoài như thế. Soát xét “đồ nghề” lại lần cuối, đầy đủ cả. Hay ít ra, tôi tin như thế. Vậy mà, đáng ăn đòn lắm cậu ạ! Một thứ cần thiết nhất lại quên: cục pin phòng hờ cho máy ảnh! Tôi biết mình sẽ phải bấm vài trăm tấm hình trong chuyến đi lịch sử này. Tôi cốc đầu một cái rõ đau, nhưng thôi, không thể quay về nhà được rồi.
Giấc ngủ dài trên chuyến bay hơn 8 tiếng đồng hồ đến phi trường Kuala Lumpur đã giúp tôi “sạc pin” lại đầy đủ sau mấy đêm thức trắng để thu xếp công việc và không cảm thấy rã rời vì jet lag dù nơi đi và đến cách nhau ba múi giờ. Quanh quẩn trong phi trường hơn 2 giờ nữa, đổi một ít tiền ringit để chi tiêu dọc đường, nhóm Sydney chúng tôi mới đáp chuyến bay chuyển tiếp đến Singapore và khi thủ tục check-in nhận phòng khách sạn xong xuôi thì trời cũng vừa... rạng sáng.

Singapore, trạm dừng chân
Dù đã đến nhiều lần nhưng quốc gia bán đảo này luôn mang lại cho tôi những ngạc nhiên thích thú với sự thay đổi liên tục của nó. Lần này cũng vậy, Singapore dường như cao hơn và xinh ra, có lẽ nhờ sự trẻ hóa nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo của đất nước được mô tả như “mini super state” này chăng" Giai đoạn khắc kỷ và hy sinh của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua, một thế hệ mới lên cầm quyền, sinh hoạt chung có phần thoải mái hơn nhưng nền móng vững chắc do những người khai sinh nền độc lập của Singapore bồi đắp đã đủ độ dầy để vươn cao và vươn xa một cách tự tin.
Với dân số 4 triệu người, diện tích lãnh thổ chỉ vỏn vẹn 40km chiều dài và 20km chiều rộng, Singapore là thành phố bán đảo của cao ốc và kỷ luật. Hầu như người ta không thấy một cọng rác nào ngoài đường, những kẻ hành khất cũng hoàn toàn biến dạng, cảnh sát chẳng tìm ra một mống, đường phố và siêu thị lúc nào cũng sáng choang với sắc màu rực rỡ, hàng hóa tràn ngập.
Tôi tẩn mẩn đọc trên một chiếc áo T-shirt bán cho du khách bày trong khung kính khách sạn: “Singapore is a fine country”. Một lối chơi chữ tuyệt diệu, vì nó có thể hiểu theo hai cách: “Singapore là một đất nước tốt đẹp” hoặc “Singapore là một đất nước phạt vạ”. Cả hai đều đúng nhưng có lẽ tác giả của câu này nghiêng về nghĩa thứ nhì, vì bên dưới là những hàng ghi chú: hút thuốc trong khu vực ấm, tiểu tiện trong thang máy, xả rác bừa bãi ngoài đường, không xả nước nhà vệ sinh công cộng, khạc nhổ mẫu kẹo cao su, phung phí nước gia dụng... mỗi thứ phạt S$1,000. Mà ai cũng biết, luật lệ ở Singapore thì gắt lắm, thảo nào...
Dân Singapore làm ăn cật lực nhưng cũng vui chơi hết mình. Với nền kinh tế ổn định và phát triển liên tục nhờ các chính sách khuyến khích mậu dịch và du lịch, Singapore là một trong những “con rồng Á châu” hàng đầu dù nguồn tài nguyên thiên nhiên không có gì đáng kể. Thu nhập bình quân hàng năm tính theo đầu người ở đây vào khoảng USD25,000, hơn hẳn các nước Đông Nam Á lân cận. Gần đây, Chính phủ cho phép mở cửa một số hộp đêm, vũ trường cho giới trẻ có chỗ “xả hơi”, tuy khá trật tự nhưng cũng không tránh khỏi bị lạm dụng trong một số trường hợp.
Đoàn “Về bến Tự do Bidong – Galang 03.2005” lúc đầu gồm 142 người, giờ chót lên gần 150, từ các cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Đan Mạch, Úc), trong đó có 8 vị sư từ VN. Riêng xóm “Miệt Dưới” (Down Under, người Úc vẫn thường tự trào về đất nước của mình như thế) có đến 42 mống, từ các thành phố Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth và Adelaide. Thành phần đông đảo nhất trong đoàn là các tu sĩ Phật giáo (khoảng gần 30 vị) và kế đến là nhóm “đình đám ồn ào” các nhà báo (cũng hơn một tá) - từ báo viết, báo nói đến báo hình của các cơ quan truyền thông Việt và Anh ngữ.
Từ Singapore, đoàn được tách làm hai. Nhóm đầu đi trước đến Merang thuộc Tiểu bang Terengganu của Mã Lai để tham dự lễ cầu nguyện ngoài hải phận quốc tế cho các thuyền nhân bỏ mình trong các chuyến ra đi tìm tự do. Nhóm thứ nhì ở lại Singapore thêm một ngày nữa để chờ đợi một số thành viên từ các nơi khác và có một ngày... shopping. Tôi đã khá quen thuộc với Singapore nên lẹ làng ghi tên vào nhóm đầu, một phần cũng vì muốn tìm lại cảm giác chơi vơi giữa biển. Hai chiếc xe bus đầy nhóc lăn bánh, những câu chuyện vượt biên râm ran, mỗi người một cảnh, ai cũng có câu chuyện riêng của mình về quãng đời đáng nhớ ấy...

Một thoáng Mã Lai
Dù có chung một biên giới đường bộ nhưng cảnh vật giữa Singapore và Mã Lai tương phản khá rõ rệt. Bên này là những xa lộ thẳng tắp, xe cộ dập dìu, tiện nghi sinh hoạt được xếp vào hàng đầu thế giới. Và bên kia, chỉ cách vài cây số từ trạm nhập cảnh, những cánh rừng nhiệt đới ngút mắt, thỉnh thoảng điểm xuyết vài vạt đồn điền cao su và vườn sầu riêng xanh mướt, đất đai chưa khai khẩn hết và mức sống có phần thấp hơn so với nước láng giềng, nơi mới hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn là phần đất cùng một nước.
Với dân số 25 triệu người (trong đó 60% là người Mã, những chủng tộc chính khác gồm người Hoa, Ấn và Shik), Liên bang Mã Lai là một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa, có 13 Tiểu bang, mỗi bang đều có Tiểu vương, 5 năm được bầu chọn một lần từ các nhân vật trong hoàng gia. Khung cảnh chung của đất nước này hiền hòa, khá giống với các vùng nông thôn miền đông nam VN tuy khô hơn. Mật độ cư dân thưa thớt nhưng có nhiều thị trấn rải rác dọc đường, những ngôi nhà ngói đỏ tường vàng nổi bật lên với kiến trúc đặc biệt của nền văn hóa Ấn - Mã. Ảnh hưởng giao dịch từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc được nhìn thấy khá rõ rệt qua các bảng quảng cáo xe hơi, khách sạn, quán ăn McDonald, Kentucky...). Điểm nổi bật khác là rừng cọ dừa bạt ngàn, xe chạy gần nửa ngày trời vẫn chưa hết. Tinh dầu của cọ dừa là một trong những nguồn lợi lớn của Mã lai, chiếm 60% tổng sản lượng thế giới, được sử dụng trong kỹ nghệ và thực phẩm.
Bữa cơm trưa đầu tiên trên đất Mã khiến chúng tôi khá thất vọng, cơm sống và không đủ ăn, dù rằng đã đặt trước và trong nhà hàng lúc đó chúng tôi là những thực khách duy nhất. Ông trưởng đoàn nổi cáu và răn đe sẽ “mét lại” với mấy trự xếp xòng của tiểu bang có trách nhiệm “chăm sóc” chuyến viếng thăm. Nhưng ăn uống là... chuyện nhỏ, chúng tôi chỉ mong chóng đến nơi để phóng xuống biển tắm một phát (tôi ngây thơ tin lời như vậy) và ngắm hoàng hôn xuống đảo Bidong sau quãng đường hơn 8 tiếng đồng hồ “ông-mê” trên xe.
Nỗi mệt nhọc đường xa dường như tiêu tan tức khắc khi đoàn xe dừng lại tại khu tiếp tân khách sạn Sutra Beach Resort, nơi một tấm banner lớn và đẹp được căng lên trước cổng chính với hàng chữ Việt: Hân hoan chào mừng đoàn du khách Việt Nam hải ngoại viếng thăm trại tỵ nạn Bidong ngày 21.3.2005. Lòng chúng tôi chợt ấm lại, những khuôn mặt giãn ra, những lời chào hỏi tíu tít... Chẳng phải “áo gấm về làng” hoặc ông nghè ông tổng gì, nhưng giữa đất lạ quê người này mà được chào hỏi bằng tiếng mẹ đẻ của mình, há chẳng khoái lắm ru!
Lại một màn điểm danh nhận phòng, tiếng loa cầm tay thúc dục cho kịp giờ ăn tối. Bù lại với sự thiệt thòi hồi trưa, buổi ăn tối ở khu resort 5 sao này là “vượt quá tiêu chuẩn Bộ trưởng” (tôi nghe một người ở bàn kế bình phẩm như vậy). Khi tàn bữa, ánh nắng bên ngoài đã tắt hẳn và những ngọn đèn mờ ảo bắt đầu tỏa xuống khu nghỉ mát được xem là sang trọng nhất ở tiểu bang Terengganu này. Bỗng ai đó nhại lại một bài hát như trêu chọc lời hứa sẽ được tắm biển khi đến Sutra Beach:
Thôi rồi còn chi, ôi đôi mông
Hết rồi hoàng hôn trên Bidong
Em ơi, em ơi... đi tắm không"
Bãi biển ngay trước mặt đấy, và xa xa là hình dạng của đảo Bidong lung linh, nhưng chẳng có ai nghĩ đến chuyện bơi lội giờ này. Mọi người đều tranh thủ về phòng sớm, tắm táp một phát rồi ngáo, để mai còn sức lên tàu...

Vớt vong giữa biển
Sáng Chủ nhật 20.03, lác đác một số người dạo biển sớm. Dân thành phố có khác, cứ giày tây và quần dài lang thang trên cát. Đoàn tu sĩ Phật giáo do Hòa thượng Thích Giác Nhiên hướng dẫn đã làm lễ khai kinh trên bờ biển trước khi rời bến ra hải phận quốc tế. Từ một bến tàu nhỏ cách khu nghỉ không xa, hai chiếc tàu cắm những lá cờ của VNCH, Mã Lai và quốc kỳ của những nước định cư phóng nhanh ra biển, xé nước trực chỉ theo hướng đảo Bidong. Gió biển lồng lộng, thổi căng những lá cờ thật đẹp trong một buổi sáng nắng ấm.
Tôi đã tham dự nhiều buổi lễ cầu siêu trong đời, mỗi lần đều có những xúc động riêng, nhưng chưa bao giờ có một cảm giác bềnh bồng và chấn động tận tâm can như lần này. Tiếng chuông mõ rập rềnh trên sóng nước, lời gọi hồn của Hòa thượng Giác Nhiên, bài ai điếu của Hòa thượng Giác Huệ... hòa lẫn giọng tụng niệm của đoàn vớt vong lao xao trong những đợt sóng nhấp nhô không dứt.
“… Cúi xin Tam Bảo từ tôn, đem pháp mầu mật ngôn tiếp độ:
Hết thảy được thọ Vô giá Cam lồ Pháp thực, được nghe Kinh pháp Vãng sinh Tịnh độ!
Cung thỉnh các chúng cô hồn, vong hồn, oan hồn... Nương nơi pháp lực Diện Nhiên Vương Bồ Tát, theo đến pháp đàn nghe kinh thọ thực, thoát khổ luân hồi...
Hỡi ôi, quốc kêu trăng xế tàn canh, máu đào nhuộm đỏ, biển đông ngậm hờn. Giặc cướp biển đuổi theo truy cướp, giết người hãm hiếp máu tràn khắp nơi... Kẻ vùi xác biển khơi, người chôn thây đảo vắng. Hồn oan vất vưởng, vật vờ tháng năm...”
Lời kinh cầu não nề ai oán theo gió đưa rờn rợn, làm nổi gai trên da và trĩu nặng mi mắt. Những cánh hoa tưởng niệm ném xuống mặt biển mênh mông, những chiếc bong bóng màu thả lên bầu trời cao rộng như một biểu tượng siêu thoát. Những giọt nước mắt tiếc thương, những khuôn bồi hồi xúc động. Một vành khăn tang trắng ai đó thả trôi theo lượn sóng tàu... Anh Thành Quang, một đồng nghiệp từ RFA Radio, không ngăn được dòng lệ chảy dài khi nghẹn ngào nhớ lại đứa con trai đầu lòng được thủy táng giữa biển cùng với người dì ruột trong một chuyến vượt biển trước anh, có thể ở một điểm nào đó trong vùng biển này...
Hai chiếc tàu được thả trôi bên nhau, trồi lên hụp xuống theo từng đợt sóng. Nhiều người đã cảm thấy nhộn nhạo, một số nằm bẹp xuống boong tàu nôn thốc tháo nhưng tất cả đều tự giác giữ gìn không khí trang nghiêm của buổi lễ.
Đoàn vớt vong trở về khu nhà nghỉ vào xế chiều sau khi dừng lại thọ trai trên một hòn đảo gần đó. Tuy mệt nhưng dường như ai nấy đều tỏ lộ nét thỏa mãn trên gương mặt vì đã buông xả một món nợ tâm linh đè nén từ bao nhiêu năm qua. Đêm nay, tôi biết họ sẽ ngủ yên. Ngày mai, trại tỵ nạn Bidong trước mặt...

Merang, đêm hoa đăng
Buổi tối, đoàn thứ nhì từ Singapore đến Merang, đa số là các tín đồ Công giáo ở Melbourne do Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng hướng dẫn. Tuy vừa trải qua chặng đường mấy trăm cây số nhưng nỗi háo hức trở về thăm đảo đã xóa tan nét mỏi mệt trên khuôn mặt của mọi người. Hai đoàn nhập lại, tay bắt mặt mừng ơi ới gọi nhau. Ơ kìa, mới xa nhau một ngày mà tưởng như từ tiền kiếp rồi vậy. Những tình thân gắn kết tự nhiên, những nụ cười chia sớt không dè sẻn... Nào nhanh lên chút coi, vào hội trường để “họp cấp tốc” rồi còn dự lễ hoa đăng! Ban tổ chức chỉ còn vài phút dặn dò những điều cần thiết về bảo hiểm tai nạn, cách thức giữ gìn an toàn khi lên đảo, chương trình và địa điểm thăm viếng... Mọi người túa ra, ngắm biển đêm.
Bãi biển Merang im vắng, mát dịu. Một nhóm Phật tử đã chuẩn bị xong lễ đàn thí thực trên bờ. Ba chiếc bài vị được đặt trên cát. Những nén hương được thắp lên và cắm xuống, lung linh suốt một đoạn dài trên bờ biển đối diện đảo Bidong. Những ngọn nến chập chờn trong đêm, những ngọn pháo bông tỏa sáng rực rỡ trên nền trời. Tiếng cầu kinh hòa lẫn trong tiếng sóng biển rì rào gọi hồn những vong linh oan thác...
Cùng lúc ấy, buổi lễ tưởng niệm nhân ngày Chúa nhật Lễ lá (Palm Sunday) cũng được cử hành trang nghiêm trong hội trường với bài giảng về tình yêu thật cảm động do Linh Mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng chủ tế. Những bài kinh tạ ơn, những bản thánh ca như vỗ về an ủi các linh hồn vật vờ đang tìm đến với nhau...
Bỗng dưng, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Cao Tần. Trong giai đoạn “tình thương mệt mỏi” của cộng đồng thế giới về cơn khủng hoảng thuyền nhân vào cuối thập niên 1990 và nỗi bất lực của mình trước thảm cảnh cuối mùa của đồng bào tỵ nạn, ông đã viết những lời da diết:
“Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta ngại gì năm chục ký xương da
Sẽ đốt lửa soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la...”
Tâm tư ấy, đêm nay, trên bờ biển vắng này, những nén hương lòng đang tỏa lên, ngời sáng và ấm áp. Hình ảnh đẹp nhất tôi mang vào giấc ngủ chập chờn là các vị tu sĩ Phật giáo và Công giáo cùng các tín đồ hòa chung lời cầu nguyện...
Ngoài kia, đảo Bidong mờ mờ trong sương đêm. Dường như nó cũng đang chờ đợi giây phút tái ngộ mừng tủi với những dấu chân xưa. “Chỉ còn vài giờ nữa thôi”, anh bạn ngồi bên tôi trên bãi biển, thầm thì nhắn với làn gió khuya, “ta sẽ về thăm em...”

Bidong, màu thời gian
Bốn chiếc xe buýt đầy nhóc rời khu nhà nghỉ đến một bến tàu nhỏ cách đó khoảng 15 phút. Những chiếc lều cạnh cầu tàu bán đồ kỷ niệm cho du khách đã “góp phần giải trí” cho một số người trong đoàn để trôi bớt thời gian chờ đợi nước lên. Các chiếc xà-rông sặc sỡ, những vòng vỏ sò, guốc gỗ... được chiếu cố tận tình. Ai cũng muốn mang về một ít dấu vết của chuyến đi. Anh ơi, cô ơi... Một đô-la Singapore là bao nhiêu đồng ringit vậy" Tiếng Việt xôn xao quanh mình, giữa những người xa lạ. Ồ, có cả trái mận và khế ngọt nữa kìa... Lời chào mời, trả giá, cười nói rộn ràng khơi dậy hình ảnh những khu chợ nhỏ trong vùng ký ức của một thời xưa ở quê nhà.
Tôi theo đoàn truyền thông (Anh, Hoa, Mã và Việt ngữ, khoảng 30 người), đến đảo trước bằng một chiếc “taxi cao tốc”, 30 phút sóng nhồi lộn ruột, sống lại cảm giác đêm chôn dầu vượt biển ra “cá lớn”. Dĩ nhiên, lần này an toàn hơn vì đi giữa ban ngày, áo phao, máy quay phim và có cả hoa tiêu địa phương dẫn đường...
Một toán Mã Lai tiền trạm đã có mặt trên đảo. Họ đã chuẩn bị công tác tiếp đón từ mấy ngày trước. Có thời gian nhiều hơn, tôi nhẩn nha hỏi thăm chuyện Bidong... A. Manap Taib, một cậu bé 9 - 10 tuổi khi bắt đầu nghe nói đến sự hiện diện của những thuyền nhân từ Việt Nam đến đây tỵ nạn và bây giờ là điều hợp viên của dự án bảo tồn di tích Bidong, vui vẻ hướng dẫn chúng tôi thăm đảo. Anh sôi nổi nói về nhiệm vụ của mình và mong ước được sự tiếp tay của cộng đồng người Việt hải ngoại trong việc thu thập tài liệu, hình ảnh, di vật... để tạo thành một khu bảo tồn di tích văn hóa và lịch sử di dân của Mã Lai trên đảo. Taib cho biết dự án này là nhằm xây dựng Bidong, nơi vẫn còn là “đảo cấm” đối với người địa phương, thành một hòn đảo di sản và du lịch, bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Kế hoạch trùng tu và xây dựng viện bảo tàng đã được chính phủ Tiểu bang Terengganu chấp thuận và trong tương lai gần, các cơ sở vật chất sẽ được khởi công.
Những người còn lại trong đoàn phải chờ nước lên mới ra sau. Theo ghi nhận của các ngư dân địa phương, ảnh hưởng của cơn sóng thần tsunami hồi mấy tháng trước đã khiến thủy triều thay đổi rõ rệt. Vì vậy, dự định tách bến của đoàn tàu vào khoảng 9 giờ đã bị chậm lại vì mực nước còn cạn, chưa ra cửa biển được. Mãi đến 1 giờ trưa, đoàn khách mới lên tàu, cũng theo cách chuyển người bằng những chiếc “taxi” nhỏ từng tốp một. Lại một gợi nhớ về cách “đánh” của những chuyến vượt biên gay go thưở nào...
Tiếng lao nhao trên bờ của toán “ủi bãi” đầu tiên vang lên trên bờ biển. “Bidong đây rồi!” Một người nào đó reo lên. Cũng có vài khuôn mặt trầm ngâm hồi tưởng về hoàn cảnh của riêng mình khi đến đảo. Bidong, hòn đảo cách đất liền gần một giờ tàu từng cưu mang hàng trăm ngàn thuyền nhân từ VN trong những giờ phút bi đát nhất trên bước đường đi tìm lẽ sống, sừng sững trước mặt, vẫn hiền hòa và ăm ắp kỷ niệm...
Tàu lớn không thể cập vào bờ được vì đá ngầm và san hô. Chiếc cầu tàu mới được xây dựng mấy tháng trước đó để đón đoàn đã bị sập một góc vì một chiếc tàu đánh cá đụng phải và đã trở thành vô dụng vì nước cạn. Hành khách được đưa vào bờ bằng những chuyến ca-nô nhỏ. Những đôi chân còn mang nguyên giày thể thao nhảy xuống, vội vàng như thể tìm lại người tình cũ.
Đảo Bidong rộng 203 mẫu tây, địa thế cách biệt và hiểm trở (nước xoáy ngầm, cá mập…), không đủ nước uống, phải chở bằng tàu từ Merang. Trên đảo không có người ở ngoài những túp lều lánh bão tạm bợ của ngư dân. Mãi đến 1975 khi các nhóm thuyền nhân đầu tiên được đưa đến đây tạm cư từ những nơi khác, Bidong mới in đậm dấu chân người. Đến tháng 8.1978, nó được chính thức công bố như là trại tạm cư cho các “di dân bất hợp pháp”, danh từ mà chính quyền Mã Lai khi ấy gọi người tỵ nạn từ Việt Nam.
Theo số thống kê còn lưu lại, 289,000 thuyền nhân đã đến đây từ 1975 đến 1989. Khoảng 4,000 trẻ em đã ra đời và gần 3,000 người vĩnh viễn nằm lại trên đảo Bidong. Trong thời gian từ 1978 đến 1990, hơn 235,000 người đã được tiếp nhận tạm cư nơi đây trước khi lên đường định cư ở nước thứ ba. Vào thời kỳ cao điểm đầu thập niên 1980, trên đảo thường xuyên có đến 30,000 người. Người cuối cùng rời đảo vào tháng 9.1990. Từ đó, Bidong lại bị bỏ hoang vì thiếu kinh phí để bảo trì.
Chúng tôi là đoàn chính thức đầu tiên của người Việt hải ngoại trở về Bidong, tuy đã có một đoàn Phật tử đã hành hương từ Melbourne đến đây năm 2003. Những nẽo đường xưa bây giờ cây cối đã lớn, đã thành hàng cổ thụ già, cỏ mọc phủ tràn, nhiều người không nhận ra được chỗ cũ, trừ những tảng đá lớn trên bãi biển và dưới đồi tôn giáo.
Chính quyền địa phương đã chặt cây, mở lối, giăng giây an toàn từ vài ngày trước. Quang cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà long-house mục rã, nguy hiểm khi bước vào. Các khu A và khu B tiêu điều đổ nát. Bãi biển khu C nước vẫn trong xanh một màu muôn thưở nhưng vắng hẳn những sinh hoạt náo nhiệt ngày xưa. Hình ảnh một Bidong đầy ắp kỷ niệm trong ký ức của những người trở về đã bị xóa tan đột ngột, phũ phàng. Dù vậy, những khu văn phòng Cao ủy, nhà ở của các phái đoàn phỏng vấn định cư, trường học, đồi tôn giáo... tương đối còn nhận diện được dáng hình tuy cũng đã rệu rã, hoang phế.

Con tàu, pho tượng và chiếc dép
Nhờ đến trước, tôi đã có thời gian đi tìm một số di vật – trong nhà thờ, chùa, trung tâm sinh hoạt phụ nữ, nghĩa trang, trên bãi biển… và ghi nhận những dấu vết một thời.


Ngoài chiếc cầu tàu chỉ còn trơ trọi những trụ bê-tông bị nước mặn ăn mòn gần hết, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt những người về thăm đảo là chiếc tàu sắt nằm ngay trên bờ. Phần đuôi của nó quay ra biển và chiếc mũi hướng vào lối đi dẫn đến khu tạm cư chính của người tỵ nạn. Giữa thân của nó bây giờ là một con đường đất được bồi đắp qua nhiều năm thủy triều...
Ít nhất, tôi được nghe năm câu chuyện khác nhau về chiếc tàu sắt này. Có chuyện kể rằng nó là một chiếc tàu hải quân VC bị cướp, đi từ Hải Phòng, bị sóng lớn đánh lật khi gần cập bến. Khoảng 1,500 người đã chết, xác tàu được kéo ra biển ba lần nhưng đều tấp lại vào đảo. Lần cuối cùng người ta để đó luôn. Chuyện khác kể rằng chiếc tàu đó đi từ Sông Bé trong đợt bán chính thức, 400 người chết vì súng nổ, nhiều người sống sót đã trở thành điên loạn vì chứng kiến những cảnh tượng quá hãi hùng.
Nhưng có lẽ câu chuyện khả tín hơn cả là từ anh Trần Thành Đông, trưởng ban tổ chức chuyến đi và là một người đến đảo trong thời gian sau đó. Anh từng hỏi chuyện trực tiếp với tài công của chiếc tàu này (hiện sống ở Melbourne) và được xác nhận rằng đó chỉ là những mẫu chuyện thêu dệt quanh một chuyến vượt biển quy mô đầu tiên đến đảo. Thực sự đó là một chiếc tàu khởi hành từ Trà Vinh (số tàu TV-148), ra đi trong đợt “bán chính thức” năm 1978, cũng có một ít người chết nhưng không phải là những con số kinh hoàng như trên. Mỗi chuyện một khác, nhưng xin ghi lại nơi đây về chiếc tàu huyền thoại đó.
Một người trong nhóm tiếp đón đã chỉ cho tôi những chai nước mắm và một ít dụng cụ nấu nướng còn nguyên vẹn trong nhà kho supply của trại, dù giấy nhãn đã tróc trôi hết sau hơn hai thập niên. Bồn chứa nước ngọt trên đỉnh đồi tôn giáo vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng cũng hằn dấu thời gian.
Pho tượng người đàn ông và một em bé chênh vênh trên mũi đảo vẫn còn đứng phăng phắc như thách thức gió biển và mưa rừng. Tôi nghe kể lại câu chuyện thương tâm về pho tượng này mà không cầm được nước mắt... Một chiếc ghe vượt biên bị chìm vì đá ngầm khi gần cập bờ đảo khoảng trăm mét. Mấy chục thuyền nhân nhảy ùn xuống biển, cố sức bơi vào bờ giữa những cơn sóng dữ dội phũ phàng. Nhiều người đuối sức, buông trôi theo dòng nước xoáy. Một chiếc đầu bé con nhấp nhô ngụp lặn trong tuyệt vọng. Từ trong bờ, một người đàn ông tóc đã điểm sương vội vàng cởi phăng áo, phóng ào ra những đợt sóng cuồng nộ. Ông không thể khoanh tay chứng kiến một thảm kịch con người đang diễn ra trước mắt, tuy biết điều đó hết sức nguy hiểm. Ông vói tay níu được đứa bé, kẹp nó vào nách và vội vàng quay trở vào bờ. Nhưng...
Sáng hôm sau, thi hài của hai người, một già một trẻ, trôi tấp vào bãi. Đứa bé vẫn còn ôm chặt vào lưng ông. Người ta không thể gỡ nó ra được và đã chôn hai xác ấy trong cùng một huyệt mộ. Bây giờ, hai ông cháu xa lạ đó vẫn còn ôm nhau, đứng nghìn năm trên hòn đảo vắng như một chứng tích bi tráng của cuộc vượt biên vĩ đại.
Trong một căn long house đổ nát dưới lớp sàn gỗ mục rã, tôi nhặt được một chiếc dép làm bằng nhựa tái sinh, trên quai còn nhận ra hàng chữ USSR (sản xuất tại Liên Xô) của một bé gái khoảng 1 – 2 tuổi. Bây giờ hẳn em đã 20 - 25 tuổi, không biết trôi giạt phương nào nhưng chắc chắn đã may mắn đến được bến bờ tự do. Hốt nhiên, tôi bỗng “ngộ” ra một điều về lẽ sinh diệt trong cuộc đời. Có gì hùng mạnh hơn một chế độ từng cai trị nửa quả địa cầu" Có gì mong manh bằng chiếc dép mong manh của một đứa bé" Vậy mà, hẳn em cũng đã biết, chế độ cộng sản một thời gầm thét ra lửa đạn đó và từng nhúng tay vào tội ác trên đất nước mình bây giờ đã sụp đổ rồi, nhưng có thể em không biết chiếc dép mỏng manh của ngày xưa bé dại vẫn còn đây… Ước gì tôi có phép mầu để gửi đến em quà tặng này. Tôi mường tượng khuôn mặt mừng rỡ của em khi tìm thấy lại một khoảng đời mình...

Chùa và nhà thờ
Lên đồi tôn giáo, cảnh vật càng thê lương hơn. Những tấm bia tạ ơn đã phôi pha nét sơn, dãi dầu sương gió. Nhiều người đã bật khóc nức nở khi nhìn thấy những bức tượng của Đức Thế Tôn, Phật bà Quan Âm và Phật Di Lặc bị đập phá trong chùa Từ Bi. Tôi nghe kể về những kẻ không còn thiên lương đã làm những việc mất hết nhân tính ấy nhưng chẳng muốn viết ra đây làm gì thêm đau lòng. Hành động ấy, dù với lý do gì và nhân danh quyền lực nào, không khỏi khiến người ta nhớ lại những pho tượng ngàn năm trong lòng vách núi ở Afghanistan bị chế độ Taliban hủy hoại. Tôi buồn bã thu nhặt những mãnh vỡ của các thánh tượng như những viên ngọc xá lợi vô giá...
Tượng Chúa Jesus và ngôi giáo đường Công giáo cũng hoang phế, điêu tàn. Lớp bụi thời gian đóng dầy trên bệ thánh, đây đó còn dấu phóng uế của những kẻ khinh mạn niềm tin thiêng liêng của đồng loại. Phòng sinh hoạt thanh niên phía sau nhà thờ chỉ còn trơ nền, vài cây cột chơ vơ chĩa lên không gian như những đứa trẻ mồ côi mỏi mòn ngóng đợi. Dù thời gian thăm đảo rất ngắn ngủi nhưng một số tín hữu đã bắt tay ngay vào việc quét dọn lại nhà nguyện, cắm hoa trên bục giảng, chùa rửa các tấm bia tạ ơn... Buổi cầu nguyện đơn sơ được thực hiện dưới mái nhà thờ loang lỗ nắng, những bài kinh tạ ơn và cầu nguyện Mẹ Maria thương xót và cứu rỗi cho những linh hồn.
Trong bài giảng xúc động dưới mái tôn mục nát tưởng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, LM Nguyễn Hữu Quảng đã mang lại niềm an ủi cho mọi người dự lễ: “Bidong là vùng đất thánh, là báu vật tinh thần, linh địa của người Việt hải ngoại, được xây dựng bằng nỗi oan khiên và xương máu của dân tộc. Khung cảnh hoang phế và dấu ấn thời gian không xóa được tâm cảnh trong mỗi con người, nhất là những người đã một lần đến đây...”
Trong đoàn có ba nữ tu Úc (Joan Campbell, Carole McDonald và Maureen Lohrey) từng dạy học và làm công tác xã hội thiện nguyện trên đảo Bidong trong thời gian cuối cùng trước khi trại đóng cửa. Họ cũng đã trở về thăm lại chốn cũ và sống lại những hồi tưởng tuyệt diệu về thời gian trên đảo. Dì phước Lohrey, hiệu trưởng cuối cùng của trường Junior High School, thổn thức: “Tôi đang sống lại 15 năm trước... Tôi rơi nước mắt khi nhìn lại ngôi trường thân yêu bây giờ im lìm đổ nát. Bidong là đất của Chúa và người tỵ nạn Việt Nam là con của Chúa. Chính bản thân Chúa cũng là một người tỵ nạn. Tôi trân trọng chia xẻ tình cảm và cám ơn các bạn...”
Một nữ giáo viên Thụy Điển, bà Brigitta Lilian, người từng làm việc trên đảo từ 1985 đến 1986, cũng muốn trở lại để thăm cảnh vật và gặp lại người Việt, xem họ đã sống như thế nào. Bà tỏ ý rất mến phục người Việt về lòng nhân hậu và ý chí vươn lên trong nghịch cảnh: “Người Việt Nam là một tấm gương của sự thủy chung và lòng độ lượng. Tôi mừng lắm khi thấy các bạn đã thành công ở những nước định cư...”
Cũng trong tâm tình đó, Thượng tọa Thích Quảng Ba (Tu viện Vạn Hạnh – Canberra) trở về Bidong vào đúng dịp kỷ niệm 22 năm đặt chân lên hòn đảo này. Thầy đã trở lại Bidong vài lần trong các công tác cứu trợ những người còn kẹt lại nhưng lần này mang ý nghĩa đặc biệt: ngày đánh dấu 30 năm đàn con dân tộc dắt díu ra đi tìm lẽ sống trong tự do và nhân phẩm. Thượng tọa Quảng Ba nói: “Cuối cùng, chỉ có tình yêu là còn lại.”

Những nghĩa trang buồn
Nghĩa trang nào mà chẳng buồn, nhất là “rải rác biên cương mồ viễn xứ...” (thơ Quang Dũng). Dù khung cảnh và thời gian của bài thơ có khác nhưng có ai không chạnh lòng khi nhìn thấy những nấm mồ viễn xứ cô đơn, điêu tàn, sụp lỡ của những người đã đến được bến bờ tự do nhưng không đi trọn đoạn chót của cuộc hành trình. Trên triền đồi của khu F nhìn xuống biển, những người không cùng tôn giáo, đến từ những địa danh khác nhau, bây giờ nằm bên cạnh nhau nghe tiếng sóng biển rạo rạt vỗ ngàn năm.
Tiếng khóc đứt ruột của một người đàn bà từ Úc vọng lên từ bãi tha ma thê lương càng làm không khí khô khốc của buổi trưa nhiệt đới thêm não nuột. Bà nhớ đến đứa con trai 4 tuổi bị thủy táng trong chuyến vượt biển hãi hùng 17 năm trước. Cháu từ trần chỉ sau hai ngày ra biển vì một cơn sốt cao. Bà muốn đem con vào bờ chôn cất nhưng không hiểu sao ghe không thể tiếp tục chạy được. Người tài công năn nỉ để lại xác em giữa biển... Ghe lại nổ máy và nửa ngày sau cặp bến Mã Lai. Nỗi buồn ray rứt đó đã chập chờn trong giấc ngủ đầy ác mộng của bà từ ấy đến nay. Chuyến về thăm đảo này là lời nguyện của bà mẹ mất con vì mệnh nước.

Tưởng niệm và tiếp tân
Lễ khánh thành đài tưởng niệm (bên hông nhà thờ, trên đồi tôn giáo) do chính quyền địa phương xây đựng với ngân quỹ yễm trợ của các cộng đồng người Việt hải ngoại được cử hành trong không khí trang trọng và ý nghĩa. Nắng nóng như nung nhưng mọi người đều ý thức giữ trật tự. Đại diện của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) và các giới chức cao cấp chính quyền tiểu bang Trengganu đã tham dự cùng ban tổ chức và các thành viên trong đoàn. Một nghi thức cầu nguyện liên tôn do Hòa thượng Giác Nhiên và Linh mục Nguyễn Hữu Quảng chủ trì đã diễn ra ngắn gọn và cảm động. Những tấm biểu ngữ tri ân các quốc gia định cư, các cơ quan nhân đạo quốc tế và hàng ngàn người thiện nguyện đã biểu lộ tâm tình của đoàn. Và tiếng hát Việt Nam - Việt Nam từ hàng trăm người hiện diện cất cao trên đỉnh đồi như đã xua tan nỗi ưu phiền quá khứ và xác định một niềm tin vào tương lai tươi đẹp của dân tộc.
Đoàn truyền thông Mã Lai, trong đó có các đài truyền thanh và báo chí tiểu bang Terengganu và đài truyền hình quốc gia, cũng có mặt suốt chặng đường đi. Tin tức về chuyến trở về thăm đảo của phái đoàn người Việt hải ngoại được phổ biến rộng rãi trong nhiều ngày, không những chỉ ở Mã Lai mà còn trên nhiều nước khác.
Trở về khu nhà nghỉ Merang vào buổi chiều, đoàn thăm viếng đã được Chính phủ Tiểu bang Terengganu khoản đãi một dạ tiệc long trọng. Khung cảnh thân mật với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của các ca sĩ và vũ đoàn Mã Lai nổi tiếng cùng các màn trình diễn tài tử do một số thành viên trong đoàn đóng góp đã làm nguôi ngoai phần nào mối hoài cảm về Bidong.
Ông Dato H. Mohamad A. Tera, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kỹ nghệ – Du lịch và Du lịch – Thanh niên của Trengganu cùng nhiều quan chức cao cấp của chính quyền tiểu bang bày tỏ ước ao của họ về sự góp sức của người Việt hải ngoại trong dự án sắp tới. Ông cho biết sắc luật của Thủ hiến Tiểu bang Terengganu về việc thành lập Bidong như là một “Hải đảo Di sản và Sinh thái” đã được công bố vào tháng 9.2004 với mục đích biến hải đảo này thành một di tích văn hóa và lịch sử của thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam. Một “Quỹ di sản Bidong” đã được thiết lập và do Chính phủ Trengganu quản trị. Ông kêu gọi mỗi người tỵ nạn Việt Nam – đặc biệt là các cựu thuyền nhân đến Bidong – trở thành những đại sứ cho dự án, quảng bá kế hoạch biến cải hòn đảo này thành một trung tâm văn hóa và lịch sử.
Buổi tiệc kéo dài đến nửa đêm và hôm sau, trên đường về lại Singapore qua ngã thành phố Melaka, chúng tôi đã gặp...

Thánh sống giữa đời
Bạn có thể cho tôi là người quá lời, thậm chí là ngoa ngôn, khi nói về nhân vật đặc biệt này. Nhưng, nếu có thể nói lại, tôi sẽ không ngần ngại để viết một lời trân trọng và tri ân đúng nghĩa hơn về ông Alcoh Wong Yahow như là một bồ tát tại thế.
Tuy không cùng chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và không một liên hệ xa gần nào với những thuyền nhân tỵ nạn từ VN nhưng trong suốt gần 30 năm qua ông Wong đã bỏ công, bỏ của – và thậm chí nhiều lúc còn bỏ cả công ăn việc làm – để thu nhận di hài và cải táng những nạn nhân vô thừa nhận hoặc không có bà con thân thuộc trên đảo. Không những thế, mỗi lần nghe tin một chiếc ghe có người chết trôi giạt vào bến bờ nào trên đất liền, ông không quản ngại tìm đến, đứng ra nhận lãnh và mai táng cho những kẻ xấu số. Đôi khi, ông còn giành giật với các bệnh viện để nhận thi hài những nạn nhân vô thừa nhận từ nhà xác để tìm nơi an nghỉ ngàn thu cho họ. Ông chạy vạy nơi này nơi khác, để xin tiền xây mộ, để hương khói giỗ chạp cho ấm lòng những oan hồn uổng tử suốt hơn một phần tư thế kỷ như vậy, trong âm thầm nhẫn nại, không một mong đợi được đền ơn...
Chúng tôi gặp ông trong suốt chuyến viếng thăm Bidong nhưng chưa ai biết về những việc ông làm. Ông chỉ xuất hiện quẩn quanh phái đoàn, như một người địa phương bình thường – hoặc như là một kẻ hiếu kỳ nhìn ngắm đoàn người “áo gấm về làng” giữa những buổi tiếp đón long trọng và tươm tất – với đôi mắt lúc nào cũng rươm rướm cảm động. Lưng áo đẫm mồ hôi, bước chân đã có phần siêu vẹo vì tuổi đời trên 60 mà nụ cười hiền như bụt.
Buổi sáng ngày thứ 5 trong chuyến đi (thứ Ba 22.03), khi đoàn xe chúng tôi dừng lại tại Nghĩa trang Jalan Pusara thuộc Kuala Trengganu, nơi đầu tiên trong số 4 nghĩa trang mà đoàn dự định viếng thăm, ông mới được chính thức giới thiệu như một đại ân nhân của người tỵ nạn Việt Nam đến Mã Lai, dù ông khiêm tốn không nhận lãnh lời ghi ơn chính đáng ấy. Dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè nhiệt đới trong khu nghĩa trang vắng vẻ đó, khung cảnh trong mắt mọi người như nhòe đi vì sự xúc động tận cùng khi nghe ông kể về những trường hợp mai táng các nạn nhân vượt biển, nhất là những ngôi mộ tập thể mà tên tuổi của người chết không còn được ghi lại ngoài số tàu và ngày tháng chôn cất.
Ước nguyện của ông Wong, trước mắt và lâu dài, là một buổi tảo mộ cầu siêu cho những thuyền nhân VN nằm lại trên đất nước Mã Lai này nhân ngày lễ Thanh minh sắp đến (lúc ấy chỉ còn 3 ngày nữa), trùng tu những mộ phần hư hại và những tấm bia mộ được viết lại bằng tiếng Việt cho ấm áp vong linh người quá vãng. Từ nhiều năm qua, những nấm mồ cô đơn ấy đã trải qua bao mùa Thanh minh lạnh lẽo, những mộ chí viết bằng tiếng Mã, tiếng Hoa, tiếng Anh tróc hết nước sơn và phai mờ nét khắc... Nhiều nơi, chỉ là một gò đất bên đường, không một dấu tích nào để nhận diện. Ông giới thiệu vài người thiện nguyện cùng góp sức với ông trong công việc nhân đạo âm thầm này và hướng dẫn chúng tôi đến tận nơi những ngôi mộ cá nhân và tập thể tại các nghĩa trang.
Với giọng ràn rụa xúc động như nói về chính những người thân trong gia đình mình, ông Wong kể: “Đây là ngôi mộ chung của 137 người được an táng ngày 23.11.1978 khi một chiếc ghe bị chìm, được dân chúng địa phương vớt xác và sau đó quyên góp lập mộ. Vì chỉ xin được một miếng đất nhỏ, chúng tôi phải chôn ba lớp xác chồng chất lên nhau, không phân biệt già trẻ, nam nữ... Và kia, ngôi mộ tập thể thứ nhì chôn 53 người của chiếc ghe MH-3012VN trôi vào bờ ngày 30.04.1979. Họ cũng mang số phận nghiệt ngã: an táng trong huyệt mộ chung... Rải rác quanh đây, các ngôi mộ khác chôn 33, 19, 12, 8 người... có nơi cô quạnh riêng lẻ có nơi quần tụ một góc, hương khói đìu hiu, oan hồn thấp thoáng...”
Tại một khu nghĩa trang Phúc Kiến của người Hoa khác trong vùng, ông Wong hướng dẫn chúng tôi đến hai ngôi mộ tập thể nữa. Ngôi đầu, 40 người chết, được một hội từ thiện người Hoa chôn cất. Ngôi sau, 20 người bị người Hồi giáo giết chết khi chiếc ghe của họ vừa đổ bộ lên bờ và được một đồng đạo của họ ở địa phương lặng lẽ gom nhặt thi hài và chôn cất. Ngôi mộ không còn vết tích, bia mộ bị hủy hoại, chỉ còn một mô đất nhỏ bên cạnh vài gốc cây bị đốt cháy và bật rễ. Người đồng đạo can đảm và có lòng từ tâm ấy bây giờ cũng không còn nữa mà kể cho chúng tôi về thảm kịch bi thương đó.
Tiếng chuông mõ cầu siêu râm ran trong nắng trộn lẫn với những bản thánh ca tạ ơn do các vị tu sĩ Phật giáo và Công giáo, những nén nhang nghi ngút lòng thành hòa quyện vào những bình nước tưới lên phần mộ cho mát giấc ngàn thu của những người bất hạnh đã phần nào nguôi ngoai những dồn nén xúc cảm của mọi người trong chuyến đi. Tôi chắc rằng, trong giây phút đó, những bon chen tất bật trong đời thường của mỗi một người chứng kiến đã nhường chỗ cho sự lắng tâm suy niệm về lẽ vô thường của kiếp người. Mọi thứ đều trở nên nhỏ nhặt trong tình nhân loại mênh mông, nghĩa đồng bào sâu thẳm hướng về những người nằm lại nửa chặng của đoạn “đường đi không đến”.
Một cuộc lạc quyên tự nguyện tại chỗ được thực hiện, những chiếc mũ được chuyền tay nhau trong nỗi nghẹn ngào xúc động. Từng động tác mở túi, bỏ tiền vào mũ được thực hiện một cách im lặng và trân trọng như có lỗi với chính sự thờ ơ của mình từ bấy lâu nay. Không ai bảo ai, mỗi người trong đoàn thành tâm đóng góp phần mình để chia xẻ nỗi oan khiên chập chùng của những thuyền nhân bạc số. Chưa chắc một người trong chúng tôi có thể làm được những gì ông Wong và những người hằng tâm ở địa phương đã làm, không chắc chúng tôi chu toàn được một phần tấm lòng nhân ái bao la như trời biển họ.
Trong loáng nắng của buổi sáng ở nghĩa trang Jalan Pusara hôm ấy, tôi đã nghe, đã thấy những lời xin lỗi, những lời tạ ơn cho nhau, cho những đất nước tiếp nhận tạm dung và định cư của mình. Mắt ai cũng ràn rụa, lời ai cũng bùi ngùi, lòng ai cũng được an ủi – phần người chết được nhẹ nhàng, phần người sống được thanh thản...
Bỗng nhiên, tôi chợt chứng nghiệm một hiện tượng lạ chấn động toàn thân. Tôi dụi mắt, định thần nhưng hình ảnh rực rỡ của Đức Như Lai và Chúa Jesus chợt hiện chợt ẩn phía sau một dãy mộ bia đổ nát. Chắc mình bị choáng đầu rồi, ra nắng mà không đội mũ tôi vẫn thường bị như thế. Tôi chập choạng bước lùi khỏi đoàn, định tìm một bóng mát. Nhưng không, một bóng người nhấp nhô, cắm cúi nhổ mấy cọng cỏ và cặm một nén nhang: ông Wong! Tôi lại dụi mắt, không phải choáng đầu đâu. Rõ ràng hình ảnh của Đức Phật và Đức Chúa kia mà!
Ông Wong và những ân nhân ẩn danh kính mến, xin nhận của chúng tôi một lạy tạ ơn... Dù biết không một lời nào nói cho hết được ân nghĩa sâu thẳm đó nhưng xin ông và những người cộng tác nhận nơi đây lòng tri ân chân thành của chúng tôi, một đoàn lưu dân vì hoàn cảnh quốc nạn dù đã mất mát những phần đời đậm đà tình quê nghĩa nước nhưng vẫn còn duy trì được lòng tin để sống trong cảnh tha hương nhờ những việc làm đầy ắp tình người như vậy.
(Xin ghi lại đây địa chỉ liên lạc của ông Alcoh Wong Yahow, điện thoại: 609 622 5028 hoặc 609 623 9311, email: acohwong@yahoo.com hoặc alcoh@e-terengganu.com cho những cơ duyên hằng tâm đóng góp vào việc trùng tu những ngôi mộ thuyền nhân Việt Nam trên đất Mã Lai).
Rời các khu nghĩa trang ở Trengganu, với hình ảnh của những ngôi mộ tập thể còn lung linh và âm thanh của tiếng kinh cầu vẫn vang vọng trong đầu, tôi để mặc cho giòng nước mắt chảy dài từ trái tim tưởng chừng đã khô cạn của mình. Ngăn giữ làm gì nữa. Khuôn mặt cuộc-đời-thây-kệ-nó đã rơi xuống, vỡ toang. Tôi đang trở về, tôi đang hạnh phúc đây mà! Bỗng thấy thấm thía vô cùng những câu cuối trong bài “Ta về” của nhà thơ Tô Thùy Yên:
“... Ta về, như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Một chén rượu nồng xin rót xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.”

KỲ TỚI: “Galang, một ngày sống lại.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.