Hôm nay,  

Cpc Hay Không Cpc

22/11/201000:00:00(Xem: 5893)

CPC Hay Không CPC

Vi Anh
Bộ Ngoại Giao Mỹ đã tổ chức họp báo vào lúc 2 giờ chiều thứ Tư 17-11 tại Washington DC. để công bố phúc trình thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Qua bản phúc trình này, trong hiện tình Mỹ dồn dập phát triển mối tương quan kinh tế, an ninh với CS Hà nội -  việc Bộ Ngoại Giao Mỹ đặt CS Hà nội trở lại qui chế CPC (nước cần phải quan tâm đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo) có vẻ khó có thể xảy ra.
Một, qua bản phúc trình. Bản phúc trình phần chánh VN  nói mặt tích cực, có tiến bộ về tự do tôn giáo và tự do hành đạo. Như “Chính quyền Việt Nam tiếp tục thi hành sắc lệnh về tôn giáo và tín ngưỡng năm 2004 và các nghị quyết bổ sung năm 2005. Mặt tích cực, chính quyền đã tạo dễ dàng cho việc xây dựng nhiều nhà thờ, nhà nguyện, chùa chiền, tu viện, học viện cho hằng ngàn chủng sinh, tu sinh, học tăng.  Nhiều giáo đoàn được phép hoạt động, hai giáo hội Tin lành toàn quốc được công nhận. Sinh hoạt tôn giáo được tăng tiến hơn, tín đồ được tụ họp đông đảo ở một số nơi. Đặc biệt, các tôn giáo tổ chức nhiều lễ hội lịch sử quy mô lớn trên khắp nước, với hơn 100 ngàn người tham dự.” (tin RFA)
Còn phần phụ mới nói  tiêu cực khiến Mỹ quan ngại nhưng cho đó là do địa phương, tỉnh, quận làng xã. Như vụ công  an và xã hội đen tấn công vào Phật giáo Làng Mai tại Bát Nhã,  vụ phá hủy Thánh giá tại Đồng Chiêm, vụ trấn áp giáo dân Cồn Dầu phải vượt biên tỵ nạn CS, vụ một số giáo hội Tin lành vùng Tây Bắc bị ngăn trở trong việc “đăng ký”. Nhiều tôn giáo bị chèn ép như Cao Đài và Hòa Hảo, tín đồ bị trù dập vì không theo gíao hội do nhà nước dàn dựng chỉ huy và vụ GHPGVNTN bi sách nhiễu và ngăn cấm. (Tin RFA và VOA) 
Nhưng những “tồn tại” bản phúc trình tỏ ra quan ngại đó thì Bộ ngoại Giao Mỹ lại cho là do một số viên chức địa phương. Nghĩa là không do lỗi của chánh phủ trung ương, của Đảng Nhà Nước CS Hà nội. Nói thế có nghĩa không đủ lý do và yếu tố cấu thành sai phạm để đặt chế độ CS Hà nội vào CPC.
Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã nhiều lần khuyến nghị chính quyền Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần được quan tâm về tự do tôn giáo CPC, nhưng không được bộ Ngoại giao Mỹ đáp ứng. Trong cuộc họp báo công bố này, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Posner trả lới về đề nghị của  Ủy ban này, Bộ ngoại giao sẽ nghiên cứu và quyết định trong mấy tháng tới.  Ông tiết lộ tháng 12 tới đây ông sẽ sang Việt Nam để tái tục cuộc đối thoại song phương về nhân quyền đã diễn ra hồi tháng 10, và vấn đề liên quan đến danh sách CPC có thể được đề cập tới.
Và với hiện tình siết chặt bang giao, giao thương, an ninh vùng của Hà nội và Washimgton người ta có đủ lý do nghĩ sau cuộc họp đó với Hà nội,  yêu cầu đưa CS Hà nội lại CPC sẽ trở thành vấn đề “ngâm cứu”, tức không thuận, không bác, mà gác lại một bên chờ để không mất lòng phe đòi cũng như phe chống.


Hai, xét qua tình hình siết chặt bang giao Washington Hà nội. Bang giao  và giao thương này càng lúc càng phát triển, đã lan sang lãnh vực an ninh. Về kinh tế theo Bà Ngoại Trưởng Mỹ, “Rõ ràng mức độ hợp tác giữa hai nước đã đạt đến mức mà chỉ vài năm trước đó ít ai có thể tưởng tượng nổi. Trong trao đổi thương mại, hai nước đã đạt được những tiến bộ lớn. Cách đây 15 năm trao đổi thương mại song phương đạt khoảng 415 triệu đôla, năm ngoái con số này đã tăng lên đến 15 tỉ đôla. Tôi vừa trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về cách thức mở rộng các mối quan hệ thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP (Trans Pacific Partnership).
Về an ninh, qua những biến chuyển ngoại giao dồn dập, bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tổng thống Mỹ đi Đông Nam Á như con thoi và các hải hạm của Mỹ đi vào Biển Đông cùng với  việc CS Hà nội lại mở cửa Quân Cảng Cam Ranh cho các nước,  tức mặc thị chánh yếu cho Mỹ là chánh thì đã thấy rõ Mỹ muốn dùng Việt Nam làm tiền đồn chống TC lần hai sau khi rút khỏi VN Cộng hoà thời Chiến tranh Lạnh.
Ba và sau cùng, với người Việt hải ngoại nhứt là người Mỹ gốc Việt đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Tình hình mới đòi hỏi chiền thuật mới. Chiến lược không đổi nhưng chiến thuật phải thay đổi cho phù hợp. Phải quốc tế vận như thế nào đối với Mỹ “cực kỳ” thực dụng – là vấn đề người Việt đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN không thể không suy nghĩ và tương kế tựu kế đối phó. Trên bàn cờ dịa lý chánh trị Biển Đông và Asean của nhà cầm quyền trong đó có CS Hà nội, ngươi dân Việt đa số không có tiếng nói, nhân quyền VN là vần đề bị tránh né. Ngay trong xã hội Mỹ, thiểu số vẫn còn đi đôi với thiệt thòi. Trên chính trường thế giới, nhược tiểu cũng thế đi đôi với thiệt hại. Nỗi buồn thiểu số, nỗi buồn nhược tiểu, nỗi khổ thiệt thòi. Nếu ngồi đó mà  than khóc chờ đèn đỏ hay xanh của cường quốc là tưự hại mình. Thà dùng con đôm đốm  còn hơn ngồi đó  than khóc không có ngọn đèn. Biến đau thương thiểu số nhược tiểu,  thiệt thòi thiệt hại thành hành động phát huy nội lực dân tộc là phá vòng vây oan nghiệt ấy, là tìm sự sống trong cái chết, biền cái nhục thành cái vinh. Biển Đông là giang sơn gấm vóc của VN, một phần hồn thiêng sông núi VN, không thể là bàn đạp cho Nga, Tàu, Mỹ nào cả. Lịch sử Việt Nam đã từng chứng minh  khi bảo vệ Tổ Quốc, quốc gia dân tộc VN là Phù Đổng Thiên Vương. Nhỏ mà “chì” khi quốc gia lâm nguy, quân dân VN đánh đuổi quân Tàu qua ba lần Bắc Thuộc, đánh đuổi ra khỏi bờ cõi VN, quân xâm lược  Nguyên Mông  khét tiếng gió ngựa truy phong dày xéo từ Nga tới Nam Âu châu.  Đó là nhờ nội lực dân tộc VN, chớ đâu có ngoại bang nào giúp. Có nội lực dân tộc, đừng lo ngoại bang nào xen vào lật úp lật ngửa chánh quyền, chớ đừng nói giải quyết  giang sơn gấm vóc VN trên đầu trên cổ chúng ta người Việt../. ( Vi Anh)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.