Hôm nay,  

Từ Tâm Vô Lượng

03/02/200500:00:00(Xem: 5323)
Sau nạn sóng thần khiến hàng trăm ngàn người chết thảm, tôi siêng “lên lưới” hơn để cập nhật tin tức khắp nơi, đóng góp những gì hạn hữu mình có thể làm được. Nhưng đã lên lưới thì sẽ phải đọc đủ mọi loại tin mà hàng đầu thường là những tin không vui, như tin về Iraq chẳng hạn. Chiến tranh ở đó cho thấy bom đạn mịt mù hơn, người chết nhiều hơn, thị trấn nơi nơi hoang tàn đổ nát hơn! Việc của Trời thì thiên tai cứ giáng; việc của Người thì nhân tai cứ tạo! Cả thế giới đổ xô đi cứu thiên tai nhưng đại đa số quốc gia trên thế giới cũng đang cùng hợp lực nhau tạo…. nhân tai. Những người chết vì thiên tai thì được thương xót đồng đều, người chết vì nhân tai, nếu là “phe ta” thì được tuyên dương, còn “phe chúng” thì bị rủa là đáng đời! Nhưng tất cả những người chết đó, sẽ đều vui mừng gặp nhau ở một điểm: “Khỏi phải làm người nữa”.
Có lẽ chỉ Đức Phật mới có thể mở từ tâm vô lượng, cứu độ hết thảy chúng sanh, không phân biệt mầu da, chủng tộc, Âu Á gì. Đức Phật xót thương nhân loại bằng sự bình đẳng tuyệt đối. Ngài độ cho vua chúa, vương phi thế nào thì cũng độ cho người gánh phân, trẻ mục đồng như thế. Ngài thương thái tử hiền hòa Jivaka thế nào thì cũng thương tên sát nhân hung bạo Angulimala như thế. Chỉ khác, khi bầy tỏ lòng thương Angulimala, ngài đã đồng thời giao Angulimala cho đại đức Sariputta, ráo riết chỉ dạy con đường giác ngộ để chẳng bao lâu, tên sát nhân khét tiếng đã trở thành khất sĩ Ahimsaka trong tăng đoàn của Đức Phật, được đồng môn hết lòng thương mến vì khất sĩ Ahimsaka luôn thể hiện lục độ Ba La Mật trong đời sống tu học hàng ngày.
Từ tâm vô lượng như Đức Phật, nay thấy được là bao!
Chẳng phải chỉ máu đổ đầu rơi như bên Iraq mới là chiến tranh; trên lưới, tôi còn thấy loại “chiến tranh” khốc liệt không kém sau mỗi bước chân của tăng đoàn Thầy Nhất Hạnh trong chuyến về Việt Nam này. Người thuận kẻ chống, người khen kẻ chê, đã và đang tốn quá nhiều giấy mực rồi. Người biết rất ít về Thầy như tôi chắc chưa đủ công lực “bàn ké”, nhưng vì thấy tên Thầy đang được nhắc nhở nhiều quá khiến tôi muốn viết đôi chút về Thầy ở một lãnh vực khác. Lãnh vực mà tôi có thể biết “đôi chút”.
Tôi dùng tiếng “Thầy” vì đối với tôi, danh từ này giản dị hơn hai tiếng Sư-Ông hay Thiền-Sư, chứ chữ Thầy của tôi không có nghĩa là thầy trò vì tôi không phải là đệ tử của Thầy Nhất Hạnh. Suốt hơn 50 năm hoằng pháp của Thầy, tôi chỉ tình cờ có mặt trong một lần có Thầy thuyết pháp. Những Sư Cô, Sư Chú thân cận của Thầy thì tôi chỉ thấy hình trên báo. Nhưng sách của Thầy thì tôi thích lắm. Lời văn trong sáng, bố cục gọn gàng, diễn giải linh động, khúc triết nên “Thiết Lập Tịnh Độ” giúp tôi hiểu kinh A Di Đà, “Sen Nở Trời Phương Ngoại” giúp tôi biết được tư tưởng Kinh Pháp Hoa, “Nẻo Về Của Ý” giúp tôi biết cách nhận chân được giòng suy tư của mình, “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” giúp tôi thấy rõ giá trị của phút giây hiện tại để tránh xao nhãng giữ hơi thở trong chánh niệm…v…v… Và, quan trọng nhất với tôi là cuốn “Đường Xưa Mây Trắng” giúp tôi theo dõi được bước chân của Phật từ khi đản sanh tới ngày tịch diệt. Tôi không mấy quan tâm tới Làng Hồng, Làng Mai hay những tu viện đồ sộ của Thầy trên khắp thế giới, nhưng những việc làm “nho nhỏ” của Thầy thì tôi lại hay xúc động. Chẳng hạn như sau biến cố 9-11 năm 2001, Thầy đang có mặt tại Mỹ vì những chương trình thuyết giảng của Thầy tại đây. Khi đó, chỉ mới 2 tuần, sau biến cố 9-11 Thầy được mời nói chuyện ở một sảnh đường ngay chính tại thành phố Nữu Ước, nơi thảm họa khốc liệt vừa xảy ra, nơi lửa hận còn đang bừng bừng trên từng góc phố, từng ngả đường, từng hàng quán, từng gia cư. Vậy mà giữa thời gian, không gian ngùn ngụt căm hờn uất hận đó, Thầy quyết định giảng về đề tài “Bao bọc cơn giận” qua tinh thần Từ Bi Trí Tuệ của Đạo Phật. Với tinh thần đó, kẻ thù của ta không phải là người, mà kẻ thù ta là bạo động, tham vọng, cuồng tín, hận thù…. Khi đọc tin đó, tôi thực sự ngưỡng phục Thầy, thực sự thấy nghĩa chữ “Dũng” trong danh từ nhà Phật. Cái dũng của người tu hành nó thầm lặng, nhẹ nhàng mà khí phách vô song. Với thanh gươm Bát Nhã, Thầy một mình bước lên bục giảng sau khi căn dặn những đệ tử thân cận rằng, “Ngay trên bục giảng hôm nay, Thầy có thể lãnh đạn từ khẩu súng của một người dân Nữu Ước đang điên cuồng vì đau đớn đến mất lương tri. Nhưng nếu Thầy không có can đảm nói theo tinh thần Phật dạy thì Thầy cũng chỉ là một người đã chết trong lòng các con mà thôi.”

Tôi thực sự nghĩ rằng trong thời điểm và hoàn cảnh như thế, ít có vị lãnh đạo tôn giáo nào thể hiện tinh thần vô úy đến thế. Khi đó tôi có người bạn Thái, cùng học lớp Pháp ngữ, cũng theo dõi tin tức này và hỏi tôi, “ Ông thầy tu nào mà can đảm thế"” Tôi không thể quên được cảm xúc mình khi hãnh diện trả lời bạn tôi rằng, “Đó là Thầy Nhất Hạnh. Thầy là người Việt Nam”
Theo tôi, hiện nay có hai vị tu sĩ Phật Giáo có uy tín với thế giới là Đức Đạt Lai Lạt Ma, người tây Tạng và Thầy Nhất Hạnh, người Việt Nam. Tôi nhận thấy phương thức hoằng pháp, cách thể hiện lòng từ bi, uy tín và ảnh hưởng của hai vị có nhiều điểm tương đồng. Cả hai vị đều phải lưu vong, quê hương của hai vị đều bị Cộng sản cưỡng chiếm, năng lượng của hai vị đều đặt trọng yếu vào việc đi giáo hóa khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước Cộng Sản.
Khi Trung Cộng xâm chiếm Tây Tạng, ngoài việc giết hại dân chúng, tàn sát các tu sĩ Phật Giáo, Trung Cộng còn dùng chính sách di dân, đưa người Trung Hoa sang Tây Tạng với tâm nham hiểm là sẽ đồng hóa và diệt chủng Tây Tạng. Vậy mà có ai nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma nói lời thù hận Trung Cộng hay kêu gọi diệt Tầu Cộng không" Trái lại, nhiều và rất rất nhiều lần ngài khẳng định rằng, với lòng từ bi trí tuệ của một tu sĩ Phật giáo, ngài không thù hận người Trung quốc mà còn hướng về quốc gia này bằng cái nhìn thương xót trong tinh thần từ bi hỷ xả của Đạo Phật. Trong một lần hoằng pháp tại Ấn Độ, ngài gặp một tu sĩ Tây Tạng từng là một, trong hàng ngàn tu sĩ bị Trung Cộng bắt giam, tra tấn, đầy đọa khi xưa. Ngài hỏi vị tu sĩ đó rằng, “Suốt thời gian kinh hoàng bị giam cầm khổ nhục, ông có sợ hãi không"” thì vị tu sĩ thưa rằng “Điều lo sợ nhất của con là đánh mất lòng từ bi đối với kẻ thù.”
Đó chính là sự tranh đấu của đệ tử Phật, tranh đấu bằng tình thương và sự cảm hóa.
Thầy Nhất Hạnh cũng làm như thế. Trong nhiều thập niên, Thầy đã du hành đó đây, chuyển hóa cho biết bao người khổ đau có lại được đời sống an lạc, giúp đỡ thiết thực cho bao người cùng khổ, thiếu thốn; và những năm gần đây, với uy tín ngày càng lớn, Thầy đã tiến tới việc tìm kiếm hòa bình cho thế giới, đặc biệt là lò lửa Trung Đông lúc nào cũng sôi sục. Theo những bản tin thỉnh thoảng tôi có được thì trong những khóa tu ở Làng Mai, Thầy thường cấp học bổng cho những nhóm dân Do Thái và Ả Rãp là hai dân tộc có mối thù truyền kiếp. Ngay cả sau khi đã tới làng với mục đích tu học mà nếu gặp nhau, họ cũng nhìn nhau với con mắt hận thù. Nhưng chỉ vài tuần sau, qua những bài giảng, qua cách sống THỂ HIỆN GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA CON NGƯỜI, họ đã biết nhìn nhau thiện cảm. Và khi mãn khóa tu, họ ôm nhau khóc sung sướng trong niềm hy vọng.
Con đường đó Thầy Nhất Hạnh đã chọn và đã đi từ nửa thế kỷ qua, không hề sai khác. Với mọi luồng dư luận vừa tốt xấu, vừa hay dở, vừa khen chê…. đang vây quanh bước chân Thầy, đã vô tình tạo cho Thầy hình ảnh cô đơn của một ngọn núi hùng vĩ giữa sa mạc. Nhưng tôi nghĩ, với chính Thầy thì “Sắc bất dị không. Không bất dị sắc. Sắc tức thị không. Không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức. Diệc phục như thị…”
Một vị tu sĩ, trên đường thiền hành bỗng dừng lại, nhìn sâu sắc một chiếc lá phong vừa lìa cành đang chao lượn trong gió nhẹ rồi la đà rơi xuống trước mặt. Vị ấy cúi nhặt, rồi trân trọng đặt lên lòng bàn tay. Giây lâu, vị ấy mỉm cười. Từ một chiếc lá rơi, vị ấy vừa nhìn thấy cả đất trời mùa thu trong búp sen tay. Và hân hoan ôm cả mùa thu vạn hữu, tiếp tục thiền hành.
Cái tâm thong dong rộng mở, an nhiên tự tại đến thế thì làm gì có chỗ mà chứa những hẹp hòi của nhân gian.
Diệu Trân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.