Hôm nay,  

Nhận Định Tình Hình Các Đội Sau Tuần Thi Đấu Thứ Nhì

25/06/201000:00:00(Xem: 7650)

NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH CÁC ĐỘI SAU TUẦN THI ĐẤU THỨ NHÌ


Bàn thắng duy nhất vào phút 91 của người hùng Donovan trong trận gặp Algeria đã đưa đội Mỹ vào vòng 16 (ảnh www.dailymail.co.uk

 

 

Park Ji Sung và đội Hàn Quốc, niềm hy vọng của Châu Á tại world cup 2010, đã sẵn sàng đối đầu với Uruguau trong trận kế tiếp (ảnh http://www.telegraph.co.uk/sport/

 

 

 

Cú vô lê đẹp mắt của Ozil đã đưa đội Đức vào gặp đại kình địch Anh ở vòng 16 (ảnh http://www.fifa.com/worldcup/matches)

 

 

 

Vittek, người hùng của đội Slovakia, người đã có hai bàn thắng loại đội đương kim vô địch Ý(ảnh http://www.fifa.com/worldcup/matches/)

 

 

 

Đội Nhật xứng đáng là đội bóng xuất sắc nhất Á Châu hiện nay, đã vượt qua Đan Mạch một cách toàn diện để đi tiếp (ảnh http://www.fifa.com/worldcup/matches/)

World cup 2010 đã bước sang tuần thứ nhì. Khi bài báo này đến tay các bạn, vòng đấu bảng của giải đã gần kết thúc, chỉ còn hai bảng G và H là đang thi đấu lượt trận cuối cùng. Đã có 13 đội chính thức có mặt ở vòng 16. Các đội Bở Biển Ngà, Bồ Đào Nha (bảng G), Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Chile (bảng H) đang nỗ lực để dành 3 chiếc vé còn lại. Tóm tắt: Châu Phi và Châu Âu thất bại; Châu Mỹ và Châu Á thắng lớn. Mời các bạn cùng điểm qua diễn tiến các trận đấu và tình hình “kẻ ở người đi” ở các bảng.
Bảng A: Uruguay, Mexico đi tiếp; Nam Phi, Pháp bị loại.
Bất ngờ lớn đã xảy ra khi cả hai đội được đánh giá là yếu hơn đã đi tiếp vào vòng 16. Tình hình ở bảng này đã gần như ngã ngũ trước khi loạt trận sau cùng diễn ra. 02 đội Pháp và Nam Phi phải đá bại lẫn nhau với tỉ số ít nhất 03 bàn cách biệt, rồi mong cho Mexico thua Uruguay thì mới có hy vọng. Mọi người cũng nghĩ đến khả năng hai đội Mexico, Uruguay sẽ đá cầm chừng để dắt nhau vào vòng sau mà không cần biết kết quả trận Nam Phi- Pháp. Thực tế điều này đã không xảy ra. Uruguay đã chơi sòng phẳng, hạ Mexico 1-0 để đứng đầu bảng A, tạo điều kiện cho Pháp và Nam Phi có thể đi tiếp. Nhưng Nam Phi đã không tận dụng được cơ hội này. Họ chỉ thắng đội Pháp chơi với 10 người (Gourcuff bị thẻ đỏ vào phút 27) với tỉ số 2-1. Nam Phi làm nên lịch sử… buồn,trở thành đội chủ nhà đầu tiên của một world cup mà không đi tiếp vào vòng sau. Họ cũng đã nỗ lực hết mình để có một trận thắng danh dự, nhưng xếp sau Mexico do hiệu số bàn thắng bại. Đội Pháp hoàn tất một mùa world cup thất vọng nhất trong lịch sử của đàn gà trống Gaulois, không thắng nổi một trận, bị loại ngay từ vòng đầu, đội tuyển xáo trộn, lục đục nội bộ sau trận thua nhục nhã trước Mexico 2-0…Giá mà đội Pháp không ghi được một bàn danh dự trong trận gặp Nam Phi, thì số liệu thống kê còn thảm hại một cách.., trọn vẹn hơn: không ghi được bàn nào trong một world cup! Đội Pháp đá không dở hơn đội Honduras, hay Bắc Triều Tiên. Nhưng cách mà đội Pháp thua đã khiến người ta tự hỏi là lòng tự trọng của các cầu thủ ở xứ sở nổi tiếng là “sĩ diện hão” này có còn không"
Uruguay, chuyên gia “đi cửa sau” đến các world cup ở khu vực Nam Mỹ, đã vẻ vang giành ngôi đầu bảng A mà không để lọt lưới bàn nào, tạo nên bất ngờ đối với giới am tường môn túc cầu. Trận thắng 3-0 trước Nam Phi, rồi 1-0 trước Mexico đã cho thấy họ là một đội bóng có thể lực, kỹ thuật, có một cầu thủ đẳng cấp là Forlan. Việc đứng đầu bảng A giúp họ né được đối thủ mạnh là Argentina ở vòng 16. Nam Hàn là một đối thủ dễ chịu cho họ. Khả năng đi tiếp vào tứ kết của Uruguay xem ra sáng sủa hơn bao giờ hết!
Đội Mexico rất đáng khen ngợi với lối đá tấn công, nhiệt tình, không tính toán, dù đội hình không có siêu sao. Trong vòng 16,đối thủ của họ sẽ là “ông kẹ” Argentina! Nhưng cầu thủ Mexico Blanco đã tuyên bố không ngán đội của Maradona. Hãy chờ xem các cầu thủ Mễ uống Terquila loại nào để đá bốc lửa, và có làm nên kỳ tích trước đội Argentina vào ngày 06/27 tới không"
Bảng B: Argentina, Nam Hàn vào vòng sau; Hy Lạp, Nigeria bị loại
Dù cho bảng có đội Argentina vượt trội, nhưng diễn biến của hai trận cuối là Hy Lạp-Argentina và Nam Hàn-Nigeria diễn ra hết sức quyết liệt, vì cả ba đội còn lại đều còn hy vọng vào vòng sau. Trước một đội Argentina cho nhiều cầu thủ đá chính nghỉ ngơi, đội Hy Lạp dù rất cố gắng cũng chỉ cầm cự được đến nửa hiệp hai, rồi đành buông súng trước hai bàn liên tiếp của Demichelis và Palermo. Thua 2-0, Hy Lạp bị loại cũng là xứng đáng.
Trong trận còn lại, Nigeria hòa với Nam Hàn 2-2 trong một trận đấu hết sức hấp dẫn, gay cấn đến giờ phút chót. Đội Nigeria biết là nếu thắng Nam Hàn với tỉ số cao thì vẫn còn cơ hội, nên đã chơi một trận hết mình, và chính họ là người đã mở tỉ số trước. Sau đó là màn rượt đuổi tỉ số, mà trong cuối hiệp hai Nigeria chơi có phần lấn lướt hơn. Tỉ số hòa đã biến Nigeria thành đội Châu Phi thứ ba phải chia tay sớm với giải (hai đội trước là Camerron và Nam Phi).
 Nam Hàn thành đội bóng đầu tiên của Châu Á lọt vào vòng 16, thật đáng hãnh diện. Lối chơi hết mình, thể lực, kỷ luật chính là nhân tố thành công của họ. Đối thủ kế tiếp của họ là Uruguay, đội có cùng lối đá. Trận đấu đó hứa hẹn sẽ rất căng thẳng.
Argentina toàn thắng, ghi được 7 bàn và chỉ để lọt lưới một bàn trong một bảng B không có đối thủ ngang tầm. Messi dù chưa có duyên ghi bàn (anh đã có mấy cú sút dội xà ngang, cột dọc), nhưng cũng đã tỏa sáng. Tuy nhiên, đội hình của Maradona vẫn có cái gì đó không ổn. Veron là một tiền vệ tấn công quá mờ nhạt. Những lựa chọn khác của Maradona cũng trong hàng tiền vệ như Di Mario,  Rodriguez, Bolatti… đều không nổi bật. Argentina chỉ có hàng tiền đạo là mạnh thực sự và dư thừa với những Messi, Milito, Higuain, Tevez. Nhìn siêu tiền đạo Milito chơi lạc lõng trong trận đấu với Hy Lạp mới thấy khả năng kiến thiết bóng của hàng tiền vệ đội Argentina là kém. Một đội bóng không thể vô địch với hàng tiền vệ như vậy. Phải chờ ở những vòng sau mới thấy được thực lực của Argentina tới đâu.
Bảng C: Mỹ, Anh vào vòng sau; Slovenia, Algeria bị loại
Sau hàng loạt những xáo trộn bất ngờ, loạt trận đấu cuối đã trả lại trật tự chỗ cho bảng C, khi Anhvà Mỹ cùng vào vòng 16. Vẫn còn một chỗ “mất trật tự”, đó là việc Mỹ đứng đầu bảng chứ không phải là Anh!
Đội Anh đã khó nhọc vượt qua đội Slovenia với tỉ số tối thiểu, do công của tiền đạo Defoe vào phút 23. Siêu sao Rooney tiếp tục gây thất vọng, chỉ có những cú sút dội cột chứ chưa có bàn thắng nào. Cũng giống như trong trận trước đó gặp Algeria, lối đá của đội Anh thiếu sự biến hóa cần thiết để có thể ghi nhiều bàn thắng hơn. Chỉ ghi được 2 bàn sau ba trận, việc đội Anh đứng nhì bảng là xứng đáng. Họ sẽ phải đối mặt với đội đầu bảng D là Đức . Nhưng có lẽ ông Capello và học trò không có thì giờ để ý đến đối thủ kế tiếp. Họ cần phải lấy lại tự tin, củng cố lại tinh thần để vượt qua chính mình trước đã nếu muốn đi xa hơn.
Công bằng đã được trả lại cho đội Mỹ, là đội đã chơi nhiệt tình và nỗ lực cao nhất của bảng này. Những trận có đội Mỹ chơi luôn diễn ra hấp dẫn đến giờ phút chót. Ở trận gặp Slovenia, Mỹ đã bị dẫn hai bàn, nhưng đã vùng lên gỡ hòa 2-2 ở hiệp hai, rồi sau đó bị trọng tài từ chối một bàn thắng hoàn toàn hợp lệ vào cuối trận, có nghĩa là từ chối một chiến thắng xứng đáng đi vào lịch sử của đội. Trận Mỹ gặp Algeria diễn ra đứng tim như một kịch bản của Hollywood. Hai đội chơi ngang ngửa, ăn miếng trả miếng trong suốt trận. Đội Mỹ tấn công không mệt mỏi trong suốt 90 phút mà vẫn không ghi được bàn dù có cả gần một chục cơ hội. Mãi đến phút đá bù giờ 91, Donovan trở thành người hùng của đội Mỹ khi bàn thắng quyết định, trước sự vui mừng tột độ của cựu tổng thống Bill Clinton và hàng ngàn cổ động viên Mỹ trên khán đài. Đội Mỹ, chứ không phải là đội Đức ở các world cup trước đây, trở thành đội chuyên đảo ngược tình thế vào những phút cuối trận. Đội vào vòng 16 với vị trí đầu bảng, sẽ gặp đội Ghana, nhì bảng D. Không quá khó để vượt qua! Go, USA go !!!
Đội Algeria tiếp tục chuỗi thất vọng của Châu Phi, là đội thứ tư của lục địa Đen ngậm ngùi rời world cup. Trừ trận đầu đá quá tệ trước Slovenia, những nỗ lực của Algeria khi đối đầu ngang ngửa với Anh và Mỹ là rất đáng khen.
Dẫn đầu bảng C suốt hai trận đầu, Slovenia rớt xuống hạng ba trong trận thua đội Anh, đành chia tay giải trong tiếc nuối. Thực ra đây là một “cái chết đã được dự báo trước”. Slovenia lý ra đã phải thua Mỹ nếu không có sự yếu kém của trọng tài. Lối đá phòng thủ thận trọng của họ khá tẻ nhạt, nên nếu họ vào vòng 16 thì khán giả có nhiều khả năng phải coi thêm một trận đấu kém hấp dẫn!


Bảng D: Đức, Ghana vào vòng sau; Serbia và Úc bị loại
Lượt trận cuối cùng ở bảng D vô cùng hấp dẫn, do đội nào cũng còn hy vọng đi tiếp. Socceroos (Úc) là đội đáng khen nhất của bảng D dù bị loại vì thua hiệu số bàn thắng bại so với Ghana. Trong trận gặp Serbia, Úc đã làm nức lòng khán giả trên sân và cổ động viên Úc khi đánh bại đội Serbia 2-1 một cách xứng đáng. Nhìn Úc đá trận cuối, người hâm mộ chợt thấy tiếc cho Úc đã thua quá đậm đội Đức trong trận ra quân, nên tự đánh mất khả năng vào vòng sau. Có lẽ lúc đó Úc còn “khớp giò”, chứ nếu họ đá tưng bừng như trong trận cuối thì đâu đến nỗi! Bị loại như Úc vẫn có thể ngẩng cao đầu…về nước, vì họ đã cống hiến cho khán giả một thứ bóng đá hồn nhiên, không tính toán đang dần mất đi ở thời đại thực dụng ngày nay.
Đội Serbia bị loại cũng xứng đáng. Cũng giống như nước láng giềng Slovenia, họ sử dụng lối đá nhát gan không đáng có của những đội kèo dưới. Trận thắng 1-0 may mắn trước đội Đức đã cho họ cơ hội để tự định đoạt số phận của mình trong trận gặp Úc được xem là dưới cơ. Nhưng đã làm kẻ chết nhát trong những trận đầu, họ đã không thể đá chủ động tấn công hơn trong trận này, và đành chấp nhận thất bại.
Đội Ghana trở thành đội Châu Phi đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) lọt vào vòng 16. Họ đã chơi một trận ngang ngửa với đội Đức. Họ chiếm lĩnh khu trung tuyến rất tốt, tung ra những đòn phản công làm đội Đức phải vất vả chống đỡ, trước khi Đức dành thắng lợi sát nút 1-0. Trận đấu sắp tới giữa Ghana và Mỹ ở vòng 16 sẽ là một trận đấu hấp dẫn và ngang tài. Hãy đón xem!
Đội Đức đứng đầu bảng D một cách khó khăn. Trừ trận đầu gặp Úc, các trận thua Serbia 1-0 và thắng Ghana 1-0 đều bộc lộ những điểm yếu của đội Đức. Việc Podolski đá hỏng quả phạt đền trong khi Serbia đang dẫn trước 1-0 là một điều khó chấp nhận của các tiền đạo Đức, vốn rất bản lãnh khi đá phạt đền, và biết cách lạnh lùng ghi bàn trong những thời điểm quyết định như vậy. Đội Đức mà không biết tận dụng thời cơ để xoay chuyển tình thế thì không còn là đội Đức nữa! Trong trận gặp Ghana, người ta thấy các hậu vệ Đức lúng túng trước những pha chuyền bóng nhanh của Ghana, thấy hàng tiền vệ Đức hay bị mất banh ở khu vực giữa sân khi tranh bóng với các tiền vệ Ghana. Xem trận này mới càng tiếc cho Đức bị mất Ballack. Nếu không có quân bài nào mới, Đức sẽ khó mà đi xa hơn. Trận sắp tới gặp Đội Anh sẽ là một liều thuốc thử nặng cho đội Đức. Hai đội cựu vô địch thế giới đều đang có phong độ không ổn định. Tuy nhiên, lịch sử thường đứng về phía xe tăng Đức khi họ đối đầu với đoàn quân của xứ sở sương mù.
Bảng E: Hòa Lan, Nhật Bản vào vòng sau; Đan Mạch, Cameroon bị loại
Trong lượt trận cuối ở bảng này, chỉ có trận Nhật - Đan Mạch là thực sự hấp dẫn, vì đây là hai đội phải tranh nhau chiếc vé vào vòng hai. Ở trận còn lại, Hòa Lan đã có vé gặp đội Cameroon đã bị loại, Hòa Lan đã thắng nhẹ nhàng 2-1, đứng đầu bảng E. Hòa Lan sẽ gặp đội Slovakia trong vòng 16, sẽ là sự đối đầu giữa hai lối đá tấn công và phòng thủ. Khả năng Hòa Lan đi tiếp vào tứ kết là rất cao. Robben, sau 03 trận “ngọa sơn quan hổ đấu”, chắc chắn sẽ góp mặt ở các trận sau để hàng công Hòa Lan thêm đáng sợ.
Chiến thắng vang dội 3-1 trước Đan Mạch, Nhật Bản-chứ không phải Nam Hàn- chứng tỏ mình là đội bóng xuất sắc nhất Châu Á hiện nay, dõng dạc bước vào vòng 16 khi vượt qua hai tên tuổi lớn của bóng đá Châu Âu và Châu Phi là Đan Mạch và Cameroon. Chính Nhật Bản mới là đội đã xô ngã những giá trị cũ, khẳng định rằng kể từ nay, Châu Á sẽ chính thức là một thế lực mới ở các world cup tương lai. Hãy xem cách họ thắng đội Đan Mạch. Nhật pressing toàn sân với sự vượt trội về thể lực trước một đội bóng Bắc Âu luôn lấy thể lực là ưu thế. Hai bàn thắng tuyệt đẹp từ hai quả đá phạt trực tiếp của Honda và Endo xứng đáng xếp vào đẳng cấp thế giới, hàng phòng thủ vững vàng trước những đợt tấn công liên tục của Đan Mạch. Một điểm đáng nói nữa là phong cách chơi của đội Nhật. Dù chỉ cần hòa là đủ vào vòng 16, đội Nhật đã chơi bóng đôi công ngang ngửa với Đan Mạch, chứ không cần co cụm phòng thủ như các đội “kèo dưới” khác. Nhật đã là đội bóng lớn thực sự của thế giới về mọi phương diện. Xin ngã mũ chào các chàng hiệp sĩ Samurai! Đối thủ sắp tới của họ là Paraguay cũng không còn đe dọa họ được nữa. Nhật đã sẵn sàng cho một cuộc lật đổ mới, lần này là một đội đến từ Nam Mỹ. 
Bảng F: Paraguay, Slovakia vào vòng sau; Ý và New Zealand bị loại
Thêm một bất ngờ lớn nữa ở world cup khi đội đương kim vô địch thế giới bị loại ở ngay vòng bảng. Tệ hại hơn nữa, họ đứng chót bảng, sau cả “đội lót đường” New Zealand!
Đoàn chiến binh La Mã đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, trước khi nhìn đế quốc của Caesar sụp đổ bởi Slovakia, tạo nên một trận đấu kịch tính đến giờ phút chót. Trận thua 3-2 trước Slovakia đã bộc lộ toàn bộ yếu điểm của một đội Ý đã đến hồi phải thay máu để hồi sinh. Trừ trận đầu gặp Paraguay chơi khá tốt, đội Ý không còn là chính mình nữa. Hàng phòng thủ- điểm mạnh truyền thống của Ý- đã không thể chống đỡ nổi những đợt phản công sắc xảo của đội Slovakia. Hàng tiền vệ Ý không kiến thiết bóng, mà chỉ chạy theo bóng. Pirlo vào sân ở hiệp hai chỉ để nhắc nhở huấn luyện viên Lippi rằng, đội Ý muốn vô địch thế giới thì phải có những nhà kiến thiết bóng xuất sắc như anh vào năm 2006. Tiền đạo Ý không đủ sắc bén để ghi những bàn quyết định như thời Paulo Rossi, Roberto Baggio, Totti… Hình ảnh còn đọng lại là một đội Ý không đầu hàng số phận. Bị dẫn 2-0,rồi 3-1, đội Ý vẫn chiến đấu đến giờ phút cuối với bàng rút ngắn tỉ số còn 3-2 vào phút 93 của Quagliarella. Rồi sụp đổ… Cảnh huấn luyện viên Lippi bỏ đi vào trong ngay sau khi trận đấu kết thúc, những giọt mắt tiếc nuối của Quagliarella… đã nói lên tất cả sự tuyệt vọng của quốc gia có hình dáng của chân sút quả bóng này.
Hoan hô New Zealand, đội càng về sau đá càng hay. Đội đã không để thua bất cứ đối thủ nào trong bảng, có được 3 điểm để về nước. Họ sẽ được đón tiếp nồng nhiệt tại quê nhà. Cùng với Úc, New Zealand đã tạo nên hình ảnh một Châu Đại Dương hứa hẹn hơn trong tương lai.
Đội Slovakia đã viết nên lịch sử, khi lần đầu tiên dự một world cup (kể từ khi tách ra khỏi Tiệp Khắc cũ) đã đi tiếp vào vòng 16. Slovakia đã dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông”, đá phòng ngự phản công vốn là sở trường của đội Ý để hạ gục đội này. Vittek là người hùng của đội khi đã ghi hai bàn thắng đẹp mắt. Đối thủ kế tiếp của Slovakia sẽ là đội bóng thiên về tấn công Hà Lan. Liệu Slovakia có làm thêm một bất ngờ nào nữa trước “cơn lốc màu cam” nữa hay không"
Đội Paraguay bất ngờ đứng đầu bảng F bằng một lối đá Châu Âu: pressing, càn lướt bằng thể lực, cộng với một chút kỹ thuật của Nam Mỹ. Lối đá thực dụng này không đẹp mắt lắm, nhưng kết quả là trên hết. Trận gặp đội Nhật, Brazin của Châu Á, ở vòng 16 sẽ là dịp để Paraguay chứng minh biết cách chơi thực dụng đến cỡ nào.
Bảng G:
Số phận có vẻ như đã an bài ở bảng này trước loạt trận đấu cuối cùng. Brazil chắc chắn có một vé đi tiếp bất chấp họ có thua Bồ Đào Nha. Chiếc vé còn lại là sự tranh chấp giữa Bồ Đào Nha (4 điểm- hiệu số bàn thắng +7) và Bờ Biển Ngà (1 điểm, hiệu số bàn thắng -2) nếu đội này thắng được Bắc Hàn. Nếu Bồ Đào Nha thua Brazil với tỉ số một bàn cách biệt, thì Bờ Biển Ngà phải thắng Bắc Hàn đến 8-0 mới có hy vọng! Chắc chắn đội chiến binh cộng sản sẽ không để thảm cảnh này xảy ra một lần nữa.
99% Brazil và Bồ Đào Nha sẽ vào vòng sau. 1% còn lại dành cho…phim khoa học giả tưởng!
Bảng H: Trừ Honduras, ba đội còn lại là Chile, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ đều còn hy vọng trước lượt đấu cuối. Trên nguyên tắc, đội đầu bảng Chile với hai trận thắng, có 6 điểm sẽ có lợi thế hơn Tây Ban Nha và Thụy Sỹ (cùng có 3 điểm). Nhưng thực tế không phải vậy. Trận cuối Chile phải đối mặt với nhà đương kim vô địch Châu Âu, ứng cử viên vô địch, đang hừng hực khí thế muốn lấy lại sĩ diện và ngôi đầu bảng, việc kiếm một điểm ở trận này cũng không dễ chút nào. Kịch bản dễ xảy ra nhất là Tây Ban Nha sẽ thắng Chile, và Thụy Sỹ thắng Honduras, 03 đội cùng có 6 điểm và sẽ phân định ngôi thứ bằng hiệu số bàn thắng. Trong trường hợp này, Tây Ban Nha đang có lợi thế nhất. Một kịch bản khác cũng có khả năng xảy ra là đội Thụy Sỹ, chuyên gia đá phòng thủ phản công, sẽ không biết cách đá… tấn công để thắng đội chuyên phòng thủ là Honduras! Lúc đó, Tây Ban Nha và Chile sẽ vào vòng 16.
Hãy chờ xem!
Đoàn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.