Hôm nay,  

Iraq: Bầu Cử Và Bóp Cò

29/01/200500:00:00(Xem: 22973)
Trước, trong và sau ngày bầu cử, súng sẽ vẫn nổ tại Iraq. Hoa Kỳ có kiên trì hơn kẻ thù không mới là câu hỏi đáng nêu…
Ngày 30, Iraq vẫn có bầu cử nhưng bạo động vẫn xảy ra.
Đây là điều duy nhất chắc chắn về một biến cố có thể làm thay đổi tình hình Iraq, cục diện chống khủng bố và chính trị Hoa Kỳ trong những năm tháng tới.
Cuộc bầu cử đã và sẽ còn bị phá hoại, nhưng sau cùng vẫn hoàn tất trong những điều kiện tạm chấp nhận được. Dân chúng Iraq đi bầu để lập ra một Quốc hội Chuyển tiếp và cơ chế lập pháp này sẽ chọn người lãnh đạo Iraq cho tới khi xứ này có Hiến pháp và một chính quyền thực thụ. Vì thể thức bầu cử phức tạp của Quốc hội Chuyển tiếp (Transitional National Assembly - TNA), đương kim Thủ tướng Lâm thời Iyad Allawi có thể không được bầu lên làm Thủ tướng. Đây là một thất lợi cho Hoa Kỳ vì Allawi là người dám làm, làm được việc và lại có lập trường gần gũi nhất với Hoa Kỳ. Nhưng, đấy không phải là vấn đề duy nhất.
Iraq có ba sắc dân chính là Shia, Sunni và Kurd. Căn cứ trên tỷ lệ dân số, Quốc hội Chuyển tiếp của xứ này sẽ có đa số là người Shiite của sắc tộc Shia. Xuất sắc về kỷ luật và khả năng tự chế là dân Kurd, họ cũng sẽ gặt hái một số kết quả nhờ bầu cử dù có thể là sẽ thất vọng sau này. Có vấn đề là thành phần Sunnite của sắc dân Sunni. Họ là thiểu số từng giữ vị trí lãnh đạo tuyệt đối dưới chế độ Saddam Hussein và vì vậy gây nhiều oán thù với hai sắc tộc kia. Sau khi Saddam bị lật đổ, hỗn loạn, bạo động và phá hoại vẫn xảy ra trong vùng sinh hoạt của cộng đồng này.
Các nhóm phiến loạn đang ngăn bầu cử hiện nằm trong địa phương của dân Sunni. Đó là 1) tàn dư quân sự của chế độ Saddam, 2) xu hướng quốc gia dân tộc và chống Mỹ, và 3) các tay khủng bố mượn chiêu bài Thánh Chiến để phá hỏng kế hoạch ổn định của Hoa Kỳ, Abu Musab al-Zarqawi là một thí dụ. Điều gây bất ngờ cho chính quyền Bush là khả năng tồn tại rất cao và sức phản công mãnh liệt của các nhóm phiến loạn Sunnite, chủ yếu là nhờ sự hợp tác và phối hợp hành động của hai nhóm sau (nhóm "quốc gia dân tộc" và nhóm "Thánh Chiến").
Bây giờ, khi bầu cử tiến hành và hoàn tất, bước kế tiếp là những thỏa thuận hay tranh đoạt quyền lực giữa các phe và nhóm trong Quốc hội Chuyển tiếp. Với các lực lượng phiến loạn, màn đấu tranh chính trị hậu bầu cử là cơ hội bạo động. Xét về từng phe, cộng đồng Shia có thể vững tâm là bầu cử sẽ giúp mình củng cố đa số và nếu họ khéo hợp tác với cộng đồng Kurd thì phe Sunni càng rơi vào thế yếu. Vì vậy mà sau bầu cử thì bạo động và giao tranh sẽ tiếp tục từ cộng đồng Sunni ra, và sẽ nhắm vào thường dân Iraq cùng các đơn vị Hoa Kỳ.

Chính quyền Bush đã công khai cảnh cáo Iran và Syria đừng can thiệp vào bầu cử tại Iraq. Hôm 26 Tổng thống Bush còn trả lời truyền hình Al Arabyia với lời hăm dọa là Iran không được chi phối bầu cử. Thực ra, dù Iran có nhúng tay vào bầu cử thì cũng chẳng thay đổi tình hình vì đằng nào dân Shiite (theo Iran) vẫn có đa số tại Quốc hội. Iran lo ngại vì trong mấy tháng mà hai lân bang là Aghanistan (ở hướng Đông) và Iraq (ở hướng Tây) lại có bầu cử. Với các lãnh tụ độc tài, hạt mầm dân chủ là cỏ dại, là độc dược phải khử để khỏi lây lan vào vùng ảnh hưởng của mình. Iran chỉ muốn kiểm soát và ngăn ngừa được mối họa dân chủ vào trong lãnh thổ của mình. Điều ấy mới giải thích vì sao Tổng thống Hamid Karzai vừa thăm Iran để khánh thành đoạn xa lộ 75 cây số nối liền thị trấn Dogharun của Iran với tỉnh Heart của Afghanistan. Xa lộ vốn có hai chiều, nên Iran có thể sử dụng để vận động sắc tộc Shia tại Afghanistan.
Lối tính toán ấy khiến Thủ tướng Iran gặp gỡ Tổng thống Karzai của Afghanistan. Lối tính toán ấy cũng khiến Iran sẽ không khuấy đảo bầu cử tại Iraq nếu dân Shia chiếm đa số trong Quốc hội.
Vấn đề vì vậy không xuất phát từ Iran mà từ cộng đồng Sunni, từ các nhóm khủng bố, và nhất là từ trong chính trường Mỹ.
Dư luận và chính giới Mỹ có chấp nhận để binh lính Mỹ lãnh rủi ro lớn trong tiến trình dân chủ hóa Iraq không" Nghị sĩ Ted Kennedey nêu quan điểm của mình, là Mỹ phải rút khỏi Iraq. Ông còn là thiểu số, nhưng hy vọng chiếm đa số nếu binh lính Mỹ bị tổn thất nặng và dư luận cho rằng hồ sơ Iraq của ông Buash là một thất bại.
Năm xưa, Việt Nam Cộng Hòa từng có bầu cử và có nền dân chủ dù sao vẫn khá hơn miền Bắc gấp trăm mà chính khách Mỹ vẫn đòi rút chạy, với hậu quả ra sao chúng ta đã rõ. Ngày nay, hạt mầm dân chủ chưa gieo tại Iraq, trong bầu cử vẫn có kẻ bóp cò, nếu chính quyền Bush không vững chí, dân chủ tại Iraq sẽ bị diệt tại trụ sở chính của nền dân chủ Mỹ là Quốc hội Hoa Kỳ. Và chủ trương phát huy dân chủ của ông Bush trên thế giới sẽ là trò cười.
Tổng thống Bush không thuộc loại người đánh trống bỏ dùi như vậy, nên Iraq vẫn có bầu cử và bạo động vẫn còn tiếp tục. Kết quả sẽ ra sao" Câu trả lời ở đây là cũng chả nên quá bi quan. Afghansitan chỉ có một chế độ quân chủ phong kiến, rồi ngoại xâm, cách mạng vô sản chắp vá, rồi nội chiến, rồi khủng bố Taliban. Mà cuối cùng xứ này vẫn có bầu cử dù không hoàn hảo, và Tổng thống Karzai cuối cùng vẫn qua Iran nói chuyện, một chuyện ít ai ngờ.
Iraq cũng có thể như vậy, nếu ông Bush không chột dạ và giới chính trị ích kỷ đớn hèn của Hoa Kỳ không tái diễn những lầm lẫn cũ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.